Những trận chiến lớn nhất chính là những trận chiến trong tâm trí chúng ta.

Jameson Frank

 
 
 
 
 
Tác giả: Tô Hoài
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4312 / 69
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đực
ó một hôm nó trốn đâu từ lúc đương bữa cơm chiều. Cả nhà đi tìm quanh quẩn khắp xóm mà cũng chẳng thấy. Không thường con quái lại chạy tít ra tận ngoài đồng!
Nó tinh quá. Mới giơ có cái xích ống ra rung rung mà nó đã chạy phát nhọc lên. Có gì đâu! Người ta chỉ muốn làm cái việc trường cửu của nó thôi.
Nó là chó. Nhưng ở nhà gọi tên là Đực. Trước kia, hồi nó còn nhỏ, thày tôi đặt tên là con Bô - Tô. Phải cái trí nhớ của cu cậu kém quá, chỉ có việc nghe gọi “Bô - Tô, Bô - Tô” mà cứ quên khuấy, đang chạy cũng nhãng cả quay cổ lại. Nếu lại hò tiếng thông thường, cún cún ều cún ều, thế thì nó sẽ ve vẩy cái đuôi, sán lại ngay đấy, song nghe thế mới tục tĩu làm sao! Có khi chỉ phải tặc tặc cái đầu lưỡi, nhổ một bãi nước bọt là chó ta cũng mon men đến.
Nên cả nhà tôi gọi nó là Đực. Nghe tiếng gọi “đực, đực” cũng gần giống tiếng tặc tặc cái lưỡi. Thế là dung hòa cả đôi cách. Có đâu vài ba bận nó đã quen được tên.
Mẹ nó quê gần bên kia sông - chẳng ai có thể biết được bố nó là dòng dõi nơi đâu. Cái loài chó má vô luân làm gì có sự giao kèo vợ chồng! Một lần ông ngoại tôi sang Phú Gia chơi với cụ Nhiêu Vạng. Nhân nhà có một chị chó cái giống tốt đẻ được một đàn năm con, cụ Nhiêu bèn biếu ông tôi hai con lớn nhất: một đực, một cái. Ông cụ bỏ đôi chó bụ bẫm, mỗi chú vào trong một cái rọ tre. Bữa ấy, tôi chọc hai đầu gậy vào cặp rọ mà quẩy thung thăng đôi chó về bên nhà. Đi đường, chúng kêu nhăng nhẳng như kiểu chúng chửi bới tôi.
Về bên nhà, hai con chó chỉ biết có một việc hục đầu ăn no kềnh, đi lục lặc cái bụng phềnh chắc nịch, trĩu cả sống lưng xuống, và đùa giỡn nhau suốt cả ngày.
Chó nhỏ vui chơi chẳng khác gì trẻ con. Hốc đấy, nô đấy, lại cũng ngủ ngay đấy. Con Đực thật hệt một đứa trẻ bướng bỉnh và anh hùng rơm. Nó hay bắt nạt con chó em. Nó vật cổ con kia ra, cắn một miếng chơi vào bụng rồi chuồn mất, để cho con bé cứ nằm chổng bốn vó lên mà kêu ăng ẳng. Nó lại cợt với cái chổi dựng ở đầu hè. Nó lấy chân khều khều, làm như cái chổi là bạn tri kỷ của nó. Nó nhá cái chổi và nhá quai guốc của trẻ con bỏ quên ở ngoài sân, nghe cồn cộn. Chân nó lại chạy ra đằng sân sau dọa dẫm lũ gà và ngỗng làm cho bác gà trống vừa phải nhảy hậu, vừa nhớn nhác kêu quéc quéc rộn rã. Ông ngỗng thì gan hơn. Ông thò vươn cái cổ, nói khàn khàn trong cuống họng. Ông xử cặp mỏ dài và rắn, bổ độp một chùy vào sọ con chó như một người mẹ độc ác lấy tay cốc xuống đỉnh đầu đứa bé. Con chó nhãi nhép vừa chạy vừa la om sòm.
Hễ có một khách lạ vào nhà, cả hai con chó cùng xồ ra sủa ồm ồm. Nhưng người ta đi tiến thì chúng lại lùi sâu vào. Sau hết, cả hai nỡm cùng lẩn vào gầm phản để giữ thế thủ với nhau và sủa hóng ra.
Thường giữa ban ngày chúng cũng ngủ lăn lóc. Chúng gối vào nhau mà say giấc. Con thì nằm úp mõm, duỗi thẳng bốn chân. Con thì khoanh người lại, đầu vắt xuống đuôi. Nhiều khi chúng mê hoảng, đang nằm cũng nghiến răng kêu ư ử. Cũng có những bận chúng đái dầm nữa. Đương ngủ bình yên - dáng hẳn chợt mơ màng tưởng mình đứng tận ngoài đầu vườn - chúng đái tè ra ướt đầm thành một vũng nước. Thực là những đứa trẻ nằm mơ, những đứa trẻ con khoai củ nhà quê. Nhưng chúng càng lớn lại càng nằm xa nhau, cho đến khi thật đứng đắn thì không còn thấy lần nào chúng nằm ngủ vắt lên nhau mà ngáy nữa.
Trong vòng mấy tháng trời - từ độ ngoài Tết mùng Mười cho đến cạn tháng Ba - đôi nhách chó tí tẹo đã trở nên hai con chó trẻ tuổi. Chúng vỡ da, vỡ thịt để nhớn. Cái giọng cắn the thé đã đổi sang giọng trầm trầm, nhát một. Cũng như ở cái thời mười sáu, mười tám ta bắt đầu lang mặt và vỡ tiếng nói ồ ồ.
Bộ lông của hai anh em nó rất giống nhau. Đó là cái màu vàng lợt lợt, không ra sẫm hẳn mà cũng không hẳn trắng bệch. Chân cao. Đuôi chỏng lên trời. Khi bước đi, nó nghiêng ngả như cái cán cờ. Các người sính chó bảo giống này là giống chó thường, chẳng dữ mà cũng chẳng hiền. Cái thứ chó vừa tầm người, không cao, không to mà ở hầu khắp các vùng nhà quê người ta vẫn nuôi. Chả hiếm nên không quý. Chúng dốt bắt chuột, nhưng cũng hiểu việc đánh hơi và cách hít. Một con mũi hung hung đỏ và một con mũi xám ngắt.
o O o
Những sớm tinh sương, anh Đực hay ra ngóng ở ngoài cổng tán. Đã biết cái khóe chơi của một gã trai tơ rồi đấy. Cậu đứng đợi người yêu.
Ở đâu, ở loài nào, khi cuộc đời đương độ, người ta cũng thở hít thấy rặt những không khí ái tình. Cái hương vị mơ hồ và bâng khuâng ấy đã làm cho con Đực đang trẻ con láu táu bỗng trở nên người lớn đứng đắn và có lễ độ. Dáng đi của nó ra điệu gọn dẻo, từ tốn, khoan thai, và nó ít đùa nhả nữa.
Đôi mắt ốc nhồi của nó linh hoạt như có dầu trơn trong cặp con ngươi màu nâu đùng đục. Chả biết bộ mắt ấy có phải là lẳng không, thế mà vô lủng các chị em láng giềng cảm Đực ra phết.
Con Đực yêu hăng lắm. Nó có hàng tá nhân tình. Bởi nó bảnh bao, phì nộn và cũng bởi nó tài năng, khỏe mạnh. Nó là một ông tướng, một ông đại tướng. Nó phải hành động rất lắm việc.
Nó đi chim các chó nhà người ta. Nó vơ vét mọi nơi. Nhưng nó vẫn không khỏi có cái tính ích kỷ nhỏ nhen. Con em Cái nó cũng đương tuần cập kê. Nó lại kiêm cả việc ở nhà để trông coi riết. Nó không muốn em nó hư hỏng vì sự đua đả bạn bè. Còn không bao giờ nó nghĩ đến sự hư hỏng của mình và không bao giờ nó để ý đến sự nó đã làm hư hỏng vô khối kẻ khác. Con bé cứ thập thò ra ngõ chực đi rong là nó lại cắn cho một chặp. Và hễ cậu nào có lượn lờ, lảng vảng qua cửa, nó cũng nhảy ra đánh luôn.
Lúc nào nó cũng lo nghĩ bộn rộn. Đi ve vãn các chỗ lạ còn rào giậu ở nhà. Bao nhiêu công việc! Phải biết rằng khi trẻ tuổi nó chẳng chịu làm ăn chi cả, chỉ có nghĩ đến sự ái tình. Mà thực cũng buồn, nếu những con chó trẻ trung không có những chuyện ma chuột ấy thì tuổi thanh niên của nó còn biết dùng làm gì nữa!
Cho nên nó chiến đấu một cách mạnh mẽ. Sau những trận chơi bời dữ dội, nó mệt nhọc về nằm ở cổng ngõ. Nhưng dù nằm nghỉ đấy, thoáng có bóng một chị cái nào lởn vởn, nó lại ve vẩy đuôi, thè cái lưỡi dài và đỏ, chạy theo. Chỉ một ít lâu, người nó tọp hẳn lại. Thân thể nó dài thượt và nghêu nghẹo. Cái bộ mã vàng lợt có chỗ mất cả một mảng lông, để lộ lần da xam xám.
Một buổi kia, cả nhà đã cơm nước xong, đến bữa cho chó. Thằng cu Lặc lấy bát chắt nước vo gạo, đổ đầy cơm vào lon rồi gọi ồn lên mà chẳng thấy bóng con nào về ăn. Đi tìm: cậu Đực, trong bụi tre sau vườn, còn cô Cái cũng mải đú đởn bên gốc cây rơm.
Thằng Lặc vác cái gậy to thô lố ra phết cho cậu Đực của nhà những roi đòn kịch liệt. Thế là tan. Còn cái đuôi của con Cái, biết đấy, nhưng Lặc không “khủng bố” tới, Lặc nghĩ: “Cho nó đi lấy giống”. Hừm! Thằng Lặc đã ác độc quá lắm. Cái phương pháp nó đem khu trị giống chó quả là không cân và ức hiếp, trái hẳn với sự xét nhận loài người, nó dung túng cho phái khuyển yếu mà đi trừng trị bọn đàn ông. Chẳng ai người ta thừa cơm mà nuôi một con chó điếm đàng. Ông ngoại tôi bảo:
- Con Đực tốt nết lắm. Tao muốn để nuôi nó. Nhưng phải cũi nó lại, không được cho nó đi lang thang như thế mà nó rạc đi.
Con Đực bị nhốt cũi. Nhưng làm sao đổi được tính nết nó! Chẳng nhẽ nhốt được mãi, mà cứ thả ra là lập tức nó chạy biến. Và bị kìm hãm như thế mỗi lần sổ lồng nó lại la cà hơn bao giờ hết.
Thấy vậy ông tôi bèn bảo thằng Lặc:
- Mày sửa sẵn lấy cái xích ống. Tao phải thiến nó mới được. Đến tuổi rồi. Chưa kịp thiến, cứ nhông nhổng lên thôi.
Lặc đem dao ra vườn chặt một đốt tre. Nó đóng thòng lọng một đoạn thừng đay rồi xâu vào cái đốt tre ấy. Con chó sổng đi từ hôm qua. Lặc rình. Nó ở một rặng cây ô rô. Lặc giả cách đi lừ đừ tới, giấu cái xích ống đằng sau lưng. Thấy người nhà, Đực ve vẩy đuôi, cúi mõm xuống. Nhưng chừng như nó đoán hẳn nó có tội gì. Nếu không ai bỗng dưng lại đi đến gần nó làm chi. Quả thế, kia kìa cái đầu gậy thò lò ở sau lưng thằng người. Tới gần, Lặc giơ cái xích ống lên. Thế là Đực xoải chân ra chạy thẳng. Bữa cơm chiều cũng không dám tưởng đến về ăn.
Người ta định bắt thiến con chó. Thiến nó thì còn gì là đời thanh xuân của nó? Nhưng bản thân người ta chỉ định cái việc lâu dài, cái việc trường cửu cho nó. Bởi có thiến thì con chó mới bó buộc phải sống lâu năm được. Ở đời, người ta chỉ chuộng cái giống khỏe khoắn thôi chứ.
o O o
Đã muốn rồi cũng được vậy. Một buổi sáng thằng Lặc lừa bắt nổi con Đực. Tay nó vẫn lăm lăm cái xích ống. Đực hoảng hốt.
Nhanh như cắt, Lặc quàng vội chiếc vòng thẳng vào đầu Đực rồi đẩy cái ống tre xuống co rút lại. Nó kéo con chó đi. Kéo một lại được cả hai! Con chó cái chạy giật lùi rít lên và kêu gầu gầu ỏm tỏi... Thằng cha vô lương tâm, thấy thế, lại cười ằng ặc.
Đực bị nhét đầu vào gậm cái bậc cửa dưới nhà ngang. Lặc lấy chiếc ghế nhỏ chặn lên cổ con chó và giữ chặt lấy. Ông tôi kéo dài hai cẳng sau, lật ngửa tênh hếnh bụng nó lên. Con chó cố cựa nhưng không quay được một mảy, cố kêu nhưng chỉ ấm ứ ở trong họng. Ông cụ cầm sẵn con dao nhỏ, xẻo rất nhanh... Lặc nhét vài hột muối và quết một ít dầu ta vào chỗ vết cắt ấy. Thế để cho đến lúc se máu, vết thương không bị cứng dấu và đóng vẩy được ngay. Máu tuôn đỏ lòm. Đực kêu thất thanh. Ôi chao! Buốt đến thế nào?
Cái công việc đó ông tôi làm nhanh lắm. Dễ chăng chỉ một vài giây đồng hồ đã xong hẳn và buông được con chó ra. Thật là một hành động chóng vánh, chỉ trong có một li đã biến đổi cả một đời.
Con chó được buông lỏng, hống lên, hục hặc chạy đi. Nó đến nằm rấp ở một xó bụi ô rô mà rên hừ hừ. Chẳng biết nó tiếc xuân, tiếc đời hay là tại đau quá? Bữa ấy cậu bỏ cả cơm.
Nhưng da dẻ loài chó rất chóng liền vết. Nên được độ một phiên chợ nó khỏi hẳn và đã đi lại nheo nhẻo.
Có lẽ bởi thế, con Đực mới nghĩ ức trong lòng. Mấy hôm Đực buồn thỉu, buồn thiu, đi lừ khừ quên cả ăn uống. Chắc hẳn cu cậu ứa nước mắt ra mà sầu cái sự đời éo le.
Cái xó vườn cỏ dại đằng sau nhà không còn oanh yến dập dìu như xưa nữa.
Có một hôm, Lặc đang đứng cầm cái sào nứa dài để dồn vịt vào chuồng. Con Đực đi qua đó, trông thấy thằng cha đã hại mất nửa đời mình, liền chồm lên, cắn một miếng vào bắp chân dưới của Lặc. Thằng Lặc bị miếng đòn thù bất ngờ, không kịp kêu, vội vàng lấy sào đập con chó, vết cắn ấy sâu lắm, in rõ hằn hai cái răng nanh dài ngoằn, ấn lõm vào trong thịt, máu tuôn ra đầm đìa.
Lặc lấy mồi thuốc lào và cạo một ít rêu cau rịt ngay lại cho nó cầm máu rồi vác gậy đi tìm con chó hỗn láo. Ai cũng biết mà đoán ngay rằng con chó tinh ma ấy trả thù kẻ đã thiến nó. Nhưng cũng biết trông mặt mà rửa hờn nên nó chỉ dám đả có thằng Lặc mà không đụng đến ai.
Lặc lùng được con chó. Lặc xích cẩn thận lại rồi đánh Đực một trận nhừ tử. Những cái đầu gậy to bằng đầu cái chầy đâm riềng nện vun vút xuống lưng, xuống sườn, xuống mông, xuống đầu chàng Đực. Kêu chán rồi chàng chỉ đành nằm mọp. Cái giống chó chịu đòn giỏi hơn cả người.
Về sau, biết thân kém hèn, nên không một lần nào Đực dám nghĩ đến sự thù hằn nữa. Nó yên phận thủ thường. Và đối với kẻ thâm độc, than ôi! - hỏi cái sự ngôn ngữ bất đồng - ý như nó chỉ dành ở riêng với trời cao.
o O o
Từ đấy, bắt đầu những ngày tháng buồn tênh.
Thôi còn gì nữa! Hết cả rồi! Dù chẳng là tù nhưng thân con Đực có khác chi thân một tội nhân phải vĩnh viễn giam cầm bên trong cái cánh cửa sổ, kiếp kiếp đóng chặt lại, không thể có khóa nào mở được. Mà ngoài kia thì này là trời xanh, này là nước bạc, này bướm, này chim, vạn vật sinh linh như rạo rực lên trong một nguồn sống mãnh liệt.
Loài người mình, khi thất vọng một điều gì, thường hay cáu kỉnh và đâm ra liều lĩnh. Hoặc yếu linh hồn một chút, liền trở nên rầu rĩ, chán nản. Nhưng hẳn cái kho trí khôn mờ tối của con chó không có, không biết đến những sự phiền phức ấy. Nó chỉ biết có một điều cáu kỉnh. Nó cáu kỉnh đợp thằng Lặc một miếng. Người ta đã trả lời cuộc báo thù của nó bằng một trận đòn dữ dội quá thì nó chừa hận thù rồi. Nó chỉ còn bực mình suông thôi. Nó bực mình với phía khác, với em nó, với đồng bào nhà nó. Bởi vì thế là nó hết cả rồi! Đời còn chi?
Trước tiên là cáu với con em. Mấy hôm ốm vì bị thiến, phải nằm lử một xó. Đực nhận ra rằng: cái con em đốn mạt đã chẳng thương xót gì anh thì chớ mà nó lại còn kéo đàn, kéo lũ ở ngoài đường ngõ với bọn bạn hữu giăng hoa. Cho nên đến khi khỏi, suốt buổi Đực chỉ chuyên có việc căn vặn em. Gặp chỗ nào cũng gừ. Luôn luôn nó hếch mép lên, nheo mắt lại và chìa cả hai hàm răng trắng tểnh như ngà có đôi nanh nhọn hoắt mà gầm ghè, làm bộ như sắp giết em đến nơi. Chị ả sợ hãi, cúp đuôi lẩn ra chỗ khác. Nó bực em nó cả ngày. Cái trò bị đánh mãi thì coi thường đòn, con Cái không biết sợ nữa. Nó cũng gâu trả lại, mỗi khi thằng anh bất lương đả nó.
Sau con Đực chắc cũng biết hục hặc như thế là vô lý. Nó thôi. Bởi nếu mà cáu thì cứ cáu cả đời. Ở cái tuổi trẻ măng măng của con bé, nó đè nén làm sao được sóng tình dào dạt. Đực lại bỏ đi gây sự đánh nhau rắc rối với láng giềng. Nó sinh ra rất ghét tất cả những cuộc tụ bạ ở các ngã ba, ngã tư đường. Nó tưởng như lũ chó chưa thiến chỉ đứng đấy để chế giễu nó. Cho nên, nếu người ta còn trông thấy nó ra đó, là nó ra để choảng nhau. Nó cắn tuốt, không trừ một con nào. Thảng hoặc đôi khi, ngó thấy một con chó mơn mởn quá, động tình nó cũng hít hít... nhảy nhảy. Nhưng cái thời xuân xưa đã đi đâu mất rồi!
Nó mới ngán ngẩm ra. Nó mới tợp cho chị ả một miếng nặng. Thế là cả họ, cả tụi nhà con chó cái mĩ miều nọ kéo đến gầm gừ, khởi một cuộc xung đột tan hoang.
Nhưng rồi anh em cắn nhau mãi cũng buồn. Đời đã sẵn buồn, như thế lại càng buồn chán hơn.
Con Đực thôi không hay táo tợn nữa. Nó tìm kết bạn với một vài anh chó già hoặc cũng đã hết xuân như nó. Thiến lại chơi với thiến, đồng bệnh, người ta sẽ hiểu nhau hơn.
Quả nhiên thế thật. Những bác chó chán đời này thân mật với nhau lắm. Những sớm mùa hạ, trời mới hồng ửng chứ chưa có nắng, cả bọn quần nhau, đùa nghịch thung thăng ở ngoài cánh đồng lúa xanh. Đực không chơi bời, hay là muốn cũng không chơi bời được nữa - thì người hắn béo ra. Những chòm lông mọc dài, óng ả và mỡ màng. Dáng đi của nó đàng hoàng và bệ vệ, những gióng chân bước đều đặn, đôi con mắt lừ đừ như trong đầu nó đang nghĩ ngợi xa xôi hay triết lý một điều gì. Thân nó chắc nịch, và chỉ trong có đôi, ba năm trời nó đã to bằng một con chó hạng nhỡ.
Cái tính hung hăng thuở trẻ của nó mất hẳn. Nó lừ đừ và hiền hậu trở lại. Nếu có khách vào nhà, nó cũng chỉ cắn oăng oẳng mấy tiếng làm hiệu chứ không xồ đến tận chân người ta như trước nữa. Nó thường nằm ở gầm phản, hè, lối trông ra ngõ. Ngày nó nằm, đêm nó đi mò suốt canh. Nó tuần phòng. Con chó khôn quá! Khi người ta kéo nó ra khỏi con đường tình ái thì nó mới trông thấy con đường nghĩa vụ. Bởi vì giống chó sinh ra đời chẳng là để làm cái chức việc giữ nhà hay sao?
Bây giờ chó Cái đã chửa. Nó vác cái bụng đi khạng nạng như thế trông xấu đi nhiều, mất cả cái vẻ tự nhiên. Được ít lâu nó đẻ ra lúc nhúc bốn năm mụn chó con. Cái đàn chó nhỏ ấy cứ rúc đầu vào bú tồm tộp cả ngày. Những chiếc vú xinh xẻo của mụ Cái dài ra, to và mẫm như những chiếc củ cải nõn. Mỗi bước đi, một chùm tám chiếc vú lại đánh lúc lắc sang hai bên, làm thỗn thện cái bụng. Ra vẻ nạ dòng quá.
Con Cái cứ đẻ năm một sòn sòn. Mỗi lần nó ở cữ, các nhà bà con láng giềng cố tình tới chơi, thấy những con chó xinh xinh lại xin một nhỏ.
Năm tháng lần trôi, con chó Cái gầy rạc và xấu mãi đi. Mà anh Đực vẫn như nguyên. Có phần anh lại càng béo đẫy thêm. Thằng em con nhà dì tôi, mỗi khi nghịch tinh, thường túm cổ con chó, cưỡi lên lưng nó như người ta cưỡi ngựa. Chân thằng bé vừa sệt đất. Con Đực có thể mang trên lưng thằng bé lên tám tuổi ấy mà đi chậm chạp từng bước một, từ đầu sân nọ tới đầu sân kia.
Bọn trẻ thích Đực lắm. Chúng nô đùa với nó cả ngày. Chúng buộc dây đeo và đeo chuông vào cổ con Đực mà giả cách tưởng nó làm ngựa, cho nó chạy nhong nhong. Mỗi bận, những đứa bé sờ tay vào đầu vào cổ con Đực, Đực lại sung sướng lim dim đôi mắt lại và ngoe nguẩy cái đuôi. Nó hiền như bụt đất.
Và nó ăn ở có giờ giấc hẳn hoi. Ngày đôi bữa ăn rồi lại nằm ườn bụng mà thở phập phồng. Ban đêm, nó đi mò mẫm. Nó dạo trên đường sân, mỗi một bước, những cái móng nhỏ, sắc và khoằm đập xuống mặt gạch, nổi lên những tiếng lách tách như âm thanh ở một thứ nhạc kim. Chốc chốc nghe hơi đâu có tiếng động, nó cắn vọng gâu gâu.
Đã đến ngoài mười mùa đông rét mướt đi qua. Thấm thoắt mới ngày nào, giờ đã ra mười mấy năm trời.
Con Đực sống dưới mái gia đình tôi đã hơn mười năm, từ cái ngày tôi còn có ở trên đầu một núm hoa roi dài lê thê xuống tận sống lưng và mặc một bộ quần áo nâu da bò có hai tay áo bóng nhẫy những quệt mũi.
Đã nhiều đổi thay. Ông ngoại tôi khuất núi từ một sớm mùa đông năm Canh Thìn. Cái người đem nó bên kia sông sang đây đã bỏ các cháu mà ra đi mãi mãi rồi. Bà ngoại tôi, thành lưng cao ngày một gục còng xuống, không cất nhắc được mấy nỗi công việc nữa.
Mấy đứa em con nhà dì tôi, thằng bé nhất cũng đã biết cắp sách đi học trường làng.
Còn Lặc, cái kẻ thù số một của con Đực già cũng đã lớn ngót ba mươi tuổi. Hắn không ở cho nhà tôi nữa. Sống mãi ở một nơi cũng chán. Nhưng có lẽ nó chán hơn cả là ở đâu cũng thấy cái xiềng nghèo kiết đóng đai vòng quanh cổ. Năm vừa đây theo với chúng bạn, Lặc nhập vào bọn phu mộ sang vỡ rừng, ở một miền cao su đất đỏ tận trong xứ Nam xa xôi.
Riêng phần con Đực, con Đực chỉ lạnh lùng trước cuộc đời và lạnh lùng với tháng ngày. Thỉnh thoảng nó thả nỗi lòng vào vài tiếng hoáng lên trời.
Các bạn nó cũng tan tác hết. Con bé em chết đã lâu. Đẻ nhiều quá, thân thể gầy nhòm, bữa kia người ta liền cho nó một cái chày vào đầu để làm một nồi nhựa mận. Con chó Nhõm bên hàng xóm, một Tết Nguyên đán, sợ pháo mà chạy mất tích, không thấy trở về. Con Vàng có tính hay cắn trộm, ghẻ lở đầy người cũng qua đời đã bốn năm nay. Những anh đồng niên với Đực mà không thiến thì chết từ lâu lắm, dễ có đến ngót mười năm. Nếu chẳng thiến thì thọ làm sao được! Một hai mùa chơi bời, gầy mõ xương ra, ai còn buồn phí cơm nuôi một con chó trụy lạc, còm xác đến tận răng!
Câu chuyện của nó đã ra chuyện ngày xưa. Thời gian làm ly tán cả. Trở đi, trở về, kẻ chết, kẻ giang hồ mất, kẻ bị bán đi nơi khác. Lại còn có kẻ xấu mắc vào những bẫy cò ke của tụi ăn trộm chăng ở bờ giậu để đến nỗi chúng bắt được, đem bán cho các tửu quán. Họ đem làm thịt, lôi lòng gan ra và móc vào chiếc móc sắt, treo cong cái lưng chó vàng ngẫy ở các cửa hàng cơm những dọc đường.
Mòn mỏi trong đám chó hậu sinh bây giờ, một mình con Đực lặng lẽ sống cái cuộc đời tàn cục buồn thiu.
o O o
Đực nằm ở đầu ngõ vào, trên cái ổ rơm cuộn tròn, lồng trong một mảnh nắng mỏng của mùa đông hanh hao. Cái đuôi nó cuốn lại, ba chân thu vào, còn một chân để tỳ dưới chiếc mõm khép kín cho hếch lên cái sống mũi xanh xám. Những chòm lông trắng đẹp ngày xưa bây giờ quăn lại và kết thành từng đám bù xù.
Qua thời kỳ trai trẻ chơi bời, đến lúc tỉnh ngộ với cái thân hình tráng kiện rồi lần lần bước sang tuổi già, con Đực cũng héo hắt dần.
Đực không còn thính tai nhanh chân như thuở trẻ. Ăn cũng thấy nhấm nháp in ít. Cả ngày chỉ nằm tròn. Được mấy hôm nay hửng trời, không có mưa bụi phấn bay lăn phăn, con Đực tìm ra nằm sưởi nắng ở đầu tường.
Nó lão lắm, chả còn kham nổi việc coi nhà đêm hôm. Mà nhà có vườn rộng, không được con chó khôn ngoan, lanh lẹ, trong những đêm dài, người ta ngủ cũng chẳng dám trọn giấc.
Hôm qua, tôi đi mua ở trên chợ Bưởi về một con chó, lông vàng sẫm như lông bò. Anh này mới ra đời được gần một tuổi, khỏe và béo lắm. Chắc nhanh trai lắm. Nhưng phiền một nỗi, chàng ta lại chưa bị thiến.
Khách Nợ Khách Nợ - Tô Hoài Khách Nợ