Fear keeps us focused on the past or worried about the future. If we can acknowledge our fear, we can realize that right now we are okay. Right now, today, we are still alive, and our bodies are working marvelously. Our eyes can still see the beautiful sky. Our ears can still hear the voices of our loved ones.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: Fleurs De Ruine
Dịch giả: Hoàng Lam Vân
Biên tập: Nguyễn Linh Nhi
Upload bìa: Nguyễn Linh Nhi
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 13
Cập nhật: 2023-07-22 21:46:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
ái giấc mơ mà tôi rất hay có ấy, về một chuyến ô tô từ Tả ngạn đi sang Hữu ngạn, trong hoàn cảnh rối beng, tôi cũng từng trải qua, vào lúc tôi trốn khỏi trường vào tháng Giêng năm 1960, tôi được mười bốn tuổi rưỡi. Chiếc xe ca mà tôi lên tại Croix-de-Berny cho tôi xuống Cửa ô Orléans, trước quán Café de la Rotonde chiếm cứ phía dưới một trong những tòa nhà của đường vành đai. Những lần hiếm hoi chúng tôi có một ngày được ra ngoài, bảy giờ sáng thứ Hai cần phải tập hợp lại trước Café de la Rotonde đợi xe ca đưa chúng tôi về trường trở lại. Đó là một dạng nhà trừng giới có vẻ ngoài xa xỉ dành cho lũ con lầm lạc, đồ bỏ của các gia đình giàu có, con ngoài giá thú của những phụ nữ mà xưa kia người ta gọi là “gà mái”, hoặc giả những đứa con bị bỏ rơi trong một kỳ lưu trú ở Paris như thứ đồ đạc vướng víu: giống như người bạn nằm bên cạnh tôi trong phòng ngủ chung, Mello Rodrigues người Braxin, cậu ấy không có tin tức gì của gia đình từ một năm... Để thiết lập cho chúng tôi thứ kỷ luật mà “gia đình” chúng tôi đã không sao nêu gương nổi cho chúng tôi, ban giám đốc tạo ra cả một sự hà khắc theo kiểu trường thiếu sinh quân: đi đều bước, chào cờ buổi sáng, những trừng phạt lên thân thể, đứng nghiêm, khám soát buổi tối trong các phòng ngủ chung, đi trên đường Hébert dài bất tận, những buổi chiều thứ Năm...
Cái ngày thứ Hai 18 tháng Giêng năm 1960 đó, tôi đã đi con đường ngược lại: từ Café de la Rotonde, hắc ám tới vậy những sáng thứ Hai mùa đông, khi chúng tôi quay trở về “cái lỗ” qua ngả Montrouge và Malakoff, tôi đi tàu điện ngầm tới Saint-Germain-des-Prés. Chez Malafosse, người phụ nữ Đan Mạch nói:
- Một cốc whisky cho cậu nhỏ...
Người phục vụ, đằng sau quầy, mỉm cười đáp:
- Không phục vụ rượu cho người còn vị thành niên, thưa cô.
Cô bèn cho tôi nhấp một ngụm từ cốc của cô. Tôi thấy whisky có vị đặc biệt đắng, nhưng nó mang lại cho tôi sự can đảm để thú nhận với họ rằng tôi không thể về nhà, vì cả bố lẫn mẹ tôi đều đi vắng cho đến tháng sau.
- Thế thì cháu phải quay về trường thôi, người mang cặp kính đen và hút thứ thuốc lá cuốn bằng giấy ngô nói với tôi.
Tôi đáp lại họ rằng không thể làm thế được: Một đứa học sinh trốn đi mất luôn luôn bị trường đuổi học ngay tắp lự... Họ sẽ từ chối giữ tôi.
- Thế ở nhà cháu không có ai à?
- Không có ai.
- Thế không thể báo tin cho bố mẹ cháu à?
- Không.
- Thế cháu không có chìa khóa nhà à?
- Không.
- Tôi sẽ lo cho cậu nhỏ, người phụ nữ Đan Mạch nói.
Cô đặt tay lên vai tôi. Chúng tôi tạm biệt những người khác và ra khỏi Chez Malafosse. Xe ô tô của cô đỗ cách đó hơi xa một chút trên bờ ke, sau trường Mỹ thuật: một chiếc Peugeot 203 màu xanh lính thủy, các băng ghế bằng da đỏ. Tôi nhận ngay ra nó, cái xe ấy. Tôi từng nhiều lần trông thấy nó, trong khu phố, trước khách sạn Louisiane và Montana.
Tôi ngồi xuống cạnh cô trên băng ghế. Cô đột ngột rồ ga.
- Phải có ai chăm lo cho cháu chứ, cô nói, vẻ hết sức thản nhiên.
Chúng tôi đi theo các bờ ke rồi qua sông Seine, nhờ cây cầu Concorde. Bên Hữu ngạn, tôi cảm thấy khá hơn, như thể sông Seine là một đường biên giới bảo vệ cho tôi khỏi một hậu cảnh thù địch. Chúng tôi đã ở xa Café de la Rotonde, Croix-de-Berny và trường nội trú... Nhưng tôi không thể tự ngăn mình nhìn nhận tương lai với đầy lo lắng, vì tôi thấy như thể mình đã phạm một điều gì đó không thể sửa chữa.
- Cô có thấy như vậy là nghiêm trọng không? tôi hỏi cô.
- Cái gì nghiêm trọng cơ?
Cô quay sang nhìn tôi.
- Không mà, cậu nhỏ của tôi... Chuyện sẽ ổn thôi...
Âm sắc Đan Mạch của cô trấn an tôi. Chúng tôi đi xuôi theo Cours-la-Reine, và tôi tự nhủ ít nhất mình cũng có thể trông cậy vào cô.
- Họ sẽ báo cảnh sát...
- Cháu sợ cảnh sát à?
Cô mỉm cười với tôi và cặp mắt cô, xanh nhạt ngả tím, đậu lên người tôi.
- Yên tâm đi, cậu nhỏ của tôi...
Tiếng rù rì êm ái và khàn của giọng cô khiến nỗi lo của tôi tan biến. Chúng tôi đã đến quảng trường Alma và đi dọc theo đại lộ dẫn tới Trocadéro. Đó là con đường mà xe bus số 63 đi những lúc chúng tôi, em trai tôi và tôi, đến Rừng Boulogne. Những ngày đẹp trời, chúng tôi đứng ở thềm bên ngoài xe.
Cô không rẽ phải, vào đại lộ rợp bóng cây mà xe 63 hay đi. Cô dừng xe trước những tòa nhà hiện đại to lớn, đầu đại lộ Paul-Doumer.
- Tôi sống ở đây.
Dưới tầng trệt, chúng tôi bước vào một hành lang dài, được các bóng đèn nê ông chiếu sáng. Một bóng hình vận áo gió đợi sẵn trước cửa. Một người đàn ông tóc nâu cao lớn với hàng ria mảnh. Điếu thuốc lá ngậm nơi khóe miệng. Cả anh ta nữa, tôi cũng từng bắt gặp tại các phố khu Saint-Germain-des-Prés.
- Anh không có chìa khóa, anh ta nói.
Anh ta mỉm cười với tôi, vẻ có chút kinh ngạc.
- Đây là một cậu bạn của em, cô nói, chỉ tay vào tôi.
- Rất hân hạnh.
Anh ta bắt tay tôi. Cô nói với tôi:
- Cháu đi dạo một vòng nhé, cậu nhỏ của tôi... Một tiếng nữa quay lại đây... Tối nay, tôi mời cháu đi ăn ngoài quán rồi sau đó chúng ta sẽ ra rạp xem phim.
Cô mở cửa. Cả hai bước vào. Rồi cô thò đầu qua khe cửa mở hé.
- Đừng quên số phòng chừng nào cháu quay lại nhé. Số 23...
Cô đưa ngón tay chỉ cho tôi số 23, bằng kim loại mạ vàng, trên nền gỗ sáng màu.
- Một tiếng nữa quay lại nhé... Tối nay, ta sẽ đi đánh chén một trận túy lúy ở Montmartre, quán San Cristobal...
Âm sắc Đan Mạch của cô còn dịu dàng hơn nữa, ve vuốt hơn nữa vì những từ tiếng lóng cũ nát ấy.
Cô đóng cửa lại. Tôi đứng đó bất động một lúc trong hành lang. Tôi phải cố gắng hết sức thì mới không gõ cửa. Tôi đi ra khỏi tòa nhà, bước chân chậm chạp và đều đặn, vì tôi cảm thấy nỗi hoảng hốt đang xâm chiếm lấy mình. Tôi tưởng đâu mình sẽ chẳng bao giờ băng qua nổi quảng trường Trocadéro. Tôi phải tự nghĩ các lý lẽ để không đến sở cảnh sát đầu tiên thú nhận tội lỗi của tôi. Nhưng không, vậy thì ngẫn quá. Hẳn họ sẽ dẫn tôi tới một nhà trừng giới đúng nghĩa hoặc cái mà họ gọi là “một trung tâm kiểm soát”. Tôi có thể thực sự đặt lòng tin vào người phụ nữ Đan Mạch hay chăng? Lẽ ra tôi phải nán lại trên vỉa hè đại lộ Paul-Doumer, để xem cô có đi mất không. Người đàn ông tóc nâu mặc áo gió đã bước vào nhà cô có thể thuyết phục cô ngừng chăm lo cho tôi. Phòng số 23. Không được quên cái số đó. Cần phải qua thêm bốn mươi lăm phút nữa. Và ngay cả nếu cô không còn ở đó, tôi sẽ đợi cô trước cửa tòa nhà, ẩn trốn để không ai nhìn thấy, cho đến lúc cô quay về.
Tôi tìm cách tự trấn an bằng cách khuấy động tất tật những ý nghĩ ấy ở trong đầu. Phía bên kia quảng trường là bến xe số 63. Tôi có kịp thời gian vào Rừng Boulogne rồi quay trở lại không? Tôi còn 10 franc. Nhưng tôi e sẽ chỉ có mình tôi trên chiếc xe bus đó, và một mình trên bãi cỏ Muette bên bờ hồ, những nơi chỉ vài năm trước đó thôi tôi còn hay đến, cùng em trai tôi. Rồi tôi quyết định bước vào bãi đi dạo lớn từ đó có thể nhìn được khắp Paris. Và tôi bước xuống các lối đi rất dốc của khu vườn tắm mình trong một mặt trời mùa đông. Không có ai ở đó. Tôi cảm thấy khá hơn. Phía bên trên tôi là những cửa sổ rất lớn cùng góc đầu hồi của tòa cung điện. Tôi có cảm giác các phòng và hành lang rộng, bên trong đó, cũng hoang vắng giống khu vườn. Tôi muốn ngồi xuống một cái ghế băng. Sau một lúc, nỗi bất động ấy lại làm xuất hiện ở tôi một khởi đầu của sợ hãi. Thế là tôi bèn đứng dậy và tiếp tục bước dọc các lối đi, về phía sông Seine.
Tôi đã tới trước Aquarium. Tôi mua vé để vào. Cứ như thể tôi đang bước vào một bến tàu điện ngầm. Bên dưới các cầu thang, mọi thứ tối đen, nhưng điều đó giúp tôi cảm thấy được trấn an. Trong căn phòng mà tôi bước vào, chỉ những bể cá được chiếu sáng. Dần dà, tận sâu bóng tối lờ mờ ấy, tôi tìm lại được sự trấn tĩnh. Chẳng gì còn quan trọng chút nào nữa. Tôi đang ở xa mọi sự, bố mẹ tôi, trường nội trú, tiếng ầm ĩ của cuộc đời mà kỷ niệm đẹp duy nhất là cái giọng nói dịu dàng và rì rào mang âm sắc Đan Mạch kia... Tôi tiến lại gần các bể cá. Lũ cá có những sắc rực giống như đám ô tô húc nhau trong tuổi thơ tôi: hồng, turquoise, lục ngọc bảo... Chúng không gây tiếng động. Chúng trườn đi dọc các tấm thủy tinh. Chúng mở miệng nhưng không phát ra âm thanh nào, nhưng thỉnh thoảng có bọt sủi lên mặt nước. Chúng sẽ chẳng bao giờ đòi thanh toán tôi.
Hoa Của Phế Tích Hoa Của Phế Tích - Patrick Modiano Hoa Của Phế Tích