Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22 - Ý Tưởng Của Briant - Niềm Vui Của Các Chú Nhóc - Làm Diều - Thí Nghiệm Bỏ Dở - Kate - Những Người Sống Sót Của Tàu Severn - Mối Nguy Hiểm Đe Dọa Nhóm Doniphan - Sự Tận Tụy Của Briant - Đoàn Tụ
a không quên Doniphan, Webb, Wilcox và Cross tách ra khỏi động Người Pháp trong điều kiện nào. Từ khi họ ra đi, cuộc sống ở trại trở nên buồn bã. Mọi người đều phiền não khi chứng kiến quá trình dẫn đến cuộc chia li và những hậu quả tệ hại có thể xảy ra trong tương lai. Đúng là Briant không có gì đáng trách. Thế mà cậu lại là người xúc động nhất vì thấy sự chia rẽ này bắt nguồn từ chính mình. Gordon đã tìm lời khuyên giải cậu nhưng không ăn thua.
- Họ sẽ trở lại thôi, và còn sớm hơn họ nghĩ là đằng khác. Doniphan thì bướng bỉnh đấy, nhưng hoàn cảnh còn mạnh hơn cậu ta nhiều. Mình dám đặt cược là trước mùa thời tiết xấu trở lại, họ sẽ quay về động Người Pháp với chúng ta thôi.
Briant lắc đầu không dám trả lời. Đúng là có biết bao tình huống có thể buộc những người ra đi phải trở về. Nhưng đó lại là những tình huống cực kì tệ hại!
“Trước mùa thời tiết xấu trở lại”, Gordon đã nói thế. Vậy các trại viên nhỏ tuổi còn phải chịu đựng mùa đông thứ ba trên đảo Chairman sao? Từ nay tới lúc đó không có một sự giúp đỡ nào ư? Suốt mùa hè, không có tàu thuyền nào qua lại vùng biển này chăng, và cũng chẳng có ai trông thấy quả bóng tín hiệu hay sao?
Quả bóng ấy treo cao khoảng một trăm bộ so với mặt đảo quả là chỉ có thể trông thấy trong phạm vi bán kính hẹp thôi. Vì vậy, sau khi bàn với Baxter việc đóng thuyền đi biển không thành, Briant liền nảy ra ý nghĩ nâng cao hơn nữa tín hiệu cầu cứu. Cậu luôn nhắc đến chuyện này, rồi một hôm nói với Baxter là có thể dùng một cái diều vào mục đích ấy.
- Ta có sẵn vải và dây, chỉ cần làm sao cho diều đủ lớn để lên cao được tới khoảng một nghìn bộ chẳng hạn.
- Trừ những hôm không có một hơi gió nào! - Baxter nhận xét.
- Những hôm như vậy thì hiếm thôi. - Briant trả lời. - Vả lại thế thì ta hạ xuống có sao đâu, còn thì ta cột chặt đầu dây bên dưới lại cho diều cứ lượn trên cao, chẳng cần quan tâm gió thổi từ hướng nào.
- Để thử xem thế nào. - Baxter nói.
- Hơn nữa, - Briant nói thêm, - nếu ban ngày ở xa sáu mươi dặm vẫn trông thấy được diều, thì ban đêm cũng thế, chỉ cần buộc một đèn tín hiệu vào đuôi hoặc khung diều.
Tóm lại, ý tưởng của Briant không phải là không thực tế. Còn việc thực hiện thì chẳng mấy khó khăn đối với các chú bé đã từng thả diều trên đồng cỏ New Zealand. Vì vậy khi được phổ biến, dự định của Briant đã khơi dậy một niềm vui chung, nhất là đối với các chú bé. Jenkins, Iverson, Dole và Costar coi đó như một trò chơi và thích thú với ý nghĩ rằng từ thuở bé đến giờ, đó sẽ là con diều lớn nhất các cậu từng thấy. Thật khoái biết bao khi nắm vào sợi dây căng còn diều thì lượn lờ trên không!
- Phải làm cho nó một cái đuôi thật dài! - Một chú góp ý.
- Và những cái tai to! - Chú khác thêm.
- Hãy vẽ một con rối thật đẹp để nó ngọ nguậy trên cao!
- Rồi chúng ta sẽ gửi thư cho diều*!
Trẻ em thời đó thường làm những mảnh bìa đục lỗ xâu vào dây diều để gió đẩy miếng bìa lên và gọi đó là “người đưa thư”.
Đúng là một niềm vui thật sự! Tuy các chú bé nhìn nhận ở góc độ giải trí nhưng đây là một ý tưởng thật sự nghiêm túc, hứa hẹn đem lại hiệu quả đáng mừng.
Ngay sau khi nhóm Doniphan đi khỏi động Người Pháp một ngày, Briant và Baxter bắt tay vào việc. Service reo:
- Thế đấy, khi trông thấy cái công trình như vậy, các cậu ấy mới sáng mắt ra! Chỉ buồn cho các Robinson của mình không nghĩ ra cái vụ thả diều lên trời thế này!
Garnett hỏi:
- Liệu có trông thấy từ mọi nơi trên đảo không?
- Không những trên đảo thấy mà cả ở các vùng biển xa quanh đảo cũng thấy. - Briant đáp.
- Thế ở Auckland có thấy không? - Dole reo.
- Rất buồn là không em ạ! - Briant đáp, mỉm cười với ý nghĩ của chú bé. - Dù sao, khi trông thấy cái diều thì có thể Doniphan và các cậu kia sẽ trở về chăng!
Vậy đấy, cậu thiếu niên trung hậu này luôn nghĩ tới các bạn vắng mặt và chỉ muốn cuộc chia li đáng buồn này sớm chấm dứt.
Hôm ấy và mấy hôm sau họ tập trung vào việc làm diều. Baxter nêu ý kiến là làm diều hình bát giác, khung phải nhẹ nhưng bền, chịu được gió nhẹ trung bình có thể làm bằng một loại sậy rất cứng mọc ở bờ hồ Gia Đình. Briant thì lấy thứ vải nhẹ tẩm nhựa đường mà gió không lọt qua được, trước đây dùng để che các cửa chấn song của tàu Sloughi, căng lên khung diều. Dây thì dùng một sợi dài hai nghìn bộ, bện rất săn, chịu được lực căng đáng kể, trước để kéo lưới rê. Chẳng cần phải nói là diều được trang điểm một cái đuôi lộng lẫy để giữ thăng bằng khi bị gió làm nghiêng ngả. Diều chắc chắn đến độ có thể nâng bất cứ một trại viên nào lên cao mà chẳng nguy hiểm là bao. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ ấy mà nó phải đủ chắc để chịu được gió tương đối mạnh, đủ rộng để có thể lên cao, đủ lớn để thấy được trong vòng bán kính khoảng năm mươi đến sáu mươi dặm.
Đương nhiên không thể giữ dây diều bằng tay. Được gió bốc lên, nó có thể kéo theo toàn thể nhân số trại di thực nhanh hơn họ tưởng. Vì vậy, các cậu mang một tời nhỏ, nằm ngang của du thuyền ra ghìm chặt xuống đất ở giữa Bãi Tập để cuốn dây diều. Thế thì mới giữ nổi “chàng khổng lồ trên không” này - đó là tên con diều được các chú bé nhất trí tán thưởng.
Tối ngày 15, việc làm diều hoàn tất. Briant định chiều hôm sau sẽ thả diều trước sự chứng kiến của toàn trại. Vậy mà lại không thực hiện được vì có bão, thả lên thì diều sẽ bung ra từng mảnh ngay tức khắc. Đó cũng chính là trận bão đã tấn công nhóm Doniphan ở phía bắc đảo, đã xô chiếc xuồng cùng những nạn nhân người Mỹ qua dải đá ngầm vào bãi cát mà về sau sẽ mang tên bãi Severn.
Sáng hôm sau, 16 tháng 10, gió vẫn mạnh, đến chiều thì chuyển sang hướng đông nam và nhẹ hẳn, nên việc thử diều được quyết định thực hiện vào ngày hôm sau. Đó là ngày 17 tháng 10, một ngày sẽ có vị trí quan trọng trong biên niên sử đảo Chairman. Tuy đó là ngày thứ sáu, nhưng Briant không hề mê tín mà đợi thêm hai mươi bốn giờ nữa*. Vả chăng thời tiết rất thuận lợi, gió mạnh vừa phải, ổn định đủ để nâng cao diều. Với cấu tạo có độ dốc thích hợp, nhất định nó sẽ lên cao và đến tối, các cậu sẽ hạ diều xuống, mắc đèn vào để có tín hiệu sáng suốt đêm. Mọi công đoạn chuẩn bị cuối cùng diễn ra vào buổi sáng và sau bữa ăn trưa một giờ thì hoàn tất. Mọi người kéo ra bãi tập.
Ở Ý, người ta quan niệm rằng thứ sáu ngày 17 là ngày xấu (Caruri).
- Ý tưởng làm diều của Briant hay quá! - Iverson và mấy cậu nữa vừa nhắc đi nhắc lại vừa vỗ tay hoan hô.
Đến 1 giờ 30 phút con diều được đặt trên mặt đất, đuôi giăng ra hết, chỉ chờ lệnh của Briant là thả lên đón gió, thì cậu cho ngừng lại. Cậu để ý chó Phann phóng vọt về phía rừng, tiếng sủa có vẻ ai oán khác thường, rất lạ.
- Phann làm sao thế nhỉ? - Briant hỏi.
- Hay nó đánh hơi thấy có con vật nào đó ở bìa rừng? - Gordon đáp.
- Không! Nếu thế thì nó sủa khác kia!
- Ta đi xem sao! - Service góp ý.
- Lấy vũ khí đã! - Briant thêm.
Lập tức Service và Jacques chạy về động Người Pháp, mỗi người mang ra một khẩu súng đã nạp đạn.
- Nào, ta đi! - Briant nói.
Rồi ba người cùng Gordon đi về bìa rừng Hố Bẫy. Phann đã chạy vào rừng, không trông thấy, nhưng vẫn nghe được tiếng nó sủa. Bọn Briant mới đi được khoảng năm chục bước thì thấy Phann dừng lại dưới một cái cây, dưới gốc cây có một người nằm bất động.
Đó là một người đàn bà nằm im như đã chết, váy áo bằng vải thô, khăn len nâu buộc ở thắt lưng đều còn tốt, vẻ mặt có những nét vô cùng đau khổ nhưng dáng vóc khỏe mạnh, chỉ khoảng bốn mươi đến bốn mươi nhăm tuổi. Kiệt sức vì mệt mỏi và có thể vì đói nữa, bà ta ngất đi nhưng vẫn còn thở nhẹ.
Nói sao cho hết được sự xúc động của các trại viên trẻ khi lần đầu tiên gặp một con người kể từ lúc đặt chân lên đảo Chairman!
- Bà ta còn thở! Còn thở! - Gordon reo lên. - Chắc do đói, khát…
Jacques chạy ngay về động Người Pháp mang ra ít bánh quy và một bình brandy. Briant liền cúi xuống, cạy hàm răng đang cắn chặt đổ vào miệng bà ta chút rượu. Bà ta cử động, mở mắt ra. Thấy mấy cậu bé, ánh mắt bà linh hoạt trở lại, rồi nhai ngấu nghiến mẩu bánh quy Service đút cho. Rõ ràng bà lả đi vì thiếu ăn hơn là vì mệt.
Nhưng người đàn bà này là thế nào? Liệu có thể trao đổi và hiểu bà ta nói gì hay không? Đó là điều Briant quan tâm trước tiên.
Người lạ ngồi dậy và nói mấy câu tiếng Anh:
- Cảm ơn… các cháu… cảm ơn!
Nửa giờ sau, Briant và Baxter đưa bà ta vào sảnh, rồi cùng Gordon và Service thực hiện mọi săn sóc cần thiết phù hợp với tình trạng sức khỏe của bà ta lúc đó. Khi lại sức một chút, bà kể ngay về mình. Dưới đây là câu chuyện ấy, và ta sẽ thấy các trại viên quan tâm ra sao.
Bà là người Mỹ, đã cư trú lâu ở miền Viễn Tây của Hoa Kì, tên là Catherine Ready hay nói gọn là Kate. Bà là người phục vụ tin cẩn của gia đình ông bà William R. Penfield, cư trú ở thành phố Albany, thủ phủ bang New York từ hơn hai mươi năm nay. Một tháng trước đây, ông bà Penfield muốn đi thăm họ hàng ở Chile, đã tới San Francisco, hải cảng chính của bang California, đáp tàu Severn, do ông John F. Turner làm thuyền trưởng để tới Valparaiso. Bà Kate được coi là thành viên trong gia đình, cùng đi với họ.
Severn là một con tàu tốt và chuyến đi sẽ suôn sẻ nếu tám thủy thủ mới được tuyển dụng không phải là kẻ gian. Chín ngày sau khi khởi hành, bọn chúng gồm các tên Brandt, Rock, Henley, Cook, Forbes, Cope và Pike do tên Walston cầm đầu đã cướp tàu. Thuyền trưởng Turner và thuyền phó bị giết. Ông bà Penfield cùng chung số phận. Mục đích của bọn sát nhân là chiếm tàu để buôn người, tệ nạn lúc đó vẫn còn tồn tại ở mấy tỉnh Nam Mỹ. Chỉ có hai người trên tàu được tha chết là Kate, do có sự can thiệp của tên Forbes vốn ít độc ác hơn những tên kia, và Evans, thủy thủ trưởng tàu Severn, trạc ba mươi tuổi vì bọn cướp cần anh để lái tàu.
Tấn thảm kịch ấy diễn ra đêm mồng 7, rạng ngày mồng 8 tháng 10, khi tàu Severn cách bờ biển Chile hai trăm hải lí.
Bị cái chết đe dọa, Evans buộc phải lái tàu qua mũi Horn để tới vùng biển phía tây châu Phi. Nhưng mấy hôm sau, chẳng rõ do đâu, tàu bỗng bốc cháy, chỉ phút chốc ngọn lửa đã bùng lên rất dữ dội, bọn Walston ra sức cứu chữa nhưng không được. Một tên trong bọn là Henley đã bỏ mạng khi nhảy xuống biển để tránh lửa. Chúng phải rời tàu, ném vội xuống xuồng một ít đồ ăn, vũ khí, đạn dược đúng lúc con tàu ngùn ngụt lửa chìm xuống biển.
Hoàn cảnh của những kẻ bị nạn cực kì hiểm nghèo vì bờ biển gần nhất cũng cách tới hai trăm hải lí. Thật ra, nếu xuồng bị đắm cùng với bọn giết người thì cũng đáng đời chúng, nếu trên đó không có bà Kate và thủy thủ trưởng Evans.
Tình hình càng khủng khiếp hơn khi hôm sau nữa, một trận bão lớn nổi lên. Cột buồm gãy, buồm rách tả tơi, chiếc xuồng bị gió từ ngoài khơi đẩy về phía đảo Chairman. Ta đã rõ trong đêm 15 rạng ngày 16, xuồng đã bị gió nâng vọt qua dải đá ngầm dạt lên bãi biển, sườn có chỗ gãy và mạn bị nứt ra như thế nào.
Lũ Walston kiệt lực vì chống bão, lương thực thì đã hết một phần, không chịu nổi cái rét và cái mệt nữa. Vì thế khi xuồng vào tới dải đá ngầm thì chúng đờ đẫn cả người. Một ngọn sóng trào qua, hất năm đứa xuống biển trước khi xuồng bị quăng vào bãi cát và mấy giây sau thì hai tên nữa cũng bị ném lên, còn Kate thì bị rơi xuống phía bên kia xuồng. Hai tên ấy cũng như Kate, ngất đi khá lâu. Khi tỉnh lại Kate thận trọng nằm im dù nghĩ rằng Walston và những tên khác đã chết, bà định bụng sáng ra sẽ đi tìm sự cứu giúp trên hòn đảo xa lạ này. Khoảng 3 giờ sáng thì có tiếng chân bước lạo xạo trên cát gần xuồng. Đó là Walston, Brandt và Rock đã vật lộn vất vả mới thoát chết sau khi bị hất xuống biển. Chúng vượt qua dải đá ngầm tới chỗ hai tên đồng bọn Forbes và Pike đang nằm bất tỉnh, vội vã cấp cứu cho hai tên ấy hồi tỉnh. Rồi chúng bàn tính với nhau trong khi thủy thủ trưởng Evans ở cách đó vài trăm bước dưới sự canh giữ của Cope và Cook. Bà Kate nghe rất rõ những điều chúng trao đổi với nhau.
- Ta đang ở đâu đây? - Rock hỏi.
- Tao làm sao biết được! - Walston trả lời. - Cái đó quan trọng quái gì! Ta đừng ở đây mà nên đi về phía đông. Sáng ra sẽ có cách giải quyết thôi.
- Còn vũ khí? - Forbes hỏi.
- Đây, còn nguyên cả đạn nữa - Walston đáp, rồi lấy ở trong xuồng ra năm khẩu súng và nhiều hộp đạn.
- Để giải quyết vấn đề ở xứ mọi rợ này thì thế hãy còn ít! - Rock nói thêm.
- Evans đâu? - Brandt hỏi.
- Hắn kia, - Walston trả lời, - Cope và Cook đang canh chừng. Dù muốn hay không hắn cũng phải theo bọn ta. Hắn mà không nghe, tao sẽ chịu trách nhiệm làm cho hắn biết điều!
- Còn mụ Kate? - Rock hỏi. - Liệu mụ ấy có thoát không?
- Kate à? - Walston đáp. - Chẳng có gì phải lo ngại nữa. Tao đã trông thấy mụ văng ra khỏi xuồng trước khi xuồng lật, giờ mụ ở đáy biển rồi!
- Thanh toán tốt đấy! - Rock nói. - Mụ biết hơi quá nhiều về chúng ta.
- Mụ chẳng thể nào biết được lâu đâu! - Walston nói thêm.
Ý định của hắn quá rõ ràng, chẳng thể lầm được. Bà Kate nghe thấy hết và quyết định phải trốn sau khi chúng bỏ đi. Một lúc sau, chúng dìu theo Forbes và Pike chân chưa vững, ra đi cùng súng đạn và thực phẩm còn lại trong xuồng, tức là độ sáu livre thịt muối, một ít thuốc lá và vài ba bình rượu gin. Chúng đi xa dần giữa lúc bão tố mạnh nhất.
Đợi chúng đi thật xa, bà Kate mới đứng dậy, vừa may đúng lúc vì thủy triều đã lên tới bãi, thiếu chút nữa là bà bị sóng lôi ra biển.
Đến đây ta hiểu tại sao khi Doniphan, Wilcox, Webb và Cross trở ra bãi biển để thực hiện nghĩa vụ cuối cùng với người bị nạn thì chẳng còn thấy ai. Lũ Walston thì đã đi về hướng đông, còn bà Kate theo hướng ngược lại mà không biết là sẽ tới đầu phía bắc của hồ Gia Đình.
Bà tới đó vào chiều 16, kiệt sức vì đói và mệt, chỉ có mấy quả rừng để lấy lại sức, và theo bờ hồ bên trái mà đi suốt đêm, rồi suốt buổi sáng ngày 17, tới đây thì gục xuống, gần chết, cho tới khi được Briant và các bạn cứu giúp. Những tình tiết bà Kate kể là cực ki nghiêm trọng. Lâu nay các trại viên trẻ sống hoàn toàn yên ổn trên đảo Chairman, thế mà bây giờ đã có bảy gã đàn ông giết người không ghê tay đổ bộ lên đảo. Nếu phát hiện ra động Người Pháp thì chắc chúng chẳng do dự gì mà không tấn công vì chúng đang rất cần đồ đạc, thức ăn, vũ khí và nhất là dụng cụ để sửa chữa xuồng. Vậy thì Briant và các bạn biết chống lại thế nào đây, trong khi cậu lớn nhất cũng chỉ mới hơn mười lăm tuổi, còn bé nhất thì chưa đầy mười tuổi đầu! Biết bao điều bất trắc có thể xảy ra. Walston còn trên đảo thì nhất định hắn sẽ tấn công! Rõ ràng câu chuyện của bà Kate đã khiến tất cả vô cùng lo lắng. Riêng Briant chỉ nghĩ đến một điều: rồi đây còn nhiều nguy hiểm và Doniphan, Wilcox, Webb, Cross là những người bị đe dọa trước hết. Vì làm sao họ biết được sự xuất hiện của nhóm nạn nhân trên tàu Severn ở ngay nơi họ đang khảo sát mà đề phòng. Chỉ cần cậu nào nổ một phát súng là Walston sẽ phát hiện ra họ và cả bốn người sẽ rơi vào tay những tên khốn kiếp bất nhân ấy. Briant nói:
- Phải đi cứu các cậu ấy và báo cho các cậu ấy ngay hôm nay…
- Và đưa họ về động Người Pháp! - Gordon nói thêm. - Bây giờ là lúc chúng ta phải đoàn kết hơn bao giờ hết để chống lại bọn tội phạm ấy.
- Đúng!… - Briant tiếp lời. - Vì việc trở về là cần thiết nên nhất định các cậu ấy sẽ về! Mình sẽ đi.
- Cậu à, Briant?
- Mình, Gordon ạ!
- Tính đi thế nào?
- Mình cùng với Moko sẽ dùng xuồng, vượt ngang hồ trong mấy tiếng đồng hồ tới sông Đông như lần trước. Nhiều khả năng sẽ gặp các cậu ấy ở cửa sông.
- Bao giờ đi?
- Ngay tối nay, - Briant trả lời, - chúng mình sẽ qua hồ trong bóng đêm để không bị phát hiện.
- Em đi với anh chứ, Briant? - Jacques hỏi.
- Không, - Briant đáp, - mọi người phải cùng về, xuồng chở những sáu người đã khó rồi.
- Quyết định như thế chứ? - Gordon hỏi.
- Quyết định thế!
Đó là cách xử lí đúng nhất, chẳng những vì an nguy của Doniphan, Wilcox, Webb và Cross mà còn vì cả trại. Thêm bốn chàng trai, đều là những tay mạnh khỏe là sự tăng viện đáng kể trong trường hợp bị tấn công. Thêm nữa, muốn mọi người đoàn tụ ở động Người Pháp trong vòng hai mươi bốn giờ thì cũng không thể chậm trễ một tiếng đồng hồ nào nữa.
Hiển nhiên là không thể thả diều được nữa. Có ngu ngốc nhất đời mới làm thế. Vì báo hiệu cho tàu thuyền ngoài khơi đâu chưa biết mà lại báo cho Walston và đồng bọn về sự tồn tại của trại. Ngay cột tín hiệu trên đỉnh đồi Auckland, Briant thấy cũng cần phải hạ xuống.
Cho đến chiều mọi người đều ở yên trong sảnh. Bà Kate đã nghe kể về chuyện xảy ra với bọn trẻ. Người đàn bà hiền hậu này chẳng nghĩ đến bản thân mà chỉ nghĩ đến các cậu bé. Chừng nào họ còn phải sống với nhau trên đảo Chairman thì bà sẽ tận tâm phục vụ cho các cậu, sẽ săn sóc, yêu thương các cậu như bà mẹ đối với đàn con của mình. Bà đã gọi Dole và Costar là “papoose”, cách gọi đầy trìu mến mà người miền Viễn Tây, Hoa Kì dành cho trẻ con gốc Anh.
Còn Service, liên tưởng đến nhân vật Thứ Sáu trong truyện Robinson Crusoe, đề nghị gọi bà Kate là Vendredine* vì bà tới động Người Pháp cũng vào ngày thứ sáu, và nói thêm:
“Vendredine” trong tiếng Pháp là tên nữ của “Vendredi” là ngày thứ sáu.
- Bọn bất lương ấy cũng chẳng khác gì những người dã man trong truyện Robinson. Rồi thế nào cũng có lúc chúng kéo tới đây, và chúng sẽ bị thanh toán thôi.
Đến 8 giờ tối, mọi sự chuẩn bị đã xong xuôi. Moko, với lòng tận tụy không lùi bước trước mọi hiểm nguy, lại rất phấn khởi được cùng với Briant làm nhiệm vụ. Hai người xuống xuồng mang theo một ít lương thực, mỗi người trang bị một khẩu súng ngắn và một con dao nhọn. Sau khi tạm biệt các bạn, các cậu chèo xuồng ra xa. Những người đi tiễn nao lòng đứng dõi theo, nhưng chẳng bao lâu chiếc xuồng đã nhòa vào bóng tối trên mặt hồ. Lúc hoàng hôn, gió nhẹ từ phương bắc bắt đầu thổi, nếu cứ tiếp tục như vậy thì cả đi lẫn về đều thuận lợi. Đêm tối như mực, đúng như Briant mong để khỏi bị lộ. Lái xuồng theo la bàn, cậu chắc chắn sẽ cập bờ bên kia ở khoảng trên hay dưới con sông. Cả hai người đều tập trung chú ý về hướng ấy vì ngại rằng sẽ thấy ánh lửa - hẳn là của lũ Walston vì nhóm Doniphan chắc vẫn cắm trại ở bờ biển, cạnh cửa sông Đông.
Họ vượt sáu dặm trong hai giờ. Gió mạnh nhưng không ảnh hưởng tới xuồng bao nhiêu. Họ cập bờ gần chỗ lần trước, phải men theo bờ hồ chèo nửa dặm nữa mới tới cái vịnh hẹp, nước hồ từ đó chảy vào sông. Lúc này ngược gió, phải chèo tay nên cũng mất thời gian. Cảnh vật dường như yên tĩnh dưới những tán cây rừng ngả trên mặt nước. Không nghe thấy một tiếng kêu, một tiếng gào nào từ rừng sâu, cũng như không thấy một ánh lửa khả nghi nào dưới vòm lá tối như bưng.
Nhưng vào khoảng 10 giờ 30 phút, Briant ngồi cuối xuồng chợt giữ tay Moko lại: cách bờ sông vài trăm bước, có ánh sáng mờ mờ như sắp tắt của một đống lửa gần tàn. Ai cắm trại ở đây? Walston hay Doniphan? Phải biết rõ điều đó trước khi rẽ xuồng vào dòng sông.
- Ghé xuồng cho tao lên, Moko! - Briant nói.
- Cháu đi cùng với cậu chứ, cậu Briant? - Moko hỏi nhỏ.
- Không, tao đi một mình, đỡ lộ!
Xuồng cập bờ, Briant dặn Moko đợi ở đây, rồi nhảy lên, súng giắt thắt lưng, dao nhọn cầm tay. Cậu đã quyết định khi không đừng được mới phải nổ súng để không gây tiếng động.
Lên bờ, chàng thiếu niên dũng cảm trườn đi dưới cây rừng. Đột nhiên, cậu dừng lại, cách đó khoảng vài mươi bước, trong vùng sáng mờ mờ của đống lửa, hình như có một bóng đen đang lẩn lút giữa các khóm cỏ như cậu. Vừa lúc đó, kèm theo một tiếng gầm ghê rợn, một khối đen chồm lên. Đó là một con báo đốm lớn. Lập tức có tiếng kêu:
- Cứu!… Cứu mình!…
Briant nhận ra tiếng Doniphan. Đúng là Doniphan thật. Các bạn cậu ta đang ở chỗ cắm trại bên bờ sông. Bị con vật quật ngã, Doniphan giãy giụa, không thể sử dụng được vũ khí.
Wilcox nghe tiếng kêu, thức dậy lăm le nổ súng.
- Đừng bắn!… Đừng bắn!… - Briant hét lên.
Rồi trước khi Wilcox nhận ra cậu, Briant đã lao vào con thú dữ. Nó quay sang phía cậu, trong khi Doniphan nhanh nhẹn đứng lên. May sao Briant đã kịp né ra một bên sau khi đâm lút lưỡi dao vào ngực con vật. Mọi sự diễn ra rất nhanh nên cả Doniphan lẫn Wilcox còn chưa kịp can thiệp. Bị tử thương, con báo đốm gục tại chỗ, cùng lúc Cross và Webb đến ứng cứu. Nhưng Briant cũng phải trả giá cho thắng lợi. Vai cậu bị con vật cào chảy máu.
- Sao cậu lại ở đây? - Wilcox hỏi.
- Rồi các cậu sẽ biết! - Briant trả lời. - Các cậu hãy đi với mình!
- Nhưng mình phải cảm ơn cậu trước đã, Briant. - Doniphan nói. - Cậu đã cứu sống mình!
- Ở địa vị mình thì cậu cũng hành động thế thôi! - Briant trả lời. - Đừng nói tới chuyện ấy nữa, các cậu hãy đi với mình!
Tuy vết thương của Briant không nặng nhưng cũng phải dùng mùi soa băng chặt lại. Trong khi Wilcox làm việc ấy thì chàng trai đôn hậu kể cho các bạn nghe về tình hình mới hiện nay.
Thì ra những kẻ mà Doniphan tưởng là đã chết và bị cuốn ra biển vẫn còn sống! Bọn chúng đang lang thang trên đảo và là những tên sát nhân. Một người đàn bà cùng bị nạn trên chiếc xuồng của tàu Severn hiện ở động Người Pháp. Bây giờ đảo Chairman không còn an toàn nữa!… Giờ thì các cậu đã hiểu vì sao Briant bảo Wilcox đừng nổ súng, vì sao Briant lại dùng dao nhọn để chống con báo đốm…
- Ồ! Briant, cậu tốt hơn mình! - Doniphan thốt lên. Sự xúc động và lòng biết ơn đã thắng thói kiêu căng của cậu.
- Không, không phải thế đâu bạn ơi! - Briant trả lời. - Bây giờ tớ nắm được tay cậu rồi, mình không buông ra đâu, trừ phi cậu đồng ý trở về…
- Đồng ý, Briant, phải về chứ! - Doniphan đáp. - Cậu hãy tin ở mình. Từ nay mình sẽ là người đầu tiên chấp hành lệnh của cậu! Mai, sáng sớm mai ta sẽ đi…
- Không, ta đi ngay bây giờ để về tới nơi mà bọn chúng không biết.
- Vậy đi thế nào? - Cross hỏi.
- Moko đang đợi chúng ta trong xuồng. Chúng mình sắp rẽ vào sông Đông thì thấy ánh lửa của các cậu…
- Và cậu đã đến đúng lúc để cứu mình! - Doniphan nhắc lại.
- Và để đưa các cậu về động Người Pháp!
Còn tại sao nhóm Doniphan không ở cửa sông Đông mà lại ở đây thì sự thể thế này: Sau khi rời bãi Severn, chiều muộn hôm ấy họ về tới cảng. Sáng sớm hôm sau như đã định, họ theo bờ trái, ngược sông Đông để tới hồ. Họ liền nghỉ lại đợi sáng ra thì về động Người Pháp.
Bình minh, tất cả đã yên vị trên xuồng, sáu người thì khá chật, vì thế thao tác phải thận trọng. May nhờ thuận gió, Moko khéo lái, nên suốt hành trình không xảy ra sự cố gì.
Thật vui biết bao khi Gordon và các bạn khác đón họ trở về trên con lạch Zealand lúc 4 giờ sáng! Dù bao mối hiểm nguy đang đe dọa, nhưng ít ra họ đã lại đoàn tụ với nhau ở động Người Pháp.
Hai Năm Trên Hoang Đảo Hai Năm Trên Hoang Đảo - Jules Verne Hai Năm Trên Hoang Đảo