If we are peaceful, if we are happy, we can smile, and everyone in our family, our entire society, will benefit from our peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
ột hôm, có người đàn bà dẫn một đứa trẻ vào lớp họ giáo Hải. Tôi đang cắm cúi làm toán, bỗng nghe thầy gõ mạnh cái thước kẻ xuống bàn và tiếng hô “Levez vous”. Đó là lệnh cả lớp phải đứng dậy chào khách. Phải nói là tôi hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy hai mẹ con người đàn bà ấy. Tôi thấy lớp học bỗng như tươi tắn hẳn lên. Có những con người như vậy đó. Họ xuất hiện ở đâu là bỗng nhiên nơi đó trở thành sinh động, ấm áp, ngược lại có những người xuất hiện chỉ mang lại sự buồn tẻ, bực mình, như người ta vẫn nói đi đến đâu là chết trâu chết bò đến đấy.
Người đàn bà ấy là bà Thêu, còn đứa trẻ nhỏ là cái Rêu. Bà Thêu rất đẹp. Tóc đen nhánh. Da trắng. Mắt bồ câu long lanh. Người cân đối thon thả. Bà mặc chiếc áo cánh nâu già vừa khít. Rất giản dị nhưng sao mà đẹp. Bà là bà Sáu của ông chánh cơ mà. Và ông chánh Long thì cả tổng, cả huyện ai chả biết. Ông nhiều vợ nhưng khét tiếng kén chọn. Người đàn bà nào đã thuộc về ông đều là người đẹp. Mà bà Sáu của ông, thì như ông vẫn hãnh diện khoe với mọi người, là người vợ ưng ý nhất của ông, là một người đẹp hiếm có, mà ông cứ đi tìm mãi, cho đến gần chót đời mới tìm ra.
Mới đầu, tôi cứ tưởng chính cái sắc đẹp kỳ diệu của bà, khi vào lớp học, đã tỏa sáng đem lại cái ấm áp tươi tỉnh cho lớp học của tôi. Sau tôi mới biết mình đã nhầm. Bởi vì khi bà đã đi khỏi rồi, chỉ còn lại đứa bé xinh xinh nhỏ nhắn kia, tức là chỉ còn lại cái Rêu, không khí lớp tôi vẫn sinh động tươi vui như thế. Sự có mặt của Rêu là một điều diệu kỳ. Sự thay đổi lạ lùng ấy rất nhỏ bé, rất tế nhị. Hầu như lớp học của tôi chẳng ai cảm thấy, nhận ra điều ấy. Đó là cảm nhận của riêng tôi. Hay là tôi đã nhầm. Và đó chỉ là sự tưởng tượng của tôi. Không biết sự cảm nhận hay sự tưởng tượng ấy có thật hay không, tôi chẳng biết nữa.
Bà Thêu đặc biệt về sắc đẹp. Riêng tôi nhận thấy, cái Rêu còn đặc biệt hơn. Nó gầy gò, nhỏ bé, xinh xinh. Giống hệt như mẹ, cũng da trắng môi hồng, cũng tóc đen như mun, cũng đôi mắt đen láy long lanh. Có thể nói nó là bản sao của mẹ nó. Nhưng vẫn có một cái gì riêng biệt khác với bà Thêu. Nhìn cô bé tinh khôi, mặc một chiếc quần đen, một chiếc áo nâu non rộng thùng thình so với cái thân hình gày guộc của nó, tôi cứ nghĩ mãi về cái khác biệt của Rêu so với bà Thêu. Nghĩ mãi mà chẳng ra. Là cái gì nhỉ? Phải chăng là nụ cười luôn thường trực trên đôi môi đỏ như son? Đôi mắt của bà Thêu long lanh như Rêu nhưng mà buồn. Còn đôi mắt của Rêu, chúng cũng long lanh nhưng ấm áp. Khi đôi mắt ấy nhìn vào ai, thì tâm trạng của kẻ được nhìn, dù đang lúc giận dữ, cũng bỗng nhiên như được xoa dịu. Còn cái gì riêng biệt của Rêu nữa nhỉ? Hay là...hay là nhìn Rêu ta cảm ngay thấy sự mong manh, ừ, đúng là sự mong manh. Ánh mắt ấm áp đôn hậu mong manh. Đúng chăng? Rêu đem lại cho tôi cảm nhận sự mong manh thế gian. Thế đấy, Rêu mang lại cho tôi cảm giác cô bé là một thiên nữ. Cô gái nhà trời có cánh. Những cô gái biết bay trong không trung, rắc hương, rắc hoa của đức Phật xuống trần thế. Cô là một thiên nữ tán hoa.
Rêu là em út của lớp thầy Hải. Bà Thêu bảo rằng nó chỉ rong chơi đến tuổi lên mười. Chẳng ai dạy nó bao giờ, thế mà bỗng nhiên bà Thêu phát hiện ra Rêu đã biết chữ. Vì thế, bà mới mang nó ra trường làng cho đi học. Lũ thằng Căn, thằng Trắm luôn bắt nạt chòng ghẹo tôi. Tôi đi tu. Chẳng hiểu sao, chúng coi như là tôi mắc tội. Một bận, lũ quỷ sứ bắt gặp một mình tôi giữa đường. Lập tức chúng vây quanh tôi và đồng thanh hát:
Sư đương tụng niệm nam mô
Thấy cô xách giỏ mò cua bên chùa
Lòng sư luống những ngẩn ngơ
Bỏ cả kinh kệ, tìm cô hỏi chào.
Chúng trêu, cốt để tôi tức giận, song tôi giữ im lặng. Chúng bảo:
- Thằng hèn! Sao mày không chửi chúng tao?
- Nhà chùa không biết chửi.
- Sao mày không dám đánh chúng tao.
Chúng chỉ muốn có thế. Tôi đã học được sư bác dăm miếng võ. Tôi đã đánh nhau với Căn. Lúc ấy tôi không thua, nhưng cũng không được. Tôi chỉ ngăn chặn được một lần không cho bọn chúng bắt nạt. Chắc lần này chúng muốn trả thù. Như vậy không ổn. Chẳng lẽ tôi cứ phải học thêm hết thế võ này sang thế võ khác, để rồi phải đấu hết trận này sang trận khác với lủ chúng hay sao. Tôi nói:
- Tôi không đánh nhau. Các anh muốn tôi là người gây sự trước chứ gì.
Chợt lúc ấy Rêu đi ngang qua:
- Đúng đấy, các anh đừng đánh nhau. Kìa anh Căn. Kìa anh Trắm. Cho em xin các anh.
Một cậu lên tiếng:
- Con bé này! Mày định bênh vực cho thằng trọc đầu.
Nói xong, nó sấn sổ bước tới, lấy tay đẩy mạnh Rêu, làm cô bé bật từ trên đường xuống ruộng. Cô bé long lanh nước mắt nhìn Căn, như cầu khẩn:
- Em làm gì đâu mà các anh đánh em.
Căn đang bừng bừng tức giận nhìn tôi, nay gặp tia mắt của Rêu bỗng dưng chùng xuống. Nó quát to:
- Không được làm thế. Không được đụng tới cái Rêu. Thằng hùng hổ đầu tiên tỏ vẻ bất mãn:
- Sao cơ? Nó bênh thằng sư con.
- Còn sao nữa. Cái Rêu là con gái. Không được đánh con gái. Thằng hùng hổ cười, chĩa mũi dùi sang tôi.
- Thế thì thằng An là con trai.
Rêu lập tức đến trước mặt thằng Căn:
- Anh không đánh đàn bà ư? Anh An cũng hiền như con gái. Anh An chẳng làm hại gì các anh. Anh An chẳng tranh chấp với ai bao giờ...
Thằng Trắm lên tiếng:
- Cái Rêu nói thế nghĩa là nhà sư cũng là đàn bà.
- Đúng! Người đi tu cũng là đàn bà - Cái Rêu ngẩng đầu lên nói như khẳng định.
Bọn quỷ sứ nghịch ngợm đều cất tiếng cười vang. Chúng bỏ đi miệng lao xao: “Sư cũng là đàn bà. Chúng tao không đánh đàn bà”. Tôi đi cùng đường với Rêu một quãng. Không biết ai dạy cái Rêu mà nó lại nói ông sư giống như đàn bà. Tôi cố giải thích cho Rêu rằng không phải, nhưng lý lẽ của tôi có được là bao, thành thử lời nói của tôi lúng túng, không thuyết phục được. Cái câu nói “ông sư là đàn bà” tưởng như lời tếu táo đùa chơi, không ngờ cứ ám ảnh tôi mãi. về sau, dần dần lớn lên đọc nhiều, tôi mới hiểu ra câu nói đó dính líu tới những ý tưởng rất to lớn của cuộc đời. Đó là sự bạo lực và không bạo lực. Đó là lòng yêu thương và sự hận thù. Đó là sự cứng rắn và đức bao dung.
Rêu chơi rất thân với Huệ và tôi. Cô bé cứ khăng khăng bảo tôi rằng chẳng ai dạy cô cả. Như vậy là Rêu đã có những ý nghĩ đó từ một kiếp nảo kiếp nào. Mà lạ thật! Chẳng biết kiếp trước cô ta là gì, mà sao cô bé thông minh đến thế. Học một biết mười, đối với Rêu thật dễ dàng. Ví dụ như học chữ chẳng hạn. Rêu bảo cô trông thấy những quyển sách, cô thấy thích đọc. Cô bảo người ta chỉ vẽ cho cô những chữ cái và cách ghép vần. Những người thầy bất đắc dĩ dạy cô nhưng cứ tưởng đó là trò ham thích nhất thời của trẻ nít, khi thấy cô luôn cặm cụi với hững cuốn sách đen ngòm những chữ lít nhít. Ai ngờ chỉ một tháng sau cô đã đọc sách vanh vách. Khi đến lớp cũng vậy, cô học tính toán cũng nhanh chóng với tốc độ phi mã. Chỉ nửa năm theo học, cô đã đuổi kịp chương trình của cả lớp.
Được cô học trò thông minh như vậy, thầy giáo Hải rất hãnh diện. Thầy lại giao cô học trò yêu đó cho Huệ giúp đỡ kèm cặp. Cô bảo Huệ và tôi một cách ý nhị:
- Em kém chú tiểu An ba tuổi, kém chị Huệ hai tuổi. Cho em xin làm em út. Em quý anh và chị lắm. Sẽ chẳng khi nào làm phiền hai người đâu.
Thời trẻ bà Thêu chẳng đến chùa. Từ khi có trục trặc với ông chánh, những lúc buồn khổ quá, bà tìm đến chùa làng, và mới hiểu ngôi chùa là niềm an ủi với người dân quê thế nào. Một bận bà dẫn Rêu lên chùa. Cô bé hồn nhiên đã nhiều lần đùa nghịch ở chùa. Nhưng hôm đó, có thể nói là ngày cô đột nhiên bừng tỉnh cùng với ngôi chùa. Ngôi chùa thân quen hàng ngày nhìn thấy, nhưng hôm ấy bỗng dưng như cởi tấm áo khoác, trở nên hoàn toàn mới mẻ trước mặt cô gái. Đó là lần đầu tiên cô bước vào tòa thượng điện. Con người thường phát hiện ra cái kỳ diệu của ngôi chùa, sau khi đã trải qua những đau đớn ê chề của cuộc đời. Một người bị phản bội bởi người thân. Một linh hồn oan khiên ngút trời. Một người hãnh tiến, được số phận nuông chiều, nay bỗng dưng hiểu mình tay trắng. Một kẻ nghèo khổ cùng đường, thấy vận rủi cứ đổ xuống đầu mình hết đợt này qua đợt khác. Những kẻ tật nguyền, những đứa con côi cút... Nói tóm lại, người ta càng bất hạnh càng sớm tìm ra ngôi chùa.
Còn Rêu thì sao? Cô tìm ra sự kỳ diệu của ngôi chùa làng ngay lúc cô đang nhởn nhơ sung sướng. Hay là cô đang mang trong mình những mầm mống ẩn tàng của đau khổ mà cô không hay biết.
Bước qua bậu cửa vào thượng điện tức là ta đã đặt chân vào đất Phật. Làm lễ xong, mẹ con bà Thêu đến hầu chuyện sư tổ của tôi. Thầy Vô úy hiền từ nhìn Rêu và hỏi:
- Con có hay đi chùa không?
- Bạch cụ, con vẫn chơi ở sân chùa. Hôm nay con mới vào thượng điện.
- Con thấy trong lòng mình ra sao?
- Dạ bẩm, con rất thích. Rất đẹp và thơm quá ạ!
- Thơm ư?
Sư cụ nhìn vào đôi mắt long lanh và đôi cánh mũi phập phồng của Rêu. Sư cụ nhắm mắt lại như để nhìn cô bé hồn nhiên, nhưng là nhìn cô trong tâm tưởng. Cô bé có giọng nói như thủy tinh. Trong vắt! Phải, đúng là trong vắt! Và rất cao... giống như tiếng con họa mi... và sáng nữa chứ... Như những quả chuông pha lê không vết gợn đang bay lên không trung...
- Bẩm cụ, con rất yêu thơm tho.
Sư cụ mở mắt ra cùng với nụ cười:
- Đức Phật sẽ phù hộ cho con. Con đến với Phật lòng trong vắt. Con đã ngửi được hương của Phật. Để ta cho người đưa con đi thăm chùa nhé.
Sư cụ gọi tôi ra dẫn Rêu đi để cụ đàm đạo với bà Thêu. Tôi dẫn Rêu đi ngang qua chiếc sân giữa ngăn cách thượng điện và nhà tổ. Cô bé vừa đi vừa nói:
- Lạ thật! Lạ thật! Chú An ơi, em ngửi thấy một mùi hương rất lạ.
- Hương ở thượng điện tỏa ra sân đấy.
- Không phải. Hương đốt khác, đằng này...
- Hay là hương hoa mộc. Ớ góc sân có cây mộc năm nay ra rất ntụều hoa.
- Không phải! Hương này rất đặc biệt. Khó tả ra lắm.
Thế là cuộc đi vãn cảnh chùa biến thành cuộc đi săn tìm một mùi hương đặc biệt chẳng biết tỏa ra từ đâu, mà mũi tôi thì điếc đặc, và chỉ mình Rêu ngửi thấy.
Rêu nhắm mắt lại, cánh mũi phập phồng định hướng:
- Phía này... bên phải... đi thẳng trước mặt... Không, đừng đi nhanh quá... Phía này mất mùi... Nó đây rồi - Rẽ trái! Đúng rẽ trái!...
Tôi cầm tay Rêu, còn Rêu nhắm mắt đánh hơi, đi tìm một mùi hương vô hình. Theo sự chỉ dẫn của cô bé. Và thật lạ! Chúng tôi đứng trước cái giếng đá ong. Chùa Sọ có hai cái giếng. Một cái giếng to hơn chiếc kia, miệng giếng đục bằng đá xanh rất nhiều nước. Đó là chiếc giếng cho sinh hoạt hàng ngày. Chiếc giếng thứ hai xây bằng đá ong. Miệng giếng nhỏ thôi. Nó nằm ở chỗ khuất lấp gần cây nhãn cổ thụ. Lạ một điều là cây nhãn này là nhãn lồng rất ngon. Và sư cụ tôi, khi pha trà, bao giờ cũng bắt tôi kín nước từ cái giếng nhỏ đó.
Đến đây Rêu bỗng mở choàng mắt và nói với tôi:
- Đến rồi! Ở đây hương bốc lên ngọt ngào. Em biết rồi. Đây là giếng thơm.
- Giếng thơm!
Tôi thốt to, nói theo, và hếch mũi hít những hơi dài. Tuy nhiên, tôi chẳng thấy mùi thơm. Còn Rêu, cô lim dim đôi mắt, vẻ mặt bừng lên hân hoan. Cô đang tận hưởng cái làn hương thơm tho, mà chỉ mình cô nhận được. Tôi ngạc nhiên, sững sờ nhìn cô song chẳng nói một lời. Bởi vì ở đời có rất nhiều điều kỳ diệu mà ta không thể ngờ. Chắc là tôi không có duyên, còn cô có duyên với thứ hương bí ẩn ấy. Người ta bảo mỗi vùng đất đều có hương riêng của nó, giống như làn hương riêng của mỗi cá nhân con người. Có thứ đất hương ô trọc. Có những linh địa hương sực nức ngào ngạt. Chùa của tôi chắc chắn là linh địa. Và khẩu giếng đá ong này thông với chính nguồn linh khí. Có vậy, thầy tôi, khi pha trà, mới bắt tôi nhất thiết phải lấy nước từ khẩu giếng này về đun. Thầy của tôi chỉ nhận ra hương đất qua những ấm trà, còn Rêu thì có duyên hơn, cô tìm ra hương đất chỉ đơn thuần bằng mũi ngửi.
Rêu đúng là một đứa trẻ. Cô lấy gầu, thả dây, kéo nước lên. Cô đổ gầu nước trong veo long lanh ánh sáng vào chiếc chậu sành. Rồi cô khum hai bàn tay, vốc nước, vã vào mặt. Cô nghịch nước như một đứa trẻ. Cô uống nước, cô vỗ nước, đập nước, rồi cả té nước vào mặt tôi và cười với tiếng cười giòn như nắc nẻ...
Sau hôm phát hiện ra điều kỳ diệu, Rêu rất năng lên chùa. Đến nỗi bà Thêu phải hỏi con gái:
- Con thích lên chùa... Hay là mày muốn đi tu?
Rêu nhoẻn cười với mẹ:
- Chùa thơm tho lắm u ạ. Nhưng con thích ở đời hơn ở chùa.
Dần dà, Rêu thân với mọi người trong chùa. Cả con chó vàng giữ chùa trông thấy cô cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Rêu thân với tôi đến mức có chuyện gì cũng nói. Rêu luôn đi lại với ngôi nhà lá bên ao bèo nhà chùa. Chị Nguyệt, bà vãi Thầm coi Rêu như người thân. Có thể nói bà vãi Thầm và Rêu như đôi tri kỷ. Nhiều buổi tối, hai người ngồi ở thềm nhà nhìn ra ao bèo ngắm đom đóm bay. Người ta bảo bà vãi già rồ dại, còn Rêu thì cũng ngơ ngơ. Bà vãi trỏ những con đom đóm to nhất, bà cụ đã nhận ra bóng dáng những người âm:
- Con đóm ở cuối ao gần cây vối là ông Khố nhà tôi. Con đóm trong lùm cây sung là bà bạn thân của ta thời con gái...
- Cô Thắm phải không?
- Ừ, cô Thắm! Cô ấy chết rồi mà vẫn làm đỏm. Áo tứ thân này, váy sồi này, hầu bao hoa lý, rồi lại đeo cả dây xà tích bằng bạc.
- Cô Thắm nói gì hở bà?
- Chả nói một nhời. Nhưng mặt buồn rười rượi. Cô Thắm là chị ông Trưởng bạ làng ta. Quái lạ! Nhà ông trưởng bạ giàu có. Sao cô Thắm lại buồn thế nhỉ. Hay là sắp có chuyện gì.
Bà vãi Thắm nhìn thấy ma, thấy người cõi âm qua những con đom đóm. Còn Rêu thì nhìn thấy Phật. Những ông Phật hiền hòa từ chiếc giếng thơm bay lên.
Một tối, tôi xuống căn nhà lá nói chuyện với chị Nguyệt. Tôi nhìn thấy hai bóng người một già một trẻ tha thủi ngồi ở đầu hè thì thầm, thủ thỉ, đang nhìn những con đom đóm bay bổng bay la để nói về những người ở cõi âm, tôi chợt thấy sờ sợ. Thầy tôi bảo người tu hành không sợ ma quỷ, nhưng thú thật, tôi vẫn thấy sợ.
Dạo ấy, thầy tôi hay đi làm phật sự ở những nơi xa, có khi vài hôm mới trở về chùa. Trong những chuyến đi ấy, sư bác Khoan Độ phải đi theo giúp đỡ, bởi vì thầy tôi đã già lắm rồi.
Những lúc ấy, một mình tôi quán xuyến cả ngôi chùa mênh mông. Tôi đánh chuông thu không. Sau khi đi kiểm tra các ngóc ngách cửa ngõ, tôi ngồi trong thượng điện tụng kinh gõ mõ. Ở tòa thượng điện tôi hoàn toàn yên tâm, bởi vì ở đây tôi ngồi dưới chân bao nhiêu là Phật. Trong ánh hào quang của chư Phật, loài ngạ quỷ nào dám bén mảng tới đây. Tôi nghĩ vậy và tôi đọc kinh hai lần, cố kéo dài thời gian, dưới sự che chở của chư Phật. Tôi nghĩ phải nằm một mình ở gian buồng gói đầu hồi nhà tổ. Sợ nhất phải một mình nghe đêm, mà giấc ngủ thì biến mất.
Rõ ràng là đêm ấy tôi đã tụng kinh cho tới quá nửa đêm. Rõ ràng là tôi đã buồn ngủ vì hai con mắt cứ díp lại. Thế mà khi về nhà tổ, bỗng nhiên tôi lại tỉnh như con sáo. Tôi nằm im lặng, miệng nam mô Phật, cố gắng gọi cơn ngủ trở lại. Nhưng thật quái ác, tôi càng gọi thì giấc ngủ lại càng xa vời.
Tiếng động ban đêm ở ngôi chùa vắng thật muôn hình vạn trạng. Đầu tiên là tiếng mọt đục gỗ. Tiếng ken két như người nghiến răng. Nghe ghê cả người. Mà không phải một con, những ba con. Lấy ngón tay nút lỗ tai lại, vẫn nghe thấy tiếng ken két trong óc. Hết phương cứu chữa rồi. Mắt chong ra. Thế này là giấc ngủ đêm nay đi tong. Quái lạ! Căn nhà tổ làm bằng gỗ lim cơ mà. Hay là mọt ăn rác gỗ. Tôi cứ phân vân nghĩ ngợi, chợt nghe tiếng gió hu hu ở đầu hồi nhà. À, tôi hiểu rồi. Sư bác bảo căn nhà toàn gỗ lim lõi. Chỉ riêng bộ đòn tay trong đợt sửa chữa cách đây mấy năm, là bằng tre. Dạo ấy đánh Tây, sự sửa chữa qua quýt. Chắc có mấy cây tre ngâm chưa kỹ, chưa chín, nên lúc này mọt mới hoành hành. Nghe tiếng gió hu hu, tôi chợt nghĩ đến ông thợ làm nhà tre tên là Thẩn trong làng. Ông ta lẩn thẩn nhưng làm nhà tre thì khéo tay chẳng ai bằng. Tỉ mẩn lắm. Đầu hồi là những ống tre. Ông Thẩn biến chúng thành những ống sáo như kiểu sáo diều. Mùa đông, đêm mưa to gió lớn, ta nằm trong chăn nghe mưa rơi, nghe tiếng sáo diều kể cũng thú. Tôi đã nghe sáo đầu hồi mùa đông của ông Thẩn rồi. Nhưng lúc ấy là nằm bên sư bác. Cảm giác thật yên ổn. Tiếng sáo đầu hồi ru tôi vào giấc ngủ. Còn đêm nay, sáo mùa hạ thì sao? Mỗi mùa gió có hướng khác nhau, lại lúc mạnh lúc nhẹ, nên sáo đầu hồi mùa hạ có khác. Đêm nay trăng vằng vặc giãi ngoài thềm, nhưng gió lại phe phẩy như đùa như bỡn. Ô hay! Ngọn gió nhẹ ấy lại hợp với những ống tre to. Tiếng sáo đầu hồi, trầm và buồn, nghe như tiếng tiêu xa với. ừ, nó nức nở như tiếng khóc. Tự dưng, thấy héo hắt trong lòng.
Lại thêm tiếng chó sủa ma. Tiếng nhát gừng của con chó vàng. Có tiếng tru kéo dài của con chó bông đáp lại. Con Bông là con chó trắng của nhà cụ chánh Long. Cụ chánh quý con chó trắng này lắm. Lông nó không mượt mà xù. Cụ chánh chăm tắm cho nó nên con chó như một cuộn bông trắng tinh. Cái đuôi cong cong uyển chuyển như lá cờ. Đó là con chó cái duyên dáng. Cụ chánh hãm, không cho nó đi tơ với loài chó vện, chó vàng quê mùa. Cụ bảo con Bông là giống chó quý phái, chó Ả Rập. Nó chỉ xứng đáng cặp đôi với loài chó tuyết của Nga. Có người mách có con chó Nga ở Hà Nội. Cụ đang liên hệ. Sẽ có một ngày cụ đem con Bông của cụ đi lấy giống. Dân làng thì nghĩ khác. Họ bảo:
- Quý gì mà quý. Giống chó trắng là giống chó ma. Con chó ma này động cỡn như điên như dại. Mà lạ thật. Nó chỉ thích con chó dái ngoài chùa. Đó là con vàng của sư cụ. Mà cũng lạ! Con chó dái của sư cụ không bị thiến mà trông thấy chó cái nó cứ dửng dưng như không. Hay là nhà chùa có thuốc bí truyền. Trông thấy gái mà không động lòng thế mới gọi là chó nhà chùa chứ.
Đêm nay, chắc chó trắng sổng chuồng. Con chó ma đến bãi tha ma, tru lên, dụ dỗ con chó vàng. Nghe chó tru gọi bạn, nghe ống sáo hu hu thổi khúc tiêu buồn, tôi như nẫu cả lòng, và nghe mãi thì lòng xốn xang, người bỗng gai gai rờn rợn. Cứ thấy hiện ra trước mắt hình ảnh con chó ma trắng toát, lông xù, mũi đỏ chót, mắt xanh lè, đi bằng hai chân sau ngoài bãi tha ma, vừa đi vừa tru lên bằng những tiếng tru dài thống thiết.
Đang lúc ấy, chợt vẳng lên một tiếng hát, tiếng tỉ tê trong đêm bát ngát. Văng vẳng mơ hồ... lúc đứt... lúc nối... véo von... trong vắt. Tiếng hát như ma trơi chập chờn trong gió. Tôi phải gắng sức nghe mãi mới luận ra:
Con ch im nho nhỏ
Cái đuôi nó đỏ
Cái mỏ nó vàng
Chim chích mà đậu cành hồng
Líu lo nó hót cho lòng ngẩn ngơ.
Ai hát mà véo von thế nhỉ. Cả làng Sọ này có ai hát hay thế đâu. Lại chọn đêm khuya giữa ánh trăng suông. Gió hây hây từ hướng nam. Phía ấy là bãi tha ma. Chẳng lẽ có kẻ động rồ nào ra giữa bãi tha ma mà hát. Lạ thật! Im ắng tật cả. Cả tiếng con chó trắng cũng dứt. Hay là con chó ma cũng mê tiếng hát, đã ngừng sủa trăng để nghe tiếng hát. Hay là chính con chó ma đã hóa thân làm cô gái mặc áo trắng, đang đội trăng để khoe tiếng hát mỹ miều. Tôi nghi nghi hoặc hoặc nghĩ vẩn vơ. Hóa ra chính tôi cũng đang say mê, đang bị hớp hồn vì tiếng hát. Tiếng hát như gọi tôi dậy. Tiếng hát đã cất bỏ gánh nặng sợ hãi đè trĩu tâm hồn tôi. Tôi đã ngồi bật dậy từ lúc nào chẳng hay. Rồi tôi bước ra thềm nhà ngồi trong ánh trăng vàng định hướng. Hóa ra không phải tiếng hát từ bãi tha ma vọng tới, mà từ vườn chùa. Quái lạ! Kẻ nào thế nhỉ? Kẻ nào dám đột nhập vườn chùa giữa đêm hôm khuya khoắt. Tôi khẽ mở cánh cổng hậu, đi ra vườn.
Lúc này tiếng hát mỗi lúc một to. Tôi đi tay không, chẳng mang gậy gộc. Bây giờ đã rõ ràng là một tiếng rất thanh và rất trong. Lúc này tôi hiểu tôi đã theo tiếng hát ra đây do sự tò mò. Quái lạ thật! Chỉ có kẻ điên rồ hay một loài tinh ma nào đấy mới đang đêm lẩn vào vườn chùa để cất tiếng hát:
Con chim nho nhỏ
Cái đuôi nó đỏ
Cái mỏ nó vàng...
Tiếng hát đã nghe rõ mồn một. Trong tiếng hát, có cả tiếng nước ào ào. Bây giờ thì tôi hiểu rõ rồi. Sở dĩ tiếng hát đứt nối là vì có những gầu nước chảy. Nghe rõ cả tiếng gầu lanh canh chạm vào thành giếng. Tức là, một con ma nào đó, hay một người nào đó đã múc nước từ giếng lên, rồi đổ ào từ đầu xuống chân. Tôi nấp sau bụi hoa sói và tôi đã hoàn toàn định hướng.
Tôi đưa mắt nhìn ra khẩu giếng đá ong. Ở đây, cây nhãn lồng đã chừa ra một khoảng trống để ánh trăng giàn giụa chảy xuống khẩu giếng. Và tôi không tin nổi mắt mình nữa. Bên thành giếng, giữa trời đất, một cô gái khỏa thân trắng toát, mớ tóc đen nhưng nhức sau lưng, đang tự nhiên, thỏa thuê tắm trăng, tắm nước giếng thơm. Làn da trắng của cô long lanh trăng vàng. Và cô lại cất tiếng hát véo von, mê hoặc:
Con chim nho nhỏ
Cái đuôi nó đỏ
Cái mỏ nó vàng...
Tiếng hát vút lên lảnh lót giữa trời đất. Rồi gầu nước dội ào ào từ đầu xuống chân. Người cô gái như dát bạc. Cũng đúng lúc này, đất trời chợt lâng lâng. Mà tôi cũng như ngây ngất. Bởi vì một mùi hương đã tỏa ra ngút ngát. Khắp vườn chùa thơm phức. Chẳng hiểu đó là hương đất trời, hay là hương từ cái giếng đá ong tỏa ra, mà lần đầu tiên tôi cảm nhận được.
Người ta chắc đoán ngay ra cô gái tắm trăng đó là ai. Cô Rêu đã nhằm lúc sư cụ và sư bác đi vắng, cô cũng biết tôi là kẻ nhút nhát, nên đã lẻn vào vườn chùa múc nước giếng thơm tắm. Tôi đã chứng kiến Rêu nhiều lần vục nước giếng vào lòng hai bàn tay vã vào mặt. Những lúc ấy, mắt cô long lanh thèm thuồng. Cô xin được tắm nhưng ai cho cô tắm bằng thứ nước quý chỉ dành cho sư cụ pha trà và chỉ dùng để thổi xôi đóng oản vào những ngày sóc vọng.
Rêu nói chuyện với Huệ, cứ ao ước được tắm nước giếng đá ong ngoài chùa. Huệ hỏi:
- Sao lại cầu kỳ thế? Nếu em thích tắm nước trong thì ra nhà chị. Nhà tao có bể nước mưa ngọt và trong văn vắt.
- Chị không hiểu đâu. Nước mưa ở bể nhà chị cũng quý. Tuy nhiên, nó ngọt mà không thơm. Ở làng này, chẳng nước nhà nào bì được với nước giếng đá ong ngoài chùa. Em bảo cho chị biết nhé. Nước ấy là nước thơm, nước thiêng. Một lần được tắm ở đấy là con người sạch bong. Sạch từ trong lẫn ngoài.
Huệ thì thầm bảo tôi:
- Cái Rêu nó lạ thật đấy. Cứ ngu ngu ngơ ngơ. Cứ như ở trên trời rơi xuống. Chẳng biết nó nhặt được ở đâu cái ý nghĩ tắm giếng kỳ lạ ấy.
Đến lúc ấy, tôi mới biết tới đức tính sạch sẽ của Rêu. Lúc nào cô cũng sạch bong, tinh khiết. Cô bé gầy gò, mảnh mai, nhẹ bỗng. Trông Rêu, có ngay cảm giác mong manh dễ vỡ. Cái tạng ấy thuộc về người nghệ sĩ.
Sau cái hôm sư cụ sai tôi lên gác tam quan đánh năm hồi chuông đại hồng chung để báo cho dân làng biết từ nay quê tôi sạch bóng quân thù, Pháp rút quân, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, làng Sọ náo nức ăn mừng. Thím Nấm lên nắm chính quyền. Bà bảo:
- Làng ta phải tổ chức một bữa tiệc tập thể cả làng. Mỗi người đóng một bát gạo. Dân làng chia làm hai. Một nửa tát ao đình. Một nửa bắt cá ngoài sông Đào.
Tôi đi theo đám người bắt cá sông. Người ta lấy hai mảnh lưới chắn hai đầu một khúc sông nông. Đầu tiên, tất cả trẻ con trong làng ra quẫy lộn, xô nước, đập nước, đánh ròng ròng, lặn ngụp, chúng quần đi quần lại làm cho lũ cá sợ chết khiếp lặn hết xuống đáy. Nước sông ngầu bùn. Tiếp đó gần trăm người lớn dàn hàng ngang thành một dãy dài nối hai bờ sông. Mỗi người cầm một cái nơm chụp xuống nước liên tục. Dãy người úp nơm tiến lên, đi từ đầu đến cuối khúc sông. Người ta reo to khi một con cá lớn quẫy ùm ùm trong nơm. Người ta hớn hở tay trái bịt miệng nơm, tay phải mò bắt những con cá bạc. Rồi mỗi khi bắt được, họ lại hớn hở giơ con cá lên trời mà hét lên như bắt được vàng... Đến trưa, thu được lưng hai rổ sồng…
Bữa tiệc tập thể mừng giải phóng được kết thúc vào buổi tối bằng một cuộc liên hoan. Một đơn vị bộ đội đóng quân trong làng góp vui bằng màn biểu diễn hò kéo pháo. Một tuần lễ tập luyện ngoài chùa cũng đủ để đội thiếu nhi toàn là nữ biểu diễn thành công điệu múa “Mừng ngày được mùa”:
Ta vui l à vui bông lúa chín...
Các cô thiếu nữ tha thướt váy sồi, áo dài, thắt lưng xanh đỏ. Tập múa đã công phu, nhưng công phu nhất là trang phục, trang điểm. Xưa kia, làng nghèo, hiếm áo quần. Các cô phải vận động mãi các bà vãi mới cho mượn váy sồi áo dài đi chùa. Lại phải lạy van bà đồng trong làng cho mượn một mớ dải lụa xanh đỏ, tím, vàng để các cô choàng lên cổ, cầm ở hai tay. Có những dải lụa nhiều màu sắc phất phơ, điệu múa mới mềm mại uyển chuyển. Lần đầu tiên, các cô thiếu nữ làng Sọ trông như những cô văn công. Lần đầu tiên, dân làng Sọ mới nhận ra con gái làng thật đẹp, trông chúng như những nàng tiên...
Nhưng tiết mục làm cả làng ngạc nhiên nhất là bài hát của cô Rêu. Có lẽ tôi là người đầu tiên được nghe Rêu hát dưới ánh trăng. Cả làng không ai biết Rêu có giọng hát hay đến thế:
Con chim nho nhỏ
Cái đuôi nó đỏ
Cái mỏ nó vàng...
Chim chích mà đậu cành bàng
Véo von nó hót cho chàng ngẩn ngơ...
Con chim nho nhỏ
Cái đuôi nó đỏ
Cái mỏ nó xanh
Cành cam, cành quýt, cành chanh
Trong ba cành ấy cho anh cành nào...
Khi Rêu hát, cả làng Sọ đều ngây ngất. Giọng cô bé lảnh lót, cao vút. Lại nhí nhảnh, ngây thơ. Họ không ngờ làng Sọ rất quê mùa của họ lại nảy nòi ra được một con chim họa mi như thế. Hôm ấy, có một ông chỉ huy trung đoàn cũng đến dự. Sau đêm liên hoan ông gặp Rêu và hỏi:
- Cháu học được ở đâu bài hát ấy?
- Thưa, cháu không học ở đâu cả.
- Thế, có ai dạy cháu không?
- Dạ, không.
- Vậy là cháu tự nghĩ ra và hát.
- Thưa, mẹ cháu nằm võng cứ ngân nga: “Con chim nho nhỏ, cái đuôi nó đỏ, cái mỏ nó vàng...” cháu thấy câu đó hay hay. Khi đi chăn bò, cháu cứ nghêu ngao mãi mà thành bài hát...
- Giỏi! - Ông chỉ huy khen ngợi - Cháu có giọng hát và bịa bài hát cũng khéo. Cháu có năng khiếu đấy. Cháu có muốn đi văn công không?
Rêu chẳng biết văn công là gì, nhưng được ông chỉ huy giải thích, nó bằng lòng ngay, vì rằng nó thích hát và nhất là được đi khắp đó đây. Tại sao Rêu lại thích đi văn công, xa nhà như vậy? Ở làng Sọ, những đứa trẻ còn bé, chẳng đứa nào dám xa cha mẹ cả. Cái lý do tại sao, chẳng ai biết. Cả tôi, cả Huệ, những đứa bạn thân nhất của Rêu cũng không biết, mãi cho tới sau này mới được nghe nó kể.
Nghe nói, thời gian hơn một năm ở đội văn công của Rêu cũng nổi đình nổi đám lắm. Càng ngày nó hát càng hay vì vào văn công nó được học hành tử tế. Rêu nhỏ bé, mảnh khảnh, mong manh nhưng có giọng hát rất vang, rất lảnh lót. Nhìn Rêu, người ta chẳng hiểu lồng ngực của Rêu cấu tạo ra sao mà lại phát ra được những âm thanh kỳ diệu và lung linh đến như vậy. Giọng hát của cô bé đã thuyết phục, đã mê hoặc được bao nhiêu thính giả. Nghe Rêu hát, nhất là khi cô ngân nga, run rẩy ở một âm thanh chót vót, người ta bảo lồng ngực và cổ họng của cô giống như con chim họa mi bé nhỏ. Người ta thích thú hoan nghênh nhưng cứ thấy rờn rợn. Thính giả có cảm giác như cổ họng của cô làm bằng thủy tinh. Rất mong manh để có thể rung lên những thanh âm thay đổi cực kỳ tinh tế. Cứ cảm giác như nó thật giòn tan dễ vỡ. Và người ta gọi cô là con họa mi thủy tinh.
Một năm trời thôi, nhưng Rêu được đi rất nhiều nơi. Cô bé hát rất say sưa. Cái say sưa của một con người đang tìm một cái gì đó mà chưa thấy. Cuối cùng, điều mà những khán thính giả của cô lo sợ xảy ra, cũng đã xảy ra. Sau một cuộc biểu diễn thành công đặc biệt, con họa mi hiếm hoi của làng Sọ bỗng lăn ra ốm. Các bác sĩ phát hiện ra Rêu mắc bệnh lao phổi. Người ta tận tình chữa cho cô liền sáu tháng trời mới khỏi. Rêu trở về làng xưa, nhưng từ giờ không được hát nữa.
Rêu đã hoàn toàn thay đổi. Điều mọi người dễ nhìn ra nhất là Rêu đang từ một cô bé vui tươi bỗng trở nên trầm tĩnh tư lự. vẫn tốt bụng, đôn hậu như xưa; vẫn thắm thiết với bạn bè, làng xóm; vẫn nụ cười nở trên môi, chỉ có khác là nụ cười buồn buồn, vẫn ra cái giếng đá ong nhà chùa, để vọc tay vào làn nước thơm vã lên mặt, nhưng cái Huệ bảo có lần nhắc nó chuyện tắm nước giếng thơm ngày xưa, nó chỉ cười hắt hiu và lắc đầu.
Một hôm, Huệ thấy Rêu quá tư lự, âu sầu, liền đánh bạo hỏi:
- Sao lúc nào mày cũng ỉu xìu như thế?
- Thì cũng tại cái số em nó như thế... Thế chị không biết làng xóm người ta đồn về em hay sao?
- Tao cũng nghe qua loa... Nhưng tin sao được miệng lưỡi thế gian...
- Nói thế chứ, em nghĩ cũng thật buồn... Trong làng đứa nào cũng có cha... Còn em thì sao... Tại sao ông chánh lại hờ hững với mẹ con em... Chị có biết không, có khi quá nửa đêm, em thức dậy cứ thấy có tiếng sụt sịt. Em nghe ngóng mãi mới biết mẹ em đang khóc... Em thương mẹ quá... Từ lúc ấy, em quyết đi tìm cho bằng được xem cha mình là ai.
Ôi, con họa mi thủy tinh hiếm hoi của quê tôi! Cứ tưởng cô chỉ biết đến sự hồn nhiên, nhởn nhơ ở cõi đời này. Hóa ra lòng cô cũng tơ vò trăm mối. Huệ hỏi:
- Thế tại sao mày lại đi văn công, đi ca hát?
- Có người bảo rằng em hát hay như thế vì bố em là một anh bộ đội cũng hát rất hay... Em đi biểu diễn khắp nơi. Đến đâu em cũng hỏi thăm anh bộ đội có giọng hát hay. Hỏi bố em tên gì, em không biết, chỉ trả lời rằng ông rất giống em mà thôi... Thế là hơn một năm trời lang thang mất công toi...
Thế đấy! Con họa mi làng tôi dù sao thì cũng rất hồn nhiên. Cô ta quá ngây thơ để có thể tin vào một lời đồn vu vơ, đã dám bỏ ra hơn một năm trời để đi tìm một con người trong tưởng tượng mà cô không hề biết tên, biết họ.
Người thứ hai cô nghi hoặc và tìm đến hỏi là một người cô biết tên biết họ hẳn hoi. Trong lời đồn đại về cái đêm định mệnh đối với bà Thêu có câu nói của mấy ông tuần phiên: “Tối hôm ấy tối đen như mực. Chúng tôi thấy một bóng đen chui từ cái trổ tre nhà bà Thêu chạy ra đồng. Chúng tôi đuổi theo đến bờ sông, thì đánh ùm một cái rồi mất hút. Chúng tôi đứng trên bờ sông, chờ kẻ kia lặn hết hơi sẽ ngoi lên. Đứng mãi vẫn chẳng thấy gì. Chỉ có ma nam mới biến mất tăm như vậy. Hoặc là chỉ có những người bắt tôm bắt cá, thạo sông nước, bơi lặn như rái cá mới có thể trốn lủi dưới nước, thoát khỏi con mắt của chúng tôi...”. Tuần phiên chẳng dám nghi ngờ ai, bởi vì giỏi sông nước nhất làng này, kẻ có tài lặn vài mươi phút như rái cá ở làng này chỉ có độc nhất anh Lẫm, chồng cô Thì, con rể bà vãi Thầm. Tuy nhiên, anh này xấu xí quá, người đen như cột nhà cháy, tóc tai bù xù bẩn thỉu, lúc nào cũng đội chiếc nón mê và lăn lộn ngoài đồng. Kể ra, tay này cũng là loại dê cụ, tuy nhiên chẳng dám chàng màng tới bà Sáu, vợ cụ chánh. Hơn nữa, người đàn bà nõn nà như bà Thêu có khi nào lại dính dáng tới con người xấu như ma lem ấy... Anh Lẫm bị loại khỏi vòng nghi ngờ của xóm làng. Chỉ riêng Rêu, cô vẫn ngờ vực. Đã ngờ vực thì phải hỏi cho ra nhẽ. Rêu nghĩ như vậy. Rêu hoàn toàn khác mọi người. Cô không sĩ diện. Nếu thật quả là đúng, thì cô có một người cha như vậy cũng chả sao.
Có thể nói, ông Lẫm sống hoang dã, màn trời chiếu đất. Suốt đêm ngày, ông trụ ở ngoài đồng. Có khi vài ba hôm ông mới trở về nhà. Mỗi ngày, chị Thì mang cơm cho chồng hai lần. Bữa thứ hai, lúc trời đã tối nhẹm. Ở ngoài đồng, thỉnh thoảng lại nhô lên một gò cao. Anh Lẫm thường thả lờ, đặt đơm, đặt đó vào ban đêm. Mệt thì lăn ra ngủ trên gò, tùm hum chiếc áo tơi che muỗi. Chừng hai canh giờ lại choàng tỉnh, đi nhắc đơm nhắc đó.
Do vậy nên một tối, Rêu lội xuống tìm đến Gò Mả Quan để gặp ông Lẫm. Gò Mả Quan nằm liền kề khu đồng Dộc. Đồng Dộc là một dải ruộng sâu, nơi tôm cá khắp vùng dồn tụ cả về, nơi ông Lẫm hàng đêm vẫn đặt lờ, đặt đó.
Lúc ấy, chị Thì vừa mới mang cơm ra đồng cho chồng ăn xong, chị đổ giỏ tôm tép vào cái rổ rồi cắp nách đem về. Chị không quên mang ra cho anh Lẫm lưng cái chai con chừng hai chén rượu. Chỉ thỉnh thoảng và chỉ có ngữ thế thôi. Trăng đầu tuần như chiếc liềm sáng treo trên bầu trời thưa sao trong vắt. Anh Lẫm giữ lại mấy con tôm kềnh to bằng ngón tay, nhảy tanh tách trong giỏ. Anh nhắm rượu với tôm sống chấm muối ớt. Trông thấy cô bé Rêu gầy gò mảnh khảnh ngồi trước mặt mình, hình như anh không lấy làm lạ. Cô bé lúng túng mãi không biết nên vào đề như thế nào. Cô lại hỏi một câu chẳng ăn nhập gì cả:
- Bác ăn tôm sống như vậy có tanh không?
- Không đâu cô ạ. Lại ngọt là đằng khác. Cô có biết không có lúc làm nhiều, đói quá đến thắt cả ruột, tôi ăn cả cá sống, cua sống. Cũng may, ở đằng kia có lăng Quan Nghè. Đấy là mả một ông quan to ngày xưa. Nhờ có cụ phù hộ nên tôi kiếm ăn ở đây cũng được. Ở đấy có mấy bụi đinh lăng, nhón vài hạt muối, một quả ớt chỉ thiên đưa tất cả vào miệng mà nhai cho kỹ. Ôi chao! Vừa ngọt, vừa bùi, vừa cay cay, mằn mặn. Ngon ơi là ngon! Ngon tuyệt trần đời! Ăn tới đâu, khỏe người tới đó...
Ông Lẫm nói xong, cười giòn. Rêu cũng cười. Tiếng cười xóa tan sự lúng túng ban đầu, làm Rêu thấy thoải mái, thấy con người hoang dã ấy cũng chẳng có gì đáng sợ. Ông Lẫm tợp một ngụm rượu, rồi bảo:
- Cô định hỏi tôi điều gì phải không? Cứ nói đi. Đừng ngần ngại gì cả... À... mà chắc cháu lại nghe dân làng người ta đồn đại gì rồi phải không? Đừng có nghe. Nhảm! Tất cả đều nhảm!
- Cháu khổ tâm lắm bác ạ. Chẳng biết dân làng nói đúng hay là nói sai, nhưng thật sự cháu rất khổ tâm... Bác ơi!... Thực sự cháu muốn có cha... Cha cháu là ai cũng được... Miễn là cháu có cha... Bác Lẫm ơi! Cha cháu là ai? Bác đã ở đây lâu... Đêm nào bác cũng ở ngoài đồng... Người ta bảo chỉ có bác là biết thôi... Cháu van bác đấy... Bác nói cho cháu khỏi nghi hoặc... khỏi khổ tâm... cháu rất cần biết... Dù cha cháu là người nghèo khổ cũng không sao... Cháu thề với bác đấy... Dù cha cháu thế nào cháu cũng vẫn yêu mến... kính trọng.
Ánh trăng mờ thượng tuần chiếu vào mặt cô gái, ông Lẫm nhìn thấy những giọt nước long lanh trong đó. Giọng cô gái run lên, van xin:
- Bác ơi! Xin bác nói đi... Hay là... Hay chính bác là cha của cháu... Người ta bảo trong làng Sọ, chỉ có bác là người có thể lặn sâu dưới nước... rất lâu mà không cần thở... Bác Lẫm ơi! Bác nói đi! Có phải sự thật là thế phải không?
Người đánh cá ngồi im như trời trồng, nhìn cô gái hiền hậu đang trong cơn mê sảng. Nghĩ rất lâu, mới lên tiếng:
- Cháu bình tĩnh lại đi. Đây là việc rất hệ trọng nên cháu không nên nghe những lời nói nhảm... Cháu tốt bụng, cháu hiền như một cô tiên... Nếu cháu là con... Còn gì sung sướng cho ta hơn. Nhưng cháu tin ta đi... Ta thề có trời đất... Cháu không phải là con ta... Cháu nhìn kỹ ta mà xem. Ta đen đủi... Đầu tóc như tổ quạ... Người ngợm mặt mũi lúc nào cũng lấm bùn đất... Còn cháu thì sao? Cháu xinh đẹp... Cháu tốt bụng... Trời đất sinh ra hiếm có ai như cháu. Con phải thật bình tĩnh mà thử nghĩ xem: Liệu một người xấu xí như ta có thể sinh ra một đứa con như ngà như ngọc hay không? Huống hồ đối với cụ chánh, đối với họ Nguyễn, ta lại là người chịu ơn... Cháu biết không, cái bận ta đói khát từ Thái Bình đến làng này, cụ chánh đã rủ lòng thương, nhận ta vào làm thợ cày. Có như vậy, ta mới không chết đói. Có như vậy, ta mới lấy được vợ, rồi sinh con đẻ cái...
Ông Lẫm ngừng lời một lát như để suy ngẫm, như để hồi tưởng lại những chuyện rất xưa, rồi mới nói:
- Cái khổ là cháu nghe lời nói nhảm. Cả đến cụ chánh Long cũng tin vào lời nhảm... Cái dạo ấy vào hồi trước Cách mạng, Việt Minh hoạt động rất ráo riết. Cụ chánh Long tuy làm chánh tổng, nhưng là người học chữ thánh hiền, lại là học trò của sư cụ ngày xưa, thầy sư cụ Vô úy bây giờ, nên chẳng màng gì đến chuyện đời. Riêng ông lý Phượng, con cả của cụ chánh thì khác. Ông ta rất năng nổ đôn đốc đám tuần phiên; đêm nào tiếng tù và cũng tí u vang lên khắp cánh đồng. Đến như ta làm nghề đơm đó, chuyên sống về đêm, ông ta cũng cấm không cho đi đêm. Ta phải lạy van mãi, xin nộp cho làng mỗi tháng một đồng bạc, ông ta mới cho phép, nhưng hạn chế chỉ được kiếm ăn ở cánh Dộc này, chứ không được đi lung tung. Đêm hôm ấy, ta nghe tiếng tù và vang lên dồn dập ở phía cánh đồng gần nhà cháu. Ta không mục kích cuộc rượt bắt. Tuy nhiên, ta nghĩ rằng có thể là cuộc rượt bắt khác. Chẳng ai nhìn thấy, nhưng có thể vì đêm tối mịt mờ, người ta có thể hoa mắt nên bảo rằng có bóng đen từ cái trổ tre nhà cháu chui ra. Cũng có thể người ta nói thế vì mục đích khác thì sao? Nhà giàu, lắm của, lắm vợ, lắm con. Chỉ có giời mới biết đích xác... Tuy nhiên, cháu phải tin bác đi... Cháu giống mẹ như hai giọt nước, cháu chẳng giống người đàn ông nào mà bác biết... Cho nên bác tin chắc rằng đích thị cháu là con cụ chánh Long... Mấy lại... cháu cũng giống cụ chánh đấy chứ. Cụ chánh đàn rất hay... Còn cháu hát như con chim họa mi... Người ta bảo: “Con nhà tông chằng giống lông, cũng giống cánh” mà...
Sau cuộc gặp gỡ với ông Lẫm ở Gò Mả Quan, Rêu được nghe lời phân tích của ông, cô gái lại nhen lên trong lòng một niềm hy vọng khác. Cô gái tìm cha đã làm một hành trình thật lạ. Mới đầu, là cuộc du hành bốn phương trời, đem tiếng hát để đi tìm một người cha không tên, không họ. Đi một vòng, để rồi lại quay về điểm xuất phát, để kiểm chứng lại cái người đã không thừa nhận, đã bán tín bán nghi dòng máu của mình.
Cũng có thể nói đây là cuộc du hành cuối cùng của con chim họa mi, của cô em nhỏ bé nhất trong lớp học làng tôi, cuộc du hành của đứa con đi tìm cha.
Lúc ấy, ở khắp vùng trong huyện, làng quê đều đang nôn nao, hầm hập như con người sắp lên cơn sốt. Người ta bảo đợt tới, làng Sọ sẽ làm cải cách ruộng đất. Những làng ở huyện bên cạnh đã làm rồi. Cho nên, tuy chưa trải qua, người ta đã biết hết cải cách sẽ tiến hành ra sao, có những bước thế nào. Người ta nghe ngóng, người ta đồn đại, người ta tự liên hệ bản thân, ai ai cũng ang áng biết mình sẽ thuộc thành phần nào, gia đình nào sẽ lên thằng phú, thằng địa, gia đình nào sẽ là cố nông, bần nông. Kẻ lo, người mừng. Tuy nhiên, người ta cũng hiểu rõ một điều, nhưng điều đoán định ấy chỉ là tương đối. Sẽ không như sách vở đâu. Còn rất nhiều điều bất ngờ. Bởi vì còn có chuyện tố khổ. Người lương thiện tố khác. Người ác độc lại tố hoàn toàn khác. Chỉ vì một lời tố bâng quơ nào đó, anh cố nông cũng có thể trở thành phản động, hay một nhà nông nghèo cũng có thể lên thành phần bóc lột. Cho nên, người dân quê, trừ những kẻ đắc thời, đều gài chặt cửa ngồi nhà, và khóa cả mồm cả miệng. Ở thời này ít nói là hơn. Chỉ một lời sảy miệng có khi mang vạ vào thân. Và nhất là chẳng nên đi lại với những nhà có máu mặt. Thì thụt, thân thiết với kẻ khác có khi cũng là tội lỗi.
Thầy tôi, sư cụ Vô úy, đêm nào cũng tụng kinh tới quá nửa đêm. Thầy tôi bảo: “Nộ khí, sát khí đang dâng cao. Nó có thể thấm vào ta. Thầy hiểu những tụng niệm của thầy chẳng hề có thể làm tan bầu khí nặng nề. Song, ít nhất, nó cũng an cái tâm cho thầy, nó cũng ngăn những xung khí ấy thấm nhiễm vào người ta, và qua những lời kinh, thầy trò ta cũng nhận được luồng từ lực của chư Phật hộ niệm cho chúng ta, giúp ta có được lòng kiên trì nhẫn nhục để vượt kiếp nạn”.
Trong những ngày ấy, Rêu hay lên chùa. Nó càng lúc càng thân với tôi hơn. Tới mức, có gì trong lòng nó đều thổ lộ cho tôi hết. Tôi đã nói, Rêu rất trong sáng. Có thể cô bé trong văn vắt. Mà nhà chùa cũng là một nơi chốn trong vắt ở thế gian này. Có lẽ nói chuyện với Phật rất khó. Chỉ có những người đắc đạo mới có thể nói chuyện với Phật. Bởi vì khi ấy độc thoại được biến thành đối thoại. Chắc vì thế nên Rêu mới tìm đến nói chuyện với tôi. Dù sao, tôi cũng là người ở chùa. Rêu nghĩ tôi gần Phật hơn. Một bận, Rêu bảo:
- Chập tối hôm qua, ông chánh đến nhà em... Mẹ em không tiếp, bà đuổi ông ấy về. Trông ông chánh đi lúi cúi, cái đầu gục xuống, thật thương anh An ạ...
- Tại sao bà Thêu lại đuổi?
- Chắc mẹ em sợ liên lụy. Bà muốn cắt đứt với địa chủ. Có người nói với mẹ rằng vợ thứ sáu thì không phải là địa chủ. Vẫn là thành phần lao động. Bà ngoại em bần nông, vậy mẹ em cũng là bần nông... Anh An ơi! Bây giờ em phải thế nào hở anh.
Tôi ngẫm nghĩ và nhớ đến lời thầy tôi dạy. Tôi đem lời ấy nói với Rêu:
- Trong cuộc bể dâu này, chẳng có ai thoát nổi. Nó động chạm đến khắp mọi người. Kẻ gặp may, được ưu ái thì tâm hồn cũng vấy bẩn, có khi còn ân hận cả đời. Kẻ bất hạnh không gặp may thì sẽ gặp bước gian truân, lưu ly. Sẽ tai qua nạn khỏi tất cả, chỉ miễn là giữ được cái tâm trong sạch, từ bi...
Chẳng biết lời của thầy tôi giúp được Rêu tới đâu. Chỉ biết rằng bà Thêu cứ dặn đi dặn lại con gái phải tuyệt nhiên không được liên hệ với ông chánh, nhưng cô con gái đã làm ngược lại lời bà. Bởi vì cô Rêu nghĩ việc cải cách này không phải là điều cô quan tâm nhất. Cái cô quan tâm nhất là việc cô đi tìm một người cha. Cuộc nói chuyện với ông Lấm ở Gò Mả Quan đã làm cô nghĩ lại và hy vọng. Hơn nữa, vào cái lần bà Thêu đuổi ông đi, cô bé nhìn ông lủi thủi ra ngõ, cái đầu cúi xuống, cái lưng còng còng... Cái dáng tha thủi nhẫn nhục bỗng làm lòng trắc ẩn dâng lên trong cô... Nhỡ ông ấy thực là cha ta thì sao? Có thể lắm chứ. Sao tim ta, nhìn thấy ông như thế, cứ thấy phập phồng đau xót... Hay là trái tim mách bảo... Rêu đã kể với tôi như vậy với con mắt buồn đến nẫu ruột. Tôi bảo Rêu: “Trái tim đã mách bảo thì cứ thế mà làm”.
Một lần, Rêu đột ngột đến nhà ông chánh. Cô đi vào Ngõ Lớn. Ngõ Lớn là ngõ to nhất làng Sọ. Ngõ cạnh đình, nối với trục chính trong làng. Sở dĩ ông chánh làm Ngõ lớn chỉ vì muốn ôtô đi đến tận cổng nhà mình, để tiện cho việc đi đến của các quan tỉnh, quan huyện. Ngõ được làm từ thời cụ phủ (cụ làm quan phủ), cụ thân sinh ra ông chánh. Ngõ Lớn chỉ có một nhà, nó là ngõ riêng của gia đình ông chánh. Hai bên ngõ trồng tre. Tre châu đầu vào nhau, tạo thành một vòm cung màu xanh trên đầu. Trẻ con trong làng không đứa nào dám quấy phá, lại luôn có một gia nhân chuyên sửa sang buộc bịu.
Cuối ngõ là cái cổng gạch xây theo kiểu cổ ở các làng quê. Một bụi xương rồng lạ, gốc ở trong, leo lên mái ngõ, rồi tỏa những cành xanh từ trên cao rủ xuống, như những cánh tay cong cong. Tất cả tạo nên cho Ngõ Lớn một vẻ rất độc đáo và duyên dáng. Chả thế mà các quan lớn ở trên về, ai ai cũng phải tấm tắc khen ông chánh là kẻ có con mắt sành sỏi, biết biến hóa, làm cho những thứ rất quê mùa trở thành diễm lệ.
Đấy là chuyện ngày xưa, thời mà ông chánh, ông bá Phượng còn là những ông vua con trong làng. Còn bây giờ, cái ngõ tre rộng đâu còn như trước, cỏ hoang đã đâm lên từ kẽ gạch. Hai dãy tre vàng không được sửa sang, tỏa nhánh tùm lum tua tủa. Bóng dáng con người chỉ còn dấu vết ở một con dường mòn nằm giữa nền gạch. Thường dễ đã mấy năm rồi Rêu chưa đặt chân trở lại đây. Sự xa cách giữa ông chánh và mẹ con Thêu - Rêu xảy ra từ từ. Hồi bé, Rêu nhớ cứ mười ngày ông chánh lại đến với mẹ con cô. Những bữa ấy vui lắm. Rêu được ngồi trong lòng ông, khi ông uống rượu. Bà Thêu làm mắm tép rất khéo. Mà ông chánh thì lại thích thức ấy. Bà Thêu thường mua chân giò thái mỏng ra rồi thái những lát khế, lát chuối cho ông chấm mắm tép đỏ au. Những lúc ấy, ông chánh rung đùi tít lên, vuốt má Rêu và âu yếm khen Rêu là con gái xinh. Nhưng rồi, những bữa ăn ấy cứ thưa dần, thưa dần. Cuối cùng bặt hẳn.
Cái bận cuối cùng Rêu đến nhà ông chánh cách đây chừng mấy năm. Vào ngày giỗ cụ phủ thì phải. Hồi ấy, Rêu còn nhớ như in, vì vừa vào ngõ Rêu đã bị ba bốn con chó to xồ ra vây quanh. Rêu khóc thét lên. Và nếu không có Hiếu chạy tới thì có lẽ Rêu đã bị lũ chó phanh thây. Từ bữa ấy, Rêu không đến nhà cụ chánh, nguời mà cô vẫn gọi bằng thầy.
Rêu đứng trước cánh cửa lim gọi to song chẳng có ai thưa. Rêu vẫn sợ đàn chó nhur đàn hùm dữ. Cô tần ngần nhưng cuối cùng cũng đẩy cánh cửa lim. Cô giơ tay đẩy. Cánh cửa không cài then. Nó nặng nề xoay cót két trên cái trôn bát. Rêu hồi hộp, giữ thế thủ chờ đàn hùm dữ. Tuy nhiên, lại chỉ có một con chó trắng tinh, lông lồm xồm, đứng phe phẩy cái đuôi lá cờ, rồi sủa gâu gâu. Tiếng sủa chẳng có gì hung dữ, mà lại như âu yếm. Hóa ra con chó chỉ là cái chuông báo hiệu. Ông chánh lọm khọm, ho sù sụ từ sân sau bước ra. Khu nhà mênh mông tòa ngang dãy dọc nên Rêu phải đứng chờ một lúc trước con chó trắng. Con chó sủa nhưng vẫn đứng im, phe phẩy lá cờ đuôi, cái mũi đỏ hếch lên nhìn Rêu. Cô hỏi nó:
- Mày có phải con chó ma, mà dân làng cứ đồn ầm lên phải không? Chó ma ư? Mày xinh đáo để.
Cô đang định làm thân với con chó trắng thì ông lão đến. Ông nói hiền lành:
- Rêu đấy ư? Rêu đã đến đây ư? - Ông nói run run. Đôi mắt già như sáng lên. Ông lẩm bẩm - Ừ... nó cũng đến. À, mà phải... Con chó này không phải chó ma đâu... Lũ chó dữ... chúng bỏ đi hết rồi. Con nào không bỏ đi ta cũng cho người ta. Chỉ giữ lại con này... để nó làm bạn. Nào... vào đây... con vào đây...
Rêu lặng lẽ bước vào gian nhà khách, rón rén ngồi vào chiếc tràng kỷ. Cô ngạc nhiên khi cảm thấy bộ óc mình như rỗng không. Bao nhiêu câu cô định hỏi bỗng nhiên bay đi đâu mất. Ông lão hình như cũng lúng túng như cô. Ông hỏi những chuyện vẩn vơ. Hỏi làm văn công cô đi những đâu. Hỏi khi bị bệnh cô điều trị ở đâu. Rồi ông bảo ông mừng vì bệnh lao là một trong tứ chứng nan y. Và khoa học ngày nay tài quá. May mà cô sinh vào thời bây giờ nên bệnh mới khỏi. Riêng chủ đề bà Thêu, rồi chuyện vợ chồng, cha con ra sao, cả hai đều như muốn lảng xa không động đến.
Rêu nhát gừng trả lời ông lão. Cô lơ đãng nhìn lên tường nhà. Ở đấy, treo hai cây nguyệt cầm cổ và một cây nhị. Cô bỗng dưng nhớ lại một kỷ niệm:
- Hơn một năm con đi văn công, rồi đi chữa bệnh, con cũng học đàn nguyệt. Nhất là năm sáu tháng ở bệnh viện, con gặp một ông thầy đàn. Ông ấy đã dạy con...
- Thế ư? Ta cũng nghe dân làng bảo con hát rất hay. Không ngờ con còn biết đánh đàn...
Ông lão đứng dậy, lấy cây đàn treo trên tường xuống, đưa cho Rêu. Cây đàn rất đẹp. Cần đàn, sườn và lưng hộp nguyệt màu cánh gián có vài hình khảm xà cừ óng ánh, căn phòng khách nhiều bụi, riêng cây đàn sạch bong, cầm cây đàn, tự nhiên mắt ông già long lanh:
- Con thử đánh ta nghe một khúc xem sao.
Rêu ngần ngừ định từ chối, nhưng rồi nghĩ một lát, cô bằng lòng nhận lời. Ông chánh vốn nổi tiếng đàn nguyệt, cả làng ai cũng nói thế, song thực ra Rêu chưa bao giờ được nghe ông chơi. Tuy thế, nhìn cây đàn, cô biết trước mặt mình là một tay đàn lành nghề, một thầy đàn. Nhất là trước khi đưa cây đàn cho cô, ông đã dạo lên một đoạn lưu không... Ôi chao! Tiếng ngọt ngào. Ôi chao! Ngón tay như bay, như múa.
Tự nhiên cô run run sợ hãi. Cuộc gặp gỡ hóa thành cuộc khảo đàn.
Ông già có lẽ hiểu cô đang nghĩ gì. Ông khích lệ động viên Rêu:
- Con đừng ngại. Thầy con dạy thế nào, con cứ làm thế ấy.
Ông già tròn đôi mắt khi Rêu tháo tung tất cả dây đàn rồi lắp lại theo ý cô. Đàn nguyệt có bốn trục vặn nhưng chỉ có hai dây đàn thấp và cao. Ông già à lên một tiếng khi thấy cô đảo chỗ giữa hai dây. Thì ra cô thuận tay trái. Ông cũng gật gù khi thấy cô vắt chân chữ ngũ, nghiêm chỉnh sửa soạn chỗ ngồi, cái cổ vuơn lên kiêu hãnh mà sang trọng. Khi hát, đôi mắt cô nhìn xa xăm long lanh duyên dáng. Cô vừa đàn vừa hát điệu Cờn:
Nhớ lời Mẫu gọi cô lên
Một tin gắn bó hai tin hẹn hò
Mẫu dặn cô điều nhỏ tiếng to
Hương thơm huê ngát thơm tho lạ lùng
Tấu cô thương lấy ghế cô cùng...
Ông chánh tươi tỉnh khi cô dứt tiếng hát. Ông lấy cây đàn thứ hai từ trên vách xuống rồi vừa nhấn phím vừa chỉ vẽ cho cô:
- Ta hiểu rồi, ông thầy đàn của con vốn là một ông cung văn. Chắc ông ta là một thầy đàn nguyệt điêu luyện nên ngón đàn của con tuy còn chút ngỡ ngàng nhưng rất vững vàng. Con nên biết đàn nguyệt không chỉ riêng dùng cho hát chầu văn... Ngâm thơ... hát chèo... ca Huế đều dùng đến nó cả. Bởi vậy muốn chơi nguyệt cho hay, phải biết tất cả các loại dân ca. Thạo tất cả mới có thể pha trộn uyển chuyển, biến báo linh hoạt làm cho tiếng đàn thật mềm, thật nhuyễn. Người đánh đàn hay như rót mật và tai người nghe. Muốn lấy nước mắt của người đời cũng được. Muốn người ta vui tươi nhảy nhót cũng được. Nhưng người đánh đàn hay nhất là người biết rót lòng mình vào tiếng đàn...
Chẳng biết ông già nói với riêng mình hay nói với cô gái nữa. Còn đối với Rêu, đây là lần đầu tiên cô được nghe những lời nói dài như thế từ một người, mà trên danh nghĩa, là cha cô. Chẳng những nghe lời nói mà còn nghe tiếng đàn của ông. Lời nói đã đành... Những tiếng đàn mới thực là tâm tình. Ôi! Tiếng đàn hôm ấy! Sao nó não lòng lắm vậy. Tiếng đàn lúc buổi chiều tà. Tiếng đàn oi bức của một bầu trời trước cơn dông bão... Ngồi bên cạnh là một cô bé đi tìm cội nguồn, với nỗi tơ vò trong lòng, với những câu hỏi trong đầu óc còn chưa kịp mở ra. Con chó trắng, con chó ma thì nằm dưới đất. Con chó cũng như tư lự. Nó đặt mõm gối vào hai chân trước. Con chó cũng biết nghe đàn ư? Khi dứt tiếng đàn, ông lão cũng bừng tỉnh. Bấy giờ ông lão mới quay trở về, nói đến tiếng đàn của cô:
- Tiếng đàn ở khu vực giữa lúc hòa vào tiếng hát là được. Còn ở giữa hai trổ hát, lúc đó tiếng đàn một mình tung hoành ở khu vực cao; đó là lúc người chơi đàn khoe ngón của mình. Tiếng đàn lúc này phải réo rắt, phải uyển chuyển tinh tế, vì giọng hát khi ấy đã dứt rồi. Tiếng đàn chẳng thể nương tựa trốn lủi vào giọng hát nữa. Giọng hát của người đàn càng hay thì khúc lưu không phải càng hay mới cân xứng... Người ta bảo con có giọng hát họa mi. Ta thấy đúng và mừng cho con. Tuy nhiên khúc lưu không thì chưa ổn. Con chưa khoe được tiếng đàn.
Ông già ngừng một lát rồi tiếp.
- Con thích giọng Cờn... Ta hiểu con thích cái gì là dịu dàng đẹp đẽ. Ta biết con thích sự duyên dáng thanh cao. Trong hát văn có một điệu có tính chất như vậy. Nó cũng uyển chuyển cũng tươi tắn. Nghe nó lòng người lâng lâng... Đó là điệu Phú. Thế này là Phú... thấy chưa? Chính khúc là thế này... Còn biến cách thì có phú bình, phú chênh, phú dựng, phú dồn... Con thích có phải không?... Ừ... ta sẽ dạy con... Dạy cái làn chính thôi... Học cái chính... sau đó biến cách thì con sẽ phải tự lần mò... Con phải học ba buổi... Tính nhanh như con cũng phải ba buổi.
Thế là cái Rêu đi tìm một câu trả lời. Song câu trả lời lại là một bài đàn.
Cuộc gặp gỡ giữa ông chánh và Rêu mãi sau này tôi mới tường tận qua lời kể của Rêu và của ông lang Khoái. Cụ chánh, ngoài chuyện là con bệnh thường xuyên, còn là người bạn đồng tuế và tri kỷ của ông lang Khoái. Chơi với nhau từ lúc để chỏm cho đến cuối đời. Lần gặp gỡ cuối cùng của họ vào lúc xóm làng rục rịch đi vào cuộc cải cách long trời lở đất ở chốn thôn quê. Ông lang nói: “Hôm ấy ông ấy xách chai rượu đến. Ông ấy bảo chai rượu này là chai rượu cúc cuối cùng tự tay ông nấu. Rượu cúc được chôn hàng năm dưới đất hẳn hoi. Ông ấy bảo còn vò rượu quý, không uống cũng phí. Ông phải uống hàng ngày, uống thật say. Uống hết vò rượu này thì sẽ cưỡi hạc vân du về cùng tiên tổ. Ông vẫn có một chuyện cứ canh cánh trong lòng. Nhưng đến hôm nay, ông đã hết băn khoăn. Đi được rồi, đi được rồi. Ông ấy cười khà sảng khoái, nhưng khi hỏi chuyện canh cánh là gì thì ông không nói. Ông ấy chỉ cầm tay tôi lắc lắc và nói lời cảm ơn đã chữa bệnh cho ông ấy khỏi. Tôi đã chữa cho ông ấy khỏi bao nhiêu lần mắc bệnh trong đời rồi. Đâu chỉ có một lần. Tôi nghĩ rằng ông ấy say rồi. Mà đúng là ông già đã say vì ông lại quay sang một câu chuyện khác. Ông khoe rằng mình vừa mới nhận một cô học trò đánh đàn nguyệt. Cô học trò đặc biệt. Ông chỉ làm mẫu rồi giảng giải sơ qua, cô ta đã nắm được ngay. Rất xuất sắc. Mà lại đánh hệt như ông mới lạ chứ... Bây giờ thì ông mãn nguyện rồi... Đã có truyền nhân rồi... Ông có thể nhắm mắt được rồi ”
Lời kể của ông lang Khoái mờ mờ tỏ tỏ như vậy đó Còn sau đây là lời kể của Rêu với tôi:
- Ông chánh hẹn với em rằng sẽ dạy đàn cho ba buổi. Song chỉ đến buổi thứ hai ông đã bảo em rằng thế là tốt rồi em không cần học thêm nữa. Ông đuổi đi, nhưng em cứ ngồi ì ra. Ông rên rỉ: “Thầy đã hết chữ rồi. Con còn muốn gì nữa. Thế là được rồi. Con như thế là thầy hài lòng rồi. về đi! Kẻo mẹ mày không hài lòng, về đi! Kẻo rồi rước vạ vào thân”. Em vẫn cứ ngồi ì bởi vì anh biết mục đích của em đâu phải học đàn. Ngồi im mãi cuối cùng em cũng đánh bạo nói ra: “Thầy có hận mẹ và con không?” - “Trước thì có. Bây giờ thì không”. Em lại hỏi' “Điều thứ hai con hỏi thầy phải nói thật. Có đúng con là con ruột của thầy không. Điều này làm con rất khổ tâm. Con rất muốn biết”. Đến câu này thì ông im lặng một lúc lâu sau mới trả lời: “Chuyện ấy chính ta cũng không biết nữa. Nhưng có quan trọng gì đâu hở con. Bao giờ ta cũng yêu con. Bây giờ ta càng yêu con hơn, bởi vì... con đánh đàn rất giống ta. ” “Sao
thầy cứ vòng vo mãi không trả lời ý chính. Con hỏi lại, con có đúng là con ruột của thầy không?”. Ông già như bứt rứt ngập ngừng, để cuối cùng hỏi lại Rêu: “Thế con đánh đàn như thế nào?”? “Thầy đã chẳng nói con chơi đàn giống hệt như thầy sao”. “Đúng, nhưng con đánh bằng cách nào”. “Con đánh bằng tay trái”. “Họ Nguyễn nhà ta chưa có người nào thuận tay trái... Nhưng dù sao con vẫn là truyền nhân của ta”. Nói xong ông đứng dậy, ra vườn rồi bảo em: “Thầy van con. Đừng bao giờ quay lại đây nữa. Con hãy nghe lời mẹ”. Con chó trắng đứng lên sủa như để tiễn em. Em trở về nhà cứ ngẫm nghĩ mãi. Lạ chưa! Em nhận được câu trả lời rất mù mờ, nhưng kể từ hôm ấy, lòng em hết băn khoăn. Ý em đã quyết.
Cuộc gặp gỡ ấy xảy ra khoảng một tháng trước khi đội về. Sau đó ông già không tiếp Rêu nữa. Cô đến, nhưng cái cửa lim cài then chặt. Gọi như hò đò cũng chỉ có tiếng con chó trắng, con chó ma đáp lại. Mà tiếng sủa lại còn gắt gỏng nữa chứ. Từ đấy, Rêu đành hỏi thăm tin tức ông cụ qua cô cháu gái, tức là Hiếu. Một bận Hiếu đưa cho Rêu chiếc dây chuyền bằng vàng:
- Ông gửi cho cô cái này để làm kỷ niệm. Cô đừng buồn. Trong nhà mình ông yêu quý cô nhất đấy.
- Ông cụ nói vậy sao?
- Không, ông chả nói ra lời nhưng cháu biết. Bởi vì, lần nào ông cũng hỏi về cô. Lại hỏi thật tỉ mỉ. Và nói về cô ông lại thở dài.
Ngay hôm đội về, ông đã bị bắt. Đến nhà thăm, du kích gác đuổi quầy quậy:
- Này cái Rêu, mày điên đấy à? Được đội xét cho vào thành phần nông dân là phúc bảy mươi đời rồi. Phải dứt khoát cắt đứt với thằng địa đó em ạ. Mày đừng có lảng vảng đến đây. Không sợ liên quan hay sao. Không sợ đấu tố hay sao.
Bà Thêu cuối cùng được bắt rễ. Hôm tố khổ ngoài đình, bà tố rất hăng rồi ngất đi hàng giờ. Phải giật tóc mai, phải hít nước đái quỷ. Mãi mới tỉnh. Từ đấy anh đội Khoát rất thân với gia đình. Anh Khoát thường xuyên đến nhà bàn công việc. Thậm chí có lúc ăn cơm. Bà Thêu lại lấy chai mắm tép đỏ au ra. Bà khoe tài nội trợ, thái những miếng chân giò mỏng như tờ giấy, tìm những quả chuối thật chát, thật xanh, quả khế thật chua, cút rượu thật thơm, thật mềm môi để cho anh đội say đứ đừ. Để rồi sau đó họ cười sảng khoái với nhau... Những khi ấy, Rêu thấy lộn ruột. Cô bỏ nhà ra chùa để ngủ với chị Nguyệt, với bà Thầm... Thêu phản ứng tuy không ra mặt, nhưng chẳng có thái độ nào qua mắt được dân làng Sọ. Họ bảo:
- Hôm tố khổ ngoài đình, cái Rêu nó khóc. Nhưng nó không khóc vì căm thù thằng địa đâu. Nó khóc thương cho bố nó đấy.
- Sao bảo nó không phải con lão chánh?
- Ai biết được chuyện ma ăn cỗ. Là âm mưu của người ta thì sao.
- Cũng lạ thật. Mà cũng đừng bép xép. Anh đội bênh nó lắm đấy.
Anh Khoát đến nhà, gọi Rêu ra, giảng giải:
- Đúng là cháu chưa dứt khoát, chưa căm thù, chưa giác ngộ giai cấp. Cháu có biết là ta đã bao che cho cháu thế nào không. Cắt đứt tình cảm đau thật đấy. Nhưng có thế mới là giác ngộ. Và có giác ngộ mới tiến lên được trong cuộc đời. Vả lại cháu có biết không. Người ta bảo cháu không phải con ruột của lão chánh. Càng nhẹ nợ chứ sao. Cháu cứ yên trí đi. Nếu cháu muốn, ta sẽ nhận cháu là con nuôi. Cháu nghĩ cho thật kỹ. Nếu cháu là con nuôi của ta, lúc ấy sẽ chẳng có ai trong làng dám nói ra nói vào nữa.
Rêu chẳng nói một lời, cô lặng lẽ bỏ nhà ra vườn chùa. Bà Thêu thì rên lên.
- Con ơi là con! Có phúc chẳng biết hưởng phúc. Sao con cứ tự đường quang đâm vào bụi rậm.
Đấy là tối hôm trước. Sáng hôm sau, người ta đưa chánh Long ra đấu điển hình toàn xã. Chánh Long là ác bá, địa chủ cường hào có nợ máu. Ông sẽ bị xử bắn.
Tòa án nhân dân được thiết lập trước cửa đình làng Sọ. Người ta thiết kế hẳn một cái bục cao, rồi kê bàn ghế lên trên, đó là nơi quan tòa ngồi. Sau lưng bục, làm giàn giáo để đỡ chiếc phông to màu đỏ chói và những khẩu hiệu màu vàng rực rỡ. Dãy bàn quan tòa ngồi bịt kín đằng trước bằng giấy hồng điều.
Vì đấu trường chỉ chứa được một số người nhất định, mà cuộc đấu lại toàn xã, nên từng xóm phải chỉ định từng người đi dự đấu. Mười lăm xóm, mười lăm khu vực. Cộng thêm một khu vực dành riêng cho gia đình con em các thành phần bóc lột. Bọn này cũng phải dự, bởi vì xử án chỉ là xử những tên đầu sỏ mắc nợ máu với nông dân; nhưng còn gia đình chúng, con cháu chúng, phải cho bọn này xem để chúng biết khí thế của nông dân, để cho chúng hiểu thời của chúng nó đã hết, để mở ra cho chúng một con đường cải tạo. Phải làm tiệt nọc hận thù, không cho chúng dám, có lúc nào đó, thừa cơ ngóc đâu dậy, phải làm cho đầu óc chúng nhớ như in điều này: “Hàng thì sống, chống thì chết”.
Số người dự chỉ có hạn, nhưng số người đi xem thì đông vô kể. Có thể nói gấp đôi số người dự. Hầu hết đám thanh niên, đám trẻ con trong xã đều có mặt. Họ ở vòng ngoài. Đám người dự ngồi bệt xuống đất, có hàng có lối, tương đối trật tự. Còn đám đi xem ở vòng ngoài thì đứng. Họ ăn nói lao xao, bàn tán đủ điều, nói chung thiếu trật tự. Họ cũng không giác ngộ gì đâu. Đi xem cốt là xem xử tử. Giết người, lại giết công khai, tắp lự, có bài có bản. Giết một con bò đã ghê, giết một con người, hẳn ghê gớm lắm. Đây là một dịp hiếm xảy ra, có một không hai trong đời người ta. Không đi xem cũng phí.
Sự chờ đợi cái nút cuối cùng, tức là cuộc xử bắn địa chủ hôm nay thật căng thẳng. Căng thẳng bởi vì giết một con người là điều dân làng thực tình không ai muốn, tuy nhiên, trong thâm tâm, đi xem giết người, thì ai cũng muốn được mục kích. Đám trai trẻ hỏi lẫn nhau. Người bị xử bắn có giãy giụa hay không? Có run run co giật hay là chỉ ngất xỉu rồi gục xuống? Khi sắp bị bắn có được nói lời cuối cùng như trong phim không? Liệu có hộc máu ra đằng mồm? Ở xã này, ai là người cầm súng lục bắn phát đạn gia ân cuối cùng vào thái dương kẻ xấu số? Sao không thấy chôn cột buộc tử tù? Bãi bắn ở đâu? Chung quanh đình, bao nhiêu là nhà, là xóm, người ta sẽ xử lý ra sao? Hay lại rồng rắn kéo nhau ra giữa đồng? Bắn ở chỗ khác ư? Cách rách thật?
Có một người thạo tin, rất quan trọng, thì thào rất to với mọi người:
- Anh đội đã đi ba đợt cải cách rồi. Rất nhiều kinh nghiệm... Các ông có thể tưởng tượng được không? Anh ta chỉ tay ra cây muỗm cổ thụ rồi giải thích: - Bãi bắn chính là cây muỗm ấy. Ta sẽ từ từ treo địa chủ lên cây. Bao giờ kẻ tử tù leo lên đến cành ngang kia, thì những người du kích sẽ bắn. Súng chĩa lên trời nên tất cả đầu đạn ra khỏi nòng đều bay vào không khí. Nếu viên nào không trúng mục tiêu, nó sẽ bay hết tầm rồi rơi xuống cánh đồng sau đình. Chẳng còn sợ đạn lạc vào ai cả.
Cả đấu trường đều ồ lên thán phục. Người ta khen: “Anh đội nghĩ ra cách bắn thật tài tình”.
Ông trưởng thôn dẫn đầu đoàn người thuộc thành phần linh tinh vào bãi đấu. Cái đoàn tạp nham chúng tôi chẳng thuộc tầng lớp bóc lột, nhưng cũng không được trong sạch. Đoàn gồm những người trong chùa: sư cụ, sư bác, bà Thầm, chị Nguyệt và tôi. Còn có thêm hai ông thầy cúng, xem bói, cùng mấy bà đồng đều ở xóm bên cạnh. Ông trưởng thôn hỏi đội trưởng Khoát:
- Cái nhóm “mê tín dị đoan” này thì xếp cho ngồi ở đâu hở anh đội.
- Cho họ ngồi bên cạnh bọn địa chủ.
Thế là sư cụ và tôi được ngồi gần hàng đầu, được nhìn rõ bàn xử án của tòa án nhân dân, mà cũng rất gần chỗ quỳ gối của những địa chủ gian ác. Chéo trước mặt chúng tôi đoàn thiếu nhi gõ trống inh ỏi. Tôi ngồi nấp sau lưng thầy tôi. Tôi bắt chước sư cụ, nhắm mắt lại, thầm đọc kinh trong lòng, để cho những tiếng trống náo động kia bặt lặng trong tâm hồn. Tôi đang cố gắng tập trung, đi tìm sự tĩnh lặng trong cái ngoại cảnh hỗn độn náo nhiệt ấy, thì có người chen lấn đến ngồi cạnh tôi. Mở mắt ra, thấy Rêu. Cô gái ấy ngày thường trông đã mỏng manh xanh mướt, hôm nay trông càng mảnh mai hơn. Tôi hỏi thầm:
- Sao mắt thâm quầng thế kia? Cô ốm phải không?
Cô gái không trả lời, chỉ giơ ngón tay lên miệng ra hiệu đừng nói.
Tôi hất đầu lên bàn các vị quan tòa, nơi ấy có mặt bà Thêu, rồi hỏi tiếp:
- Bà Thêu là quan tòa. Sao cô lại ngồi chỗ này? Đây là chỗ ngồi của địa chủ và những thành phần không trong sạch khác.
Lúc ấy, Rêu mới khẽ trả lời:
- Thế chú không biết sao? Em là con địa chủ. Nhưng chú An đừng nói nữa. Kẻo người ta lại xua em ra khỏi đây. Mấy lại... em muốn được nấp bóng sư cụ.
Sư cụ Vô Úy của chúng tôi đang ngồi ở tư thế tọa thiền. Cụ ngồi lưng thẳng, hiền hòa và nghiêm trang. Cái áo nâu bạc rộng thùng thình không tỏa ánh hào quang nhưng cũng đủ để cho hai đứa trẻ chúng tôi giấu mặt, nấp bóng. Chúng tôi không muốn đối mặt với anh đội Khoát. Khi ấy, anh Khoát đang đứng sững trước sư cụ. Không biết có phải tư thế trang nghiêm của cụ, hay con mắt đầy từ lực của cụ đã thu hút anh, nên anh không nhìn thấy tôi và Rêu đang núp sau lưng cụ. Anh Khoát uy nghiêm nói với thầy tôi:
- Cụ phải nghiêm túc khi nhân dân đấu tranh. Ráng mà tiếp thu học hỏi tinh thần của bần cố nông. Tôi biết các vị thầy chùa hay lần tràng hạt trong những lúc như thế này. Tôi nhắc để cụ nhớ: hôm nay không lần tràng hạt.
Rồi anh quay sang đám con cái gia đình địa chủ:
- Còn các người cũng xem mà nhớ lấy. Phải tuyệt đối đầu hàng nông dân thì may ra còn con đường sống. Còn tên ác bá nào lợt lưới ta cũng không tha đâu. Hãy trông cái gương tày liếp mà cố gắng cải tạo...
Nói xong, đội trưởng Khoát đi nhanh về phía khán đài, leo lên bục cao, đọc bài diễn văn phóng tay phát động quần chúng. Anh hùng hồn nói ý nghĩa của cuộc cách mạng long trời lở đất này. Từ nay sạch bóng những quân bóc lột... Từ nay người nông dân làm chủ ruộng đất... Anh nói lời đanh thép. Bàn tay xòe ra chặt mạnh những nhát chém vào không khí...
Đám đông chợt rẽ làm đôi. Du kích áp giải địa chủ ác bá đầu tiên ra đấu trường. Đó chính là chánh Long. Tiếng hô dậy trời đất:
- Đả đảo địa chủ cường hào gian ác Nguyễn Văn Long!
- Nợ máu phải trả bằng máu!
Mọi chuyện được diễn ra theo đúng kịch bản đã định trước. Những ai sẽ ra đấu. Ai tố thế nào. Ai sẽ ngất ra sao. Hầu như dân làng Sọ đều đã biết trước tất cả. Bởi vì anh đội bồi dưỡng cốt cán ra sao, người ta đã rõ trong những cuộc tập dượt đấu trong xóm. Địa chủ đang bị trói giật cánh khuỷu, quỳ giữa dấu trường. Ông già với cái đầu bạc phơ cúi gằm. Người ta xỉ vả, hò hét. Tiếng khóc xen lẫn tiếng hô vang trời dậy đất. Sát khí tỏa ngất trời cao. Những bộ mặt người đỏ rực, phừng phừng lửa hận. Bệnh căm thù lây lan khắp đấu trường. Người ta moi móc ra những thái độ mà có lẽ ông già không có, những thái độ mà chỉ có những bộ óc sưng tấy lên mới có thể tưởng tượng ra được: “Sao mặt lão già cứ câng câng ra thế kia? Nó quen thói ăn trên ngồi trốc, khinh bỉ nông dân. Đến nước này rồi mà lão vẫn thế. Sao không vả vào mặt nó, sao không dìm đầu nó xuống đất đen? Đả đảo địa chủ ngoan cố”. Có bà còn nắm bộ râu dê của ông già kéo ngẩng lên để nhìn vào đôi mắt tê dại như đã mất hết thần hồn, rồi nhổ vào mặt ông lão. Khốn khổ! Nước mắt cộng với mũi dãi của người đàn bà làm địa chủ Long chẳng nhìn thấy gì cả. Ông lão muốn lấy tay dụi mắt nhưng hai tay đã bị trói ngược ra đằng sau. Khi anh đội Khoát lại gần kéo người đàn bà ra, ông lão lạy van:
- Con lạy ông đội, con xin ông đội. Cởi trói cho con một lúc thôi. Để cho con được lấy tay chùi mặt. Con muốn mắt mũi con sạch, con muốn được nhìn tất cả trước khi con chết.
Anh đội Khoát ghé vào tai lão nói một câu gì đó, rồi lấy mảnh giấy báo mà ai đó vứt lăn lóc trên đất. Bằng mảnh giấy bẩn thỉu đó, anh lau mặt cho lão. Anh quệt thì đúng hơn. Quệt rất mạnh. Quệt đi, quệt lại ngang con mắt. Quệt mấy lần. Mảnh giấy cứng quét trên mặt chắc là đau lắm, nhưng dù sao nó cũng đã lấy đi hết những thứ nhơ bẩn trên mặt lão. Chắc là lão đã nhìn ra mọi vật. Tôi chắc vậy vì tôi thấy đôi mắt mờ đục của lão đảo quanh như muốn đi tìm những gương mặt nào đó.
Rêu ngồi cạnh tôi, vẫn gục đầu nấp bóng sư cụ. Từ lúc nãy, Rêu chẳng nhìn ra chung quanh. Tôi chỉ thấy cái đầu Rêu rung rung khi đấu trường vang lên những tiếng the thé hận thù. Đến lúc này, tôi mới vỗ vỗ vào lưng cô. Tôi không nói, nhưng trong lòng tôi muốn bảo: “Rêu ơi! Hãy ngẩng lên. Có lẽ ông cụ chánh muốn nhìn mặt cô đấy”. Rêu ngẩng đầu lên, ngó đầu ra khỏi lưng sư cụ. Đôi mắt cô long lanh những giọt nước. Không biết ông già có nhìn thấy cô không, có nhìn thấy cô bé mà có lần ông đã nhận là truyền nhân của mình không. Hay đó chỉ hoàn toàn do trí tưởng tượng của tôi. Chỉ biết rằng người tử tù già nua ấy đưa con mắt đi rất chậm. Đôi con mắt mờ đục nhưng hau háu lia một vòng quanh mình như muốn ghi lại cái cảnh tượng thật kỳ dị, thật bi thảm của đời mình. Tôi rất tin vào thuyết luân hồi. Ông già vận rủi ấy ghi lại quang cảnh này để làm gì nhỉ. Mang nó sang kiếp sau ư? Tôi cứ nghĩ người ta quên nó đi còn chẳng được...
Cái điểm nút người ta chờ đợi đã đến. Đội du kích xếp thành vòng tròn, đuổi mọi người dãn ra, tạo thành một khoảng trống rất rộng chung quanh cây muỗm cổ thụ, có một cành đâm ngang. Cành cây đó to lớn vạm vỡ như cánh tay lực sĩ khổng lồ để có thể treo người trên đó mà không suy suyển. Sợi dây thừng được treo vào cái ròng rọc đã buộc sẵn trên cành cây ngang.
Ông già địa chủ Long bị trói cả chân lẫn tay. Anh du kích hỏi ông già bằng cái giọng trống không:
- Muốn ngẩng mặt lên trời hay quay mặt xuống đất.
Ông già trả lời rất điềm tĩnh:
- Các ông treo thế nào cho tôi được nhìn thấy xóm làng khi chết.
Như thế tức là địa chủ chánh Long bị treo ngược cái lưng bán cho trời, cái mặt cúi xuống đất. Tức là vẫn theo cái tư thế của người nhà quê đi cày. Ba người du kích đã bắt đầu làm công việc kéo dây. Ông già địa chủ từ từ được nhấc lên khỏi mặt đất. Khi thân hình ông chạm cành cây, người ta mới thấy cái tư thế ấy thật ngược ngạo. Cái bụng cong thõng xuống. Hai khuỷu tay kéo lên khỏi lưng trông như hai cái càng châu chấu. Cái thân người, đôi chân, đôi tay bị trọng lượng kéo xuống nên coi gần như bất động. Chỉ còn cái cổ, cái đầu là vẫn tự do hoạt động. Ông già cố vươn cổ ra, cất đầu lên. Bộ râu dê của ông được gió phơ phất. Gió lại thổi xuôi nên mớ tóc bạc chạy xuôi ra phía sau. Cái tư thế ngạo ngược thế lại hóa hay. Trông ông già như đang bay. Và nhìn ông lúc này, rồi ngẫm nghĩ, tôi mới hiểu tại sao ông lại xin được treo như thế. Nếu như treo theo cách nằm ngửa, tức là khi chết ông già sẽ được nhìn tán lá, và qua những kẽ hở được loáng thoáng thấy bầu trời xanh. Kể ra nghe chữ tán lá và trời xanh, ta thấy có vẻ đẹp, nhưng thực ra cái chết ấy bí bách quá. Đằng này ông già chọn cách khi chết nhìn xuống đất. Cứ tưởng cách bị treo một cách ngược ngạo như vậy thì khó coi và tầm thường. Thực ra, cách chết ở tư thế này có cái hay là khi chết vẫn nhìn được đồng ruộng, xóm làng. Dù thế nào, ông chánh Long vẫn là người nhà quê. Dù là địa chủ, ông ấy vẫn là nông dân. Dù sao thì những mái nhà lợp rạ kia cũng vẫn gắn bó với ông lão lắm chứ. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào ông lão và ngẫm nghĩ. Ôi chao! Bị treo giật cánh khuỷu. Có thể mỏi lắm chứ, đau đớn nữa chứ. Đau thì đau, ông lão vẫn cố gắng ngửng đầu lên, để nhìn cho thật xa. Tôi biết, phía ấy là căn nhà của ông. Tư thế ngược ngạo này quá bất tiện. Phải vươn hết sức cái mặt mới ở tư thế thẳng dọc, để có thể từ trên cao nhìn thấy những mái nhà ngói thâm nâu lô xô, đó là nơi ông sinh ra, để có thể nhìn thấy một hàng tám cây cau liên phòng nổi tiếng của gia đình ông. Chúng như tám người hầu trung thành luôn đứng sừng sững trước sân nhà ông. Tám cây cau được trồng khi ông mới sinh. Có phải những tàu cau đang vẫy gió không? Chúng run rẩy trước gió, hay chúng đang nói lời từ biệt với ông già xấu số.
Tôi đang mải suy ngẫm liên tưởng thì có tiếng hô vang trời.
- Đội du kích chú ý! Chuẩn bị bắn!
Khu đấu trường đột nhiên im phăng phắc. Chưa có xác chết mà lũ quạ đã ngửi thấy mùi tử khí. Có đàn quạ đen đang đậu trên ngọn cây gạo cao chót vót và cất tiếng kêu. Mặc dù tôi đã biết trước, nhưng khi loạt đạn đầu tiên nổ vang tôi vẫn giật mình và nhắm mắt lại. Tiếp theo, là loạt đạn thứ hai, rồi thứ ba.
Chỉ đến khi tất cả hoàn toàn im lặng, tôi mới dám mở mắt ra. Ở phía dưới nhìn lên, cái xác ông già vẫn còn run rẩy, những run rẩy cuối cùng như những làn sóng cứ từ từ yếu dần rồi tắt lặng.
Mới đầu, người ta còn hò reo. Tuy nhiên chỉ một lát thôi, tiếng reo bỗng bặt. Cuối cùng là lặng ngắt, giống như một cuộc lên đồng, khi tiếng trống tiếng đàn của người cung văn im tiếng. Khi ấy, con người như bừng tỉnh. Khi nãy, đầu óc con người còn sưng tẩy lên, ai ai cũng hau háu nhập vào cuộc hành hình. Còn bây giờ, khi nhìn vào cái xác thảm hại, rũ rượi, con người ta đột nhiên như tỉnh khỏi cơn ác mộng. Chợt cảm giác ớn lạnh. Cái ớn lạnh thấm vào xương tủy, và kéo theo nó là sự xấu hổ. Mới đầu, cảm giác ấy còn mơ hồ, nhưng càng ngẫm cho kỹ, thì nỗi xấu hổ càng thấm thía. Cứ tưởng như cả bản thân mình cũng đang vấy bẩn, mặc dù nhìn đôi bàn tay, thấy chúng hoàn toàn sạch sẽ.
Người ta thấy treo mãi cái xác trên cành cây không tiện. Người đi dự dần dần lảng hết ra. Người bắt buộc phải có mặt cũng quay đầu đi, hay cúi đầu xuống, trước cảnh tượng bi thảm đã chuyển thành ghê rợn. Đội trưởng Khoát liền cho hạ cái xác xuống đất.
Trong cái im lặng phăng phắc của pháp trường, bỗng nhiên có tiếng nức nở rất to. Tiếng khóc làm mọi người sửng sốt. Kẻ nào dám có gan cóc tía, dám khóc lóc xót thương cho tên địa chủ đầu sỏ, tên ác bá điển hình phải mang đi xử bắn đầu tiên thế nhỉ.
Mọi con mắt bỗng đổ dồn hết cả vào chỗ tôi ngồi, khi Rêu đứng lên, hai tay bưng lấy mặt, bước về phía cái xác chánh Long. Không biết cô ta đã chuẩn bị từ lúc nào, mà trên đầu cô đã chít một vành khăn tang trắng toát.
- Ới cha ơi là cha ơi!
Cô sụp xuống lạy, rồi ôm lấy xác ông già. Mới đầu tất cả mọi người đều ớ ra, lặng đi, không kịp phản ứng. Phải một lát sau bà Thêu mới từ trên kỳ đài bước xuống quát mắng con gái. Còn anh Khoát thì lớn tiếng sai du kích:
- Anh em hãy lôi nó ra. Và mang xác lão địa ra hố chôn mau. Rêu lăn xả vào và khóc rất to. Du kích phải ôm ghì lấy cô, mặc dù cô giãy giụa, khóc lóc cho đến lúc gần như ngất đi. Rồi người ta phải khiêng cô đi. Khiêng ra thật xa, để không còn ai nghe được tiếng khóc.
Người ta xì xầm:
- Có chuyện lạ đời thế nhỉ! Mẹ thì làm quan tòa đấu tố chồng. Con thì khóc lóc thảm thiết, dám nhận cha trong lúc dầu sôi lửa bỏng như lúc này.
- Dũ sao, cũng có một vành khăn tang, cho vong linh ông lão đỡ tủi.
Khi mấy anh du kích bọc ông già vào cái chiếu khiêng ra hố chôn, Rêu không có mặt. Chỉ có con chó trắng, con chó ma chẳng biết từ chỗ nào bỗng xuất hiện. Nó lũn cũn đi theo xác ông chủ ra tận huyệt. Sau đó chẳng ai trông thấy nó đâu. Chó ma đã biến đi chăng?
Về đến chùa, tôi mới hiểu tại sao, trong đấu trường, người ta xếp chỗ ngồi cho nhà chùa ở cạnh chỗ gia đình địa chủ. Thì ra chúng tôi bị nghi là phần tử phản động. Theo sự suy luận của anh đội Khoát, tất cả địa chủ và phản động đều có mối liên hệ với nhau. Sư cụ Vô úy là bạn đồng môn chữ nho với chánh Long, còn là sư huynh của ông Trần. Ông Trần là sư phá giới. Ông Trần và bà Nấm vợ ông là Việt Nam Quốc dân đảng chui vào hàng ngũ cách mạng để từ trong phá ra. Vậy đây là tổ chức phản động nguy hiểm. Chúng liên kết những phần tử bóc lột, phản động, tôn giáo để chống đối cách mạng. Chánh Long đã bị tiêu diệt, ông Trần thì còn được bao che, mụ Nấm thì nhân sơ hở đã trốn biệt. Bây giờ ở xã chỉ còn sư Vô úy. Vậy nên, ngay buổi chiều hôm bắn chánh Long, du kích đã dùng cái cùm cây cau cùm chặt thầy tôi lại. Riêng cá nhân tôi cũng bị cùm vì bị nghi làm liên lạc cho tổ chức phản động. Bà cụ Thầm vừa già vừa điên điên rồ rồ chẳng ai nói làm gì. Chị Nguyệt tôi được coi như vợ của liệt sĩ Hải nên không liên quan gì. Sư bác Khoan Độ xin được bị bắt để đi theo hầu hạ thầy nhưng anh đội Khoát không nghe:
- Chúng tôi đã xét kỹ trường hợp sư bác. Tuy ở chùa, ở gần phản động nhưng không bị ảnh hưởng. Có công giết thằng Tây lai ác ôn. Đội cải cách đồng ý cho ở lại giữ chùa sau khi đưa sư phản động lên nhà giam đoàn ủy.
Mới đầu, du kích định giam hai thầy trò tôi ở tòa thượng điện. Nhưng du kích nghiên cứu, thấy tòa thượng điện mênh mông, chống chếnh quá. Họ rút kinh nghiệm việc hai mẹ con bà Nấm trốn thoát, thấy chỗ tạm giam không cần rộng. Chỉ cần diện tích hẹp, cốt yếu chung quanh phải xây bằng gạch kín đáo, vững chắc; và người gác không phải gác ngoài cửa, mà phải ở gần tội phạm, luôn nhìn thấy tội phạm. Như vậy, nhà tổ chính là nơi tạm giam thích hợp.
Anh du kích châm lửa vào bấc ở cái đĩa đèn dầu lạc. Ở làng Sọ, hầu hết mọi nhà đều đã dùng đèn dầu hỏa. Nhưng riêng nhà chùa, sư cụ tôi vẫn dùng đèn dầu lạc. Bảo rằng dùng thế đỡ tốn tiền, bởi vì dầu lạc nhà chùa tự ép lấy. Thứ nước vàng vàng, thơm thơm, trong vắt, dùng để rán đậu cũng được mà để thắp sáng cũng được. Thật tiện lợi. Chỉ cần một cái đĩa nhỏ đặt trên cái giá nến cũ kỹ, rót thứ dầu màu hổ phách vào, rồi thả một, hai sợi bấc xếp to hơn sợi chỉ và châm lên. Thế là một ngọn lửa leo lét bừng sáng, tỏa ra mùi thơm thơm ngầy ngậy rất quen thuộc với quãng đời tu hành thơ ấu của tôi...
Đêm ấy, sư bác Khoan Độ bị đuổi ra ngủ cạnh cái cối xay ở nhà tảo mạc. Toàn bộ căn nhà tổ bị biến thành nơi giam cầm hai thầy trò tôi. Cả hai người đều ngồi trên nền nhà, ở đầu bàn nước. Cả hai thầy trò đều bị cùm chân. Ông đội Khoát bảo bốn anh du kích:
- Các cậu cắt nhau ra mà canh. Hai người một lượt. Anh nọ trông chừng anh kia, không cho phép ai được ngủ gật. Liệu hồn đấy. Để xổng tù giống như trường hợp con mẹ Nấm là chết với tôi. Nhớ lấy, chúng nó mà trốn thì tôi sẽ bắt các anh thế chân vào. Tôi sẽ cùm cả lũ.
Anh đội cải cách đe dọa như vậy nên các anh du kích canh kỹ lắm. Họ ngồi trên bậu cửa, súng mút cơ tông dựa vào vai, thỉnh thoảng lại rít thuốc lào sòng sọc cho đỡ buồn ngủ.
Đêm hôm ấy, đầu mùa đông. Đợt gió lạnh đầu mùa này khá mạnh. Gió đông bắc thổi chéo vào đầu hồi hu hu. Cái đêm cô Rêu gội trăng tắm giếng đá ong trước đây vào mùa hạ. Gió hiu hiu thổi vào đầu hồi phía bên kia. Đêm hôm ấy tôi được nghe kiểu sáo diều mùa hạ của ông thợ mộc Thân. Tiếng sáo thoang thoảng tình tứ. Còn đêm nay gió đông thổi vào đầu hồi bên này. Gió lồng lộn, gió rét rú rít, những ống tre đòn tay phía bên này lại kêu lên theo kiểu khác. Nó âm âm ưu... Khi gió dịu đi, tiếng ống tre bỗng sững lại rồi mới nối tiếp, nghe như tiếng sụt sùi, thổn thức. Thầy tôi bảo muốn đi tới chỗ đạt chỗ ngộ phải giữ được tâm bình thường, dù hoàn cảnh thế nào cũng không loạn động. Lúc ở đấu trường, anh đội cải cách cấm không cho thầy tôi lần tràng hạt. Tuy nhiên, tôi biết thầy tôi vẫn làm điều đó trong tâm tưởng, tôi biết trong phút ông chánh lâm nạn thầy tôi vẫn không ngừng tụng niệm hồng danh đức Phật mong cho người bạn đồng môn đủ nghị lực để gánh chịu kiếp nạn. Những cuộc dâu bể ở thế gian này là chuyện thường hằng, chúng xảy ra như những đợt sóng. Mà chẳng cứ gì ông chánh, những người ở chùa như thầy trò tôi, đã xa lánh tục lụy, nhưng sóng ở thế gian cũng đâu có buông tha. Cả những phút này, thầy tôi đang khép hờ đôi mắt, nhưng tôi biết thầy tôi cũng vẫn đang tụng niệm. Thầy thương tôi. Có lẽ thầy thương tôi còn quá nhỏ mà đã phải gánh chịu. Lúc cha mẹ tôi mất, thầy dang tay đón tôi vào chùa. Ý thầy là muốn che chở cho đứa bé côi cút. Nhưng hình như nghiệp tôi quá nặng. Hay là ở những phút thế gian nổi sóng, kiếp nạn đùng đùng như núi lửa, thì bóng từ bi, bóng những ngôi chùa cũng chông chênh chao đảo. Và số kiếp con người đã có lúc rời xa khỏi bóng mát từ bi. Hay là bóng mát ấy đã nhiều khi chẳng che nổi cho con người, mặc dù con người rất nhỏ nhoi, mà bóng mát kia thì rất to lớn...
Chắc lúc ấy tôi còn quá nhỏ, chưa đủ trải nghiệm thâm thúy nên mới có những ý tưởng chua chát như vậy. Trong một đêm gió khóc hu hu, thêm cái lạnh đầu mùa thấm vào da thịt, mà một chú bé như tôi lại còn bị cùm chân trong ánh đèn dầu leo lét. Ôi chao! Thật là buồn! Buồn héo ruột héo gan! Thầy tôi chắc đọc được những ý nghĩ trong lòng tôi. Sư cụ giơ tay kéo tôi lại gần. Tôi ngả đầu vào ngực người để đón nhận cái ấm áp, chút lòng từ bi, mà trong phút gay go này thầy tôi đâu có nhiều nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ cho tôi. Chút hơi ấm ấy dù nhỏ nhoi song vẫn đủ để ru được tôi vào một giấc ngủ chập chờn.
Chẳng biết tôi đã ngủ được bao lâu. Trong giấc ngủ tôi còn mơ một giấc mơ thật kinh hoàng. Chỉ còn biết là rất kinh hoàng, song khi giật mình choàng tỉnh, chẳng còn nhớ được chút gi. Thấy mồ hôi toát ra trên trán, tôi định đứng dậy, nhưng thấy chân mình cứng đơ, tê dại. Lúc bấy giờ mới hoàn toàn tỉnh và mới nhớ chân mình đang bị cùm. Thầy tôi khẽ khàng nói:
- A di đà Phật! Đừng hốt hoảng! Thầy vẫn ở bên con.
Anh du kích ngồi ở xó cửa canh gác hình như cũng ngủ gật, nghe tiếng kêu của tôi cũng tỉnh giấc. Anh ta đứng lên lắng nghe, rồi bước ra sân, nhìn lên lùm cây. Không phải tôi mê hoảng không duyên cớ. Đúng là có gì mới xảy ra thật. Mặc dù lúc này lặng gió, nhưng ở đầu hồi, những ống tre vẫn kêu hu hu. Quái lạ! Sao đầu cây nhãn ngả bóng xuống sân nhà tổ lại đung đưa mạnh thế kia. Hình như có trận cuồng phong vừa mới đi qua. Mà chắc là có gió to mới thổi thật. Bởi vì lúc này tôi mới biết, ngọn đèn dầu lúc tôi chưa ngủ còn xanh lét như hạt đỗ, nay đã tắt ngấm tự lúc nào. Lắng tai nghe kỹ còn nghe thấy ngọn cuồng phong đang đùa ngoài vườn và trên những khóm tre. Rồi nghe thấy cả tiếng một đôi chim lợn. Mọi tối, khi chim lợn bay qua chùa, tiếng kêu của chúng cứ xa dần rồi mất hút ngoài cánh đồng. Đêm nay, sao đôi chim kỳ quái thế. Tiếng của chúng hết xa lại trở về gần. Cứ như thể có chuyện gì đã cầm chân chúng lại. Cứ như thể có chuyện gì đó làm chúng chẳng nỡ bay đi. Tiếp theo đó là tiếng chó. Tôi nhận ra ngay tiếng của con Bông, con chó trắng, con chó ma của ông chánh Long. Sau khi vứt xác ông xuống hố, du kích bảo không thấy mặt nó nữa. Chẳng biết nó đã trốn lủi ở đâu nay bỗng xuất hiện ngoài lũy tre vuờn chùa. Đêm nay tiếng kêu của con chó trắng khác hẳn. Vừa sủa, vừa rít, vừa tru. Con chó trắng không to nhưng tiếng tru của nó rất dài. Nghe cứ thấy rờn rợn. Tôi chưa nghe thấy tiếng chó sói trong rừng bao giờ, nhưng chắc tiếng sói rừng cũng giống thế này. Bởi vì nghe nó tru, tóc gáy tôi dựng hết lên. Và còn điều này mới lạ. Mọi khi chó trắng kêu bao giờ con vàng nhà chùa cũng đáp lại. Còn hôm nay, sao chẳng thấy tiếng con vàng. Nó im re và không biết đang trốn lủi ở xó xỉnh nào. Không có tiếng đáp lại, con chó ma càng thống thiết kêu. Nó làm lòng dạ tôi bỗng dưng cồn cào khó tả. Ở khoảng lặng giữa hai đợt chó sủa, tôi còn mơ hồ nghe như có tiếng người khóc. Tôi hỏi anh du kích:
- Anh ơi! Hình như có tiếng người khóc ở vườn chùa.
Anh du kích chắc cũng sợ thì phải. Anh ta ra sân lắng nghe một lúc rồi vào bảo tôi:
- Tôi chẳng thấy gì. Làm gì có ai khóc. Chú tiểu bị thần hồn nát thần tính rồi.
Tôi không nói gì, nhưng trong lòng bán tín bán nghi.
Mọi người chẳng nghe thấy gì, nhưng tai tôi vẫn nghe rõ tiếng khóc, thậm chí có lúc còn nghe cả tiếng thút thít. Có lẽ tôi đang thức mà vẫn mơ chăng. Đó là trạng thái nửa mê nửa thức. Trạng thái xác nằm đấy mà hồn bay rất xa, để có thể thấy những điều mà người khác không thấy được. Trong khi hồn tôi đang bảng lảng như vậy, bỗng dưng con chó ma tru lên dữ dội. Nó tru như khóc thảm thiết. Nó sủa như muốn đánh thức người ta dậy. Nhưng vào một đêm mùa đông, lại ở trong hồi cải cách đang gay cấn nhất, người dân quê nào có thể ra khỏi nhà lúc này. Còn tôi, tôi bỗng thấy lòng mình đau thắt. Như thể có ai vừa đâm dao vào lồng ngực. Lạ thật! Thầy tôi hình như biết được những cảm giác của riêng tôi. Sư cụ bảo:
- Con đau tức ngực phải không. Để thầy xoa cho.
Rồi bỗng dưng những giọt nước mắt trào ra khóe mắt. Tại sao tôi khóc, tôi chẳng biết nữa. Đau quá, buồn quá hay sợ quá nên nước mắt trào ra ư? Ngớ ngẩn quá! Cũng may chẳng ai nhìn thấy nước mắt của tôi. Tôi còn thầm thì vào tai thầy tôi một câu ngớ ngẩn khác.
- Thầy ơi! Thầy có ngửi thấy mùi gì không? Thơm quá thầy ạ. Sao chùa mình đêm nay thơm đến thế.
- Ừ, thầy cũng ngửi thấy mùi thơm.
Cũng may, thầy tôi cũng cảm nhận giống tôi.
Sáng hôm sau, người ta thấy một chiếc áo vắt trên thành giếng đá ong. Hỏi ra mới biết là áo của Rêu. Cô gái đã nhảy xuống giếng tự tử. Như vậy, tiếng khóc đêm qua tôi nghe thấy là thực. Cả cái mùi thơm từ giếng tỏa ra khi cô nhảy xuống cũng là thực (mặc dù mùi thơm ấy chỉ hai thầy trò tôi có thể cảm thấy).
Mới đầu, người ta cho rằng nguyên nhân cái chết của cô là do ông chánh Long bị xử bắn. Người làng bảo nhau:
- Sao con bé dại thế. Đã đành lão chánh là địa chủ. Nhưng mẹ nó thành phần bần nông. Vậy nó cũng là bần nông. Vậy can chi mà chết cho oan nghiệt.
Rồi có người lại nói:
- Trước kia cứ tưởng nó chỉ là con hờ của ông chánh. Nó cứ đi tìm bố mãi. Tìm được thì lại thảm thương thế ấy.
- Có thật ông chánh là bố nó không nhỉ?
- Chắc là thật. Chắc có chứng cứ. Nếu không sao nó lại chết vì ông.
Trước kia, cả làng cứ xì xào nó không phải là con ông chánh. Còn bây giờ người ta lại cho rằng Rêu có nhiều nét rất giống ông chánh. Rêu được cả làng khen là đứa con chí hiếu.
Nói chung lại, mới đầu người ta chỉ biết có độc nhất nguyên do ấy thôi. Sau này, sau sửa sai, người ta biết thêm được cái nguyên nhân thứ hai, dân làng Sọ lại càng thêm cảm thương cho cô bé.
Buổi chiều hôm xử tử ông chánh, Rêu không về nhà. Nó đi lang thang trong rừng Cò, ngoài đồng vắng. Sau đó nó tìm đến ngôi mộ mới chôn của người bị xử tử, nhưng du kích ngăn không cho tới. Nó liền lội ruộng ra cánh đồng Dộc, ra Gò Mả Quan. Đồng hoang vắng chẳng có người. Chỉ có tiếng ếch nhái làm bạn, chỉ có gió lạnh vi vu buồn thối ruột gan, nhưng Rêu quên hết cả sợ. Nó ở đó cho đến khuya, mãi khi trăng mọc mới thất thểu về làng.
Rõ ràng Rêu đã trở về nhà. Một người làng chính mắt đã trông thấy Rêu đi vào ngõ, nhưng không đi lối chính mà xé rào vào nhà. Chính đêm hôm ấy đã xảy ra chuyện tự tử bi thảm ở cái giếng đá ong nhà chùa.
Giá như chuyện chỉ có thế thôi... Đằng này, mấy tháng sau, vào lúc sửa sai, một chuyện động trời nữa lại xảy ra. Người làng phát hiện ra bà Thêu đã chửa hoang. Người tằng tịu với bà chẳng phải ai xa lạ, lại chính là anh đội Khoát.
Đến phút ấy, liên hệ mọi thứ lại, người ta mới hiểu ra đầu đuôi câu chuyện. Hóa ra, chắc trong đêm hôm ấy, khi xé rào vào nhà, Rêu đã nhìn thấy cái điều mà một tâm hồn trong sáng như cô sẽ không chịu đựng nổi. Cô đã nhìn thấy mẹ mình và anh Khoát đang quấn vào nhau.
Bây giờ thì tôi đã hiểu: tại sao mắt Rêu lại to và buồn đến thế? Tại sao Rêu lại gầy gò mỏng manh đến thế? Cô bạn gái, cô em út của tôi tinh khiết như pha lê. Thế gian này làm Rêu thất vọng phải không. Tôi mơ hồ hiểu được sự tìm kiếm và câu hỏi của Rêu khi cô còn sống. Rêu ơi có phải vì yêu cõi nhân gian quá nên cô chẳng muốn sống nữa phải không.
Về sau này, có nhiều lúc ngồi bên giếng chùa, cái giếng đá ong, tôi thường nghĩ về Rêu như vậy. Cho đến lúc ấy, vẫn chẳng có ai ngửi thấy mùi thơm của giếng. Chỉ có Rêu, chỉ có tôi là ngửi thấy. Tôi hiểu tại sao Rêu lại trẫm mình xuống đó.
Rêu ơi! đức Phật dạy rằng: Chẳng có gì sinh ra, chẳng có gì mất đi. Gặp duyên thì tụ thì sinh. Hết duyên thì tán thì diệt. Tôi đang nhìn đám mây trên trời. Chắc chỉ một lát nữa đám mây đó sẽ thành những hạt mưa. Rồi sau này những hạt mưa lại chuyển thành mây...
Rêu ơi! Có lẽ phút này Rêu đang ở trên những đám mây đó nhỉ. Rêu hãy gửi tiếng hát xuống cho chúng tôi đi. Ừ! Tôi biết là Rêu đang hát. Tiếng hát giọt mưa...
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa