A book is a garden, an orchard, a storehouse, a party, a company by the way, a counsellor, a multitude of counsellors.

Henry Ward Beecher

 
 
 
 
 
Tác giả: Phan Nhật Nam
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9163 / 206
Cập nhật: 2015-08-11 20:06:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22: Người Chỉ Huy Về Già
ó thể nói sếp cũ của tôi là một ông già, già nhất trong những người giữ nhiệm vụ chỉ huy đơn vị tác chiến. Ông đi lính từ một thuở thật xa, lâu lắm, cách đây hơn hai mươi năm lúc quân đội chỉ độc các loại commando, Lê-Dương, Nhẩy Dù thuộc địa... Đánh nhau bằng súng mút-cờ-tông từng phát một hay những cây FM đầu bạc bắn gật gù như ông già ho lao. Lúc chiến tranh còn nằm tít trên biên giới Lào - Việt - Trung, trận đánh toàn một cách xung phong ầm ầm, ào ào để giữ những làng, thị trấn mang tên lạ hoắc như Bản Hiu-Siu, Mường Phen, Thất Khê... Ông già sếp tôi thuở đó khởi nghiệp nhà binh với lon Cai ở Commando. Không rõ những ngày ở đơn vị đó ông có những gì đặc biệt, chỉ biết ông ta nhắc lại đoạn đời qua bằng một câu thật gọn: Cai thậttrẻ... Giọng Bắc Kỳ khàn khàn xuống mạnh vào chữ mang đầy kiêu hãnh và tự tín. Tước hiệu "cai thật trẻ" hình như là nỗi hãnh diện đầu tiên và đích thực nên sau này khi đã đóng đến lon "quan Năm", lúc say rượu, dù cơn say vào độ tơi bời tàn khốc, ông vẫn còn nhớ được: "Tao là Cai Hùng, đếch phải là trung tá cái củ c... gì ráo...". Cai Hùng! Cai Hùng! Một tuổi trẻ gió bão nào đó đã đi qua.
Lúc tôi đến đơn vị này, ông năm mươi tuổi; năm mươi tuổi để tất cả đầu tóc bạc trắng và những nếp nhăn cày sâu trên mặt, nhưng ông vẫn còn nguyên vẹn thái độ nồng nhiệt đối với đời sống của ngày trai trẻ. Thời gian về trước ông đã nổi tiếng với những câu chuyện như sau: Quan Ba Nhảy dù nhưng vẫn đánh một chiếc xe đạp thổ tả cọc cà cọc cạch rong chơi với một con gà ở đằng sau porte-bagages. Thú nuôi gà của ông đã lên đến cao độ đến nỗi ông ta mang biệt hiệu "Hùng gà chọi". Nghe tiếng một con gà nào đó ở Bà Điểm nổi danh vì ngón đòn, ông lọc cọc chiếc xe vượt qua một quãng đường dài lồi lõm sống trâu để chứng kiến cho được ngón đòn của gà... Hãy nghe ông "luận" về gà: Nó là một guerrier, đấy là một combattant, không bao giờ lùi không bao giờ chịu thua... Đến chữ "thua" ông đưa một quả đấm lên trời, mắt long lên sòng sọc. Đúng là hình ảnh của một con gà chọi. Chẳng hiểu thằng nào gán cho ông cái biệt hiệu thật đúng phong phóc!!! Nó là một tay gan lì! C’est un type! Dù có bị đánh lê nhê, máu me đầm đìa, hắn ta vẫn nhẫn nha chiến đấu... Có con gà bị đánh mù mắt, hắn ta mù nhưng vẫn lừa đối thủ để kẹp lấy chiếc cổ và thế là a-lê-hấp nó phản đòn ngay. Ông có thể luận về gà đầy đủ chi tiết, nhại lại thế đứng,một ngón đòn hay của con gà... Không có gì phải bất tiện, hai tay là hai cánh gà, hai chân biến thành một cặp chân tưởng như có đủ cựa nhọn, đầu cúi xuống, ông diễn tả nhiệt tình và chi tiếp hấp dẫn của mỗi trận đấu. Thế giới loài gà nếu biết được sự ái mộ nồng nhiệt đó chắc hẳn không bao giờ buồn phiền nếu ở trong tường hợp "à la casserole" hay "à la gamelle"... sau khi bị thua trận. Sau đá gà là rượu, rượu là nước của ông, chiếc bi-đông sau lưng bao giờ cũng đầy rượu đế ngâm vài cục đường phèn. Nhấp một tí rượu, cắn một miếng cóc nhỏ là đủ sức đi thêm một đoạn đèo, vượt một rặng núi. Dừng quân, cởi chiếc nón sắt, ông rút bi-đông làm ngụm rượu, đốt điếu thuốc, loại thuốc đen Mélia hay Bastos ngồi lim dim đôi mắt...
- Trung tá có ăn cơm không?
Anh lính cần vụ lân la đến hỏi.
- Tớ đ... cần! - Trung tá có mệt không?... - Mệt chó nào được, ngày rút từ Lào về tớ chạy bộ suốt bao nhiêu ngày đêm cũng chẳng bõ bèm gì... -
- Chết mẹ... - Tụi lính xì xào...- Ông già lại nói chuyện bản Hiu-Siu thì chết cả lũ!
Đúng ngay bong! Ông bắt đầu kể chuyện Bản Hiu-Siu ở bên Lào...
- "Lúc đó tớ là thiếu úy, ban đêm Việt Minh ùa vào, dây kẽm gai giăng thấp chừng này, lính Bayonnette au canon! À la grenade... En assaut... Việt Minh lùa vào, mặc, tớ cứ tương lựu đạn đều đều...
Ông ta đứng dậy ngay trên sườn núi biểu diễn thế ném lựu đạn và đâm lưỡi lê, ngừng một chút để hớp thêm tí rượu. Thiếu tá cố vấn Mỹ đến hỏi một điều gì đó, ông cụt hứng gắt um:
- C... Đ.m cứ lẩm cà, lẩm cẩm cả ngày...
Anh cố vấn de lui, mặt mũi thộn ra trông "quê" một cục. Ở Phú Thứ, Thừa Thiên năm 1967, ông chỉ huy tiểu đoàn tôi cùng tiểu đoàn 7 Nhảy dù tiến đánh vào khu giải phóng của vẹm, lúc tiểu đoàn 7 đụng trận, ông đứng trên thiết vận xa nhảy cỡn lên vì thích thú...
- Đấy, tớ biết ngay, các chú (Việt cộng) đang ở chỗ này, nhất định là ở chỗ này... Thằng Bảy đụng ở đây, tớ dàn cậu (chỉ tiểu đoàn trưởng tôi) ở chỗ này là đi đoong đời các chú, tớ nghiền... Nghiền nát các chú ấy.
Chữ "nghiền" được diễn tả bằng hai bàn tay bóp chặt vào nhau và kéo dài theo hơi thở, mồm ông méo hẳn lại để diễn tả cảnh tan nát của các anh Việt cộng. Đại loại là như thế, ông sống ở đời với thái độ "Tiếu Ngạo Giang Hồ", nhân vật Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông chắc cũng đến độ của ông già sếp tôi mà thôi. Năm 1965 hành quân tại Đức Cơ khi rút ra Pleiku nghỉ, không hiểu bị lôi kéo thế nào ông đi theo mấy đại đội trưởng vào hội quán Phượng Hoàng để khiêu vũ! Lệnh ông tướng vùng bấy giờ cấm mặc quân phục vào hội quán, anh quân trấn trưởng nói năng ra làm sao, ông nổi sùng...
- Đ.m Hùng đi hành quân chỉ có mỗi bộ quần áo nhà binh, không cho tớ mặc đồ trận thì tớ cởi truồng sao?
Thuận tay ông đưa luôn một qua dirrect, anh quân trấn trưởng nằm thẳng cẳng. Đóng quân ở Hương Trà, Huế, tiểu đoàn tôi làm tiệc mời ông ra hát. Hát không được thì tớ múa vậy! Nói là làm, ông đi một đường flammenco cũng lắc mông, lắc ngực, và kết thúc là một bài thuyết trình "Qu’est ce que L’armée?" Tiếp theo là những lời sỉ vả tàn tệ vua quan sĩ thứ người trong nước, ông nhớ đến ai ông chửi tơi bời hoa lá, chửi đích danh, chửi ngon lành, chửi như một cơn giận từ bao nhiêu lâu che dấu nay cho tuôn ra như dòng sông được mở... Đầu năm 1968, gần Tết Mậu Thân, lữ đoàn ông hết nhiệm vụ, từ Huế trở về Sài Gòn. Ông Tướng khu chiến thuật nhắc ông ở lại Huế để đón Tổng Thống cùng Thủ Tướng, ông hạ ngay một câu:
- Tớ hết hành quân là tớ về, Tổng thống đâu có thương tớ bằng mẹ đĩ được!
Nói xong ông leo lên tàu bay đi thẳng. Có một anh nhà báo lân la đến phỏng vấn...
- Xin trung tá cho biết ý kiến về cuộc hành quân vừa qua?
- Ý kiến hả...? - Đợi cho anh nhà báo sửa soạn ghi chép, ông "tuyên bố": Sướng nhất là đêm Noel tớ say rượu gọi máy truyền tin qua Bến Haœi chửi Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh!!
Nhưng đằng sau những cơn say, những màn tiếu ngạo ồn ào trên, thật dễ dàng nhận được niềm thiết tha, mối nhiệt tình nồng nàn đối với quân đội và quê hương. Thật lạ lùng với hai mươi năm ở đơn vị tác chiến, thời gian bằng số tuổi của một gã trai trẻ, một gã trai trẻ cỡ tôi nhưng lòng hiu hắt như cơn nắng quái sắp tàn. Hơn hai mươi năm nhà binh với năm mươi tuổi, một mái tóc bạc trắng, ông vẫn có một nụ cười thật tươi để thêm vào câu chuyện. Thế nào là một cán bộ giỏi? Thế nào là những nguyên tắc căn bản để chỉ huy? Thế nào là DOC (Dirriger, Organiser, Controler) ông nói say sưa, dẫn giải từng điểm chi tiết về bổn phận của người trung đội trưởng, đại đội trưởng. Khói thuốc lá làm ánh mắt thành hiền hòa, ông nói sang sảng, trình bày mạch lạc. Ông gây nơi tôi một sự xúc động kỳ lạ, nỗi xúc động khám phá được niềm tin vẫn còn trong lòng một người giáo tóc bạc da nhăn với hơn hai mươi năm đi khắp rừng sâu núi cả quê hương. Hơn hai mươi năm gánh chịu cơn đau yếu đỏ lửa của tổ quốc, cơn đau yếu nhọc nhằn của dòng sống dân tộc chông chênh. Chiến tranh vẫn chưa đốn ngã niềm tin trong lòng ông... Tớ chỉ là Cai Hùng... Cai thật trẻ!! Sau này ông bị ra khỏi binh chủng vì một lý do nào đó tôi không hiểu nhưng điều này chắc chắn là một vết thương lớn nhất trong đời ông. Ông im lặng ngồi trong chiếc phòng con nhìn xuống chân đồi doanh trại cười gằn uất nghẹn đau đớn. Làm sao nói cho hết nỗi cay đắng của người lính già khi phải từ bỏ đơn vị, binh chủng cùng sống trên hai mươi năm lúc tóc còn xanh như niềm hy vọng đến nay mái đầu nhuốm bạc trắng. Không những vì một tuổi già nhưng cũng là lớp sương giá chồng chất lên sau khỏang thời gian binh biến. Thường ngày trong cơn say ông hay mò đến văn phòng chúng tôi để tìm người nói chuyện, nhưng trong thời gian này ông ngồi im như một kiêu hãnh bị xúc phạm, tiếng hét được ghìm xuống giữa kẽ răng thành những tiếng cười gằn nhức nhối như lưỡi dao đâm vào qủa tim đang mở miệng cười.
Ông ra khỏi binh chủng, chỉ huy một đơn vị bộ binh nhưng vẫn mặc đồ ngụy trang và đội nón đỏ. Đâu còn là những kích thích về hình thức quyến rũ đối với ông. Nhưng phải nghe ông ta nói: "Tớ là Nhảy Dù... Tớ là Cai Hùng..." Tiếng "Nhảy Dù" nghe ngắn, chắc như xác định niềm hãnh diện có thật của một người đã sống hết đời cho tập thể. Sau một thời gian ở trung đoàn này ông bị tai nạn trầm trọng, tất cả cơ quan trong người bị đảo lộn. Ông phải chịu nhiều cuộc giải phẫu, thị giác trở nên yếu kém, mất phần lớn ý niệm về sự việc. Lúc chúng tôi đến thăm, ông không nhận ra, nhưng trong nỗ lực của trí nhớ, bỗng nhiên ông nhận ra Vinh "con", viên sĩ quan nhỏ tuổi nhất được ông thương mến như con cháu. Ông nhận ra nó đồng thời với một giọng nói run run:
- Tớ lúc này chỉ thấy mờ mờ nhân ảnh!
Trong tận cùng của đổ vỡ, ông cũng không mất đặc tính khôi hài, dấu hiệu của tâm chất dũng mãnh dù hoàn cảnh đã đẩy đưa vào hố thẳm của tuyệt vọng. Sau này khi nhìn thấy được cảnh vật nhạt nhòa, ông đến trại thăm lại nhà cửa, hỏi thăm các hạ sĩ quan và lính cũ. Trí nhớ chưa phục hồi hẳn, ông mệt nhọc hỏi từng người với những câu nói rời rạc hỗn độn, sau cùng ông nói với tôi để xin người lính về giúp ông công việc riêng tại nhà. Lần đầu tiên nghe ông nói công việc liên quan đến gia đình. Khi tôi bảo người lính theo ông về nhà, ông vui vẻ ra mặt:
- Quý hóa quá, thế mới biết anh em Nhảy dù luôn giúp đỡ nhau...!
Lòng tôi trùng xuống như cơn mưa của ngày đông buồn bã. Tiễn ông xuống đồi, bóng người lính già khuất bụi mờ. Sau kiếp người đằng đẵng gian lao cho Tổ Quốc một khỏang trống xám đặc bụi mù.
Tháng 5-1969. Hậu cứ Long Bình.
Hậu Từ: Về Trung Tá Đào Văn Hùng, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn II Nhảy Dù - Sau 30-4-1975, lực lượng Cộng sản vào khu ngã Ba Ông Tạ truy lùng và xét xử ông cùng gia đình. Do thương trận từ trước (bị mù mắt và tê liệt) nên bộ đội CS chỉ xử tử người con trai của ông tại Lăng Cha Cả ngay sáng ngày 30-4-1975.
Dấu Binh Lửa Dấu Binh Lửa - Phan Nhật Nam Dấu Binh Lửa