Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Hữu Mai
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
gày 17 tháng Tư, từ đại bản doanh của Na-va tại Sài Gòn, một bức thông tri về việc thăng thưởng Đờ Cát lên hàm Thiếu tướng đã được gửi đi cho toàn thể quân đội viễn chinh Pháp.
Bức thông tri đó như sau:
"Nhân danh Tổng chỉ huy, tôi lấy làm sung sướng báo cho toàn thể quân đội viễn chinh biết việc thăng thưởng đại tá Đờ Cát-tơ-ri lên chức Thiếu tướng.
Ông Đờ Cát tơ ri đã cần lượt giúp việc cho tôi qua các chức vụ trung sĩ, trung úy bộ binh và đại tá. Sáng nay tôi lấy làm hân hoan đặc biệt đích thân loan báo tin ông vinh thăng lên hàm tướng.
Việc thăng thưởng đặc biệt đó, tiếp theo sự tuyên dương công trạng chung cho cả quân đội đồn trú tại Điện Biên Phủ, không những công nhận tài năng rõ rệt về cuộc hành binh của Tướng Đờ Cát-tơ-ri mà còn công nhận cả đức anh hùng của những người chỉ huy các đơn vị hoạt động dưới quyền của Tướng Đờ Cát-tơ-ri.
Những điều trên đây đã được giãi bày trong những bức thông cáo của ông Tổng trưởng Bộ Quốc phòng, ông Bộ trưởng Bộ Quân lực và Đại tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp. Tôi thành tâm góp phần gửi kèm theo những lời ngợi khen thành thật và thân ái của tôi tới Thiếu tướng Đờ Cát-tơ-ri và những chiến sĩ hiện đang chống giữ Điện Biên Phủ.
TƯỚNG NA VA"
Cùng ngày hôm đó, tại căn hầm sắt cuốn bên dòng sông Nậm Rốn, Đờ Cát được gọi đến trước máy vô tuyến điện thoại để nói chuyện với Đại tướng Tổng chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp.
Qua những âm thanh nhiễu loạn của các làn sóng ký sinh, tiếng Na-va xa xôi nhưng văn rành rọt:
- Tôi rất vui mừng được đích thân báo cho ông biết, ông đã được thăng thưởng lên Thiếu tướng. Chắc hẳn ông biết rõ từ xưa tới nay trong quân đội chúng ta chưa có một trường hợp nào như thế này... thăng thưởng cho một sĩ quan ngay trong khi đang còn làm dở dang công vụ... Trường hợp của ông là một trường hợp rất đặc biệt.
Đờ Cát thấy mặt nóng bừng bừng vì cảm động. Y không ngờ việc làm của mình đã có ngay một sự phản ứng nhanh chóng như vậy, Đờ Cát ấp úng:
- Thưa ngài Tổng chỉ huy... tôi rất lấy làm mãn nguyện... tôi rất lấy làm mãn nguyện.
- Tôi mong rằng ở cương vị mới ông sẽ tiếp tục phát huy mọi khả năng và đức tính sẵn có của mình để chống giữ Điện Biên Phủ, góp phần làm rạng rỡ cho sự nghiệp của quân đội viễn chinh Pháp tại đây.
Đờ Cát mặt đỏ dừ:
- Tôi xin hứa với ngài sẽ làm tròn những công việc tôi đã được giao phó. - Sự vui mừng đến bất chợt làm Đờ Cát lúng túng không tìm được lời lẽ gì hơn.
Từ xa, tiếng Na-va vẫn đều đều vang lại mỗi lúc một sôi nổi hơn:
- Trong những ngày vừa qua, ông đã chống đỡ các đòn của quân địch một cách rất hiệu quả. Nhưng tôi thấy nhân dịp này vẫn cần nhắc lại với ông câu châm ngôn của Thống chế Đờ Lát: "Chớ có chịu đựng!". Ở đây, tuy những tuần qua, chúng ta có bị lâm vào thế thủ, nhưng ngay trong trường hợp này vẫn phải giữ vững thế công. Ông cần nhớ: "Chớ có chịu đựng!". Với các phương tiện còn lại, ông và các bạn của ông hãy đánh trả kẻ thù, hãy phản công. Chúng tôi đang tìm mọi biện pháp có hiệu quả nhất tiếp sức cho các ông. Cả nước Pháp và cả thế giới tự do đang hướng về ông và các bạn của ông.
Mặc dù giọng nói của Tổng chỉ huy rất sôi nổi, nhưng Đờ Cát đã quen tai với những lời lẽ đó, mà y đã được nghe, được đọc nhiều lần qua các bản nhật lệnh, các bức thư của ông ta... Đờ Cát chỉ tìm được một ý mới để nói với Tổng chỉ huy, sau khi ông ta ngắt lời:
- Thưa ngài, tôi thấy cần nêu với ngài một đề nghị... tôi mong rằng cũng sẽ có sự thăng thưởng đặc biệt đó trong dịp này cho những người cộng tác chính với tôi ở đây.
- Tôi tin rằng đề nghị của ông sẽ được chấp nhận. Nhân danh cá nhân tôi, tôi xin gửi lời chúc mừng ông trong dịp thăng thưởng này. Tôi hết lòng tin cậy ở ông và các bạn của ông, ông hãy nói lại với họ như vậy...
Tiếp ngay sau đó, chiếc máy lại vang lên tiếng nói của Cô-nhi, tư lệnh quân đội Pháp tại Bắc phần. Sau những lời chúc tụng, Cô-nhi báo cho Đờ Cát biết một điều thiết thực là lon thiếu tướng và hai trăm chai rượu Cô-nhắc dành cho bữa tiệc mừng thăng quan của Đờ Cát, sẽ được thả dù ngay xuống Điện Biên Phủ. Cô-nhi kết thúc cuộc nói chuyện của y một cách tình cảm hơn bằng câu: "Tôi ôm hôn ngài".
Cũng ngày hôm đó, Đờ Cát nhận được những lời chúc mừng của vợ ở Hà Nội. Mụ nói, chính mụ đã trực tiếp trông nom việc đóng hòm những thứ của bữa tiệc mừng sẽ thả dù cho Đờ Cát. Mụ nói, mụ rất tiếc không có mặt bên cạnh chồng trong dịp vinh thăng này. Và còn một điều hạn chế một phần sự vui vẻ của mụ, cuộc nói chuyện qua đường dây công khai không cho phép mụ kể ra mụ đã khôn ngoan như thế nào. trong việc thực hiện cái điều chồng mụ giao phó, để đạt được kết quả này nhanh chóng như vậy.
Mụ quả xứng đáng với sự tin cậy của chồng. Sau khi được chồng giao nhiệm vụ, mụ định đem chuyện đó nói với tướng Cô-nhi, người đàn ông khá lịch thiệp mà gần đây mụ được gặp gỡ dễ dàng hàng ngày. Nhưng mụ lại nghĩ, ông Cô-nhi chưa chắc đã sốt sắng đề đạt ngay câu chuyện này với cấp trên. Mụ nắm rõ ý chồng, tình hình Điện Biên Phủ có vẻ nguy ngập lắm rồi, nếu không làm thật nhanh, e không kịp mất. Chả lẽ điện thẳng chuyện này cho ông Na-va hay ôn La-ni-en. Làm như vậy có vẻ đường đột, và mụ ngờ ngợ chưa chắc đạt kết quả tốt. Đây chẳng qua cũng chỉ là một ý kiến của cấp dưới, lại qua sự chuyển đạt của mụ ta. Suy đi tính lại, cuối cùng mụ đã tìm được ra "cái nút điện".
Mụ đến khách sạn Métropole. Ở đây có đủ mặt các nhà báo và những người làm việc của các hãng thông tấn Pháp, Mỹ. Họ đang chạy rông, sục sạo mọi ngõ ngách suốt ngày để nhặt các thứ tin về Điện Biên Phủ. Mụ biết cách đó ít hôm, một hãng thông tấn của Mỹ đã điện cho Đờ Ga-la, cô hộ lý tại nhà thương Điện Biên Phủ, yêu cầu viết cho họ hai trang báo mà họ đặt giá là một ngàn đô la. Mụ lướt qua trước buồng các nhà báo Pháp, rồi gõ cửa một nhà thông tấn người Mỹ. Đúng như mụ dự đoán, mụ không phải là người đến ăn xin, mụ được tiếp đãi như một khách quý. Mụ trình bày rành rọt với nhà thông tấn những lời nói của chồng. Mắt ông ta sáng lên, và ông hấp tấp mở máy chữ đánh ngay lời nói của mụ. Mụ cũng không quên góp những lời bình luận của riêng mình, nhân danh vợ người anh hùng đang bảo vệ Điện Biên Phủ của thế giới tự do. Mụ nói, với những kỳ công chồng mụ đã làm ở Điện Biên Phủ, thì chồng mụ rất xứng đáng, người ta còn chờ đợi gì hơn... Mụ tin rằng mụ đã bấm đúng cái nút điện để làm vang lên hồi chuông ròn rã nhất.
Một giờ sau, bức điện của nhà thông tấn được đặt trước cửa tò vò của nhà bưu điện. Sở kiểm duyệt của Pháp đã nhìn thấy và nhanh tay cắt nó đi. Nhưng lưỡi kéo đó cũng chỉ có tác dụng làm trì hoãn bức điện được ít giờ. Mọi tin tức, dù xấu nhất về Điện Biên Phủ, các nhà báo ở đây đều có thể chuyển ngay về châu Âu, châu Mỹ. Họ chỉ cần nhảy lên tàu bay, sau vài giờ về đến Hồng Kông, bưu điện ở đó không từ chối chuyển đi cho họ bất cứ điều gì. Với riêng người Mỹ, họ còn nhiều phương tiện thuận lợi hơn để làm công việc này.
Sau đó, chuyện này lập tức được làm om sòm lên bên nước Mỹ rồi từ đấy lan nhanh ra thế giới tự do. Người Pháp đang đánh nhau ở Điện Biên Phủ, nhưng không thể nói người Mỹ quan tâm đến nó ít hơn người Pháp. Riêng với việc này, trước khi Đờ Cát có phản ứng mạnh, người Mỹ cũng đã nêu ra vấn đề rồi. Nước Mỹ không ra sắc lệnh về việc thăng tướng cho Đờ Cát, nhưng là nơi quyết định việc thăng thưởng này. Họ cần động viên Đờ Cát, để Đờ Cát bảo vệ Điện Biên Phủ cho họ. Và người Pháp đã phải làm một việc xưa nay họ không quen làm, là thăng thưởng cho một quân nhân giữa lúc chưa hoàn thành công vụ, hơn thế nữa, họ còn không muốn mất ở Điện Biên Phủ một viên tướng.
Tin Đờ Cát được thăng tướng lập tức truyền đi khắp các đường hầm của đoàn quân đồn trú. Các cứ điểm nhận thông báo theo dõi kỹ việc thả dù, và làm mọi cách lượm bằng được chiếc dù mang lon của Thiếu tưởng chỉ huy. Nhưng đến buổi chiều, tên phi công mặc dù biết chiếc dù mình thả có mang rượu mừng và lon tướng của người chỉ huy Điện Biên Phủ, vẫn không dám bay dưới tầm bốn ngàn thước vì sự đe dọa của các khẩu pháo cao xạ đã bò vào quanh khu trung tâm: Chiếc dù thả vội vàng ở một độ cao như vậy, không chịu đi theo ý chủ của nó vào giữa những hàng rào dây thép gai đen sì như lông sâu róm; nó tạt ra phía cánh đồng, rơi vào trận địa của quân ta.
Được tin này, Đờ Cát buồn thiu. Hắn không ngờ việc lên tướng của hắn lại còn thêm khó khăn này. Hắn đã thông báo cho những tên chỉ huy các đơn vị, chiều nay lên dự tiệc mừng hắn nhân dịp thăng thưởng. Bây giờ hoãn lại ư? Còn mấy cái vạch trên vai này thì giải quyết như thế nào? Vứt nó đi, thì với bộ quần áo nhà binh đã chiến này, lấy gì để phân biệt hắn với một tên lính. Để nó lại, thì việc thăng thưởng của hắn có cũng như không. Nhưng cuối cùng, Đờ Cát đã tìm được cách giải quyết. Hắn gọi Tơ-ranh-ca phụ trách phòng 1, bảo cứ tổ chức lễ ăn mừng.
Chập tối hôm đó, trên con đường hầm quanh co như hang chuột mà chúng gọi là “đường xe điện ngầm", với những hầm ếch để ẩn náu khi đại bác bắn gọi là các "ga", dẫn tới sở chỉ huy của Đờ Cát, một số sĩ quan chỉ huy các đơn vị lục tục kéo lên. Trong số người được mời, có cô hộ lý Đờ Ga-la (đây là một ngoại lệ) lụng thụng trong bộ quần áo nhảy dù đàn ông xin được của một sĩ quan, và nhí nhảnh với đôi má hồng bôi bằng thuốc sát trùng đỏ.
Máy phát điện của khu trung tâm bị hỏng từ mấy hôm nay. Mấy chiếc đèn bão ánh sáng vàng khè treo ở giữa hầm lung lay mỗi khi có đại bác nổ. Bên ngoài, súng liên thanh reo liên hồi. Có nhiều triệu chứng đối phương lại sắp tấn công. Bọn chúng ngồi im lặng nhìn nhau quanh dãy bàn kê bằng những chiếc vỏ hòm đạn, trên phủ một tấm bạt hoang lổ.
Vị tân Thiếu tưởng từ hầm bên đi sang. Các sĩ quan đứng cả lên. Căn hầm trở thành quá nhỏ hẹp vì những thân hình cao to lộc ngộc.
Đờ Cát chào mọi người một cách thân mật:
- Chào các con cừu non của tôi.
Tất cả đồng thanh đáp:
- Chào Cơ-rít-ti-an.
Những cặp mắt đổ dồn vào miếng tiết trên vai của Đờ Cát. Bọn chúng đều biết rõ chiều nay dù mang sao đã bay bạc sang trận địa Việt. Chúng ngạc nhiên nhận thấy trên vai Thiếu tướng đã xuất hiện hai ngôi sao. Nhưng những ngôi sao này mặt dài dại, không đẹp như những ngôi sao tướng mà chúng đã được thấy. Sau đó chúng mới biết những ngôi sao ấy do Đờ Cát đã tự tạo bằng một mảnh thiếc.
Tơ-ranh-ca bảnh bao nhất trong bọn với bộ quân phục sạch sẽ, đứng lên rót rượu cho mọi người vào những chiếc ca nhôm. Bọn chúng nâng ca chúc mừng Đờ Cát. Vẫn là thứ rượu cô đóng hộp “vinogel" hòa tan với nước lã, chúng thường dùng trong các bữa ăn hàng ngày. Tơ-ranh-ca không thể xoay xở cho bữa tiệc một thứ rượu khá hơn, vì hiện nay những chai Whisky, Cognac còn lại đều ở hầm rượu bí mật của những viên sĩ quan, không tài nào moi ra được.
Đờ Cát, giọng cảm động:
- Tôi cảm ơn tất cả những lời chúc mừng của các ông. Vinh dự này không phải thuộc về riêng tôi, mà thuộc về tất cả các ông.... tất cả quân đội đồn trú tại Điện Biên Phủ.
Hắn đưa mắt nhìn bộ mặt lưỡi cày lạnh nhạt của Lăng-gơ-le với đôi mắt đang nhìn đi đâu, và Bi-gia với chiếc lon thiếu tá cài cạnh túi ngực chiếc áo dù loang lổ, mở phanh để lộ đám lông ngực đen sì, đan nghiến ngấu nhai bánh khô...
- Tôi đã nói với ông Tổng chỉ huy, cần có ngay một sự thăng thưởng đặc biệt cho tất cả các ông. Ông Tổng chỉ huy rất tán thành. Tôi tin rằng điều đó sẽ đến sớm với các ông. Trong lúc chờ đợi, chúng ta sẽ bảo vệ Điện Biên Phủ bằng mọi giá, chúng ta sẽ làm cho bọn Việt gãy răng nếu chúng định ngoạm thêm một cứ điểm của chúng ta trước khi những phi đội của người Mỹ ở Vịnh Bắc Kỳ đến đây nghiền nát chúng... Ông tổng chỉ huy đã nói với tôi, ông đang cố gắng làm tất cả những công việc cần thiết để chuẩn bị cho người Mỹ. Tôi tin rằng chúng ta có thể chờ đợi được đến ngày đó.
Đờ Cát biết nên nói với cấp dưới của hắn những điều gì. Hắn đã tước tất cả những lời lẽ hào nhoáng của ông Tổng chỉ huy khi nói với hắn. Hắn nâng cao ca rượu trước mặt rồi nói tiếp:
- Nào những con cừu con của tôi, chúng ta hãy chúc mừng nhau... Tôi tin rằng đến ngày vui của các bạn, các bạn sẽ may mắn hơn tôi, dù chẳng bị lạc ra ngoài như lần này, tôi sẽ được chúc mừng các bạn bằng rượu Whisky.
Bọn chúng nhấc những chiếc ca thô kệch và lạnh lẽo, chạm vào nhau. Đờ Cát tin rằng mình đã nói với các cấp dưới những lời lẽ khôn ngoan nhất, nhưng hắn vẫn cảm thấy lời nói của mình đã mất nhiều sức mạnh.
Giữa lúc đó, một loạt đại bác nổ chung quanh hầm. Những ngọn đèn giật mình run rẩy chực tắt. Chuông điện thoại kêu ran ran ở các phòng.
Một sĩ quan chạy đến trước cửa hầm báo cáo:
- Huy-ghét 6 xin thả đèn dù và pháo bắn chặn. Nhưng hiện đang có thả dù người.
Đờ Cát nhìn Lăng-gơ-le. Những việc đã giao cho cấp dưới rồi hắn không muốn đụng vào.
Lăng-gơ-le lạnh lùng nói:
- Bảo với Huy-ghét 6 đợi nửa tiếng nữa. Nhảy dù xong sẽ có đèn dù. Báo cho Đa-kô-ta sau nửa tiếng sẽ thả đèn dù, không phải nhắc lại lệnh.
Đại bác vẫn tiếp tục nổ ầm ầm. Những ngọn đèn nháy lia lịa.
Lại tên sĩ quan ban nãy quay lại cửa hầm:
- Cả Huy-ghét 6, Ê-li-an 1, Ê-li-an 2 đều xin bắn chặn. Ưu tiên cho vị trí nào?
- Có thể bắn chặn cho cả ba nơi một lúc - Lăng-gơ-le ra lệnh.
Tiếng chuông điện thoại vẫn đổ liên hồi ở các buồng bên.
Đờ Cát thấy cần thả cho bọn sĩ quan này về. Hắn cũng chẳng còn có điều gì để nói thêm với chúng nữa. Hắn chỉ cảm thấy cái ngày hắn mong đợi từ lâu sao đến với hắn một cách nhạt nhẽo. Vừa khi đó, Lăng-gơ-le quay về phía hắn:
- Thưa Thiếu tướng, có thể đêm nay chúng đánh vào Huy-ghét 6. Mấy hôm nay, hào của chúng đào chui qua hàng rào dây thép gai rồi.
Đờ Cát nói gượng gạo:
- Có lẽ tôi không nên giữ các bạn ở lại đây nữa. Tôi đã nói những điều tôi muốn nói với các bạn rồi. Các bạn hãy trở về vị trí chiến đấu. Và tôi xin nhắc lại với các bạn: Chúng ta sẽ không nhường cho bọn chúng một tấc đất nữa. Phải bảo vệ tất cả những cứ điểm của chúng ta với bất cứ giá nào. Đi đi thôi? Những con cừu non của tôi.
Bọn chúng hớt hải kéo ra khỏi hầm. Người cảm động nhất trong buổi tối hôm đó, là cô hộ lý Đờ Ga-la. Cô giữ một ấn tượng rất đẹp về vị tướng. Sao mà ông ta bình thản đến thế, bình thản một cách lạ lùng. Sao mà một vị tướng lại có thể giản dị và thân mật với mọi người đến như thế...?
Đờ Cát nhìn đồng hồ. Đã sắp đến giờ đài phát thanh “Con én" đọc chuyện buổi tối. Mấy ngày hôm nay, hắn đã tìm thấy một thú mới là nằm trong cái hốc an toàn của hắn với một cốc rượu, và chìm đắm trong giọng ru ngủ của những buổi đọc chuyện tháng tư này, bắt đầu bằng câu: "Hỡi những người đang ở chiến hào, hãy lắng nghe câu chuyện buồn "Những bí mật thành Ba-lê"...
Đờ Cát định chờ mọi người ra khỏi, sẽ quay về hầm ngủ riêng của hắn. Nhưng cuối cùng hắn thấy viên trung tá trưởng phòng 1 vẫn còn ngồi lại. Viên trung tá này vốn xưa nay không phải là người được Đờ Cát giữ lại sau những buổi họp để uống Whisky. Hắn đưa đôi mắt giảo hoạt nhìn ra cửa chờ mọi người di xa hẳn, rồi nói:
- Thưa Thiếu tướng, tôi muốn hỏi ngài một vài điều về kế hoạch rút lui...
Đờ Cát hơi sững sờ vì bị lôi vào công việc trong lúc hắn đang muốn trốn tránh.
Viên trung tá lại nói:
- Thưa Thiếu tướng, tình hình có vẻ gấp lắm rồi, tôi thấy có nhiều khó khăn, phải xin chỉ thị của ngài.
Đờ Cát rút một điếu thuốc hút, rồi đẩy bao thuốc lá về trước mặt viên trung tá. Hắn im lặng một chút, rồi nói tiếp:
- Không biết việc can thiệp của người Mỹ gặp trở ngại gì...? Hôm nay, Hà Nội gửi cho chúng ta một hòm "géophne". Lúc mới mở hòm ra, tôi trông thấy toàn những vật như những chiếc bi đông hai lít dùng trong cuộc chiến tranh 1914-1918. Tôi đã tưởng đó là loại rượu "vinoget" mới. Nhưng khi xem hai mươi trang giấy in rô-nê-ô hướng dẫn cách dùng, tôi hiểu đó là loại máy để theo dõi kẻ địch đào đường hầm vào chỗ chúng ta ở. Hôm trước, họ đã gửi cho chúng ta mấy trăm áo giáp sắt. Công dụng của nó là khi đạn bắn vào thì người vẫn bị chết. Hôm nay, họ lại gửi cho chúng ta máy nghe tiếng động dưới đất. Họ tưởng dễ thường với hai tai của chúng ta, chúng ta không thể nghe bọn Việt đào hầm được chăng. Ở Ê-li-an 2, bây giờ người ta nghe rõ chúng đào cả ban đêm lẫn ban ngày. Bằng hai tai của ta, ta vẫn biết được rõ ràng chuyện đó, chứ đâu cần đến máy của họ. Giá họ gửi cho chúng ta loại máy gì có thể bịt được mõm các khẩu pháo của chúng hoặc cản được Việt Minh đừng đào hầm vào đây nữa.
Đờ Cát bắt đầu chú ý đến cách nói khôn ngoan của hắn ta.
- Ngài cũng đã đồng ý, nếu không có gì thay đổi về phía người Mỹ, thì cuối cùng, ta phải đi gặp ông Cơ-re-vơ-cơ ở Mường Son.
Đờ Cát hỏi với một thái độ lạnh nhạt:
- Các ông đã bàn kế hoạch về chuyện đó rồi phải không?
- Chúng tôi đã làm phần lớn.
Viên trung tá mở tấm bản đồ, đặt trước mặt Đờ Cát:
- Chúng tôi định khi rút sẽ chia làm ba cánh quân, đi làm ba đường khác nhau. Một cánh đi về phía đông nam theo dường bản Keo Lom tới sông Mã. Một cánh đi xuống phía nam, theo dòng sông Nậm Nưa. Một cánh đi về phía tây theo sông Nậm Rơm và Nậm U... Như vậy, các đơn vị nhảy dù sẽ tập họp thành một cánh quân do Lăng-gơ-le và Bi-gia chỉ huy. Linh Lê dương và lính Bắc Phi họp thành một cánh quân, đặt dưới quyền của Lơ-mơ-ni-ê và Va-đô. Các đơn vị ở Hồng Cúm thành một cánh, vẫn do La-lăng chỉ huy... Hiện nay có một việc không giải quyết được là các cánh quân đều tranh nhau con đường phía nam. Ngài cũng biết, đi về phía này đỡ nguy hiểm hơn đi về phía tây và phía đông nam.
Đờ Cát ngồi nghe với một vẻ lơ đãng và mỏi mệt. Hắn không muốn rút lui khỏi Điện Biên Phủ. Vì rút lui đối với hắn có nghĩa là rời khỏi cái công sự an toàn này, phơi mình ra quãng trống để làm mồi cho đạn Việt. Trong một cuộc rút lui hỗn độn, tính mạng của hắn không được an toàn hơn tính mạng của một tên lính thường. Thấy viên trung tá im lặng, chờ đợi, hắn nói:
- Tôi chủ trương cứ giữ lấy đây chờ đến khi tình hình thay đổi có lợi cho ta.
Viên trung tá như đã chờ từ trước câu này của Đờ Cát, hắn nói luôn:
- Tình hình của cả đoàn quân đồn trú quyết định ở các quả đồi Ê-li-an. Ngài đã xem những tấm ảnh mới nhất do máy bay chụp, Hà Nội thả dù cho chúng ta buổi trưa. Bọn Việt đang muốn cắt cái Ê-li-an 2 ra khỏi khu trung tâm. Ở đó nói không có cách gì giữ tay bọn chúng lại. Đã một thời gian chúng chưa đụng tới cái Ê-li-an này. Nhưng nếu một lần nữa, chúng đụng tới, có nghĩa là... tình hình sẽ rất khó cứu vãn. Có lẽ Hà Nội cũng biết thế nên đã dốc cả một kho bạc trắng, để ông Cơ-re-vơ-cơ dùng cho người Mẹo trên đường đi đến đây. Chúng ta cần tính chuyện gặp ông ta.
- Các ông có nhớ cuộc rút lui ở Cao Bằng không?... Hay gần hơn cuộc rút lui của quân đội đồn trú tại Sầm Nưa?
- Vâng, chuyện đó chẳng thể ai quên được. Nhưng dầu sao, chúng ta vẫn phải đặt kế hoạch, vì lỡ khi cần đến. Hà Nội cứ ra lệnh cho chúng ta.
- Thì kế hoạch các ông đã thảo rồi đấy... Tôi chuẩn y kế hoạch vừa rồi ông đã trình bày.
- Nhưng tôi nhận thấy kế hoạch đó chưa ổn. Chúng ta còn ở đây mấy ngàn thương binh... Chúng ta không thể mang họ đi theo, cũng không thể để mặc họ lại đây!
Viên trung tá ngừng nói một chút. Hắn thấy không nên nói trắng những ý nghĩ của mình. Phải dắt dẫn ông ta một cách khéo léo. Không nên để ông ta nhận ra mình đã biết tỏng tư tưởng của ông ta. Nhưng vẫn cần phải nói một phần điều hắn muốn nói. Với một vẻ trang nghiêm, suy nghĩ, hắn nói tiếp:
- Theo tôi, khi rút lui ta không thể kéo đi cả một lúc, mà phải để một bộ phận ở lại với thương binh, đồng thời chiến đấu giữ chân quân Việt Minh ở đây. Tôi thấy... dù sao ta cũng phải để lại một bộ phận, bộ phận ở lại đó sẽ bảo vệ Điện Biên Phủ bằng mọi giá, cho tới giờ phút cuối cùng.
Đôi mắt sâu của Đờ Cát lóe lên một tia sáng. Hắn gật gù rồi nói:
- Có lẽ đúng. Phải có tổ chức chiến đấu tại đây khi các cánh quân rút lui. Ông hãy đưa thêm điều đó vào kế hoạch.
Hắn tỏ vẻ ngẫm nghĩ rồi nói tiếp:
- Tôi sẽ chỉ huy cuộc chiến đấu đến giờ chót. Cần phải để lại cho tôi một người chỉ huy tốt.
Đờ Cát đánh diêm châm thuốc hút, nhìn thẳng vào mặt viên trung tá:
- Ông sẽ ở lại với tôi trong trường hợp đó.
- Xin tuân lệnh của ngài.
Viên trung tá nhận thấy câu chuyện của hắn đã đạt tới đích, nhưng rút lui ngay thì không được đẹp lắm. Hắn lại hỏi Đờ Cát:
- Còn cái chuyện họ cứ tranh nhau đòi đi về con đường phía nam?
- Đơn vị nào mạnh sẽ nhận các đường nguy hiểm hơn.
- Nhưng hiện nay không người chỉ huy nào chịu nhận là đơn vị mình còn mạnh. Chính Lăng-gơ-le đã nói, sau bằng ấy ngày đánh nhau, đơn vị mạnh nhất của ông ta đã trở thành đơn vị yếu nhất.
Đờ Cát bắt đầu phân vân. Hắn thứ đặt mình vào địa vị những tên cầm các cánh quân chạy trốn. Hắn sẽ không thể nào bằng lòng nếu người ta bảo hắn mang cả cánh quân chạy về phía tây nam. Khi rút chạy như vậy, ít nhất cũng phải tin là may ra mình có thể sống! Nếu đi về con đường đó, chẳng thà chịu chết ở đây còn hơn... Vậy chỉ định ai đi vào con đường chết ấy? Hắn không muốn vấp váp với cấp dưới trong giờ phút này.
Thật khó tìm được cách sắp xếp nào cho ổn thỏa...
Viên trung tá với cái nhìn tinh khôn, nói với hắn:
- Tôi xin đề nghị với ngài một cách giải quyết công bằng mà chắc mọi người sẽ vừa lòng.
- Ông nói đi, tôi nghe.
- Ngài cho họ bắt thăm.
Đờ Cát có vẻ hơi ngạc nhiên vì sự tinh khôn của tên trung tá. Hắn thấy mình đã chọn đúng người cộng tác trong trường hợp cần thiết. Nhưng rồi hắn nhìn Tơ-răng-ca, mặt nghiêm lại:
- Ông nên nhớ là tôi không hề ước ao một cuộc rút lui. Tôi muốn những kẻ phải bỏ chạy là bọn Việt. Tôi tin tưởng như thế.
- Thưa ngài, đó là điều bất hạnh nhất trong những điều bất hạnh. Nhưng dầu sao ta cũng cứ phải tính trước.
Kế hoạch rút lui đã được vị tướng mới bổ sung và thông qua.
Viên trung tá vui vẻ đứng lên.
Đờ Cát lại nghĩ tới căn hầm và cốc rượu Whisky. Ngọn đèn bão vẫn chớp liên hồi. Bên ngoài, súng nổ mỗi lúc một mạnh.
Cao Điểm Cuối Cùng Cao Điểm Cuối Cùng - Hữu Mai Cao Điểm Cuối Cùng