God be thanked for books! they are the voices of the distant and the dead, and make us heirs of the spiritual life of past ages.

W.E. Channing

 
 
 
 
 
Tác giả: Mario Puzo
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Godfather
Dịch giả: Đặng Phi Bằng
Biên tập: Open Heineken
Upload bìa: Open Heineken
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 49
Cập nhật: 2023-11-05 19:16:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23
au năm tháng ẩn cư ở Sicily, Michael Corleone mới hiểu được cá tính và nghiệp dĩ của bố. Nó cũng hiểu những con người như Luca Brasi, Clemenza, cả sự chịu đựng và an phận của mẹ. Ở Sicily nó mới biết rằng nếu không chống lại số phận, thì những con người như thế sẽ ra sao. Nó hiểu ra tại sao Ông Trùm luôn bảo: "Mỗi người đều có định mệnh riêng", nó cũng hiểu vì sao có sự khinh bỉ công quyền, sự căm ghét đối với những kẻ phạm luật im lặng, Omerta.
Ngày rời con tàu trên cảng Palermo, với bộ đồ cũ nát và cái mũ cà tàng, Michael được chuyển đến một vùng rất xa thành phố, do Mafia kiểm soát. Ông capo–mafioso, thủ lĩnh địa phương này, xưa kia từng chịu ơn sâu nặng với Bố Già. Làng Corleone, cái tên mà khi di cư qua Mỹ Ông Trùm đã dùng làm họ, cũng nằm trong vùng này. Nhưng bà con họ hàng Ông Trùm đâu còn ai ở đây. Đàn bà thì đã chết giờ hết. Đàn ông thì bị giết trong những màn thanh toán thù oán lẫn nhau, nếu còn sống thì di cư sang Mỹ, Brasin, hoặc đến một vùng khác trong nước Ý. Lâu dần nó còn khám phá ra một điều, cái nơi nhỏ xíu nghèo mạt rệp này có tỉ lệ sát nhân cao nhất thế giới.
Michael được thu xếp là khách trong nhà ông chú độc thân của vị thủ lĩnh vùng. Ông lão đã bảy mươi tuổi và cũng là bác sĩ của quận. Còn thủ lĩnh, capo–mafioso, tức là Trùm Tommasino năm mươi tuổi, làm gabbellotto, cai quản cơ ngơi rộng lớn cho một gia đình quyền quý nhất Sicily. Công việc của gabbellotto là phải bảo đảm sao cho đám dân nghèo không được léo hánh vào vùng đất chưa canh tác để săn bắn trộm, hay tìm cách cắm dùi chiếm đất, Gabbellotto ăn lương của nhà giàu để bảo vệ đất đai của chúng bằng mọi giá. Đám bần cố nông dựa vào pháp luật để xin
phép mua đất bỏ hoang, gabbellotto xuất hiện ngay để hăm he, hù dọa chẳng mất mạng thì cũng què giò, gãy cẳng.
Trùm Tommasino còn kiểm soát việc cung cấp nước trong vùng. Lão phản đối kịch liệt dự án xây dựng thêm đập nước của chính quyền La Mã. Nếu xây thêm đập nước là phá hoại kinh tế của lão, nguồn lợi bán nước độc quyền từ những giếng nước đã có từ hàng trăm năm trước. Tuy vậy, trùm Don Tommasino cũng thuộc phe cổ, không dính vào vụ buôn bán ma túy và mại dâm. Vì vậy lão là cái gai của đám đầu đảng Mafia mới nổi ở Palermo, cái đám chịu ảnh hưởng lũ côn đồ bị Mỹ trục xuất về lại Ý.
Trùm Tommasino rất đường bệ, một "con người có bụng", đúng nghĩa là một người đủ làm khiếp vía lũ đàn em. Vì vậy Michael rất được an toàn trong sự bảo vệ của lão. Nhưng tốt hơn, nên giữ bí mật cho kẻ đào tẩu. Và Michael chỉ loanh quanh trong bốn bức tường của bác sĩ Taza, chú của trùm Tommasino.
Bác sĩ Taza cao hơn mét tám, da dẻ hồng hào, tóc bạc như tuyết, tuy ở tuổi bảy mươi, tuần nào "cụ" cũng viếng mấy em nho nhỏ hành nghề tại Palermo. Càng trẻ "cụ" càng khoái. Cái tật nữa của cụ là mê sách. Cái gì cũng đọc. Thượng vàng hạ cám, cụ đọc tuốt. Rồi cụ bắt đám bệnh nhân nhà quê nghe cụ kể những gì đã đọc. Cái đám ngu dốt này chẳng hiểu gì cả, cho là cụ dở hơi mất rồi.
Vào những buổi chiều tối, bác sĩ Taza, ông trùm Tommasino và Michael ngồi trong khu vườn rộng mênh mông, rải rác đầy những tượng đá cẩm thạch, cứ như hòn đảo này người ta trồng tượng cho mọc lên như trồng nho vậy. Cụ Taza khoái kể lại những chiến công hiển hách của Mafia từ bao thế kỷ qua, còn Michael mê mẩn lắng nghe. Trong không khí nồng nàn chuếnh choáng hương rượu trái cây, sự êm ả, thanh tao trong vườn, đôi lúc ngay cụ Taza cũng bị ngất ngây, cuốn hút theo câu chuyện của chính mình.
Cụ bác sĩ là huyền thoại và ông Trùm Tommasino là hiện thực. Trong ngôi vườn xưa cũ này, Michael đã tìm hiểu nguồn cội nơi ông già nó lớn
khôn. Nó đã hiểu nghĩa gốc của từ "Mafia" là "nơi ẩn trú". Rồi nó trở thành tên của tổ chức bí mật, vùng lên chống lại những kẻ thống trị đã bao đời áp bức, bóc lột người dân Sicily. Trong lịch sử loài người, Sicily là mảnh đất bị nghiền nát, bóc lột tàn nhẫn nhất. Khảo tra, lục soát từ nhà nghèo tới nhà có chút máu mặt. Từ thằng mục tử tới bác nông dân, đều bị đám chúa đất và lũ ông hoàng của nhà thờ đạo Thiên Chúa hành hạ. Cảnh sát là khí cụ cho quyền uy của chúng. Người dân căm hận đám cảnh sát này tới mức, khi cần hạ nhục kẻ nào, chỉ việc chửi kẻ đó là "đồ cớm", là đủ gây đau đớn cho kẻ đó rồi.
Gặp một sức mạnh tàn bạo, dã man như vậy, người dân Sicily phải tập nhẫn nhục, không bao giờ để lộ mối căm hờn của họ để tránh bị trả thù, hành hạ. Vì họ hiểu rằng xã hội đó là kẻ thù của họ, nên giữa họ có bất hòa, tranh chấp, thì họ tìm đến hội kín Mafia nhờ giải quyết. Để củng cố quyền lực, Mafia đặt ra luật im lặng, Omerta. Tại những vùng quê Sicily, khách lạ hỏi thăm đường, chẳng có ai mở miệng trả lời. Đối với bất cứ thành viên Mafia nào, tội lớn nhất là dám đi báo cảnh sát tên của kẻ nào định bắn hay chỉ làm hắn bị thương. Omerta trở thành một tôn giáo của người dân. Phụ nữ có chồng hay con trai bị giết, có con gái bị hãm hiếp cũng không bao giờ báo cảnh sát tên thủ phạm.
Họ không tin tưởng công lý của chính quyền. Họ tìm tới Mafia. Có gì khó khăn cấp bách, họ chạy ngay tới capo–mafioso. Capo- mafioso là công bộc, là lãnh đạo, là người bảo bọc họ từ cái ăn đến việc làm.
Nhưng có điều bác sĩ Taza không đả động tới, mấy tháng sau chính Michael khám phá ra là băng đảng Mafia ở Sicily đã từng là trợ thủ bất hợp pháp cho tụi nhà giàu, tay sai của cảnh sát và chính quyền. Nó đã trở thành một cơ cấu tư bản chủ nghĩa suy đồi, chống Cộng sản, phản tự do, đặt ra những loại thuế riêng, đánh vào mọi hình thức làm ăn bất kể lớn nhỏ.
Lần đầu tiên Michael Corleone hiểu vì sao những người như ông già nó, thà đi cướp của giết người chứ không chịu làm một thành viên trong xã hội
hợp pháp kia.
Bất kỳ con người nào có chút đầu óc cũng không thể nào chấp nhận một đời sống nghèo khổ, hãi hùng, nhục nhã ở Sicily. Nhưng trên đất Mỹ, một số di dân Ý cũng phải chịu đựng những quyền thế tàn bạo chẳng kém gì.
Cụ bác sĩ Taza cũng đã đề nghị Michael cùng cụ đến vui chơi trong mấy ổ nhện ở Palermo hàng tuần, nhưng nó từ chối. Hàm trái nó còn nguyên kỷ niệm của lão đại úy McCluskey, vì chuồn gấp đi Sicily, cái hàm vỡ nát của nó đã kịp chữa trị gì đâu. Xương xẩu ráp và vội vàng, làm mặt nó nhìn nghiêng méo mó đến phát khiếp. Michael là thằng rất hãnh diện với ngoại hình của nó, làm sao nó chịu nổi vẻ xấu xí này. Nó không quan tâm lắm đến những cơn đau vẫn hành hạ nó, vì mỗi lần như vậy, cụ Taza lại cho nó thuốc giảm đau. Ông cụ cũng đề nghị điều trị, chỉnh lại vết thương cho nó, nó vội vàng từ chối. Thời gian sống chung đủ để Michael thấy có lẽ cụ bác sĩ này là thầy thuốc dở nhất Sicily. Chính ông ta thú nhận, tuy đọc đủ thứ trên đời, nhưng chẳng hề rờ tới sách thuốc, vì cụ có đọc cũng vô ích, chẳng hiểu gì sất. Ông cụ tốt nghiệp trường Y hẳn hoi, là nhờ một tay tổ Mafia đến tận Palermo thu xếp số điểm đậu cho anh sinh viên Taza. Nội chuyện này cũng đủ thấy Mafia làm ung nhọt xã hội đến thế nào. Tài năng, trí tuệ chẳng là cái thá gì. Nghề nghiệp cũng do Bố Già ban phát như một ân huệ.
Sống nơi đây, Michael có thời gian để nghiền ngẫm đủ mọi chuyện trên đời. Ban ngày, nó lang thang đi dạo về miền quê, luôn luôn có hai tên mục đồng, bộ hạ của Trùm Tommasino đi kèm. Những tên mục đồng trên đảo này, thường cũng là những tên giết mướn của Mafia. Chúng lãnh thêm công việc giết người để thêm thu nhập. Michael liên tưởng tới tổ chức của ông già nó. Nếu cứ tiếp tục phát triển, thì cũng sẽ giống như những gì đang xảy ra tại nơi này, sẽ trở thành ung nhọt hủy hoại toàn xã hội. Sicily thật sự đã trở thành mảnh đất của ma, vì người sống đã bỏ đi tứ xứ để kiếm miếng ăn, hay vì trốn tránh khỏi sự giết chóc cũng chỉ vì miếng cơm manh áo.
Trong những chuyến đi chơi xa như vậy, điều gây xúc động mạnh nhất đối với Michael là cảnh quê đẹp tuyệt vời. Nó lững thững qua những vườn cam, hun hút như những cái hang đầy bóng mát, qua những miền quê với những ống máng, phun toé nước từ những đầu rắn khổng lồ bằng đá, tạc từ thời trước Chúa giáng sinh. Những ngôi nhà như những biệt thự La Mã cổ, mặt tiền cao lớn bằng đá cẩm thạch, những gian phòng mênh mông, vòm mái vòng cung đang trở thành phố tích, chỉ còn là nơi trú ẩn cho mấy con cừu đi lạc. Phía chân trời, những ngọn đồi thật duyên dáng, như những tảng đá rực rỡ được xếp chồng lên nhau. Vườn tược, cánh đồng điểm tô lên sa mạc như một chuỗi ngọc bích long lanh, rực rỡ. Đôi khi Michael đi tới tận thị trấn Corleone, nơi đây bây giờ chỉ còn mười tám ngàn cư dân chui rúc trong những căn nhà chật hẹp, dựng bằng đá đen, lấy từ rặng núi gần nhất. Mới năm ngoái thôi, tại Corleone có tới sáu mươi vụ giết người, cả thị trấn còn u ám vì chết chóc. Cánh rừng Ficcuzza xa xa hoang vụ buồn thảm.
Hai thằng chăn cừu làm bảo vệ cho Michael lúc nào cũng kè kè khẩu lupara cổ lỗ dài thòng. Lupara là vũ khí ưa thích của dân Mafia. Khi Mussolini phải tay cảnh sát trưởng đến Sicily dẹp bằng hết Mafia, việc đầu tiên hắn làm, là ra lệnh đập những bức tường đá xuống dưới một thước, để đám sát nhân Mafia với khẩu súng cao nghễu nghện không còn có thể dùng tường làm nơi phục kích. Nhưng phương án này không đem lại kết quả gì, nên Bộ trưởng an ninh ra lệnh tống tên nào bị nghi ngờ là Mafia ra đảo hết.
Cho đến khi Sicily được quân đồng minh giải phóng, mấy anh quan chức quân sự Mỹ cho rằng bất cứ ai bị ngồi tù vì chế độ phát xít đều là những nhà tranh đấu cho nền dân chủ. Thế là mấy tay Mafia vừa được thoát tù, vừa được tuyển làm xã trưởng hay thông dịch viên cho quân đội nhà nước. Cơ hội quý hóa này cho phép băng đảng Mafia gây dựng lại tổ chức và trở nên khủng khiếp hơn bao giờ hết. Sau chặng đi bộ đường dài, thêm chai rượu mạnh, đồ nhắm thịt, bánh no nê, làm Michael được một giấc ngủ ngon lành đêm đó. Trong thư viện của bác sĩ Taza chất đầy sách
bằng tiếng Ý, nhưng tuy Michael nói được thử ngữ Ý và cũng đã qua vài khóa tiếng Ý ở đại học, nhưng nó phải vật lộn rất mất thì giờ với mấy cuốn sách này. Giọng nó chẳng giống dân địa phương chút nào, nghe cứ như dân Ý miền Bắc hay ở biên giới Thụy Sĩ và Đức. Nhưng nhờ cái mặt bị biến dạng, trông Michael có vẻ "người cùng làng hơn", vì thiếu thuốc men điều trị, mấy bộ mặt méo mó ở Sicily là chuyện bình thường. Những vết thương nhỏ cũng không và được, đơn giản chỉ vì không có tiền. Người lớn, trẻ em chịu mang bộ mặt chẳng giống ai, mà nếu ở Mỹ chỉ một cuộc giải phẫu nhỏ cũng sửa chữa được.
Michael vẫn thường nhớ đến Kay, nhớ nụ cười, cả tấm thân nàng. Lương tâm nó cũng cắn rứt vì chuyện nó bỏ ra đi, không một lời từ biệt. Có điều lạ là nó không hề bị cắn rứt vì chuyện giết hai con người, vì Sollozzo là đứa mưu toan sát hại ông già, còn đại úy McCluskey là kẻ đã làm mặt nó bị biến dạng suốt đời.
Bác sĩ Taza cứ nhắc nhở nó đi giải phẫu để chỉnh lại cái mặt méo, nhất là mỗi khi nó xin thuốc giảm đau. Càng ngày cơn đau càng mạnh và thường xuyên hơn. Ông cụ cắt nghĩa đó là vì một dây thần kinh phía dưới mắt, nó tỏa ra các dây thần kinh khác. Đối với dân Mafia thì đây là điểm khảo tra rất lý tưởng. Chỉ châm đầu nhọn của cây dùi đâm nước đá trúng ngay huyệt đó của nạn nhân. Dây thần kinh đó của Michael bị thương, hay bị một mảnh xương vỡ đâm phải. Chỉ một phẫu thuật nhỏ ở Palermo sẽ làm hết cơn đau.
Nhưng Michael chỉ cười bảo:
– Đó là chút kỷ niệm gia đình.
Nó thật sự không quan tâm đến sự đau nhức, mà là cái tiếng vù vù nho nhỏ trong đầu như cái mô tơ lọc nước vậy.
Gần bảy tháng sống cảnh quê mùa, nhàn hạ làm Michael phát chán. Thời gian này ông Trùm Tommasino lại bận rộn, vắng nhà luôn. Ông có
chuyện bực mình với đám Mafia mới nổi lên ở Palermo, đám trẻ này phất lên nhờ vào dịch vụ xây dựng thời hậu chiến. Ý đồng tiền, chúng định lấn sân phe già. Trùm Tommasino quyết bảo tồn lãnh địa của ông. Vì vậy Michael vắng ông bạn già, cứ phải nghe đi nghe lại mấy câu chuyện cũ rích của cụ bác sĩ Taza.
Một buổi sáng, Michael quyết định làm cuộc hành trình tới rặng núi qua khỏi Corleone. Tất nhiên cũng có hai gã chăn cừu đi hộ tống. Thật sự không chỉ bảo vệ vì nó là người của nhà Corleone, mà ngay dân địa phương cũng không dám lang thang một mình trong vùng này. Một nơi đầy rẫy cướp đường, những phe phái Mafia thanh toán lẫn nhau. Ấ y là chưa kể bị hiểu lầm là kẻ trộm cắp mấy cái pagliaio.
Pagliaio là một cái chòi lợp rơm, nằm giữa cánh đồng để chứa nông cụ và cũng là nơi tạm trú nắng mưa của nông dân. Nhờ những chòi này, nông dân không phải vất vả khuân vác cày cuốc đi, về rất xa xôi. Nhà nông Sicily không ở ngay tại đất canh tác. Vì ở bơ vơ ngoài đồng rất nguy hiểm. Vả lại tấc đất tấc vàng, không nên phí phạm. Họ trong làng, sớm đi tối về. Bởi vậy, nếu trở ra đồng buổi sáng, họ thật sự đau đớn nếu thấy nông cụ trong chòi bị trộm hết, điều đó chẳng khác nào giựt mất miếng ăn của họ trong ngày hôm ấy. Chính quyền bó tay vì mấy vụ trộm cắp này nên nông dân lại phải nhờ Mafia bảo vệ. Thằng nào mò mẫm, chôm chỉa cày, cuốc trong chòi là bị Mafia thịt ráo. Tất nhiên, cũng có những người vô tội bị vạ lây. Vì thế nếu chẳng may Michael lang thang qua cái lều vừa bị mất trộm, nó sẽ bị kết tội, trừ khi có người bảo lãnh.
Vì vậy một buổi sáng đẹp trời, Michael khởi hành băng ngang cánh đồng, cùng hai gã mục tử trung thành. Một gã thì ngô nghê, gần như đần độn, im thin thít cả ngày, mặt lì lì như dân da đỏ. Thằng này đúng tuýp Sicily, lúc ít tuổi thân hình nhỏ bé, càng lớn tuổi mới phát phì ra. Nó tên là Calo.
Còn thằng kia là Fabrizzio đã từng đi đây đi đó, trẻ hơn Calo, nhưng còn biết vài điều của thế giới bên ngoài cái làng của chúng. Vì trước đây Fabrizzio đã từng là lính thủy trong hải quân Ý, thời gian đủ để anh lính tò te xăm mấy hình ảnh lên người, trước khi tàu bị đánh đắm và bị quân Anh bắt làm tù binh. Nhưng nhờ cái vụ xăm mình đó mà nó trở thành con người nổi tiếng khắp làng. Vì dân Sicily đâu có khoái trò này. Họ chỉ thích sơn vẽ những cảnh yêu thương hoan lạc bên hông mấy cái xe kút kít đẩy hàng ngoài chợ. Phần thằng Fabrizzio xăm mình cũng chỉ vì muốn che cái bớt đỏ lòm trên bụng. Mặc dầu nó đã xăm một đề tài rất đáng "tôn trọng" của dân Sicily, một anh chồng lại một dao vào cặp gian phu dâm phụ đang trần truồng cuốn lấy nhau, trên vùng bụng đầy lông lá. Tuy nhiên, từ khi trở về làng, nó cũng chẳng hãnh diện, khoe khoang "tác phẩm" ấy làm gì.
Thằng Fabrizzio hay lẩn thẩn hỏi chuyện Michael về nước Mỹ. Chẳng ai nói ra, nhưng ai chẳng biết Michael là một tên Mỹ gốc Ý, tuy không biết chính xác nó là ai, nhưng chắc chắn là một tay đang tẩu thoát vụ gì đó không thể tiết lộ được. Lâu lâu Fabrizzio lại quà cáp cho cậu Michael ổ phô mát tươi rói, còn ướt sữa.
Ba người đi dọc theo những con đường quê bụi mịt mù, vượt qua những con lừa đang kéo những cỗ xe sơn vẽ những hình ảnh lòe loẹt, vui mắt. Mặt đất đầy hoa dại hồng hồng. Những vườn cam, những cây ô liu, hạnh đào nở đầy hoa, Michael thật sự ngạc nhiên, vì cái truyền thuyết nghèo đói của dân Sicily, nó cứ ngỡ đây phải là mảnh đất đồng khô cỏ cháy. Vậy mà như nó thấy, đất đai phì nhiêu, màu mỡ, hương hoa chanh nồng nàn khắp không gian. Nó tự hỏi, với khung cảnh diễm lệ tuyệt vời thế này, sao người ta lại phải bỏ đi. Con người tàn nhẫn khủng khiếp đến cỡ nào đối với anh em đồng loại, để đến nỗi phải ồ ạt đi khỏi khu vườn địa đàng này?
Nó định đi bộ tới làng Mazara ven biển, rồi buổi chiều đi xe buýt về lại làng Corleone, sau một ngày mệt nhoài, chắc sẽ ngủ ngon. Đồ ăn thì khỏi
lo, hai tên chăn cừu đã lèn đầy bánh mì, phô mai trong ba lô chúng. Cả hai vung vẩy hai khẩu lupara như những kẻ đi săn.
Buổi sáng thật đẹp. Michael như sống lại những ngày thơ ấu, như khi nó nhào ra ngoài thật sớm trong một sáng hè để đá banh. Cả Sicily trải thảm muôn hoa rực rỡ. Hoa cam, hoa chanh nở rộ, tỏa hương ngào ngạt, đến cái mũi tắc tị vì thương tật của Michael còn ngửi thấy.
Bề ngoài nơi giập vỡ bên má trái của nó đã lành, nhưng những mảnh xương nằm không đúng chỗ, đè lên xoang mũi nó, làm mắt trái nó nhức nhối và nước mũi chảy liên tục. Michael luôn phải dùng khăn tay để chùi. Nhiều khi nó hỉ mũi đại xuống đất, giống như mấy bác nhà quê ở đây. Đó là cái tật mà nó rất tởm. Ngày còn bé mỗi khi thấy cánh Ý già, khinh miệt cái khăn mùi xoa, thói rởm đời của tụi Anh, hỉ mũi toàn toẹt ngay trên đường tráng nhựa, Michael không chịu nổi.
Michael cảm thấy mặt nặng chình chịch. Bác sĩ Taza bảo đó là do xoang mũi bị ép bởi những xương gãy liền lại không đúng chỗ. Ông gọi nó là vỏ trứng xương cung gò má. Nếu được sửa chữa kịp thời trước khi xương gắn cứng lại với nhau, thì chỉ cần một cuộc giải phẫu nhỏ, dùng một dụng cụ giống như cái muỗng, để đẩy những mảnh xương về đúng vị trí là xong. Tuy nhiên, ông bảo Michael nên tới bệnh viện Palermo. Ở đó họ sẽ áp dụng phương pháp tốt nhất để đập vỡ lớp xương đó, rồi sắp xếp lại. Michael nghe ớn quá, từ chối ngay.
Vậy là ngoài sự nhức nhối, nước mũi thò lò, Michael còn bị bực bội hơn nữa vì cái mặt lúc nào cũng có cảm giác nặng nề.
Hôm đó ba thầy trò không tới được làng ven biển như dự định. Vì mới đi được khoảng mười lăm dặn, cả ba tạt vào một vòm cam xoè tán như một cái hang mát rượi để ăn trưa và nhậu lai rai. Thằng Fabrizzio luôn mồm tán nhảm, nếu được sang Mỹ nó sẽ làm gì. Ă n nhậu no say, ba người ngả mình trong bóng mát. Fabrizzio cao hứng mở phanh áo, thót bụng lại, mấy hình người xăm trên da bụng nó trở nên sống động. Đôi tình nhân trần truồng
quằn quại, đau khổ vì mũi dao oan nghiệt của người chồng bị phụ bạc. Trong khi mọi người đang thích thú vì màn biểu diễn của Fabrizzio, thình lình Michael bị choáng váng vì cái mà dân Sicily kêu bằng "cú sét".
Xa xa là cánh đồng trải dài như tấm lụa xanh. Con đường nhỏ từ tán cây ba người đang nằm, dẫn xuống một biệt thự đúng kiểu La Mã, trông như vừa được bứng lên từ phế tích Pompeii. Đó là một lâu đài nhỏ, với mặt tiền bằng đá cẩm thạch, những cây cột xẻ rãnh kiểu Hy Lạp. Từ sau hàng cột, một bầy thôn nữ chạy ùa ra, theo sau là hai mụ quản lý mặc đồ đen, tròn trùng trục. Rõ ràng đây là dân làng đến làm nhiệm vụ có từ lâu đời, là lau chùi dọn dẹp lâu đài cho viên quan địa phương về nghỉ đông. Các cô tràn ra cánh đồng để hái hoa, trang trí trong lâu đài. Họ hái những bông sulla hồng, wistery tím, bó chung với hoa cam, hoa chanh. Không thấy đám đàn ông đang nằm nghỉ trong tán lá cam, các cô cứ tiến mỗi lúc mỗi gần thêm.
Họ mặc toàn vải rẻ tiền, hoa in sặc sỡ, bó sát thân hình. Tất cả còn trong độ tuổi "bẻ gãy sừng trâu", nhưng đã mang đầy đủ nét duyên đàn bà vừa chín tới. Ba, bốn cô vui vẻ rượt đuổi một cô về phía vườn cam. Cô gái bị đuổi tay cầm chùm nho lớn, vừa chạy về phía chòm cây có thầy trò Michael, vừa bắt những quả nho ném lại các bạn. Tóc cô bé đen mun như những quả nho đang cầm trên tay và thân hình nảy nở, như muốn căng bứt khỏi làn vải áo.
Tới gần chòm cây, cô bé giật mình, đứng phắt lại. Cô vừa thoáng thấy mấy cái sơ mi đàn ông, màu sắc khác lạ. Cô đứng nhón chân, như con nai toan trốn chạy. Nhưng cô lỡ đến gần quá rồi, và ba người đàn ông đã nhìn rõ mặt cô.
Ở cô bé này tất cả đều mang hình trái xoan, từ đôi mắt, khuôn mặt, cho đến đôi mày vòng cung. Làn da hồng mịn màng. Mắt to không rõ là nâu hay tím, nhưng sẫm màu, với hàng lông nheo dày, làm cô tăng thêm vẻ yêu kiều, đằm thắm. Đôi môi mọng đỏ như nho chín. Cô bé đẹp đến nỗi làm thằng Fabrizzio phải rên lên:
– Chúa ôi! Xin cứu rỗi linh hồn con, con chết đến nơi rồi.
Dường như cô bé nghe rõ những gì nó nói, nên vội quay đầu, chạy ngược về với đám bạn. Đôi mông con bé đong đưa dưới làn váy chật, vừa khêu gợi, vừa ngây thơ quá. Chạy tới các bạn, con bé đảo một vòng quanh họ, khuôn mặt thánh thiện của nó nổi bật trên cánh đồng hoa rực rỡ. Nó đưa bàn tay còn đầy những chùm nho chỉ trỏ về hướng lùm cây. Đám con gái vừa bỏ chạy, vừa cười. Hai mụ béo áo đen choe choé chửi mấy đứa con gái vô duyên.
Còn Michael Corleone thì choáng váng, đứng đờ ra, tim đập rộn ràng trong ngực. Máu huyết cuồn cuộn khắp châu thân, sôi nổi đến từng đầu ngón chân. Hương thơm của muôn hoa trên đảo này nồng nàn trong gió, nào cam, chanh, nho bưởi quyện vào nhau, làm nó cảm thấy dường như thân thể nó thoát về tận đâu đâu. Cho đến khi nghe hai thằng chăn cừu cười ha hả:
– Cậu bị trúng cú sét rồi, phải không? Fabrizzio vỗ vai Michael hỏi.
Lì lì như thằng Calo mà cũng vỗ lên cánh tay Michael ân cần, vỗ về như Michael bị xe đụng phải:
– Bình tĩnh, cậu, không sao đâu.
Fabrizzio đưa chai rượu, Michael tu một hớp rồi tằng hắng, nói:
– Hai thằng ngủ với cừu này nói cái chó gì vậy?
Hai thằng cười hô hố. Nhưng vẻ mặt vừa ngố vừa thật thà của thằng Calo thì nghiêm túc thật sự, nó bảo:
– Bị "cú sét" thì chẳng giấu được ai đâu, cậu ạ. Chúa ơi, có gì mà phải xấu hổ chứ. Cậu may mắn đấy, nhiều người cầu chẳng được đâu.
Michael chẳng thú vị gì khi thấy tình cảm của nó sớm bị bắt mạch như vậy. Nhưng quả thật đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra với nó. Không phải nỗi đam mê say đắm của tuổi mới lớn, cũng không giống tình yêu mà
Michael dành cho Kay, một tình yêu bắt nguồn rất nhiều từ sự dịu dàng, thông minh và sự minh bạch giữa cái xấu và cái tốt. Còn đây là niềm khao khát chiếm đoạt tràn ngập cõi lòng, đây là khuôn mặt thánh thiện đã in sâu vào tâm khảm, mà nó biết, nếu không chiếm hữu được, sẽ ám ảnh nó cho đến suốt đời. Cuộc đời nó sẽ vô vị, không còn gì đáng quan tâm nữa. Suốt thời gian chạy trốn, nó vẫn hằng nhớ đến Kay, mặc dù nó biết rằng hai đứa chẳng còn bao giờ là bạn bè, người yêu của nhau được nữa. Nói cho cùng, nó đã là một gã sát nhân, một thằng Mafia từ xương tủy. Nhưng giờ đây, hình ảnh của Kay đã hoàn toàn ra khỏi tri giác nó.
Thằng Fabrizzio láu táu bảo:
– Chúng mình vào làng, tìm cô bé, cậu à. Biết đâu chừng ả còn son rỗi.
Mà trị "cú sét" thì chỉ có cách đó thôi, phải không Calo?
Calo nghiêm nghị gật đầu. Michael lẳng lặng theo hai gã chăn cừu xuôi xuống con đường dẫn đến ngôi làng mấy cô gái vừa khuất bóng.
Ngôi làng vây quanh một quảng trường, chính giữa có bồn nước. Nhưng đây là con lộ chính, nên có cửa hàng quán xá, cả một tiệm cà phê nhỏ với ba cái bàn kế ngoài hiên. Hai gã chăn cừu ngồi xuống một bàn nên Michael cũng ngồi theo.
Chẳng thấy bóng dáng cô gái nào, làng xã vắng ngắt, chỉ có mấy thằng nhóc chạy nhảy và một con lừa đi lang thang.
Chủ quán là một lão lùn, lực lưỡng, đặt một đĩa đậu lên bàn, vui vẻ đón khách:
– Các ông là khách lạ, vậy để tôi cố vấn nhé. Ông thử thứ rượu nho vườn nhà đi. Mấy thằng con tôi tự làm đấy. Tụi nó còn pha chế chung với chanh và cam nữa. Rượu hảo hạng Ý đó.
Cả ba đồng ý. Lão rinh đến một hũ. Quả tình rượu ngon hơn cả lời lão quảng cáo. Tím thẫm và mạnh như Whisky. Fabrizzio nói với lão chủ:
– Bác biết hết mấy cô gái làng này chứ nhỉ? Tụi này thấy mấy cô vào làng. Ông bạn đây, vừa thấy một cô trong đám, bị sét đánh liền. Nó chỉ về phía Michael.
Lúc này lão chủ quán mới chú ý tới Michael, vì cái mặt méo đối với lão là chuyện bình thường, nhưng một gã bị "sét đánh" lại là chuyện khác. Nhưng lão chỉ nói:
– Các bạn nên mua mấy chai đem về uống, dùng cái này tối nay tha hồ ngon giấc.
Michael hỏi lão:
– Ông có biết cô gái nào trong làng này tóc quăn, mắt rất to, rất sậm màu, da rất hồng hào, mịn màng không?
Lão nói ngay:
– Không, tôi chẳng biết cô nào như thế cả. Rồi lão biến vào trong quán.
Cả ba nhâm nhi hết bình rượu, định gọi thêm, nhưng không thấy bóng dáng lão chủ quán đâu. Fabrizzio đứng lên đi vào tìm, lúc trở ra nó làm bộ nhăn nhó bảo Michael:
– Y như em đoán mà. Nhè ngay lão, mình tán nhảm về con gái lão. Chắc lão đang lấy can đảm ra cho chúng ta một vố đấy. Tốt hơn, mình trở lại làng Corleone thôi.
Tuy đã sống trên đảo này nhiều tháng, nhưng Michael vẫn chưa biết hết những quan hệ tế nhị trong vấn đề nam nữ, việc xồng xộc hỏi chuyện con gái ngay mặt ông già nó là điều quá quắt đối với dân Sicily. Hai gã chăn cừu nhấp nhỏm chờ Michael ra về. Fabrizzio thì thầm:
– Này, lão già này khoe có hai thằng con to lớn, lì lợm lắm, lão chỉ "đi" một cái là hai thằng con xuất hiện liền. Về thôi.
Michael trừng mắt, lạnh lùng nhìn nó. Từ khi về ẩn cư ở Sicily cho đến lúc này, nó đã luôn tỏ ra là một người đầy phong cách Mỹ, trẻ trung, trầm tĩnh lịch thiệp. Đây là lần đầu tiên hai gã mục đồng mới biết thế nào là cái trừng mắt của nhà Corleone. Trùm Tommasino thì quá rõ con người và hành động của nó, nên luôn e dè và đối xử với nó như một "con người đáng nể". Còn hai gã chăn cừu chân chất, ngây ngô này cứ ngỡ cậu Michael chỉ là một anh khờ. Cái nhìn lạnh lẽo, mặt trắng nhợt nghiêm khắc và sự giận dữ của Michael bốc lên như làn khói lạnh tỏa ra từ nước đá, làm hai anh mục đồng tắt đài luôn, không dám cười, không dám sàm sỡ thân mật nữa. Thấy hai gã đã biết thế nào là lễ độ. Michael mới bảo chúng:
– Kêu lão già ra đây cho tao.
Không chút ngập ngừng, súng vác vai, hai gã mục đồng thẳng tiến vào trong quán. Lát sau chúng trở ra, kèm hai bên lão chủ. Trông lão không có vẻ gì sợ nhưng sắc giận, có vẻ dè chừng.
Michael ngả lưng ra sau ghế, quan sát lão một lúc, rồi nói rất bình tĩnh:
– Tôi biết mình có lỗi, vì đã hỏi han về con gái ông như thế. Tôi thành thật xin lỗi ông. Vì tôi là người lạ nên không hiểu nhiều phong tục tập quán ở đây. Tôi không hề có ý định vô lễ với ông và con gái ông.
Hai thằng chăn cừu nể ra mặt, chưa bao giờ Michael dùng giọng điệu này với chúng. Xin lỗi đấy, mà vẫn có uy. Lão chủ quán nhún vai, vẫn còn e ngại, vì lão biết kẻ đang nói với lão không phải là một gã nhà quê. Lão hỏi:
– Nhưng anh là ai? Hỏi con tôi làm gì? Michael trả lời thẳng thắn:
– Tôi là người Mỹ, vì trốn cảnh sát ở đó nên tôi phải đến Sicily. Tên tôi là Michael. Nếu muốn ông cứ báo cảnh sát, sẽ kiếm được cả một tài sản đấy. Nhưng thay vì kiếm được tấm chồng, thì con ông sẽ bị mất cha. Dù sao, tôi vẫn muốn được gặp con gái ông. Tất nhiên phải có sự cho phép của ông và dưới sự giám sát của gia đình. Với đầy đủ lễ nghi, với tất cả sự trịnh trọng. Tôi là người trong danh dự và tôi không có ý xúc phạm danh dự con gái ông. Tôi muốn gặp gỡ, chuyện trò với cô ấy. Nếu hợp nhau, chúng tôi sẽ tiến tới hôn nhân. Nếu không, ông sẽ không bao giờ phải bận tâm gặp lại tôi nữa. Tóm lại, nếu cô ấy không có cảm tình với tôi, thì chẳng ai có thể làm gì được. Phần tôi, bao giờ đúng thời điểm, tôi sẽ nói với ông tất cả chuyện của tôi, một điều mà ông bố vợ nào cũng cần phải biết. Cả ba sửng sốt nhìn Michael. Fabrizzio sợ sệt thì thầm:
– Đúng là "sét đánh"!
Lão chủ quán cà phê mất cả vẻ tự tin, mãi mới ngập ngừng hỏi:
– Anh là bạn của các "bạn bè" ở đây chứ?
Dân Sicily bình thường chẳng bao giờ dám hé miệng nói đến từ "Mafia". Lão hỏi vậy cũng gần như hỏi Michael có phải là thành viên của Mafia không. Đó là cách dân giang hồ hỏi nhau, nhưng thông thường cũng không được phép hỏi trực tiếp như vậy.
Michael bình thản nói:
– Không, tôi chỉ là một người lạ ở xứ này.
Lão ngó cái mặt giập vỡ, đôi chân dài quá khổ đối với dân Sicily của Michael. Rồi lão lại ngó hai thằng chăn cừu kè kè hai khẩu lupara không chút e dè, giấu diếm, rồi lão nhớ lại lúc hai thằng xồng xộc vào bảo lão xếp của chúng muốn nói chuyện với lão. Khi lão cộc cằn bảo lão chỉ muốn thằng chó đẻ kia cắt xéo khỏi hiên nhà lão, thì một trong hai thằng chăn cừu cảnh cáo lão ngay:
– Ông coi chừng cái mồm đấy. Hay có giỏi thì cứ ra mà nói thẳng với ông ấy.
Bây giờ lão thấy tốt nhất là nên tỏ ra lịch sự một chút với tay khách lạ này. Lão miễn cưỡng nói:
– Tên tôi là Vitelli. Nhà tôi trên ngọn đồi kia. Chiều chủ nhật mời anh tới chơi. Nhưng đến thẳng đây, tôi sẽ phải dẫn anh về nhà.
Fabrizzio vừa định mở miệng, thấy Michael lừ mắt, nó im thin thít. Điều này không lọt qua mắt lão Vitelli. Vì vậy khi Michael đứng dậy, đưa tay ra, lão vội bắt tay nó và toét miệng cười. Được, lão sẽ mở cuộc điều tra, nếu không đúng như lão nghĩ, thì lão cũng vẫn sẽ nghênh đón Michael, nhưng cùng với hai thằng con trai lão và hai khẩu súng trường. Lão chủ quán cà phê này đâu có xa lạ gì với giới "bạn bè của nhau". Nhưng lão cảm thấy trong chuyện này có vẻ... trước dữ sau lành, có điều gì đó làm lão tin đứa con gái xinh đẹp của lão sẽ trở nên phú quý và giúp đỡ được gia đình. Được vậy thì quá tốt và quá đúng dịp, vì mấy thằng trai làng cứ bu lấy con bé mà ve vãn, thằng cha xa lạ, mặt méo này sẽ lãnh cái việc hù cho đám nhóc kia phải lánh xa con bé. Để tỏ thiện ý, lão tiễn khách bằng một chai rượu hảo hạng, ướp lạnh đàng hoàng. Lão để ý thấy một thằng chăn cừu thanh toán tiền ăn nhậu. Điều này càng gây ấn tượng mạnh cho lão, rõ ràng Michael là chủ nhân của hai đứa tùy tùng này. Michael không còn thiết gì chuyện đi dã ngoại nữa, mướn xe và tài xế về thẳng Corleone. Rồi trước bữa ăn tối, chắc chắn bác sĩ Taza đã được hai thằng chăn cừu thông báo lại, nên tối đó đang ngồi trong vườn, ông nói nhỏ với Trùm Tommasino:
– Hôm nay anh bạn của chúng ta gặp "cú sét" đấy.
Tommasino không có vẻ ngạc nhiên, lão càu nhàu chuyện khác:
– Ước gì sét đánh chết hết mấy thằng ranh ở Palermo, thì tôi mới được yên thân.
Ý lão nói đến vụ đám Mafia "đợt sóng mới" đang nổi lên, thách thức quyền lực của cánh giá như lão.
Michael đề nghị với Trùm Tommasino:
– Chủ nhật này cháu đến thăm và dùng bữa ở nhà cô bé ấy, cháu muốn chú bảo hai thằng chăn cừu đừng tò mò theo cháu nữa.
Lão Tommasino lắc đầu:
– Đâu được, tôi có trách nhiệm với bố anh. Còn chuyện này nữa, tôi nghe nói anh định cưới hỏi gì hả? Tôi không cho phép đâu. Đợi tôi cho người sang Mỹ thưa chuyện với ông già anh đã chứ.
Michael lựa lời nói khéo, vì dù sao lão cũng là nhân vật đáng trọng ở đây:
– Chú Tommasino ơi, chú biết tính ông già cháu quá mà. Ông điếc đặc khi kẻ nào đi ngược ý ông, còn làm đúng ý, ông nghe rõ hết. Vậy mà cháu làm ngược ý ông nhiều lần rồi đấy, có sao đâu. Để khỏi làm bận lòng chú, cháu đồng ý để hai thằng kia theo bảo vệ. Còn chuyện hôn nhân của cháu, cháu ưng là cháu cưới. Cháu đã không để bố cháu xen vào chuyện riêng của cháu, cháu không nghe lệnh của ông, mà lại theo lệnh chú, như vậy bố cháu sẽ buồn.
Lão capo–mafioso đành thở dài bảo:
– Thôi mặc anh, cưới thì cưới. Anh bị cú sét thật rồi. Nhưng con bé ấy là con nhà tử tế đấy. Anh mà léng phéng, làm mất mặt nó, bố nó không để anh sống đâu. Hơn nữa, tôi cũng thân với nhà ấy, tôi không cho phép anh làm bậy đâu.
Michael bảo:
– Mà chắc gì con bé ưa nổi cái mặt méo của cháu. Nó còn trẻ quá, dám chê cháu già lắm. Nhưng cháu cũng cần một cái xe và chút ít tiền để mua quà nữa.
Chú cháu ông bác sĩ già ngó nhau cười cười. Ông Trùm bảo:
– Để thằng Fabrizzio lo cho. Nó nhanh nhảu, trước là thợ máy hải quân đấy. Sáng mai tôi đưa tiền cho anh. Dù sao, tôi cũng phải báo cho ông già anh biết mọi chuyện.
Michael hỏi bác sĩ Taza:
– Bác có thuốc gì làm cho cháu hết thò lò mũi không? Đi gặp người đẹp mà mũi dãi lòng thòng, quê quá!
Bác sĩ Taza tủm tỉm cười:
– Được thôi. Trước khi cháu đi gặp nàng, bác sẽ bơm vào một thứ thuốc, mũi khô ráo ngay. Nhưng da mặt sẽ tô đi đấy. Mà chẳng sao, con bé chưa hôn cháu đâu mà lo.
Hôm sau Michael đi xe buýt lên Palermo mua quà cho người đẹp và gia đình. Nó đã được biết tên cô bé là Apollonia, thế là đêm nào anh chàng cũng mơ màng đến khuôn mặt xinh đẹp và cái tên yêu kiều ấy. Nó phải mượn rượu để ngủ, mấy bà hầu già được lệnh mỗi tối phải đặt bên giường cậu Michael một chai rượu ướp lạnh. Sáng nào cái chai cũng rỗng không.
Sáng chủ nhật, khi chuông nhà thờ reo vang khắp Sicily, Michael lái chiếc Alfa Romeo cũ kỹ nhưng còn tốt, vào thẳng làng và đậu ngay trước cửa quán cà phê. Fabrizzio và Calo ôm hai khẩu súng lupara ngồi băng sau. Michael ra lệnh hai gã ngồi chờ tại quán, không được lên nhà. Quán đóng cửa, nhưng lão Vitelli đã đứng dựa rào chờ khách.
Sau màn bắt tay, Michael ôm ba gói quà, theo lão Vitelli lội ngược dốc lên đồi. Nhà lão lớn hơn các nhà khác trong làng, chứng tỏ gia đình này không đến nỗi nghèo.
Trong nhà đầy những tượng Đức Mẹ, đặt trong thùng kính, với những bóng đèn chớp nháy. Hai thằng con trai lão lực lưỡng trong bộ áo ngày chủ nhật màu đen. Hai đứa chỉ khoảng hai mươi, nhưng vì vất vả đồng áng,
nên trông già hơn tuổi. Bà mẹ mạnh khoẻ và cũng tròn xoe như chồng. Không thấy bóng dáng cô con gái đâu.
Sau màn giới thiệu, mà Michael có nghe được gì đâu, mọi người ngồi trong căn phòng không rộng lắm, vừa là phòng khách vừa là phòng ăn, lủng củng đồ đạc. Đối với dân Sicily, thì đây cũng là một gia đình trung lưu khấm khá rồi.
Michael tặng ông bố một con dao cắt xì gà bằng vàng, bà mẹ một cây vải đẹp nhất có thể mua được ở Palermo. Nó vẫn ôm gói quà dành cho cô con gái. Ông bà chủ nhà nhận quà, dè dặt cám ơn. Vì như thế này là quà cáp hơi đường đột, đúng ra chỉ nên biếu xén ở lần thăm viếng thứ hai.
Ông bố ngỏ lời với Michael, kiểu đàn ông với nhau, đúng tập quán miền quê:
– Mong anh đừng cho rằng chúng tôi dễ dàng tiếp đón người lạ đâu. Nhưng vì có lời của ông Trùm Tommasino bảo đảm anh là người đàng hoàng. Ở xứ này ai cũng tin lời nói của ông. Vì vậy gia đình tôi thật tình đón tiếp anh. Nhưng nếu chuyện anh để ý đến con bé nhà tôi là chuyện nghiêm túc, thì bổn phận chúng tôi là cũng phải biết một chút về anh và gia đình. Anh có thể hiểu được điều đó chứ, vì gia đình anh cũng gốc gác ở đây mà.
Michael lễ phép gật đầu, nói:
– Tôi sẽ nói hết những gì ông muốn biết, bất kể khi nào. Lão Vitelli xua tay bảo:
– Tôi không phải người nhiễu sự đâu. Cứ để thủng thẳng. Bây giờ, coi như anh được chúng tôi đón tiếp như là một người bạn của ông Trùm Tommasino.
Dù đã bị thuốc làm tê cả mũi, vậy mà Michael cũng đánh hơi thấy sự có mặt của cô gái trong phòng. Nó vội quay đầu lại. Người đẹp đứng ngay
dưới vòm cửa phía sau. Hương chanh, hương hoa ngào ngạt, mà trên đầu con bé có giắt, cài cái hoa nào đâu. Mái tóc quăn, đen bóng buông thả. Cũng không có một đóa hoa nào trên bộ đồ đen nghiêm trang ngày chủ nhật. Cô bé liếc nhanh về phía Michael, trên môi thoáng nụ cười. Rồi nhìn xuống, cô đoan trang ngồi bên mẹ.
Michael lại cảm thấy như bị hụt hơi, có một cái gì đó sôi sục toàn thân, một nỗi khát khao chiếm đoạt điên rồ. Lần đầu tiên nó hiểu sự ghen tuông cổ lỗ của đàn ông Ý. Ngay lúc này đây, nó sẵn sàng thịt ngay thằng nào dám đụng tới nàng, dám cướp nàng khỏi tay nó. Thằng bủn xỉn giữ tiền thế nào, tên bần nông đói đất ra sao, Michael cũng khao khát giữ nàng như vậy. Không có gì có thể ngăn cản nó chiếm đoạt bằng được người con gái này, nhốt nàng trong nhà, làm tù nhân riêng của nó. Bất kỳ kẻ nào, dù chỉ nhìn nàng, nó cũng không chịu nổi. Khi nàng quay lại mỉm cười với anh trai, Michael ném cho thằng nhóc cái nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống. Cả gia đình đều nhận thấy đó là dấu hiệu bị "cú sét", và họ cảm thấy yên tâm. Anh chàng này nằm gọn trong tay con bé rồi. Chí ít thì cũng tới ngày cưới, còn sau đó mọi chuyện có đổi thay thì cũng chẳng sao.
Hôm nay Michael diện bộ đồ mới mua ở Palermo, đã trút bỏ cái lốt nông dân thô lậu, nên cả nhà đều đoan chắc nó cũng là cỡ Trùm nào đây. Cái mặt bị giập một bên, không đến nỗi kinh khiếp như nó tưởng. Vì phần mặt bên kia quá đẹp, nên phần mặt thương tật lại thành có duyên. Vả lại trên mảnh đất đầy thương tật này, có thiếu gì người bất hạnh thân thể không lành lặn.
Michael nhìn thẳng khuôn mặt trái xoan mỹ miều, lên tiếng:
– Hôm gặp cô ngoài vườn cam, cô bỏ chạy. Tôi không làm cô sợ chứ?
Cô bé ngước mắt lên, thoáng nhìn nó, lắc đầu. Chỉ một thoáng vậy thôi cũng đủ làm anh chàng ngây ngất, phải quay đi, né đôi mắt tình tứ kia. Bà mẹ choe chóe bảo con:
– Ô hay, Apollonia, nói gì với cậu ấy đi chứ, người ta đi bao nhiêu dặm để gặp con đó.
Nhưng hai hàng mi rậm như đôi cánh chim của cô bé vẫn khép kín. Michael trao cho cô gói quà bằng giấy vàng, cô đón lấy, rồi đặt lên đùi. Ông bố phải bảo: "Mở ra đi, con gái", mà cô vẫn ngồi im. Bà mẹ nóng nảy với tay mở hộp quà, nhưng vẫn cẩn thận không làm rách cái bao bì quý giá. Bà ngừng lại khi thấy hộp nữ trang bằng nhung đỏ. Cả đời chưa bao giờ bà được rờ vào một vật như thế này, chẳng biết mở ra sao. Rồi bà cũng mở được và nhấc món quà lên. Đó là một sợi dây bằng vàng, mà nếu để đeo như sợi dây chuyền thì quá nặng, và nó làm mọi người khiếp hãi, không phải vì giá trị của nó, mà vì ở xứ này một món quà bằng vàng là sự xác định, một lời thệ ước nghiêm túc nhất. Nó là dấu hiệu cho ý định cầu hôn. Không ai còn có thể nghi ngờ tấm chân tình của người khách lạ này được nữa. Và cũng không ai còn nghi ngờ về sự giàu có của anh ta.
Apollonia vẫn không chạm đến món quà. Bà mẹ đưa lại gần để cô gái coi, cô từ từ nhướng hai hàng mi dài lên, đôi mắt bồ câu nhìn Michael, trang trọng nói "Grazie", với lời "cám ơn" này, lần đầu tiên Michael mới được nghe giọng nói của cô.
Giọng nói êm như nhung của tuổi trẻ và sự thẹn thùng, như chuông rung nhẹ nhàng vào tai Michael. Nó phải quay đi chuyện trò với bố mẹ cô gái, đơn giản vì càng nhìn cô, nó càng thêm bối rối. Nhưng nó vẫn kịp nhận ra, trong bộ váy áo rộng nhường kia, thân hình cô gái vẫn đầy khêu gợi. Và nó cũng nhận ra làn da mặt mịn màng hồng hào kia thắm hẳn lên vì e thẹn.
Sau cùng, Michael cũng phải đứng dậy ra về. Cả nhà đứng lên tiễn khách. Lúc bắt tay Apollonia, Michael cảm thấy bàn tay cô rung động trong tay nó. Bàn tay thôn nữ nhám, nhưng ấm áp vô cùng.
Ông bố tiễn Michael xuống đồi, ra tận xe và mời nó chủ nhật sau ghé nhà dùng bữa. Michael gật đầu, nhưng nó biết không thể nào chờ nổi tới tuần sau mới gặp lại cô ta.
Quả vậy. Ngay hôm sau, một mình nó lái xe tới quán cà phê, ngồi ngoài hiên chuyện trò cùng lão chủ. Lão thấy tội anh chàng này quá, nên cho gọi vợ và con gái cùng ra quán cho vui. Cuộc gặp gỡ lần này bớt lúng túng, ngượng ngùng hơn. Apollonia cũng bớt thẹn và chịu nói hơn. Cô bé mặc áo vải hoa như thường ngày, có vẻ thích hợp với cô hơn.
Hôm sau nữa, nó lại cùng gia đình cô quần tụ. Nhưng lần này Apollonia đeo sợi dây chuyền nó tặng. Biết đây là dấu hiệu cô nàng dành cho nó, nó mỉm cười với cô. Rồi hai đứa lững thững lên đồi, bà mẹ theo sau bén gót, nhưng làm sao ngăn được hai thân hình trẻ trung, tràn nhựa sống kia cọ quẹt vào nhau. Thế rồi Apollonia bị vấp, ngã nghiêng vào người Michael, nó vội choàng tay đỡ, ôm lấy thân hình hôi hổi của cô gái, máu huyết trong người nó sôi lên. Cả hai đâu biết bà mẹ đi sau mủm mỉm cười, bà biết tỏng con bé giả vờ, chứ nó như con sơn dương, từ ngày còn mặc quần thủng đít, có té bao giờ trên đoạn đường này. Bà cũng cười vì, chỉ có cách này anh chàng mới nắm được tay con bé cho đến ngày cưới.
Rồi cứ vậy suốt hai tuần, ngày nào cũng đến thăm và tặng quà nàng. Apollonia càng ngày càng dạn dĩ hơn. Nhưng chưa bao giờ hai đứa được gặp nhau mà vắng sự hiện diện của bà giám thị. Cô bé chỉ là một đứa con gái quê mùa ít học, chẳng biết gì về thế giới ngoài ngôi làng, nhưng nó tươi trẻ, khát khao học hỏi mọi thứ trên đời.
Đám cưới được tiến hành cấp kỳ theo nguyện vọng của Michael. Mọi chuyện đều dễ dàng, vì con bé cũng rất say đắm nó và nhà gái biết nó giàu. Ngày cưới được quyết định vào chủ nhật hai tuần tới.
Lúc này ông Trùm Tommasino mới bắt tay vào việc. Ông đã nhận được tin từ Mỹ rằng thằng Michael không dễ gì chịu nghe theo lệnh đâu, tuy nhiên phải cảnh giác từ những chuyện nhỏ nhất. Vì vậy ông Trùm Tommasino phải đích thân đại diện nhà trai và lo phần bảo vệ an ninh. Tất nhiên bác sĩ Taza, cùng hai thằng chăn cừu Fabrizzio và Calo đều có mặt
trong tiệc cưới. Sau đó tân lang và tân giai nhân sẽ về ở trong ngôi biệt thự kín cổng cao tường của bác sĩ Taza.
Đám cưới tổ chức theo lối quê. Dân làng đứng hai bên đường, ném hoa vào cô dâu, chú rể và quan khách, trong khi hai họ đi bộ từ nhà thờ về nhà cô dâu. Ê hề hạnh nhân bọc đường biếu xóm giềng, đó là thứ quà truyền thống không thể thiếu. Số còn lại chất như núi đường trắng trên giường cô dâu, biểu tượng này có nghĩa đêm động phòng sẽ diễn ra ở nơi khác, không phải trong làng Corleone. Vì tiệc cưới kéo dài tới nửa đêm, nhưng cô dâu chú rể được phép cáo lui trước. Đến giờ đưa dâu về bằng cái xe Alfa Romeo, Michael kinh ngạc thấy bà mẹ vợ cũng lẽo đẽo đi theo, theo yêu cầu của cô con gái. Ông bố vợ phải cắt nghĩa: Vì cô dâu còn nhỏ, là trinh nữ, nên hơi hoảng. Phải có mẹ đi theo, để sáng mai còn cố vấn cho con gái, nếu có gì trục trặc. Coi vậy chứ những chuyện này nhiều khi cũng căng lắm chứ. Cô dâu ngước đôi mắt bồ câu hoang mang nhìn chú rể. Michael mỉm cười gật đầu. Vậy là chiếc xe phom phom tiến về biệt thự bên ngoài làng, có cả bà mẹ vợ chễm chệ trên xe. Nhưng tới nhà, bà mẹ vợ cùng mấy đứa người hầu, sau khi ôm hôn cô dâu thắm thiết là biến mất ngay. Để lại Michael và tân giai nhân trong căn phòng ngủ rộng mênh mông.
Cô dâu vẫn mặc nguyên trang phục cưới, còn nguyên cả áo choàng. Mấy cái rương của cô đã được chuyển vào phòng. Trên bàn nhỏ, sẵn sàng chai rượu nho và bánh cưới. Hai anh chị cứ đứng nhìn cái giường quá rộng. Cô bé đứng giữa phòng, chờ chú rể tiến tới.
Lúc này đây Michael đã đang ở một mình với nàng, đã chính thức chiếm được nàng, chẳng còn gì có thể ngăn cản nó âu yếm khuôn mặt, thân hình mà nó hằng đêm ao ước, vậy mà nó không thể nhích tới, cứ đứng ngẩn ra ngắm cô bé gỡ tấm khăn cô dâu, treo lên thành ghế, đặt cái vương miện lên bàn trang điểm, trên mặt bàn, xếp từng hàng nước hoa, kem, phấn mà Michael đã mua từ Palermo về. Cô bé cứ ngẩn ra nhìn.
Michael tắt đèn để cô dâu cởi đồ, đỡ ngượng. Nhưng qua cửa sổ để ngỏ, trăng Sicily như tỏa ánh vàng rực rỡ vào phòng, Michael tiến lại, khép hờ cửa sổ, làm căn phòng trở nên vô cùng ấm cúng.
Nhưng cô dâu vẫn cứ đứng bất động bên bàn phấn, Michael ra khỏi phòng, vào phòng tắm. Rồi nó ra vườn làm vài ly với bác sĩ Taza và ông Trùm Tommasino, trong khi đám phụ nữ lục đục đi ngủ. Nó hy vọng khi trở lại phòng, Apollonia đã thay áo ngủ, và chui vào chắn chờ nó. Nó hơi ngạc nhiên sao bà mẹ đi theo, lại không dặn dò con gái mấy chuyện này. Hay Apollonia đợi nó cởi áo giùm. Chẳng có lẽ, vì con bé nhút nhát ngây thơ thế, mà dám táo tợn vậy sao.
Trở lại, Michael thấy phòng tối om. Đã có ai đó khép kín cửa sổ. Nó sờ soạng, lần mò tới giường. Lờ mờ thân hình Apollonia dưới tấm chăn, co quắp, xoay lưng lại nó. Nó cởi quần áo, chui vào chăn, đưa tay ve vuốt làn da mịn màng như lụa của vợ. Nó vui sướng vì con nhỏ không mặc áo ngủ. Nhẹ nhàng, chậm rãi nó xoay vai cô bé về hướng nó. Con bé từ từ quay lại, nó xoa tay lên đôi gò bồng đảo đầy đặn, ấm áp, mềm mại. Rồi hai thân hình như có điện hút lấy nhau. Michael say đắm hôn lên đôi môi hôi hổi nóng.
Đêm hôm đó và những tuần lễ tiếp theo, Michael mới thấu hiểu tại sao trong xã hội xưa, người ta đặt nặng cái giá của tiết trinh như vậy. Chưa bao giờ Michael được hưởng sự khoái lạc như giai đoạn này, sự khoái lạc hòa lẫn trong sức mạnh quyền uy của giống đực. Trong những ngày này, Apollonia hầu như trở thành một nô lệ của nó. Cô trinh nữ tràn đầy sức sống, chợt thức dậy dâng hiến nồng nàn ái ân, đầy ân cần tin cậy, thương yêu, Apollonia ngon ngọt như trái cây vừa chín tới.
Cô bé cũng góp phần làm tươi sáng gian nhà u ám toàn đàn ông. Ngay buổi sáng sau đêm tân hôn, cô mời mẹ trở về nhà bà và nghiễm nhiên làm chủ tọa trong bàn ăn chung với vẻ duyên dáng rạng rỡ của một thiếu nữ.
Tối nào ông Trùm Tommasino cũng cùng ăn với hai vợ chồng. Còn cụ bác sĩ Taza lại hào hứng kể chuyện ngày xưa trong lúc nhâm nhi ngoài khu vườn đầy tượng và tràn ngập những bông hoa đỏ thắm.
Đêm tới, đôi vợ chồng mới lại cuốn lấy nhau. Michael không thể nào cảm thấy nó thỏa tấm thân nuột nà, màu da như mật ong, đôi mắt bồ câu sóng sánh nhiệt tình của Apollonia. Da thịt con bé ngọt ngào, thơm tho. Một thứ hương thơm kích thích đến không cưỡng nổi. Đôi khi sau lúc ái ân, chưa ngủ được, Michael ngồi bên thành cửa sổ, ngắm Apollonia, mình trần thiêm thiếp ngủ. Mặt con bé êm ả, dễ thương biết bao, một khuôn mặt hoàn hảo mà người ta chỉ thấy trong những tranh vẽ Đức mẹ Đồng trinh, một hình ảnh các nghệ sĩ tạo ra bằng tưởng tượng.
Tuần lễ đầu hai vợ chồng thường đi picnic hay lái chiếc Alfa Romeo dạo quanh vùng. Nhưng ông Trùm đã nói riêng với Michael là vụ hôn nhân đã làm nó bị lộ, nhiều người đã biết mặt nó ở Sicily, nên phải cảnh giác kẻ thù. Ông Trùm đã cho đàn em trang bị vũ khí, canh gác quanh ngôi nhà, phía trong đã có hai gã chăn cừu Fabrizzio và Calo. Vì vậy vợ chồng Michael không nên ra ngoài. Để giết thì giờ, Michael dạy vợ học tiếng Anh, và học lái xe vòng vòng trong bốn bức tường. Thời gian này ông Trùm Tommasino có vẻ bận rộn, ít khi được gặp. Theo lời bác sĩ Taza thì ông Trùm Tommasino vẫn chưa hết những vướng bận với đám Mafia mới ở Palermo.
Một tối đang ngồi trong vườn với ông Trùm Tommasino, Michael thấy một mụ hầu già bưng đến địa ô liu tươi và hỏi nó:
– Có đúng như người ta nói, cậu là con Ông Trùm, Bố Già Corleone không?
Ông Trùm Tommasino lắc đầu chán nản, vì như vậy chứng tỏ mọi người đã biết hết bí mật rồi. Nhưng thấy mụ già có vẻ tha thiết quá, dường như sự thật này là điều rất quan trọng với mụ, nên Michael gật đầu hỏi:
– Bà biết bố tôi sao?
Tên mụ là Filomena, da mặt nâu sậm và nhăn nhúm như quả đào khô. Mụ nhe hàm răng đen xỉn ra cười, từ ngày đến đây, lần đầu tiên mụ cười với nó. Mụ chỉ tay lên đầu nói:
– Đã có lần Bố Già cứu sống tôi, cứu cả trí khôn tôi nữa.
Rõ ràng mụ còn muốn nói với Michael điều gì khác nữa, nó mỉm cười khuyến khích mụ. Mụ gần như sợ sệt hói:
– Có đúng là Luca Brasi chết thật rồi không?
Michael lại gật đầu, và ngạc nhiên thấy ánh nhìn của mụ như nhẹ nhõm hẳn ra. Filomena làm dấu thánh giá, lẩm bẩm:
– Xin Chúa tha thứ cho con, nhưng hãy đầy đọa, nung nấu nó đời đời kiếp kiếp trong hỏa ngục.
Michael nhớ lại sự tò mò, thắc mắc từ bao lâu nay về Brasi, chợt có linh tính người đàn bà già này biết những chuyện mà Hagen và Sonny từng không cho nó biết. Nó rót mời mụ ly rượu, bảo mụ ngồi xuống ghế, nhẹ nhàng bảo:
– Bà kể cho tôi nghe về ông già tôi và Luca Brasi. Tôi cũng biết chút ít. Nhưng không biết họ gặp nhau ra sao? Tại sao Brasi tận tụy với ông già đến thế? Đừng sợ, bà cứ kể cho tôi nghe đi.
Filomena quay bộ mặt nhăn nhúm về phía Trùm Tommasino, ông ra dấu cho phép. Mụ bắt đầu kể.
Ba mươi năm trước, Filomena là cô mu ở đại lộ Số Mười, New York, chuyên đỡ đẻ cho đám dân Ý ở đây. Đám đàn bà Ý rất mắn đẻ, nên cô mụ Filomena cũng phát tài. Gặp những ca đẻ khó, cô mu còn chỉ bảo cả bác sĩ.
Chồng mụ lúc đó có một cửa hàng tạp hóa, buôn bán rất khá. Bây giờ lão chết rồi, mu cầu cho linh hồn lão được yên nghỉ, mặc dù lão đã từng là
tay cờ bạc, chơi bời, chẳng biết tằn tiện dành dụm tiền bạc là gì. Thế rồi trong một đêm đáng nguyền rủa kia, cái đêm ba mươi năm trước, vào giờ phút mọi người đã đi ngủ từ lâu, thì có tiếng gõ cửa nhà mụ. Nhưng với cái nghề của mụ, mụ chẳng có gì phải sợ, những hài nhi khôn ngoan chỉ chọn giờ khắc yên ả để bước an toàn vào thế giới đầy tội lỗi này. Thế là, mụ bình tĩnh mặc áo, mở cửa. Luca Brasi đang lù lù đứng đó. Thời gian này tiếng tăm nó đã kinh khủng lắm rồi. Filomena hết hồn. Vì thằng Brasi độc thân, nó tìm cô mụ làm gì. Chắc chồng mụ và nó có chuyện với nhau, nó tới để cho chồng mụ về với ông bà ông vải mất rồi.
Nhưng Luca Brasi bảo có người sắp sinh, nhà ở tận ngoại ô, nên cô mụ phải đi gấp theo nó. Mụ Filomena cảm thấy có gì bất ổn. Đêm đó cái mặt hung dữ của Brasi trông như một thằng điên, đúng là anh em với quỷ. Mụ tìm cách từ chối, bảo chỉ đi đỡ cho những người mà mẹ biết rõ thể trạng thôi. Thằng cô hồn nhét một nắm đô la vào tay mụ, gần như cưỡng bách mụ phải đi. Mụ sợ tới nỗi không lùi bước được.
Một chiếc xe Ford đã chờ sẵn ngoài đường. Thằng lái xe bộ dạng cũng không thua gì thằng Brasi. Hơn nửa giờ sau xe tới trước một ngôi nhà kín mít ở Long Island, ngay bên kia cầu. Đó là một căn nhà dành cho hai gia đình, nhưng lúc này chỉ có Luca Brasi và đồng bọn. Mấy thằng du côn ngồi trong căn bếp, vừa nhậu nhẹt vừa đánh bạc. Brasi đưa mụ lên phòng ngủ trên lầu. Nằm trên giường là một cô gái còn trẻ, xinh đẹp, có vẻ là dân Ái Nhĩ Lan. Tóc cô ta đỏ lòm, mặt trát đầy phấn son, nhưng cái bụng phồng lên như bụng heo nái. Thấy Brasi, cô ta sợ hãi quay mặt đi, không, không phải sợ hãi mà là khiếp đảm, vâng đúng vậy. Còn cái nhìn của Brasi ngùn ngụt căm hờn, suốt đời chưa bao giờ mẹ sợ một ánh nhìn đến thế (nói tới đây, mụ lại đưa tay lên làm dấu thánh).
Rồi Brasi ra khỏi phòng. Hai thằng đàn em của nó vào tiếp tay với mụ. Đứa bé ra đời êm ả. Sản phụ đuối sức, ngủ thiếp đi. Brasi được mời vào. Mụ trao đứa hài nhi, cuộn tròn trong chăn cho hắn:
– Nếu ông là cha đứa bé, hãy bế lấy nó. Việc của tôi xong rồi. Nó quay bộ mặt cùng hung cực ác về phía mụ, giận dữ nói:
– Phải, tôi là cha nó. Nhưng tôi không muốn cái dòng giống đó được sống. Đem xuống hầm, liệng vào lò lửa ngay.
Trong một thoáng mụ không hiểu "dòng giống" nó nói là nghĩa thế nào. Có phải vì cô gái không là người Ý? Hay cô ta thuộc hàng ti tiện, chính xác là một con điếm mạt hạng? Hay nó định bảo những gì thuộc máu mủ nó, nó đều không cho phép tồn tại? Rồi mẹ chắc đây chỉ là một lối đùa, đúng tính cách bạo tàn của nó. Mụ lại ráng trao đứa nhỏ cho nó, bảo:
– Con ông đấy, muốn làm gì thì làm.
Đúng lúc đó người mẹ chợt thức, quay đầu lại, vừa kịp nhìn thấy Brasi xô đứa nhỏ, như gí vào ngực mụ Filomena một cách hung dữ. Cô rên lên:
– Luc! Luc ơi! Em xin lỗi. Và Brasi quay lại nhìn cô.
Khủng khiếp, mụ Filomena nói, thật khủng khiếp. Chúng nó như hai con thú điên. Không một chút tính người. Lòng căm hờn lẫn nhau của chúng tỏa khắp căn phòng. Lúc này, không có gì, không có ai, kể cả đứa trẻ sơ sinh, tồn tại quanh chúng. Chỉ còn lại nỗi đam mê kỳ lạ, một sự dâm đãng ma quái, chúng đày đọa lẫn nhau. Rồi Luca Brasi quay lại mụ, tàn nhẫn nói:
– Hãy làm theo lời ta, mụ sẽ giàu có.
Filomena khiếp đảm, không thốt được nên lời. Mụ lắc đầu. Ráng mãi mới thều thào được mấy câu:
– Ông là cha nó, muốn làm thì làm đi.
Brasi lẳng lặng rút con dao từ trong áo ra, bảo:
– Tạo sẽ cắt họng mày.
Chắc là mụ đã bị mê đi, nên điều mụ nhớ được là mụ cùng đứng dưới hầm với lũ cô hồn, trước cái là hình vuông. Mụ vẫn ôm khư khư cái bọc có đứa bé, đứa bé im thin thít. (Mụ bảo phải chi đứa bé khóc lên, có thể làm con quỷ kia động lòng trắc ẩn).
Một thằng cô hồn mở sẵn cửa lò, bên trong lửa bốc ngùn ngụt. Rồi dưới hầm chỉ còn lại mình Brasi và mụ. Chắc chắn nó sẽ giết mụ. Trước mắt mụ là lửa, là đội mắt, khuôn mặt ác quỷ điên rồ của thằng Brasi. Nó đẩy mụ tới cửa lò.
Kể tới đây, mụ nín lặng. Mụ khép hai bàn tay gầy gò, đặt lên đùi và nhìn thẳng vào mắt Michael. Michael biết mụ muốn nói bằng ánh mắt, những gì mụ không thể thốt nên lời. Nó nhẹ nhàng hỏi:
– Bà đã làm điều đó? Mụ gật đầu.
Chỉ sau khi uống thêm ly rượu nữa, làm dấu thánh giá, lẩm bẩm cầu kinh, mụ kế tiếp.
Mu được cho một bó tiền và xe đưa về tận nhà. Mụ hiểu nếu hé môi ra chuyện này, sẽ bị giết ngay. Nhưng chỉ hai ngày sau, Luca Brasi giết luôn con nhỏ Ái Nhĩ Lan, mẹ của đứa trẻ bạc phước. Thằng quỷ bị cảnh sát bắt. Filomena sợ đến mê mẩn cả người, vội chạy đến cầu cứu Bố Già. Ông ra lệnh mụ phải bình tĩnh, tuyệt đối im lặng, sẽ lo thu xếp mọi chuyện. Thời gian này thằng Brasi chưa là thuộc hạ của ông.
Trước khi Ông Trùm bắt tay vào việc, thì thằng Brasi đã tự tử trong tù. Nó cứa cổ bằng mảnh thủy tinh. Nó được chuyển đến lao xá. Thời gian nó bình phục cũng là thời gian Ông Trùm lo xong mọi chuyện cho nó. Cảnh sát không đủ bằng cớ đưa ra trước toà, nó được tha.
Ông Trùm trấn an Filomena không có gì phải sợ Brasi hay tụi cớm. Mụ vẫn không thể yên tâm. Mụ không còn lòng dạ, tâm trí nào để tiếp tục hành nghề được nữa. Sau cùng, mụ thúc giục chồng bán cửa hàng tạp hóa để trở
về Ý. Chồng mụ là người tốt, lại đã biết rõ mọi chuyện, nên đồng ý ngay. Nhưng thằng chồng là đứa bạc nhược. Trở về quê, lão ăn chơi, bài bạc làm khánh kiệt hết tài sản hai vợ chồng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt ở Mỹ mới có được. Và thế là sau khi chồng chết, mụ phải đi ở làm người hầu để kiếm ăn. Kể xong, mụ uống thêm ly rượu, rồi bảo Michael:
– Tôi mang ơn ông già cậu. Ông cứu tôi khỏi tay Brasi. Lần nào tôi hỏi xin, ông cũng gửi tiền cho. Nói với ông giùm tôi, đêm nào tôi cũng cầu nguyện cho ông. Ông ấy đừng sợ, chẳng chết được đâu.
Đợi mụ đi khỏi, Michael mới hỏi ông Trùm Tommasino:
– Mụ kể có đúng không?
Lão gật đầu. Michael không còn ngạc nhiên vì không ai chịu cho nó biết những chuyện như vậy.
Sáng hôm sau, Michael định bàn bạc mọi chuyện với Tommasino, thì được biết ông được nhắn đi Palermo gấp. Buổi tối ông Trùm Tommasino trở về, kéo Michael ra một nơi, bảo có tin tức từ Mỹ qua, cái tin mà lão thật tình không muốn nói với Michael: Santino Corleone đã bị giết.
Bố Già Bố Già - Mario Puzo Bố Già