The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 122
Cập nhật: 2021-09-12 20:51:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Vườn Hạch Đào - Giả Bình Ao
Ông La Lục Tử, phó bí thư một công xã ở Thường Châu. Năm 58 tuổi, đầu tóc, râu ria đều trắng xóa, lại thêm chiếc châm này ngắn hơn chiếc chân kia rất nhiều, lưng không thẳng lên được, nên trông càng hom hem. Con gái là thợ làm đầu, đã từng nhuộm tóc cho ông một lần, kết quả lại càng thêm thảm hại: Trên cùng một cái đầu, tóc ở bên trên thì đen, râu ria ở bên dưới lại trắng, nên cứ hai ngày phải cạo râu một lần. Do da cằm nhũn nhão, lên cạo mặt thường bị phạm, chảy máu nhiều chỗ, nên người ta thường nói khích ông:
— Bí thư La, ông định tự tử hay sao thế? Tự tử mà cũng không tìm được đúng chỗ sao?
La Lục Tử đáp:
— Tôi muốn tự tử à? Chuyện ấy khó gì?
La Lục Tử nói thế, cũng chẳng phải ông nói tầm bậy cho xong chuyện, thực ra ông từng đã có ý định tự tử rồi đấy, song đó là chuyện của nhiều năm về trước. Về sau ông lại cảm thấy hổ thẹn: Tự mình kết thúc cuộc đời mình, đâu phải là trách nhiệm của con người; một sợi thừng, một miệng giếng, hoặc vài chục viên thuốc ngủ, rồi mê mẩn đi... thế là, không còn phải là La Lục Tử nữa rồi.
Từ đấy ông không còn đi nhuộm tóc nữa. Năm năm mươi chín tuổi, ông về hưu non.
Con gái, con rể đều làm cho nhà nước, có lòng tốt muốn đón ông lên huyện ở cùng, nhưng ông không tán thành, mà ông nhất quyết trở lại bình nguyên Quan Trung quê cũ.
— Đất hoàng thổ chôn vùi bố, thì dù có làm hồn ma, cũng vẫn thấy yên tâm hơn.
Con gái, con rể nói:
— Bố đã từng làm việc ở vùng sơn địa ba chục năm, núi ở đây, nước ở đây và không khí ở đây không hơn vùng bình nguyên đó sao?
Ông thở dài:
— Cái chân của bố...
Lý do duy nhất và cuối cùng của ông là cái chân què. Ở vùng sơn địa, sự đãi ngộ đối với nhũng người tàn phế, và những quan chức là thế này: Họ chỉ gọi họ mà không bao giờ gọi tên. La Lục Tử lại rơi vào cả hai trường hợp ấy, ở trụ sở công xã, ở trên bàn hội nghị, trước mặt ông, họ gọi ông là La bí thư, nhưng trong xóm ngõ, trong bếp núc, sau lưng ông mọi người gọi ông là La què. Nhất là trên con đường cái quan trải nhựa thẳng tắp, và hai bên đường là những hàng dương cao vút, ông từ xa đi tới, bước thước tư, bước thước bảy, mọi người chế giễu ông là đôi chân không nhất trí, và ông chê mặt đường trải lệch.
Năm năm mươi tuổi, ông bị què chân. Tám chín năm trở lại đây, cái chân què ấy có đặc dị công năng: Cứ mỗi khi trời u ám đổ mưa, cái chân lại đau, và mỗi khi đau là y như trời đổ mưa, u ám, chính xác chẳng khác gì những máy móc tinh vi. Về sau, cũng không còn chính xác lắm nữa. Bác sĩ bảo rằng nó đã trở thành bệnh tâm lý, nói đau là đau liền, nói không đau là không đau ngay tắp lự, cứ như người giả vờ ốm vậy. Khí hậu ở vùng sơn địa thay đổi thất thường, ông lo rằng cứ đau như thế và kéo dài mãi, ông đến chết mất.
— Ba mươi năm... mới đấy mà đã ba mươi năm rồi...
Ông thích xòe những ngón tay, nhớ lại những năm tháng của mình.
— Lẽ nào mà sau ba mươi năm, bố lại kéo lê cái tập tễnh ấy về quê?
Con gái, con rể ông nói thế, khiến ông im không nói gì-
Nhưng khi còn lại một mình trong nhà, ông lại thêm một lần nữa nhất quyết trở về bình nguyên Quan Trung quê cũ.
Tính nết ông ương bướng, bản thân ông cũng biết rõ điều đó, nhưng không sao thay đổi đi được. Khi bà lão còn sống, thường hay ngăn cản ông, mỗi khi họp hành, ông phải báo cáo, bao giờ bà lão cũng ngồi ngay ở hàng ghế đầu. Khi thấy ông hơi hơi nổi nóng lên, nói năng đã bắt đầu quá lời, bà liền đưa mật cho ông. Ông xem chiếu bóng, phim Lâm Tắc Từ, ông rất tâm đắc với bức hoành mang hai chữ Nén Giận (Chế Nộ) treo ở trong phòng Lâm Đại Nhân, và trong một thời gian dài, ông đã từng gọi bà lão là bà Nén Giận.
Đến nay bà lão đã mất, tính nết ông không còn bị gò bó, kiểm soát nữa, cái quyết tâm trở lại bình nguyên quê cũ không còn ai có thể lay chuyển được nữa, ông bắt tay vào việc thu xếp hành trang.
Đồ đạc trong nhà ông ít ỏi đến thảm hại. Ba mươi năm trước ông còn là một chàng trai tơ, từ Quan Trung lên vùng sơn địa Thương Châu, làm anh liên lạc trong ủy ban huyện. Ngày ấy công văn giấy tờ không nhiều, lại chẳng phải dậy sớm hàng ngày để lấy nước sẵn cho ông Huyện trưởng rửa ráy, hoặc phải quét dọn gì, mà chỉ có mỗi một việc là Huyện trưởng sai chạy giấy xuống các xã bằng ngựa, ông chỉ việc lo ăn lo uống cho chú ngựa là xong. Về sau ông làm nhân viên bán hàng, rồi cán sự công xã, thậm chí còn gánh vác cả công việc của Hội Phụ nữ — khi ấy cán bộ nữ còn rất ít — ông đã làm chủ nhiệm Hội Phụ nữ. Cũng trong thời kỳ ấy ông có làm quen được với một cô gái người địa phương, và từ đó cô trở thành vợ ông. Thời ấy người ta không ưa việc mua sắm đồ đạc gia đình, mãi về sau này mới có cái mốt mua sắm thêm mấy chục cái chân, nhưng thói quen của ông không thay đổi được nữa. Vì thế, trong nhà ông bây giờ, chỉ có hai chiếc hòm con con mối mọt, và chỉ trong một buổi tối ông đã thu xếp xong mọi thứ hành trang. Ông đi đến mộ vợ ông lần cuối để từ biệt bà lão, ông ngồi trước mộ bà rất lâu, sau đó ông đến vái mấy vái trước hai nấm mộ cha mẹ mình đặt phía sau ngôi mộ vợ ông.
Nhưng cô con gái và cậu con rể kiên quyết không cho ông ra đi, họ đem hai chiếc hòm nát giấu về nhà ở trên huyện.
Trong thời gian còn chưa ra đi được, ông sống một mình trong một gian phòng tập thể của công xã. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, ông thường thích một mình ra ngồi trên một mỏm núi trước trụ sở công xã. Mỏm núi rất dốc, bên dưới là một dòng sông. Dòng sông bao quanh một khối đá tròn to như thế, nên con sóng, trước sau chỉ đập vào một nơi, không đổi thay sắc thái, lúc nào cũng chỉ là một màu trắng, không giống tuyết, cũng không giống hoa, mà nó giống như những dải giấy trắng nhỏ, dài, vo thành từng mớ, từng mớ. Không khí vùng sơn địa thật trong lành, ngồi ngắm nhìn sự đổi thay của bóng mây, dáng núi; lắng nghe tiếng âm nhạc của song sông găm vào vách núi, vậy mà lòng ông rối loạn, mà chẳng tìm cho ra được đầu nào, mối nào. Những lúc như thế ông thường lần trong túi, lấy ra hai hạt hạch đào, vò vò trong tay khiến chúng vang lên những tiếng lách cách, lách cách nho nhỏ.
Hai hạt hạch đào không to, đầy những nếp nhăn dọc ngang xoắn xuýt, và ông quý mến nó, coi nó như một thứ bảo bối của mình, đi đâu ông cũng mang theo nó trong người, và khi không có việc gì, ông lại lấy nó ra vo vo trong tay, làm cho nó vang lên những tiếng lách cách, lách cách. Mồ hôi trong tay làm cho hai hạt hạch đào bóng lộn lên, và đổi thành màu nâu sậm, đến độ trông chúng chẳng còn có vẻ là hạt hạch đào nữa.
Buổi chiều có một cô gái mới chừng hơn mười ba tuổi đến bên mỏm núi. Cô đi chăn dê, cô đã lấy một cái thừng thật dài buộc con dê vào thân cây, để cô có thể chơi bời một mình ở đó. Và cô bé nhìn ông chằm chằm.
Ông hỏi:
— Cháu là con nhà ai thế?
Ông cảm thấy cô bé thật đáng yêu.
Cô bé đáp:
— Cháu là con của mẹ cháu!
Ông cũng nói:
— Bác cũng là con của mẹ bác.
Từ đó một già một trẻ thành bạn với nhau. Và trong rất nhiều ngày họ trò chuyện với nhau ở đây, ông cảm thấy trong người ông nguôi ngoai đi được thật nhiều. Có một lần cô bé cầm lấy mấy hạt hạch đào của ông, hỏi ông đây là cái gì? Ông trả lời cô bé. Cô bé bèn cất tiếng lanh lảnh kêu lên:
— Bé tý tẹo thế này mà đã già rồi!
— Già ư?
— Mặt nhăn nheo hết cả, giống như mặt bác ấy.
Ông bật cười, gần như bị sặc.
Cô bé lại hỏi, hạt hạch đào này có ăn được không? Ông bảo, có thể ăn được. Cô bé lại hỏi, nó làm bằng gì. Ông bảo cô bé biết, nó mọc ở trên cây, có thể lấy đem trồng, rồi nó sẽ mọc thành một cây thật lớn, thật to, và một cây có thể mọc ra hàng ngàn hàng vạn quả. Kết quả là hôm sau, cô bé đã lấy trộm của ông những hạt hạch đào ấy đi, cô đem chôn nó xuống một ụ đất, lấy đá vây quanh thành một cái ổ. Mấy hôm sau cô lại đào hạt hạch đào lên, chạy đi hỏi La Lục Tử:
— Làm sao nó không mọc thành cây?
- Con đã đem nó đi trồng đấy ư?
— Nó chết rồi!
Ông trầm lặng ngắm nhìn cô bé, nghĩ ngợi trong lòng: Đúng là nó chết rồi. Nhưng ông chẳng nói điều đó ra, và sau khi cầm lấy hai hạt hạch đào, ông ốm luôn một trận.
Sau khi khỏi ốm, ông đi thẳng lên huyện thêm một lần nữa, và đòi các con phải để cho mình trở về bình nguyên Quan Trung quê cũ. Cái tính ương bướng của ông lại nổ bùng ra, lời lẽ vô cùng cứng nhắc. Đầu tiên cậu con rể còn khuyên giải ông, cuối cùng cũng chẳng giữ được nữa. Anh bảo ông không nên về hưu non, rồi lại bảo ý chí cách mạng của ông bị sút giảm, đã làm việc, công tác ở vùng sơn địa đến ba chục năm, mà vẫn chẳng có chút tình cảm nào với vùng sơn địa cả. Lời lẽ ấy đâm thẳng vào trái tim ông, ông dằn mạnh cốc nước, giận dữ mắng con:
— Mày lên lớp tao đấy phải không? Ba mươi năm trước, khi mày còn là thằng oắt con, ngồi trên đùi bố, tao đã đến nơi này rồi đấy! Khi ấy, đây còn là rừng thiêng nước độc, làm sao tao không bỏ mà về? Tao đã quyết sống chết với mảnh đất này, đem bán hết cả nhà cửa nơi quê cũ đi, không giữ lại một hòn ngói, tao đã cắt đứt con đường trở lại, mày biết không? Tao đã đem cả hài cốt cha mẹ tao chuyển đến nơi này, vậy mà tao không yêu mến vùng sơn địa này sao? Cái chân tao... cái chân tao...
Ông không nói thêm được nữa, và ông lại lấy tay chà xát hai hạt hạch đào vang lên những tiếng lách cách, lách cách nho nhỏ.
Chàng rể về nói với vợ, cô con gái La Lục Tử nói cho chồng biết: Chức vụ cao nhất trong cả một đời bố là bí thư khu ủy, đó là khu Thanh Du miền cực tây của huyện. Năm đó ông hô hào mọi người trồng hạch đào, và ông đã liên hệ đem được một số lớn cây giống từ nơi khác về, rồi lại đích thân đi mời cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn nhân dân cách thức trồng trọt chăm bón, quyết tâm biến cái vùng đất núi hoang vu ấy thành vườn hạch đào. Ông ngồi đứng không yên, lặn lội hết nơi này đến nơi khác, giải thích tuyên truyền, bàn bạc quy định để thực hiện việc trồng cây. Ông động viên không nên trồng cao lương ở những mảnh đất bạc màu trên đỉnh núi nữa... Kết quả là, trong một đêm, khi đi ngang qua con đường đá ở bờ sông, mắt ông bị hoa lên, rồi bước hụt chân...
Từ đấy ông phải mang trên mình một chiếc chân què.
Nhưng ở cái vùng sơn địa ấy, từ xưa đến nay chưa bao giờ có cây hạch đào, chưa bao giờ được trông thấy, nhìn thấy và cũng chưa bao giờ trồng nó, nên nông dân không chịu tin ông. Tập quán xưa nay của họ là gieo hạt trên những mảnh đất hoang, mỗi năm thu hoạch một vụ với cung cách cứ phải đi mười bước chân mới thấy được một cây cao lương.
— Con người là phải sống bằng ngũ cốc. Cái cây này có ăn được không? Có uống được không?
— Nó có thể kết thành trái hạch đào. Đó là loài cây rừng ra tiền đấy!
— Năm nay có ra được tiền không?
— Đồ mắt chuột chỉ nhìn được mấy tấc đường!
Ông càng cương quyết, bướng bỉnh hơn, yêu cầu mỗi công xã đều phải có vườn hạch đào. Có nơi không làm, ông bèn gọi cán bộ tới, lớn tiếng quát cho những trận nên thân.
Từng khoảnh từng khoảnh đất hoang trên đỉnh núi đều được trồng hết hạch đào. Một năm chẳng có thu hoạch gì, hai năm chưa nhìn thấy lợi ích của nó ở đâu... Những lá đơn kiện cáo tới tấp bay lên huyện ủy, địa ủy, tỉnh ủy: Cây hạch đào cái quái cái quỷ gỉ? Có cây hạch người, cây hao tài tốn của thì có!
Thế là La Lục Tử — ông bí thư khu ủy — bị đổ cái rụp, trong tiếng than vãn, phàn nàn, trách móc của quần chúng. Ông được điều tới công xã Bạch Sơn heo hút giữ chức vụ phó bí thư công xã.
Ông thất bại, ông rời khỏi khuôn viên khu ủy, ông chẳng có tý gì, vẫn chỉ là một bó chăn chiếu, một chiếc bát sắt tráng men, một chiếc đèn pin, và hai cái hạt hạch đào. Ông vừa đi vừa khóc.
Chín năm nay, ông không một lần trở lại khu Thanh Du ấy nữa.
Chàng rể lúc ấy mới hiểu được tâm can của bố vợ, thấy ân hận vì đã không thấu hiểu hết được tấm lòng ông, anh lần xuống công xã xin lỗi ông.
Nhưng ngay từ sáng sớm ngày hôm đó, La Lục Tử đã lặng lẽ ra đi.
Khi bước chân lên xe, không có bất cứ một người nào vẫy chào ông, duy chỉ có một người bạn — cô bé chăn dê — đến tiễn biệt ông. Ông cúi hôn cô bé thật nồng nhiệt, rồi lên xe. Tấm kính mỏng manh trên cửa sổ xe đã ngăn cách ông với cô bé con, đã ngăn cách ông với những dãy núi xanh xanh, và với con sông đầy nước trắng xóa. Một lớp kính mỏng manh, đã khiến cho vùng sơn địa ông đã làm việc ba chục năm trở thành một bức tranh, trở thành một ảo ảnh mỹ lệ.
Xe ô tô chạy, hướng ra phía bên ngoài núi.
Xe chạy qua khu Thanh Dư. Ông nhắm tịt mắt lại, nhưng rồi cũng không thể không mở mắt ra để thoáng nhìn. Cái vùng đất ấy đã khiến ông ngã ngửa người, đã khiến trái tim nồng cháy của ông lụi tắt. Ông đã từng nguyền rủa mảnh đất ấy, và cũng đã từng định rằng ông sẽ bắt đầu bò dậy từ chính mảnh đất mà ông đã ngã xuống để làm lại từ đầu. Nhưng ông đã già mất rồi, tâm có thừa mà lực lại không đủ. Bây giờ, bỗng nhiên ông lại đi ngang qua mảnh đất này, và còn đang mang trên mình một vết nhục mà đi.
— Thôi, thôi, hãy cứ để cho họ muôn đời nguyền rủa ta thôi!
Từng ngọn núi lùi dần, lùi dần về phía sau xe, nhưng trên đỉnh núi càng ngày hiện ra nhiều những bóng dáng màu xanh, đó là những vạt rừng, nhưng nó là thứ cây gì mới được chứ?
Ông lại lôi ra hai hạt hạch đào, vò vò nó trong tay cho vang lên những tiếng lách cách, lách cách nho nhỏ. Một người đàn bà ngồi bên cạnh hỏi ông:
— Ông có phải là người ở vùng Thanh Du này không?
Ông chẳng biết trả lời sao, và cảm thấy chiếc chân què của mình đau nhức nhối.
— Hạch đào của các ông bao nhiêu tiền một cân?
— Hạch đào? Của chúng tôi...?
Ôi! Vậy thì ra, ở trên đỉnh núi kia, những cây hạch đào đã mọc thành rừng! Đã chín năm rồi, chắc chắn hạch đào đã phải cho quả. Điều đó lẽ nào lại là một sự thực được sao? Cái cây hạch đào cho quả, quả nó ra làm sao nhỉ?
Ông đề nghị bác tài xế cho dừng xe, bảo rằng ông bị đau bụng đi ngoài. Bước xuống xe, vẫn sông ấy núi ấy, và chỉ trong nháy mắt, những ảo tưởng bị ngăn cách bởi tấm kính mỏng manh của chiếc ô tô đã trở thành hiện thực. Ông lớn tiếng nói với bác tài:
— Cứ cho xe chạy đi, tôi xuống xe ở đây thôi!
Ông đi về phía dốc núi, ông bất chợt thất vọng... Nếu như đây không phải là rừng hạch đào? Rồi nhỡ lại gặp mặt một người quen nào đó thì sao? Làm sao có thể chịu đựng nổi những ánh mắt đầy giận dữ kia? Ông cứ bước từng bước chầm chậm, vòng qua một hẻm núi. Và thật bất ngờ, trước mặt ông lại hiện ra một con đường cái quan, vòng vèo uốn lượn, quanh co, rồi vượt lên một đỉnh núi, và ông chợt à lên một tiếng: Phía trước mặt xa xa, quả nhiên là một vườn hạch đào cực lớn!
Những cây hạch đào rậm rạp, lá đã đổ vàng, nhưng còn chưa rụng hết, và núc nỉu những quả hạch đào. Ông không nhìn thấy cuối vườn đằng kia, ông chỉ nhìn thấy trong nơi sâu nhất một ngôi lều cỏ mà hai mái của nó úp sụp xuống đất thành một hình tam giác. Sương sớm tản mạn, giăng mắc đó đây, và biến thành màu lam khi tụ lại trên đỉnh những ngọn cây của cả cánh rừng.
Ông nghe thấy từ phía đó, tiếng những cây sào tre đập quả rào rào và tiếng quả rụng bồm bộp, và có cả tiếng một người nói to:
— Mảnh vườn này chia cho nhà anh rồi hử?
— Chứ sao!
— Đây là Vương chuyên viên chuyên ngành, thân chinh đến thăm vườn hạch đào của anh đấy.
— Ồ! Thật vinh dự, rất hoan nghênh, xin mời các vị nếm thử hạch đào đi.
— Vườn này, năm nay mới cho quả à?
— Dạ vâng, thưa đồng chí chuyên viên, năm nay nó mới cho quả!
— Một cây có thể thu hoạch dược bao nhiêu?
— Dự tính khoảng độ năm, sáu trăm cân.
— Ôi chao, thật đúng là cây rừng ra tiền! Vườn này được trồng từ năm nào vậy?
— Tám, chín năm rồi!
— Tám chín năm mới thấy được hiệu quả, điều này có lẽ cần phải thông báo cho toàn địa khu biết, ở đây nó đã được trồng ra như thế nào?
— Dạ thưa, câu chuyện dài dòng lắm. Đấy là do cái ông bí thư La què năm đó bắt chúng tôi trồng. Khi trồng xong hạch đào thì ông bị đổ, nghe nói là bị phê bình, giáng chức, và bị điều đến một nơi xa tít mù tắp nào đấy rồi.
— Ôi chao!
— Khổ nỗi, chuyện lại do chính chúng tôi kiện cáo ông, vì lúc đó mọi người cứ tưởng rằng thế là hao tài tốn của. Bây giờ chúng tôi được ăn quả, còn ông ấy thì chẳng biết lưu lạc tận phương trời nào, và cũng chẳng biết còn sống hay đã chết mất rồi?
La Lục Tử đứng ở đó, trong lòng như muốn gào lên: Tôi đang ở đây! Tôi đang ở đây! Nhưng ông lại câm lặng, đứng chôn chân ở đó, và nước mắt chảy dài.
Nghe tiếng nói của người chủ vườn, ông không nhận ra được đó là tiếng nói của ai, cũng có thể ông chưa hề quen biết người này. Ông không nhận ra được người chủ vườn, vậy mà người chủ vườn lại gọi ông là La què!
Tiếng người chủ vườn từ phía đó lại vang lên:
— Nhận biết được một con người thật khó.
Ông ngồi phệt xuống đó, người ông nhũn nhão chừng như không còn được một chút sức lực nào nữa. Chín năm nay, tại sao ông không nghe được một lời nào như thế? Tại sao ông lại không cố mò mẫm tới đây lấy một lần? Tròn chẵn chín năm nay ông phải vác trên vai cái tội danh muôn người nguyền rủa, vạn người chửi bới. Nếu như được nghe lấy một lời như thế, liệu ông có bị suy sụp già đi một cách nhanh chóng như thế này không?
Liệu ông có phải về hưu non để trở lại bình nguyên Quan Trung quê cũ.
Lời nói đó ông đã phải chờ đợi trọn vẹn chín năm dài.
Ông hiểu ra rằng, một chân lý, một đạo lý, một sự kiện, một con người, muốn có được sự công nhận chân chính, cần phải qua khảo nghiệm, song sự khảo nghiệm lại phải cần tới thời gian, có thế là một tháng, một năm, hoặc tám, chín năm, và cũng có thể là cả một đời người dằng dặc! Cuối cùng thì mảnh đất này đã được trải qua khảo nghiệm.
— Ta cũng đã được khảo nghiệm.
Ông ân hận một cách thực lòng, ân hận vì tính nết của mình cùng với tác phong mệnh lệnh thời đó.
Đồng thời, ông cũng cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng vì chín năm qua ông đã nguyền rủa, oán trách mảnh đất này.
Những giọt nước mắt âm thầm của ông rơi lã chã.
— Sao ông khóc?
La Lục Tử ngẩng đầu lền, đứng trước mặt ông là một cậu con trai, mồ hôi mô kê nhễ nhại, gánh một gánh hạch đào, vừa mới từ phía sau vườn đi tới. Cậu bé lấy ngón tay quệt quệt lên má mình, chế giễu ông.
Ông hỏi:
— Hạch đào này có bán không?
— Tất nhiên là bán chú à!
Ông đứng lên, rút ra năm đồng bạc, mua một túi xách.
Cậu bé nhìn ông, đột nhiên nói:
— Ông lấy đi, cháu chẳng lấy tiền của ông làm gì.
— Tại sao vậy?
— Ông là người què mà.
— Què quặt? Thế là chiếu cố người tàn tật phải không?
— Không, người lớn ở đây nói rằng: Tất cả hạch đào ở đây là do ông La què bảo trồng, ông được hưởng phần quang vinh của ông ấy.
— Thế cũng đuợc. Tôi hưởng phần quang vinh của ông ấy.
Ông bốc đầy một túi xách tay, rồi ông lấy đá đập những hạt hạch đào, ngồi ăn.
Hạt hạch đào nhăn nheo bốn mặt dọc ngang. Ông đập vỡ, cái nhân ở bên trong trông giống như một bộ não của con người. Ồ thì ra khi nó già, nó chín, ăn được, không phải chỉ có những nếp nhăn ngang dọc, mà còn có một bộ óc nữa!
— Tên cậu là gì?
— Có chuyện gì thế ạ?
— Bác gửi cậu lời hỏi thăm tới tất cả dân làng.
— Hỏi thăm?
Ông đưa cho cậu bé mấy hạt hạch đào mà ông vẫn coi như bảo bối của mình:
— Nói rằng có một người què gửi lời hỏi thăm.
Cậu bé đã nói lại chuyện đó với dân làng, nhưng người lớn hỏi hình dáng người què ấy, rồi tất cả cùng reo lên:
— Đúng là bí thư La què rồi còn gì nữa.
Tất cả đổ lên núi, đi tìm La Lục Tử, nhưng không tìm thấy, và rồi họ bắt đầu lôi chuyện ngày xưa ra nói lại, đoán mò đoán mẫm xem trong chín năm qua ông đã ra sao, và già nua đến mức độ nào rồi? Tất cả đều nghĩ tới ông.
Duy chỉ có mỗi một cậu bé là chính mắt đã nhìn thấy La Lục Tử, và hình dáng La Lục Tử chỉ có mỗi một mình cậu là được trông thấy rõ ràng nhất.
LÊ BẦU dịch
3 thước = 1 mét Ý nói chân bàn, chân ghế, chân giường,... Đơn vị hành chính của Trung Quốc là: xã, khu, huyện, địa, tỉnh. Tương đương với xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh thời xưa của Việt Nam. 1 cân Trung Quốc = 0.5 kg
100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc - Nhiều Tác Giả 100 Truyện Ngắn Hay Trung Quốc