Nguyên tác: Peste Et Choléra
Số lần đọc/download: 1280 / 46
Cập nhật: 2017-05-20 08:52:16 +0700
Về Nơi Người Xê Đăng
N
ếu bị kim hay gai mimosa đâm là cánh cửa dẫn đến cái chết, thì vết thương há miệng đỏ lòm do một mũi giáo đâm vào người sẽ khoét ở đó một đường hầm rộng lúc nhúc hàng triệu con vi khuẩn. Yersin hiểu biết y học và phẫu thuật nên giữ được mạng sau trận chiến với Thục. Hiếm khi nào những cuộc đời như vậy lại không trải qua một cực điểm bạo lực.
Trong suốt những năm thám hiểm ấy, chăm sóc người bệnh tại các bản làng và tiêm vắcxin cho trẻ con khiến Yersin gần với người anh hùng hiền hòa của mình, bác sĩ Livingstone tốt bụng, nhưng tính không khoan nhượng và tinh thần u ám lại khiến anh đôi khi cư xử như anh chàng Stanley thích gây gổ. Đến cả chỗ nã đạn vào những toán cướp mà khi ấy người ta gọi là trộm cướp, lũ cướp đường sẽ ít nhiều trở thành hình mẫu cho quân du kích, những chiến sĩ chống thực dân đầu tiên, theo cách thức của Mandrin (Louis Mandrin (1725-1755) là một tướng cướp Pháp nổi tiếng dũng cảm, chuyên tấn công vào các kho công quỹ) hay Lampião (Lampião: biệt hiệu của Virgulino Ferreira da Silva (1897-1938), thủ lĩnh băng cướp ở vùng đông bắc Braxin những năm 1920 và 1930).
Ở đây là Thục, tay thủ lĩnh cao lớn, chuyên cướp bóc, cầm đầu một toán ở vùng quê chừng năm mươi tên, toàn dân vượt ngục sau khi lĩnh án giết người, chẳng có gì để mất, toàn những cái đầu sôi sục bị nhà chức trách đặt giá. Chúng có một ít súng trường lấy được từ quân lính, giáo mác và mã tấu. Khi đến vùng những người Mọi thân quen, một tối Yersin bước vào một ngôi làng vừa bị cướp phá, những túp lều tranh vẫn còn bốc khói. Những người sống sót chỉ tay về một hướng dưới đám cây và những người can đảm nhất đi theo anh. Đó là cuộc truy đuổi im lìm trong đêm. Quân của Thục đi chậm vì phải mang chở gạo cướp được và dẫn theo lũ gia súc, lại tin chắc rằng chẳng bao giờ một nhúm nông dân tay không tấc sắt lại cả gan đến quấy nhiễu chúng ngay giữa rừng rậm âm u hiểm ác. Chúng dừng chân và đốt lửa, kiểm kê món đồ ăn cướp. Yersin giơ khẩu súng ngắn lên. Những ngọn lửa lớn làm chờn vờn những cái bóng giữa đám cây lá. Thục nhảy vọt tới đẩy chệch nòng súng canông. Yersin lĩnh một nhát chùy dữ dội vào chân gãy cả xương. Anh chống cự, nhưng đã khuỵu xuống rồi. Một con dao rựa chặt đứt nửa ngón cái của bàn tay trái. Thục đâm một lưỡi giáo vào ngực anh và đám cướp bỏ chạy, vứt anh lại vì nghĩ anh đã chết. Hẳn đó sẽ là số phận của bất kỷ kẻ nào trong số lũ cướp kia, vì không có các sản phẩm màu nhiệm của cánh Pasteur.
Người của Yersin tìm thấy anh vào lúc tờ mờ sáng, người đẫm máu nhưng vẫn tỉnh, gần đống than đang tàn dần. Bị mũi giáo xiên qua người giống một con côn trùng bị ghim vào tấm bìa. Lần này thì chuyến đi thật ngắn, có thể cuộc đời cũng vậy. Kiến và bọ bu lại hút trên mặt đất thẫm đỏ. Nhiều sự nghiệp các nhà thám hiểm bỏ người viết tiểu sử họ bơ vơ như vậy sau vài trang. Nằm đó, một lỗ đỏ trên ngực. Những sự nghiệp kết thúc ngay trên dòng tít ở trang đầu một tờ báo lá cải thuộc địa nào đó, được người ta giở ra đọc trước mấy ly vermouth và cassis trên hiên các quán bar đường Catinat: “Người khám phá độc tố bạch hầu chết vì một mũi giáo trên đất Mọi.”
Yersin đã mất quá nhiều máu, biết rằng mình không còn nhiều thời gian, vội hướng dẫn phẫu thuật. Theo lời anh, người ta khoét rộng xung quanh rồi mới rút cái giáo ra. Họ chầm chậm rút mũi giáo mà không chạm đến các xương sườn, khử trùng vết thương, xử lý những chỗ xây xước, quấn băng thật chặt quanh nửa người trên và quanh bàn tay, đặt nẹp dọc theo cái chân gãy. Họ đặt anh nằm trên một cái cáng kết bằng tre và dây leo rồi những con người kia khiêng cáng trên vai đi suốt nhiều ngày, đến tận Phan Rang. Ở đó có một chuyên gia điện tín mà người ta hy vọng là mắc chứng sợ chỗ đông người, vì sống đơn độc trong một căn chòi bên dưới cây cột phát nhận tín hiệu và đống dây nhợ rối bù. Họ báo cho Calmette ở Sài Gòn để anh gửi thuốc đến. Yersin hồi lại dần. Người viết tiểu sử anh thở phào. Người bị thương nằm bất động, và sau vài ngày lại tiếp tục ghi chép vào sổ. “Như vậy, kết quả của vụ này là con mất một khẩu súng trường và một khẩu súng ngắn. Con không nghĩ người ta trách cứ con: ông toàn quyền sẽ rất bực bội vì sự loạn lạc ở miền Nam, trong khi ông ta ra rả tuyên bố An Nam đã được bình định xong xuôi. Vậy nên ông ta sẽ tìm cách ỉm vụ việc đi, thậm chí nếu cần sẽ chối bay. Thế nhưng con không hề hối tiếc việc mình đã làm: rõ ràng đó là bổn phận của con.”
Trong khi các vết thương lên sẹo, Yersin, vì không cưỡng nổi, bắt đầu tìm hiểu cách vận hành của máy phát điện tín. Với cái chân bó bột, anh được đưa về Sài Gòn, tại đó anh viết báo cáo, vẽ các bản đồ, chỉ ra những tuyến đường có thế mở được, chép lại sạch sẽ những bản kê ghi vội trong sổ tay. Người bệnh đang hồi phục đọc các tạp chí kỹ thuật và gửi sang Pháp đơn đặt hàng những thiết bị mới. Trên bến cảng, ngay khi anh đã đủ sức du hành, người ta đỡ anh xuống từ một cỗ xe có thắng mấy con ngựa nhỏ xíu. Anh đặt cặp nạng của mình vào một cabin của tàu Saigon khởi hành đi Hải Phòng, và trò chuyện với người kế nhiệm mình, vận bộ đồng phục trắng gắn lon 5 vạch mạ vàng. Anh xuống ở điểm dừng đầu tiên, về lại thiên đường Nha Trang, rời chiếc tàu tồi tàn của Hãng Đường biển để về căn nhà gỗ ở Xóm Cồn. Anh khập khiễng tíu tít trong phòng tối, tráng phim, chuẩn bị chuyến di sắp tới, chuyến di dài nhất trên bản đồ, giữa phía Bắc rồi rẽ sang phía Tây. Cũng là chuyến đi tham vọng nhất. Anh muốn mở một con đường mới từ Bắc Kỳ sang Lào, khác con đường của Pavie qua Điện Biên Phủ. Anh gửi thư cho Fanny. “Kèm theo đây là mấy lời cho Mayor để ông ấy gửi cho con mấy thứ vũ khí mới, con sẽ chuyển tiền thanh toán sau khi nhận được hàng.”
Ngay trước khi lên đường, anh nghe tin Thục đã bị bắt, và trấn an Fanny, nhưng thật ra lại làm bà lo lắng nhiều hơn: “Ngày mai con sẽ lên đường tiến sâu vào đất liền, con không muốn làm chuyện này mà chưa nói với mẹ rằng tay con đã lên sẹo và chân thì đã khỏi. Thế nên con đang có sức khỏe tốt để tiếp tục chuyến đi. Hôm nay người ta đã chặt đầu Thục. Con đã dự buổi chặt đầu để chụp vài bức ảnh nhanh, thật đáng ghê sợ. Cái đầu rơi xuống ở nhát chém thứ tư. Mà Thục không hề run sợ. Dân An Nam bỏ mạng với một thái độ lạnh lùng rất ấn tượng.”
Năm ấy, bên Pháp là một trăm năm thời kỳ Khủng bố cũng đã từng làm rơi rất nhiều cái đầu xuống đáy giỏ, nên người ta không muốn tưởng niệm bằng một ngọn tháp sắt thứ hai. Năm ấy, chiến hạm Pháp rời Sài Gòn sang Bangkok để dựng cứ điểm, theo lời yêu cầu của Pavie lúc này đã được phong làm cao ủy biên giới. Yersin thì không có nguy cơ trở thành nhà ngoại giao. Toàn bộ cái trò chính trị nhơ bẩn ấy. Anh buộc lòng tiến về nơi người Xê Đăng. Lại một lần nữa họ băng qua những cánh rừng thưa, những rặng thông mờ sương. Họ bắt gặp đường đi của những đàn kiến hàng triệu con không bao giờ chấp nhặn đi vòng dù chỉ một mét, và khi gặp phải chúng, người nông dân buộc phải nhường và dời làng sang nơi khác. Nhóm dẫn đường và lũ súc vật chở đồ leo lên núi trên những con đường men theo dốc, vượt qua ghềnh thác. Trên lưng ngựa, sát cạnh nhau, Yersin và cha Guerlach, người vừa thực hiện những bản kê đầu tiên về địa vật và nhân loại học của vùng, ghi lại các tín ngưỡng và thổ ngôn của dân săn bắn-hái lượm, trong niềm hy vọng mơ hồ là cứu rỗi tâm hồn họ thay vì bắt họ làm nô lệ như Mayrena, từng là Marie Đệ Nhất nơi dây, đã cố làm nhưng vả lại cũng công toi.
Nơi trú ngụ của người Xê Đăng là những cái chòi dựng cheo leo trên các chỏm núi, được những hàng dậu cao bảo vệ. Khi đã nhận ra cha Guerlach, họ kéo cánh cổng có gắn ròng rọc, kết thân, trao đổi vật dụng, nhảy múa, ăn uống. Yersin gỡ đống dụng cụ khoa học của mình ra ngay giữa đám người. Hai chân choãi rộng, cái nhìn hướng lên bầu trời, anh đo kinh tuyến, vĩ tuyến, tối đến thì tìm hướng địa cực, dùng phong vũ biểu để đo độ cao. Ông cha cố thì lấy ra thánh giá và lư hương, làm lễ mixa, lẩm nhẩm và giơ tay về phía Chúa của ông, có vẻ như đang ngự ở nơi không xa địa cực là bao. Đây là lần đầu tiên người Xê Đăng gặp những kẻ còn man dã hơn mình và dự vào những nghi lễ quái gở của bọn họ. Họ cười ré lên, vỗ đùi phành phạch. Ngồi riêng một chỗ, đám thầy mo tức tối, thế nhưng sau này nhất định sẽ học lỏm vài chiêu của show để bổ sung cho các buổi lễ của mình. Phía trên các tường thành, đám chiến binh giương những cái khiên bọc da tê giác, hú hét và vung vẩy giáo gươm, chúc những người Da trắng đường về may mắn. Đoàn người lại xuống núi và đến được tỉnh Attapeu bên Lào, bên kia dãy Trường Sơn. Lần này, thứ mua vui cho dân làng, chính là những con ngựa đã dược thuần hóa và đóng yên cương.
Đoàn thám hiểm từ rừng rậm theo con dốc thoải về phía bờ sông Mê Kông. Họ đã đi bộ nhiều tháng nay. Đường đi của họ tĩnh lặng và nặng nhọc. Dưới kia là màu vàng và xanh lục, xanh ngọc và đỏ sẫm. Qua kẽ lá mặt trời vàng khé và những tán cọ rộng xòe ra dưới cơn mưa rào. Rắn, cóc và đủ thứ địa thần nhỏ xíu tháo thân khỏi ồ. Lũ ác mỏ màu đỏ kêu quang quác và bay vụt lên. Họ đi ngược lên hướng Bắc và lần thứ hai leo qua đèo, tiến về Đông, về phía biển để tới Đà Nẵng rồi Hà Nội, nơi hai nhà nhân loại học, một theo Thiên Chúa giáo và một thì bất khả tri, nộp báo cáo, người này cho toàn quyền, người kia cho giám mục. Người ta đánh số, dùng bút lông viết thẳng vào xương, những cái đầu kẻ thù do người Xê Đăng tặng và răng voi thu thập được trong chuyến đi. Người ta chất đầy đống rương hòm để gửi về Bảo tàng Con người ở Paris.
Toàn bộ việc này cũng giống như ký vào sổ trực tàu trong khoang thuyền trưởng trước khi lên bờ. Với Yersin đây đã trở thành một hoạt động không quá khác biệt, nhưng phấn khích hơn, so với đi tàu. Dường như anh không hề thấy mệt mỏi chút nào. Anh đã sẵn sàng về lại Nha Trang theo tuyến đường cùa Hãng Đường biển.
Nhưng cả với anh nữa, cuộc trường chinh đã kết thúc rồi. Những giờ ngồi trên yên dưới mưa, theo nhịp bước chân ngựa. Những hình vẽ phác họa khung cảnh núi rừng. Mùi phân ngựa và mùi đồ da ướt. Thịt nướng trên lửa ở nơi cắm trại và tiếng chó sủa khi sắp đến các bản làng. Anh còn chưa biết điều đó. Sẽ chẳng bao giờ anh còn tiến hành những chuyến thám hiểm nữa. Một bức điện của Calmette đang chờ anh ở chỗ toàn quyền, cho anh biết rằng những bức điện khác đang chờ anh ở Sài Gòn. Roux và Pasteur yêu cầu anh sang Hồng Kồng ngay. Có chuyện dịch hạch rất quan trọng. Yersin khép quyển sổ thám hiểm cuối cùng lại, mực trong đó vẫn còn ướt, tươi rói.
Bàn tay già nua cụt ngón cái lấm chấm đồi mồi khép quyến sổ thám hiểm cuối cùng lại, mực đã khô và nhạt dần. Văn phong cũng đã cũ. Hơi có chút Vidal de La Blache (Paul Vidal de La Blache (1845-1918), nhà địa lý người Pháp, được coi là cha đẻ của ngành địa lý hiện đại Pháp. Ông đi rất nhiều nơi và để lại nhiều công trình khảo cứu quan trọng). Yersin đeo cặp kính lên cặp mắt xanh lơ đã lợt. Đây là chuyến trở về với hiện tại của Nha Trang, hiện tại của tháng Năm năm 40. Ông nhốt mình trong ngôi nhà vuông lớn nhiều vòm đã thay thế căn nhà gỗ xưa kia. Khối lập phương lớn, hợp lý. Ba tầng, mỗi tầng một trăm mét vuông, chồng lên nhau với cầu thang dẫn lên sân thượng và trạm thiên văn. Bác sĩ Năm đã bảy mươi bảy tuổi. Từ hai tháng nay, sau khi trở về từ châu Âu trên con cá voi nhỏ màu trắng, ông đọc lại những cuốn sổ theo trình tự. Như thể vẫn đang ở đó, trong những khu rừng rậm hoặc ởsd chỗ của người Xê Đăng. Hiện giờ hai chân không còn đỡ nổi ông nữa. Đêm đã xuống. Ông ngồi trên cái ghế bập bênh ngoài hiên, trước mặt biển mênh mông, mặt biển an ủi cho những khó nhọc của chúng ta.
Từ hai tháng nay, đọc những cuốn sổ cũ làm ông tách ra khỏi hiện tại của Lịch sử. Những câu miêu tả cuộc đối đầu với Thục làm sống dậy trong ông ký ức về cơn đau ghê gớm, rồi lúc nằm chờ chết dưới đám cây và những ánh lửa nhảy nhót trên cành, ông cởi áo sơmi để xem vết sẹo, chấp nhận rằng tất cả những cái đó đều là có thật. Ông không còn cả lòng can đảm lẫn niềm thích thú để viết hồi ký. Mãi mãi chỉ mình ông biết tất cả những chuyện ấy, còn nhớ đến chúng. Có quan trọng gì đâu. Chính vô vàn thư gửi Fanny và Émilie, chứ không phải vài tác phẩm ông đã xuất bản, sẽ kể cho chúng ta về cuộc đời ông. Họ đã không để thất lạc bức nào. Người ta tìm thấy chúng sau khi người chị gái qua đời, xếp đầy trong ngăn kéo một cái bàn một chân. Những bức thư được viết một mạch không hề có vết tẩy xóa và luôn ký Yersin, không kèm tên riêng của người cha và đôi khi châm biếm thì ký Bác sĩ Năm. Nhưng giờ đây, vào mùa hè cái năm 40 này, Yersin còn chưa biết điều đó, ông tưởng đời mình sẽ bị xóa sạch. Hằng đêm, ông nghe các loại đài trên thế giới qua sóng ngắn. Đó là mùa hè năm 40 và thế giới đang sụp đổ.
Phe Vichy cử đô đốc Decoux chỉ huy hạm đội Pháp ở Viễn Đông lên nắm chức toàn quyền Đông Dương. Ở đây cũng như ở chính quốc, người ta cấm nghe đài của người Anh. Ông hẳn sẽ bị phiền. Ông biết nhiều thanh niên đã đáp lại lời kêu gọi hồi tháng Sáu của ông tướng kỳ cục cao hai mét (Ý nói tướng Charles de Gaulle) trước chiến tranh từng ở khách sạn Lutetia. Ông nghe đài Đức, nghe họ tuyên truyền và la hét chiến thắng. Lại một lần nữa có chiến tranh với nước Đức và lại một lần nữa nước Đức sẽ bị đánh bại sau khi hàng triệu người chết, y như Rimbaud vô cùng sáng suốt ở tuổi mười lăm đã tiên tri sau trận Sedan và sự sụp đổ của Đế chế thứ Hai. Cánh phát xít lẽ ra nên đọc nhà tiên tri trẻ tuổi, người từng viết: “sự cai trị bằng súng đạn và sự điên rồ sẽ biến xã hội Đức và tư tưởng Đức trở thành trại lính, và tất tật những thứ đó rốt cuộc sẽ bị một liên minh nghiền nát!”
Năm ngày sau khi ông tướng tung ra lời kêu gọi từ London, tay độc tài vận đồ đen xám – bắt chước Charlie Chaplin khá giống – hạ cánh xuống sân bay Bourget. Đó là một ngày Chủ nhật, năm giờ sáng. Chuyến đi của Führer đã được dự trù trước khi có cuộc tấn công và bởi thế những chiếc Stuka của Göring đã chừa không phá đường băng Bourget, để con cá voi nhỏ màu trắng bay chuyến cuối cùng của hãng Air Prance. Trên đài, xướng ngôn viên người Đức phấn khởi miêu tả ba chiếc Mercedes mui trần tiến vào Paris trong ánh sáng êm dịu của bình minh tháng Sáu, theo sau là một đoàn hộ tống gốm các nhiếp ảnh gia và điện ảnh gia. Nhà độc tài vận đồ đen xám đi cùng kiến trúc sư riêng là Albert Speer. Hắn muốn Berlin vượt Paris. Bọn họ hối hả thăm Nhà hát Opera, nhà thờ Madeleine, quảng trường Concorde, đại lộ Champs-Élysées, tháp Eiffel, quảng trường Trocadéro. Hắn nhìn Paris lần đầu tiên, kẻ từng tuyên bố trong cuốn Mein Kampf là có tài hội họa thiên bẩm, “ở tôi, hội họa chỉ kém tài vẽ chi tiết thôi, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc”.
Niềm say mê ấy lại càng khiến Yersin dị ứng hơn với các môn nghệ thuật, tất tật những ngớ ngẩn hội họa và văn chương. Cứ như thể hai kẻ kia, Hitler và Göring, tiến hành cuộc thế chiến với một mục đích duy nhất là bổ sung các bộ sưu tập hội họa của mình, rồi thì giành nhau mấy bức tranh. Yersin tự hỏi Louis Pasteur trẻ tuổi sẽ ra sao, nếu thay vì thành nhà hóa học, ông lại thành họa sĩ vẽ chân dung như ông từng nuôi mộng hồi còn ở xứ Jura xa xôi. Pasteur nghệ sĩ, giữa những nghiên cứu khoa học, vẫn tiếp tục giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Paris.
Khi những tên lính Đức đầu tiên xuất hiện ở Viện vào cái mùa hè năm 40 ấy, không lâu sau chuyến ra di cuối cùng của Yersin, chúng đòi xuống xem hầm mộ có di hài Pasteur. Joseph Meister, ông lão gác cổng, người đầu tiên được chữa khỏi bệnh dại, đã không cho bọn chúng xuống. Đám lính xô ông, đẩy ông lùi ra. Bọn sĩ quan bước vào hầm mộ. Ông già người Alsace đã dùng khẩu súng lục mang về từ cuộc chiến tranh năm 14 để tự sát trong phòng của mình.
Nhờ nghe đài Đức, Yersin biết rằng lá cờ thập ngoặc đã bay phấp phới trên sân thượng khách sạn Lutetia ngay bên trên căn phòng trong góc của ông ở tầng sáu. Khách sạn đã trở thành trụ sở của Abwehr, cơ quan phản gián của quân đội. Ngồi vây lấy cây đàn piano, đám sĩ quan vận đồ đen xám nốc nốt kho rượu cognac trong hầm. Sau trận chiến với nước Pháp là tới trận chiến với nước Anh, bị giày xéo bởi máy bay của Göring, cũng là một tay mê hội họa, kẻ đã giấu Hitler lấy người từ các phi đoàn rồi cử vào các thành phố bị chiếm đóng giành lấy các tác phẩm đã được các nhóm sử gia hội họa của hắn định vị từ trước.
Hai tháng sau khi Hitler thăm viếng Paris, Trotsky bị ám sát, ngày 20 tháng Tám, tại nơi trú ẩn của mình bên Mêhicô, dưới tay người của Stalin đồng minh của Hitler, bản thân Hitler thì lại là đồng minh của người Nhật. Tất cả các mảnh của trò ghép hình ở phạm vi toàn cầu đã được đặt về đúng vị trí. Và mười ngày sau đó, 30 tháng Tám, đội quân Nhật đã đổ bộ vào Bắc Kỳ. Chiếm Hải Phòng và Hà Nội. Đám sĩ quan đặt kiếm lên những cái bàn thấp ở khách sạn Métropole và nốc nốt kho rượu cognac. Đông Dương bị xâm chiếm. Ngồi trên cái ghế bập bênh nhìn ra biển, Yersin đợi các sĩ quan của Sở hiến binh Nhật đến chiếm nhà ông, biến ngôi nhà vuông lớn này thành Kommandantur (Là từ dùng để chỉ một cơ sở chỉ huy của quân đội Đức) của chúng ở Nha Trang. Chúng sẽ hoài công tìm kiếm một chai cognac.
Những cãi cọ giữa Yersin và người Nhật đã cũ kỹ lắm rồi.