You practice mindfulness, on the one hand, to be calm and peaceful. On the other hand, as you practice mindfulness and live a life of peace, you inspire hope for a future of peace.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
au bữa ăn trưa Akimốp và Kachia còn lại hai người với nhau trong căn nhà. Bác Lukianốp vội về làng, còn ông cụ Okenti đi tới thôn mới, mang một bao tải cá, dự tính đem đổi lấy bột mì. Tạm thời ông cụ chưa gây ấn tượng gì cho Akimốp, như Kachia nói trước. Có lẽ là vì trong bữa ăn trưa chưa kịp đả động gì đến các vấn đề triết lý. Câu chuyện xoay quanh các việc thường tình hơn: nên ra đường cái lớn vào lúc nào và ở chỗ nào thì tốt hơn? Ở chỗ nào, trên đoạn nào của đường cái lớn dễ có thể đụng phải các «lưỡi câu»? Vào thành phố từ hướng nào thì an toàn hơn, để khỏi bị phát hiện? Rồi sau đó Kachia đã làm thỏa chí tò mò của Akimốp suốt một giờ. Đã bao lâu rồi anh mịt mù chẳng biết tin tức gì về chiến tranh, về cuộc sống của đất nước, về các sự kiện trên thế giới! Cô đã kể cả chuyện cô đã lọt vào căn nhà ông cụ Okenti này ra sao.
Đột nhiên còn lại hai người với nhau, họ ngồi hồi lâu, hoàn toàn bối rối và nhìn nhau với nỗi ngạc nhiên ẩn giấu trong hai cặp mắt.
- Hóa ra chúng ta gặp lại nhau ở đây, anh Ivan nhỉ! Khác thường và kỳ lạ thật. Điều này sẽ dẫn đến đâu đây? Hiểu mọi chuyện này ra sao đây? Chuyện gì đang xảy ra? Đầu óc em thật quả mụ mẫm đi thế nào ấy. Em không hình dung rõ, mặc dù em đi tới đây, tới Xibiri này, để được gặp lại anh. Và anh tưởng tượng xem, chính điều ấy đã thúc đẩy em, chính là điều ấy, chứ không phải chỉ vì hộ chiếu và tiền mà anh cần. Em xấu hổ... Có thể, anh lên án em đấy... - Kachia đưa hai bàn tay lên áp vào hai bên thái dương và đột ngột nín lặng, hơi cúi đầu bên trên bàn, trên đó những cái bát với xương cá còn chưa được thu dọn.
- Chuyện này dẫn đến đâu ư? Dẫn đến đâu ư? - Akimốp đỡ lấy lời của Kachia và nhìn vào mắt cô phía bên kia bàn, cái bàn ngăn cách họ, chợt anh sững lại, ngắc ngứ, cảm thấy rụt rè trước cái điều muốn nói và cái điều nói ra không dễ dàng gì. - Em có nhận được mảnh thư anh gửi ở nhà tù ra không? Anh giấu nó trong lần lót cái túi xách. Có thể cũng chẳng tới nơi cũng nên, - vượt qua cái trở ngại nào đó trong lòng, Akimốp nói tiếp.
- Tất nhiên rồi, anh Ivan, em đã nhận được! Và nếu nói thẳng thì em không ngạc nhiên về mảnh thư ấy, bởi vì em đã chờ đợi nó suốt ngày này sang ngày khác. Có thể, anh cũng lại lên án em vì điều quá tự tin ấy chăng, nhưng em có cảm giác là anh không thể không viết cho em chính là những lời ấy. Và mảnh thư luôn luôn ở bên em. Ngay cả bây giờ nó cũng ở đây, bên tim này, trong cái túi bí mật của em. Chà, anh Ivan, giá anh biết được những lời ấy của anh đối với em quí giá chừng nào! Chúng đã sưởi ấm tâm hồn em và giống như ngọn lửa thần luôn luôn chiếu sáng cả trong đêm tối tăm cả trong ngày rực sáng... Em xin lỗi anh, nếu tất cả chuyện đó anh nghe không lấy gì làm thích thú cho lắm, bởi vì có thể, anh thấy những tình cảm của em không đúng chỗ trong hoàn cảnh khác thường đến lạ kỳ này mà chúng ta đã rơi vào...
Kachia nói tất cả điều đó với nỗi xúc động, với sự chân thành cực độ đến mức đôi mắt cô đỏ lên và rớm lệ.
Akimốp thoạt đầu im lặng nghe, dường như sững sờ, và chỉ hơi lắc lư chòm râu cằm cứng màu nâu nhạt của mình. Nhưng khi cô gái nói xong, anh bật dậy, tiến lại bên cô và hôn cô bằng cái hôn thắm thiết rất lâu. Sau đó anh xích gần cái ghế đẩu gỗ mộc lại, ngồi xuống bên Kachia, gượng nhẹ ôm lấy cô. Phả vào anh những hương thơm ngây ngất của tấm thân gái trẻ trung, mà mặc dù lúc này được ẩn trong tấm áo cánh và cái váy nông dân, đang nở nang và mãnh liệt thiết tha đến với anh bằng tất cả sức lực thầm kín của mình. Kachia sang ngồi vào lòng Akimốp, ôm lấy cái cổ mọc đầy râu tóc của anh, rúc vào ngực anh, nấc lên nức nở vì hạnh phúc rồi lặng đi.
Akimốp nghẹn lại. Nghẹn lại vì niềm vui sướng không gì kìm được đã choán lấy anh, đến nỗi trái tim có thể không chịu nổi những tiếng đập thình thịch rành rọt, vang, vang như tiếng chuông cấp báo bên tai. Đã xảy ra cái điều mà anh từng mơ ước như chuyện xa xôi và mong muốn. Kachia đã ở bên anh, nàng yêu anh, và anh yêu nàng. Và mọi điều, tất cả mọi điều giữa họ đều rõ ràng, được xác định và không hề gợi một chút nghi ngờ nào hết.
- Kachia... em thân yêu... của anh... mãi mãi... vĩnh viễn... - Anh cảm giác rằng anh nói những lời ấy thành tiếng, rõ rành, nhưng nàng chỉ cảm thấy môi anh động đậy ngay bên tai nàng. Nhưng không cần lời nàng cũng đã hiểu rằng niềm vui sướng mà rừng taiga Xibiri đã ban tặng cho họ trong cái ngày đông rét này không gì có thể sánh được - cuộc đời chỉ tặng nó cho người ta có một lần mà thôi. Sẽ có những niềm vui khác, nhưng niềm vui này không bao giờ còn lặp lại.
Akimốp ôm Kachia, định đưa nàng vào góc nhà, nơi có cái giường gỗ của ông già triết gia, nhưng lại ngồi ngay xuống cái ghế đẩu. Trong tai anh vang lên giọng nói trầm và gay gắt của người anh nàng và người bạn của anh, Alếchxanđrơ Kxênôphôntốp: «Cậu làm cái gì thế, Ivan, lú lẫn rồi ư? Không lẽ cậu có thể cư xử thế sao? Bởi vì hai người chung sống quá là ít ỏi để có thể thả sức trượt đến cái kết thúc của cái mà được gọi là mở đầu một cuộc sống đối với hai người?.. Và cậu, đồ vô tích sự, cậu tìm ra cái chỗ cho tình yêu như vậy đấy ư? Bởi vì chỉ mờ sáng một cái là nghĩa vụ trước cách mạng đã đưa mỗi người đi tới một phương khác nhau của địa cầu. Và chẳng ai có thể nói cho hai người biết là rồi đây hai người có thể bao giờ lại được sống bên nhau hay không. Phía trước chúng ta có quá nhiều khó khăn và thử thách... Cậu đã suy nghĩ về điều ấy chưa? Hay dục vọng của cậu không kìm nổi đã làm cậu mất hết lý trí và cậu, như một tên mọi rợ, chỉ cảm thấy có tiếng gọi của tự nhiên?.. Mà có phải lúc này chăng? Hãy tỉnh ngộ đi».
Đôi tay của Akimốp yếu đi, và anh suýt để rơi Kachia. Nàng cảm thấy điều ấy và hai tay lại càng ôm chặt thêm cổ anh, áp chặt vào anh.
- Ivan... anh thân yêu... hạnh phúc đã đến với chúng ta! Và anh nhớ lại xem, hôm nay là ngày thế nào - hôm trước của năm mới, năm mười bảy... Ngày mai nó bắt đầu lượt đếm của nó... Có thể, nó sẽ mang tự do đến... Ivan... Em luôn luôn biết rằng anh là số phận của em... Cụ già nông dân Mamica đã dạy cho em... - Kachia nói, hôn Akimốp hết vào môi, lại lên trán, lên hai mắt.
Còn Akimốp trong phút đó trả lời trước người bạn, tiếp nhận tiếng nói của Kachia như trong giấc mộng, như âm hưởng của tiếng vọng xuôi chiều.
«Đừng trách tôi, anh Alêchxanđrơ, - Akimốp thầm nói. - Tôi không làm mất danh dự của cô ấy, không lăng nhục cô ấy. Anh hiểu cho, tôi yêu cô ấy. Tôi đã sống bằng những suy nghĩ về cô ấy. Không phải lỗi của tôi về chuyện tôi sống ít bên cô ấy. Nếu không có tù ngục và lưu đày, nếu tôi sống trong những điều kiện xứng đáng với con người, như tôi với anh hiểu thiên chức của con người trên trái đất, thì từ lâu tôi đã sống bên cô ấy và sống như thế mãi mãi. Hôm nay, chính hôm nay phải giải quyết - tương lai của chúng tôi liệu có là của chung hay tôi có thể mất cô ấy...»
- Mất ư?! - đột nhiên Akimốp thốt lên bằng cái giọng lạc đi.
- Sao anh, anh Ivan? Mất gì? - lo lắng vì tiếng thốt lên của anh; Kachia hỏi anh và, hơi lánh xa anh, nhìn vào mắt anh. Trong đôi mắt anh hiện lên nỗi hoảng sợ, và những đốm lửa mãnh liệt bừng lên trong hai đồng tử.
- Mất em, Kachia, - anh nói, giọng ảo não.
- Tại sao lại mất? Em là của anh, Ivan. Anh hiểu cho em mãi mãi là của anh, - Kachia nói một cách rắn rỏi.
Dường như có ai đó thúc đẩy Akimốp. Anh tung Kachia trên đôi tay khỏe mạnh của mình, cùng nàng quay tròn giữa nhà rồi thận trọng đặt hai bàn tay rộng dưới lưng nàng, đặt nàng xuống mặt giường ván gỗ.
Trời đông hửng sáng lên trước buổi chiều hôm ngó vào ô cửa sổ bị phủ băng. Bức màn xanh lam êm dịu lan phủ khắp trên rừng cây lặng chìm, và theo bức màn đó từ đâu nơi sâu thẳm trong lòng rừng taiga cứ tuôn chảy, tuôn chảy không gì cản nổi những dòng sáng đỏ hồng báo hiệu sẽ có đợt giá lạnh ác liệt.
o O o
Cái vỏ hộp sắt đựng sáp cháy hết và Kachia châm một vỏ hộp khác đựng mỡ cá. Cây đèn nổ lép bép, xông ra mùi cay cay.
Căng mắt ra, Akimốp đọc thành tiếng:
- «Quân cấm vệ Nga hoàng - đó là lũ khuyển ưng hung dữ của chế độ chuyên chế - chà đạp lên những quyền lợi sơ đẳng nhất của con người. Sự lộng hành, hà hiếp, thuế khóa nặng nề, ăn hối lộ của đút - tất cả mọi cái đó trở thành hiện tượng hằng ngày. Chế độ chuyên chế đang thối rữa, đầu độc khí ôdôn của cuộc sống xã hội của chúng ta bằng mùi thối độc hại...»
Kachia ngồi đối diện với Akimốp và chăm chú nghe anh đọc, thỉnh thoảng lại nhìn anh bằng cặp mắt cảnh giác. Akimốp đọc hết tờ truyền đơn, đặt sang một bên và nói khe khẽ:
- Mọi cái đều đúng, Kachia, tuy nhiên dù sao đi nữa tờ truyền đơn vẫn còn chưa chỉnh hẳn. Thứ nhất, cần xóa các từ như «khuyển ưng», «ôdôn» và các từ khác, mà chỉ những người có học mới hiểu, và chưa chắc tất cả những người đó đều hiểu cả. Và, thứ hai, theo anh, cần thiết phải xây dựng lại bố cục tờ truyền đơn. Tất cả các luận điểm chung phải đưa xuống cuối chót tờ truyền đơn. Bắt đầu từ điểm cơ bản...
- Khoan đã: để em chuẩn bị. - Kachia lấy trong túi áo lót bông chần ra cây bút chì và tờ giấy và, đặt tờ giấy lên mặt bàn lấy tay vuốt thẳng, nhanh nhảu cặm cụi viết.
- Nếu như anh, anh sẽ bắt đầu như thế này, Kachia. - Akimốp đứng dậy, bàn tay nắm lấy cạnh bàn: - «Bọn lính cấm vệ Nga hoàng đang định trấn áp dã man chị nông dân Dinaiđa Nôvôxelôva, vợ của một người lính, bị mất tích ngoài mặt trận, bị cảnh túng thiếu giày vò, bị chế độ cường quyền vùi dập, bị dồn đến mức độ tuyệt vọng cuối cùng. Dinaiđa Nôvôxelôva, người phụ nữ hai mươi chín tuổi, đã giết chết tên cảnh sát Karpukhin. Liệu Dinaiđa Nôvôxelôva có tội chăng? Không, chị không có tội. Bị kiệt sức vì những hành động cưỡng đoạt đê mạt của tên đểu cáng và dâm đãng mang lon cảnh sát, Dinaiđa buộc phải nổ súng để bảo vệ danh dự của người phụ nữ, lòng chung thủy của mình đối với chồng, phẩm giá của đứa con mình. Không phải Dinaiđa Nôvôxelôva phải ngồi trên ghế bị cáo, mà chính là bọn cấm vệ Nga hoàng, là chế độ quân chủ, cái pháp chế mục ruỗng của nó đang ủng hộ sự lộng hành, biển thủ công quỹ, tham nhũng ăn hối lộ, và các tệ nạn khủng khiếp khác. Tòa tuyên án không phải người nữ nông dân nghèo khó, liều lĩnh chống lại sự điên rồ của những kẻ có quyền, mà là tòa kết tội Nga hoàng Nicôlai đệ nhị hút máu dân, chính phủ Nga hoàng, toàn bộ giai cấp nắm chính quyền ở nước Nga...» Đến đây, Kachia có thể chuyển sang phần nói về chiến tranh, về những nỗi thống khổ của nhân dân, về cách mạng...
- Đúng, đúng lắm, anh Ivan. Anh xem này, chỗ này mọi cái ăn nhập mới tuyệt làm sao chứ. - Kachia cầm lầy tờ giấy nằm trước mặt Akimốp, tìm ra chỗ cần thiết và lên tiếng đọc: - «Chẳng lẽ người nữ nông dân Xibiri, Dinaiđa Nôvôxelôva đơn độc trong số phận cay đắng của mình ư? Đất nước Nga đang rên xiết. Hơn mười hai triệu công nhân và nông dân ba năm ròng đổ máu trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vô nghĩa. Chiến tranh đã không đem lại và sẽ không đem lại sự giải thoát cho nhân dân. Khắp trên đất nước Nga càng ngày càng vang to và mạnh mẽ hơn tiếng kêu gọi của đảng những người bônsêvích dân chủ xã hội - bônsêvích: «Đả đảo chiến tranh! Đả đảo chế độ chuyên chế! Cách mạng muôn năm!»
Những lời kết thúc của tờ truyền đơn tương lai Kachia đã đọc to, giọng ngân nga, trong trẻo, tay vung lên minh họa cho từng lời. Đôi mắt đen của cô sáng ngời lên. Cô hất cao đầu, tuân theo tâm trạng phản kháng và phấn chấn, mà tự cô muốn đưa vào tờ tuyền đơn. Akimốp say sưa ngắm nhìn Kachia. Anh đi đến bên cô, cúi xuống, hôn tới tấp vào gương mặt bừng bừng của cô.
- Em của anh là nhà hùng biện! Khá lắm! Anh yêu em đến thế nào kia chứ! - bước lùi lại, anh nói, miệng cười âu yếm, hơi chề đôi môi đỏ thắm lên vì những cái hôn. Kachia đưa hai tay sửa lại mái tóc xổ ra, sẽ cười thầm, không đủ sức ghìm được niềm vui sướng của mình vì sự âu yếm và lời khen của anh.
- Vẫn còn chưa hết đâu, đồng chí Granhít! Chưa hết! Em muốn bàn với anh về những người đàn bà nhân chứng. Anh khuyên em nên thế nào đây, Ivan? - Kachia nhìn anh chằm chằm, cố ra vẻ đứng đắn và nghiêm khắc. Nhưng không, cô không làm nổi. Đôi môi cô run run, từ trong đôi mắt tỏa ra thứ ánh sáng đặc biệt - ánh sáng của tình yêu đang sưởi ấm tâm hồn anh, nụ cười dè dặt làm gương mặt cô đáng yêu và phấn chấn vô cùng.
- Khuyên em thế nào nhỉ? - Akimốp cũng cố ra vẻ thật nghiêm chỉnh, và việc đó cũng không thành. - Mọi chuyện em vừa kể, quả là không phải đùa. Em đã làm được nhiều việc đấy. Việc ra tòa sẽ có tới bảy bà nông dân ra làm nhân chứng, thế là tốt. Em có chuẩn bị cho họ đối phó với đủ loại những câu hỏi hiểm độc của bọn quan tòa và biện lý. Rõ ràng, quan tòa và bọn luận tội sẽ đánh lạc hướng họ, làm họ rối lên và cuối cùng chẳng qua là dọa dẫm họ.
Em đã tính đến tất cả mọi điều đó anh Ivan ạ. Mấy bà của em can đảm, hứa sẽ không hoảng sợ, trước sau như một. Họ yêu mến cô Dinaiđa, số phận của cô ấy gần gũi và dễ hiểu đối với các bà ấy. Em đã tâm tình cởi mở với họ không chỉ một hai giờ đồng hồ đâu. Và em còn sẽ gặp gỡ với họ nữa. Tiễn chân anh xong (Kachia thở dài nặng nề và buồn bã) là em lại sẽ về làng...
- Thế còn bản thân bị cáo thì sao? Chị ấy có hình dung ra rằng tòa án Nga hoàng sẽ thóa mạ chị ấy bằng đủ mọi lời lẽ khủng khiếp nhất không?
- Về cô ấy, anh Ivan ạ, em không sợ. Qua một thầy cãi người ở Tômxcơ chúng em đã chuyển được tới cô ấy một đôi điều dặn dò. Em tin rằng cô Dinaiđa sẽ tỏ ra tự tin, can đảm. Chà, anh Ivan, giá anh mà biết được người phụ nữ tuyệt diệu ấy đã chịu một số phận cay đắng như thế nào! Nhân thể, em quên nói với anh là cô Dinaiđa Nôvôxelôva là em ruột bác Xtêpan Lukianốp.
- Em nói gì vậy?! Chà, nếu mà cô ấy có được cái thông minh của người anh ruột, lòng can đảm của bác ấy, thì quả thực cuộc xử án sẽ biến thành cuộc biểu tình chính trị. Thế anh em công nhân và sinh viên Tômxcơ ra sao? Không lẽ họ làm thinh ư?
- Tất nhiên là họ không im lặng rồi!
- Điều quan trọng là làm sao cho các nhà chức trách không đánh hơi thấy các hoạt động của bọn em trước thời gian đấy.
- Hình như, mọi việc đều đã tính trước. Nhưng dù sao đi nữa cũng phải sẵn sàng đối phó với mọi chuyện.
- Chính thế. Cuộc chạy trốn của anh là một thí dụ đáng ghi nhớ.
- Theo anh, Ivan, chỗ nào có thể đã xảy ra sự sơ hở?
- Anh đã suy nghĩ về chuyện ấy hàng giờ liền, Kachia ạ. Một trong hai khả năng: hoặc là bọn hiến binh lập tức, ngay từ nơi giam cứu đã giám sát anh và theo dõi anh từng bước, hoặc là thẩm lậu thế nào đó, qua ông chú Likhatsiốp của anh. Quyết định về việc chạy trốn của anh, về việc anh sẽ đến Xtốckhôn gặp chú, các đồng chí hẳn đã phải thông báo cho chú. Mà ở đó ai vây quanh ông, không rõ. Anh tin là các nhà chức trách nước Nga không thể để ông ở nước ngoài mà không có sự theo dõi.
- Thôi được, anh sẽ tới được Thụy Điển, anh Ivan ạ, có thể anh sẽ biết ra điều gì đó. - Kachia ngước nhìn Akimốp, nhìn từ biệt một hồi lâu.
- Anh sẽ cố gắng, Kachia. Anh sẽ cố gắng hết sức.
Họ cùng im lặng. Đột nhiên Kachia bật dậy, bổ đến chỗ anh, ôm lấy mái đầu bù xù của anh áp chặt vào ngực mình.
- Anh Ivan, thật hạnh phúc làm sao là chúng ta đã gặp nhau! Hạnh phúc nhường nào chứ! Em sung sướng quá.... Em không biết nói thế nào... Cuộc đời sẽ đem đến cho em cái gì đây, em không biết... Nhưng em không sợ gì hết. Em dự cảm thấy... chẳng bao lâu nữa, chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ ở bên nhau... Ivan, ta ra ngoài trời đi, ta cùng xem cái đêm đầu tiên của năm mới, năm chín trăm mười bảy này trôi qua như thế nào...
Họ mặc áo lông, dựng cổ áo lên, quấn chặt khăn quàng cổ và cùng nhau đi ra. Băng qua tuyết, leo lên một gò cao đã bị chặt sạch cây rừng, hai người đứng sát bên nhau, ôm nhau và ngửng đầu nhìn trời. Trời quang, không mây gợn và lấp lánh những đường bạc chạy xa mãi về đâu, đến nơi nào nơi nào đằng chân trời đen thẫm rơi vào những cánh rừng rậm rạp được ánh trăng bọc trong cái vỏ vàng soi sáng. Gió lặng. Cây cối phủ đầy tuyết đứng im lìm không lay động cả những cành nhạy cảm nhất với chuyển động của không khí. Thanh vắng quá đến nỗi ù lên trong tai.
- Lạy Chúa, thậm chí không thể tin rằng dưới vòm trời yên tĩnh như thế này trên mặt đất này lại đang diễn ra một cách ác liệt và dữ dội những trận giao tranh giữa người với người, - Kachia nói thầm thì.
Akimốp hít đầy lồng ngực, kêu to:
- Này, Năm Mới, xin chào mi! Chào mi, hãy phồn vinh cho loài người vui sướng!
Tiếng vọng theo giọng nói lảnh lót của Akimốp lay động bầu không gian tĩnh mịch, xao động trên ngọn rừng rồi im bặt, không để lại vết tích gì.
- Ta đi vào nhà đi, Kachia. Lạnh rồi... Anh sẽ kể cho em nghe cuộc sống của anh bên ông già Phêđốt ở rừng taiga xa xôi. Kể ra ông cụ không phải triết gia, như ông cụ Okenti Xvôbốtnưi của em, nhưng cũng là con người đáng kể.
- Tổ quốc nhiều đau thương của chúng ta lắm người như vậy, những người mugích và những bà bủ đáng kể ấy, anh Ivan ạ.
- Lắm thật và phong phú... Vào nhà đi, Kachia. Anh cóng rồi.
o O o
Suốt đêm hai người trò chuyện về nhiều đề tài và vấn đề. Gần sáng lên nằm trên giường gỗ, ấm người lên, họ mới thiếp ngủ, vừa lúc nghe có tiếng lịch kịch ngoài cửa. Akimốp bật dậy ngay, cảnh giác. Cửa hé mở, và ngay lúc đó nghe tiếng bác Lukianốp:
- Tôi đây mà, anh Ivan ạ. Sắp sáng rồi, vì thế tôi phải vội. Xin anh thứ lỗi cho là tôi đã phá giấc ngủ.
- Biết làm thế nào được?! Lúc nào đó khi khác tôi sẽ ngủ đẫy giấc, - Akimốp cười nhạt.
Trong nhà tối om và lạnh. Akimốp thắp đèn và vội bổ đến cửa bếp lò sắt, giúi vào đó những khúc gỗ bạch dương tròn. Một phút trôi qua - bếp lò rầm rì lên tiếng, những thành lò nóng hơi bắt đầu tỏa ấm.
- Thế chủ nhà chưa quay về ư? - đưa mắt nhìn quanh căn nhà, bác Lukianốp hỏi.
- Chưa. Chúng tôi đợi từ tối, - trở dậy khỏi giường, Kachia nói. - Chào bác Xtêpan, chúc mừng Năm Mới bác!
- Chào cô, cô Kachia! Chào cô! Cụ Okenti có lẽ đã đổi được bột và nói khéo với một bà chủ dễ mủi lòng nào đấy nướng hộ bánh.
- Có thể lắm. Chính là ông cụ tính làm như vậy, - Kachia xác nhận, vươn vai và sẽ ngáp.
- Cứ mặc ông cụ. Tôi mang bánh nhà đến đây. Và đặc biệt cho cô, Kachia, bác gái Tanhia gửi cho cô bánh sanga với phó mát tươi đây.
- Bác gái khéo chiều thật! - Kachia đi đến bên bàn, giúp bác Lukianốp bỏ thức ăn từ cái bao ra. Còn Akimốp thì lao đến cái bao vải bạt. Anh chộp lấy cái giây buộc bao, nâng lên, lắc trên tay, nghĩ bụng: «Đáng kể gì, nhẹ thôi!» Nhưng, giữ trên tay một lát, buông xuống: «Không nhẹ lắm đâu. Nhẩy tâng tâng với bao hàng như thế này chẳng chạy thoát được đâu».
Đứng bên bàn, bác Lukianốp theo dõi Akimốp.
- Thế nào, anh Ivan?
- Khá nặng.
- Chính đấy mới nên chuyện.
- Ít ra phải xem qua một chút. Biết đâu có cái gì đấy thừa hoặc hoàn toàn không nhất thiết.
- Đem lại đây, gần đèn, - bác Lukianốp dịch cái ghế đẩu đến chỗ Akimốp và với cây đèn.
Akimốp đặt cái bao lên ghế, bắt đầu lần cởi những nút giây ẩm ướt. Các nút giây thít chặt đến nỗi móng tay cũng như răng đều không gỡ nổi. Bác Lukianốp liền lấy con dao găm của mình ra cắt đứt một múi nút; bấy giờ giây buộc mới dễ dàng gỡ ra khỏi bao.
Akimốp giật sợi chuỗi tơ buộc miệng bao bạt và khi dang rộng mép ra, anh thấy các bó giấy. «Các công trình của chú! Những điều quan sát của bác học... Tiếng nói của khoa học», - thoáng qua trong đầu anh, và anh cảm thấy là hai tay anh run rẩy. «Nào nào, bình tĩnh nào. Có thể đây chỉ là những điều thực tế... Mà những điều thực tế còn chưa phải là khoa học... Chúng mới chỉ là nhưng viên gạch của tòa nhà... Chú Likhatsiốp thích nói như vậy... Để từ những viên gạch này xây nên tòa nhà, còn cần một công việc to lớn của bộ óc... Tư duy sẽ thâu tóm các điều thực tế vào một tổng thể thống nhất, nó biến những hiện tượng rải rác thành một khối tổng hợp, nó có khả năng nhìn thấy thời gian trước mắt và cả thời gian cực kỳ xa xôi. Và sức mạnh chủ yếu của nó là ở đó». Akimốp có cảm giác là anh nghe thấy tiếng nói của giáo sư Likhatsiốp, bao giờ cũng hơi gay gắt và công khai gây gổ...
Akimốp kéo một bó vở bìa kẻ. Đây là những cuốn nhật ký hiện trường của giáo sư Likhatsiốp. Giáo sư đã tổ chức bốn cuộc khảo sát ở vùng đất Keti. Có lẽ ở đây đã ghi lại tất cả những gì nhà bác học đã nhìn thấy, tìm biết, suy nghĩ. Ghi chép ngày này qua ngày khác, không bỏ sót một ngày nào... Chà, giá được thư thả giở đọc từng trang những cuốn nhật ký này, nhìn ngắm những bức vẽ các bờ dốc, những bãi cát, những bình nguyên và đồi núi, những vũng sâu trên sông và hồ nước. Ông chú hẳn rất cần đến các tài liệu này!.. Chẳng lẽ có thể viết một công trình tổng kết đồ sộ, lại không có trong tay những tài liệu này?! Ông sẽ phải cám ơn thằng Ivan khuấy đảo đến chừng nào, nếu tất cả những tài liệu này đột nhiên nằm lên bàn viết của ông. Và ở đâu kia? Ở Xtốckhôn, ở nơi đất khách quê người, ở nơi ông bị xua đuổi tới.
Akimốp buộc bó vở lại đúng y như nó đã được buộc trước đó, cất vào trong bao và lấy bó khác ra. Những miếng bìa các tông cứng giữ gìn cho khỏi gẫy. Akimốp tháo sợi giây bện chắc chắn làm bằng chỉ gai dầu. Những tấm bản đồ! Cả một tập bản đồ...
Sợ làm tắt đèn, Akimốp lấy một tấm bản đồ, thận trọng giở ra trên bàn. Ở mép trên anh đọc dòng chữ ghi, nét chữ cầu kỳ đặc sắc của ông chú: «Những dự kiến về quặng đa kim của Xibiri». Tấm bản đồ nhằng nhịt những nét bút gạch, nhiều chỗ tô đậm nét bằng bút chì đen và bút chì màu, ở các cạnh có những ghi chú gì đấy và nhiều dấu hiệu - những dấu thập, vòng tròn, hình vuông.
Gấp tấm bản đồ lại theo nếp cũ, Akimốp mở tấm bản đồ khác. Đến khi đọc chữ ghi, anh lặng đi vì đột ngột: «Các gò mộ Xibiri». Nhìn vào những dấu riêng biệt do bàn tay giáo sư Likhatsiốp ghi vào, Akimốp hiểu rằng tấm bản đồ các gò mộ là bản đồ đặc biệt. Trên bản đồ được ghi lại không những gò mộ mà từ lâu đã được biết và đã bị tàn phá, mà còn ghi cả những gò mộ chưa được biết đến, hiện thời còn khuất mắt con người. Xét qua các dấu ghi của nhà học giả, thì những gò mộ ấy còn không ít... Năm tháng trôi qua, nhưng khát vọng tìm được gò mộ, còn chưa bị cướp phá đi trước đó, chiếm đoạt lấy của cải không kể xiết trong gò mộ ấy, vẫn không rời bỏ con người trần tục. Trong các thời gian khác nhau, các đoàn người đào bới lao đi khắp các miền rộng lớn của Xibiri hết đến vùng này lại sang vùng khác, nhưng hoặc là họ đụng phải những nơi chỉ chôn cất thi hài thôi, từ lâu đã bị lấy hết của cải quí giá, hoặc họ đào phải những quả đồi bình thường, mà chỉ bề ngoài giống các gò mộ, còn trên thực tế chưa bao giờ là như vậy.
Akimốp nheo mắt, anh nhìn khắp tấm bản dồ. Anh quên cả là đứng cạnh anh còn có bác Lukianốp và Kachia, và họ đang sốt ruột nhìn anh, chờ đợi ở anh những lời gì đó.
- Sao, anh Ivan, có gì lý thú không? - Kachia hỏi, đỡ lấy khuỷu tay anh.
- Rất lý thú, Kachia ạ! Những tấm bản đồ này là công trình cả cuộc đời của chú. Chúng chỉ bảo cho các thế hệ mai sau rất nhiều điều.
Akimốp gấp tấm bản đồ «Các gò mộ Xibiri» lại một cách cẩn thận, nương nhẹ, như nâng niu một bảo vật rất lớn. Trong những giây phút đó anh cũng chẳng thể nào ngờ được rằng, một tên lưu manh có tên họ Ôxipốpxki nào đó, sống ở Xtốckhôn bên cạnh Likhatsiốp đang thầm ao ước chính tấm bản đồ này. Giúp đỡ cho ông Môpaxăng trong việc mua tài liệu lưu trữ của Likhatsiốp cho người Anh - mục đích của hắn không chỉ có thế. Mục đích của hắn cũng không phải chỉ là việc phục vụ trong cảnh sát chính phủ Nga hoàng. Trong thâm tâm, nhà khảo cổ Ôxipốpxki tính toán về một chuyện khác: từ lâu, năm năm về trước, một trong những bạn của hắn, làm việc trong sở công chính đế quốc Nga, biết ra được là ở Antai và vùng lòng chảo Minuxinxcơ có những gò mộ còn chưa ai dòm ngó. Giá mà khám phá được một gò mộ ấy! Tất nhiên không phải vì lợi ích khoa học, khoa học sẽ sống không cần phải có cái việc ấy, khám phá ra cho sự thịnh vượng của chính bản thân mình... Chính xác hay không, nhưng ai cũng biết rằng trong gò mộ người ta lấy ra những của cải kếch sù: những thoi vàng nén, những đồ trang trí mỹ nghệ bằng kim loại quí, những viên đá cực hiếm... Tất cả cái đó có thể thu vào tay; còn nếu khoa học có thò mũi vào công việc này đi nữa, thì cũng kiếm chác cho nó được chút đỉnh: những dụng cụ sinh hoạt, những đồ dùng thông dụng cổ xưa...
Niềm mơ ước thèm khát đã ăn nhập vào đầu óc Ôxipốpxki. Dần dà hắn bắt đầu tiến hành cuộc trinh sát xem ai là người ở nước biết tình trạng các gò mộ Xibiri. Hỏi bất cứ ai, hắn đều nghe một lời đáp: «Có con người như thế: Likhatsiốp Vênhêđích Petrmôvich. Nhưng ông biết không: ông ta ngồi trên các hòm kiến thức, như tên phù thủy ấy. Không cho ai đến gần mình hết».
Thế là khi đó Ôxipốpxki mới quyết định: «Ta sẽ lấy được bí mật, không cách này thì cách khác ta sẽ lấy được».
...Akimốp nhìn qua loa cả các tấm bản đồ khác: «Các dự kiến về than», «Phân bổ các loại cây rừng quí nhất», «Về vấn đề ảnh hưởng của rừng đối với nhiệt độ của vùng không khí Ôbi-Ênhixây», «Ôbi Iuganxkaia» (kèm theo những dấu ghi vết mỡ), «Các nguồn nước khoáng» (bảng tổng hợp các số liệu), «Bổ sung đồ án đổ nước miền bắc xuống phía nam».
Đóng các tấm bản đồ vào những miếng bìa các tông trước, Akimốp đọc trên một bìa các tông chữ đề bằng bút chì mờ mờ: «Cặp bìa cái bụng của tôi». Chữ ghi do bàn tay Likhatsiốp đề và chắc là một dấu hiệu ước lệ về giá trị những tài liệu này.
Akimốp đặt bó bản đồ vào trong bao và lại lần tìm ra một bó khác, toan kéo ra, nhưng vừa lúc bác Lukianốp xen vào:
- Anh Ivan, đến lúc uống trà rồi. Kẻo bác đánh xe lại phát bẳn.
- Đến giờ rồi, đúng thế, bác Xtêpan ạ. Tôi hơi quá mải một chút. - Akimốp xếp các bó tài liệu vào bao cho gọn hơn và thít giây miệng bao.
- Thế nào anh Ivan, anh mang cái bao theo chứ? Anh định thế nào? Không thay đổi quyết định chứ! - Kachia hỏi, nhận thấy Akimốp chợt trở nên khác thường - bối rối, tư lự, mắt nhìn đi đâu xa xôi.
- Đành liều, Kachia ạ. - Lặng im một lát, anh cất tiếng cười không vui tí nào. - Chẳng ai chết hai lần, mà đầu trên hai vai dù sao cũng chỉ có một. - Đi đi lại lại trong căn nhà, anh dừng lại bên cái bao, liếc nhìn cái túi bạt, mơ màng, thốt lên: - Chỉ cần đưa được tới nơi! Đưa được tới nơi nhỉ!
- Anh sẽ đưa tới nơi, anh Ivan ạ!
- Anh Ivan ạ, mọi việc đã sắp xếp tuyệt diệu rồi. Một người quen của Kachia - Piốt Xcôbenkin sẽ đưa anh đi từ đây ra tỉnh. Một chàng trai táo bạo, một xà ích tuyệt vời. Còn sau đó cũng không phải những thằng ngốc sẽ giúp anh đi tiếp, - làm yên lòng Akimốp, bác Lukianốp nói, giọng chững chạc.
Trời rạng sáng. Ánh sáng hồng dịu dàng của buổi ban mai mùa đông giá lạnh khỏe khoắn tuôn vào cửa sổ căn nhà của ông cụ Okenti. Kachia dọn bữa sáng lên bàn: bánh mới làm, cá muối, việt quất ướp lạnh để trong làn bạch dương. Mọi người ăn lặng lẽ, vội vàng.
Sau đó bác Lukianốp bỏ ra ngoài trời, hiểu rằng trong những phút cuối cùng, nên để Ivan và Kachia ở lại với nhau thôi.
Đến mươi phút sau bác mới quay lại.
- Người đánh xe vừa tới, anh Ivan ạ. Ngựa đứng ở gần các đống cỏ khô.
- Tôi ra ngay, bác Xtêpan ạ.
Akimốp và Kachia nhanh nhẹn mặc áo ấm, đi ra theo bác Lukianốp. Thẳng qua bãi trống phủ tuyết, bác Lukianốp dẫn Akimốp tới chỗ những đống cỏ khô, ở gần đó Piốt Xcôbenkin - người liên lạc trung thành của bác Lukianốp đang giậm chân tại chỗ trong cái áo lông dài, đôi ủng lông cao cổ và chiếc mũ bằng lông chó, chỉ háo hức muốn mau chóng thi hành công việc được giao.
Kachia đứng lại ngay cách nhà không bao xa. Akimốp lắc cái bao đựng giấy tờ của Likhatsiốp trên vai, bước đi, thỉnh thoảng lại ngoái lại. Kachia vẫy tay từ biệt. Khi Akimốp khuất sau các hàng cây, cô bật lên tiếng thút thít và chậm chạp lê bước về căn nhà của ông cụ Okenti.
o O o
Khi Akimốp lặng lẽ bắt chặt tay Piốt Xcôbenkin và cất bước đi theo ngõ hẹp tối tăm ở ngoại ô thành phố, thì đã là buổi tối khuya. Akimốp dừng lại bên ngôi nhà gỗ cửa đóng then cài. Anh nhìn quanh giây lát, màn tối lẫn với tuyết đang lả tả rơi những bông to xuống mặt đất, và khi tin rằng gần đấy không có ai, anh mới bước vào cái sân đất dài, vây chung quanh bởi một hàng rào cao bằng ván mỏng.
Nghe tiếng gõ ở cửa, bên trong lập tức có tiếng trả lời, có lẽ, ở đây người ta đã đợi anh.
- Ai đó? Ông cần gì? - một phụ nữ hỏi.
- Tôi ở chỗ nuôi ong tới. Tôi có mật ong đây, - Akimốp trả lời.
- Ông đợi cho một chút. Anh Brônhixláp sẽ ra ngay. - Cánh cửa sập lại, và sau một phút trước mặt Akimốp hiện ra một người đàn ông cao lớn, bộ ria trễ xuống, cái đầu húi cua, áo bành tô khoác trên vai.
- Tôi ở chỗ nuôi ong đến, bác Brônhixláp ạ. Ông chủ sai tôi.
- Tôi đã đợi từ lâu. Mọi người ở đấy vẫn khỏe mạnh cả chứ?
Người đàn ông cao lớn để Akimốp đi vào trước, đóng then cửa và, vì đã quen định hướng trong phòng đệm tối om, mở cửa vào nhà trong. Ở đây người cao lớn ôm lấy Akimốp.
- Chào đồng chí Granhít! Vậy là cuối cùng thì chúng ta đã gặp lại nhau!
- Chào đồng chí Brônhixláp! Lâu lắm rồi chúng ta không gặp nhau!
- Nếu tôi không nhớ nhầm thì từ tháng bảy năm mười bốn, đồng chí Granhít nhỉ. Anh nhớ cuộc gặp gỡ của chúng ta ở chỗ Lênin tại Pôrônin không?
- Làm sao không nhớ kia chứ! Những cuộc gặp gỡ như thế không thể quên được.
- Mà anh mang cái bao gì thế nhỉ? Tôi lại nghĩ anh đi nhẹ nhàng thôi, - đá mũi chân vào cái bao giấy tờ của giáo sư Likhatsiốp, Brônhixláp Naximôvích lo ngại hỏi.
Akimốp giải thích nguồn gốc cái bao hàng, dù thế nào đi nữa cũng phải mang cho được tới Xtốckhôn. Naximôvích ngẫm nghĩ, dang rộng hai cánh tay dài, nói:
- Điều bất ngờ này làm chúng tôi phải sửa đổi rất nhiều kế hoạch của chúng ta.
- Tại sao vậy?
- Vì để cho an toàn chúng tôi đã quyết định bố trí anh lên tàu ở ga phụ Pređtetsenxcaia, cách thành phố khoảng bảy vecxta. Không lẽ anh mang nổi cái bao này trên lưng.
- Tôi mang được.
- Dễ lộ.
- Thế làm sao đây?
- Đành phải thay đổi phương án. Còn có một khả năng nữa. Trong đêm nay chúng tôi sẽ thu xếp. Cởi áo ngoài ra đi, đồng chí Granhít, uống trà đi. Masa, cháu thết đãi khách đi chứ nhỉ. Chắc là ông khách đi đường đã đói meo rồi.
Từ phòng bên bước ra một cô gái tóc màu hạt dẻ, đôi mắt tròn xoe. Đưa mắt nhìn Akimốp từ đầu xuống chân, gật đầu chào anh và bắt tay vào dọn bàn. Cô gái hết đi vào sau tấm bình phong, hẳn ở đó là chỗ bếp núc, lại từ đó trở ra, tay bê tách chén, đĩa ăn. Mỗi lần như vậy, nhìn cô gái, Akimốp lại cảm thấy, cô ta làm anh nhớ đến một người nào đấy, và không chỉ bởi vẻ ngoài mà cả bởi cái dáng đi, cách nói, miệng cười.
Naximôvích và Akimốp vừa ngồi vào bàn, không những để ăn mà còn trò chuyện, thì ngoài cửa sổ trông ra sân nghe có tiếng gõ. Qua cách gõ - ba tiếng và lại thêm ba tiếng nữa, - chắc là người của ta đến.
- Đuxia đến rồi! - Masa reo lên, đặt ấm xamôva nóng hổi lên bàn.
- Để bác ra, Masa. - Naximôvích khoác vội áo bành tô lên vai và đi ra cửa.
- Thế mà cháu đã thấy chú rồi đấy. Trên bức ảnh của bố cháu. Chú cầm con cá măng to ơi là to. Ở đấy chú khác kia - không có râu, còn trẻ măng, - Masa nói và, lườm lườm nhìn Akimốp, tặng cho anh một nụ cười hiền hòa, trong sáng.
- Trên bức ảnh của bố cháu... Bố nào thế nhỉ? - Akimốp băn khoăn hỏi.
- Bố cháu ấy. Lukianốp Xtêpan Đmitrievích, - Masa cười nhạt và, nheo mắt, chăm chú nhìn Akimốp.
- Hóa ra là thế, cô cứ làm tôi nhớ đến bác ấy! - Akimốp vui lên. - Vậy mà nhìn cô, tôi không sao nghĩ ra được là cô giống ai... Rất vui, rất vui mừng được làm quen với cô. Bác Xtêpan là bạn đã từ lâu của tôi.
Cửa mở ra, và Naximôvích, đỡ khuỷu tay đưa thêm một cô gái nữa vào phòng.
- Còn đây là Đuxia, chị gái cháu, - Masa nói và, chạy bổ đến chỗ người chị, đỡ lấy khăn đội đầu và tấm áo măng tô dạ xanh có cổ lông thỏ trắng. Cô treo cả lên chiếc đinh ở góc nhà.
Đuxia rất giống Masa. Cũng tầm vóc như vậy, cũng gương mặt tròn, cũng đôi mắt to cảnh giác ấy. Thậm chí mái tóc cũng bện chặt thành cái đuôi xam to như của cô em. Và Đuxia cũng ăn mặc hệt như cô em: chân đi ủng lông đen, áo váy dài bằng vải bông - sọc vàng trên nền nâu sáng, cổ áo màu vàng bằng chỉ nhuộm.
- Chà, Đuxia thân yêu, cám ơn cháu là cháu đã đến. Cùng với Masa, hai cháu sẽ chóng làm xong công việc, - không giấu sự hài lòng, bác Naximôvích nói.
Đuxia ngước nhìn Akimốp như có vẻ hoảng sợ, rõ là ngại ngùng anh. Cô nghiêng người đi qua bên cạnh anh sang phòng bên và đi khá vội vàng. Và có lẽ chỉ có sự e lệ ấy của cô có phần khác biệt với Masa.
- Người xếp chữ của chúng tôi đấy, - Naximôvích nói thì thào, nhìn theo Đuxia với vẻ hàm ơn. - Mà tiện thể này, đồng chí Dôxia chưa gửi lời văn tờ truyền đơn đến chúng tôi ư?
- Tôi mang đến đây rồi. Nó đây. - Akimốp lấy ở túi ra tờ giấy đưa cho Naximôvich.
- Để xem, để xem, - bác Naximôvích háo hức nói, vội đeo ngay mục kỉnh vào và bắt đầu đọc. - Khá lắm... đạt lắm... trúng tủ... – thỉnh thoảng bác lại thốt lên và gật gù mái đầu húi cua đồ sộ.
Đọc hết tờ truyền đơn, bác sang vội phòng bên cạnh, từ đó vọng ra tiếng hai chị em rầm rì trò chuyện. Sau đó ở đấy lặng đi, sau một phút vang lên những tiếng nặng nề trầm trầm, những tiếng ấy chỉ xuất hiện khi cánh cửa đóng chặt vào tầng hầm mở ra.
«Ê, hóa ra ở đây là xưởng in của họ», - Akimốp đoán ra, và anh căng tai để ít ra phát hiện ra một dấu hiệu nào đó của công việc nọ. Nhưng trong nhà bỗng nhiên trở nên im lặng đến mức bên tai anh nghe inh inh.
Lát sau bác Naximôvích trở lại. Bác lấy ở chỗ bí mật ra tấm hộ chiếu của Akimốp và một phong bì đựng tiền.
- Đồng chí Granhít, đây là hộ chiếu và tiền nong của anh. Anh hãy xem lại kỹ lưỡng.
Akimốp mở tấm hộ chiếu ra. Cần phải làm cho mình quen với ý nghĩ là từ nay anh không còn là Akimốp Ivan Ivanôvích nữa và càng không phải là đồng chí Granhít, mà là Kônxtantin Kônxtantinôvích Pôbenxki, đại diện của công ty điện thoại Thụy Điển và Đan Mạch tại Iếccútxcơ; công ty này đang thực hiện ở hàng loạt thành phố nước Nga các hợp đồng về xây dựng các trạm điện tín và điện thoại.
Akimốp xem lại các giấy tờ một cách không vội vàng, cặn kẽ. Anh đặc biệt xem kỹ dấu thị thực xuất cảnh. Liệu có lộ là dấu giả không? Anh xem xét kỹ những đồng tiền Thụy Điển - những giấy bạc đã khá cũ kỹ với hình một ông vua Thụy Điển - một ông già cau có, ảm đạm, từ dưới hai hàng lông mày rậm rủ xuống nhìn gằm gằm khá là khả nghi mỗi ai định cầm ông ta lên tay.
- Nhưng mà trang phục của anh thì lại không hợp với chuyến đi này, đồng chí Granhít ạ, - bác Naximôvích nói, khi Akimốp xem xét xong giấy tờ. - Và cũng phải lưu ý là vẻ ngoài cũng không thích hợp đâu đấy.
- Dân taiga, con người của rừng taiga mà! - Akimốp cười và bất lực dang rộng hai tay.
- Thôi không sao, sẽ tìm ra lối thoát, - im lặng một lát, bác Naximôvích nói. - Râu tóc của anh tôi sửa sang dễ thôi. Và anh cứ yên tâm, tôi làm chuyện đó không kém gì một thợ cắt tóc nào đâu. Hồi trẻ ở Vácsava tôi đã là thằng bé học việc của một ông thợ lành nghề danh tiếng. Sau này nhiều lần tôi cũng lại làm cái nghề này, - bác Naximôvích nói thêm, nhận thấy cái nhìn ngờ vực của Akimốp. - Nhưng còn bộ comlê, bành tô... Nhất định là anh không thể lên tàu mà lại mặc áo lông cộc, quần may chần và đi giày ủng lông rách nát... Quên không lo trước chuyện này, quỉ thật! Rõ là cần thiết phải có trang phục... Vậy mà đầu óc quên bẵng mất... - bác Naximôvích đứng tư lự, phân vân chuyện gì đó, rồi đột nhiên, lấy được tự tin, bác búng ngón tay một cách ngang tàng: - Thế này nhé, đồng chí Granhít, anh thử khoác áo vestông và bành tô của tôi vào xem...
- Lột của bạn bè - là cái việc không vui thú gì cả. - Akimốp ngập ngừng đứng dậy, ngượng ngùng rũ đôi vai xuống nhưng quả thực không còn cách nào khác.
Áo bành tô và vestông của bác Naximôvích Akimốp mặc cũng vừa. Tất nhiên, Akimốp mặc nhưng thứ ấy không phải là lý tưởng - bác Naximôvích to lớn hơn, vai rộng hơn, cao hơn một chút, nhưng ai hơi đâu mà đi tìm bới ra một vài chỗ không hoàn hảo trong áo quần của chàng đại diện công ty điện thoại Thụy Điển và Đan Mạch?
- Đồng chí Granhít, trong lúc anh nghỉ ngơi, tôi về nơi ở và mang bộ comlê và áo bành tô đến cho anh. Kể ra thì bành tô không phải loại mùa đông, mà là mùa thu. Kể ra thì thế lại hay hơn. Dù sao đi nữa ở đấy cũng không phải là Xibiri, mà là châu Âu...
- Lại còn một đề nghị nữa, đồng chí Brônxixláp, - bác lấy cho vài tờ báo... Tôi lạc hậu đối với mọi sự đời, muốn được biết xem người ta đang sống ra sao...
- Được, tôi sẽ lấy cho, nhất định sẽ lấy cho, - bác Naximôvích hứa hẹn.
o O o
Ngày hôm ấy Xtêpasca Lukianốp đi làm, chẳng chờ đến lúc Đuxia và Masa về. Trước đây cũng đã có chuyện như vậy. Thường làm các ca đêm, hai chị em nán lại suốt buổi sáng và khi về đến nhà đã nửa ngày rồi, người mệt rũ.
Xtêpasca Lukianốp làm phu khuân vác ở kho hàng đồ sắt của mụ thương gia Nhêkraxôva. Thường là ngay từ sáng sớm chú vào chuồng ngựa lấy con ngựa hiền lành, to lớn, chân mập, có cái tên là Malưs ra, thắng nó vào chiếc xe trượt tuyết, chất đầy những hòm đinh, hòm dụng cụ đồ nghề, móc, bản lề cửa sổ và cửa ra vào các loại ổ khóa, rồi chở đến các khách đặt hàng.
Khách đặt hàng ở trong thành phố, ở ngoại ô, và thậm chí cả ở vùng ven thành - trong những rừng bá hương Prôtôpốp và Bôgasép, nơi bọn thương gia Tômxcơ và các giáo sư khá giả của trường đại học tổng hợp vẫn xây dựng các biệt thự - những ngôi nhà lớn bằng gỗ ghép hảo hạng lợp mái tôn, với những ô cửa sổ to rộng kiểu Italia, với những hàng hiên thoáng đãng. Vào mùa thu các tòa biệt thự thường bỏ hoang, nhưng đến mùa đông, dịp sắp sang xuân thì tại đây, trong các rừng bá hương, bắt đầu vang lên tiếng chí chát - các ông chủ sai phái thợ đến tiến hành công việc tu sửa.
Đi tới kho hàng, Xtêpasca liền tìm vào văn phòng gặp quản lý trưởng Vikenchi Dakharôvích để nhận ở ông ta các giấy nhận hàng chuyển vật liệu. Văn phòng nằm ở cửa hiệu chính chiếm cả tầng dưới của tòa nhà gạch to lớn, có cửa mái hiên trang trọng và những ô cửa sổ rộng thênh thênh trông ra một trong những phố sầm uất nhất. Từ kho đến văn phòng phải đi qua cả cái sân và vào tòa nhà chính.
Huýt sáo một cách vô tư lự, Xtêpasca đi đến gặp Vikenchi Dakharôvích. Bây giờ chú ta sẽ nhận được giấy nhận hàng, sẽ cùng anh giám mã thắng con Malưs vào xe, chất đầy các hòm vật liệu lên xe trượt, rồi đem hàng đến các địa chỉ. Đến bữa trưa quay trở về và, có thể, cho đến chiều tối còn kịp đánh xe đi một chuyến nữa, còn nếu muộn rồi, thì lo công việc ở kho. Ở đây bao giờ cũng sẵn việc, cứ việc è lưng ra mà đỡ. Mụ Nhêkraxôva ngay từ đầu chiến tranh đã mua vào một loạt rất nhiều hàng đồ sắt và trong những năm vừa qua đã vớ bẫm. Không chỉ các tầng trên của nhà kho, mà cà nhà hầm cũng chất đầy các hòm vật liệu, căn nhà hầm trải rộng khắp cả địa phận của cái kho chứa hàng. Các ngách gần bây giờ đã rỗng rồi, nên bây giờ buộc phải khuân các hòm vật liệu từ dưới nhà hầm lên. Công việc rất nặng. Chui xuống dưới đó theo cái thang sắt hẹp, như trong hầm tàu, một hai lần là hai chân bắt đầu run rẩy đến nỗi chẳng còn thiết trời đất gì nữa. Phu khuân vác của mụ Nhêkraxôva quá ít. Mụ thương gia không thích bỏ của ra để trả công cho người làm. Cứ đàng hoàng ra thì ở đây hai chục người cũng còn là ít, vậy mà cả kho tổng cộng chỉ có bảy tay mugích, kể cả Xtêpasca.
Vikenchi Dakharôvích đã làm cho mụ Nhêkraxôva nhiều năm rồi, coi trọng sự ưu đãi của mụ chủ và cố làm vừa lòng mụ ta. Lão quát tháo người làm, còn Xtêpasca đã mấy lần vì những lỗi lầm lặt vặt bị lão lôi tai giằng tóc.
Và bây giờ đây, giúi cho chú thiếu niên tập vận đơn, lão đấm xuống bàn:
- Không được để phí thời gian vô ích! Chở hàng cho các khách đặt xong là lập tức về cho mau. Tao sẽ xua tất cả mọi người xuống nhà hầm phân loại các hòm hàng.
- Tất nhiên rồi, Vikenchi Dakharôvích, - Xtêpasca ngoan ngoãn trả lời và, hơi quay sang bên, tinh nghịch thè lưỡi ra giễu.
Vừa nhảy ra sân, Xtêpasca tẹo nữa thì xô ngã chính chị Đuxia của chú. Đuxia đã đi lại ở đây mấy phút rồi để tìm cậu em.
- Cậu mất tăm mất tích đi đâu thế? Có việc đây. Bác thợ may đề nghị chở một đồng chí tới Bôgasêva. Bố chúng mình vừa chuyển một người chạy trốn từ Narưm về đây, - ghé sát tai em, Đuxia nói cho biết.
- Đến Bôgasêva ư? Nhưng hôm nay em không có hàng chở đến đấy...
- Thiếu gì chuyện không có! Một khi bác thợ may đã đề nghị, nghĩa là cậu phải đi thôi... Đến chỗ đi qua đường sắt vào lúc mười giờ sẽ có một anh mugích trẻ để râu cằm, mặc áo bành tô cổ nhung đến gặp cậu. Tay anh ta xách cái bao vải bạt. Anh ta sẽ nói với em: «Các chị cậu gửi lời chào cậu». Cậu phải trả lời: «Ngồi lên, tôi chở đi». Cậu chở anh ấy đến Bôgasêva và quay trở về... Cậu hiểu không, Xtêpasca? - Đuxia nghiêm nghị hỏi, giấu gương mặt mình vào trong cổ áo trắng để tránh ngọn gió giá buốt lượn vòng trên sân rộng.
- Em hiểu, chị Đuxia ạ. Chạy đi... Kẻo các bác phu khuân vác ở dưới nhà hầm lên kìa, - Xtêpasca bắt đầu lo lắng. Đuxia vội lao ra khỏi cổng. Cái cổng rào đập mạnh, vòng khóa sắt lớn rít lên cáu kỉnh.
Xtêpasca đi vào nhà kho, tính toán xem chú làm thế nào thu xếp cho khéo léo hơn để hoàn thành việc bác thợ may đã giao cho.
Không phải lần đầu bác Naximôvích tìm đến sự giúp đỡ của Lukianốp con. Vừa mới cách đây chẳng bao lâu, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, ngay trước mắt bọn cảnh sát chú bé đã chở cả một hòm con chữ in, mấy cái khung để lên khuôn các trang in các khổ khác nhau từ xưởng in tỉnh ra và đưa tất cả mọi thứ đó theo qui định - đến xưởng in bí mật ở ngoại ô thành phố.
Cũng nhờ sự giúp đỡ của chú một tập truyền đơn đã được chở đến thị trấn quân sự; nơi ngày đêm đang chuẩn bị các đại đội tiếp viện cho mặt trận. Hậu cần của quân đồn trú đã đặt mua của mụ Nhêkraxôva một trăm hòm đinh để dựng thêm các lán mới. Quân số lính động viên mỗi ngày một thêm đông. Ban hành lệnh động viên thậm chí cả đàn ông năm mươi tuổi. Các doanh trại cũ không chứa hết lính mới bị gọi, và vì thế mà các doanh trại mới phải vội vã xây dựng cho mau.
Trong thị trấn quân sự một tổ chức bônsêvích đã gây được cơ sở vững chắc. Tuy nhiên, duy trì liên lạc với tổ ấy không dễ gì. Binh lính cấm ngặt không được rời nơi đóng quân ra tỉnh.
Chính vào lúc ấy Xtêpasca lại bắt đầu mỗi ngày hai chuyến đánh xe đi về thị trấn ấy. Bác Naximôvích biết được chuyện ấy qua Đuxia và Masa. Không sử dụng cơ hội như thế này quả thực là một tội lỗi.
Xtêpasca không chút lưỡng lự nhận chở truyền đơn giấu vào một cái hòm cũ trước cũng đựng đinh. Trong khi dỡ hàng, việc này do binh lính của đại đội hậu cần đảm nhiệm, cái hòm đựng truyền đơn có đánh dấu chữ thập đen, đã lọt vào hai bàn tay đáng tin cậy của viên thiếu úy được cử làm chỉ huy đại đội lính và lãnh đạo tổ chức bônsêvích tại đây.
...Cân nhắc trong đầu mọi tình huống trong ngày trước mắt, Xtêpasca vội đi đến chuồng ngựa. Mau thắng ngay con Malưs vào xe, chất hàng lên và ra đi, kẻo lão Vikenchi Dakharôvích lại nghĩ ra một công việc gì khác chăng. Có lần đã xảy ra chuyện như vậy - Xtêpasca đã xếp hàng lên cỗ xe trượt, nhưng lão quản lý trưởng lại dở chứng, đứng ở cổng quát rinh lên:
- Quẳng các hòm xuống! Đánh xe đến máy xay của ông Phucxman lấy bột về.
Nếu bây giờ lại xảy ra chuyện gì tương tự thì Xtêpasca sẽ làm hỏng việc của bác thợ may và cái anh chạy trốn từ Narưm mà bố đã đưa qua rừng taiga về thành phố...
Xtêpasca thắng con Malưs vào xe trượt, đánh xe đến kho hàng và không đợi đến lúc phu khuân vác đến giúp, bắt tay ngay vào khuân các hòm đinh. Phiếu giao hàng khá nhiều, mà cái chính là người đặt hàng lại ở các đầu tỉnh khác nhau. Nhà của đức giám mục ở phố Pôtstamxcaia, còn căn hộ của ông kỹ thuật viên giám thị đường sông - ở Daôderie, sau bến cảng... Không, như vậy thì không xong... Xtêpasca đâu có thời gian đánh xe dạo khắp thành phổ... Ở dưới cột đèn mờ ảo bên cửa vào nhà kho, chú lọc ra những phiếu nhận hàng mà chú tiện đường. Pôtstamxcaia, Đvôrianxcaia, Bunvarnaia...
- Thế nào, Xtêpasca, giúp chú chứ? - một người trong đám phu khuân vác hỏi. Cùng một lúc có ba người tới.
- Cháu chất xong hàng rồi ạ, - Xtêpasca trả lời, lấy ống tay áo lửng lau bộ mặt nhễ nhại mồ hôi và đẩy cái mũ bằng lông thỏ lên đỉnh đầu.
- Gì mà cậu ra sức ghê thế, anh chàng kỳ quặc! Hay là bà chủ Nhêkraxôva hứa hẹn thưởng gì cho chăng? Xem kìa, người cậu tỏa cả hơi ra, - vẫn người phu khuân vác ấy nói, giọng thông cảm.
- Hắn ta gắng sức! Biết đâu đấy bà chủ lại cắt đặt hắn thay vào chỗ của ông Vikenchi Dakharôvích ăn sống nuốt tươi mọi người! - người phu thứ hai nói, giọng chê trách và gay gắt.
Nhưng cả sự thông cảm lẫn sự phê phán đều không đọng lại trong ý thức của Xtêpasca. «Phải ra khỏi sân cho mau, rõ mau», - chú nghĩ vậy.
- Nào, Malưs, phóng lên! Nào! - Xtêpasca giật giây cương. Cỗ xe trượt chở đầy rít lên, những cái vó nặng nề của con ngựa cất tiếng nện trên mặt đất băng lạnh.
- Bác Vaxia, cháu phải đưa nhiều hàng. Cháu không về ngay được đâu đầy! - ra tới cổng Xtêpasca kêu to.
- Cứ đi đi! Tụi tao lo được! - người phu khuân vác trả lời, nhận thấy rõ chú thiếu niên hôm nay vội vã khác thường và thêm vào đó lại lo lắng một chuyện gì đó của mình.
o O o
Xtêpasca vội cuống vội cuồng đem hàng trả cho khách. Trên xe chỉ còn hai hòm: một hòm đinh và một hòm vật liệu. Hai hòm này không của ai cả, chú cố tình đem đi chỉ để ngụy trang.
Trên phố xá đã sáng rõ hẳn rồi, khi Xtêpasca thúc con Malưs, vội vã đánh xe tới chỗ đi qua đường sắt. Đồng hồ riêng chú không có, nhưng ở một chỗ chú hãm ngựa lại và hỏi một bà to béo với một con chó to lớn lông bù xù dạo chơi trên đường hàng cây:
- Bà làm ơn cho biết bây giờ là mấy giờ rồi ạ?
- Mười giờ kém mười lăm, cậu bé ạ, - bà nọ trả lời khá nhã nhặn, nhưng con chó của bà ta lại gầm gừ, choãi chân, căng cả giây xích lên, như sợi giây đàn.
Xtêpasca lấy roi quất con Malưs:
- Chạy cho vui vẻ lên một tý, nào nào!
Đến giờ hẹn còn lại mười lăm phút nữa, kể ra thì đây đến rừng cây bạch dương cũng chỉ còn một vecxta rưỡi nữa thôi. Nhưng không phải người ta nói vô ích: con người giả định, còn Chúa quyết định.
Mong muốn đi qua chỗ vượt đường sắt theo con đường ngắn hơn, Xtêpasca ngoặt vào một ngõ hẹp, sau khi đi qua ngõ ấy đến chỗ ra đường sắt chú đuổi kịp ba người lính đeo súng đang nối theo nhau bước đi giữa đường. «Phải vượt họ, nếu không đúng đến chỗ rừng bạch dương họ sẽ bắt gặp mình với người kia», - nghĩ vậy Xtêpasca lại thúc ngựa thêm.
Còn cách những người lính chừng hai chục bước. Bỗng chợt người lính đi đầu tách ra và đứng lại rồi giơ tay lên, quát to:
- Dừng lại! Ta bảo, đứng lại!
Xtêpasca hiểu rằng nếu chú có ý định vọt qua bọn lính thì chú cũng chẳng đi thoát: một đầu tàu kéo theo đoàn toa hàng dài ì ạch đi qua chỗ đường gặp nhau. Kéo căng giây cương, muốn hay không Xtêpasca cũng đã hãm Malưs lại, mặc dầu không biết sự thể còn xoay chuyển ra sao nữa.
- Này cậu bé, phóng đi đâu thế, - người lính mang lon mà Xtêpasca nhận ra là lon thượng sĩ, hỏi.
- Đi đến nơi cần đến! Thế ông không thấy cung càng xe có chữ đề là: «Hiệu buôn của nữ thương gia Nhêkraxôva ư»?.. - vì hồi hộp giọng Xtêpasca run cả lên.
- Xe của bà nữ thương gia thì lại càng hay. Có chở người của nhà nước cũng chẳng nghèo đi đâu. Này anh em ơi, lên xe đi, cánh mình cả đây mà! - người thượng sĩ không chờ được sự đồng ý của Xtêpasca, nhảy ngay vào lòng xe trượt ngồi lên cái hòm gỗ. Ngay phút đó hai người lính kia cũng đã lên ngồi ngay cạnh.
Malưs, cảm thấy xe nặng hơn, liền đi chậm lại. Xtêpasca nhìn những người lính đang thở hổn hển nặng nhọc, thấy rõ là chẳng thể nào bắt họ xuống khỏi xe đâu.
- Các chú đi đâu thế? - Xtêpasca hỏi, thầm tính xem nên làm thế nào gỡ ra khỏi câu chuyện rắc rối bất ngờ này.
- Đến nhà máy thủy tinh ở Lutsanốpca, - người thượng sĩ trả lời.
- Các chú quên gì ở đấy thế?
- Cánh này thì chẳng quên gì đâu, nhưng thượng cấp hẳn là có quên gì đó thật. Cậu bé ạ, lính tráng chẳng qua cũng chỉ là cái đồ súc vật bắt buộc. Quan trên ra lệnh - cứ là đi! - Người thượng sĩ ẩn ý xa xôi, đưa mắt nhìn đồng đội.
- Thế thì, các chú ạ, tôi đi cùng đường với các chú chẳng được dài lắm đâu. Tôi phải đến Bôgasêva! Tí nữa, sau chỗ đường tàu chạy qua này, ông quản lý trường Xeliphôn Akimôvich sẽ lên xe. Có lẽ ông ấy đợi tôi rồi đấy. Bà thương gia đang dựng nhà ở rừng bá hương, vì thế chúng tôi cứ phải đi đi về về, - Xtêpasca bịa chuyện.
- Thế thì cậu chở giúp chúng tôi được ít nào hay ít ấy, thế cũng cám ơn cậu lắm lắm rồi. Ông quản lý không đuổi chúng tôi chứ?.. Cậu nghĩ thế nào? - người thượng sĩ lo ngại.
- Không đâu. Mà trên xe đủ chỗ, - Xtêpasca nói giải hòa. Chú chợt cảm thấy rằng việc chú chở mấy người lính như thế này thậm chí lại hay nữa. Ít ra thì không một quân đê mạt cảnh sát nào dừng xe chú lại, vặn vẹo chú đi đâu, làm gì. Binh lính mang súng, cứ nhìn qua cũng rõ, lại đang bực bội, thế thì đừng có gây sự vớ vẩn... Chỉ có làm thế nào xếp sắp cho cái người mặc áo bành tô cổ nhung lên xe cho khéo léo hơn đây?
Xtêpasca nhìn thấy anh ngay khi chú vừa vượt qua chỗ gặp đường tàu. Bên vệ đường cạnh rừng bạch dương là một kho củi, có hàng rào vây quanh. Akimốp đứng cạnh hàng rào ở góc trông ra đường. Nhìn thấy cỗ xe đi tới, anh tiến lên trước ba bước để người đánh xe có thể nhìn thấy anh. Anh mới đứng ở đây được nửa phút. Anh không nhìn thấy ngay mấy người lính. Cái thành trước của xe ghép bằng ván khá cao nên thoạt đầu anh không thấy họ. Nhưng đến khi xe vượt qua đường tàu xuống dốc, cỗ xe quay lại thì Akimốp liền nhìn thấy rõ ràng những người lính. Không ngờ có sự việc này, anh vội lùi lại vào góc rào. «Không khéo ông ấy lại chuồn hẳn mất», - Xtêpasca lo lắng nghĩ, quyết định đánh liều. Ghìm ngựa lại ở trước kho củi, Xtêpasca, khua tay, lên tiếng:
- Ông Xeliphôn Akimovich, mời ông lên xe! Xin ông vì Chúa đừng trách mắng cháu đã cho các chú lính ngồi nhờ xe. Dù sao đi nữa cũng thương các chú lính. Ta cho họ đi nhờ tới chỗ rẽ đi Lutsanốpca.
Trong giây lát đầu, Akimốp ngẩn người, nhưng Xtêpasca đã nhìn thẳng vào anh, đầy ngụ ý, cho anh hiểu là mọi chuyện đều êm đẹp cả.
- Chào anh em nhà lính! - vừa đi tới xe và như một người chủ xếp cái bao lên xe, Akimốp lên tiếng:
- Xin có lời mừng, quí ông, - những người lính cùng trả lời và ngồi xích thêm vào bên nhau, nhường chỗ tốt nhất cho ông «quản lý trưởng».
Xe ra khỏi rừng bạch dương, thành phố khuất sau rừng. Ở đây gió thổi xuyên thấu da thịt. Những người lính cụm sát vào nhau, kéo chụp mũ sụp đến tận mắt, dựng những cổ áo capốt cũ lên. Gió xuyên thấu cả da thịt Akimốp. Để tránh gió, anh ghé sát vào bên người thượng sĩ, bằng cái lưng mình sưởi ấm cả người lính cả bản thân mình.
- Cái áo của quí ông, thưa quí ông, đại loại cũng như của chúng tôi. Chẳng ấm được chút nào, - người thượng sĩ bật cười.
- Sơ ý! Buổi sáng đã định mặc áo lông, nhưng lại tưởng trời ấm. Bây giờ thì, thấy đó, gió cứ lộng lên, Không như trong thành phố - vất vả mấp máy đôi môi cóng lạnh, Akimốp lẩm bẩm.
Sau nửa giờ những người lính nhảy xuống xe. Đứng giậm chân gần chỗ rẽ về Lutsanốpca, họ thân mật vẫy tay từ biệt và cảm ơn Xtêpasca và Akimốp đã cho đi nhờ xe.
Hai người nín lặng mấy phút liền. Bây giờ Xtêpasca che chở cho Akimốp khỏi ngọn gió thổi ngược lại. Đối với chú, băng giá và gió rét chẳng đáng kể gì! Mặc áo lông cộc, giày ủng lông, mũ lông, cổ quấn khăn, chú cảm thấy như đang ở nhà.
- Nào, cậu nhớ xem, trước mặt những người lính cậu đã gọi anh là gì nào? - cười khẩy, cuối cùng Akimốp lên tiếng và càng ghé sát thêm vào bên sườn Xtêpasca.
- Xeliphôn Akimovich. Đấy là tên ông quản lý cửa hàng ở chỗ chúng tôi.
- Xeliphôn Akimovich! Chà, chú em ơi, chú đặt tên cho anh mới kêu chứ! Suốt đời anh sẽ không quên được mất.
- Nhưng biết làm sao chứ? Họ cứ thế nhảy lên ngồi vào xe, thậm chí cũng chẳng hỏi nữa. Cứ ngồi phứa vào thôi! Đến khi tôi trông thấy anh là anh như định bỏ đi, thế là phải kêu lên, nghĩ bụng muốn ra sao thì ra.
- Làm thế đúng quá... Thế chú có biết chú chở ai không?
- Trong chừng mực cho phép, tôi biết chứ.
- Cảm ơn chú giúp đỡ. Có thể, có dịp ta lại gặp nhau.
- Mọi chuyện đều có thể.
Akimốp cóng lạnh đến mức anh run lên lật bật.
- Anh xuống xe đi và chạy theo xe. Anh cần phải sưởi ấm người lên.
Akimốp nhảy xuống xe, còn Xtêpasca giật cho con Malưs phóng nhanh. Chân đi đôi giày lồng vào trong giày cao su, trượt trẹo ở những chỗ ổ gà, Akimốp chạy theo sau cỗ xe. Anh chạy, có lẽ tới một vecxta, cảm thấy, bất chấp ngọn gió rét buốt phả vào mặt, cái nóng đã chảy lan khắp cơ thể.
- Chú bạn nhỏ, đợi anh với, anh nóng người lên rồi, - Akimốp lên tiếng khẩn thiết, khi họ đã vượt qua một rãnh xói rộng, lại leo lên đồng bằng.
Xtêpasca ghìm con Malưs lại và chờ Akimốp.
Cả đoạn đường đi từ cánh rừng đến Bôgasêva chiếm mất hai tiếng đồng hồ. Khi những căn nhà chắc chắn làm bằng những thân gỗ loại tốt của nông dân Bôgasêva hiện ra, Akimốp hỏi Xtêpasca xem chú định cho anh xuống chỗ nào.
- Ở quãng kia thôi, không xa lắm, chưa đi đến các ngôi nhà. Còn anh cứ theo đường tàu thẳng đến sân ga, - Xtêpasca nói và nhìn Akimốp với lòng thông cảm. Muốn an ủi người bạn đường của mình, buộc phải trốn tránh con mắt của mọi người, Xtêpasca trầm ngâm nói thêm: - Mà anh cũng đừng buồn phải ra đi bí mật. Chẳng bao lâu nữa sẽ nổ ra cách mạng. Bấy giờ thì anh sẽ tha hồ dạo chơi trên đường phố chính Pôtstamxcaia...
Lời nói của Xtêpasca làm Akimốp xúc động đến tận đáy lòng. Anh hồi hộp ôm vai chú thiếu niên vào sát mình, nghiêm nghị bậm chặt môi, thầm nghĩ: «Sẽ vậy đó, anh bạn thân mến ơi! Sẽ như vậy! Sẽ như vậy!»
Gần lối mòn xuyên qua đống tuyết, Xtêpasca dừng con Malưs lại.
- Ở chỗ này có thể lên ngay mặt đường sắt. Chúc anh lên đường may mắn.
- Hay lắm. Chúc chú em hạnh phúc, thành đạt! - Akimốp xốc cái bao, hất lên lưng, vội rảo bước lần lên dốc đường sắt.
Từ xa thẳm trong màn bụi tuyết bốc lên cao bởi trận gió mỗi lúc một mạnh thêm, vẳng đến tiếng tàu hỏa chạy xình xịch phía đằng xa. Từ Tômxcơ đoàn tàu hỏa đang tiến gần đến Bôgasêva.
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri