Số lần đọc/download: 4390 / 95
Cập nhật: 2015-11-01 15:46:46 +0700
Ổi Tàu
Bạn đang cười ré lên đấy chứ gì? Bạn nên tiếp tục. Tốt lắm. Đời“di tản”, cười được lúc nào hay lúc ấy. Giờ này bạn tha hồ thích thú. Bạn thích thú về sự lố bịch của tôi: “Tên này chúa nhảm. Chưa chi đã dạy đời! Bảo người ta bôn chôn, rồi mình cũng nhấp nhổm như gái ngồi phải cọc. Sao không cố bám luôn lấy đất ấy mà an cư lạc nghiệp?”
Tôi không chối cãi vào đâu được. Dù không có một trí nhớ tốt, tôi cũng chưa quên lá thư ấy. Hồi đó, mới mấy tháng trước đây, bạn thay đổi địa chỉ liền liền, quả tôi có cảnh cáo bạn về một số hậu quả không hay của sự lăng quăng. Tôi nói năng y hệt một kẻ biết điều, khôn ngoan, chín chắn, lúc nào cũng làm chủ được mình, không để cho những phút yếu lòng, những cơn hứng bất tử lung lạc. Thế rồi thoắt cái, bây giờ bạn bắt gặp quả tang tôi cũng lại dọn nhà ra đi.
Vâng, bạn cứ cười. Chỉ cần giơ phong bì lên, so hai cái địa chỉ cũ và mới, thấy ngay tôi đã đi một mạch ngót hai nghìn dặm đường. Từ Trung Bắc tới tận Tây Nam nước Mỹ. Thế đáng gọi là một cuộc chạy dài.
Gần đây, tôi vắng thư. Mãi bận rộn vì cuộc chạy dài ấy tôi không viết được cho bạn. Hôm nay phải trở lại với bạn chút ít về chuyện nam di đấy. Không phải là để cắt nghĩa. Ối! “Ai đi cắt nghĩa được thiên di, có nghĩa gì đâu... cứ việc đi”. Thế thôi. Mạnh bạn bạn ngược xuôi, mạnh tôi tôi ngang dọc, mới đến xứ này, hãy cứ nhốn nháo như thế trong ít năm đầu, rồi sau sẽ hay.
Tuy không hẳn là cắt nghĩa được lý do tại sao tôi quyết định về sinh sống ở miền nam, nhưng đây cũng là một chuyện có liên quan đến việc nam di. Thật vậy, hôm đó khi lần đầu trông thấy nó trên đường xuống Cali tham quan, tôi đã biết ngay mình không thể cầm lòng được. Thế nào rồi cũng phải xuôi nam thôi.
o O o
Tôi bắt gặp “nó” trước tiên ở tiểu bang Utah.
Hôm ấy chúng tôi đến thủ phủ tiểu bang thì trời vừa chạng vạng tối. Nghe nói ở đây có nhiều cái hay: có niềm tín ngưỡng riêng, có nước mặn giữa đất liền, có đàn ông đèo bòng dăm bảy khối hạnh phúc v.v... Dừng chân lại đây một đêm để học lấy đôi ba sàng khôn hẳn là điều rất đáng làm.
Thoạt tiên chạy ngang chạy dọc mấy vòng cho biết qua mặt mũi Salt Lake City, rồi chúng tôi tìm vào một khách sạn. Kê xong mấy khoản khai báo trên mẫu giấy ghi danh tá túc, tôi xoay người lại, sắp sửa rời cái quầy nơi văn phòng thì tầm mắt chợt hạ đúng vào chỗ bồn hoa giữa sân. “Ơ kìa, ngộ chưa! cái gì lạ vậy cà?” Tôi vội vàng đến nỗi suýt tông cả người vào tấm kính lớn ngăn cách văn phòng khách sạn với sân cỏ.
Quả nhiên tôi không lầm. Ra đến giữa sân, tôi đứng sững sờ. “Nó” đây rồi. Thực “nó” đây rồi. Làm sao có thể ngờ được sau hăm mấy năm trời tôi lại tái ngộ với “nó” trên bước đường lưu vong, ở mãi tận xứ Hoa Kỳ thế này. “Nó” đến đây từ bao giờ! định cư lúc nào? trải qua những bước thăng trầm như thế nào mà rốt cuộc bây giờ trông phởn phơ quá vậy? thể thống quá vậy?
Nhưng “nó” là ai? Bạn đừng vội nổi cáu. Tôi không cố ý ỡm ờ. Tôi đang viết thư chứ có phải viết truyện kiếm hiệp hay trinh thám đâu mà treo lơ lửng sự bí mật để bắt bạn hồi hộp? Tôi rất muốn kêu phắt tên “nó” ra từ lúc đầu, nhưng không kêu được đấy thôi. Tôi kẹt quá.
Kêu bằng tên nào bây giờ? Ở vùng quê tôi ai nấy vẫn gọi “nó” bằng tên ấy: ổi tàu. Nào, tên đấy, bạn đã thấy có gì rõ thêm chưa nào? Ổi tàu là thứ ổi quỉ quái gì vậy? Bạn suy luận: Vịt ta nhỏ bé, vịt xiêm thì bự; dâu ta bằng đầu đũa, dâu tây bằng ngón chân cái; gà ta khiêm tốn, gà tây là gà khổng lồ; trà ta xoàng, trà tàu thì nhất; thậm chí con chuột tàu cũng quí hơn con chuột ta... Vậy ổi ta bằng quả bóng bàn, ổi tàu áng chừng nó là thứ ổi mỗi quả bằng một nắm tay, hay bằng quả bóng rổ chăng? thịt nó vừa ngọt vừa thơm bát ngát chăng?
Bạn mà nghĩ thế, bạn khốn đốn ngay. Thật vậy, táo tàu tha hồ hơn táo ta, trà tàu tha hồ hơn trà ta v.v..., nhưng ổi tàu thì lại là tính danh của một sự lố bịch đấy bạn ạ. Hạt ổi tàu nó bé như hạt tiêu, nó chen chúc một khóm chi chít như thể một đám ruồi xúm nhau đậu chổng ngược đít lên vậy.
Nếu bạn muốn, tôi có thể khai thêm một tên nữa. Ở quê tôi, bà con còn gọi nó là... nho. Vâng, cây nho trái nho ở tôi đấy. Bên Tàu bên Tây, người ta lấy nho làm rượu. Bồ đào mỹ tửu óng ánh dưới trăng, ngời ngời trong thi ca xứ người. Ở tôi, thứ trái chi chít nọ cũng là nho: danh với thực nhảm là thế.
Nhưng quê tôi thô lậu, bạn không biết đấy là đâu; tiếng nói địa phương ở vùng tôi không có sức phổ biến rộng. Ở tôi nói gì, gọi là gì, bạn không biết được. Tốt hơn nên cung cấp cho bạn cái danh xưng thông thái dùng trong sách vở, lẽ ra phải thông dụng toàn quốc. Nhưng cái đó lại khó, tôi có ý muốn phục vụ bạn thực kỹ mà không xong, rồi bạn xem.
Muốn sách vở thì có sách vở. Trong sách thực vật của ông Phạm Hoàng Hộ, cây lantana camara được gọi là cây thơm ổi. Lantana camara là thứ lantana nào? thuộc chi phái họ hàng gần xa ra sao? cái đó tôi không rõ. Nhưng lantana thì chính thị là nó. Tên thơm ổi làm tôi mừng rơn. Nhà học giả đã nhất trí với đồng bào vùng tôi ở tiếng ổi, lại còn bảo là nó thơm. Tuy nhiên vừa buông cuốn sách của học giả xuống liền gặp rắc rối ngay.
Ông Phạm là con người của những cây cỏ miền Nam nước Việt, thế tại sao tiếng nói của ông không mấy giống với tiếng nói những người miền Nam khác? Tôi gặp nhiều đồng bào miền Nam sống quanh đây, tôi đưa thứ cây ấy ra hỏi. Liền có câu đáp:
- Cứt heo đấy mà.
- Hả? Thưa... theo ông...
- Thì cây cứt heo đấy, ông ơi. Nó đấy.
Kẻ bảo thơm, người gọi c..., biết chọn sự trung dung ở đâu bây giờ?
Rồi tôi nẩy ý hỏi đến đồng bào miền Bắc. Nhiều người không biết, chắc chắn đó là những vị sinh trưởng ở đô thị, không mấy quan tâm đến cây cỏ. Một hôm tôi gặp một ông từng ở thôn quê. Ông cầm nhánh cây, ngẫm nghĩ:
- Tôi chắc nó là cây cứt lợn... Chắc thế. Không hẳn là giống cứt lợn ở ta, nhưng...
Ông bứt một chiếc lá, vê vê, rồi ngửi, rồi lại ngẫm nghĩ:
- Cứt lợn đấy... Trông màu hoa có khác. Nhưng... nó đấy.
Như vậy tôi nghĩ số phận nó đã gần như được quyết định: kẻ Nam người Bắc cùng bảo thế thì hẳn tên nó là thế rồi. Cả sách vở thông thái cùng với một địa phương nhỏ bé của tôi không đủ sức gỡ danh dự cho nó đâu. Nó chỉ còn trông cậy ở chỗ này nữa thôi: là hình như có khá nhiều địa phương độc đáo như địa phương tôi, tiếp tục từ chối cái tên xấu xa mà gọi nó cách khác. Ở Huế, ở Nha Trang, Phan Thiết, Kontum v.v..., chưa từng nghe nói đến bông hoa c... heo hay c... lợn. Biết đâu nó không là nho thơm hay ổi thơm? Ở Quảng Ngãi, bà con chú ý đến màu hoa, gọi là bông ngũ sắc.
Trong niềm hi vọng ấy, tôi đã ngập ngừng chần chờ, không muốn xưng ngay tính danh nó ra lúc vừa bắt đầu. Nhưng từ lúc này, sau khi đã giải bày cặn kẽ, tôi xin gọi nó bằng cái tên quen thuộc ở quê tôi: ổi tàu.
Tôi chắc bạn đang thắc mắc: vì sao tôi lại mê ổi tàu? lại làm lớn chuyện về ổi tàu?
o O o
Tôi mê ổi tàu? Nói thế là hãy còn nhẹ nhàng quá đấy. Có thể bảo về một phương diện nào đó tôi tự đồng hóa với ổi tàu. Nó là tôi.
Gần như tôi sinh ra giữa ổi tàu. Không hiểu do đâu mà quê tôi lắm ổi tàu đến thế. Không có rào dậu nhà ai mà không có ổi tàu chen chúc. Không có gò đống nào mà không có ổi tàu lan tràn, không có bờ ruộng, bờ ao, bờ khe, bờ suối nào mà không có ổi tàu đứng giăng hàng san sát... Một khoảnh đất khoảnh vườn ngưng canh tác hay thiếu chăm sóc trong ít lâu là đã thấy cỏ và ổi tàu dấy lên ngay. Không mời mà đến, không gọi mà thưa: Thứ cây vô duyên ấy cứ tự xuất hiện lừng lững, xuất hiện hàng hàng lớp lớp. Ở quê tôi ổi tàu tràn ngập như... bể cây. Chỗ nào cũng có nó, đi đâu cũng thấy nó; mà không đi, cứ nằm liệt tại nhà, ngước mắt lên nhìn là đã thấy nó rồi.
Lớn lên trong cảnh ấy, riết rồi tôi có cảm tưởng ổi tàu là một sự tất nhiên của thiên địa càn khôn. Hễ có đất là có ổi tàu, tôi không thể quan niệm nổi một vũ trụ vắng bóng ổi tàu. Tôi trịnh trọng suy tư: “Ổi tàu có đó, vậy vũ trụ hiện hữu.” Tôi yên trí nằm ngủ trên một chân lý nền tảng.
Tôi nằm ngủ như thế suốt tuổi ấu thơ. Thế rồi xong tiểu học, bắt đầu xa làng xa huyện, tôi dần dần tự tách rời khỏi ổi tàu. Đi học hành làm ăn ở Qui Nhơn, Huế, Hà Nội, Sài Gòn, Chợ Lớn v.v..., tôi không có dịp gặp ổi tàu nữa. Hàng lâu, mãi lo sách đèn, bài vở, lo bạn bè đàm đúm nhởn nhơ, không nghĩ đến nó. Khi nhớ lại, thì thấy vắng bặt tự bao giờ. Quả tình không hề thấy nó ở đầu đường Gia Long cuối đường Hưng Đạo nào, không thấy nó lấp ló ở những cổng trường Đồng Khánh, Trưng Vương, không thấy nó phất phơ dọc bờ sông Hương, sông Nhà Bè v.v... Rong chơi đây đó: Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Biên Hòa v.v...: không có đô thị lớn bé nào thấp thoáng bóng ổi tàu. Có lần đánh bạo nêu lên cái tên nó để dò hỏi, thì ai nấy ngơ ngác. Kẻ Thừa Thiên, Quảng Trị, người Đồng Nai, Bến Nghé, đều không biết mình nói đến cái gì. Một vài anh bạn che miệng khúc khích:
- Cái gì của tàu? Ghẻ tàu hả? “Nẫu” nói gì hỏi gì vậy cà?
Tôi biết sự tình không ổn, vội vàng tháo lui:
- Không không... Ơ, ờ... Đâu có! Có ai hỏi gì đâu...
Tôi cấp tốc thu hồi nó về ngay, cất giữ cho mình, như một niềm riêng tư không tiện tiết lộ cho bất cứ ai khác. Ngay từ hồi ở trong nước mà ngoài làng quê ra, ai nấy đã ra người tứ xứ, không chịu cảm thông. Đi đây đi đó, chỉ riêng tôi ấp ủ lấy tên tuổi cùng hình dáng của riêng nó mà thôi: trong trường hợp ấy bạn bảo sao mà không có lúc tôi tự đồng hóa với nó.
Ổi tàu là vậy. Bỗng trong một lúc bất ngờ nhất, tự dưng tôi đối diện nó ở tân thế giới, giữa thủ phủ xứ Utah. Không sững sờ được sao?
Bạn có tin hay không tin tùy bạn, tôi không ép. Nhưng tôi phải cho bạn hay đó là một đối diện mừng mừng tủi tủi đấy bạn ạ. Bởi vì trong cuộc trùng phùng, ổi tàu của tôi không còn là ổi tàu hèn mọn nữa, nó chợt ở một ngôi vị cao sang không chờ đợi!
Thú thực với bạn từ ngày bỏ nước ra đi nhiều lúc tôi tự thấy xuống giá ngang xương, cảm thấy mình có vẻ rạc rài thế nào. Còn ổi tàu, trong buổi hoàng hôn tái ngộ ấy, ối tàu nó đang ngự giữa một bồn hoa lộng lẫy. Nó đang trịnh trọng sánh vai cùng bao nhiêu là loài hoa rực rỡ. Vâng, nó đấy, ổi tàu — nhất danh là cứt lợn — nó đang hớn hở giữa muôn hồng nghìn tía đấy, bạn có tin được không?
Ngày còn ở quê hương, không ai có thể tưởng tượng cứt heo lại đem làm cây cảnh. Sang Hoa Kỳ, cứt heo lên ngôi. Sao mà vẻ vang thế? Tôi mừng cho nó, tủi cho mình.
Tình cảnh tựa hồ như thể một kẻ đồng hương với Chí Phèo bỏ làng ra đi lưu lạc nhiều năm, ngày kia đến kinh đô một xứ lạ bỗng nhiên gặp lại Chí Phèo mũ áo xênh xang giữa chốn triều đình, hay gặp Thị Nở đã hóa thành một đấng phu nhân đường đường với đầy đủ kẻ hầu người hạ.
Cây cỏ cũng như người, bạn ạ. Cũng là cây ổi tàu mà ngày xưa khi nó đứng ở đầu gò, góc rào, ven suối, trông nó chẳng ra làm sao; bây giờ chễm chệ giữa sân trước tòa lâu đài sang trọng, trông lại tư cách hẳn ra. Nó khoan thai gật gù nhè nhẹ trước gió chiều mát mẻ. Trông cao phẩm giá lắm cơ.
Nói cho đúng, ở đây nó có được bồi dưỡng kỹ càng hơn: những phân, nước, những thuốc trừ sâu bọ, những cắt tỉa chăm sóc thường xuyên có làm cho lá nó xanh mướt hơn, hoa nó thắm hơn, dáng hình nó óng ả hơn thuở hoang dại ngoài cõi thiên nhiên. Tóm lại, trông nó đắc ý ra mặt. Nó chịu Hoa Kỳ hơn là quê tôi. Nó chịu lắm. Nó đắc ý một cách rất vong bản. Quả nhiên sau này rõ ra là nó đã dắt díu tất cả bà con họ hàng di cư sang Hoa Kỳ từ lâu. Thật vậy, ngày bé tôi chỉ biết có một loại ổi tàu, thứ bình dân xoàng xĩnh nhất. Sang đây tôi dần dà điểm mặt được ít ra là hàng chục loại ổi tàu khác nhau. Có thứ cây có thứ dây, có thứ đứng có thứ nằm, nằm và bò lê bò la trên mặt đất, có thứ quấn quít leo lên những loại cây khác, có thứ lớn có thứ bé, hoa lá lăn tăn như hường tường vi, có thứ hoa đỏ, hoa vàng, có thứ hoa tím ngát, hoa hồng hồng v.v... Không biết từ đâu mà chúng lũ lượt kéo nhau ra đông đảo thế.
Thế này thì quá cỡ. Hoa Kỳ thật quá cỡ: bom nguyên tử, nó có; phi thuyền vũ trụ, con thoi không gian, nó có; to khổng lồ như loại cây hồng sam (sequoia) cả một chiếc xe hơi có thể chui tọt qua gốc cây, nó có; nhỏ tí xíu như con chim vo ve (humming bird) lông lớn lông bé khắp người đếm không quá chín trăm chiếc, nó có. Chưa hết! sau rốt nó còn sưu tập đủ loài đủ giống ổi tàu của tôi nữa.
Từ Utah xuống Cali, càng đi càng gặp thêm nhiều ổi tàu. Bạn bảo tôi còn sự chọn lựa nào khác hơn. Một chút quê tôi đã bắt gặp ở đây rồi. Phải “về” Cali thôi.
o O o
Bạn đang ngờ ngợ, cho rằng tôi có thể thuộc vào hạng người tha thiết với quê hương, tôi có khuynh hướng “về nguồn” đấy chứ gì? tôi là một phần tử có tinh thần dân tộc chứ gì? Nhảm, bạn đừng cao xa như thế, đâm hỏng ra. Tôi không về cội về nguồn gì ráo. Tôi chỉ có khuynh hướng trở về với... cái tôi đấy thôi.
Thú thực với bạn: trong khóm ổi tàu tôi chỉ trông thấy toàn những hình ảnh của chính mình. Nhiều lắm bạn ạ.
Tôi trông thấy dọc theo chân rào trước nhà những đứa bé, trai và gái, những đứa bé bốn năm tuổi lúc thúc bên nhau, giơ những bàn tay bé tí teo, xòe những ngón tay thật là xinh túm lấy mớ bông ổi tàu để nhổ lên, ngửa cổ, xoay ngược gốc hoa vào miệng, cố mút lấy một hạt mật ngọt mà con ong cũng chê là quá nhỏ. Đến mùa trái chín, những đứa bé ấy đi gỡ từng nhúm trái ổi tàu li ti như những hạt tiêu đen, sung sướng cho vào mồm. Trái chín vỡ ra trong các bàn tay vụng về, quệt quạc trây lên má lên mép, nom lem nhem luốc nhuốc. Ngày này qua ngày khác, tháng nọ sang tháng kia, các trò chơi, các thú vui nghèo nàn của những đứa bé ấy diễn ra quanh quẩn bên các chân rào. Những cặp mắt đen láy ấy, những bàn tay tí xíu ấy, những tiếng nói cười bi bô, ríu rít ấy... ngày lại ngày... bên cạnh những bụi ổi tàu chen chúc dày đặc ở bờ rào. Bây giờ tôi còn tưởng tượng ngửi lại được cái mùi của lá ổi tàu dập nát trên tay, cái mùi thật mạnh.
Này bạn, trong những đứa bé lúc thúc bên chân rào ấy, về sau có đứa cầm súng đánh nhau và chết về súng đạn, có đứa từng trở thành mẹ chiến sĩ, rồi có đứa đã thành bà ngoại bà nội nhăn nheo!
Dĩ nhiên trước khi nhăn nheo họ đã trải qua một thời kỳ khác. Thời kỳ mà mắt họ long lanh, ngực họ căng lên rạo rực, môi má của họ đỏ hồng... Tôi lớn lên, rời xa làng, thỉnh thoảng về quê, từng có dịp gặp lại đôi người. Những cô bạn bé xíu ngày xưa giờ đâm ngượng ngùng, mặt đỏ ửng, trên một khúc đường làng vắng vẻ họ ý tứ đứng nép sát một bờ rào (lại ổi tàu). Ánh mắt nhìn nhau, câu chào giọng nói với nhau lúc bấy giờ, chao ôi, những cái đó sương khói thời gian lớp lớp tỏa mờ vẫn chưa xóa lấp nổi đâu. Ở cuối trời, xa xôi tít tắp, sương khói lờ mờ cứ mãi rung lên, phải chăng là rung lên vì những xôn xao đắm đuối chưa chịu lắng chìm hẳn.
Xin lỗi bạn, tôi có cao hứng quá không nhỉ? Tôi còn muốn nhắc thêm với bạn về một hình ảnh nữa. Cái hình ảnh của chàng trai mới lớn, đầu đội chiếc nón cối, giữa buổi mai đứng bên bờ sông La Tinh nghe chim hót... Ấy chết, bạn đừng nghĩ con sông La Tinh chảy đâu đó gần kinh thành La-mã, hoặc giả quanh quẩn bên cạnh thành phố Venise thơ mộng! Không có đâu. La Tinh là tên con sông ở quê tôi đó, bạn ơi. So với những tên tuổi lừng lẫy vừa nói qua, nó là một sự hài hước. Tuy gọi là sông, nó bé lắm. Trong nhiều tháng trời nó cạn khô. Chỉ vào tháng chín tháng mười nước lũ mới tràn bờ; rồi nước rút đi nhanh chóng; sang xuân là nó đã hiền khô như một con suối. Lòng sông gần như chỉ những toàn cát với cuội. Gọi là nước, bất quá một dòng róc rách, ngoằn ngoèo cho vui vậy thôi. Ấy, trên bờ một con sông như thế chàng ta đứng nghe chim hót. Và tay chàng thì... mãi vân vê một lá thư tình cứ như đang lồng lên trong túi áo, lá thư tình đầu tiên!
Những con chim nào đã hót trong buổi sáng thần tiên hôm ấy? Chỉ biết ngày nay, cách xa ba mươi năm dư, bên tai chàng còn vang vang tiếng cưởng tiếng sáo. Trời xanh trong vắt. Những con khướu, con cưởng, con sáo ở đâu ven sông mà chúng kêu lên ong óng, kêu lanh lảnh, làm rung động cả bầu không khí buổi mai rực rỡ. Tiếng cưởng sáo nó khua vang inh ỏi buổi mai, làm chàng nôn nao rối loạn cả lên. Và làm cho từ đó chàng cứ có cái cảm tưởng là hạnh phúc trần gian toàn xuất hiện dưới hình thức tiếng chim kêu!
Chúa quyền năng tha hồ làm được vô số những buổi mai như thế, cố nhiên. Nhưng trong đời chàng, chàng không gặp lại một cơ hội tương tự. Thời gian trôi qua, mỗi lúc chàng mỗi xa cơ hội tương tự. Phải chăng lặp lại là một việc làm thiếu sáng tạo, không xứng đáng, cho nên đấng quyền năng nhất định không tái ban phát cho chàng buổi mai nào như thế nữa. Suốt đời chàng chỉ có thể ngoảnh đầu ngóng về một buổi mai bên bờ sông La Tinh.
Và bờ sông ấy — tôi cam đoan với bạn — suốt từ nguồn cho đến bể, tuyệt nhiên không hề có bóng dáng một cây liễu cây dương nào để gọi là thơ mộng. Chỉ có lau, có sậy, có tre, có dứa, có những thứ cây loàng xoàng, cùng với... ổi tàu mà thôi.
Thành thử trong bao nhiêu năm thiếu vắng nó, mặc dù bị chế giễu vì sự dò hỏi về nó, tôi không nản chí. Bị chế giễu, tôi tháo lui. Nhưng trong thâm tâm vẫn một mực đinh ninh: rồi sẽ có ngày... Tôi tự an ủi: Yên chí! Chờ ngày thái bình thịnh trị, trở về làng, tha hồ tái ngộ. Đành là chiến tranh dữ thật, nhưng bom đạn nào bột khai quang nào mà tru diệt nổi ổi tàu? Nó sẽ trơ trơ cùng tuế nguyệt. Rồi xem: thế nào cũng lại gặp nhau mà!
Bây giờ bạn đang ở Mỹ, bạn nghe nhắc đến hình ảnh “thân yêu” của người thanh niên nón cối, bạn cười muốn chết. Bạn cười cho cái thời vàng son của tôi chứ gì. Tốt thôi. Trong kho kỷ niệm của chúng ta còn có nhiều mẫu hình ảnh ngộ lắm. Có câu hát:
“Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai”.
Người quân tử đội nón cối ước chừng là cháu ba bốn đời của người quân tử từng vắt lên vai thứ khăn đậm màu nọ. Cũng như thế hệ quân tử đầu trần ở Mỹ hiện nay là con cháu của lớp quân tử đội mũ dạ vừa qua. Thời thế đổi thay. Hình dạng người quân tử không ngớt tùy thời thay đổi. Duy ổi tàu vẫn thế. Ở khách sạn Utah cũng như hồi ở xóm tôi.
Đến đây bạn kêu ngấy đến tận cổ rồi chứ gì? Bạn hết chịu thấu ổi tàu, bạn ngáp lên ngáp xuống, bạn than dài thở vắn: Thư đâu có thư lê thê lòng thòng đến thế v.v... Mặc kệ! bạn không thể thoát ra dễ dàng khỏi ổi tàu đâu. Tôi còn những mấy trang nữa dành cho bạn đấy. Không phải vì ác ý: chính tôi cũng không thoát khỏi nó phen này. Đã khơi động đến niềm xưa, thôi thì liên miên, rứt ra không nổi.
o O o
Hãy trở lại xóm tôi. Xóm tôi toàn những gò là gò: gò Huyện, gò Ngựa, gò Đu, gò Căng, gò Đình, gò Cầy, gò Muồng, v.v... Cứ như chỗ tôi hiểu biết, cách đây không lâu vùng này còn là hoang địa. Xóm tôi chưa có dấu vết văn minh. Nói cách khác, trước tôi đôi ba đời gì đó chủ quyền vùng này hãy còn thuộc về cây cỏ và muông thú, chưa thuộc về loài người. Ông Kha-luân-bố tìm ra tân thế giới trước, xong rồi các nhà thám hiểm vất vả còn phải nghỉ ngơi một thời gian dài, mãi về sau mới có người tìm ra xóm tôi đấy, bạn ạ. Lúc mới tiến chiếm đất, người tạm sống chung với muông thú: chồn, cáo, cọp beo, heo rừng v.v... Cuộc sống chung còn để lại nhiều kỷ niệm. Dân làng vẫn kể rằng trước đây cứ đến đúng cái đêm trước ngày giỗ ông Bưng là có con cọp về ngồi ngoài hè, đưa chiếc đuôi lòn qua ngạch cửa, quơ quất vào trong nhà. Đám con cháu phải quát đuổi om sòm lên cọp mới chịu bỏ đi. Sở dĩ có chuyện ấy vì trước kia con cọp nọ đã vồ bắt ông Bưng trong lúc ông đang lom khom cắt tranh; người nhà chỉ còn tìm được nửa thây ông để chôn cất.
Cọp bắt người thì thỉnh thoảng, nhưng chuyện cọp bắt heo bắt chó ở xóm tôi là chuyện thường, bà tôi hãy còn nhớ rõ mồn một những vụ như thế. Vì vậy, ngay sau này, khi tôi đã lên năm lên bảy, vào những lúc trời chạng vạng tối, tôi đang loanh quanh gần bà, chợt có tiếng te te cất lên đâu đó là bà tôi liền lắng tai nghe ngóng, đầy e ngại.
Con te te, bạn biết chứ? Nó là loài chim nhỏ bằng nửa nắm tay, đặc biệt có cặp chân nhỏ và dài lêu khêu như que hương. Nó thường kiếm ăn ở các gò. Te te, không thấy nó đi bao giờ; nó chỉ có chạy. Bạn hãy còn xa, nó nghểnh cổ trông chừng; bạn đến gần thêm, nó vùng cắm đầu chạy một mạch rồi dừng phắt bất ngờ. Bạn lại tiến, nó lại chạy, hay cất cánh bay luôn.
Chim thì bé mà tiếng kêu của nó vang rất xa. “Te te... ù uét! Te te... ù uét!” Tiếng cao và xẳng the thé. Rất nhiều buổi tối, từ lúc chạng vạng cho đến bảy tám giờ đêm, thằng bé là tôi nằm trong ngôi nhà ít người không đèn không lửa ở chỗ đồng quê quạnh vắng, nằm nghe tiếng côn trùng rỉ rả và nghe cái tiếng lạ lùng của con te te kêu thét lên khi xa khi gần không biết từ những chỗ bìa rừng, những khoảnh gò đống nào tràn đầy bóng tối trong khắp vùng. Tôi lo sợ chơi vơi như một mình bơ vơ giữa cõi hồng hoang chất chứa bí ẩn, mơ hồ đe dọa. Bà tôi đinh ninh rằng hễ te te nó “đánh” vào lúc chạng vạng tối thường thường là có cọp loanh quanh đâu đó. Te te nó nhạy lắm. Một bước động nhẹ trên mặt đất cũng không qua khỏi tai nó.
Gạt ra một bên tất cả các định nghĩa lòng vòng cùng các tiêu chuẩn rắc rối về văn minh với văn hóa, tôi nhất trí với những ai nhận định giản đơn rằng nơi nào có máy móc, có điện, có lắm xe, có xa lộ mênh mông chằng chịt là văn minh, còn nơi nào người ở lẫn với cọp beo, với lợn lòi, với te te v.v... thì còn hơi thấp văn minh. Tôi không thiên vị, không yêu xóm gò vì nền văn minh cao. Không, tôi chỉ yêu vì nó là cõi thiên đường.
Khi tôi phải rời làng đi học trường huyện trường tỉnh, phải ở trọ nhà người ta tháng nọ sang tháng kia, mỗi lần có dịp về, lúc còn cách nhà một vài trăm thước, là tự dưng chân tôi quýnh lên, líu quíu cả lại, tôi gần như không bước được nữa.
Xung quanh nhà tôi toàn những gò. Muốn về nhà, dù đi đường nào tôi cũng bắt buộc phải băng qua một cái gò.
Suốt dọc đường, trên xe lửa, xe hơi, tôi nén được niềm vui. Nhưng khi chân giẫm lên một đầu gò, tôi trông thấy bóng dáng lẻ loi của một con te te lỏng khỏng giữa những nấm mộ lè tè, với mớ cỏ may khô xơ xác, với những đám ổi tàu..., tức thì tim tôi nó lồng lộn lên, nó làm loạn cả lên, nó quá xá, không sao kềm chế nổi nữa.
Tới gò là tới nhà. Tôi đã sắp đặt trong đầu bao nhiêu là kế hoạch, là trò lạ. Đã đến lúc đem ra thi hành. Trò nào cũng hay ho, tuyệt vời, thần tình cả. Hoặc giả tôi rón rén đi rất nhẹ nhàng vào cổng, nấp xem bà tôi đang lom khom bên luống rau nào, đang cặm cụi chăm nom những giàn cà với dây bí dây bầu nào, tôi sẽ bước êm như ru đến đứng ngay sau lưng bà, đứng như thế mà nhất định vẫn không chịu lên tiếng đâu, tôi đứng cho thật lâu xem bà tôi làm những gì, tôi sẽ nén cho khỏi bật cười, tôi đứng chờ đến lúc bà tình cờ quay lại, trông thấy tôi... Lúc ấy... phải biết!
Hoặc giả tôi lẻn vào thẳng trong nhà như một cái bóng. Tôi cất mũ nón, thay đồ đạc, không để ai nhận thấy vừa mới về, tôi làm y như thể tôi vẫn ở nguyên trong nhà với mọi người từ bao giờ, tôi vào giường nhặt một chiếc gối mang ra nằm ngay xuống chiếc trường kỷ giữa nhà. Bà tôi có thói quen dù làm gì ở ngoài vườn lâu lâu cũng ghé vào nhà uống một tách trà, có khi còn khều một vài lá trà tàu trong bình ra bỏ vào miệng nhai móm mém cho thơm. Giữa hai hớp trà chợt bà ngước mắt trông thấy tôi đang nằm... ngủ (?!) trên trường kỷ thì... ối chao ơi! Tưởng tượng đến cái cảnh bà luống cuống quýnh quáng lúc ấy, tôi hết chịu nổi. Bà líu ríu kêu lên mấy tiếng. Thế là cô tôi, em tôi... nhào vô nhà, cùng xúm lại la lối, cười rú. Tưởng tượng ra cảnh ấy, đột nhiên chính tôi lại đâm quýnh quáng ở đầu gò. Lần nào cũng vậy.
Tôi có nhiều trò, nhiều mẹo lạ như thế. Tựu trung mẹo nào cũng căn cứ trên một niềm tin căn bản: là sự hiện diện của tôi quí giá vô cùng, nó là một nguồn vui lớn lao kinh khủng, nó làm cho mọi người mừng rỡ không thể tả được.
Ngày tôi còn bé, hai thân tôi đem nhau đi làm ăn trong Nam, vì chỗ quê hương quá nghèo nàn không hứa hẹn gì. Tôi sống với ông bà cô chú. Các cô chú, cũng lại vì sinh kế, không luôn luôn có mặt tại nhà. Trong nhiều năm trời thường thường không có cha mẹ nào chờ đón tôi ở gia đình, nhưng tôi không có chút nghi ngờ gì về lòng thương yêu quí mến của mọi người đối với mình. Tự giấu mình đi, để dành một cơn vui bất ngờ, khủng khiếp (!) cho ai nấy trong nhà, tôi tự trao cho mình cái giá khiêm tốn của một... lô độc đắc! Tôi chọn một hình thức trao giải thật ngoạn mục, cho có một ép-phê bùng nổ kinh hoàng. Và tôi không tính sai. Tôi thành công liên tiếp. Mỗi lần về là một chấn động. Tôi hoan hỉ, hể hả, hài lòng về mình. Cho đến bây giờ không lúc nào thoáng nghĩ đến một mô gò xơ xác với cỏ may hiu hắt, với ổi tàu bụi thấp bụi cao, mà tôi không rộn rã trong lòng.
Bây giờ, trên xứ này, thân tôi là một hạt cát. Sự hiện diện lạc lõng của tôi trên cõi lục địa mênh mông này không là cái gì cả. Không có con đường nào, ngôi gò nào, lùm cây bãi cỏ nào làm tôi run chân cả. Tôi tha hồ phất phơ lang bạt, không có nơi nào khác nơi nào, ở đây không có một nơi nào để mà “về” cả. Có về, chẳng qua là một kiểu “về” vờ vĩnh như về Cali.
- Ủa! còn đòi gì nữa? Đời vô thủy vô chung vô cùng vô tận, ta là cát bụi trong khoảnh khắc. Bạn không biết vậy sao?
- Bạn biết từ lời dạy của triết gia là một chuyện. Mà khi bạn thấm cái ý nghĩa cát bụi ấy mới thấy nó thê lương là chừng nào.
Nhưng ơ này! bất chấp mọi dạy dỗ của thánh hiền, tôi cứ cam đoan với bạn: Đời ta có thể phù du, vũ trụ có thể là hư không, nhưng ngày nào ta còn đi về một chốn quê xó xỉnh hoang vu nào đó có chim te te với ổi tàu, ta còn là lớn lao choáng cả càn khôn, ta còn là cả một càn khôn đấy bạn ạ. Tôi tin thế nên tôi dọn nhà đến sống bên cạnh ổi tàu đây.
o O o
Tôi thấy bạn lắc đầu ngao ngán: “Úi dào! thư với thả! Con cà con kê mãi chỉ vì một nỗi... cứt lợn!”
Thôi thì buông tha bạn vậy. Nhưng bạn nhớ ghi lại cái địa chỉ mới của tôi trước khi vứt bỏ lá thư chán ngắt này đấy nhé.
12 – 1987