Nguyên tác: From Colonialism To Communism
Số lần đọc/download: 2690 / 215
Cập nhật: 2015-09-29 12:37:19 +0700
Chương 18: Con Đường Thẳng Tới Cộng Sản Chủ Nghĩa (Hết)
Đ
è bẹp xong cuộc bạo động của nông dân Nghệ An và phong trào trí thức chống đối ở Hà Nội, Đảng Lao động bèn “tái hồi” chính sách cũ để tiến tới cộng sản chủ nghĩa. Đảng tổ chức hợp tác xã nông nghiệp trên toàn thể lãnh thổ Bắc Việt, buộc nông dân phải sinh hoạt và sản xuất tập thể nghĩa là làm việc cho “đoàn thể” là chính yếu mà cho gia đình và bản thân là thứ yếu. Mỗi sáng, hễ nghe tiếng “kẻng” đúng 6 giờ là họ phải ra đồng làm việc dưới sự điều khiển của cán bộ, 11 giờ về ăn cơm trưa và học tập chính trị, 1 giờ lại ra đồng làm việc đến 6 giờ chiều. Tối đến phải đi họp để nhận phần việc ngày hôm sau. Mỗi ngày, nếu làm tốt và đủ 10 giờ, mỗi người được ban 10 điểm, mỗi điểm ăn 150 gam gạo. Nếu làm kém hoặc không đủ giờ, tất nhiên, sẽ được ít điểm hơn.
Đến vụ, sau khi gặt, hợp tác xã chia số thu hoạch thành 4 phần. Phần thứ nhất để đóng thuế, phần thứ hai để “làm nghĩa vụ” tức là bán cho chính phủ bốn lần rẻ hơn giá thông thường ở “thị trường tự do” [1], phần thứ ba để trả nợ cho ngân hàng và các cơ quan khác, phần thứ tư chia cho xã viên theo tổng số điểm mỗi người đã nhận được trong toàn vụ. Chính phủ và Đảng hết sức khuyến khích nông dân “thâm canh”, nhưng dù vậy, sản xuất theo đơn vị diện tích vẫn rất thấp. Lý do chính là tại làm việc theo chế độ, “công nhật”, nên người làm không thấy trách nhiệm trong công việc làm mà chỉ “cơm chúa múa tối ngày”. Vì họ không chịu khó canh nước giữ bờ, nên hễ hết mưa là hết nước và chẳng bao lâu lại phải huy động đi “chống hạn”. Các lãnh tụ Trung cộng và Việt cộng hiện vấp phải một khó khăn mà các nước cộng sản khác không gặp; lúa là một cốc loại mọc dưới nước, đòi hỏi rất nhiều công chăm sóc, một loại cây rất “tiểu tư sản” không chịu uốn mình theo nếp sống tập thể dễ dàng như lúa mì hoặc các loại cây thực phẩm khác. Vì sản xuất kém nên Bắc Việt luôn luôn thiếu lương thực trong 10 năm nay. Bài báo sau đây, trong vô số những bài tương tự, chứng tỏ tình trạng thiếu ăn “kinh niên” ở Bắc Việt.!!!“… Tình hình lương thực tỉnh ta có khó khăn. Miền núi tuy không bị thiên tai nặng nề như một số huyện đồng bằng, nhưng do sản xuất kém nên vụ mùa năm nay (1964) nhiều nơi thu hoạch thấp hơn năm 1963… Lương thực miền núi vẫn khẩn trương, nay càng khẩn trương hơn. Cán bộ và bà con nông dân các hợp tác xã trong tỉnh hãy tham gia góp ý kiến, bàn bạc cụ thể, tranh cãi cho ra lẽ, tìm cách giải quyết nạn đói giáp hạt sắp tới”.!!!(MIỀN TÂY NGHỆ AN số 380, ngày 1 tháng Giêng, 1965)
Bàn về lý do tại sao sản xuất mỗi ngày một kém, tác giả bài báo đưa ra giải thích như sau:!!!“Nông dân bỏ sản xuất trước mắt để đi làm việc khác kiếm tiền mua gạo. Một số bà con trong các hợp tác xã chỉ nghĩ về việc kiếm tiền, và cho rằng họ có tiền là có gạo, không tích cực sản xuất, trồng ngô khoai, sắn và các thứ rau mầu. Ruộng đất tốt bỏ hoang hoá, cây trồng không chăm bón, thời vụ không đảm bảo, làm tập thể cho hợp tác xã thì ít, làm riêng cho mình thì nhiều…”!!!(Cũng số báo kể trên)
Trong liên tiếp mười năm nay, vì thiếu, nên lương thực luôn luôn bị hạn chế. Theo thể lệ hiện hành, mỗi nhân khẩu được mua mỗi tháng 13,5 kg lương thực, trong số chỉ có 8 kg gạo còn ngoài ra là ngô, khoai, sắn. Chính quyền hô hào tăng gia sản xuất bằng cách trồng các loại cây lương thực “ngắn ngày”, như bầu bí rau muống cạn xung quanh các công sở, trường học, trại lính, nhưng vì diện tích ít ỏi nên thu thập chẳng được là bao.
Một biện pháp quyết liệt khác đã được thi hành; trong hai năm gần đây, chính quyền Bắc Việt đã đưa, mỗi năm 25 ngàn gia đình nông dân miền đồng bằng sông Nhị Hà lên miền thượng du khai khẩn đất hoang và tìm cách tự túc để giảm bớt miệng ăn ở miền xuôi. Chương trình di dân này còn nhằm hai mục đích khác: Việt hoá và kiểm soát dân tộc thiểu số cùng thiết lập căn cứ kinh tế để chuẩn bị một cuộc trường kỳ kháng chiến nếu Bắc Việt bị tấn công. Nói về tương lai lâu dài và đất nước thì đấy là một cố gắng rất đáng khen, nhưng vì miền Bắc không đủ phương tiện trừ bệnh sốt rét nên công cuộc hiện đương gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết nạn thiếu ăn, chính quyền Bắc Việt đã nghĩ đến giải quyết nhập cảng lương thực từ bên ngoài, nhưng ngặt vì xuất cảng ít nên không có ngoại tệ để nhập cảng đủ số lương thực cần dùng. Có bao nhiêu ngoại tệ thu được hoặc được “các nước bạn” viện trợ đều phải dùng vào việc mua sắm máy móc để thiết bị cho nền công nghệ phôi thai.
Suốt trong 10 năm nay và ngay cả trong những năm “được mùa viện trợ” của các nước bạn, cán cân xuất nhập của Bắc Việt vẫn bị chênh lệch, xuất ít nhập nhiều. Bản thống kê sau đây do Bộ Ngoại giao và Tổng cục Thống kê Bắc Việt có thể cho chúng ta một khái niệm đại cương về vấn đề kể trên.
Đơn vị: 1.000.000 rúp cũ
Năm 1955: Xuất: 27,3; Nhập: 294,4; Hụt: -267,1; Tỷ lệ xuất nhập: 9,2%
Năm 1956: Xuất: 81,7; Nhập: 314,2; Hụt: -232,2; Tỷ lệ xuất nhập: 26%
Năm 1957: Xuất: 163,8; Nhập: 398; Hụt: -234,2; Tỷ lệ xuất nhập: 41,1%
Năm 1958: Xuất: 204,6; Nhập: 253,2; Hụt-48,6; Tỷ lệ xuất nhập: 80,8%
Năm 1959: Xuất: 269,2; Nhập 417,9; Hụt: -148,7; Tỷ lệ xuất nhập: 64,4%
Năm 1960: Xuất: 319,6; Nhập: 511,6; Hụt: -192; Tỷ lệ xuất nhập: 62,4%
Năm 1961 [4]: Xuất: 319,6; Nhập: 617,1; Hụt: - 297,5; Tỷ lệ xuất nhập: 55,9%
Năm 1962: Tỷ lệ xuất nhập: 60,4%
Năm 1963: Tỷ lệ xuất nhập: 59,1%
Năm 1964: Tỷ lệ xuất nhập: 74,1%!!!(Riêng năm 1961, trong tài liệu ghi con số “rúp mới” nhưng chúng tôi tính cả sang “rúp cũ” cho đồng loại. Mỗi rúp mới ăn 4,444 rúp cũ.)
(Trích tạp chí NGHIÊN CỨU KINH TẾ xuất bản tại Hà Nội tháng 12, 1964. Bài “Bàn về thăng bằng xuất nhập khẩu hiện nay” của Lưu Văn Đạt, tr.46)
Điểm đáng chú ý là từ 1962 trở đi bản thống kê không ghi những con số xuất nhập cảng mà chỉ công bố tỷ lệ chênh lệch giữa xuất và nhập. Nên nhớ rằng cũng vào khoảng thời gian này (1960) cuộc xung đột bùng nổ giữa Nga sô và Trung cộng, và đối với cuộc xung đột này, Bắc Việt luôn luôn giữ thái độ “trung lập”. Một vài dấu hiệu cho phép một số quan sát viên nhận định rằng chính vì thái độ “nước đôi” ấy mà Nga coi Bắc Việt là thân Tàu, và Tàu coi Bắc Việt là thân Nga, với kết quả là cả hai nước đàn anh đều đình chỉ không viện trợ cho Bắc Việt bắt đầu từ 1961. Không những cắt dứt viện trợ mà khối cộng sản Âu châu còn từ chối không bán đồ phụ tùng và mua hàng hóa của Bắc Việt. Trước kia Bắc Việt vẫn mua len mang về phân phát cho hàng vạn phụ nữ đan áo để bán sang Đông Âu nhưng từ 1961 trở đi hầu hết những người sống về nghề đan đều bị thất nghiệp. Chúng ta có thể ước đoán rằng sở dĩ bản thống kê kể trên không ghi rõ những con số xuất nhập cảng từ 1961 trở đi là tại những con số ấy đã xuống quá thấp. Tuy nhiên cũng trong bài báo ấy, tác giả có thu nhận như sau:!!!“Chúng ta đã sử dụng gần hết số tiền viện trợ không phải hoàn lại do các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp ta trong những năm trước. Từ đây hình thức viện trợ chủ yếu là hình thức cho vay dài hạn, có vay có trả, có đi có lại. Nếu khả năng xuất khẩu không theo kịp yêu cầu nhập khẩu thì chúng ta bắt buộc phải hạn chế số nhu cầu về nhập khẩu”.!!!(Lưu Văn Đạt “Bàn về thăng bằng xuất nhập khẩu hiện nay” NGHIÊN CỨU KINH TẾ, Hà Nội, tháng 12, 1964)
Từ ngày chiến tranh lan rộng ra Bắc Việt, thái độ của Nga sô và Trung cộng đối với nước “em út” có thay đổi, tuy nhiên cũng chưa ai biết hai nước kể trên đã giúp Bắc Việt những gì, về phương diện kinh tế. Chúng ta có thể nói từ 1960 đến 1964, Bắc Việt không khác một đứa con trong gia đình mà cả bố lẫn mẹ, sau khi ly dị, không nhìn ngó đến. Nếu nhớ lại lời ông Hồ khuyến cáo học sinh lớp chỉnh huấn, khuyên họ không nên “ngồi giữa hai chiếc ghế”, thì có thể nói rằng chính ông Hồ đã bị ngã vì ông đã ngồi giữa hai ghế Nga và Tàu.
Năm 1963, theo lời Giáo sư P. J. Honey, Bắc Việt có dạm đổi một số hàng tiểu công nghệ để lấy bột mì của Úc châu nhưng Úc châu chê hàng xấu không đổi. Sau đấy, Bắc Việt có đổi cho Trung cộng một số hoa quả “nhiệt đới” và cây thuốc để mua lại của Trung cộng một số bột mì mà Trung cộng đã mua của Ca-na-da. Bắc Việt cũng xuất cảng một số “thực phẩm xa xỉ” như lợn, gà (mỗi em học sinh phải nuôi và bán cho chính phủ mỗi năm hai con gà) để nhập cảng một số “lương thực căn bản” nhưng kết quả chẳng được là bao. Vì nông thôn không cung cấp đủ thực phẩm nên công nhân và dân thành thị nói chung cũng bị thiếu thốn. Tờ THỜI MỚI xuất bản ở Hà Nội ngày 7 tháng 7, 1961 nói về nạn thiếu gạo ở thành thị như sau:!!!“Mỗi lần họ (công nhận xưởng máy dệt) đi mua gạo, họ phải nghỉ việc nửa ngày. Nhiều khi số người xếp hàng đông quá, họ phải nghỉ việc nhiều buổi mới mua được xuất gạo”.
Tháng 4, 1965, tờ NGHIÊN CỨU KINH TẾ còn viết như sau:!!!“Hãy còn tình trạng phải xếp hàng chờ đợi, người tiêu dùng phải đi nhiều nơi, nhiều chỗ mới mua được đủ những mặt hàng thực phẩm khác nhau cần cho việc nấu ăn hàng ngày”.!!!(Lê Đông “Bàn về vấn đề thực phẩm cho các thành phố”, NGHIÊN CỨU KINH TẾ số 26, tháng 4, 1965)
Từ ngày bắt đầu “thành lập xã hội chủ nghĩa” cộng sản Bắc Việt cố gắng xây dựng một nền kỹ nghệ, vừa để “trưng” với nhân dân đấy là “xã hội chủ nghĩa”, vừa nuôi hy vọng sản xuất hàng hóa công nghệ, mang xuất cảng để đổi lấy vật liệu và lương thực. Hiện nay đã có tất cả hơn một ngàn công xưởng lớn nhỏ, nhưng vì thiếu chuyên viên, vì cán bộ ưa sản xuất nhanh và nhiều để lấy thành tích, nên hàng hoá do Bắc Việt chế tạo không đúng tiêu chuẩn quốc tế, vừa xấu vừa đắt, không thể nào cạnh tranh nổi với sản phẩm công nghệ của Nhật Bản hiện tràn ngập thị trường Đông Nam Á.
Mặc dù những khó khăn kể trên, Bắc Việt hướng theo con đường mà 40 năm về trước ông Hồ hình dung là “con đường tiến tới thắng lợi cuối cùng, tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”, con đường mà ông nhìn rõ vì có “mặt trời” của chủ nghĩa Mác-Lê-nin soi sáng.
Vì quyết tâm đi theo con đường kể trên và bắt buộc mọi người đều phải tiến bước theo hướng “mặt trời Mác-Lê-nin nên Đảng Lao động bắt toàn thế giới công thương kể cả phu xích-lô, người làm chữa xe đạp và những người buôn thúng bán mẹt phải thành lập hợp tác xã để sinh hoạt tập thể. Nhiều người phải bỏ nghề cũ để nhập đoàn đi “phát triển văn hoá và kinh tế” trên thượng du, mỗi đoàn có một số đảng viên Đảng Lao động đi theo kiểm soát. Một số đã tự giác, còn đa số hiện làm việc và sinh hoạt theo kiểu “cu li” đồn điền thuở trước.
Nói về sự thay đổi lề lối sinh hoạt cũng nên nhắc tới số phận những người mà cộng sản mệnh danh là “tư sản dân tộc”. Họ là những người trước kia có một xưởng máy cỏn con, dùng dăm bảy người thợ và học việc. Hồi mới về tiếp thu Hà Nội, cộng sản đề cao họ “bạn của nhân dân” và hứa tôn trọng hình thức kinh doanh của họ. Nhưng cộng sản chỉ giữ lời cho đến ngày chiếm cứ Hải Phòng, cửa bể cuối cùng để di cư vào Nam. Sau đó chính quyền Bắc Việt buộc các xí nghiệp tư nhân phải đổi thành công tư hợp doanh, nghĩa là tự đặt mình dưới sự kiểm soát của chính phủ. Nếu họ không chịu, chính phủ sẽ không cung cấp nguyên vật liệu. Những chủ cũ được tiếp tục điều khiển xưởng máy với chức vụ giám đốc, nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ Đảng. Tình trạng “nửa nạc nửa mỡ” này được duy trì trong hai năm (1957-59). Nhưng từ 1959 trở đi, khi bước sang giai đoạn “xây dựng xã hội chủ nghĩa”, Đảng cử đảng viên là giám đốc và bắt các “tư sản dân tộc” phải “cải tạo theo chủ nghĩa xã hội”, nghĩa là phải làm việc bằng tay chân công nhân, nặng nhọc hơn công nhân, trong khi vẫn bị khinh rẻ là “giai cấp bóc lột”. Tư sản dân tộc khác địa chủ ở điểm không bị đấu tố và tù đày, nhưng cả hai đều từ địa vị “bạn của cách mạng, của nhân dân” bước xuống thành phần “kẻ thù của giai cấp”. Theo tờ HỌC TẬP, cơ quan lý luận của Đảng Lao động, thì kiếp sống của “tư sản dân tộc” đã làm mủi lòng một số đảng viên phụ trách kiểm soát họ. Tờ HỌC TẬP viết:!!!“Có một số cán bộ phụ trách xí nghiệp công tư hợp doanh quả quyết rằng những người tư sản đang làm việc ở xí nghiệp do các đồng chí đó phụ trách đã tiến bộ một trăm phần trăm, và việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với họ “không còn thành vấn đề nữa”. Thế rồi các đồng chí đó hối hả đòi “thay đổi thành phần (thăng chức làm công nhân) cho các nhà tư sản… Rất rõ ràng là nếu những người làm công tác cải tạo giai cấp tư sản dân tộc không chịu đi vào nghiên cứu “cuộc sống nội tâm” của những nhà tư sản, chỉ mới nhìn thấy những vết dầu mỡ loang trên tấm áo và thậm chí những chai tay của các nhà tư sản mà đã vội tính chuyện thay đổi thành phần cho họ, thì những người (cán bộ) đó sẽ rất dễ bị lóa mắt bởi những hiện tượng bề ngoài mà không nắm được bản chất vấn đề, do đó sẽ không thể nào làm tròn trách nhiệm trước đảng và giai cấp”.!!!(HỌC TẬP, tháng 3, 1965)
Giới tư sản dân tộc Bắc Việt đã chịu lam lũ trong 7 năm nay, nhưng lời tuyên bố kể trên chứng tỏ con đường “cải tạo” của họ còn dài, và hiện nay họ chưa có mảy may hy vọng “lên chức” công nhân.
Hiện nay Bắc Việt đã hoàn thành công cuộc tập thể hóa nông nghiệp và công nghiệp, nhưng có một điểm đáng chú ý Bắc Việt chưa thành lập, “nhân dân công xã”. Từ trước Bắc Việt vẫn theo sát chính sách của Trung cộng. Tất cả mọi phong trào do Trung cộng đề xướng đều được thi hành tại Bắc Việt chừng hai năm sau bắt đầu từ thuế nông nghiệp đến Cải cách ruộng đất, rồi đến tổ đổi công, hợp tác xã… nhưng Trung cộng đã thực hiện “nhân dân công xã” từ bảy tám năm nay mà cho tới nay Bắc Việt vẫn cứ đứng nguyên trong giai đoạn “hợp tác xã”. Có thể Bắc Việt đã nghe lời khuyên can của Nga sô mà không tiến tới “nhân dân công xã”, mà cũng có thể Bắc Việt chưa muốn thực hiện một chế độ hoàn toàn cộng sản trong khi chưa “giải phóng” được miền Nam. Nhưng vì áp lực của Tàu mỗi ngày một mạnh nên rồi ra, rất có thể, Bắc Việt sẽ trở lại bắt chước Trung cộng và đi theo từng bước chân một.
Việt Nam là một tiểu quốc, nhưng đã anh dũng thoát khỏi nạn Hán hóa sau một nghìn năm đô hộ và, trong lịch sử hiện đại, đã chiến thắng thực dân một cách vẻ vang nhất thế giới, nhưng cũng vì một nghìn năm đô hộ thực sự, và hai nghìn năm “ĐÔ HỘ VĂN HÓA” nên các lãnh tụ Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng nhập cảng những lý thuyết từ bên ngoài yên trí rằng hễ hợp với người là hợp với ta. Kết quả của việc vay mượn lý thuyết đã hiển hiện trước mắt: hai mươi năm chịu đựng chiến tranh và tàn phá trong khi toàn thế giới lo việc xây dựng.
Chúng tôi không muốn bàn đến cái hay và cái dở của ông Hồ, vì mặc dù đã già nua, sự nghiệp của ông vẫn chưa kết thúc; nhưng nếu có người hỏi chúng tôi “GIÁ KHÔNG CÓ ÔNG HỒ THÌ SỐ PHẬN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY NHƯ THẾ NÀO?”, chúng tôi xin trả lời: Vì tất cả các thuộc địa cũ đều độc lập thì không lẽ chỉ riêng Việt Nam, vì không có ông Hồ, mà không được độc lập. Vấn đề có hay không có cộng sản lãnh đạo không liên quan đến vấn đề thu hồi độc lập quốc gia, vì nhiều nước không có cộng sản cầm chính quyền mà cũng vẫn thu hồi được độc lập. Trái lại, nếu chúng ta điểm qua tất cả các cựu thuộc địa, chúng ta chỉ thấy có hai nước bị chiến tranh tàn phá nhiều nhất, bị chia cắt lãnh thổ, bị từ chối không được vào Liên Hiệp Quốc. Hai nước ấy là Việt Nam và Triều Tiên, cũng là hai nước có cộng sản nắm chính quyền. Do đó chúng ta có thể kết-luận: Chẳng phải vì có cộng sản lãnh đạo mới có độc lập, mà chính vì có cộng sản lãnh đạo nên mới thành “thí điểm” để hai khối thử sức và thử tài, để xem ai là cọp thực và ai là cọp giấy. Một là ông Hồ đã quên câu tục ngữ Việt Nam “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”, hai là ông Hồ tự coi mình là “trâu” và dân chúng Việt-Nam là “muỗi”. Mặt trời Mác-Lê của ông Hồ quả là một mặt trời rất chói lọi, nhưng hình như vì chói lọi quá nên đã làm cháy da chảy thịt toàn thể dân tộc Việt Nam từ Bắc chí Nam.
Còn nếu có người hỏi chúng tôi “THÀNH PHẦN NÀO TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM BỊ ‘MẶT TRỜI’ CỦA ÔNG HỒ ĐỐT CHÁY NHIỀU NHẤT?“, chúng tôi xin thưa: THÀNH PHẦN TRUNG LƯU, THƯỜNG ĐƯỢC MỆNH DANH LÀ TIỂU TƯ SẢN, THÀNH PHẦN XUẤT THÂN CỦA ĐA SỐ TRÍ THỨC VÀ VĂN NGHỆ SĨ VIỆT NAM. Nếu có bạn đọc nào chưa công nhận đấy là sự thực khách-quan, chúng tôi xin đề nghị bạn ấy đọc lại những tài liệu liên quan đến “trung nông” và văn nghệ sĩ chúng tôi đã trích hầu các bạn trong báo chí Bắc Việt.
Còn câu hỏi “PHẢI HY SINH BAO NHIÊU XƯƠNG MÁU NỮA THÌ SẼ LÊN TỚI THIÊN ĐƯỜNG CỘNG SẢN VÀ THIÊN ĐƯỜNG ẤY HUY HOÀNG LỘNG LẪY NHƯ THẾ NÀO?” thì chúng tôi không dám trả lời vì đấy thuộc về sự nhận thức của mỗi người. Chúng tôi chỉ cống hiến những tài liệu khách quan để xây dựng nhận thức ấy.