Số lần đọc/download: 429 / 21
Cập nhật: 2020-04-26 15:09:09 +0700
Chương 20
T
rời mưa rả rích suốt đêm, họ nằm trên giường ăn đồ Thái thẳng từ trong hộp, nghe mưa gõ lộp độp trên mái nhà và xối ào ào qua máng xả như tiếng máy đánh bạc nhả xu. Đến sáng, mưa ngớt dần, nhưng bầu trời cả thành phố bị bao phủ trong màn mây xám ngột ngạt.
Dan hôn Tracy ở cổng trước. “Vậy là anh không thể dụ dỗ em tới Cedar Grove để giúp anh chống đỡ với lũ chó cuồng nặng hơn một tạ ư?”
“Em muốn thăm chúng lắm chứ.” Cô nói. “Nhưng chắc anh sẽ phải dành cả ngày để chuẩn bị cho tuần sau, còn em có thể tranh thủ thời gian kiểm tra lại vài thứ, và hy vọng có thể liên lạc được với Wright.”
“Hèn nhát.” Anh nói. “Em để mặc anh với lũ quái vật.”
Sau khi Dan đi, Tracy dọn dẹp phòng khách. Cô đang định đi tắm thì điện thoại reo.
“Xin lỗi, tối qua tôi không nghe được điện thoại của cô.” Giọng Kaylee Wright vang lên mệt mỏi. “Bọn tôi đang đi tìm một cái xác ở Tacoma.”
“Tôi có nghe nói. Có chút may mắn nào không?”
“Không. Trời tối om, thời tiết thì quay lưng lại với chúng tôi. Tôi đang đợi tin xem hôm nay chúng tôi có ra ngoài nữa hay không.”
“Công việc mà, muốn nghỉ cũng khó.”
“Kể tôi nghe nào. Tôi vẫn đang say máy bay đây. Tôi không muốn có thêm một đêm xuyên rừng trong mưa nữa đâu.”
“Tôi không chất thêm gánh nặng cho cô đâu. Tôi chỉ hy vọng có thể ghé qua và xem lại chỗ ảnh mà tôi đã đưa. Cô không cần phải gặp tôi cũng được. Chỉ cần nói chỗ tìm chúng thôi.”
“Thật ra tôi đã mang chúng về nhà đây này. Tôi muốn hoàn thành báo cáo vào cuối tuần này nhưng giờ thì chẳng biết là có thời gian hay không nữa.”
“Cô đã xem chúng rồi à?” Tracy hỏi. Cô cứ nghĩ Wright chưa sờ tới chúng.
“Tôi mang lên máy bay đi Đức. Tôi đã bảo cô là tôi thích thử thách và cô khiến tôi thấy có hứng thú mà. Tôi vẫn chưa xong báo cáo, nhưng khởi đầu thì khá tốt.”
“Khi nào thì cô biết có cần phải quay lại Tacoma hay không?”
“Mười giờ họ sẽ báo cho tôi. Tôi có thể đi cà phê với cô trong lúc chờ đợi. Cô tới chỗ tôi được không?”
Tracy gặp Wright tại một quán cà phê gần nhà Wright ở Renton. Giống như Rosa, về lý thuyết là làm việc cho quận King nhưng vì có chuyên môn hiếm nên phải phục vụ cho tất cả ba mươi chín quận của bang Washington, lúc nào năng lực của Wright cũng được người ta săn đón. Cô đã làm việc cho Sở Cảnh sát quận King gần ba mươi năm, bao gồm cả thời gian làm nhân viên CSI và điều tra viên chuyên về các vụ án mạng, nhưng cô bắt đầu nổi danh từ khi trở thành người săn dấu vết có chứng chỉ đầu tiên của quận, một kỹ năng mà cô đã trau dồi qua nhiều năm. Các điều tra viên từng hợp tác với cô đều nhất trí cao độ rằng Wright không chỉ nhìn thấy những gì ống kính cho ta thấy – cô thấy nhiều hơn, có những thứ ngay cả những điều tra viên lão làng cũng có thể bỏ qua.
Quán Pit Stop có lẽ từng là một xưởng sửa chữa ô tô cho tới khi một doanh nhân với trí tưởng tượng phong phú hơn Tracy rất nhiều biến nó thành một tiệm cà phê. Sàn xi măng trát màu nâu gỉ, tường vẫn treo các biển hiệu xe cộ bằng kim loại và poster những cô nàng mặc đồ bó sát ưỡn ẹo trên mui xe hơi hay ngả ngớn trên xe máy. Người ta đã ghép thêm các thanh gỗ vào thang nâng để biến chúng thành bàn cho khách ngồi và thành một quầy pha chế đang tỏa mùi cà phê ngào ngạt.
Wright đang ngồi trong góc, gần một trong ba cái cửa cuốn. Ánh sáng tù mù lọt qua ô kính phía trên cửa. Bầu trời bên ngoài đã ngả màu xám như chì, dấu hiệu cho thấy chắc chắn sẽ lại mưa to. Trên bàn, dưới bóng ngọn đèn treo hình chóp, những bức ảnh của Buzz Almond đã được chia thành từng tập. Wright đang lật một tập báo cáo khi Tracy bước vào. Tracy nhìn tách cà phê bằng sứ còn một nửa của Wright, bọt và xoáy sữa cho thấy đó là một ly latte. “Cô uống thêm không?”
“Tôi đủ rồi.”
Họ chào nhau, Tracy ngồi lên chiếc ghế không tựa đối diện Wright. Cô nhìn tập báo cáo và chồng ảnh trên bàn. “Xem ra cô cũng đã bỏ nhiều công sức vào đây rồi.” Cô nói.
“Tôi đã nói rồi, vụ này thu hút tôi. Tôi tò mò muốn biết tôi có đi đúng đường không.” Wright đưa Tracy một bản báo cáo nháp. “Tôi cho rằng người chụp những bức ảnh này đã từng được đào tạo về nghiệp vụ cảnh sát hoặc rất có năng khiếu.”
Khi đưa ảnh cho Wright, Tracy hoàn toàn không biết ngoài những thứ trên bề mặt, những bức ảnh này còn có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với Rosa và Peter Gabriel, cô ngờ rằng mình đã biết chuyện xảy ra như thế nào. Tommy Moore đã cán lên người Kimi Kanasket rồi quăng xác cô ấy xuống sông, dù để chứng minh được điều đó, cô vẫn còn cả một quãng đường dài phía trước.
“Hãy giải thích giúp tôi tại sao lại thế.” Cô nói.
Wright vẫn đứng yên. Trông cô như nhà cái ở sòng bài. “Các bức ảnh được chụp theo trình tự.” Wright với một tập ảnh rồi lật trang đầu báo cáo. “Tôi phải mất một lúc mới nhận ra điều đó, nhưng khi phát hiện ra thì điều đó thực sự có ý nghĩa. Tôi sẽ chỉ cho cô xem từng bước một.”
Wright tháo dây chun ở tập ảnh đầu tiên, đưa cho Tracy theo trình tự, còn mình thì đọc bản báo cáo. “Người chụp đã chụp bức ảnh đầu tiên trên đường, nơi con đường bắt đầu. Tôi đã đánh số 1 ở sau lưng đấy. Ông ta hay bà ta…”
“Ông ta.” Tracy nói.
Wright gật đầu. “Sau đó, ông ta tiếp tục chụp ảnh khi đi xuôi theo con đường.” Wright chỉ ra rằng bản báo cáo của cô đã đánh dấu những bức ảnh đó theo số thứ tự từ 2 đến 12 và cùng Tracy xem theo đúng trình tự. Wright đặt bức ảnh số 12 xuống, tháo dây chun trên tập ảnh thứ hai rồi lại đưa ảnh cho Tracy. “Khi tới trảng đất trống, ông ta đã chụp trảng đất theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ vòng ngoài rồi đi dần vào tâm.” Báo cáo của Wright ghi đó là những bức ảnh số 13 đến 32. Khi xem hết tập ảnh thứ hai, cô đưa tiếp cho Tracy tập thứ ba. “Sau đó, ông ta lại chụp ảnh khi đi ra ngoài. Căn cứ theo hướng của bóng nắng trên mặt đất theo từng bức ảnh, tôi ước lượng đó là tầm chiều muộn, đầu mùa thu.”
“Tháng Mười một.” Tracy nói.
Wright nói: “Khi đi vào, ông ta đi theo hướng đông hoặc đông nam. Ông ta đi ra theo hướng bắc hoặc tây bắc.” Cô đưa cho Tracy ảnh số 33 đến 45. “Nên tôi nghĩ rằng ông ta đã được đào tạo về nghiệp vụ, dù chẳng có gì chắc chắn là ông ta hay ai đó ở văn phòng của ông ta thực sự đã từng được đào tạo để giải mã được những điều này. Nếu có thì cô đã chẳng ngồi ở đây lúc này.”
“Ông ấy là một cảnh sát viên.” Tracy nói. “Nhưng ông ấy là lính mới vào nghề. Sao cô lại bảo tôi sẽ không ngồi đây?”
Wright giơ một bức ảnh lên như đang chiêm ngưỡng một tác phẩm nghệ thuật. “Đây là một trong những vết bánh xe được chụp bằng máy ảnh đẹp nhất mà tôi từng thấy.”
“Sao cô lại nghĩ vậy?”
“Tôi mạo muội đoán rằng đó là vì vết bánh xe được tạo ra khi đất ẩm, có thể là do mưa nhẹ. Nếu mưa to quá thì mọi thứ lại nhão nhoét ra hết. Nếu đất quá cứng thì không thể chụp được dấu vết tốt như vậy. Điều kiện khi chụp những bức ảnh này thật hoàn hảo.” Wright đưa Tracy ảnh số 47 đến 49. “Những tấm ảnh này đẹp như có người đúc lại bánh xe ấy.”
Tracy biết đây là một tín hiệu tốt. “Từ vết bánh xe này, cô có nhận dạng được loại lốp nào không?”
“Có người nhận dạng được. Tôi không có dữ liệu ấy nhưng Phòng Nghiên cứu Tội phạm có.” Wright nói. Cô uống nốt chỗ cà phê và đặt hai tay lên bàn. “Được rồi, cô còn muốn biết thêm điều gì không?”
Tracy nhìn những chồng ảnh khác nhau nhưng không cầm lên vì sợ làm xáo trộn hệ thống Wright đã dày công sắp xếp. “Có mấy tấm ảnh chụp một cái xe tải trắng…”
“Tôi xem rồi.” Wright với một tập ảnh rồi lật xem. “Chúng đây.” Cô đặt ba tấm lên mặt bàn, quay về phía Tracy.
“Cô có nghĩ đây là cái xe tải để lại vết bánh xe đó không?”
“Tôi nghĩ đó có thể là lý do mấy tấm ảnh này lẫn ở đây.” Wright chống khuỷu tay lên bàn và dùng cái tẩy ở đuôi bút chì để chỉ. “Ông ta không chụp mặt lốp, nhưng có chụp cạnh lốp. Ở Phòng Nghiên cứu Tội phạm sẽ có người phóng to phim ra để xem có đọc được nhãn mác của lốp hay không. Nếu được, họ có thể tra cứu về cái lốp đó trên máy tính và so sánh nó với vết bánh xe trong những bức ảnh này.”
Tracy sẽ nhờ Michael Melton làm việc đó. Cô đặt ảnh chụp xe tải của Tommy Moore sang một bên. “Tôi biết cô không có nhiều thời gian. Cô có thể cho tôi biết ý kiến và kết luận của cô được không?”
Wright đổi tư thế ngồi và dành một giây để sắp xếp lại các bức ảnh. “Viên cảnh sát của cô đang lần theo những vết bánh xe vào và ra trên cùng một đường, vết bánh xe đi theo cả hai hướng.”
“Điều đó có ý nghĩa đấy.”
“Ông ta cũng nhanh chóng nhận định rằng chiếc xe tải đang đi theo ai đó. Tôi có thể nói với cô rằng họ đang đuổi theo người đó, nhưng ông ta hoặc có hoặc không nhận ra.”
Tracy ngẩng lên khỏi bản báo cáo khi Wright tháo chun một tập ảnh khác và trải chúng lên mặt bàn. Lần này Wright vẫn lấy cái tẩy để chỉ. “Cô có thấy những tấm này không? Đây là vết giày do một người đang di chuyển nhanh để lại.”
“Đang chạy?”
“Chạy là một khái niệm chủ quan. Với cô là chạy, với tôi có thể chỉ là đi bộ nhanh. Cho cô hay, độ dài sải chân trung bình của phụ nữ khi đi bộ là 66 cm đến 68 cm. Độ dài sải chân trung bình của phụ nữ khi chạy có thể dao động từ 147 cm tới hơn 200 cm tùy theo chiều cao, địa hình và phụ thuộc người đó chạy cự ly dài hay chạy nước rút. Tôi đã đo được hai số liệu và suy đoán được khoảng cách. Sải chân của người này nằm giữa 157 cm và 185 cm. Sự chênh lệch có lẽ chủ yếu do địa hình chứ không phải vì thứ gì khác.”
“Nếu lúc đó là buổi tối thì cũng là một yếu tố chứ?”
“Chắc chắn rồi. Cô ta sẽ phải bước đi cẩn thận hơn, nhưng tôi có thể nói rằng cô ta cũng không quá ngập ngừng đâu. Phần lớn quãng đường, cô ta đi rất nhanh, đó cũng là một dấu hiệu khác cho thấy cô ta đang bị đuổi theo.”
“Cô cứ nói cô ta mãi. Cô chắc chắn đó là phụ nữ sao?”
“Phụ nữ, hoặc một người đàn ông nhỏ con.”
“Tại sao?”
“À, dấu giày được tạo nên bởi một người đi giày có gót và…” Wright lấy lại những tấm ảnh, lật qua cho tới khi tìm thấy thứ cần tìm, và đưa một tấm cho Tracy.
“Vết này tương đương với giày phụ nữ cỡ số 7, độ dày của gót và kiểu dáng đế giày cho thấy đây không phải giày bốt mà giống loại giày người ta sẽ đi khi phải đứng làm việc cả ngày. Tôi đã tìm trên máy tính vài mẫu được đi vào năm 1976.”
Wright lần tìm trong tập giấy thứ hai và đưa Tracy vài tờ giấy rời. Từ những vụ trước, Tracy biết Wright đã truy cập được một ngân hàng giày trên máy tính ở phòng dữ liệu tội phạm, nơi lưu giữ hàng ngàn dấu giày khác nhau. Người vận hành sẽ đưa mẫu dấu giày vào máy tính để tìm kiếm loại tương thích. Những loại giày có khả năng trùng khớp mà Wright in ra là loại giày bền mà một người phục vụ bàn có thể mang.
“Điều đó đưa chúng ta tới không gian rộng mở này.” Wright nói. “Và đó là nơi cảnh tượng trở nên thực sự kinh hoàng.”
Wright đưa Tracy thêm một tập ảnh, nhưng Tracy phải đặt chúng xuống để lau tay vào quần. Cũng giống như buổi tối hôm trước trong bếp, ý nghĩ về những gì đã xảy ra với Kimi khiến tâm can cô thắt lại. Người cô nóng bừng, đầu óc váng vất.
“Cô ổn chứ?” Wright hỏi.
Tracy ngừng lại. “Tôi xin phép một lát.” Cô ra quầy xin một cốc nước lạnh. Bức ảnh chụp mặt đất bị cày nát, những gì được tiết lộ từ cuộc nói chuyện với Kelly Rosa đã rọi một luồng sáng mới lên tất cả mọi thứ. Vài hớp nước lạnh khiến cơn nóng trong cô dịu đi.
Quay trở lại bàn, cô nói: “Xin lỗi. Có vài điều trong vụ này hơi nhạy cảm đối với tôi.”
“Không cần phải xin lỗi.” Wright nói. Cô bày ra vài tấm ảnh và lại dùng tẩy bút chì phụ họa cho phần giải thích của mình. “Để tạo nên một vết lún rõ như vậy, khi chạm đất, chiếc xe phải đang đi ở tốc độ rất cao.”
“Chạm đất?”
“Chiếc xe đâm vào đây đã lao nghiêng.” Lời Wright nói xác nhận ý kiến của Rosa về việc Kimi đã chịu tổn thương do chèn ép. “Theo hướng vết bánh xe, chúng ta có thể giả định rằng chiếc xe đã trèo lên đỉnh đồi.” Wright lật tập ảnh và lôi ra một tấm. “Đây, đây là thứ tôi đang tìm.” Bức ảnh có vẻ đã được chụp từ trảng đất trống nhìn lên sườn đồi. “Bức ảnh này khiến tôi nghĩ rằng viên cảnh sát của cô cũng nghĩ giống tôi – chiếc xe đã leo lên đồi, lao lên không trung – dấu vết ngừng lại và mõm xe đập xuống đầu tiên, tạo nên vết lõm sâu.”
“Tại sao mặt đất lại bị cày nát?”
“Tôi phỏng đoán là trong trường hợp này, tài xế đang chạy xe ở tốc độ rất cao và không nghĩ mình sẽ vọt lên không trung. Theo bản năng, anh ta rút chân ra khỏi chân ga và đạp chân phanh. Khi chiếc xe chạm đất, nó nảy lên và lạng đi, nếu tài xế có kinh nghiệm lái xe địa hình thì bản năng sẽ mách bảo anh ta nhấn chân ga, khiến bánh sau cày xuống đất theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, dẫn đến những gì ta đang có ở đây.”
Tim Tracy đập thình thịch như trống dồn trong lồng ngực. “Cô nói đó là điều thực sự kinh hoàng. Tại sao thế?”
Wright đặt tập ảnh xuống, tìm ở tập khác một lúc rồi lấy ra vài tấm ảnh. “Bởi vì có người trên mặt đất.”
“Ở đâu?” Môi và miệng Tracy khô rang. Cô uống thêm một ngụm nước. “Ý tôi là, sao cô biết?”
Wright đưa Tracy một tấm ảnh khác. “Va chạm khi chiếc xe tiếp đất đã xóa mờ những vết lõm, nhưng không phải toàn bộ.” Wright lấy tẩy chỉ. “Cô có thấy ba vết lõm chỗ các ngọn cỏ bị ngả rạp theo cùng một hướng không?”
“Không rõ lắm.”
Wright lại lật các tấm ảnh khác và đưa cho Tracy bức ảnh thứ hai cùng với một cái kính lúp cho Tracy dùng trong lúc nói tiếp. “Cái này khá hơn này. Đây. Cô thấy chưa?”
Tracy nhìn thấy các vết hằn. “Giờ thì tôi thấy chúng rồi.”
“Nếu không được đào tạo thì viên cảnh sát của cô không bao giờ nhận ra được những điều này. Thực tế tôi khá ngỡ ngàng vì ông ta có thể chụp lại chúng bằng máy ảnh. Có vẻ như ông ta cũng không nghĩ mình có thể kỹ càng đến vậy. Có thể ông ta nghĩ đó là dấu giày. Thực sự là hơi kỹ quá, nhưng cũng trùng hợp. Tôi đã xem đi xem lại hàng trăm lần. Đây là dấu vết tạo nên từ đầu, vai và hông của một người.”
“Một người đang nằm nghiêng?”
“Chính thế. Và căn cứ vào những dấu vết tạo ra nơi chiếc xe tiếp đất, hẳn là cái xe đã đâm vào phần dưới hông cô ta.”
Một lần nữa, những phân tích của Wright trùng khớp với ý kiến của Rosa rằng xương chậu của Kimi Kanasket đã bị gãy. Wright gom lại chỗ ảnh và bắt đầu sắp những hàng ảnh khác. “Viên cảnh sát còn chụp nhiều dấu giày nữa. Tôi có thể nói đó là dấu giày của ít nhất từ ba đến năm người.”
Tracy bỗng thấy ớn lạnh. “Hơn một người ư?”
“Chắc chắn là phải hơn một người rồi.” Wright đáp. Cô cúi về phía trước, chỉ vào bức ảnh đầu tiên ở hàng trên cùng. “Đây là Converse, một hãng giày phổ biến của lũ con trai vào thời kỳ đó. Cỡ 12.”
“Vậy là chúng ta đang nói tới một thanh niên trẻ.” Tracy nói.
“Phải.” Wright đưa Tracy một tấm ảnh thứ hai chụp dấu giày. “Đây cũng là Converse, cũng cỡ 12, nhưng độ sâu của dấu giày cho thấy chúng được tạo ra bởi ai đó nặng ký hơn.”
“Nhưng vẫn là một thanh niên.”
Wright đưa Tracy tấm ảnh thứ ba. “Cũng vẫn Converse, nhưng lần này nhỏ hơn, cỡ 9 tới 10.”
“Vậy là người thứ hai, cũng có thể là người thứ ba.” Tracy nói.
Wright xáo mớ ảnh lên và rút một tấm đặt lên bàn. “Pumas.” Cô nói. “Cũng phổ biến đối với lũ trẻ vào thời kỳ đó, cũng cỡ 10.”
“Vậy là chắc chắn có người thứ ba, có thể là người thứ tư.” Tracy nói.
Wright đưa Tracy một bức ảnh khác, nhưng bức này chụp vết hằn khác hẳn các vết hằn của Converse hay Puma – một hàng chữ V quay ngược phía trên ba hàng dấu gạch chéo, trong đó hàng thứ hai nghiêng theo hướng ngược với hàng thứ nhất và thứ ba. Trông giống như một hàng dấu xược trái nằm giữa hai dòng dấu xược phải trên bàn phím máy tính.
^^^^^^^^
\ \ \ \ \ \ \ \ \ \ \ \ \
/////////////
\ \ \ \ \ \ \ \ \ \ \ \ \
“Vẫn là cỡ 12.” Wright nói.
“Trông không giống giày tennis nhỉ.” Tracy nói.
“Không. Đó là ủng cao su.” Wright nói. “Tôi đã tra cứu. Đây là dấu ủng sản xuất bởi Công ty Cao su Hoa Kỳ. Chúng rất phổ biến vào những năm 1970 và được săn lùng vì chúng bằng cao su, nghĩa là chống thấm nước, nhưng lại lót lông nên rất ấm. Ban đầu chúng được sản xuất để phục vụ quân lính trong Thế chiến II, những xưởng sản xuất bị đóng khi nhu cầu cao su cho các mục đích chiến tranh cấp thiết khác tăng cao.” Wright đưa Tracy một tấm ảnh khác. “Đây nữa.”
Tracy giơ tấm ảnh lên ánh sáng. “Cái gì vậy?”
“Tôi phải quan sát nó dưới kính hiển vi.” Wright nói. Cô đưa Tracy cái kính lúp nhỏ. “Lá thuốc nhai rồi. Tôi chỉ đang đặt giả thuyết thôi, nhưng nếu có người nhai thuốc lá trong một chiếc xe lao vút lên không trung, mà có vẻ là đúng như thế, và bị giật ngược lại đằng sau…”
“Họ sẽ nuốt lá thuốc và nôn nó ra.” Tracy nói.
“Hoặc buộc phải nhổ nó ra.” Wright nói. Cô trải ảnh chụp các dấu giày ra bàn, tái tạo lại trảng đất trống. “Nào, giờ thì cô thấy gì về các dấu giày?”
“Chúng có ở khắp nơi.” Tracy đáp. “Quay theo mọi phương hướng.”
“Một số bị nhòe. Một số bị kéo dãn.” Wright đồng tình. “Không có khuôn mẫu nhất định. Rõ ràng chúng không di chuyển theo chủ ý nào.”
“Chúng đang rối bời, hoảng loạn.” Tracy nói.
“Sợ hãi. Hoang mang.” Wright tiếp lời. Cô đưa Tracy bức ảnh đánh số từ 67 tới 71 chụp các vết ủng.
Tracy đưa ảnh lại gần hơn. “Mấy vết này có vẻ như đi quanh khu vực cơ thể nằm trên mặt đất như lời cô nói.”
“Không chỉ vòng quanh… mà còn ở dưới nữa.”
Tracy nhìn Wright để xác nhận lại. “Ở dưới ư?”
“Người đi ủng đã nâng cơ thể đó lên,” Wright đáp, xác nhận ý kiến quan trọng cuối cùng của Rosa – Kimi Kanasket đã bị ném xuống sông sau khi bị thương.
Wright lại dùng đầu tẩy bút chì và kính lúp. “Cô thấy dấu vết hình tròn trong bùn chứ?”
“Vâng.”
“Và ở đây, cô chỉ thấy hàng chữ V nguợc và hàng gạch chéo đầu tiên?”
“Vâng.”
“Khoảng cách giữa hai vết đó chỉ từ 45 đến 48 cm. Vết tròn là do có người quỳ một gối xuống, vết thứ hai là gót chân của người đó. Cô sẽ thấy các vết giày này bị méo mó và chệch choạc.”
“Phải.”
“Đó là dấu vết khi người đó đứng nhưng đang phải chịu sức nặng của cơ thể kia, có thể bị loạng choạng để điều chỉnh trọng tâm và lấy lại thăng bằng. Người ta không nhận ra một cơ thể khi chết nặng tới nhường nào đâu. Dù là bốn mươi lăm cân cũng rất khó nâng.” Wright nói.
“Năm mươi bảy cân.” Tracy nói.
Wright ngẩng đầu lên khỏi những bức ảnh. Cô ngồi thẳng người.
“Một cô gái mười bảy tuổi.” Tracy nói tiếp. “Cô ấy cao một mét bảy, nặng năm mươi bảy cân, là vận động viên điền kinh và có cả một cuộc đời đang trải rộng trước mắt.”
Wright ngừng lại một lúc. Rồi cô khẽ nói: “Họ đã làm gì cô ấy?
“Tôi cũng chưa nắm rõ hoàn toàn.” Tracy đáp. “Và tôi bắt đầu tự hỏi liệu họ có ý thức được họ đã thực sự làm những gì hay không?”
Khả năng có bốn, năm thanh niên có mặt ở trảng đất trống vào đêm Kimi Kanasket chết đã thay đổi tất cả. Đó vẫn có thể là Tommy Moore, nhưng nếu thế thì Moore phải kêu gọi sự trợ giúp từ những người khác cực nhanh, quá nhanh so với các mốc thời gian trong báo cáo của Buzz Almond. Sau khi rời tiệm ăn, Moore chở bạn gái về nhà rồi lái xe quay về căn hộ. Ông ta không thể viện tới sự trợ giúp của bạn cùng phòng vì tối hôm đó, người bạn cùng phòng đã nói chuyện với Élan và đồng bọn, rồi sau đó cả với Buzz Almond nữa.
Về phần Élan, tối hôm đó ông ta ra ngoài cùng một nhóm người, nhưng những người đó tới để giúp Earl Kanasket. Thật khó mà hình dung nổi việc họ đột nhiên quay ngoắt lại và đuổi theo Kimi.
Khi Wright nói có ít nhất bốn chàng trai trẻ có mặt ở đó, điều đầu tiên hiện lên trong đầu Tracy là bài báo về chức vô địch bóng bầu dục trung học. Giờ cô đã hiểu Buzz Almond kẹp bài báo vào trong hồ sơ không chỉ để giúp các nhân chứng có cái mà nhớ về dịp cuối tuần đó.
Tracy như muốn chọc thủng bàn phím điện thoại trước khi kịp băng qua bãi đỗ xe để tới xe của mình. Điện thoại nhà Sam Goldman reo sáu hồi chuông, Tracy tưởng chừng sẽ bị nối máy tới hòm thư thoại nhưng ông già nhấc máy giữa chừng. “Sam, tôi là điều tra viên Crosswhite ở Seattle.”
“Lũ người xấu thế nào rồi, người hùng?”
Tracy vào trong xe, đóng cửa lại. “Vẫn xấu như vậy, Sam ạ. Xin lỗi, nhưng tôi có thêm vài câu hỏi phiền ông đây.”
“Xin mời. Nếu trả lời được thì ta rất sẵn lòng.”
Tracy nghe thấy tiếng Adele vang lên trong điện thoại. “Ai đó Sam?”
“Cô điều tra viên ở Seattle.” Ông già đáp rồi nhanh chóng quay lại nói chuyện với Tracy. “Ta có thể giúp gì cho cô?”
“Tứ Thiết Nhân.” Cô vừa nói vừa lần trong ca táp lấy sổ tay và giở ra. “Eric Reynolds, Hastey Devoe, Archibald Coe và…”
“Darren Gallentine.”
“Chính họ. Ông có thể nói gì với tôi về họ hả Sam?”
“Cô muốn biết điều gì?”
“Khi không chơi bóng, họ là người thế nào?”
Goldman ngừng nói và Tracy nghe thấy tiếng Adele nói vọng vào Bọn chúng rất tự mãn, chứng tỏ bà đang nghe lỏm cuộc nói chuyện.
“Như thế nào cơ?” Tracy hỏi.
“Chúng không phải trẻ hư.” Goldman nói. “Cô biết thế nào đấy. Gia đình của cả bốn đứa đều chẳng khá giả gì, bỗng một ngày chúng trở thành tâm điểm, tuần nào tên tuổi cũng xuất hiện trên báo chí. Ngoài đường, người lớn gọi chúng lại chúc mừng, họ chỉ muốn nói về những trận đấu sắp tới. Điều đó khiến cái tôi của chúng được thổi phồng.”
“Họ có bao giờ dính vào chuyện gì rắc rối không?”
“Nếu có, cô bạn à, thì ta cũng chưa từng nghe tới.”
“Ông có vẻ không chắc chắn lắm.”
“Tin đồn cả thôi. Những thứ ta không thể in thành giấy trắng mực đen ấy.”
Tracy thấy Kaylee Wright rời quán cà phê và đi ra chiếc SUV. Cô vẫy tay chào. “Đôi khi trong tin đồn cũng ẩn chứa sự thật.” Cô nói.
“Và cả kiện tụng nữa.” Goldman cười phá lên. “Ta cũng giống Jack Webb. Ta chỉ in sự thật mà thôi.”
Tracy quyết định dấn tới. “Ai sẽ kiện cơ?”
“Như ta đã nói, lũ trẻ bắt đầu thấy tên mình trên báo, được người ta vỗ vai, đôi lúc chúng nghĩ chúng chẳng thể làm sai điều gì. Những trò của lũ học sinh trung học ấy mà, cô biết đó.”
“Uống rượu? Hút cỏ?”
“Vấn đề là thế này. Nếu Timmy bé nhỏ bị bắt quả tang uống bia và bị cảnh sát đưa về nhà thì chẳng ai thèm quan tâm. Nhưng nếu một đứa trong nhóm Tứ Thiết Nhân bị bắt và bị cảnh sát đưa về nhà thì cả thị trấn đều biết. Họ lo rằng nó sẽ bị đuổi khỏi đội và chuỗi mùa giải bất bại của họ sẽ tan thành mây khói.”
“Đúng thế, nhưng ông là rành nhất còn gì. Những tin đồn ấy có phần sự thật nào không?”
Goldman thở dài. Rồi ông nói: “Thị trấn nhỏ thì chẳng có gì nhiều để làm.”
“Ông có biết có ai trong số họ có mối liên hệ tình cảm với Kimi Kanasket không?”
Goldman ngừng lại. Tracy biết ông lão đang kết nối các câu hỏi của cô lại với nhau. “Nếu có thì ta không được biết.”
“Ông chưa bao giờ nghe nói tới chuyện nào như thế ư?”
“Không có chuyện gì như thế.”
“Ông có nghĩ ra mối liên hệ nào không?”
Một lần nữa, lại một sự im lặng kéo dài. “Coe và Gallentine chạy điền kinh. Đó là điều duy nhất ta nghĩ ra được.”
“Ông có gì để nói về Arthur Coe không?”
“Archibald Coe.” Goldman chữa lại. “Thằng nhóc ngoan ngoãn. Nó có lẽ là đứa ít hợm hĩnh nhất bọn. Sau khi tốt nghiệp, nó nhập ngũ nhưng rồi xin ra vì lý do sức khỏe.”
“Ông có biết cụ thể là gì không?”
“Theo tin chính thống thì nó bị đau lưng.”
“Còn không chính thống?”
“Theo tin không chính thống thì nó bị suy nhược thần kinh. Giờ nó sống ở Central Grove, làm việc cho vườn ươm. Ít nhất thì cách đây mười lăm năm, khi ta tìm cách nói chuyện với nó, nó đang làm việc đó.”
Tracy nghĩ tới người đàn ông cô nhìn thấy ở trảng đất trống và bụi cây mới trồng. “Ông ta đã lấy vợ chưa? Có con không?”
“Đã ly dị. Vợ con nó chuyển tới sống đâu đó ở California. Có lẽ là Palm Springs.”
“Tại sao cách đây mười lăm năm ông lại tìm cách nói chuyện với ông ta?”
“Ta đã định viết một bài báo nhân kỷ niệm hai mươi lăm năm chức vô địch, nhưng hóa ra đó chẳng phải bài báo chúc tụng mà mọi người mong đợi.”
“Tại sao?”
“Eric Reynolds là người duy nhất trong bốn đứa có chút sự nghiệp. Nó chơi bóng bốn năm ở đại học nhưng bị chấn thương đầu gối khi tập bóng vào năm thứ hai. Nếu là bây giờ thì việc đó không nghiêm trọng lắm, nhưng lúc ấy thì đó đúng là nụ hôn của Thần Chết. Nó không bao giờ đạt được đỉnh cao như hồi trung học. Tốt nghiệp xong, nó về nhà và bắt đầu sự nghiệp xây dựng, bê tông cốt thép này nọ. Ở khu này của Seattle, đến bất kỳ công trình công cộng nào cô cũng có thể thấy băng rôn của công ty Xây dựng Reynolds.”
Tracy nhìn lại số tay. “Thế còn Darren Gallentine?”
“Tự tử bằng súng. Hồi đó nó sống ở Seattle.”
“Khi nào?”
“Khoảng cuối những năm 80.”
“Ông có biết nguyên nhân không?”
“Không manh mối gì, cô bạn ạ. Đứa cuối cùng trong bốn đứa là Hastey con, tay bợm rượu nổi danh toàn thị trấn. Ta đã bảo rồi, câu chuyện chẳng hay ho gì cho cam. Bọn ta đành xếp xó.”
“Hastey làm gì cho Reynolds?”
“Nó lái một cái xe trộn bê tông cho tới khi bị bắt lần thứ ba vì lái xe khi uống rượu. Giờ ta nghĩ nó đang mài mông trong văn phòng rồi.”
“Xem ra Reynolds cũng có tình nghĩa với bạn nhỉ.”
“Ở thị trấn nhỏ thì tình nghĩa sâu nặng lắm.”
“Phải.” Tracy nghĩ tới Cedar Grove. “Tôi cần tới xem thêm những tờ báo của ông một chút nữa, Sam à. Ổn chứ?”
“Sẵn lòng thôi, cô bạn. Chúng ta vẫn ở nguyên nơi này, không đi đâu hết.”