Love is like a butterfly, it settles upon you when you least expect it.

 
 
 
 
 
Tác giả: Dang Chi Binh
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 214
Phí download: 13 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4611 / 119
Cập nhật: 2023-03-29 02:21:49 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22: Lẩn Tránh…
úc ngồi chờ bà hàng đang cắt những chiếc nem cua vàng ngậy thơm phức, tôi dật dờ nghĩ đến linh mục A. Chắc từ bữa ấy, người đang chờ, mà tôi mãi biệt tăm. Nếu người hiểu rằng, tôi mà không bén nhậy thì đã đưa người vào chỗ chết rồi. Tôi suy nghĩ, cân nhắc các tình huống xem có thể có điều kiện nào trở lại với người. Với tình trạng bao vây bám sát của địch dày như thế này, không thể được! Không nhìn rõ vấn đề, mơ hồ lao vào, thật là sai lầm, đôi khi lại trở thành người gây tội ác nữa.
Đêm ấy, tôi trở lại nhà trọ Hàng Buồm. Đêm nằm suy nghĩ miên man đến cảnh giao tài liệu lúc sáng. Riêng về điểm này, Sài Gòn đã dự trù được trước các tình huống, thật đáng ca ngợi. Nếu không như vậy, không có cách nào tôi trao được tài liệu “M”, khi tôi bị 5, 6 cái “đuôi” bám sát.
Thật cũng may, ngay khi tới Hà Nội, tôi đã trao được tài liệu X cho Z-5, lúc địch chưa phát hiện. Chứ bây giờ, làm sao có thể thực hiện được. Giòng suy nghĩ của tôi cứ chảy hoài: Làm sao bây giờ cắt được “đuôi” đây?
Tôi nhớ lại những lần thực tập ở Sài Gòn, Biên Hòa, Mỹ Tho, bao nhiêu cái “đuôi” tôi đều phát hiện hết, và cuối cùng tôi cũng đều cho họ vào xiếc, rồi đột nhiên tôi biến mất. Nhiều lần Brown, Dale, và Phan đã bắt tay ca ngợi tôi. Lúc đó, sở dĩ tôi thi thố được khả năng là do: phương tiện lưu thông của đường phố; nhiều nơi tụ họp ăn chơi đông đúc; còn người dân thì chuyện ai nấy lo, họ không cần quan tâm đến việc của người khác. Nhưng ở Hà Nội lúc này, tình huống hoàn toàn ngược lại với 3 yếu tố trên.
Muốn cắt “đuôi” bất ngờ thì phải: Lợi dụng xe cộ ngược xuôi đông đúc, nhảy xe này, xuống xe kia, sang xe khác, trong khi đó, đường phố Hà Nội lại toàn là xe đạp, nhảy đâu? Chạy đâu? Những nơi đông đúc tụ hội ăn chơi, có nhiều ngõ trước đường sau, cửa ngang, cửa dọc, xe cộ qua lại nhiều, có chỗ che nấp. Vừa đấy đã biến lên xe chạy chỗ khác rồi; trong khi ở Hà Nội thời ấy làm gì có cảnh đó.
Về người dân, đa số dân người Bắc nói chung, và Hà Nội nói riêng, hãy còn mơ hồ về “chiếc bánh vẽ thơm ngon” mà Cộng Sản hứa hẹn, nên còn cuồng tín, quá khích, nghĩa là còn đang bị Cộng Sản bịp, chưa sáng. Ngoài ra, mọi lứa tuổi, mọi loại người đều phải ở trong đoàn thể. Không hội này thì cũng đoàn thể khác. Nếu ai đó, không ở trong đoàn thể nào, là người ngoài vòng pháp luật như ăn trộm, ăn cắp lưu manh… hay như tôi. Nhi đồng, thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, phụ lão, v.v… đều phải đi họp đoàn thể. Thêm nữa, do chiến dịch “Phòng gian, phòng gián, bảo mật” đang được chính quyền thúc đẩy mạnh tối đa. Bất cứ một đoàn thể nào, ngoài công việc riêng của đoàn thể đó ra, đều được giáo dục, chỉ thị như là một ý thức tự giác. Mỗi khi thấy một người lạ ở khu vực mình, phải có trách nhiệm trình báo kịp thời. Thấy một người hỏi thăm đường, hỏi thăm nhà, một hiện tượng không bình thường… Phải đến báo ngay cho nhân viên chính quyền, ở gần nhất trong khu phố. Cho nên, phần vì để khỏi trách nhiệm sau này, phần khác, vì hãy còn mơ hồ tưởng Cộng Sản là chính nghĩa, sẽ đem lại hạnh phúc cho mọi người. Tưởng rồi đây cuộc đời của họ sẽ được hưởng cái “thiên đường hạ giới” do Cộng Sản hứa hẹn (lúc ấy, họ đã đâu nhìn thấy “nó” chỉ là… cái bánh vẽ). Đa số người dân, nếu công an hỏi, là họ chỉ ngay, đôi khi chính họ còn tự động theo dỏi mình nữa. Cụ thể như lão già ở xã Kỳ Phương, Kỳ Anh. (Tình trạng trên là từ 1965 trở về trước, chứ từ 1965 trở về sau, diễn tiến khác đi nhiều. Xin trình bày ở một đoạn khác). Vì thế, hoàn cảnh của tôi lúc đó, dù phát hiện được hết địch, cũng không chạy được đâu thoát.
Phải nghiêm khắc, thành khẩn mà nói, yếu tố cơ bản vẫn chính là tôi chưa hiểu đủ sự tàn bạo, độc hiểm của Cộng Sản. Cộng với tính cơ hữu của người lính chiến của thế giới tự do là ngại khó, ngại khổ (chịu khó khăn, gian khổ một thời gian nào đó thì được, chứ trường kỳ ai cũng ngại).
Điểm trên là điểm sai lầm trầm trọng đầu tiên tôi mắc phải. Lúc đó, tôi suy nghĩ, có thể vì ở Hà Nội công an ngầm như rươi, chúng có bổn phận theo dõi mọi người lạ vào thành phố. Vậy, ta thử làm một chuyến đi xa xem sao, vừa đo lường sự phản ứng của phản gián Hà Nội. Đồng thời, nếu có thời cơ, cắt “đuôi” trốn lánh. Tính như vậy rồi, tôi đi vào giấc ngủ và ngày mai sẽ đi Vinh.
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm lúc 5 giờ, ra đón xe điện, xuống bến Kim Liên. Cho tới khi đến bến xe đò, tôi chỉ phát hiện được 4 cái “đuôi”, hai cái trên xe điện, một đi “mô bi lét” và một đạp xích lô. Nhưng, chừng 15 phút sau, ở bến xe lại có thêm hai cái đuôi nữa, hai người này tôi đã biết mặt.
Tôi nhìn phía quầy bán vé đi Vinh, khách đang xếp hàng dài trên 30 người. Tôi đếm thầm, đến lượt mình lấy vé khéo phải 10, 11 giờ. Mỗi người lấy vé rất lâu, phải ghi tên tuổi, nộp giấy thông hành, rồi còn bị cật vấn nữa, tùy theo trường hợp.
Tôi cũng đành đứng vào xếp hàng. Lưng chừng tôi mới hiểu, đây là xếp hàng đăng ký lấy vé cho ngày mai. Muốn đi Vinh, phải đến xếp hàng đăng ký trước một ngày. Tôi thấy thật nản! Giữa lúc đanh lửng lơ suy tính, một anh mặc áo bộ đội, cụt một chân chống hai cái nạng, rao bán lại một vé. Thời gian này, đa số dân chúng miền Bắc mặc quần áo bộ đội, Bởi vì, nếu họ không là cán bộ, thì họ cũng là công nhân ở công ty, xí nghiệp, nhà máy v.v… hoặc là bộ đội phục viên. Chỉ khác bộ đội là không đeo quân hiệu, quân hàm.
Anh ta đến gần chỗ tôi nói to:
- Tôi còn thừa một vé đi Vinh, của người em bị sốt nặng không đi được hôm nay. Ai đi tôi để lại?
Tôi vẫn đứng yên. Có thể số người đang xếp hàng, đã dự trù công việc cho ngày mai mới đi, nên không thấy ai đến hỏi. Riêng tôi, tôi đặt vấn đề ngay, chắc chắn phản gián Hà Nội đã tạo điều kiện cho tôi đi kịp những ngày giờ tôi muốn, để chúng dễ dàng theo dõi tìm manh mối. Thí dụ: chúng nghĩ hôm nay tôi cần gặp ai ở một điểm “X” nào đó, nhưng vì nhỡ xe, tàu, tôi sai hẹn không đến được, hư công việc của tôi, mà chúng cũng không biết tôi làm gì. Tôi hiểu thế, nhưng không sao, tao đã biết mày rồi mà! Tôi tiến đến chỗ anh cụt chân. Cùng lúc ấy, một người cũng tách khỏi hàng đi đến mua chiếc vé ấy. Anh cụt chân chỉ tôi, nói:
- Anh này đã đến trước, vậy tôi để cho anh này.
Tôi biết, dù có đến sau, tôi cũng vẫn mua được chiếc vé đó. Lúc ấy, một chiếc xe đò chạy đến, anh “lơ” và tài xế mở cửa nói:
- Đồng bào đi Vinh lên xe!
Hơn 30 hành khách gồng gánh, mo, bị… lục tục kéo nhau chen chúc lên xe. Anh cụt cũng đi và vẫy tôi cùng lên xe. Thì tôi cứ đi lên! Ngay trong số hành khách này, không kể anh cụt chân, tôi còn nhận ra hai người nữa đã quen mặt từ trước, một ngồi sau tôi, và một phía trước. Hành khách lên hết, xe bắt đầu chạy ra đường phố, cũng là Quốc Lộ 1.
Ra đường, xe bị cảnh sát ngoắc tay bắt ngừng. Cảnh sát xem giấy tờ ở chỗ tài xế, rồi điểm người xem có đúng với số vé đã bán, v.v… Tên cảnh sát cũng hạch hỏi tài xế lôi thôi. Tôi hiểu rằng, chẳng qua tôi đi hơi đột xuất, phản gián Hà Nội chưa chuẩn bị kịp phương tiện, nên cố ý bắt xe ngừng chờ mà thôi. Hành khách, biết gì đâu. Một bà ngồi cạnh tôi, sốt ruột nói:
- Hỏi cái gì mà hỏi lâu thế, không để xe đi cho rồi…
Nhưng bà chỉ dám nói nhỏ, cảnh sát không nghe thấy. Chừng 20 phút sau, cảnh sát mới cho xe chạy. Xe chạy tới vườn hoa “Thống Nhất” thì ngừng lại. Một anh “lơ” xách một chiếc thùng chạy qua đường vào vườn hoa, chắc là lấy nước để đổ vào xe.
Đúng thế, chừng 5 phút sau, anh xách thùng nước đến đầu xe, anh tài xế đã mở “cốp” để đổ nước. Anh “lơ” lại chạy trở lại vườn hoa. Tôi thoáng nhìn trong vườn hoa, chỗ bụi găng, qua một khe hở lá cành, là bộ mặt anh đi “Mô bi lét”. Anh rút ra một cuốn sổ nhỏ và hý hoáy ghi, thỉnh thoảng nhìn ra đít xe, chỗ bảng số. Anh cụt ngồi cạnh tôi giả vờ lơ đãng nhìn đâu, nhưng tôi hiểu là anh cũng chẳng bỏ sót một cử chỉ nào của tôi. Lại còn anh chàng ngồi băng sau nữa. Tôi muốn nhìn lại phía sau. Để cho có vẻ tự nhiên, tôi vờ chú ý đến một chiếc xe hàng từ trước mặt đang chạy lại, và tôi nhìn theo.
Phía sau, xa chừng 200 mét, một chiếc Commanca cùng với số xe đã theo tôi vào Hà Đông, HN5037, đang đậu sát mé hè, sau hai chiếc xích lô.
Chẳng hiểu sao, xe đã đổ nước rồi, mà vẫn chưa chạy. Chẳng lẽ tài xế cũng là phản gián? Chúng có máy điện đàm hay sao mà lạ thế? Hình như tụi phản gián chưa chuẩn bị kịp. Tôi thắc mắc nên để ý. À, tôi liếc mãi phía trong vườn hoa, tên đi “Mô bi lét” và tên “lơ” xe đang nói gì với nhau. Như vậy, rất có thể tên “lơ” là một loại công an mật (cả hình sự, kinh tế và chính trị) đi xe đò đường trường.
Đổ nước quái gì đến 20 phút. Nhiều hành khách la ó nhưng anh tài vẫn không trả lời. Tụi phản gián còn chờ gì nữa chứ? Sau cùng, tên “lơ” cũng ra và xe chuyển bánh.
Khi xe gần đến Phủ Lý, chiếc xe mang số HN5037 vượt lên trước. Khi xe đó đi ngang qua, tôi thoáng thấy bên trong có 4 tên. Toàn những khuôn mặt lầm lỳ và lạ, có tên đến 40 tuổi. Tôi giả vờ nhìn cánh đồng lúa đang gặt bên đường. Khi xe đò chạy qua, tôi còn cố ngoái lại xem, nhưng thực ra là để nhìn lại phía sau xe. Xa xa chừng hơn 300 mét là một chiếc xe đen kiểu Citroen mà tôi đã nghi. Xe hàng ngừng lại ở thị xã Phủ Lý để đón thêm mấy bà khách nữa, tôi để ý nhìn thấy “chú” HN5037 đậu mãi tít trong phố quay đầu ra. Chiếc xe đen vượt qua. Trong xe cũng 4 người kể cả tài xế, có cả tên đeo kính râm, đội mũ cát két. Hôm nay, y đội mũ và mang kính giống như buổi ban đầu tôi gặp y ở nhà thờ X.
Chà, lực lượng hùng hậu quá nhỉ! Tổng cộng 11 tên: 3 trên xe đò, 8 ở hai xe con. Còn nữa không? Chắc hôm nay chúng nghĩ tôi tới điểm hẹn để được đón về Nam, nên chúng phải huy động nhiều thế để mong vồ cả mẻ.
Khi xe tới Quất (Ninh Bình), hành khách phải xuống xe đi bộ qua cầu. Một dẫy gần 20 chiếc xe chực chờ để qua cầu. Tôi nghi ngờ một chiếc xe Commanca nữa, vì thoáng thấy một tên trong xe Citroen nói chuyện với người của chiếc xe đó.
Qua núi Cánh Diều, Ninh Bình rồi vào Thanh Hóa, xe đò ngừng. Trên xe, tôi cứ vờ limdim ngủ gà, ngủ gật. Có lúc tôi nghe một hai câu trao đổi của những người ngồi bên cạnh, thì ra tên cụt cũng đi Vinh.
Đến thị xã Thanh Hóa, xe đò ngừng. Khách lên, khách xuống gần nửa tiếng đồng hồ mới xong. Khi xe ra khỏi thị xã Thanh Hóa, chiếc xe đen vượt qua. Tôi tính thầm, xe đò chạy khoảng 10 cây số nữa thì tới lượt chiếc xe HN5037. Sau đó, tôi lại thấy chiếc Commanca thứ 3 ở Quất với số HN (tôi quên số rồi) chạy sau xe tôi một lúc rồi cũng vượt lên trước. Trên xe này có 3 người kể cả tài xế, có một người, tôi thật khó quên được. Khoảng 50 tuổi, tóc đã điểm sương, đeo kính trắng, phong thái chỉ huy.
Có thể vì xe hàng chạy chậm, hoặc thấy tôi từ trước không hề tỏ một ý gì, là nghi ngờ bị theo dõi. Hơn nữa, chúng tin vào còn 3 người của chúng trên xe đò, cho nên cả 3 xe nhỏ đã vượt lên trước.
Một kế hoạch chợt lóe lên trong óc tôi. Xe đang chạy trên con đường dài, hai bên toàn ruộng lúa, thỉnh thoảng có một con đường dẫn vào làng xóm xa xa hai bên đường. Bây giờ, nếu bất chợt tôi kêu tài xế ngừng xe cho tôi xuống đây. Không thể vì lý do gì cả 3 tên trên xe cùng xuống (như thế lộ liễu quá). Chúng phải theo xe đi cả chục cây số nữa mới gặp mấy chiếc xe con kia để báo cáo. Hoặc chúng cũng xuống, nhưng phải đi một đoạn nữa mới bảo tài xế ngừng, để tôi khỏi nghi. Còn tụi xe nhỏ phải chờ xe đò chạy tới báo cáo mới biết là tôi đã xuống rồi, lúc đó chúng mới quay xe lại.
Như vậy, tôi có ít nhất 20 phút hoặc hơn để thoát thân. Tôi chỉ việc, nếu tôi định ra phía trái là bờ biển, thì khi xuống xe vờ đi rẽ về phía phải; vì chắc chắn 3 tên trên xe sẽ nhìn theo. Đợi khi xe đò chạy đủ xa, để không thể nhìn lại thấy. Lúc đó, với khả năng nhanh nhẹn tối đa, tôi phải bò qua đường, sang phía trái, rồi vắt giò lên cổ mà lủi. Ngược lại, nếu tôi định vào phía núi để chuồn sang Lào, tôi cũng phải làm như vậy để đánh lạc hướng tụi phản gián. Làm cho chúng hiểu lầm, là tôi ra điểm hẹn đón ở phía biển bằng thuyền.
Tính trong đầu óc như vậy, nhưng tôi đã không thực hiện. Như tôi đã trình bầy ở trên, vì chưa hiểu đủ sự tàn ác, thâm hiểm của Cộng Sản. Tôi cứ nghĩ rằng, dù chúng có bắt được tôi, nhưng tôi đã làm gì đâu, toàn lang thang đi chơi. Hơn nữa, nếu tôi nói là chán chường cuộc sống, vì bị cái thế phải đi, lại nhớ Hà Nội, nên khi ra tới nơi, chỉ đi chơi chứ không hoạt động gì cả… chắc chúng cũng phải tin thôi. Vả lại, người của chúng đã hàng ngày thường xuyên theo dõi, thấy thực tế là như vậy, thì cùng lắm chúng giam giữ 2, 3 năm rồi cũng tha!…
Thêm nữa, tính hãy còn ngại khó, ngại khổ. Trốn như kế hoạch trên, có thể thoát, có thể bị bắt ở biên giới Lào-Việt, hoặc ở Lào… Điều chắc chắn là rất gian khổ, chui rúc bờ bụi, đói khát… Chính vì những ý nghĩ sai lầm đó, nên đã tính trong đầu rồi, tôi lại không thực hiện. Đó là điều đã làm cho tôi ân hận giầy vò, cấu xé lòng tôi cho tới bây giờ. Nếu lúc đó, hiểu đủ về Cộng Sản, dù vào tới rừng rú đói khát mà chết, tôi vẫn cương quyết xuống xe lúc ấy, để thực hiện kế hoạch.
Đây là một lời nói rất trung thực. Tôi sẽ minh chứng bằng thực tế sau này.
Xe vào tới thị xã Vinh, trời đã 5 giờ chiều. Tôi xuống xe, vào hiệu cơm quốc doanh đánh một bữa. Thị xã Vinh rất ít xe, vì thế, 3 chiếc xe theo tôi càng phải lộ mặt ra nhiều lần cho tôi thấy. Như vậy, lực lượng của phản gián Hà Nội vào đây tất cả 14 mạng, với 3 chiếc xe: 2 Commanca và một chiếc Citroen 15 mã lực đã cũ.
Đang rẽ vào con đường đến nhà trọ, tôi thoáng thấy anh Trí và một chị bế đứa nhỏ, tôi đoán là vợ con anh. Tôi vờ làm mặt xa lạ và định rẽ sang một phố khác. Nhưng, không kịp nữa rồi, anh đã trông thấy tôi. Anh chạy theo đập vào vai tôi:
- Hùng đấy à! Đi Hà Nội đã về đấy ư. Đi đâu bây giờ đấy?
Anh cứ rối rít vồn vã, trong khi lòng tôi bấn lên, không biết xử trí làm sao. Tôi rất lúng túng, tôi hiểu là vì chuyện này, anh Trí sẽ gặp nguy hiểm về sau. Nhưng trong hoàn cảnh đó, tôi đành để rồi tùy cơ thích nghi cho anh sau này. Nghĩ vậy, tôi cười và nói to (để cho tụi phản gián cũng nghe thấy), trong khi chị bế con cũng đã đến gần. Trí giới thiệu: “Đây là vợ tôi”, rồi Trí tiếp:
- Hôm đó, khi về đến nhà, tôi cũng đã nói chuyện với bố mẹ và vợ tôi về Hùng. Bây giờ về nhà tôi ngủ nhé! Tôi sẽ giới thiệu Hùng với bố mẹ tôi. Ông bà cũng muốn gặp Hùng!
Tôi cưới lớn:
- Thế hai anh chị định đi đâu đây?
Trí giơ cái túi có hai quả bí ngô và cái lốp xe đạp đang đeo ở vai, nói:
- Đi mua mấy thứ này đây! Tiện thể vợ tôi cũng đi chơi.
Trí hỏi tôi ăn uống gì chưa, tôi chỉ vào quán cơm trả lời:
- Mình vừa đánh căng bụng ra đây!
Trên đường về nhà Trí, tôi ghé mua mấy gió lạc và túi kẹo cho con Trí.
Sau khi sang qua phà Bến Thủy, đến một ngôi nhà nhỏ ở bên đường Quốc lộ. Lần trước trong chuyến xe từ Hà Tĩnh ra, tôi đã thấy Trí ngồi trong ấy. Trí mở chiếc khóa nhỏ, kéo tấm liếp vuông che cửa, mời tôi vào. Trong nhà đã mờ tối, Trí tìm đèn đốt lên. Ngọn đèn đầy bụi đất, thật tù mù. Tôi thấy cảnh nhà Trí thật nghèo nàn, túng quẫn: Một chiếc phản gỗ thứt thẹo, hai, ba sợi xích xe đạp cũ rích. Một cái khung xe gẫy, vài cái bàn đạp vất lỏng chỏng. Một cái tủ nhỏ tí, đen đũi, cóc gặm; chắc là đựng dụng cụ sửa xe đạp của anh.
Anh lấy chổi quét cái phản rác rưởi, rồi vào buồng lấy ra một manh chiếu đã rách ở giữa, trải lên:
- Đêm nay, anh em mình sẽ nằm đây, hút thuốc lá, nói chuyện.
Thấy nhà thấp lè tè và tối mù, tôi kéo tay Trí:
- Còn sáng, mình ra ngoài nói chuyện đi, tí nữa hãy vào.
Chị Trí khi nãy đã chào tôi để vào nhà bố mẹ, Trí dặn với theo:
- Mình về, chốc nữa anh không vào nữa đâu!
Trí quay lại hỏi tôi:
- Trong đó là nhà bố mẹ và vợ mình ở. Đêm nào, tôi cũng phải ngủ ngoài này. Cách đây hơn một tháng, mình bị nó cậy cửa, vào lấy hết các đồ chữa xe đạp.
Tôi băn khoăn hỏi:
- Mất nhiều không?
- Gần một trăm đồng.
Tôi nhìn Trí ái ngại, nhà đã nghèo, lại còn bị mất trộm. Tôi đưa giấy thông hành cho Trí trình công an để tôi ngủ lại đêm. Trí gạt tay tôi ra, bảo:
- Chả cần, ông phó chủ tịch xã ở cạnh nhà mình trong ấy, mình rất quen, không sao đâu!
Tôi không muốn gây phiền cho Trí sau này, nên gằn giọng:
- Trí cứ nghe tôi, đi trình giấy cho tôi.
Trí đồng ý và cầm giấy đi vào xóm. Tôi trở vào trong nhà. Trời đã tối, đường không có đèn điện, nên cảnh vật bên ngoài tối mò. Tôi hiểu là sẽ có nhiều người nhòm ngó, canh gác tôi đêm nay. Nhưng tôi cũng chẳng cần để ý làm gì, tôi có định làm gì đâu. Điều làm tôi suy nghĩ băn khoăn nhiều là Trí. Bây giờ đã trót thế này, chỉ còn một cách là sau này nếu tôi bị bắt, tôi phải khai báo tỉ mỉ thực tế gặp Trí thế nào, từ Kỳ Anh ra. Mặt khác, ngày mai, tôi cứ phải vào thăm bố mẹ Trí thì phản gián Hà Nội mới không nghi Trí. Một lúc sau, Trí trở về:
- Ngày mai, Hùng sẽ vào nhà bố mẹ, mình sẽ giới thiệu, bây giờ tối rồi.
Nhà rất nhiều muỗi. Trí đem cái màn mầu đen sì, rách mướp ra mắc. Hai người chui vào màn nằm hút thuốc nói chuyện. Chừng một lúc, buồn ngủ quá, tôi ngủ luôn.
Đêm đó, có lúc giật mình tỉnh giấc, tôi nghe tiếng xe cộ quần đi, quần lại nhiều lần, đèn pha loang loáng. Trí cũng lấy làm lạ:
- Không hiểu sao đêm nay, xe cộ đi lại nhiều thế!
Tôi lên tiếng:
- Mọi khi có như vậy không?
Trí trả lời, giọng ngái ngủ:
- Ban đêm, ở đây thường không có xe chạy nhiều thế.
Tôi suy đoán: Có thể phản gián Hà Nội cho rằng đêm nay, thuyền hoặc tầu sẽ đến đón tôi (ở đây cũng gần cửa biển), cho nên, để phòng hờ những bất ngờ, họ phải báo cáo cho cả Hải Quân và du kích địa phương ở khu Bến Thủy. Mặc họ, tôi không có ý định gì ở đây cả. Ngày mai, tôi sẽ trở về Hà Nội.
Sáng hôm sau, Trí dẫn tôi vào nhà bố mẹ. Chúng tôi len lỏi qua những đường mòn trong xóm vào tới nhà. Một căn nhà 3 gian trống tuếch toác, chỉ có một gian được che bằng những tấm liếp để làm căn buồng, mái tranh lòa xòa, chỗ dài, chỗ ngắn xác xơ.
Tôi thấy bố mẹ Trí đã già khoảng 50 tuổi rồi. Ông cụ đang ngồi vá lưới ở sân. Bà cụ trông rất hiền hậu, vẻ quê mùa, đang quét sân. Qua một số câu chuyện, tôi được biết, hai ông bà khi còn ở Thái Lan sống rất dư giả, tuy cũng làm nghề đánh cá, nhưng có chiếc thuyền to chạy máy. Nghe Cộng Sản tuyên truyền nước nhà độc lập, nhân dân hạnh phúc ấm no… ông bà bùi tai, hồi hương. Ông bà đã được xem những cuốn phim chiếu cảnh sinh hoạt của người dân ở quê nhà, chỗ nào cũng thấy nụ cười và tiếng hát. Hơn nữa trước đây, khi các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước, lúc bấy giờ còn hoạt động bí mật ở Thái Lan, chính ông bà cũng đã đóng góp nhiều tiền giúp đỡ. Người dân Việt xa quê hương lâu ngày, ai chả nặng lòng với nơi chôn nhau, cắt rốn. Vả lại, rất nhiều người đã bán nhà, đồ đạc về nước rồi viết thư sang đều nói tốt đẹp, cho nên cứ người này theo người kia về với Tổ Quốc thân yêu!
Ông bà bán nhà và các thứ, cộng với số tiền đã dành dụm được hơn chục lạng vàng. Khi về tới Hải Phòng, cờ quạt trống chiêng, tưng bừng đón rước. Hơn 400 kiều bào trên chuyến tầu đó được mời đến một khu nhà đón tiếp căng đầy biểu ngữ “Hoan hô những người con yêu, đã trở về với đất mẹ”. Sau đó, gọi là để học tập đường lối chính sách của nhà nước xã hội chủ nghĩa, ngõ hầu hội nhập ngay với cuộc sống mới, khỏi bỡ ngỡ buổi ban đầu.
Trong việc học tập, có cả việc phải khai báo đăng ký số vàng và tiền mang theo. Đang hồ hởi yêu nước, yêu quê hương về với cách mạng, ai ai cũng nhiệt tình đăng ký với sự hân hoan chân thành. Đăng ký, đều có giấy tờ biên nhận từng loại rõ ràng. Của cải đó nhà nước sẽ giữ cho. Khi về tới địa phương muốn làm ăn khuếch trương công việc gì, đồng bào sẽ lấy dần ra. Đó cũng chỉ là một hình thức bảo đảm an toàn, khi đồng bào mới về chưa ổn định. Cộng sản nói như vậy!
Về tới Vinh, Nghệ An, lúc đầu ông bà thăm họ hàng làng nước, đó đây, cho chác người nọ người kia: Hả hê, hồ hởi, phấn khởi, nên cứ phải lấy dần tiền. Giá vàng tính theo giá chính thức của nhà nước thì chả được bao nhiêu. Khi còn chừng một nửa, nhà nước đòi phải có lý do chính đáng mới cho lấy ra. Ông bà chỉ lấy được một lạng nữa, mua cái nhà tranh, sắm chiếc thuyền con đánh cá… Là vừa cạn.
Hiện nay, ông bà và hai vợ chồng Trí rất vất vả, chật vật kiếm sống hàng ngày. Bữa cơm, bữa cháo, cơm thường phải ăn độn. Ông bà cứ lắc đầu thiểu não than van cho cái ngu dại của mình. Cả hai ông bà cứ vật nài mời tôi ăn bữa cơm sáng hôm ấy. Tôi tỏ ý phải về Vĩnh Linh, vì đi chữa bệnh đã lâu ngày, ở nhà bố mẹ mong. Thực lòng vì thấy ông bà và Trí quá nghèo khổ, tôi không muốn ăn uống làm gì sợ tốn phí cho ông bà. Nhưng sau, tôi không thể từ chối được. Trí đã phải chạy xóm này, xóm kia mà bữa cơm cũng chỉ có một quả trứng vịt tráng, 3, 4 con cá diếc bé síu và bát rau muống luộc chấm mắm cáy.
Tôi rất xúc động biết ơn ông bà, nghèo mà đầy tình nghĩa. Trí muốn đưa tôi ra bến xe, tôi giúi vào tay Trí 20 đồng, nói:
- Tôi về Hà Nội, bà cô cho 50 đồng, tôi chẳng tiêu gì, vậy biếu Trí chút ít mua qua cho cháu.
Trí nhất định không nhận, tôi phải nằn nì hết sức:
- Vậy tôi gửi Trí giữ cho tôi, kẻo về tôi tiêu hết. Tháng sau tôi sẽ lại ra…
Mãi Trí mới nhận giữ hộ tôi. Trên đường về Hà Nội, đầu óc tôi thật căng thẳng rối mù. Tôi cứ lo Trí bị liên quan. Tôi có định đến nhà Trí đâu! Làm sao đây! Do sự áy náy bứt rứt về Trí, cộng với cảnh nằm trên nước sôi lửa bỏng. Không chạy đâu được nữa, đầu óc tôi càng thêm rã rời u uẩn. Về tới Hà Nội, trời đã gần tối. Tôi lại về nhà trọ Hàng Buôm. Rất buồn, lo và mệt, vì thế, sau khi ăn uống qua loa, tôi về đi nằm luôn. Đi nằm mà đâu có ngủ được. Bao nhiêu suy nghĩ vơi đầy. Biết thân mình sắp lao xuống vực thẳm của cuộc đời, mà không còn biết cách nào kìm hãm lại được, đành đứng nhìn. Phó mặc, để nó lăn dần vào chỗ chết, bằng con mắt tuyệt vọng não nề.
Thép Đen Thép Đen - Dang Chi Binh Thép Đen