To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Tác giả: Cổ Long
Thể loại: Kiếm Hiệp
Upload bìa: Phúc Nguyễn
Số chương: 59
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3119 / 55
Cập nhật: 2014-11-23 13:31:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 21 - Thiên Long Châu
huế Vĩ lại đấm một quyền vào vách, tiếng bình vang lớn hơn trước.
Lão nhân tán:
- Công phu khá lắm!
Nhuế Vĩ cao giọng mắng oang oang:
- Lý Trào! Ngươi là một kẻ đê tiện, thô bỉ nhất trên đời, ngươi là một súc sanh!
Tưởng đến lúc Lý Trào giả vờ hòa dịu, uyển chuyển kết giao, để rồi cuối cùng đưa chàng vào tròng, chàng uất ức phi thường, bước những bước vừa dài vừa gấp, theo lòng động ra phía ngoài.
Động khẩu bị những chấn song to rào kín. Bên ngoài chấn song không có người canh giữ, xa xa, có một ngọn đèn mờ. Song làm bằng thép cứng.
Nhuế Vĩ bước đến bên cạnh, mỗi tay nắm một chấn song, vừa vận công lực vừa quát:
- Mở ra!
Công lực của chàng lúc đó, ít nhất cũng trên ngàn cân, nhưng hai chấn song không lay động mảy may. Chàng cố gắng bẻ chấn song thêm hai đợt nữa, song vô ích. Rồi chàng buông tay xuống thở ra.
Bảy tám hôm qua rồi!
Bảy tám hôm xa cách Dã nhi! Nhuế Vĩ tự hỏi, hiện tại nàng ở đâu, ra sao?
Hẳn là nàng bị thổ dân bắt rồi! Chúng bắt nàng, vì nhan sắc diễm lệ của nàng, hay vì nàng là con gái của Cao Thọ?
Chàng nhớ lại những ánh mắt háu đói của A Sử Na Đô, không ngừng quan sát nàng. Hay là gã háo sắc đó có mưu mô gì, ly khai chàng với Cao Mạt Dã đi để dễ bề hạ thủ đối với nàng?
Hôm đó, Lý Trào có tạm rời chàng một lúc theo lời mời của một thiếu niên quý tộc. Hắn theo thiếu niên đó đi đâu? Để làm gì? Rồi chàng và Cao Mạt Dã được mời rượu. Rượu là thứ Bách Nhật Túy tửu uống vào là say mèm ngay, chàng còn không chịu nổi, Cao Mạt Dã sao chi trì được? Nếu mà nàng rơi vào tay A Sử Na Đô, thì hậu quả sẽ tai hại không thể lường!
Nghĩ đến đó chàng lo cho Cao Mạt Dã hơn là lo cho chính mình. Bất giác chàng gọi to lên:
- Có ai ngoài đó chăng? Ta muốn gặp Lý Trào.
Chàng lặp đi lặp lại câu đó mấy lượt.
Để tiếp gây tiếng vang với sự kêu gọi, chàng dùng tận lực bình sanh đánh vào các chấn song bằng thép cứng, kêu ầm ầm. Đánh để gây tiếng vang, chứ không mong gì phá hủy nổi.
Đánh, gọi một lúc lâu tay đỏ lên hầu như sưng, miệng khô họng rát, vậy mà chàng vẫn không ngừng đánh, ngừng gọi.
Đánh gọi mãi, chàng kiệt sức, ngã xuống tại chỗ, thu hình thành một đống.
Bỗng, từ phía sau, một bàn tay vươn tới. Bàn tay đó vỗ lên đầu vai Nhuế Vĩ, bảo:
- Tráng sĩ tội gì phải hủy hoại sức khỏe của mình như thế!
Nhuế Vĩ ngã xuống đó, thu mình thành một đống, song không ngừng đấm cầm canh vào các chấn song.
Lúc còn đầy đủ khí lực chàng không phá nổi thì bây giờ, đánh cầm canh để làm gì? Bất quá chàng còn tạo tiếng ầm ầm nho nhỏ vậy thôi, và cái tiếng ầm ầm đó, át câu nói của người phía sau, chàng không nghe chi cả.
Người phía sau thở dài tiếp:
- Không đập gẫy nổi đâu! Đừng vọng tưởng! Phí sức vô ích.
Nhuế Vĩ bây giờ mới nghe tiếng nói của người phía sau. Chàng quay đầu lại, trông lão nhân, buông tay thở dài, thốt:
- Lão tiên sanh! Tại hạ muốn gặp Lý Trào, hỏi hắn tại sao lừa tại hạ?
Lão nhân lắc đầu:
- Lão phu không biết Lý Trào là ai, song lão phu có thể bảo đảm điều này là tráng sĩ đừng kêu gọi vô ích. Họ Lý nào đó không nghe lọt đâu!
Nhuế Vĩ cãi:
- Hắn không nghe, song có người nói lại với hắn!
Lão nhân tiếp:
- Lòng động này rất sâu, ăn thông vào giữa núi, ngày ngày chỉ có một người Đột Quyết vừa câm vừa điếc mang cơm nước vào, ngoài ra chẳng có ma nào đến. Tráng sĩ đừng mong kẻ điếc nghe tiếng nói của tráng sĩ, và kẻ câm lại nói với người khác.
Nhuế Vĩ cau mày:
- Thật sự là không một ai đến đây?
Lão nhân thở dài:
- Lão phu bị giam ở đây suốt chín năm rồi! Và chỉ có lần thứ nhất gặp người khác, là người đưa tráng sĩ vào đây! Lần thứ nhất trong chín năm dài!
Nhuế Vĩ giật mình kinh hãi! Thế là chàng phải bị giam cầm vĩnh Vĩễn sao?
Thế là chàng phải bỏ dở dang bao nhiêu việc ngoài đời! Nào thù cha! Nào ước nguyện của sư phụ! Nào sự an toàn của Cao Mạt Dã, sự chờ mong của vợ chồng đại tướng quân Cao Thọ!
Không! Chàng đâu thể nhận bại dễ dàng! Chàng hét lớn:
- Chúng ta từ từ nghiên cứu, thế nào cũng tìm được phương pháp vượt qua bức rào sắt này!
Lão nhân thở dài:
- Các hạ còn hy vọng hão huyền nữa sao?
Nhuế Vĩ cương quyết:
- Sắt mài cũng thành kim mà, lão trượng! Kiên tâm, trì chí, tất phải có lúc thành công! Một ngày nào đó, chúng ta cũng ly khai được nơi này!
Lão nhân lắc đầu:
- Trong chín năm nay, lão phu đã dùng mọi phương pháp nhưng vẫn thất vọng cho đến bây giờ. Lão phu khuyên các hạ hãy nhận mạng là hơn, đừng làm cái việc vô ích, nhọc tâm, nhọc lực!
Nhuế Vĩ trầm giọng hỏi:
- Thế chúng ta đành chịu chết tại đây à?
Lão nhân cười khổ:
- Không đành chịu thì còn làm gì hơn. Các hạ phải biết, con trùn, con dế còn muốn sống thay, huống hồ con người!
Vừa lúc đó, tiếng chân người vang lên nơi đường vào động. Rồi một lão nhân đến chuyền thức ăn qua chấn song sắt, Nhuế Vĩ bất thình lình chụp cánh tay lão, cao giọng hỏi:
- A Sử Na Đô ở đâu? Triết Biệt ở đâu?
Lão nhân đưa tay chỉ lỗ tai, rồi chỉ miệng, rồi lắc đầu, biểu hiện chẳng nghe, chẳng nói được, vì câm và điếc.
Nhuế Vĩ thở dài, buông tay cho lão trở ra. Chàng muốn dùng võ lực, bức lão chỉ cách mở chấn song, nhưng thấy lão đáng thương quá, nên không nỡ xuống tay.
Lão nhân bị giam, chừng như hiểu ý tứ của chàng, lắc đầu, thở dài, thốt:
- Chỉ có một người biết cách mở đóng bức rào sắt này thôi! Người đó giữ chiếc chìa khóa, không có chiếc chìa khóa đó thì chỉ có mức phá hủy bức rào, đừng hòng mở!
Nhuế Vĩ hỏi:
- Người đó là ai?
Lão nhân đáp:
- Vị huynh trưởng của A Sử Na Đô!
Nhuế Vĩ trầm gương mặt:
- Thế là đúng âm mưu của A Sử Na Đô rồi!
Lão nhân hỏi:
- Các hạ có cừu hận chi với A Sử Na Đô?
Nhuế Vĩ chưa chắc lắm là A Sử Na Đô chủ mưu trong cuộc phục rượu Bách Nhật Túy, bây giờ nghe ra thì vị huynh trưởng của hắn giữ chiếc chìa khóa mở bức rào này, chàng không còn nghi ngờ gì nữa! Nhất định là A Sử Na Đô hạ thủ đoạn rồi! Xác định như thế, Nhuế Vĩ bấn loạn tâm thần không nghe lão nhân nói gì.
Lão nhân cũng không buồn tìm hiểu, chàng không đáp, lão bỏ luôn, ngồi xuống dọn các thức ăn ra, tự ăn uống ngon lành, không gọi Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ nghe đói, song còn lòng nào nghĩ đến cái ăn.
Lão nhân không thấy chàng cầm đũa, bèn hỏi:
- Các hạ không thấy đói à?
Nhuế Vĩ thở dài:
- Đói chứ? Song nuốt làm sao trôi?
Lão nhân tiếp:
- Các hạ không ăn, lão phu sẽ ăn hết! Bỏ uổng lắm!
Trong hoàn cảnh đó lão ăn uống ngon lành được, Nhuế Vĩ rất lấy làm lạ.
Chàng quên là lão bị giam ở đây chín năm hơn rồi, lão quen cảnh, lão an phận, nhận mạng, thì còn lo lắng gì nữa mà chẳng ăn ngon? Chàng nhìn lão.
Lão nhắm mắt mà ăn, chừng như đã tập được thói quen lúc ăn là nhắm mắt.
Lão ăn xong nửa phần thức ăn, rồi vỗ bụng kêu bạch bạch thốt:
- Có ăn mới có làm! Không ăn thì chẳng làm được gì. Không ăn là chờ chết, chết một cách tiêu cực!
Lão định khích cho Nhuế Vĩ ăn, song chàng đứng lên, bỏ vào động. Lão phải đứng lên đi theo.
Nhuế Vĩ lo lắng, không nói năng gì, lão nhân lại cứ ba hoa luôn miệng.
Chín năm dài cô độc, bây giờ lão mới gặp một người, tự nhiên lão nói mãi không ngừng, nói không chán, nói cho bõ những năm dài nín lặng.
Lão nói gì mặc lão, Nhuế Vĩ không hề ừ hử, dù vậy lão cũng không chán nản, cứ nói mãi. Lão cần gì ai đối đáp, miễn là có người nghe là được rồi.
Nghe lão nói một lúc, Nhuế Vĩ biết lão bị giam cầm ở đây là vì chín năm trước, lão không chịu truyền võ công cho vị huynh trưởng của A Sử Na Đô.
Nói đến võ công, lão nhân có vẻ hăng say, lão khoe khoang nội lực tu vi trong chín năm qua như thế nào, lão tiếc rẻ là không có cơ hội thực nghiệm. Rồi lão hỏi:
- Lão phu thấy các hạ vận chưởng phá song thầm nghĩ nội công của các hạ khá lắm. Chúng ta có thể thử đối chưởng một lần được chăng?
Nhuế Vĩ không đáp. Lão nhân cứ đòi hỏi mãi, bắt buộc chàng phải thở dài, đáp:
- Tại hạ trong lòng phiền muộn, xin lão trượng để cho tại hạ bình yên!
Lão nhân mỉm cười:
- Đang lúc thanh xuân, các hạ có gì đến nỗi phải phiền muộn? Tuổi xuân là tuổi hưởng thọ mà! Dù có phiền muộn, cũng phải tìm cách chứ!
Nhuế Vĩ lắc đầu:
- Không làm sao tại hạ quên lo nghĩ về an nguy của Dã nhi.
Lão nhân hỏi:
- Dã nhi là ai?
Nhuế Vĩ đáp lơ là:
- Một thiếu nữ!
Lão nhân cười nhẹ:
- Người yêu của các hạ?
Nhuế Vĩ thở dài, nín lặng.
Lão nhân hỏi:
- Tại sao các hạ bị giam ở đây?
Nhuế Vĩ nhân cơ hội, trút bớt nỗi uất phiền, đem sự tình thuật lại cho lão nhân nghe, từ lúc Cao Mạt Dã trúng Lam Độc đến giờ.
Lão nhân nghe xong, lộ vẻ đồng tình, ý muốn giúp chàng một tay, giải cứu Cao Mạt Dã, nhưng những chấn song sắt kia ngăn đôi thế giới, lão dù có thiện chí cũng chẳng biết làm sao hơn. Lão khuyến khích Nhuế Vĩ:
- Chúng ta không thể hấp tấp hành động. Hãy từ từ tìm phương pháp. Phải làm mọi cách, thoát ly ngục tù này.
Nhuế Vĩ thở ra:
- Biết bao giờ mới có cơ hội!
Lão nhân đáp:
- Một năm, hai năm, mười năm... chẳng lẽ suốt đời không có cơ hội nào sao?
Nhuế Vĩ cười khổ:
- Năm mười ngày, tại hạ còn cho là dài, tại hạ không chịu được, nói chi đến năm năm, mười năm? Mà dù sau đó, tại hạ có ra khỏi nơi này rồi, phỏng có ích chi? Tại hạ còn làm được gì nữa, trong khi các việc đều hỏng, đều muộn cả rồi?
Lão nhân trầm ngâm.
Nhuế Vĩ tiếp:
- Năm sau, là năm tại hạ phải hoàn thành ước nguyện của sư phụ, tại hạ không làm được việc đó thì thanh danh, uy tín của sư phụ phải bị chôn vùi trong sự khinh bỉ của giới giang hồ.
Lão nhân lẩm nhẩm:
- Một năm sau! Một năm sau!
Bỗng lão hỏi:
- Hôm nay là ngày nào rồi?
Nhuế Vĩ đáp:
- Hôm nay là mười sáu tháng tám, sau tiết Trung Thu một hôm!
Lão nhân kinh hãi:
- Hôm qua là tiết Trung Thu? Thế thì chỉ còn đúng một năm nữa!
Lão vụt đứng lên, vọt mình ra phía cửa động, hai tay chụp hai chấn song, hét lên một tiếng lớn, định kéo banh ra. Kết quả, lão không làm được gì hơn Nhuế Vĩ. Hai chấn song không hề nhích động.
Nhuế Vĩ theo ra, hỏi:
- Lão trượng muốn phá bức rào sắt này?
Lão nhân tỏ vẻ cương quyết:
- Lão phu sớm có ý đó, nhưng không thành công. Từ năm năm qua, lão phu không còn thử sức lại nữa. Hôm nay, lão phu nhất định phải phá cho kỳ được.
Lão ngồi xuống, hai tay chụp chấn song, vận chân khí, hét lên một tiếng, kéo mạnh. Vô ích, vẫn như lần trước, vẫn như chín năm qua. Chấn song không hề nhúc nhích. Lão không nản chí, tiếp tục lay chuyển chấn song, mặt lão đỏ lên dần dần.
Nhuế Vĩ lắc đầu, có ý muốn tiếp trợ lão, nhưng chàng đã hao phí chân lực quá nhiều vừa rồi, nên không bước tới.
Không rõ vì dùng quá sức nhiều, hay vì phẫn uất trong lần hét cuối cùng, lão nhân mửa một búng máu tươi.
Nhuế Vĩ quá thương cảm, vội cất tiếng khuyên:
- Lão tiên sanh! Lão tiên sanh! Không cần phí sức vô ích...
Chàng toan đưa tay dìu, sợ lão ngã song lão lắc đầu gắt:
- Tránh ra!
Lần này, lão hét to hơn, lão lại mửa máu nhiều hơn. Những chấn song sắt rung rinh thấy rõ.
Lão không ngừng cử động, miệng hét, tay kéo, song sắt càng phút càng lay động mạnh, máu mửa càng phút càng nhiều.
Nhuế Vĩ xúc động vô cùng. Chàng hiểu trong võ học, có môn “Huyết Công”, phàm ai sử dụng môn công đó, thì cầm như tự sát vậy, cho nên ít ai luyện tập.
Dùng môn công đó nếu mửa máu nhiều là phát huy lực lượng hùng hậu, lực lượng đó có thể dời biển, xô non.
Rồi cái gì phải đến đã đến. Một tiếng bình vang lên, mấy chấn song sắt không chịu nổi sức đẩy của lão nhân, lôi luôn khung đá bao nơi đầu, đổ ập xuông đè lên mình lão nhân.
Nhuế Vĩ kinh hãi, bước tới gấp, hất khung đá ra, bế lão nhân lên.
Máu không còn rỉ ra hai bên mép miệng của lão nhân nữa, sự kiện đó chứng tỏ huyết dịch của lão đã phát xuất cùng tận.
Nhuế Vĩ sa nước mắt, gọi:
- Tiên sanh! Tiên sanh mở mắt ra nhìn tại hạ đây này!
Chàng sợ lão nhân đứt hơi, nhắm mắt vĩnh viễn. Nếu lão mở mắt ra thì còn hy vọng.
Lão nhân lắc đầu, thốt:
- Lão phu không có mắt lấy gì mà mở!
Nhuế Vĩ thấy tinh thần của lão còn vượng, thở phào nhẹ nhõm người. Chàng bế luôn lão lên, tiếp:
- Việc phải làm trước tiên là tìm một y sư người Đột Quyết chữa trị cho tiên sanh...
Lão nhân kiên quyết:
- Đừng! Các hạ cứ đặt lão phu ngồi xuống!
Biết tánh lão quật cường, Nhuế Vĩ không dám cãi, bèn ngồi xuống.
Lão nhân lấy trong mình ra một cái cặp bằng da, trao cho Nhuế Vĩ, thốt:
- Lão phu biết rằng mình không còn sống bao lâu nữa, nên cần ký thác cho các hạ một việc.
Nhuế Vĩ xúc động tâm linh, vừa khóc vừa đáp:
- Lão tiên sanh cứ nói, tại hạ xin cố gắng hết sức mình...
Lão nhân tiếp:
- Huynh trưởng của A Sử Na Đô giam lão phu tại đây, cốt uy hiếp lão phu phải truyền cho hắn một chiêu kiếm...
Nhuế Vĩ giật mình, thầm nghĩ:
- “Hay là chiêu kiếm đó.”
Lão nhân tiếp:
- Nhưng khi nào lão phu bằng lòng truyền chiêu kiếm kinh thiên động địa đó cho hắn! Hắn là người dị chủng mà! Hắn bực tức nhân lúc đó lão phu thọ thương, hắn cho bộ hạ bắt lão phu giam cầm! Từ ngày ấy đến nay thấm thoát đã chín năm rồi!
Bây giờ Nhuế Vĩ đã hiểu, lão nhân là Vô Mục Tẩu, một trong Thất Tàn Tẩu!
Vì lão ta thọ thương và vì cố gắng chí tử trong cuộc đấu ngày trước giữa bảy người.
Lão nhân tiếp:
- Lão phu biết mình không làm sao vượt qua bức rào sắt nơi cửa động, mà cũng không muốn tuyệt học thất truyền một khi mình chết đi, nên cất một mảnh da nơi mình ghi rõ bí quyết luyện chiêu kiếm đó. Nó ở trong cái cặp da này, lão phu trao cho các hạ hy vọng trong vòng một năm, các hạ luyện thành thuộc, sau đó...
Nhuế Vĩ chợt kêu lên:
- Lão tiên sanh...
Chàng muốn thú nhận mình là đồ đệ của Du Bách Long, không thể luyện chiêu kiếm đó để rồi sau này đến nơi ước hội. Nhưng chàng lại không nỡ làm cho lão thất vọng trước khi lão chết. Do đó chàng nín luôn.
Lão nhân chờ nghe, chẳng thấy chàng tiếp, bèn thốt:
- Sau đó, các hạ hãy đến... Ma Tiêu Phong... tại vùng... để gặp các lão nhân và nói rằng, các hạ là đồ đệ của ta... đúng hẹn đến...
Nhuế Vĩ cố gắng nghe và đã hiểu hết được phần nào lời ký thác.
Lão nhân còn định nói câu gì đó, nhưng hơi sức lão đã kiệt cùng lão thở hắt ra để ra đi vĩnh viễn...
Nhuế Vĩ xúc cảm tột độ, chàng thầm hứa với lòng sẽ làm vui lòng người nhắm mắt. Nhuế Vĩ chọn một mô đất, đào huyệt, mai táng xác Vô Mục Tẩu, lấy đá làm bia, khắc tên cẩn thận.
Đại bộ lạc Đột Quyết tản mác khắp vùng Kim Sơn, đại đa số là dân du mục, không ở nơi nào nhất định, nên chẳng dựng nhà cửa chúng chỉ dùng lều, lưu lại đâu là trương ra, che mưa đụt nắng. Chỉ có một thiểu số thuộc thành phần quý tộc, bọn này tạo lập một khu giàu có riêng biệt, có nhà, có cửa, tuy rất sơ sài.
Những nhà cửa của bọn quý tộc chen chúc nhau tại một vùng, nghiễm nhiên trở thành một thị trấn nhỏ.
Nhuế Vĩ xuống chân Kim Sơn, định vào tiểu trấn. Chàng nghĩ, A Sử Na Đô thuộc hạng quý tộc, thì hẳn là phải ở trong tiểu trấn.
Khi chàng đến thị trấn thì canh một đã qua, bọn du mục đều ngủ hết, dọc đường chàng rất ít gặp người thường, chỉ có bọn vệ binh canh phòng thôi. Nhưng khi chàng dùng thuật khinh công tuyệt diệu, xê dịch trong thị trấn, thì làm sao bọn vệ binh tầm thường này phát hiện được?
Chợt thấy một tư dinh có vẻ rộng, chàng men theo, cẩn thận nhìn vào bên trong một cửa sổ có ngọn đèn chiếu sáng.
Bên trong một thanh niên vận Hán phục, vùi đầu vào sách đọc. Y đọc những bài thi của nhiều danh nhân, dĩ nhiên là người Hán.
Bất giác, Nhuế Vĩ giật mình, bởi chàng nhận ra, thanh niên chính là Lý Trào.
Cơn kinh ngạc đi qua, nhường chỗ cho niềm hận. Không đắn đo, chàng vận công lực vào hai tay, chuẩn bị sẵn, hễ nhảy vào cửa sổ là đánh hai chưởng liền. Kẻ phản bội man trá phải chết!
Nhưng, tại gian sảnh đường, chính giữa nhà, đèn vụt cháy sáng. Một thanh niên Đột Quyết bước vào sảnh đường, tay cầm chân đèn sáp, đèn chiếu sáng mặt hắn. Hắn phảng phất giống Lý Trào, nhưng hắn lại là người Đột Quyết. Hắn sang qua phòng bên tả, hỏi:
- Đại ca chưa ngủ sao?
Hắn dùng tiếng Đột Quyết. Lý Trào buông sách, dùng tiếng Đột Quyết đáp:
- Còn sớm lắm! Đọc một lúc nữa sẽ ngủ. Gia gia và mẫu thân ngủ chưa?
Thanh niên Đột Quyết vào đến nơi, thốt:
- Gia gia và mẫu thân ngủ cả rồi. Tôi có việc này, muốn hỏi đại ca.
Lý Trào nhìn hắn:
- Vĩệc gì?
Thanh niên Đột Quyết ngồi xuống đối diện với Lý Trào, đoạn hỏi:
- Thanh niên người Hán họ Nhuế kia, đại ca cứ mặc người ta giam y vào ngục sắt à?
Lý Trào thở dài:
- Nhớ đến việc đó, ngu ca đau lòng vô cùng!
Thanh niên Đột Quyết lộ vẻ không vui, tiếp:
- Tôi nghe ở ngoài, người ta nói rằng, đại ca ngầm bỏ chất mê Bách Nhật Túy trong rượu, làm cho đôi bạn tình nam nữ đó mê man, rồi sau lại cả hai cùng bị bắt.
Giọng hắn đượm ý niềm trách hận Lý Trào rõ rệt, cho rằng chính Lý Trào chủ động sự tình. Và như vậy, Lý Trào còn đau lòng, là đau làm sao?
Lý Trào trầm gương mặt:
- Tiểu đệ tưởng tổ tông chúng ta là người Hán, ngu ca có thể làm như vậy được chăng?
Thanh niên Đột Quyết hừ lên một tiếng:
- Thì tôi cũng nghĩ như vậy, nên mới vào đây hỏi đại ca!
Nhuế Vĩ thầm nghĩ:
- “Hẳn tổ tông họ là người Hán, đầu thân nơi dị quốc, lấy vợ ngoại quốc, sanh ra họ, có lẽ trải qua mấy đời rồi, nhưng họ không mất huyết thống nhà Hán! Chẳng rõ, tổ tông của họ là ai? Tại sao phải đến đây, sống lẫn lộn với người Đột Quyết?”
Bên trong, Lý Trào thốt:
- Ngu ca với người Hán họ Nhuế đó, tuy mới gặp nhau song chẳng khác nào bằng hữu lâu năm. Y bị giam trong ngục sắt, tuy sự thực chính ngu ca bỏ thuốc mê vào rượu, song chủ mưu chẳng phải là ngu ca. Bởi thế, mấy hôm nay lòng ngu ca bứt rứt xốn xang vô cùng. Phải có một ngày nào đó, ngu ca tìm cách giải cứu y thoát khỏi lao lung.
Thanh niên Đột Quyết hỏi:
- Còn cái vị cô nương người Hán nữa? Làm sao đây?
Lý Trào thở dài:
- Ngu ca vô phương cứu nàng! Cũng vì nàng đó mà ngu ca bị bức bách bỏ Bách Nhật Túy vào rượu!
Thanh niên Đột Quyết hừ một tiếng:
- Thế A Sử Na Đô si mê vị cô nương người Hán ấy à?
Lý Trào lắc đầu:
- Nếu là A Sử Na Đô ai mê nàng, bảo ngu ca làm, thì khi nào ngu ca chịu làm? Rất tiếc, cái người si mê nàng lại là Chúa thượng của chúng ta!
Thanh niên Đột Quyết cả kinh, kêu lên:
- A Sử Na Đô Chi?
Lý Trào thở dài:
- Phải! Đúng là A Sử Na Đô Chi. Lúc còn ấu thơ, anh em họ với anh em chúng ta nô đùa với nhau, không hề có phân biệt giai cấp! Giờ đây y trở thành Quốc vương, thì hiền đệ nghĩ ngu huynh làm sao không tuân lời bỏ Bách Nhật Túy vào trong rượu được chứ.
Nhuế Vĩ không tưởng nổi bên trong sự tình có uẩn khúc như vậy. Chàng cũng không tưởng A Sử Na Đô là bào đệ của vị Quốc vương Đột Quyết. Chàng lại nghĩ:
- “Quốc vương Đột Quyết chưa hề thấy mặt Cao Mạt Dã thì làm sao đam mê nàng được? Hay là A Sử Na Đô giả truyền thánh chỉ?”
Thanh niên Đột Quyết lắc đầu quầy quậy, tỏ vẻ không tin, kêu lên:
- Không thể! Không thể! Chúa thượng chưa từng thấy mặt vị cô nương người Hán đó, thì làm sao có việc mê nàng? Nhất định A Sử Na Đô lừa đại ca đó!
Hắn sợ đại ca không tán đồng âm mưu của hắn nên mang chiêu bài Chúa thượng ra, bức bách đại ca.
Lý Trào thốt:
- Ngu ca cũng có nghĩ đến điều đó, nên có hỏi rõ ràng. Đích xác là Chúa thượng si mê nàng ấy. Hiện nàng đang ở trong cung!
Thanh niên Đột Quyết thở dài:
- Nếu sự thật là thế thì không có gì đáng trách đại ca! Bây giờ tiểu đệ muốn biết, đại ca sẽ làm cách nào để cứu người thanh niên Hán đó?
Lý Trào buồn thảm đáp:
- Người ta tin tưởng ngu ca, nặng tình giao kết, ngu ca ngầm hãm hại người ta! Làm cho người ta chia tình rẽ ái! Ngu ca chịu làm sao nổi sự dày vò của niềm hối hận? Ngu ca định mai này vào cung gặp Chúa thượng, xin ngài cho mượn chiếc chìa khóa lao tù, mở rào sắt cho người ta!
Thanh niên Đột Quyết cau mày:
- Nếu chúa thượng không chấp thuận?
Lý Trào tỏ vẻ cương quyết:
- Ngu ca xin lấy cái chết để yêu cầu!
Thanh niên Đột Quyết tán đồng:
- Tốt, ngày mai tiểu đệ sẽ đi với đại ca. Có lẽ Chúa thượng nhớ lại thuở thiếu thời ngài cùng chúng ta nô đùa vui vẻ, sẽ chấp nhận lời xin của đại ca cũng nên!
Lý Trào gật đầu:
- Hiền đệ đi nghỉ đi. Đừng quên làm lễ trước thần vị tổ tiên nhé!
Thanh niên Đột Quyết cáo lui, bưng đèn bước ra.
Sảnh đường với thơ phòng cách nhau có một bức vách, Nhuế Vĩ nhìn theo bóng thanh niên Đột Quyết thấy hắn vào sảnh đường rồi đặt ngọn đèn trên bàn.
Ngọn đèn chiếu lên thần tượng. Thần tượng là một vị tướng quân người Hán tướng mạo uy nghiêm, lưng mang cung, tay cầm kiếm. Trên thần tượng, có mấy chữ: “Hán Lý Lăng Thần vị!” Hai bên thần tượng, có hai hàng chữ:
“Vượt ngàn dặm, qua sa mạc, vì quân vương đánh Hung Nô, đường cùng, thất thế, binh sĩ chết, danh dự mất, mẹ già quy tiên, muốn báo ân, còn biết nơi đâu!” Nhuế Vĩ cảm thấy lòng se thắt lại. Niềm hận đối với Lý Trào tan biến mất, chàng thầm nghĩ:
- “Thì ra Lý Trào là dòng dõi của Lý Lăng! Thảo nào mà y chẳng giỏi về cung tiễn!”
Ngày trước, họ Lý tại Lũng Tây là tay thần xạ nổi tiếng khắp Trung Nguyên, Lý Lăng hàng Hung Nô, thiên hạ đều đồng tình, cho nên hậu thế không hề khinh miệt. Khi dẫn binh đi đánh Hung Nô, triều đình nghe lời siểm nịnh, chỉ phát năm ngàn binh, với quân số đó, Lý Lăng bị hãm trong vòng vây của tám vạn quân Hung Nô, ngoài lại không có viện trợ. Lý Lăng bắt buộc phải tạm hàng địch, chờ ngày lập công chuộc tội.
Triều đình án luật kết tội, hành quyết toàn gia họ Lý, trong số đó có bà mẹ già của Lý Lăng và vợ. Lui không đường, tới không nẻo, Lý Lăng chính thức đầu hàng địch, lấy vợ người xứ Đơn Vu, sanh con nối dõi.
Người Hung Nô cực kỳ cung kính Lý Lăng, ban chức tước cao quý hơn ngôi vị của Lý Lăng tại triều đình nhà Hán. Con cháu dần dần đông đủ, rải rác trong các bộ lạc Hung Nô.
Đột Quyết là một sắc dân quý trọng nhất trong bọn Hung Nô như thế mà con cháu Lý Lăng được toàn thể các bộ lạc Hung Nô kính ngưỡng.
Thanh niên Đột Quyết hành lễ trước vị thần linh rồi, trở về phòng an nghỉ.
Nhuế Vĩ đến đây, vốn ý tìm Lý Trào mà giết, nhưng bây giờ đã hiểu rõ nội tình rồi, chàng không còn hận nữa, trái lại càng thương cảm hơn. Chàng lặng lẽ rời nơi đó, không muốn làm kinh động Lý Trào nữa. Chàng đã đi xa rồi, vẫn còn nghe tiếng đọc sách văng vẳng trong đêm dài!
Đi quanh thị trấn một vòng nữa, chàng nhận định được vị trí của tòa cung điện. Chàng thầm nghĩ:
- “Nhất định đây là chỗ của Quốc vương Đột Quyết rồi.
Song, chẳng rõ thực sự Dã nhi có bị bắt đem về đây không?”
Khu cung điện này nhỏ hơn Thiên Trì phủ, Nhuế Vĩ đi tìm dần dần vào sâu nội cung, trông thấy ở một nơi, đèn còn đốt sáng, chàng đến đó ngay, áp mặt vào cửa sổ, nhìn bên trong.
Sự trang trí bên trong hoàn toàn theo người Hán, trên chiếc giường có nệm ấm, chăn êm, một thiếu nữ đang ngủ.
Nhuế Vĩ rất mừng khi nhận ra thiếu nữ đó là Cao Mạt Dã. Không do dự, chàng định xuyên qua cửa sổ, vào trong phòng gọi tỉnh Cao Mạt Dã.
Có tiếng động khẽ. Kế đó, một vị công tử vận y phục Hán xuất hiện.
Nhuế Vĩ nhận được hắn là đồ đệ của A La Dật Đa. Chàng tự hỏi làm sao hắn lành bệnh nhanh chóng như vậy? Tại sao hắn có mặt trong cung? Hay là...
Chàng thức ngộ ngay. Hắn là Quốc vương Đột Quyết, tên A Sử Na Đô Chi huynh trưởng của A Sử Na Đô! Thảo nào mà hắn chẳng trông thấy Cao Mạt Dã!
Bởi, song phương có gặp nhau tại Ngũ Đài sơn dạo trước lúc A La Dật Đa đưa hắn đến đó, yêu cầu Sử Bất Cựu chữa trị bệnh thế.
Hắn ngồi xuống mép giường, nhìn Cao Mạt Dã ngủ say, một lúc sau, bỗng thốt:
- Đẹp! Đẹp quá!
Hắn thở dài, tiếp:
- Cô nương tỉnh ngủ từ lúc nào thế?
Cao Mạt Dã không đáp. Nàng còn ngủ say, hay giả vờ?
Hắn tiếp:
- Bổn Vương từ thuở nhỏ đã mang một chứng tật lạ lùng, cứ mỗi lúc chứng phát lên là chỉ muốn chết ngay. Chứng đó còn đến ngày nay, bổn Vương hơn ba mươi tuổi rồi. Trong thời gian ba mươi năm đó, bổn Vương không hề chú ý đến bất cứ nữ nhân nào. Lần cuối cùng phát chứng, sư phụ lại đưa bổn Vương đến Tiểu Ngũ Đài sơn, không ngờ đến đó, lại gặp cô nương...
Hắn dừng lại một chút rồi tiếp:
- Bình sanh, bổn Vương chưa hề thấy một thiếu nữ nào diễm kiều như cô nương! Chẳng rõ tại sao, thấy cô nương rồi bổn Vương nghe bệnh nhẹ liền! Trở về đây, không ngày nào bổn Vương không mơ hoài hình bóng của cô nương! Em ta an ủi ta đưa nhiều thiếu nữ cũng xinh đẹp lắm đến cho ta, song không nàng nào làm cho ta quên đi hình bóng của cô nương cả! Rồi, dịp may đưa đến, em ta gặp cô nương! Đáng lẽ em ta không nên dùng đến Bách Nhật Túy! Làm cho cô nương mê man đến hôm nay!
Qua lời tự thốt của thanh niên đó, Nhuế Vĩ mới biết Cao Mạt Dã đã mê man đến hôm nay vì Bách Nhật Túy mà vẫn chưa tỉnh. Và nàng cũng chưa bị A Sử Na Đô Chi làm nhục. Chàng yên tâm về điểm đó.
Bên trong, A Sử Na Đô Chi nhìn Cao Mạt Dã một lúc, tặc lưỡi, thốt:
- Mấy ngày qua, ta chỉ lấy mắt nhìn cô nương thôi! Đêm nay, ta có thể vuốt ve tấm thân ngọc ngà đó chăng?
Hắn đưa tay liền. Bàn tay hắn run quá, chừng như hắn không có đủ can đảm tùy tiện sờ mó vào mình Cao Mạt Dã.
Nhuế Vĩ nhẹ đẩy cánh cửa sổ, vào trong, đứng sau lưng hắn. Hắn không hay biết gì cả. Thấy hắn si tình cực độ, Nhuế Vĩ vừa tức vừa buồn cười. Chàng thấp giọng thốt:
- Đừng nuôi mộng! “Thiên Long châu” đâu?
Vốn là đồ đệ của một cao nhân, dĩ nhiên A Sử Na Đô Chi phải có tài nghệ hơn người. Ngày thường, hắn phát hiện dễ dàng mọi tiếng động sau lưng, song hôm nay, vì tấm thân chuyên chú trọn vẹn về Cao Mạt Dã, hắn chẳng còn nghe được gì nữa. Bấy giờ, Nhuế Vĩ cất tiếng, hắn giật mình. Theo phản ứng tự nhiên của con nhà võ, hắn vọt mình tới, sợ bị đánh lén.
Hắn vọt tới, với ý định quay mình, đối phó với kẻ đột nhập, song Nhuế Vĩ đã chuẩn bị sẵn sàng, hắn vừa nhích động thân hình, chàng chụp tay xuống phía sau vai hắn, chế ngự hắn dễ dàng. Hắn nhũn người ngồi xuống chỗ cũ, để mặt Nhuế Vĩ xử trí.
Nhuế Vĩ thấp giọng bảo:
- Ngươi lấy “Thiên Long châu” trao cho ta, ta sẽ dạy ngươi...
A Sử Na Đô Chi hỏi to tiếng một chút:
- Ngươi là ai?
Nhuế Vĩ đáp:
- Ta từ ngục sắt đến đây!
A Sử Na Đô Chi kinh hãi:
- Làm sao ngươi ra được?
Nhuế Vĩ bóp mạnh tay.
A Sử Na Đô Chi đau quá, nhăn nhó mặt, không dám kêu la nữa.
Nhuế Vĩ trầm giọng:
- Ngươi đừng cố ý nói to lên, cho người chung quanh hay biết sự tình. Ta hỏi, “Thiên Long châu” ngươi để ở đâu?
A Sử Na Đô Chi thấp giọng:
- Ở trong kia, ngươi theo ta vào đó mà lấy!
Nhuế Vĩ đi theo A Sử Na Đô Chi, đến khung cửa với phía hậu, chưa kịp bước qua, bỗng có tiếng nói lạnh lùng vang lên ở sau lưng:
- Ngươi buông tay xuống!
Nhuế Vĩ vội kẹp A Sử Na Đô Chi vào hai tay, rồi quay mình lại.
A La Dật Đa đang ấn tay nơi Thiên linh cái của Cao Mạt Dã. Y điểm một nụ cười cay độc, nhìn chàng.
Trông thấy y, Nhuế Vĩ nổi giận, hận không thể lập tức đánh chết y, báo thù cho thân phụ.
Song phương cùng ở trong tình thế liệng chuột ngại mèo.
Nhuế Vĩ, không còn làm cách gì hơn, đành nén giận, thốt:
- Ngươi buông nàng ra, ta buông hắn xuống!
A La Dật Đa đáp:
- Ngươi buông tay trước mới được!
Nhuế Vĩ lắc đầu:
- Khi nào ta tin được ngươi! Ngươi đặt Dã nhi lên giường trước, rồi lui ra, ta sẽ buông chúa công của ngươi sau.
A La Dật Đa lắc đầu:
- Ta cũng khó tin ngươi lắm! Tốt hơn, ta và ngươi trao đổi đi!
Nhuế Vĩ gật đầu:
- Được! Ngươi quăng Dã nhi sang đây!
A La Dật Đa cho rằng khinh công của y cao tuyệt, dù cho Nhuế Vĩ có thoát cũng không làm sao thoát khỏi tay y, nên quăng Cao Mạt Dã sang cho chàng liền.
Nhuế Vĩ giữ lời hứa, quăng trả A Sử Na Đô Chi, đoạn chàng đỡ Cao Mạt Dã, bế nàng vào lòng, quay mình chạy đi.
Bỗng A Sử Na Đô Chi cười hi hi, thốt:
- Chạy vào trong đó làm chi? Ngươi tưởng ta giao “Thiên Long châu” cho ngươi à? Đâu có dễ dàng như vậy.
Nhuế Vĩ nổi giận, quay mình lại quát hỏi:
- Thế ngươi đã biết hòa thượng Thiên Trúc đó ở bên ngoài chực sẵn, nên tìm cách lừa ta?
A La Dật Đa cười lạnh:
- Người ta là một Quốc vương, thì luôn luôn có vệ sĩ ở quanh quẩn trong cung, không lộ liễu thì kín đáo, đâu có thể cho ngươi muốn bắt lúc nào cũng được?
Nhuế Vĩ hối hận, thầm trách mình quá sơ ý. Đã biết là A Sử Na Đô Chi giả vờ thốt to tiếng cốt làm kinh động bọn vệ sĩ bên ngoài thế mà chàng không phòng bị, thật đáng tiếc cơ hội may mắn đi rồi.
A Sử Na Đô Chi bảo:
- Hãy đem nàng đặt trở lại trên giường đi!
Nhuế Vĩ để mặc hắn nói chi cứ nói, chàng lo nghĩ ra cách nào cứu thoát Cao Mạt Dã khỏi nơi này, sau đó chàng sẽ trở lại đây một mình, tìm A La Dật Đa, báo thù cho thân phụ.
A Sử Na Đô Chi tiếp:
- Ngươi cứ đặt nàng trở lại giường, ta sẽ dùng “Thiên Long châu” chữa cái tật nơi chân nàng. Nếu ngươi mang nàng đi, là làm hại nàng đấy! Nàng sẽ mang tật suốt đời đấy!
Nhuế Vĩ do dự, thầm nghĩ:
- “Nếu quả thật hắn có thiện chí, mà mình cố chấp mang nàng đi, thì đúng là mình hại trọn cuộc đời nàng!”
Thấy Nhuế Vĩ do dự, A Sử Na Đô Chi tiếp luôn:
- Ta lấy danh dự là chúa tể một nước, bảo chứng với ngươi, nhất định là ta không nói ngoa đâu! Nếu ngươi thật tâm yêu nàng, thì phải lo cứu chữa bệnh tật cho nàng mới phải. Ta nghĩ, ngươi không nên ích kỷ, tự tư, mà để hại cho nàng!
Nhuế Vĩ thầm nghĩ, không nghe lời hắn, cứ mang Cao Mạt Dã đi, thì chàng có ích kỷ, tự tư chăng?
A Sử Na Đô Chi lại cười, tiếp luôn:
- Ngươi sợ ta cưỡng chiếm đoạt nàng phải không? Cho nên ngươi bất chấp nàng mang tật ở chân, không cho ta chữa cho nàng, mang nàng đi à? Ngươi làm vậy không là tự tư à?
Hắn cứ kích động lòng hiệp nghĩa của Nhuế Vĩ. Trước kia, hắn có học Hán văn, hắn lại là con người thông minh nên biết cách đả động tâm lý của Nhuế Vĩ.
Hơn nữa, nhìn thần sắc của Nhuế Vĩ, hắn thừa hiểu chàng đang có những ý niệm gì.
Nhuế Vĩ trầm ngâm một chút, rồi hỏi:
- Thật sự ngươi bằng lòng chữa trị cho nàng?
A Sử Na Đô Chi mỉm cười:
- Có sá gì một hạt “Thiên Long châu” mà ta phải thất tín với ngươi sao?
Ta sẽ chữa cho nàng hết tật chân, và cam kết với ngươi là không xâm phạm đến nàng.
Cao Mạt Dã vụt gọi:
- Đại ca! Đừng tin lời quỷ quái của hắn!
Nhuế Vĩ cả mừng kêu lên:
- Hiền muội đã tỉnh lại rồi à?
Cao Mạt Dã cười nhẹ:
- Nhờ cái lão hòa thượng thúi đó quăng đi, tiểu muội giật mình, tỉnh lại ngay.
Tỉnh lại rồi, song chưa nói năng được liền, mà đến bây giờ mới mở miệng nói với đại ca đó. Đại ca có trách tiểu muội chăng?
Nhuế Vĩ lắc đầu. Chàng không đáp, chỉ nhìn nàng, cười mãi. Dĩ nhiên chàng cao hứng vô cùng, qua bao nhiêu ngày xa cách, bây giờ mới gặp lại, và nàng cũng đã tỉnh lại rồi.
A La Dật Đa bỗng cất tiếng:
- Cô nương tỉnh lại nhanh quá!
Cao Mạt Dã nhìn sang Nhuế Vĩ cười hỏi:
- Nhanh lắm sao?
A La Dật Đa đáp:
- Người thường uống Bách Nhật Túy phải mất đủ trăm ngày mới tỉnh lại!
Lúc đó Cao Mạt Dã mới hiểu tại sao mình mê man suốt bao nhiêu hôm liền.
Nàng bắt đầu nhớ lại hôm có cùng Nhuế Vĩ được Lý Trào mời uống rượu, sau đó thì nàng mê man, chẳng còn biết gì nữa. Tuy nhiên Nhuế Vĩ tỉnh lại trước nàng, nên đến đây cứu nàng. Nàng cười, thốt:
- Bọn ta không phải là người thường, tự nhiên phải tỉnh lại nhanh hơn!
Thấy nàng cứ nhìn Nhuế Vĩ chứ không liếc sang hắn, A Sử Na Đô Chi ghen tức, buông một câu:
- Tỉnh lại cũng chẳng ích gì! Dù sao thì cô nương cũng mang tật suốt đời!
Cao Mạt Dã bĩu môi:
- Tàn tật cũng được tự do, hơn là suốt đời phải làm tên tù của ngươi!
A Sử Na Đô Chi tiếp:
- Trong thiên hạ, chỉ có “Thiên Long châu” mới chữa lành chứng tật của ngươi!
Cao Mạt Dã thản nhiên điểm một nụ cười:
- Tại sao ngươi biết ngoài “Thiên Long châu” ra, trong thiên hạ không có dược vật nào khác?
A Sử Na Đô Chi đáp:
- Chính gã họ Nhuế kia nói với Lý Trào như vậy, chứ ta biết gì! Ta khuyên các vị không nên quật cường, bởi ương ngạnh là mang tật suốt đời, không có lợi chi đâu!
Cao Mạt Dã phủi ngay. Nàng gọi Nhuế Vĩ:
- Mình đi, đại ca!
Nhuế Vĩ do dự:
- Còn chiếc chân của hiền muội?
Cao Mạt Dã đáp:
- Hắn không trao “Thiên Long châu” thì thôi! Chúng ta van cầu hắn làm gì!
Dù mang tật mà mãi mãi ở bên cạnh đại ca, tiểu muội cũng mãn nguyện lắm rồi.
Nhuế Vĩ suy tính, trước hết tìm một chỗ an toàn cho Cao Mạt Dã tạm trú, sau đó chàng sẽ trở lại tìm cách lấy Thiên Long châu, đồng thời báo nhục thâm cừu. Chàng không nói gì nữa, bế Cao Mạt Dã bước đi ra.
A La Dật Đa vội chận nơi cửa, lạnh lùng thốt:
- Đâu có đi dễ dàng như vậy được!
Nhuế Vĩ trừng mắt:
- Ngươi muốn sao?
A La Dật Đa tiếp:
- Để vị cô nương đó lại đây, một mình ngươi đi ra. Ta hứa là không làm khó khăn chi cả!
Cao Mạt Dã mỉa:
- Sư phụ như ngươi, kể cũng hiếm có!
A La Dật Đa trầm giọng:
- Tại sao?
Cao Mạt Dã cười nhạt:
- Dạy võ công cho đồ đệ, làm vệ sĩ cho đồ đệ, hành động hung hăng cho đồ đệ, nhất nhất cái gì cũng làm cho đồ đệ, sư phụ như thế, trong thiên hạ phỏng có mấy người!
A La Dật Đa nổi giận, quát:
- Ngươi dám mắng ta là một tên nô lệ?
Lão vung chưởng đánh liền.
Nhuế Vĩ liếc mắt sang bức tường, thấy thanh Huyền Thiết Mộc Kiếm của chàng treo nơi đó. Lập tức, chàng nhún chân, vọt mình đến thanh kiếm, vừa tránh chiêu chưởng đối phương, vừa định chụp thanh kiếm.
A La Dật Đa đánh luôn chưởng thứ hai.
Nhuế Vĩ chụp được thanh kiếm rồi, giậm chân luôn, thân hình vọt đứng theo tường, đến ngang cửa sổ, phóng mình luôn ra ngoài.
Đánh hụt luôn hai chưởng, A La Dật Đa nổi giận, phi thân theo ra luôn.
Nhuế Vĩ chưa đứng vững chân, từ bốn phía, đao kiếm, côn kích đâm tua tủa vào. Nhưng, chàng đã có phòng bị rồi, bởi chàng hiểu bọn vệ sĩ trong cung đã hay biết sự tình, đương nhiên chúng bao vây bên ngoài, chực chờ chàng thoát ra.
Cho nên vừa vọt ra cửa sổ, chân chưa chấm đất, tay vung mộc kiếm bảo vệ toàn thân.
Tuy là một thế kiếm thủ, song trong cái thủ có cái công, và vì bọn vệ sĩ bất quá chỉ là những tên quân binh tầm thường, cho nên cuộc kiếm loang quang một vòng, bao nhiêu đao kiếm công kích đều bị đánh bật trở về.
Bọn vệ sĩ chưa kịp có phản ứng kế tiếp, Nhuế Vĩ đã tấn công luôn. Trong thoáng mắt, bọn vệ sĩ bị mộc kiếm hất tuột vũ khí khỏi tay, những tiếng leng keng loảng xoảng vang lên, từng món từng món vũ khí rơi xuống đất, tên nào cũng nghe tê dại cánh tay.
Vừa lúc đó, A La Dật Đa ra đến nơi. Trông thấy thế, lão nổi giận, quát:
- Đúng là một lũ vô dụng! Cút đi ngay!
Bọn vệ sĩ lập tức lùi lại.
Tại cục trường, chỉ còn Nhuế Vĩ và A La Dật Đa thôi.
Nhưng, Nhuế Vĩ không muốn giao đấu, một tay thủ kiếm, phòng đối phương kích bất ngờ, tay kia ôm chặt Cao Mạt Dã vào ngực, phóng chân chạy đi. Ra khỏi cung rồi, chàng thấy bên ngoài lao nhao lố nhố người và người.
Hàng ngàn binh thiết giáp Đột Quyết bao vây khắp bốn phía. Phá vòng vây đó, vượt đi, thiết tưởng không là Vĩệc dễ dàng. Bọn chúng bố trí vòng vây bên ngoài nhanh chóng quá, đủ biết chúng được huấn luyện rất kỹ và có phương pháp vững chắc. Mỗi tên giáp binh cầm một mồi lửa, lửa đưa cao, ngàn mồi lửa chiếu sáng như ban ngày. Trong vùng sáng đó, Nhuế Vĩ khó tìm một chỗ ẩn mình, len lỏi thoát đi âm thầm.
Phía trước có giáp binh ngăn chặn, phía sau A La Dật Đa dẫn hơn mười cao thủ võ lâm đuổi theo sau, trong số người Đột Quyết có người Hán có, tất cả đều trạc tuổi trên bốn mươi, dưới năm mươi. Tất cả phân tán mỏng, tạo vòng vây rộng, quanh Nhuế Vĩ.
A Sử Na Đô Chi cũng được hộ tống ra đến nơi. Hắn thấy Nhuế Vĩ còn ở đó, liền bảo:
- Ta khuyên ngươi hãy để nàng lại đây...
Cao Mạt Dã mắng:
- Câm cái mõm thúi của ngươi lại. Ai mượn ngươi lo liệu cho ta!
A Sử Na Đô Chi thừa hiểu Nhuế Vĩ không làm sao thoát đi được, nên cố ý lấy lòng cả hai. Hắn bèn lấy hạt “Thiên Long châu” trong mình ra, rồi thở dài, thốt:
- Từ ngày gặp cô nương trên Tiểu Ngũ Đài sơn đến nay, không lúc nào bổn Vương quên hình bóng của cô nương được! Tự biết mình đang mang một chứng bệnh nan y, tùy thời tùy khắc mà chết vì chứng bệnh đó. Cho nên bổn Vương tìm mọi cách đưa cô về đây, để trước khi nhắm mắt lìa bỏ cuộc đời, còn sống ngày nào được nhìn cô nương ngày đó, có vậy bổn Vương mãn nguyện lắm rồi, nào dám có ý khác!
Hắn búng ngón tay sang Cao Mạt Dã.
Cao Mạt Dã đưa tay đón bắt.
A La Dật Đa thốt:
- Chúa thượng ta đối xử rất tốt với ngươi như vậy, sao ngươi không cảm kích?
Cao Mạt Dã mỉm cười:
- Tại sao ta phải cảm kích?
A La Dật Đa tiếp:
- “Thiên Long châu” là quốc bữu của Đột Quyết, tàng trữ trong Vương cung, Chúa thượng ta khảng khái lấy ra tặng ngươi, cái tình ý đó không đáng được ngươi cảm kích sao?
Cao Mạt Dã đáp:
- “Thiên Long châu” không phải của hắn, tại sao ta cảm kích hắn?
A La Dật Đa trầm giọng.
- Đã là chúa tể một vương quốc, cái gì trong vương quốc đó là tài sản của Đô Chi, sao ngươi cho rằng không phải của Đô Chi?
Cao Mạt Dã mỉm cười:
- Ngươi không tin cứ hỏi hắn xem?
A Sử Na Đô Chi cười nhẹ:
- Không của bổn vương thì là của ai?
Cao Mạt Dã buông gọn:
- Của đại ca ta!
A La Dật Đa hừ một tiếng:
- Nói nhảm!
Cao Mạt Dã mỉm cười:
- Chính các ngươi nói nhảm thì có! Đại ca ta đánh đổi nó với mười hai hạt Bảo Nhãn Ngọc, tự nhiên nó là vật của đại ca ta!
A Sử Na Đô Chi biến sắc:
- Có việc đó nữa sao?
Thì ra, A Sử Na Đô tham ngọc, không hề nói việc đó cho huynh trưởng hắn biết. Mà Lý Trào thì báo cáo Nhuế Vĩ đến đây để tìm “Thiên Long châu”, trị bệnh cho Cao Mạt Dã chứ không hề nói tới cuộc mua bán giữa Nhuế Vĩ và A Sử Na Đô.
Cao Mạt Dã thốt:
- Các ngươi muốn biết sự tình, cứ gọi A Sử Na Đô mà hỏi!
A Sử Na Đô Chi lập tức sai quân đi gọi Na Đô gấp.
Na Đô đang ngủ, nghe vương huynh gọi liền đến nơi, hỏi:
- Vương huynh có điều chi cần phân phó?
A Sử Na Đô Chi quát:
- Ngươi lấy mấy viên ngọc Bảo Nhãn đem ra đây!
Na Đô không thấy Nhuế Vĩ, nên làm tỉnh, hỏi lại:
- Bảo Nhãn Ngọc gì, Vương huynh?
Cao Mạt Dã cười khanh khách:
- Số ngọc đánh đổi “Thiên Long châu”, đại ca ta đã trao cho ngươi đó mà!
A Sử Na Đô quay đầu lại, trông thấy Nhuế Vĩ và Cao Mạt Dã bất giác biến sắc mặt.
A Sử Na Đô Chi lạnh lùng bảo:
- Hãy đem Bảo Nhãn Ngọc trả lại cho họ gấp!
Bất đắc dĩ, A Sử Na Đô lấy trong mình ra mấy viên Bảo Nhãn Ngọc.
Hơn mười mấy cao thủ võ lâm bao quanh Nhuế Vĩ là bọn tham lam, trông thấy ngọc quý, nhóng cổ nhìn, quên mất nhiệm vụ của chúng là canh chừng Nhuế Vĩ và Cao Mạt Dã.
A Sử Na Đô lưu luyến số ngọc, chưa chịu trao cho Nhuế Vĩ. Bảo hắn trả ngọc quý lại có khác nào bảo hắn cắt đi một đoạn ruột bỏ đi. Lấy ngọc ra, hắn còn trù trừ.
A Sử Na Đô Chi nổi giận, thét:
- Ngươi dám cãi lệnh ta à?
A Sử Na Đô không còn biết làm sao hơn, đành trao số ngọc cho Nhuế Vĩ.
Nhuế Vĩ vung tay, đánh bay số ngọc tứ tán, mỗi viên một nơi. Đoạn, chàng chính sắc thốt:
- Quân tử nhất ngôn, nói ra là ngàn ngựa cũng không đuổi theo lấy lời lại được.
Các viên ngọc nằm trên mặt đất, dưới ánh lửa, chớp chớp sáng như sao.
Hơn mười cao thủ võ lâm bị ánh sáng của ngọc dụ hoặc cực độ, bỏ ngay vòng vây, ào tới nhặt.
A Sử Na Đô thấy thế, vội lướt tới giành giật lại.
Cục trường nhân thế loạn lên.
A Sử Na Đô Chi giận rung người, bất chấp nhất quát to:
- Bắn!
Thiết giáp binh giương cung bắn liền.
Nhuế Vĩ thừa cơ hỗn loạn, phi thân vọt đi ngay. Một tay ghì sát Cao Mạt Dã chàng vung tay kia quét một kiếm vùn vụt, mở một con đường thoát xuyên qua lớp thiết giáp binh vây chặt bên ngoài.
A La Dật Đa bận bảo hộ A Sử Na Đô Chi, đưa hắn vào nội cung, nên không làm sao đuổi theo được.
Còn lại số giáp binh, dù chúng đông cũng chẳng đáng kể, Nhuế Vĩ tung hoành như vào chỗ không người. Dĩ nhiên, xung phá vòng vây như vậy, chàng khó tránh gây thương vong cho bọn binh sĩ vô cớ.
Cuối cùng, bọn giáp binh khiếp oai chàng, tránh ra xa xa, chừa cho chàng một lối thoát, bất quá chúng hò hét để tắt trách nhiệm vụ thôi.
Đám cao thủ võ lâm nhặt ngọc rồi, tự biết là mình vì nghịch lệnh Quốc vương, khó tránh khỏi tử tội, nên vung vũ khí gạt rơi các loại tên bắn, chạy đi. Từ đó chúng bỏ luôn Đột Quyết quốc.
Chỉ còn lại mỗi một A Sử Na Đô. Võ công của hắn tầm thường, hắn trúng phải mấy mũi tên, ngã dài tại chỗ, nằm rên ư ử. Hắn nhặt được một hạt ngọc, song lại bị một cao thủ đoạt mất.
Nhuế Vĩ mang Cao Mạt Dã ra khỏi vòng vây rồi, giở thuật khinh công chạy đi. Không lâu lắm, bỗng chàng nghe tiếng vó ngựa vang gấp phía sau. Chàng giật mình quay đầu nhìn lại, thấy một kỵ sĩ giục ngựa sải nhanh đuổi theo. Nhuế Vĩ tự hỏi, sao lại chỉ có mỗi một người đuổi theo? Một người đuổi theo, đâu có gì đáng sợ? Chàng quay mình, đứng lại đó chờ xem kẻ đuổi theo muốn gì.
Cách còn độ mười trượng, kỵ sĩ dừng ngựa rồi nhảy xuống đất gọi:
- Nhuế huynh! Tại hạ là Lý Trào đây!
Nhuế Vĩ sa sầm gương mặt hỏi:
- Các hạ theo dõi tại hạ để làm gì?
Lý Trào vận y phục nhẹ, hông đeo ống tên, tay cầm cung, dây cung kéo thẳng, tên lắp sẵn sàng. Y bước tới một bước, trầm giọng quát:
- Tại hạ vâng lệnh chúa thượng, theo Nhuế huynh để yêu cầu Nhuế huynh lưu Cao tiểu thơ lại.
Nhuế Vĩ căm hận:
- Các hạ không nên bước tới, tại hạ không thể khách khí nữa đâu nhé!
Lý Trào tiếp:
- Tại hạ có lỗi với Nhuế huynh nhiều, Nhuế huynh không cần phải khách khí nữa!
Y buông tay, dây cung bật tên lao vút đi.
Nhuế Vĩ kinh hãi biết tài xạ tiễn của Lý Trào cực kỳ lợi hại, không dám khinh thường, ngưng thần chờ mũi tên. Tên lao đi rất chậm, nhắm ngay ngực của Nhuế Vĩ. Chàng đón bắt dễ dàng, Cao Mạt Dã cười thốt:
- Y cố ý bắn chậm đó!
Lý Trào trầm giọng:
- Ai nói tại hạ cố ý? Này, Nhuế Vĩ hãy để Cao tiểu thơ lại đó nếu cãi lời thì mũi tên thứ hai này không dung tha cho đâu!
Thất Lão Kiếm Thất Lão Kiếm - Cổ Long Thất Lão Kiếm