"It is possible to live happily in the here and the now. So many conditions of happiness are available - more than enough for you to be happy right now. You don't have to run into the future in order to get more.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 61
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1965 / 44
Cập nhật: 2015-11-20 23:45:16 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
ỗi ngày một ít, Nam khám phá thấy một cô Diễm khác, một cô Diễm không còn được như cô người mẫu trong bức tranh Ngô vẽ và Ngữ xin về hồi Tết Mậu Thân. Cô Diễm đó tóc thề mặc áo lụa tím cổ tròn, mắt mở lớn, ánh mắt kinh ngạc tò mò nhìn về tương lai nhưng cũng phảng phất vẻ lo âu, như vừa khao khát thay đổi mà lại vừa ngại sẽ gặp những điều đau lòng. Ngô vẽ bằng sơn dầu, miết mỏng lớp sơn thật mịn lên vải tranh, màu nào dù nóng hay lạnh cũng pha trắng nên đâu đâu cũng ửng lên một thứ ánh sáng lấp lửng kín đáo. Mầu biếc phía sau lưng Diễm, màu da mặt Diễm, màu tím áo Diễm, đều ửng sáng như thế. So với những bức tối tăm khác của Ngô, bức chân dung này là nụ cười hiếm hoi của Ngô, là thoáng hạnh phúc đơn giản của Ngô trước khi họa sĩ bị cuốn vào một cơn lốc lạ lẫm và kéo dài chưa biết tới lúc nào. Cô Diễm Nam khám phá cũng không giống với người thiếu phụ ăn mặc đài các hơi diêm dúa một chút, người nữ xướng ngôn quen với lối văn hoa và nũng nịu giả vờ đang là thần tượng của nhiều anh lính ở các tiền đồn, cũng như đang là thứ ma túy nguy hiểm cho “các bạn nghe đài” Mẹ Việt Nam. Cô Diễm Nam tìm thấy chín chắn hơn cô Diễm Ga thời Huế, và thực hơn cô Diễm Sài gòn. Mỗi ngày Diễm vẫn tìm cớ đến hiệu trà chuyện vãn. Nam tưởng Diễm phải giao tiếp thường xuyên với ông Thanh Tuyến để giải quyết việc làm ăn bị thua lỗ vì mất miền Trung, nhưng về sau, Nam hiểu Diễm đến chỉ cốt nói chuyện với Nam, để cốt theo dõi tin tức Ngữ. Diễm không dám hỏi ai khác ngoài Nam. Biết được như vậy, Nam hết ác cảm với Diễm. Nam đâm ra thương hại Diễm, quý mến Diễm. Dường như lâu lắm Diễm không gặp được ai để tâm sự hết lòng mình, nên gặp Nam, Diễm phải nói hết một lần cho thỏa. Thường thường Diễm lái xe đưa Nam và cháu Thúy đi chơi đâu đó, hoặc bến tầu hoặc sở thú, trong lúc con Thúy mải mê với những thứ lạ mắt thì hai chị em mải mê tâm sự. Diễm nói:
- Tình hình càng ngày càng nguy, có thể em phải đi. Em sợ lắm. Đài Mẹ Việt Nam do Mỹ thành lập để tuyên truyền địch vận hướng về phía bên kia, họ về đây chắc chắn em không được yên. Nghe các tin đồn, em hãi hùng. Vụ Mậu Thân, chị nhớ không? Em không ở lại được. Em không gặp lại anh Ngữ được. Mà biết anh ấy còn sống không? Tuy hòa đã mất, một số người di tản theo quốc lộ 7 đã tới Tuy hòa. Nghe nói số bị chết dọc đường nhiều lắm. Em sợ.
Nam cũng lo cho anh, nhưng cố an ủi:
- Chị nghĩ không việc gì đâu. Chị vẫn tin là ba chị luôn luôn theo các con để phù hộ các con. Thế nào anh Ngữ và thằng Lãng cũng về được.
- Anh ấy về được, nhưng em đã đi rồi. Em nóng ruột, mong tin anh ấy từng ngày.
Nam hỏi:
- Sao hồi đó Diễm đi lấy chồng?
Diễm khựng lại, lí nhí những tiếng mơ hồ Nam không nghe rõ, rồi nói:
- Hồi đó con Như cũng hỏi em như chị hỏi. Em nhớ hai đứa em có tâm sự với nhau trước ngày cưới. Nó lén chuyển mấy lá thư của anh Ngữ cho em. Như đã hỏi em vì sao không lấy anh Ngữ. Em không nhớ rõ đã trả lời như thế nào. Có lẽ đại khái em nói Như không hiểu em được. Như sinh ra trong nhung lụa, còn gia đình em, chị biết rồi. Nhiều bữa ăn em nuốt miếng cơm không vô vì ba mạ cứ cằn nhằn kình cãi nhau hoài về chuyện tiền nong. Em không muốn con cái em phải khổ phải nhục như em vì nghèo đói.
Nam thở dài, nói:
- Kể ra Diễm nghĩ vậy cũng phải.
Giọng Diễm hăng hái hơn trước, tự tin hơn trước:
- Em đã nghĩ như vậy nên mới lấy anh Mân. Em muốn bỏ Huế, muốn vào Sài gòn, muốn có thật nhiều tiền. Những gì em mơ ước, bây giờ em có đủ. Nhưng bây giờ em lại thấy không phải em chỉ mơ ước có bấy nhiêu. Nói đúng ra, trong thâm tâm em mơ ước chuyện khác. Lấy chồng xong, em ngờ ngợ cảm thấy có gì bất ổn. Em ngờ là mình tính lầm, nhưng chỉ ngờ vậy thôi, chưa thấy rõ như bây giờ. Cảnh gia đình em…
Nam cắt lời Diễm, hỏi:
- Diễm có hạnh phúc không?
Diễm bị hỏi bất ngờ, lúng túng không biết phải trả lời thế nào. Nam lại hỏi:
- Chị nghe Quỳnh Trang nói ông Mân tính tình lăng nhăng lắm, cặp hết cô này tới cô khác. Giới ca nhạc bầu ảnh là “người chịu chơi nhất trong năm”. Hình như tờ Kịch Ảnh số Tết có bầu như vậy thì phải. Diễm không ghen à?
Diễm cúi đầu suy nghĩ một lúc, mới đáp:
- Cuộc sống vợ chồng em không giống như vợ chồng người khác. Em và anh Mân đồng ý với nhau ai muốn làm gì thì làm, miễn là đừng quá trớn người ngoài họ cười. Em đi cả ngày, ảnh cũng vậy. Lâu lâu gặp nhau ở nhà, ăn với nhau một bữa cơm, rồi ai lo việc nấy.
Nam kinh ngạc hỏi:
- Chị cứ tưởng mọi việc kinh doanh của Diễm đều do anh Mân sắp xếp cả chứ.
- Không. Ảnh lo vụ thầu may quân trang, vụ sản xuất và phát hành băng nhạc hoàn toàn do em lo, ảnh không dính gì tới cả. Vì vậy em mới phải nhờ bác Thanh Tuyến giúp một tay.
Nét mặt Diễm rạng rỡ vì hãnh diện. Ánh mắt chợt lóe lên một tia tinh quái khác thường:
- Em đâu có mù để không thấy chị Trang cau có mỗi lần em tới nhà. Chị ấy may mắn, phải cho em cái quyền được chọc giận chị ấy chứ.
Nam kêu lên:
- Nghe Diễm nói một hồi, chị rối đầu không hiểu gì cả. Chị chẳng hiểu em có thương anh Ngữ thật không, mà cũng chẳng hiểu Diễm đối đãi với ông Mân ra sao. Hôm qua con Quế nói với chị là ở đây họ đồn Diễm lãng mạn lắm, thường đi chơi với ông này ông kia. Chị nghĩ thiên hạ xấu miệng và xuyên tạc, công việc của Diễm bắt buộc phải giao thiệp rộng. Hay là Diễm muốn trả miếng ông Mân?
- Không đâu, chị Nam. Anh Mân đi với cô nào em không mảy may ghen tương. Em biết hiện giờ anh ấy thuê nhà và cung phụng phủ phê cho một con ca sĩ hạng B mới nổi. Em thề với chị là em không hề ghen. Ngay từ đầu hồi mới lấy nhau đã như vậy rồi, không chờ tới bây giờ.
Nam lắc đầu, hoang mang:
- Lạ quá. Chị cứ nghĩ vợ chồng đã có con với nhau thì dễ dàng chịu đựng nhau…
Diễm đang cúi xuống ngậm cái ống hút nút nước thơm trong ly sinh tố, nghe Nam nói tới đó, nàng đột ngột ngửng mặt lên. Đôi mắt Diễm làm cho Nam hoảng sợ. Cái nhìn bất thường như lối nhìn một người điên sắp nổi cơn. Giọng Diễm run run:
- Em biết chắc không còn gặp được anh Ngữ nữa, nên em nói cho chị biết điều này một lần cho xong. Cho chị biết. Cho anh Ngữ biết. Cho cả nhà biết. Đứa con của em… đứa con của em không phải con anh Mân…
Nam sững sờ đến ngột thở. Nàng đoán được điều Diễm chưa nói hết. Nam nhìn đăm đăm vào mặt Diễm, thấy đôi mắt Diễm vẫn còn nguyên xúc cảm tột cùng của người vừa làm một việc tầy trời, trong khi cái mỉm cười của Diễm lại có vẻ bất cần, thách đố. Nam thì thào hỏi, như sợ có người nghe thấy:
- Ông Mân biết không?
- Biết. Biết ngay từ đầu. Từ lúc em sinh cháu Thuận.
- Vậy mà hai người vẫn sống với nhau bao nhiêu năm?
- Hai đứa em cần nhau, và từ đó ngầm giao ước với nhau lối sống như thế. Bây giờ thì chắc chị hiểu rõ mọi sự. Tối hôm qua, lần đầu tiên hai vợ chồng em nói thẳng với nhau mọi điều. Anh Mân chịu nghe vì hiện giờ em có thể hơn anh ấy. Nhờ em mà anh ấy được vào danh sách di tản. Tiền nong của em bây giờ nhiều hơn anh Mân. Em đã nói hết, nói thẳng.
Nam không dằn được tò mò, vội hỏi:
- Em nói gì với ông Mân?
- Em nói là qua Mỹ, ai đi đường nấy. Cháu Thuận không phải là con anh ấy, nên anh ấy cũng không có trách nhiệm gì với em cả. Anh ấy hoàn toàn tự do. Nếu cần thì làm thủ tục ly dị ngay khi đặt chân tới Mỹ cho đỡ rắc rối về sau, anh ấy muốn cưới cô nào cũng khỏi sợ tội song hôn. Phần em, em trở về lo cho gia đình, cho con em, ba mạ em. Mạ em khổ nhiều rồi, em muốn mạ em được an nhàn trong tuổi già. Em chỉ ngại ba em, tính ổng mỗi ngày mỗi khó khăn.
Nam cảm động nhìn Diễm, vừa thương hại vừa khâm phục. Nam nói:
- Chị sẽ nói lại với anh Ngữ. Chị tin anh Ngữ an toàn trở về. Chừng nào em ra Phú quốc?
- Chưa biết đích xác, chị ạ. Họ bảo cứ chuẩn bị sẵn đồ đạc, đến lúc họ thông báo để tới chỗ tập trung. Em chỉ còn lo phần ba em, chứ mạ thì bằng lòng đi với em rồi. Tối nay em phải về Khánh hội, nói rõ tình thế cho ba em dứt khoát.
° ° °
Thấy Quỳnh Trang kín đáo bảo vào phòng có chuyện riêng muốn nói, nhất là nhìn vẻ mặt lo lắng của chị dâu, Nam băn khoăn không hiểu Quỳnh Trang đã biết chuyện Diễm có con với Ngữ hay chưa. Vào phòng, Quỳnh Trang đuổi khéo con Thúy ra ngoài. Nam càng lo hơn. Ai nói cho Quỳnh Trang biết? Hay Quỳnh Trang đã biết từ lâu bây giờ mới tâm sự nỗi khổ tâm với cô em chồng?
Quỳnh Trang chờ cho Nam ngồi xuống mép giường, mới chậm rãi nói:
- Có chuyện này quan trọng, thầy me Trang muốn cho Nam biết. Nam chịu khó bình tĩnh nhé. Anh Tường vừa viết thư về.
Nam giật mình nhìn chăm chăm vào mắt Quỳnh Trang mà không nhìn thấy gì. Trước mắt Nam vạn vật đều nhòe và lung linh chao đảo. Nàng ngộp thở. Chờ một lúc thật lâu chưa nghe Nam nói gì, Quỳnh Trang nói:
- Anh ấy hiện ở gần đây. Nam đọc thư anh Tường cho biết.
Quỳnh Trang đưa tờ giấy vở học trò gấp tư cho Nam, rồi ra ngoài, ý tứ khép cửa phòng lại.
Nam chưa dám dở lá thư đọc ngay, ngồi im một lúc nữa cho xúc động hạ bớt, rồi mới đến gần cái đèn ngủ lật thư ra đọc. Nàng đau nhói vì gặp cái thất vọng đầu tiên. Thư Tường gửi cho ông bà Thanh Tuyến, không phải cho nàng. Tường viết:
Thưa thầy me,
Mấy ngày nay con sống nôn nao không yên vì nghĩ sắp được đoàn tụ với gia đình. Bạn bè ở đây đều tin như vậy, nhưng họ tin theo các tài liệu học tập, còn con con có giác quan thứ sáu, con tin chẳng còn bao lâu nữa con lại được gặp thầy me. Chín năm trời đằng đẵng, con biết được tin gia đình đều đặn. Nhiều hôm về công tác tại Sài gòn con có đi qua hiệu trà. Một lần con thấy me mặc áo lụa lèo màu vàng đang ngồi ở quầy. Hôm đó con đi với một người bạn. Con muốn ngã quỵ vì xúc động và hồi hộp. Con muốn dừng lại, chạy vào gặp me, nhưng không thể được. Con hẹn ngày gặp thầy me trong an toàn, khỏi phải sợ gì cả. Ngày đó đã tới gần. Con cũng đang ở một nơi rất gần thầy me, và vẫn mạnh khỏe. Thầy me yên tâm về con.
Phần gia đình, nếu tình hình cứ thuận lợi như thế này, thì thầy me cứ yên tâm đừng lo lắng gì cả. Con không biết hiện mẹ con Nam sống ra sao. Con không thể làm gì khác hơn, là trông nhờ vào thầy me. Xin me lo giùm cho hai mẹ con Nam. Con cũng muốn có một bức ảnh của đứa con con chưa biết mặt. Nhưng con đợi được. Ngày đoàn tụ sắp đến, con mừng quá. Anh bạn đi công tác Sài gòn giục, con không thể viết dài hơn. Viết làm sao cho hết nỗi nhớ thương và vui mừng của con? Chúc thầy me mạnh khoẻ luôn.
Con: Tường.
Nam đọc lá thư một lần, miệng thấy đắng vì Tường chỉ nhắc sơ đến nàng, mà giọng thư liên quan tới Nam cũng không có gì tha thiết, mặn mà. Nam chùi nước mắt đọc lại lần nữa, đặc biệt đọc thật chậm, đọc từng chữ ba câu trong lá thư có nhắc tới mẹ con nàng. Tim Nam đau nhói khi đọc lại tới lần thứ tư câu: “Con không thể làm gì khác hơn…”.. Nàng không hề thấy là câu đó chưa trọn nghĩa, là sau câu đó, còn có một câu nữa, “…là trông chờ vào thầy me, xin me lo giùm cho hai mẹ con Nam”.
Nam cảm thấy tủi thân. Cuộc đời dở dang của nàng suốt chín năm nay không đủ để Tường viết riêng cho nàng một lá thư hay sao? Cho dù do hoàn cảnh không cho phép Tường chỉ kịp viết thư cho cha mẹ, thì đoạn nhắc tới hai mẹ con nàng phải có đôi chút tha thiết nhớ thương. “Không thể làm gì khác hơn…” Một lời nói phủi tay, vô trách nhiệm. Càng nghĩ Nam càng giận. Quỳnh Trang trở vào phòng, thấy Nam ngồi nghiêm trang, môi mím lại cố giấu những xúc động phức tạp vừa qua. Không đoán được chị dâu nghĩ gì, Quỳnh Trang đành phải hỏi:
- Nam tính sao?
- Tính cái gì?
- Anh Tường ở gần đây, và sắp về. Thư ảnh viết từ cuối tháng ba, nhưng ảnh tiên đoán tình hình đúng. Ảnh sắp trở về.
Giọng Nam hỏi, có vẻ thách thức:
- Ảnh về thì sao?
Quỳnh Trang kinh ngạc, nhìn bạn không hiểu:
- Nam hỏi lạ vậy? Trang thật không hiểu nổi Nam. Chẳng lẽ Nam không còn thương yêu gì anh Tường nữa.
- Anh ấy có thương yêu gì tôi đâu. Trang đọc đi: “Con không thể làm gì khác hơn”. Anh ấy viết như mọi điều anh ấy làm đều tự nhiên, đều có lý. Cả cuộc đời Nam như vậy cũng là bình thường. Không có quyền oán trách ai cả. Ừ, thì mình có dám oán trách ai đâu. Mình cũng không cần nhờ vả ai cả. Con của mình, mình nuôi nó, khỏi cần ai thương hại. Khỏi cần ai bố thí.
Quỳnh Trang ngơ ngác nhìn Nam giận dữ, càng lúc càng hoang mang thêm. Nam tiếp, vẫn với giọng giận dữ, hằn học:
- Mấy ngày nay mình chứng kiến “lòng tốt” của… của me rồi. Mình đủ thông minh để thấy… để thấy “me của Trang” chỉ muốn gia đình mình dọn đi càng sớm càng hay.
Quỳnh Trang tức quá, to tiếng:
- Trang cấm Nam không được nói như vậy. Me Trang…
Quỳnh Trang nghẹn lời không nói được nữa, bật khóc. Nam hối hận đã quá lời, nhưng vì tự ái không chịu nói gì, cứ ngồi yên một chỗ. Một lúc sau, nhớ chuyện Diễm kể, Nam thấy anh mình có lỗi với bạn, và thấy mình bất công với chị dâu, với cả bà mẹ chồng.
Nam đến gần Quỳnh Trang, đặt tay lên vai chị dâu, dịu dàng nói:
- Nam xin lỗi Trang. Hai đứa mình đều bất hạnh. Mình giận vô cớ, mình xin lỗi.
Quỳnh Trang quay lại. Hai người bạn gái ôm nhau khóc, lòng buồn vơi bớt theo nước mắt ràn rụa trên má.
Tha Hương Tha Hương - Nguyễn Mộng Giác Tha Hương