Số lần đọc/download: 1510 / 37
Cập nhật: 2016-07-02 00:21:41 +0700
Chương 21: Nhậm Ngã Hành - Cái Tôi Và Bản Lĩnh
N
gạn ngữ phương Tây nói: Cái tôi là cái đáng ghét (Le moi est haïssant). Bản tính con người xưa nay đều luôn nghĩ đến mình trước hết, cho nên cái tôi tạo ra một lớp vỏ bọc kín tâm hồn và chận đứng mọi nẻo cảm thông giữa người với người.
Tôn giáo hay triết học phương Đông đều dạy con người tiêu trừ bãn ngã, vì xem đó là điều chướng ngại ngăn cản con người trên con đường tu học. Đức Phật thực hiện Từ Bi, Chúa Jésus rao giảng Bác Ái, đức Khổng Tử giảng dạy đức Nhân, cũng đều nhằm mục đích dẫn dắt con người đến chỗ thương yêu khắp cả chúng sinh như chính mình, hay xem tất cả mọi người đều đồng một thể.
Người nông dân Việt Nam nói đơn giản và ngắn gọn hơn: Thương người như thể thương thân. Không có phân biệt ta và người. Những ai sính loại triết học hàn lâm thì bảo đó là để Tiểu Ngã hòa tan trong Đại Ngã theo kiểu Ấn Độ, hoặc vạn vật dữ ngã vi nhất theo kiểu Trung Hoa, hoặc không còn phân biệt chủ thể với khách thể theo kiểu triết học hiện đại…
Những trò chơi ngôn ngữ rối rắm vô bổ và rỗng tuếch đó đã làm hao tổn bút mực lẫn trí não của rất nhiều học giả Đông Tây rồi, và của cả những người sính triết học. Chúng ta hãy học tập cách người nông dân chân chất là xếp chúng qua một bên để mặc cho các học giả bàn luận, rồi cứ ung dung dắt trâu đi theo con đường ruộng giữa cánh đồng bao la với bàn chân đất, chỉ để nghe tiếng nói sâu thẳm từ chính trái tim mình.
Xã hội có văn hóa thường buộc con người phải tìm cách giấu đi cái tôi. Người nào nói nhiều đến cái tôi có nghĩa là người kém văn hóa. Phải nói đến người ta và chúng ta hoặc chí ít cũng phải là chúng tôi.
Rõ khổ! Vì dù ít dù nhiều ai cũng muốn phô diễn cái tôi. Do đó, cái tôi lại luôn tìm cách xuất hiện lấp ló đằng sau những nghi thức xã giao, thông qua những câu nhún nhường khiêm tốn, thường có tính giả vờ! Chỉ có những thiên tài thực sự mới đủ bản lĩnh để không ngần ngại bộc lộ cái tôi bằng tất cả sự kiêu hãnh hồn nhiên.
Theo kinh điển Phật giáo ghi lại thì khi vừa mới sinh ra đời, đức Phật đã bước đi bảy bước trên tòa sen và cất tiếng như sư tử hống: Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn. (Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là tôn quý). Đó có lẽ là ngày đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, cái Tôi được khẳng định một cách minh triết và hùng hồn nhất. Một tôn giáo xiển dương quan điểm sắc tức thị không, không tức thị sắc và dùng một loạt mười tám loại Không từNội không cho đến Vô pháp hữu pháp không trong kinh Bát Nhã để đẩy toàn bộ cái thế giới hữu sắc này đến chỗ tận cùng của chân không, thì chính tôn giáo ấy lại khởi đầu bằng cách khẳng định một cách tuyệt đối cái tôi!
Bỏ qua một bên những ý nghĩa siêu huyền mang tính tượng trưng và ẩn dụ (dĩ nhiên) trong lời tuyên bố đó, ta chợt bắt gặp lại, ở một bình diện thấp hơn, câu ngạn ngữ phương Tây bảo "Les extrémités se touchent" (cái cực đoan thường gặp nhau) Cái cùng cực của phủ nhận lại chính là cái cái cùng cực của khẳng nhận. Cũng như chỗ sơn cùng thủy tận của khoa học phương Tây lại tiếp giáp với cõi bờ huyền học phương Đông, cho nên vũ trụ của Einstein lại hòa nhập trong lời thơ Tagore!
Lý Bạch là nhà thơ vô cùng kiêu ngạo. Trong một đêm khuya yên tĩnh, nhìn tinh tú lấp lánh chiếu sáng trên không, ông ngẫu hứng muốn làm thơ, nhưng lại không dám viết thành câu vì sợ các vì tinh tú nghe được sẽ rùng mình rơi cả xuống dòng sông lạnh:
Dạ tĩnh bất kham đề tuyệt cú
Đãn kinh tinh đẩu lạc giang hàn
(Đêm khuya không dám đề thơ
Chỉ e sao rụng lạnh bờ sông đêm)
Có một bài thơ tứ tuyệt của Lý Bạch, người ta thường cho rằng đó là bài thơ tả cảnh nhưng thật ra đó là bài thơ kiêu ngạo thượng thừa:
Chúng điểu cao phi tận
cô vân độc khứ nhàn
tương khan lưỡng bất yếm
duy hữu Kính Đình san
(Chim chóc đã bay về tổ hết; đám mây lẻ loi đang lờ lững trôi;
nhìn nhau mà không chán; chỉ có ta và núi Kính Đình).
Chỉ có núi Kính Đình là có thể nhìn ta giữa trời đất bao la để cảm nhận được sự hùng vĩ của nhau mà không chán! Đó là ngạo khí của kẻ khí thôn chư tử vô toàn mục (ngạo nghễ chưa xem ai vừa mắt).
Beethoven từng phẫn nộ quát mắng bọn quý tộc: Các ông cần hiểu rằng quý tộc các ông đời nào cũng có, nhưng Beethoven này phải cả trăm đời mới có được một người!
Đó đều là niềm xác tín đầy kiêu ngạo về cái Tôi của những người hiểu rõ thiên tài của mình.
Trong tất cả các tác phẩm của Kim Dung, có lẽ chỉ có ba nhân vật văn võ toàn tài, vừa có võ công tuyệt đỉnh lại vừa có trí huệ sắc bén, và là ba nhân vật kiêu ngạo bậc nhất. Đó là Hoàng Dược Sư, Tạ Tốn và Nhậm Ngã Hành.
Nếu Hoàng Dược Sư hấp dẫn người đọc bởi cái tài hoa cô độc, nếu Tạ Tốn khiến người đọc kính nể vì kiến văn uyên bác, thì Nhậm Ngã Hành làm người đọc khoan khoái vì chất lỗ mãng giang hồ. Và ông là bậc đại tôn sư võ học duy nhất không ngần ngại phô diễn cái tôi với tất cả cái xấu lẫn cái tốt của nó, đúng với cái tên Nhậm Ngã Hành (để mặc ý ta làm!).
Cái tài hoa của Hoàng Dược Sư dù sao vẫn còn mang chút màu mè của hạng quý tộc, sự uyên bác của Tạ Tốn vẫn có một chút từ chương của giới hàn lâm, chỉ có Nhậm Ngã Hành là hoàn toàn chất phác, giống như chưởng pháp của ông khi giao đấu với Thiên Thủ Như Lai chưởng của Phương Chứng đại sư. Người sao chưởng vậy. Không ly kỳ biến ảo, nhưng trong thô phác lại hàm chứa tinh hoa.
Chỉ những người có bản lĩnh thực sự và có sở đắc chân chính như Nhậm Ngã Hành mới dám vất bỏ mọi lớp vỏ văn hóa hoa hòe che phủ bản thân, để hiện ra một cách trần trụi với mọi cái xấu, cái tốt không thèm che dấu, như Một Con Người thực sự. Khi thì ăn nói cùng cực sắc bén đúng với phong độ của một đại tôn sư võ học, khi thì hành xử rất mực thô lỗ, thậm chí hạ cấp, như bọn hảo hán giang hồ.
Đánh mãi với Phương Chứng, liệu thế không xong thì vờ tấn công Dư Thương Hải để dùng mưu đánh ngã Phương Chứng. Không thích Tả Lãnh Thiền nhưng lại thành thật công nhận:Nễ võ công liễu đắc, tâm kế dã thâm, ngận hợp lão phu đích đảm trụ (Ngươi võ công có chỗ hơn người, lại có mưu kế sâu, điều đó rất hợp với tâm ý lão phu). Ông chỉ chê Tã Lãnh Thiền một điểm là đã có dã tâm thôn tính Ngũ Nhac kiếm phái thì cứ ngang nhiên mà làm, không cần phải dùng đến những thủ đoạn lén lút, những âm mưu quỷ kế đê hèn không xứng đáng với bậc anh hùng hảo hán. Nhậm Ngã Hành cũng không hề che dấu tham vọng bá chủ võ lâm của mình.
Hiếm có vị tôn sư võ học nào lại ngang nhiên tự nhận: Lão phu võ công ký cao, tâm tư hựu thị cơ mẫn vô tỷ, chỉ đạo phổ thiên hạ dĩ vô kháng thủ (lão phu võ công đã cao, tâm tư lại bén nhạy nhất đời, cứ cho rằng khắp thiên hạ không có đối thủ!). Và do đó ông phải vô cùng bội phục kẻ đã soán đoạt ngôi vị giáo chủ của mình là Đông Phương Bất Bại.
Đối với Xung Hư đạo trưởng thì ông ca ngợi nhân cách và Thái cực kiếm pháp của vị chưởng môn hết lời, nhưng lại khẳng định ngay: Nễ đích Thái cực kiếm pháp tuy cao, vị tất thắng đắc quá lão phu (Thái cực kiếm pháp của đạo trưởng tuy cao, nhưng chưa chắc đã thắng nỗi lão phu)!
Môn Hấp tinh đại pháp mà Nhậm Ngã Hành khổ luyện cũng có ý nghĩa riêng của nó: gom hết những tinh hoa trong thiên hạ để về phục vụ cho chính cái tôi. Đó cũng là môn võ công biểu hiện quan điểm cực đoan của Duy ngã độc tôn. Cái tôi của Nhậm Ngã Hành khi được khoáng trương đến cực độ thì tại điểm bách xích can đầu sẽ hoặc dược tại uyên (nhảy vào hố thẳm), như con rồng của quẻ Kiền trong kinh Dịch, để vỡ tan ra từng mãnh.
Bước nhảy đó sẽ là điều kiện tối hậu để Nhậm Ngã Hành với Hấp tinh đại pháp bắt gặp kịp Phương Chứng đại sư với Dịch cân kinh. Cái tâm đại bi vô lượng của một bậc đại tôn sư võ học sẽ hóa giải cái tôi cực kỳ bá đạo của một đại tôn sư võ học khác, cũng như cái Duy Ngã Độc Tôn sẽ cùng cõi Chân Không Diệu Hữu viên dung nhất thể. Cái Tôi được khẳng định đến cùng cực, khi gặp cơ duyên, sẽ dễ dàng tan biến vào cái đối cực của nó là cõi Man Mác Huyền Minh. Giá như Nietzsche sống lại, ắt hẵn sẽ trỏ vào Nhậm Ngã Hành mà nói Ecco Homo (đây là một con người)!
Nhưng muốn biểu hiện cái tôi như Nhậm Ngã Hành thì ta phải có bản lĩnh chân thực. Không có bản lĩnh chân thực thì cái tôi đó cũng chỉ là cái hình ảnh thảm hại của năm anh chàng võ nghệ mèo quào học đòi lên Hoa sơn luận kiếm!
Như Tây Thi nhăn mặt thì cả làng đều say đắm, Đông Thi bắt chước nhăn mặt thì cả làng đều bỏ chạy. Muốn học cách viết Sử Ký như Tư Mã Thiên thì phải học cách du sơn ngoạn thủy như Tư Mã Thiên, muốn kiêu ngạo và phô diễn cái tôi như Nhậm Ngã Hành thì tự xét mình đã có được cái bản lĩnh như Nhậm Ngã Hành không? Có dám ngang nhiên phơi bày mọi cái xấu lẫn cái tốt, vì hiểu rằng cái xấu hay tốt đó đều bất khả tư nghì đối với cao thủ cỡ Dư Thương Hải không? Và có thực dám nhậm ngã hành (cứ làm theo ý ta) không? Có dám tự thấy Lão phu võ công ký cao, tâm tư hựu thị cơ mẫn vô tỷ, chỉ đạo phổ thiên hạ dĩ vô kháng thủ chưa?
Phải học nói rất nhiều trước khi muốn im lặng, phải đọc sách rất nhiều để hiểu rằng kiến thức chỉ là trò điêu trùng tiểu kỹ vô cùng vụn vặt, phải Bao đêm thao thức thật thà rồi mới ngộ ra rằng Sưu tầm chân lý té ra tầm ruồng (Bùi Giáng).
Phải đẩy cái Tôi đến chỗ tận cùng rồi mới có cơ duyên để để trừ bỏ nó. Và đằng sau cái tôi đó phải là bản lĩnh chân thực. Vì đó chính là điều kiện để con người rủ bỏ tất cả và hoặc dược tại uyên!