We should read to give our souls a chance to luxuriate.

Henry Miller

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Lam Thien Thanh
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11215 / 79
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
hắc qua Mạnh Lệ Quân cùng con Vinh Lang trốn đi, mãi đến trời rựng sáng thì đã đi xa độ năm mươi dặm đường. Đêm hôm ấy vào ngủ nhờ trong một cái quán kia. Mạnh Lệ Quân nói nhỏ với Vinh Lang:
- Nếu ai có tọc mạch muốn hỏi dò lai lịch, mi cứ bảo rằng ta là một tên học trò ở huyện Côn Minh tên Lệ Quân Ngọc, tự là Minh Đường, hôm nay tính đến kinh đặng lập công danh, còn cái tên Vinh Lang của mi cũng giống đàn bà, hơn nữa mi cũng có sắc đẹp, người ta có thể nghi ngờ, nên ta muốn đổi tên mi là Vinh Phát. Vậy nên nhớ để khi ta cần gọi mà biết đối đáp chứ đừng bỡ ngỡ, nguy lắm đấy!
Từ đó, hai thầy trò đi đường cứ thay đổi nhau, khi thì người này ngồi kiệu, người kia cỡi ngựa, rồi đi một lúc thì đổi lại. Lệ Minh Đường thấy Vinh Phát yếu đuối nên việc chi cũng ra sức đỡ đần cho cả.
Đi mãi đến trung tuần tháng tư thì hai thầy trò đã đến hạt Quí Châu, Vinh Phát quá mệt nhọc nên sanh bịnh. Lệ Minh Đường phải đình bộ mướn nhà tạm trú để săn sóc cho Vinh Phát.
Sau khi đã yên trí chỗ ở, Lệ Minh Đường xem mạch bốc thuốc cho Vinh Phát, nhưng uống vào vẫn không thấy thuyên giảm chút nào. Tuy Lệ Minh Đường có xem sách thuốc biết được dược tánh, nhưng chưa từng làm thuốc, nên chữa ba bốn ngày lại xoay qua chứng hàn nhiệt.
Bịnh tình kéo dài đến ngày hai mươi tháng tư vẫn chưa thuyên giảm, lại gặp tiết mưa dầm. Lệ Minh Đường lấy làm lo lắng bèn nói:
- Hôm nay là ngày hai mươi tháng tư rồi, chẳng biết từ đây đến Bắc Kinh còn bao xa nữa? Ta chỉ sợ vào đến kinh không kịp kỳ khảo thí đó thôi. Nếu rủi ro như vậy phải đợi đến ba năm nữa mới đến khoa sau thì muộn mất.
Vinh Phát cựa mình đáp:
- Thầy đã có chí như vậy, thế nào trời kia cũng giúp đỡ lo gì mà không lập được công danh?
Lúc ấy trong phòng đèn đuốc sáng rực, nhưng Vinh Phát nằm thiêm thiếp một hồi rồi ngủ, chỉ còn một mình Lệ Minh Đường ngồi trơ trơ, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Bỗng trời ùn ùn mưa như nước đổ, rồi rỉ rả dầm dề lại càng gieo trong lòng Lệ Minh Đường một mối buồn man mác. Qua đến canh một, trong lúc đêm khuya canh vắng, Lệ Minh Đường xúc cảnh ngâm lên mấy vần thơ:
“Lương thê tộc tiệm chánh huỳnh hôn,
“Khổ võ biên kinh miễn khách hồn,
“Thích đắc canh thâm vô nhứt sự
“Phương tri cụ vị tả bi lương.
Ngâm xong, trong lòng Lệ Minh Đường lại càng buồn bã hơn nữa. Để cho đỡ buồn, nàng mở gói lấy ra một quyển sách ngồi dựa bàn xem. Trong lúc xem sách, gặp những chỗ văn chương tuyệt bút, Lệ Minh Đường lại cao hứng ngâm lớn lên, quên cả việc đề phòng. Tiếng ngâm của nàng như tiếng chuông ngân lảnh lót khiến phòng kế bên có một vị phú thương giựt mình thức giấc.
Xin giới thiệu qua vị phú thương này là người ở huyện Hàm Ninh, phủ Võ Xương, thuộc tỉnh Hồ Quảng, tên Khương Nhược Sơn tự là Tín Nhơn, có vợ tên Tôn thị. Hai vợ chồng lão ta ăn ở với nhau rất tương đắc nhưng vẫn chưa có con trai, chỉ sanh vỏn vẹn một đứa con gái tên Thăng Kim, hình dung dũng mặn mà.
Khương Nhược Sơn tin rằng số mạng mình không có con trai nên không chịu cưới vợ bé. Lão thường nghĩ thầm:
“Hiện nay con gái ta tuổi đã đến tuần cập kề, vậy ta cần phải kén một chàng rể có tài cao học rộng may ra ngày sau hắn có nổi danh khoa bảng, ta cũng được dự đôi chút vinh hoa”.
Nghĩ đoạn, Khương Nhược Sơn đi nói với những người chuyên nghề mai mối, tỏ ý mình muốn tìm một người rể học trò.
Thuở ấy, có một học trò ở trong huyện tên Hoạt Toàn tuổi độ đôi mươi, song thân còn song toàn, gia tư cũng được mười muôn, vốn một nhà đại nông nghiệp. Hoạt Toàn là con trưởng nam, còn bốn đứa em thì còn nhỏ. Năm Hoạt Toàn mười bốn tuổi đi thi khảo may nhờ trúng nhằm bài cũ nên đậu được đệ nhị danh tú tài, vì thế nên ai ai cũng gọi danh anh ta là “thần đồng”.
Bọn mai mối giới thiệu cho Khương Nhược Sơn. Khương Nhược Sơn gả con cho y ngay. Hoạt Toàn thấy Khương Nhược Sơn chỉ có một người con gái nên bàn tính với song thân:
- Nhạc phụ con không có con trai nên bây giờ con phải gây tình luyến ái, nghĩa là con qua bên ấy hầu hạ, thế nào nhạc phụ cũng vui lòng, sau này cái gia tài kếch sù ấy cũng về tay con.
Cha mẹ Hoạt Toàn thuận theo lời đề nghị của con, nên cho sang đó ở. Hoạt Toàn liền qua nói với Khương Nhược Sơn:
- Song thân con hãy còn tráng kiện, lại có bốn đứa em con hầu hạ, còn nhạc phụ và nhạc mẫu bên này không có con trai vô cùng hiu quạnh, vậy nay vợ chồng con định sang bên này để hầu hạ cho tròn hiếu đạo.
Tôn thị nghe nói lấy làm mừng rỡ, nhưng Khương Nhược Sơn thừa hiểu âm mưu của chàng rể, lão thầm nghĩ:
“Ta không có con trai, tất nhiên sản nghiệp này sẽ về tay vợ chồng nó rồi, vả lại cha mẹ nó năm nay đã trên sáu mươi tuổi mà nó lại bảo là còn tráng kiện. Còn vợ chồng ta ngày nay mới trên bốn mươi tuổi đầu, có tôi tớ hầu hạ đầy đủ mà nói lại bảo như vậy, tất nhiên nó đã tham sản nghiệp nên nỡ bỏ cha mẹ, quả là đứa bất lương. Nhưng nếu ta nói trắng ra cũng kỳ lắm, hơn nữa vợ ta không phải là người hiểu rộng nhìn xa, nếu ta không thuận thì chắc nó trách ta là kẻ vô tình và hai vợ chồng Hoạt Toàn sẽ cùng oán hờn ta nữa. Chi bằng ta cứ giả vờ vui vẻ cho chúng hưởng chút mảy may để vợ chồng chúng thất vọng chơi”.
Nghĩ đoạn, Khương Nhược Sơn nói với Hoạt Toàn:
- Hai vợ chồng con có hiếu hạnh như vậy thì còn gì quí hóa cho bằng!
Hoạt Toàn ngỡ là Khương Nhược Sơn trúng kế mình nên mừng lắm, bèn lập tức về nhà dọn đồ đặc sang ở bên này, ngày đêm hết sức nịnh bợ. Tôn thị thấy vậy trong lòng rất vui đẹp, trái lại Khương Nhược Sơn thì lấy làm gai mắt, lão nhất thiết không cho Hoạt Toàn tham dự việc nhà, thậm trí đến những sản nghiệp trong nhà lão cũng đem phân cắt cho kẻ ăn người ở trong nhà coi giữ, ngay đến Tôn thị cũng không được nhúng tay vào. Vợ chồng Hoạt Toàn muốn dùng việc gì cần tiền phải thương lượng với người quản gia để nhận từng đồng tiền rất phiền phức.
Rồi đến kỳ thi năm ấy, Hoạt Toàn biết mình tài văn còn dốt chỉ sợ mình mất cả chức tú tài nên xin vợ chồng Khương Nhược Sơn một số tiền để mua chức cửu phẩm hàm đặng khỏi phải thế khảo.
Vợ chồng Khương Nhược Sơn cũng sợ Hoạt Toàn bị cách chức nên cũng chi ra mấy trăm đồng để mua chức cửu phẩm cho chàng. Nhưng số tiền xuất nhập hằng ngày không khi nào cho y quản thủ.
Hoạt Toàn lấy làm bực mình, liền theo năn nỉ với Tôn thị. Tôn thị cũng thương tình tỏ cùng Khương Nhược Sơn:
- Tôi xem tâm tánh Hoạt Toàn cũng là kẻ thật tâm và tiết kiệm, sao phu quân lại không cho nó quản thủ sản nghiệp trong nhà để cho mình được an nhàn hơn sao?
Khương Nhược Sơn nói:
- Việc nhà ta đã có người coi giữ bố trí đâu đó đường hoàng, nếu hiền tế muốn tiêu dùng việc chi cứ việc hỏi quản gia chi ra có phải tiện hơn không? Vả lại, ngày nay hiền tế còn phải lo ôn nhuần kinh sử, nếu ta phó thác việc nàh còn thì giờ đâu mà học hành? Làm như vậy tức là thương rể mà hại rể đó.
Tôn thị nghe nói có lý nên không nhắc đến việc ấy nữa, khiến Hoạt Toàn căm hận vô cùng. Khương Nhược Sơn lại nghĩ thầm:
“Chỉ vì ta không có con trai nên chúng mới tính mưu này kế nọ. Vả lại, năm nay tuy ta đã gần năm mươi song nhờ nhiều thuốc thang bổ dưỡng, cơ thể ta cũng không đến nỗi suy kém, nếu ta có vợ nhỏ tuổi, thế nào cũng còn sanh con được”.
Nghĩ đoạn, Khương Nhược Sơn đi nói với mấy người mai mối:
- Các ngươi hãy làm ơn đi tìm xem có con gái ai tài mạo song toàn dù tốn bao nhiêu ta cũng cưới về làm thiếp, các ngươi hãy gia tâm, ta trọng thưởng.
Lúc bấy giờ các nhà nghèo có ý tham tiền, nghĩ rằng: Nếu con gái mình về đó mà sanh được quí tử thì cái gia tài kếch sù của Khương Nhược Sơn, con gái mình sẽ được trọn hưởng. Vì thế họ tranh nhau kêu gả rất nhiều.
Khương Nhược Sơn tuyển chọn được một cô gái là Nhu nương, con của nhà hàn sĩ tên Hồng Nhiệm. Nhu nương mới mười bảy tuổi, nhan sắc xinh đẹp.
Nàng về ở với Khương Nhược Sơn, hết lòng chiều chuộng Tôn thị nên giữ được hòa khí trong gia đình.
Nhu nương chỉ sống chung cùng Khương Nhược Sơn trong vòng một tháng đã có thai, Nhược Sơn mừng rỡ vô cùng. Qua đến tháng giêng năm sau Nhu nương sanh đặng một đứa con trai vạm vỡ, Khương Nhược Sơn mừng khấp khởi, đặt tên con là Nguyên Lãng và giao cho một bà nhũ mẫu trông nom.
Hoạt Toàn thấy vậy càng thêm oán hận, đứa bé Nguyên Lãng là cái chướng ngại vật của Hoạt Toàn. Khương Nhược Sơn thừa hiểu tư tưởng của chàng rể của mình, nhưng giả vờ không để ý đến.
Qua năm su, Khương Nhược Sơn lại nghĩ:
“Tuy ta đã sanh được một đứa con trai, nhưng ta vẫn còn giận thằng rể bất lương ấy. Bây giờ ta phải cưới thêm một người hầu thiếp nữa, may ra sanh thêm con trai nữa để xem nó tức mình đến bực nào cho biết.”
Nghĩ rồi, Khương Nhược Sơn xuất ba trăm lượng bạc cưới một cô gái nhà nghèo nữa. Cô này tên Đức Thơ con của Trương Đại Hợp, nàng mới mười sáu tuổi, nhan sắc mặn mà. Tuy Tôn thị không bằng lòng nhưng không dám cãi.
Đến năm Khương Nhược Sơn được năm mươi bốn tuổi, ông nghĩ thầm:
“Nay tuổi ta đã già mà con muộn màng, không thể nào nuôi được Nguyên Lãng cho đến tuổi trưởng thàng. Khi ta nhắm mắt thế nào vợ lớn ta là Tôn thị cũng đem sản nghiệp chia cho thằng rể bất lương ấy thì linh hồn ta dưới suối vàng không yên dạ, và tin chắc rằng trong lúc chia của làm gì con trai ta cũng phải chịu thiệt thòi. Chi bằng bây giờ ta còn tráng kiện, ta sẽ xuất tiền ra đi buôn may ra kiếm thêm vài mươi muôn, chừng ấy ta sẽ nghĩ kế chia gia tài cho vừa ý ta”.
Nghĩ rồi, Khương Nhược Sơn tuyển chọn bốn tên gia nhơn toàn là những tên thạo nghề buôn bán, phân công cho chúng đi các tỉnh tìm những đồ châu báu tốn đến bảy tám trăm muôn bạc.
Hôm ấy lúc trời mưa tầm tã, Khương Nhược Sơn phải tìm quán nghỉ ngơi, chẳng dè gặp nhằm chỗ với Lệ Minh Đường.
Lúc ấy tuy trời mưa, song hơi đất bốc lên khiến khí hậu nóng bức, Khương Nhược Sơn chỉ nằm mơ màng không ngủ được, đến khi nghe tiếng đọc sách rang rảng ở phòng kê bên thì giật mình ngồi nhổm dậy bước đến khe cửa nhìn xem.
Khương Nhược Sơn thoáng thấy Lệ Minh Đường tóc đen nhánh như đàn bà (vì lúc ấy nực nội nên Lệ Minh Đường lột khăn vấn đầu) lại thêm khuôn mặt đầy đặn, nước da trắng phau, đôi mắt sáng như sao, hai cổ tay nõn nà tròn vo trông như ngọc ngà dễ thương đáo để.
Khương Nhược Sơn nghĩ thầm:
“Với tướng mạo của chàng thiếu niên này thế nào ngày sau cũng được đại phú đại quí. Mắt ta đã từng xem đồ châu báu không khi nào lầm lẫn thì đối với tướng kẻ sang, kẻ hèn, dám tự tất thông khi nào sai lệch. Thôi để ta vào thăm chàng và nếu chàng có lòng tốt, ta tìm cách làm nghĩ phụ của chàng, để sau này chàng có được ra làm quan thì ta cũng được hưởng chút ít thơm lây, nở mặt nở mày với thiên hạ”.
Khương Nhược Sơn nghĩ vậy nên đứng chờ cho Lệ Minh Đường đọc xong đoạn sách ấy mới đưa ta gõ nhẹ vào cánh cửa. Lệ Minh Đường nghe gõ cửa, giật mình run sợ vội lấy khăn vấn đầu rồi đứng dậy lên tiếng hỏi:
- Ai gõ cửa đó?
Khương Nhược Sơn ôn tồn đáp:
- Tôi là người khách ngụ phòng kế bên đây, vì nghe người ham đọc sách nên muốn sang hầu chuyện.
Lệ Minh Đường mở cửa tiếp vào mời ngồi và nói:
- Vì đây là nơi lữ thứ nên hoàn cảnh không thuận tiện. Xin lão trượng miễn chấp cho.
Khương Nhược Sơn đáp:
- Ngươi có lòng tử tế như vậy, lão phu lấy làm cảm tạ.
Lệ Minh Đường hỏi:
- Thưa lão trượng, chẳng hay lão trượng quê quán ở đâu, quí danh là chi và buôn bán vật gì, xin lão trượng vui lòng cho tôi biết.
Khương Nhược Sơn đáp:
- Tôi họ Khương, tên Nhược Sơn, tự là Tín Nhơn, quê ở huyện Hàm Ninh, phủ Võ Xương, tỉnh Hồ Quảng, nhân đi mua các đồ châu báu nay sắp trở về quê nhà, đi ngang qua đây gặp mưa nên vào đây mướn phòng trú ngụ. Còn công tử tánh danh là chi, chẳng hay đến đây có việc gì?
Lệ Minh Đườn đáp:
Tôi họ Lệ, Tên Quân Ngọc, tự là Minh Đường quê ở huyện Côn Minh tỉnh Vân Nam. Năm nay tôi lên mười sáu, định vào thi kinh, nhưng vì đến đây rủi đứa thơ đồng mang bịnh, phải đi trễ hỏng mất kỳ thi, vậy nên buồn bã lấy sách ra đọc làm kinh động đến lão trượng, xin lão trượng sẵn lòng tha thứ.
Khương Nhược Sơn nói:
- Ngươi là bậc thiếu niên danh sĩ có chí như vậy thật đáng kính, vả con đường từ đây ra Bắc Kinh giặc cướp rất nhiều mà hai thầy trò còn son trẻ quá, lão phu lo ngại vô cùng.
Lệ Minh Đường nghe nói, thở dài than:
- Mấy lời dạy của lão trượng, vãn sanh cảm thấy là lời vàng ngọc, nhưng vãn sanh đã vì chút công danh thì dẫu có nguy hiểm đến đâu cũng phải cố gắng mà vượt qua.
Khương Nhược Sơn thương hại nói:
- Vẫn biết vậy, nhưng phảm làm việc gì cũng phải suy hơn tính thiệt chớ không nên đánh liều nguy hiểm. Chẳng giấu gì, lão phu đây nhờ buôn bán phương xa nên ở Bắc Kinh cũng có ít người quen biết, nếu người muốn quyên giám để xin ứng thí thì tôi vui lòng giúp cho, thế nào khi người đến nơi cũng được vào thi ngay. Và bây giờ tôi có một ý kiến này nữa, nếu người nghe lời tôi thì còn gì hay cho bằng.
Lệ Minh Đường hỏi:
- Việc gì, xin lão trượng cứ nói thẳng ra, nếu việc đáng làm thì không bao giờ tôi từ chối.
Khương Nhược Sơn liền thuật hết nỗi gia đạo của mình cho Lệ Minh Đường nghe và nói:
- Thiên hạ thấy tôi giàu có nên thường gọi tôi là Khương Bá Vạn, nhưng kỳ thực thì sản nghiệp của tôi độ năm muôn là cùng, nay tôi thấy người tài mạo khác thường, chắc chắn là một tay khoa bảng nên lòng muốn kết giao làm bạn, nhưng so tuổi tác, một già một trẻ kết bạn rất khó coi. Vậy nếu ngươi không muốn phụ lòng mến phục của tôi mà nhận tôi làm nghĩa phụ thì tôi cũng không dam mong người phải thay tên đổi họ, tôi chỉ mong sau này được hưởng nhờ chút ân vinh của người cho thỏa chí mà thôi.
Lời Bình:
- Hoạt Toàn trong hồi này là một trường hợp điển hình, anh ta phụng sự Khương Nhược Sơn không phải vì hiếu thảo, mà là một âm mưu để chiếm đoạt cái gia tài kếch sù kia, nhưng rủi thay, con mắt tinh đời của ông nhạc Khương Nhược Sơn đã nhìn thấy cái dã tâm của chàng nên ghét cay ghét đáng, đã già mà ra cưới vợ bé kiếm con trai làm cho Hoạt Toàn phải vỡ mộng đào mỏ, phỏng như Hoạt Toàn không âm mưu đào mỏ thì chắc chắn Khương Nhược Sơn không cưới vợ bé làm gì, và tự nhiên chàng ta sẽ chiếm được cái gia tài ấy.
Lại xét qua Khương Nhược Sơn nhận Lệ Minh Đường làm nghĩa tử cũng không phải vì thương chàng hay mến phục chàng mà chính ông ta vì muốn có danh vọng trong xã hội mà thôi. Phải lắm, về tiền của thì ông quá giàu không còn thiết gì nữa, ông chỉ còn thiếu địa vị danh vọng, vì vậy ông muốn tìm một chàng rể học giỏi nhưng ông đã lầm gả con cho Hoạt Toàn, một anh học trò dốt gặp thời. Vì thất vọng, ông ta phải xuất tiền ra nuôi Lệ Minh Đường làm nghĩa tử để thực hiện nguyện vọng của mình.
Việc làm của Khương Nhược Sơn ta không thể bảo là một âm mưu được vì khi ông ta thấy tài mạo của Lệ Minh Đường biết chàng ta có hy vọng đạt được công danh nên nhận làm nghĩa tử và nói trắng mục đích mình ra cho Lệ Minh Đường biết rằng mình làm như vậy để mua lấy chút danh phận ở đời. Thì đây quả làm một việc đổi chác công khai không thể bình phẩm Khương Nhược Sơn là người tốt bụng và cũng không thể bảo Khương Nhược Sơn là kẻ âm mưu được. Đây là một việc làm cầu danh lợi một cách công khai bạch nhựt, đáng khen hơn là chê.
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên