Số lần đọc/download: 3226 / 64
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Chương 22
T
hế rồi, những mùa lá rụng theo nhau qua… Những năm tuổi đời ba bó có dzợ, có con, không có nhân tình, không dzợ bé, có công ăn, có việc làm báo, viết truyện giữa thành phố Sàigòn đẹp lắm Sàigòn ơi đọc lại truyện "Lettre d’un Inconnue" tôi nghĩ: "Ông văn sĩ tiểu thuyết hóa hơi quá. Đồng ý là các ông nhà văn lớn có nhiều nữ độc giả thơm như múi mít ái mộ nhưng ái gì thì ái đâu có ái quá xá ể như cô nữ sinh trong truyện này." Bạn có thể nói tôi nghĩ như thế vì ghen tuông, vì tôi hổng được nữ độc giả nào ái mộ nên tôi ghen mí những ông nhà văn lớn. Bạn nói đúng một nửa. Quả thực là cả đời viết lách mấy chục mùa khoai lang, khoai sọ của tôi, tôi không có qua một nữ độc giả nào ái ố í é tôi cả, song thực tình tôi cũng rất muốn thấy những ông nhà văn lớn được nữ độc giả ái mộ đến cái độ cực kỳ như người nữ độc giả trong truyện "Lettre d’une Inconnue". Mấy ông được nữ độc giả yêu thì có thiệt hại gì đến của chìm, của nổi của tôi đâu. Nhưng tôi nghi không có hoặc ít nhất có nhưng không đến cái độ kịch liệt đem thân nữ độc giả trinh nguyên con gái nhà lành tình nguyện hiến dâng một đêm cho nhà văn rồi lặng lẽ ra đi khỏi đời chàng, ôm bầu tâm sự, yêu con chàng cho đến đêm con chết mới chịu ngồi vào bàn cầm bút viết thư cho chàng. Trong cuộc đời thực tế phũ phàng ta thấy có nhiều ông văn sĩ lớn nhỏ bị vơ, bị người yêu bỏ rơi thảm hại thấy mồ đi.
Như đã kể hơn một lần: tôi có tật viết lang thang chuyện nọ dọ sang chuyện kia. Tôi không có ý định viết về nhà văn Stefan Zweig để nói về chuyện những ông văn sĩ nổi tiếng được nữ độc giả ái mộ yêu mê. Đây là chuyện về ông Stefan Zweig mà tôi muốn viết:
Những năm 1927, 1928 ở Nga Sô, Stalin đã lên nắm chính quyền khá lâu, một số nhân sĩ trí thức Âu châu được mời sang thăm nước Nga để thấy tận mắt cuộc sống hồ hởi của nhân dân Nga dưới chính thể xã hội chủ nghĩa công bằng, văn minh, tiến bộ, để thấy những xưởng máy hoạt động rộn rịp, những nam nữ công nhân Xô-viết hân hoan làm việc, những trường học sáng sủa, sạch sẽ, học sinh học không mất tiền, những bệnh viện khang trang, bác sĩ phục vụ tận tâm, lương y như từ mẫu, những công dân có bệnh vào nằm như thượng khách quốc gia, hưởng mọi phương tiện y khoa mà không phải chi một đồng kopek nào v.v… Trong số nhân sĩ trong phái đoàn thăm Nga Sô có nhà văn Stefan Zweig.
Ông viết: "… Một tối về phòng khách sạn, tôi thấy trong túi áo của tôi có bức thư không biết ai đã bỏ vào đó. Thư viết vắn tắt: "Ông đừng có tin những gì chúng nó bầy ra cho các ông thấy. Cuộc sống thực ở xứ này không như thế đâu. Thê thảm lắm. Chúng tôi khổ cực lắm…"
° ° °
Một buổi tối cuối năm trời lạnh ở Thành Hồ - năm 1981, 1982 - ông bạn chở tôi trên chiếc xe Bridgestone cọc cạch của ông - ở Thành Hồ những năm 80 còn đi xe gắn máy được là dân hách - tôi ấm lòng khi nghe ông nói:
- Thằng nào giỏi chửi cộng sản ngay ở đây nè. Sang Pháp, sang Mỹ thằng nào chửi cộng sản chẳng được.
Đọc bài Lời Mở Đầu đăng trên trang đầu tập Tắm Mát Sông Ngọn Đào tôi sướng rên mé đìu hiu khi thấy mình được gọi là "Kim Cang Bất Hoại". Các vị trong Nhà Xuất bản Lá Bối dùng chữ tất nhiên phải đúng. Chắc quý vị dùng "Kim Cang Bất Hoại" để gọi những ai kia, không phải để gọi tôi. Tôi không kim cang bất hoại một ly ông cụ nào cả, tôi mềm hơi đậu hũ. Bị công an Việt cộng gọi từ xà lim ra phòng thẩm vấn, tôi mềm hơn bún thiu, tôi nhận tội liền tù tì tút suỵt. Không những chỉ nhận những gì bị cộng sản coi là tội mà thôi, tôi còn khai thêm những việc tôi làm mà họ không biết. Tôi không chối vì tôi thấy tôi chẳng có gì phải xấu hổ vì những việc tôi làm. Tôi nói với họ: "Tôi bắt buộc phải viết thôi. Mà viết là tôi phải gửi ra nước ngoài để phổ biến. Nếu không làm thế, tôi thấy tôi là thằng không có xương sống…"
Tôi nhận tội vì tôi biết tôi có nhận hay chối họ đã định giam tôi mấy niên là họ sẽ giam tôi đủ từng ấy niên. Bắt chước cộng sản đàn anh Nga, Tầu, Việt cộng có một cái gọi là Ủy ban Luận tội. Thành phần ban này gồm nhân viên công an, viện kiểm sát, tòa án. Kể là ba, nhưng chỉ là một. Ba anh đảng viên này quyết định án tù của người bị bắt. Người tù không bị đưa ra tòa sẽ chịu án tập trung cải tạo. Án này có cái khó chịu là không biết mức án mấy niên, án có thể co rãn, thường chỉ rãn chứ không co, cứ mòn mỏi ở trại khổ sai cải tạo mút chỉ cho đến ngày được gọi cho ra về.. Người tù bị đưa ra tòa sẽ bị bọn chánh án tay sai áp dụng mức án đã được cái gọi là Ủy ban Luận tội quyết định. Mức án của người tù đã được định trước khi tòa xử. Ra tòa, nếu người tù tỏ thái độ cương nghị, bất chấp cái gọi là tù đầy xã hội chủ nghĩa, bọn chánh án thường tăng mức án cao hơn, chẳng bao giờ chúng xử người tù dưới mức án phạt bọn Ủy ban Luận tội đã định trước.
Tòa án Việt cộng chỉ là nơi chúng dựng lên dễ tuyên những cái án đã định trước. Việc biện hộ, bảo vệ quyền lợi của người bị cáo trước tòa án cộng sản là chuyện vô ích. Tôi khó chịu khi thấy nhiều tổ chức tranh đấu nhân quyền thế giới vẫn đòi Việt cộng phải đưa những người tù lương tâm ra xử trước tòa. Đưa ra xử trước tòa án Việt cộng thì người tù lương tâm được lợi gì? Vẫn là án tù đó. Thay vì nó ỉm đi, nó đưa anh em đi tù mười niên, nó cho anh em ta ra tòa một buổi và nó tuyên án mười niên. Cũng vậy thôi. Muốn bảo vệ có hiệu quả đôi chút người tù chính trị, người ta phải đòi có luật sư đến với người tù ngay từ buổi thẩm vấn đầu tiên. Ít nhất người tù cũng phải được gặp riêng luật sư của mình vài lần trong thời gian giam cứu. Đòi nó đưa ra tòa xử và đến lúc đó mới gửi luật sư đến nói láp nháp dăm câu là việc làm ngớ ngẩn. Đòi cộng sản cho tù nhân chính trị được có luật sư, được gặp riêng luật sư trong thời gian giam cứu là chuyện Việt cộng nó không bao giờ tưởng tượng có thể có, nói gì đến chuyện nó chấp nhận.
Năm 1977 khi đến bắt tôi, bọn công an Thành Hồ vớ được tập thơ Ễnh Ương tôi để ngay trên bàn. Tập thơ này hiện nằm trong Kho Tang Vật Sở Công An Thành Hồ. Ba Trung Huỳnh Bá Thành nói với tôi trong cuộc thẩm vấn:
- Nếu anh làm thơ, hay anh viết bất cứ cái gì chống chúng tôi mà anh cất đi, chúng tôi không bắt anh đâu. Anh gửi ra nước ngoài thì chúng tôi phải bắt anh thôi…
Tù Đậu Hũ ngồi im re, trong bụng nghĩ thầm: "Anh đừng nói chuyện ruồi bâu, kiến đậu. Tôi viết rồi cất đi làm sao anh biết mà bắt tôi được. Nói vớ vẩn!" Tôi không nói ra ý nghĩ của tôi vì tôi thấy: nói ra làm quái gì, chỉ dậy khôn chúng nó. Dậy khôn cho nó là việc mình không nên làm." Chẳng hạn như khi Ba Trung nói đến tên ông William Colby, Y gọi là "… Côn Bai…" tôi không sửa là "Côn Bi". Tôi nghĩ thầm: "Lạ nhỉ. Nó biết nói Ken Nét Đi sao nó không gọi là Côn Bi mà gọi là Côn Bai…"
Huỳnh Bá Thành có lẽ vì ít học nên có mặc cảm tự ti, thỉnh thoảng lại nhét cho bằng được vài câu tiếng Mỹ vào những trang truyện hắn viết. Trong một đoạn tả Cớm Cộng thẩm vấn tù nhân, Huỳnh Bá Thành viết:
- Anh tên gì?
- ….
- Không. Cho tôi biết full name của anh kia…
Công an Việt cộng hỏi cung tù nhân Mít trong ngục tù thành phố Hồ Chí Minh quang vinh mà tự dưng tương vào hai tiếng full name. Thật quái dị.
Trong một buổi hỏi cung tôi năm 1977, 1978, Ba Trung hỏi:
- Anh nghĩ có thể nào những tổ chức văn hóa tư bản, như giải Văn Chương Nobel chẳng hạn, nó trao giải thưởng cho nhà văn ngụy trong nước để làm khó nhà nước ta không?
Tôi nghĩ đến Mai Thảo. Chắc Ba Trung khi nói đến câu đó cũng nghĩ đến Mai Thảo. Năm ấy, Hà Nội chưa có vụ Nguyễn Chí Thiện cầm tập thơ chạy vào gửi ở Tòa Đại Sứ Anh Quốc. Tôi nghĩ: "Làm mẹ gì có chuyện ấy. Nếu Nobel mà phát giải nhăng cuội như vậy thì Nobel đâu còn là Nobel nữa. Cộng sản Tàu chiếm Trung Hoa đã gần hai mươi niên rồi có tên văn sĩ Tầu ca tụng chủ nghĩa cộng sản hay chống chủ nghĩa cộng sản nào được Giải Văn Chương Nobel đâu? Việt Nam còn khuya…" Tôi nghĩ thế nhưng nói chuyện đó với Ba Trung làm quái gì? Tôi chỉ trả lời lửng lơ con cá vàng:
- Tôi chắc không có chuyện đó đâu.