Thất bại lớn nhất là thất bại trong việc cố gắng.

William A. Ward

 
 
 
 
 
Tác giả: Bá Dương
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Nguyễn Hồi Thủ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7950 / 111
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần III: Các Bài Phê Bình - 1. Cái vại tương, một biểu tượng của căn bệnh văn hóa Trung Quốc
hiêu Lập Dân
Trong " Thất thập niên đại Tạp chí ", Hồng Kông, ngày 12-11-1973.
Phàm người Trung Quốc nào còn quan tâm đến tiền đồ tổ quốc đều có thể nghĩ đến một vấn đề căn bản sau đây: tại sao Trung Quốc (từ 1842 đến 1949) lại yếu thế ? Mỹ, Nhật tại sao lại mạnh thế ?
Diện tích của Trung Quốc rất lớn (đứng thứ nhì trên thế giới chỉ sau Liên-xô), người lại rất đông (vào bậc nhất thế giới), tài nguyên tương đối phong phú. Thêm vào đó, lại có một nền văn hóa mà một số người tự hào là lâu đời tới 5.000 năm. Đáng lý Trung Quốc phải là một quốc gia vào hạng mạnh nhất thế giới mới đúng. Nhưng sự thực lại không phải như vậy. Từ Chiến tranh Nha phiến (1840), bị các cường quốc liên tục đến xâu xé, Trung Quốc phải cắt đất bồi thường, chỉ tý nữa là đã bị phân chia.
Đối với câu hỏi trên, chỉ có hai cách trả lời:
Thứ nhất: Đầu óc và sức lực của người Trung Quốc tồi quá.
Thứ hai: Cái văn hóa truyền thống của Trung Quốc có vấn đề.
Đối với cái khả năng thứ nhất, có hai cách giải thích không giống nhau. Cách thứ nhất là: đầu óc, sức lực người Trung Quốc tồi quá. Có lẽ họ chỉ khá hơn rợ Hung-nô, Đột-quyết và người da đen ở Phi Châu ngày hôm nay (chứ không phải ngày mai), nhưng chắc chắn là thua người Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Nhật.
Cách giải thích thứ hai: trí lực của tổ tiên người Trung Quốc rất khá, ít nhất cũng tài giỏi ở mức độ huy hoàng của những đời Hán, Đường. Nhưng bất hạnh thay, cái trí lực ấy càng ngày càng kiệt quệ, đời sau không bằng đời trước, sau vài trăm năm đã biến thành một dân tộc của những thằng ngu.
Giả sử đúng là trí lực của chúng ta quá tồi, chúng ta phải chấp nhận nó như thế thôi. Nhưng ai đã dậy chúng ta không biết tự mình phấn đấu nhỉ ? Căn cứ trên " Định luật sinh tồn - mạnh được yếu thua " thì một đất nước bị biến thành cái loại " thuộc địa hạng bét " như thế bởi vì nó xứng đáng như thế. Nếu nói ngược lại, giả sử không phải vì trí lực của chúng ta có vấn đề, nhưng vì cái văn hóa của chúng ta có vấn đề, thì tiền đồ của chúng ta còn có thể khá được, nhưng chúng ta phải biết tự sửa mình, can đảm vứt cái gánh nặng văn hóa ấy đi mới được.
Chúng ta vừa nói qua khả năng thứ nhất (trí lực có vấn đề), đó là một khả năng trên mặt lý luận, nhưng không tồn tại trong thực tế. Bởi vì không có một người Trung Quốc nào thừa nhận rằng trí lực của dân tộc Trung Quốc chúng ta lại thấp kém. Đấy không phải là một vấn đề cảm tính hoặc vì muốn tự thổi phồng mình lên, nhưng một vấn đề trên mặt lý luận có chứng cớ, không thể phủ nhận.
Những chứng cớ này là gì ?
Ta có thể nhìn thấy trong hai sự kiện sau:
1- Phần đóng góp của người Hoa vào công cuộc phát triển kinh tế ở Đông-Nam-á.
2- Những thành tựu về học thuật của người Hoa tại Mỹ, những thành quả này làm cho người da trắng vốn đầy tự tôn mặc cảm cũng phải thừa nhận rằng trí tuệ cá nhân người Hoa cao. Nhưng họ cũng biết người Hoa không đoàn kết, không hợp tác với nhau, chống đối nhau một cách kịch liệt và không phát huy được sức mạnh tập đoàn.
Ông Bá Dương trong tập " Đến chết không nhận lỗi " đã đưa ra một cách giải thích tuyệt vời về vấn đề của người Hoa chúng ta:
Một người đến thỉnh giáo một vị cao tăng, hỏi về kiếp trước và kiếp sau của mình. Vị cao tăng đáp bằng mấy câu thơ sau:
Muốn biết kiếp trước thế nào
Cứ xem mình sống ra sao kiếp này
Đầu thai rồi thế nào đây
Hãy nhìn vào việc hiện nay đang làm
[Dục tri tiền thế nhân
Kim sinh thụ giả thị
Dục tri hậu thế quả
Kim sinh tác giả thị ]
Bá Dương lại còn than rằng: " Mấy câu danh ngôn này làm cho tôi liên tưởng đến cái văn hóa 5.000 năm của chúng ta ". Muốn biết cái văn hóa này tốt hay xấu, không phải cứ vùi đầu vào nghiên cứu cái đống giấy cũ, mà phải mở to mắt nhìn những tội nợ mà chúng ta đang phải chịu hôm nay thì may ra mới rõ được.
Vấn đề thì rõ ràng có rồi, mà cũng có thể nói rằng đó là vấn đề văn hóa. Vậy phải đi thêm một bước nữa để tìm cách phân tích nó.
Ông Tôn Quang Hán, một người rất ngưỡng mộ ông Bá Dương, trong bài " Hoàn cảnh và đất đai " có viết:
" Nguyên nhân tại sao Trung Quốc không thể xây dựng được một quốc gia cường thịnh ? Đó không phải vấn đề bẩm sinh, nhưng một vấn đề sau khi sinh. Nếu dùng ngôn ngữ của người làm ruộng để nói thì đó không phải là vấn đề " giống " mà là vấn đề " đất ".
Đối với thực vật, đất là thổ nhưỡng, thủy phân, không khí, ánh sáng mặt trời, v.v...; đối với một dân tộc, đất là hoàn cảnh, tập tục của nhân tính nói chung.
Cho đến nay thực sự chúng ta chưa sinh sản được những loại cây tốt. Nguyên nhân, nếu không do hạt giống, thì nhất định phải vì đất đai, hoàn cảnh, có gì đó không thích hợp cho những giống cây này sinh trưởng.
Trong văn hóa và tập tục 5.000 năm của Trung Quốc, ngoài phần tốt ra cũng có phần xấu. Phần xấu này là mảnh đất nơi hạt giống kia không thể lớn lên được. Cái phần văn hóa, tập tục rộng lớn, xấu xa này đúng như ông Bá Dương gọi một cách đơn giản và tóm lược là cái " vại tương ".
Tôi thấy Lỗ Tấn tiên sinh đã sáng tạo ra cái " A Q ", Lý Tông Ngô tiên sinh lại sáng tạo ra cái " Hậu hắc ", sau đó Bá Dương tiên sinh còn sáng tạo ra cái " hũ tương ", ba thứ này đều chí lý cả, chẳng khác nào ba chân của một cái đỉnh.
Nếu nói " A Q " đã vạch trần " nhân tính " của người Trung Quốc, " Hậu hắc " đã tố giác cái " quan tính " của người Trung Quốc, thì " Hũ tương " tựa hồ như gốc gác của hai thứ trên. Tại sao có " A Q "? Chính do cái " Hũ tương " mà ra!
Thế thì cái " Hũ tương " đây là gì, và có gì ở trong đó ? Định nghĩa của ông Bá Dương như sau:
" Một xã hội hỗn độn bị sâu ruỗng và tù hãm, lại bị loại chính trị nô tài thao túng, đạo đức què quặt, nhân sinh quan cá nhân, đồng tiền và thế lực làm vua. Một xã hội như thế làm cho linh tính con người chỉ có xơ cứng và tiêu tan đi thôi ".
Ông Bá Dương còn nói tất cả các thứ trong hũ tương ấy lại đẻ ra những hiện tượng khác như: " sự sùng bái quyền thế một cách mù quáng ", " tính ích kỷ chắc như gông cùm ", " ngôn ngữ bịp bợm ", " mê đắm những xác chết ", " bất hợp tác ", " tàn nhẫn và đố kỵ một cách lạnh lùng, trắng trợn ", " làm phách và ngớ ngẩn ".
Trước khi nói về những sản phẩm của hũ tương, tôi xin được nói thêm vài câu, vì một khi tràng giang đại hải về hũ tương rồi sợ không thể quay trở lại được nữa.
Một số người yêu nước nghĩ rằng Trung Quốc phải giầu mạnh. Không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng làm thế nào để giàu mạnh mới là vấn đề. Chẳng lẽ cứ phô trương cái sẹo của tổ tiên ra? Cứ trách cứ tổ tiên phỏng có ích gì? Chẳng lẽ cứ trách cứ tổ tiên cho đã đời, rồi thì quốc gia sẽ giầu mạnh lên chăng ?
Tôi cho rằng làm như thế không phải là thượng sách. Dân tộc Trung Quốc là một dân tộc bị " bệnh ", năm tháng càng dài thì bệnh càng nặng.
Cái bệnh này bắt nguồn từ thời Hán Vũ Đế sùng đạo Nho, lại càng bị nặng thêm với những thứ kỳ quặc như khoa cử, như Lý học thời Minh, Tống, làm cho dân tộc Trung Quốc hầu như bị tiêu tan hết linh tính, chỉ còn thoi thóp sống mà thôi.
Những đối thủ ngày trước như Hung - Nô, Đột - Quyết, Khiết - Đan, Tây - Hạ thực ra có một nền tảng văn hóa quá thấp, nên không tránh khỏi bị Hán hóa. Ngay cả sau này Mông Cổ và Mãn Thanh chỉ chinh phục được chúng ta trên mặt võ lực, còn trên mặt văn hóa lại bị chúng ta chinh phục lại. Những chiến thắng về văn hóa này làm cho chúng ta vốn mắc bệnh mà không hề biết.
Cho đến khi nhà Thanh bị ép buộc phải mở cửa cho Tây phương chúng ta mới gặp phải đối thủ lợi hại mà chúng ta chưa bao giờ gặp trước kia. Lúc đó, cái trạng thái bệnh tật nọ mới bị lộ tẩy ra ngoài.
Một dân tộc mắc " bệnh " cũng giống như một cá nhân, nếu không chữa cho hết bệnh thì không có cách nào khá lên được. Dù dân chủ, dù khoa học, mà ngay cả đến những thứ thuốc bổ nhất thiên hạ cũng chẳng có ích gì cho một người bị bệnh đường ruột và dạ dày quá nặng.
Muốn chữa được bệnh trước hết phải tìm cho ra " căn bệnh ". Không thể vì sợ thuốc hoặc sợ đau mà giấu bệnh được. Nếu cần, dẫu phải cưa tay cưa chân cũng kiên quyết làm, dù phải cắt bỏ dạ dày, thay thận cũng không tiếc. Cần phải có cái dũng khí như thế mới có khả năng cải tử hoàn sinh được. Vấn đề cốt lõi ở đây là phải khiêm tốn kiểm thảo căn bệnh văn hóa lâu đời này.
" Căn bệnh " này của dân tộc Trung Quốc xét cho cùng là gì ? Lỗ Tấn, Lý Tông Ngô, Bá Dương,... trước sau đều đã chỉ rõ. Nhưng " thuốc thang " thế nào cho khỏi ? Vấn đề trị bệnh này còn lớn hơn việc nêu rõ tên bệnh, song cơ hồ các vị đó chưa thấy ai đề cập đến cho chúng ta. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ ta có thể thấy cái " ý tại ngôn ngoại " của họ. Dường như trước tiên họ muốn chúng ta cùng tham khảo để thấy rõ từng chứng bệnh một, liệt kê ra từng nguyên nhân của căn bệnh. Để rồi sau đó người Trung Quốc - những ai còn biết suy nghĩ - từng người một nhìn vào những bệnh chứng này mà suy xét, cái nào xấu thì bỏ đi, cái nào không xấu thì giữ lại.
Nếu những người có lòng này càng ngày nhiều, " cái bỏ đi " và " cái giữ lại " càng ngày càng lớn. Như thế, tất chẳng mấy chốc cái bệnh lâu đời đó của dân tộc Trung Quốc sẽ không thuốc mà tự lành. Cái này có lẽ sẽ dính dáng đến vấn đề " biết dễ, làm khó " hoặc " biết khó, làm dễ " mà ở đây chúng ta không bàn đến.
Trong bài " Đến chết không nhận lỗi " (ở tập " Đập vỡ hũ tương ") có đoạn như sau:
" Có kẻ cho rằng người Trung Quốc bản thân không xứng đáng, cho nên mới để cho nước nhà ra nông nỗi này. Không những không biết tự trách móc mình, mà trái lại, họ còn tức tối, đi trách cứ tổ tiên cái này không đúng, cái nọ không đúng, làm họ phải chịu hậu quả. Thay vì xây dựng một giang sơn tốt đẹp để họ được hưởng phúc lộc thì tổ tiên để lại cho họ một đất nước như thế ".
Đối với cách nói ấy, ông Bá Dương đã trả lời:
" Điều này chả khác chuyện cha với con. Nếu con khá giả, thông minh linh lợi,học qua được đại học, thế mà đời lại hỏng thì đương nhiên không thể trách cứ được bố nó ; mà nó chỉ có thể tự trách mình không xứng đáng. Nhưng nếu như đứa con từ khi sinh ra đã bị vi trùng lậu làm cho hỏng mắt, lại bị di truyền làm cho dở điên dở khùng, ngớ ngớ ngẩn ngẩn, lang thang đầu đường xó chợ xin ăn kiếm sống thì cái trách nhiệm của nó quá nhỏ. Nếu nó có mở mồm trách bố nó tại sao lại mắc bệnh phong tình, trách mẹ nó vì sao không chữa khỏi bệnh đi, thì chúng ta cũng không thể nhẫn tâm bắt nó im mồm được ".
Các sản phẩm của cái hũ tương mà ông Bá Dương đã nói đương nhiên không nhất thiết cái nào cũng hoàn toàn đúng, nhưng ít nhất cũng có một phần không sai. Văn chương ông Bá Dương xưa nay vốn mạch lạc phân minh, chỉ tiếc lúc nói về những sản phẩm hũ tương, hành văn lại hơi lộn xộn, có lúc lung tung lạc đề. Lúc thì vụt một cái lộn trở lại, lúc vụt một cái lại phóng đi.
Chúng tôi xin trích một phần giới thiệu nhỏ dưới đây - đã qua một lần chỉnh lại theo nguyên tắc giữ đúng nguyên ý tác giả - để người đọc đối chiếu với nguyên văn làm bằng chứng:
Sản phẩm đầu tiên của hũ tương là sự sùng bái quyền thế một cách điên cuồng. ở Trung Quốc thời cổ, người có quyền thế tối cao là Hoàng đế. Đối với ông ta những nguyên tắc luân lý đều vô nghĩa. Thân thuộc nhánh bên (không phải trực hệ) ở trước mặt Hoàng đế bất quá chỉ là " thần ", là " nô tài ", (Ví phỏng Hoàng đế đã được tấn phong, cho dù là bố mẹ cũng không được là ngoại lệ). Đối với cái thứ tính cách oái oăm trái với luân lý này (quan tính lớn hơn nhân tính), một loại đạo đức dị hình, không những không ai phản đối mà còn cho là ý trời, nghĩa đất.
Về mặt hoang dâm trong đời sống cung đình thì những Hoàng đế Tây phương còn phải kém xa. Chưa cần bàn đến cái " Ba nghìn người đẹp trong hậu cung " của thời Đường, ngay thời Chu vương triều, thiên tử có thể có tới 121 bà vợ một cách hợp pháp.
Theo " Nội tắc " trong " Lễ ký " chỉ để sắp xếp cho chu tất chương trình hàng ngày của cái việc " điên loan đảo phụng ", sao cho cả hơn trăm bà đều được thấm đượm ơn mưa móc của nhà vua cũng đã là một điều khổ tâm rồi; chưa kể những chuyện ghen tuông tranh giành giữa các bà.
Tất cả các ông thánh đối với mấy việc này không những không phản đối, mà họ còn biến các loại " dâm đồ " này thành thiên tử thánh thần, biến cái kiểu " chơi loạn chơi tạp " này thành ra phép tắc chính thức của quốc gia, xã hội. Vì vậy Bá Dương cho rằng:
Thánh nhân không những chỉ hùa theo mà còn là đầu sỏ, cùng phạm tội với những kẻ có quyền và bọn dâm đồ. Quyền lực nào khác xăng dầu, thánh nhân không những không tìm cách đề phòng sự dễ cháy của nó mà lại còn châm lửa thì khi nó bốc lên làm sao mà dập được ?
Bá Dương cho là quyền lực của Hoàng đế Tây phương luôn luôn bị thành phần trí thức giới hạn, giám sát. Nhưng ở Trung Quốc thì các ông thánh lại vì phe nắm quyền mà phát minh ra thứ triết học kỳ quặc kiểu như sau:
" Khắp dưới gầm trời không có chỗ nào không là đất của nhà vua. Tất cả các kẻ sĩ trong thiên hạ có kẻ nào mà không phải là tôi của nhà vua ". Thì ra, sinh mạng tài sản của nhân dân đều do cái tên " đại dâm đồ " đó ban cho. Chẳng trách cái thằng chơi gái thứ dữ đó cứ muốn làm gì thì làm.
Khi sự tôn sùng quyền thế là nền tảng của 5.000 năm văn hóa truyền thống thì cái quan hệ giữa người và người chỉ có sự " kính và sợ ", còn sự " thương yêu " thì không đáng kể. Cái gọi là " nhân " chỉ là thứ tìm thấy trong sách vở, khó mà gặp được trong hành động. Vả lại, chữ " nhân " này tựa hồ không có tính cách bình đẳng của hai bên cùng được lợi.
Sùng bái quyền thế một cách tuyệt đối đưa đến một nền chính trị nô tài và cái đạo đức dị hình, không còn tiêu chuẩn về thị phi, chỉ còn cái tiêu chuẩn vụ lợi bất kể phải trái. Chỉ còn một con đường là tiền tài, phú quý, công danh. Mọi người đều phải gọt đầu cho nhọn để liều mạng chui vào chỗ quan trường. Chỉ cần tôi có thể làm quan thì bắt tôi làm gì tôi cũng làm.
Như Đào Uyên Minh - không vì năm hộc thóc mà uốn cong lưng - thì có được mấy người ?
" Mười năm tân khổ " chẳng vì nghiên cứu phát minh, chẳng vì viết sách lập thuyết, chẳng vì bôn ba cách mạng, mà chỉ vì " một ngày thành danh ". " Thành danh " ở đây có nghĩa là làm quan vậy.
Xưa nay, việc làm quan hấp dẫn người ta như điên cuồng cũng bởi vì:
1- Có quyền trong tay, dù ở cấp bực nào (tùy quan lớn nhỏ) cũng muốn gì được nấy.
2- Được mọi người sùng bái.
3- Học vấn trở thành uyên bác (Đối với người Tây phương: tri thức là quyền lực. Đối với người Trung Quốc: quyền lực là tri thức).
4- Tài sản được gia tăng (Người Tây phương lấy buôn bán làm nguồn gốc của sự giàu sang. Người Trung Quốc trọng sĩ, khinh thương; lại bị ảnh hưởng của cái " Hà tất viết lợi " của Mạnh Tử).
Sở dĩ mồm không nói đến lợi, nhưng trong bụng lại nghĩ đến lợi một cách sống chết, vì thế mới làm quan để vơ vét. Chuyện tên đạo tặc khét tiếng Trịnh Chúng đời Nam Tống, sau khi quy hàng được bổ làm quan, bị đồng liêu coi rẻ, y tức mình bèn có thơ rằng:
" Các vị làm quan để ăn trộm,
Trịnh Chúng ăn trộm mới làm quan ! "
(Các vị tố quan hựu tố tặc,
Trịnh Chúng tố tặc tài tố quan)
Đúng là một câu nói toạc móng heo cái việc làm quan !
Tôn thờ quyền thế quá độ - không cần nói đến trường hợp chính trị, học thuật - ngay cả đến tình hữu nghị giữa người với người cũng biến chất, biến thành thiển cận, thành thế lợi
Người Trung Quốc Xấu Xí Người Trung Quốc Xấu Xí - Bá Dương Người Trung Quốc Xấu Xí