Bread of flour is good; but there is bread, sweet as honey, if we would eat it, in a good book.

John Ruskin

 
 
 
 
 
Tác giả: Kobo Abe
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: The Woman In The Dunes (1962)
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Az Links
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3541 / 91
Cập nhật: 2017-11-29 14:55:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
nh bừng tỉnh giấc. Một chất nhờn nóng và dính tan ra dưới lưỡi. Cơn khát của anh tăng gấp đôi. Anh muốn uống nước quá chừng. Ôi, cái thứ nước trong trẻo, tươi mát với những bọt sủi tăm từ dưới đáy cốc đang bốc lên. Lúc này anh chẳng khác nào một cái ống dẫn nước cạn khô trong một túp lều hoang phế phủ đầy mạng nhện và bụi bặm, đang thở hổn hển như một con cá.
Khi anh đứng dậy, tay và chân nặng tựa những chiếc túi cao su chứa đầy nước. Anh nhặt cái ấm rỗng vứt lăn lóc dưới nền đất lên đưa vào miệng tu. Sau khoảng hơn ba mươi giây, cuối cùng có vài giọt nước thấm vào đầu lưỡi. Nhưng lưỡi anh vẫn khô như một tờ giấy thấm vậy. Cổ họng khô cháy của anh co giật càng mạnh hơn, tưởng như nó đang muốn phát điên phát cuồng.
Giữa cơn khát điên dại, anh lục tìm xung quanh bể xem còn chút nước nào không. Trong tất cả các hợp chất hóa học thì nước là một hợp chất đơn giản nhất. Không có lẽ nào lại không tìm thấy chút xíu nước ở đâu đó... tựa như một đồng xu bị bỏ quên trong ngăn kéo bàn. Đấy! Anh ngửi thấy mùi nước. Khỏi phải nghi ngờ chỉ nữa, đây là mùi nước. Anh nạo lấy nạo để chút cát ướt dưới đáy lu nước, rồi nhét đầy mồm. Một cảm giác buồn nôn bỗng ập đến. Anh cúi gập người xuống, bụng nôn nao, và nước mắt chảy giàn giụa khi anh thổ ra một thứ dịch màu vàng khè.
Cơn đau đầu lan xuống hai mắt, khiến hai mí mắt anh nặng như đeo chì. Rõ ràng là từ sự say mê điên cuồng tới mức tinh thần bạc nhược chỉ là một khoảng cách hết sức ngắn ngủi. Bỗng nhiên anh bò lồm cồm trên hai bàn tay và đầu gối, và như một con chó anh bắt đầu đào bới cát trên nền nhà. Khi anh đào sâu tới khuỷu tay, cát đã thấy sẫm màu và ẩm ướt hơn. Anh vùi cả khuôn mặt vào trong cát, áp chặt vầng trán nóng bỏng lên đó, rồi hít thật sâu.
- Hai bàn tay bẩn thỉu chết tiệt này! - Anh bực tức cằn nhằn, nắm chặt đôi bàn tay rồi quay về phía người thiếu phụ - Em đang làm gì vậy? Thế không có chỗ nào còn chút nước hay sao?
- Không, không còn tí nước nào cả. - Người thiếu phụ thì thầm đáp, quay lưng lại rồi kéo chiếc kimônô che cặp đùi để trần.
- Không còn tí nào? Em cho là có thể kéo dài tình hình như vậy sao? Đây là vấn đề sinh tử. Làm gì đi chứ! Làm nhanh lên. Anh van em. Em thấy đây, thậm chí anh phải van xin!
- Được, nếu ta chịu làm việc... lập tức họ sẽ...
- Được rồi, em đã thắng. Anh không chịu nổi nữa. Anh đành bỏ cuộc vậy.
Trong thâm tâm anh chưa chịu thua. Tuy nhiên phải trí trá để từ đó có được ít nước uống.
- Anh chịu thua thật rồi. Nhưng nếu bắt phải đợi đến giờ tiếp tế nước thường lệ thì tệ quá đấy. Không thể nào làm việc được khi đang khát khô cả người như thế này, đúng không? Liên lạc với họ ngay đi... Anh van em. Em cũng khát chứ hả?
- Họ sẽ biết ngay khi ta bắt đầu làm việc. Lúc nào cũng có người quan sát bằng ống nhòm trên vọng gác mà.
- Vọng gác... vọng gác nào cơ?
Giữa lúc kiệt sức, anh cố nhớ lại về ngôi làng. Anh nhớ đường chân trời giữa cát và trời. Làm gì có vọng gác. Hơn thế, anh không thể tin là người ngoài lại có thể nhìn thấy anh và chị, trong khi cả hai người không trông thấy một ai.
- Anh sẽ hiểu, nếu anh nhìn lên miệng hố ở phía sau nhà kia.
Anh nhẫn nhục cúi xuống cầm chiếc xẻng lên, rồi lê bước ra khỏi nhà. Cát nóng bỏng như một cái nồi không đặt trên bếp lửa. Ánh nắng chói chang làm anh ngạt thở. Không khí tràn vào mũi anh hăng hăng. Với mỗi bước đi, anh tiến gần đến nước hơn. Khi anh đứng dưới chân tường về phía bờ biển và ngước nhìn lên, anh có thể nhận ra đỉnh một vọng gác đen, lớn gần bằng đầu ngón tay út. Tia sáng phản chiếu nhỏ xíu tất nhiên phát ra từ cặp ống nhòm. Liệu người ta đã nhòm thấy anh chưa? Cặp ống nhòm chắc vẫn chờ đợi với vẻ mãn nguyện giờ phút này đây.
Anh hướng về phía vọng gác, giơ cao chiếc xẻng trên đầu, khoa đi khoa lại giận dữ. Anh xoay lưỡi xẻng để nó có thể phản chiếu ánh mặt trời vào mắt người đứng canh trên vọng gác. Một ánh sáng chói lòa dội tới mắt anh. Người thiếu phụ nọ đang làm gì thế nhỉ. Chị nên đến giúp anh thì hơn.
Bất chợt, một bóng đen trùm lên anh như một vuông vải ướt: một đám mây vừa lướt qua, tựa chiếc lá vàng bị gió thổi dạt về một góc trời. Ôi... nếu như trời mưa thì anh đã chẳng phải làm cái trò này. Anh chỉ việc chìa tay ra mà hứng lấy nước. Những dòng nước tuôn trên ô cửa sổ... những cột nước xối xả từ ống máng nơi mái hiên... mưa trút xuống mặt đường nhựa. Anh không rõ là mình đang mơ hay những ý nghĩ của anh đã trở thành sự thật, song đột nhiên anh thấy quanh anh chuyển động. Anh chợt tỉnh và nhận thấy mình đang ở giữa một trận cát lở. Anh nấp vào dưới hàng hiên và dựa lưng vào vách. Cơn khát lại bùng lên... Anh nghiến răng lại và ấn hai tay vào bụng; cuối cùng anh nén được cơn buồn nôn.
Tiếng nói của chị vọng đến chỗ anh. Chị đứng trước bức tường cát và nói như thét với người nào đó. Anh ngước nhìn lên, đôi mắt chớp chớp giữa hai mí mắt nặng trình trịch. Ông già, người đã dẫn anh đến đây, đang thả xuống một cái thùng gỗ buộc lủng lẳng ở đầu một sợi dây thừng. Nước! Cuối cùng nước đã được đem đến! Cái thùng gỗ đung đưa làm sánh một ít nước xuống triền dốc. Đúng là nước rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Anh hét lên, và chạy như bay tới đỡ lấy chiếc thùng.
Khi tới gần, anh đẩy chị sang một bên, giẫm cả lên chị và vồ lấy cái thùng bằng cả hai tay. Anh không kịp cởi dây thừng ra và hối hả vục mặt vào thùng nước. Anh ngẩng lên, cúi xuống như một cái bơm. Anh ngẩng lên và thở. Lần thứ ba anh ngẩng đầu lên, nước từ mũi và miệng anh phun ra và anh thấy ngạt thở. Anh quỵ xuống và nhắm mắt lại. Giờ đến lượt chị, chị cũng không kém anh và thoáng một cái đã uống ừng ực hết nửa thùng.
Rồi chị buông cái thùng ra và quay vào nền nhà đất; ông già bắt đầu kéo dây lên. Lập tức anh nhảy chồm lên, nắm lấy sợi dây thừng. “Khoan!” Anh cầu xin. “Hãy nghe tôi nói. Khoan, làm ơn, làm phúc. Hãy nghe tôi nói đã”.
Ông già nhân nhượng ngừng kéo thùng lên. Anh chớp chớp mắt bối rối nhưng gần như không nói được gì...
- Vì các ông đã cho tôi nước, tôi sẽ làm tất cả những gì các ông muốn. Tôi hứa như thế. Tuy nhiên tôi vẫn muốn các ông nghe tôi nói. Đúng là các ông nghĩ sai. Tôi là giáo viên của một trường học. Tôi còn các bạn đồng nghiệp và nghiệp đoàn ở đó, ngoài ra còn Hiến chương giáo dục, hội phụ huynh và giáo giới nữa. Các ông cho là người ta sẽ yên lặng chấp nhận việc tôi mất tích sao?
Ông già liếm môi và chỉ thản nhiên cười. Có lẽ không phải ông cười mà là ông nheo mắt lại để cố tránh gió thổi cát vào mắt. Nhưng không một nếp nhăn nào lại lọt khỏi sự chú ý của con người đang tuyệt vọng ấy.
- Sao? Thế nào? Các ông đã hiểu là đang dây dưa vào một vụ bắt người phạm pháp rồi phải không?
- Thì sao nào? Đã mười ngày qua mà chưa thấy một thông báo nào của cảnh sát địa phương hết. - Ông già cân nhắc từng câu - Giả sử sau mười ngày mà vẫn không có một thông báo nào... thì tiếp đó có chuyện gì nào?
- Chưa đến mười ngày. Mới một tuần lễ thôi.
Ông già yên lặng không nói. Rõ ràng là cuộc đối đáp đó không có mục đích gì. Anh nén lại và nói bằng giọng đanh gọn:
- Vâng, đây là vấn đề quan trọng lắm. Cụ không thể xuống đây để ta cùng ngồi và thong thả nói chuyện được sao? Tôi sẽ tuyệt đối không làm điều gì bậy. Mà dù tôi có muốn chăng nữa, tôi cũng không thể làm được đối với một người có tuổi như cụ. Tôi xin hứa.
Ông già vẫn yên lặng. Anh thở một cách khó nhọc.
- Không phải là tôi không hiểu việc dọn cát quan trọng đối với làng này đến mức nào. Đó là một vấn đề sống còn, tôi biết. Nó rất quan trọng. Tôi hiểu rõ điều đó chứ. Nếu không bị bắt buộc, có thể tôi vẫn tình nguyện làm cùng các ông. Thật thế. Một khi ta hiểu rõ công việc, thì làm cùng dân làng là một việc nhân đạo có phải không? Cụ có nghĩ rằng đây là cách duy nhất khiến cho tôi làm việc với cụ không? Tôi không tin. Cụ không thể nghĩ được cách nào khác hay hơn à? Người ta phải được sử dụng đúng cương vị của mình. Nếu cụ không làm thế thì chính cụ đã hủy diệt lòng mong muốn hợp tác. Điều đó là sự thật. Chẳng lẽ không có cách nào sử dụng tôi tốt hơn, mà không phải hành động liều lĩnh nguy hiểm như thế này sao?
Anh quay đầu đi và giũ quần áo. Rồi anh tiếp:
- Cụ đồng ý phải không? Việc dọn cát là quan trọng, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. Rất may là tôi có nghiên cứu ít nhiều về cát. Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Chính vì thế mà tôi đã đến đây.
Có lẽ đó chẳng qua là sự tưởng tượng của anh, nhưng anh cảm thấy đang bị ông già cười nhạo và tất nhiên anh nhớ đến câu chuyện chị kể về một người bán bưu ảnh, sau khi gặp cùng cảnh ngộ như anh, đã lâm bệnh và chết.
- Thật ra đó mới chỉ là một ví dụ về những gì các ông có thể làm. Chắc các ông cũng biết vài loại cây hợp với cát? Tóm lại, các ông không việc gì phải bám lấy cách sống cổ lỗ như thế này.
- Nhưng chúng ta có thể biến vùng này thành một thắng cảnh chẳng hạn. Phải tận dụng cát chứ đừng chống lại nó. Tóm lại các người phải thay đổi hoàn toàn quan niệm mới được.
Ông già mở to mắt rồi nói thản nhiên:
- Bất cứ một thắng cảnh nào phải là nơi mà quanh năm là mùa xuân ấm áp. Hơn nữa, ai cũng biết là chỉ có bọn con buôn hay những người không phải dân làng mới có thể thu được tiền du khách. Có thể là chúng tôi đã thử mọi cách rồi. Chúng tôi đã cố trồng lạc, khoai và một số thức khác nữa. Tôi cũng muốn để ông thấy hoa tulip mọc ở đây thế nào.
- Thế còn cái hàng cây chắn cát thì sao? Một hàng rào thích hợp để chống lại nạn cát đó? Cụ biết không tôi có một người bạn làm việc cho một tờ báo. Ta có thể nhờ báo kêu gọi mọi người giúp đỡ.
- Dù chúng tôi có được cảm tình của cả thế giới đi chăng nữa cũng sẽ chẳng có gì thay đổi hết, trừ phi chúng tôi có đủ ngân quỹ.
- Vậy thì các ông phải đề ra một phong trào để gây quỹ đó chứ?
- Cũng được, nhưng theo luật của nhà nước, sự thiệt hại do bão cát gây ra hình như không được bồi thường.
- Các ông phải làm thế nào để được bồi thường chứ?
- Ông có thế làm được chuyện gì về việc đó ở một cái huyện nghèo nàn như huyện này hả? Chúng tôi bị coi thường hết sức. Dù sao cách làm của chúng tôi hiện nay cũng đỡ tốn nhất. Nếu chúng tôi để cho nhà nước tiến hành theo cách của họ thì chúng tôi sẽ bị nuốt chửng trong khi họ hốt bẫm bạc vàng.
- Nhưng còn trường hợp của tôi thì sao? - Anh gào lên - Các ông có con cái phải không? Chắc các ông biết nhiệm vụ của một giáo viên chứ?
Ngay lúc đó ông già kéo dây lên. Vì bất ngờ nên anh buông sợi dây ra một cách không định trước. Thật đê tiện! Chắc ông già giả vờ nghe anh nói, chỉ để đợi lúc kéo sợi dây lên! Anh sững sờ với đôi tay chơi vơi trong không khí.
- Các ông hành động như một lũ điên rồ. Các ông mất trí cả rồi. Một con khỉ cũng có thể xúc được cát nếu nó được luyện tập một ít. Tôi có thể làm được hơn thế nhiều. Phải tận dụng mọi khả năng của con người chứ!
- Phải, có thể, nhưng mà... - Ông già nói lửng lơ như muốn kết thúc câu chuyện vớ vẩn - Hãy làm những gì ông có thể làm được. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giúp ông.
- Khoan! Đừng có đùa! Này, đợi một phút đã nào! Ông sẽ phải ân hận đấy! Ông chẳng hiểu gì cả. Ông hãy đợi một chút. Tôi van ông đó.
Nhưng ông già không thèm ngoái lại. Ông đứng dậy, đôi vai so lại như đang gánh một vật nặng và bước đi. Sau ba bước, đôi vai ông không còn thấy đâu nữa và đến bước thứ tư thì ông khuất hẳn khỏi tầm nhìn của anh. Anh thất thểu bước lại gần bức tường cát. Anh vùi đôi cánh tay và đầu vào trong cát, cát chảy vào cổ áo anh, tạo thành một túi cát quanh chỗ áo giắt vào quần của anh. Mồ hôi chợt vã ra khắp ngực, cổ, trán và dọc cẳng chân anh. Đấy là nước mà anh uống ban nãy. Cát hòa với mồ hôi cứng lại, cứa vào da thịt anh rất rát. Người thiếu phụ đã bắt đầu làm việc. Anh chợt nghĩ là chị đã uống hết chỗ nước còn lại. Anh vội quay vào nhà.
Nước vẫn còn đó. Anh uống một lần nữa ba, bốn hơi dài và ngạc nhiên thấy nước hơi mằn mặn; anh không khỏi khó chịu và thấy không thể đợi được đến chiều tối. Tất nhiên, nếu uống hết nước bây giờ thì tối lấy nước đâu để nấu cơm. Họ định khống chế anh bằng nỗi sợ chết khát.
Anh đội chiếc mũ rơm sụp xuống và rảo bước ra ngoài. Những phán đoán và khả năng suy nghĩ của anh tan biến như tuyết bám trên mí mắt khi anh đứng trước sự đe dọa của cơn khát. Mười thùng nước thì thật đã cơn, nhưng một thùng thôi chỉ là một vật kích thích.
- Cái xẻng đâu rồi?
Chị nhếch miệng cười, vừa chỉ vào một chỗ dưới hàng hiên vừa đưa cánh tay áo lên lau mồ hôi đầm đìa trên trán. Dù rất mệt nhọc, nhưng không lúc nào chị quên chỗ để dụng cụ. Chắc đây là một thói quen mà bình sinh những người sống trong cát đã học được.
Khi vừa cầm lấy cái xẻng, chân tay mỏi nhừ của anh sụm xuống như một cái bàn ba chân bị gập lại. Thật ra, từ đêm hôm qua đến giờ anh chưa hề chợp mắt chút nào. Tất nhiên phải bàn bạc với chị về những công việc cần thiết phải hoàn thành. Nhưng anh mệt quá nên không nói được với chị về chuyện đó. Dây thanh đới của anh rã rời như râu con mực khô vậy - có lẽ vì anh đã phải sử dụng nó quá nhiều khi nói chuyện với ông già. Anh tiến đến bên cạnh chị và bắt đầu xúc như một cái máy.
Cả hai người, như gắn với nhau, tiếp tục đào cát giữa bức tường cát và căn nhà. Những bức vách bằng ván của căn nhà mềm oặt như cái bánh đa thấm nước; nó tựa một vùng đất tốt dành cho loài nấm. Cuối cùng, họ vun cát lại thành một đống rồi cùng xúc cát đổ vào mấy cái thùng dầu lừa và chuyển chúng đến khoảng đất đã dọn sạch cát. Khi chuyển xong, họ lại đào cát.
Động tác của anh hầu như rất máy móc, miễn cưỡng. Nước bọt như có vị lòng trắng trứng ứa ra đầy miệng anh. Nó chảy qua cằm, rớt xuống ngực, vậy mà anh không thèm để ý.
- Anh ạ, anh nên cầm xẻng bằng tay trái, lùi xuống phía dưới như thế này - Chị nhẹ nhàng nhắc anh - Nếu anh cứ để nguyên tay trái một chỗ, và dùng tay phải như một cái đòn bẩy thì chỉ nửa chừng đã mệt rồi.
Có tiếng quạ kêu váng lên. Ánh sáng đang từ màu vàng chợt chuyển sang màu xanh và cảnh vật quanh vùng đượm một màu bi thương. Bốn con quạ lượn xuống thấp, gần bãi biển. Chúng sải những đôi cánh rộng làm ánh lên màu xanh lá cây đậm, và vì một lý do nào đó anh nhớ đến chất độc trong các lọ ngâm côn trùng của mình. - Ồ, phải, anh đã quên khuấy đi mất, anh phải chuyển các mẫu côn trùng sang lọ khác và gói chúng bằng nylon mới đúng. Nếu không, khi bị ẩm, chúng sẽ rữa ra mất.
- Chúng ta dừng công việc của ngày lại đây được chưa nhỉ?
Người thiếu phụ vừa nói vừa ngước nhìn lên bức tường. Anh thấy khuôn mặt chị hốc hác; dù cát bám kín người nhưng trông vẫn nhợt nhạt làm sao. Đột nhiên xung quanh anh tối sầm lại, xám xịt và anh thấy máu như không chảy nữa. Anh mò mẫm trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, và chỉ đủ sức lê tới chiếc giường bừa bãi, sặc mùi khen khét. Anh không biết chị vào nhà lúc nào nữa.
Người Đàn Bà Trong Cồn Cát Người Đàn Bà Trong Cồn Cát - Kobo Abe Người Đàn Bà Trong Cồn Cát