Người khôn ngoan nhất không phải là người gặt hái được nhiều thành công, mà là người biết biến thất bại thành những lợi thế nhất định.

Richard R. Grant

 
 
 
 
 
Tác giả:
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Người Của Biển
Upload bìa: Trạch Văn Đùng
Số chương: 38
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 5
Cập nhật: 2024-09-01 17:35:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22
ùa hè năm 1967.
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, lan rộng. Nhà trắng và Lầu năm góc rêu rao rằng chỉ đánh phá các đầu mối giao thông, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Rồi lại tuyên bố chỉ đánh phá các mục tiêu quân sự, tới bây giờ đã leo đến nấc thang cuối cùng: ném bom xuống các khu kinh tế và các vùng dân cư nhằm thực hiện cái mà chúng gọi là "gây sức ép tối ta đối với Hà Nội".
Hầu hết các tỉnh, thành trên miền Bắc đều bị đánh phá. Ngày nào máy bay Mỹ cũng vào ném bom. Và ngày nào máy bay Mỹ cũng bị bắn rơi; con số đó trên các bản tin ngày mỗi tăng. Bọn Mỹ như kẻ khát nước trong canh bạc, càng thua đau, càng cay cú, liều lĩnh, chúng ném bom dữ dội hơn, hên tục hơn.
Nhiệm vụ chi viện cho chiến trường không vì thế mà ngưng nghỉ. Song song với con đường chiến lược xuyên Trường Sơn, con đường vận tải trên biển càng hoạt động mạnh, với những phương thức mới. Phía Bắc, nhiều con tàu hạ thủy. Phía Nam, mở nhiều luồng, nhiều bến mới. Kẻ địch ráo riết tìm mọi cách ngăn chặn, song những con tàu của đoàn 25 vẫn vào bến.
Sau chuyến đưa vũ khí vào Hòn Hàng thắng lợi, Lê và thủy thủ tàu T.67 đi tiếp hai chuyến nữa vào Nam Bộ. Chuyến thứ hai, khi quay ra gần vùng biển quốc tế thì đụng địch. Lê vừa chỉ huy anh em chiến dấu vừa lái tàu thoát. Chuyến ấy người an toàn, nhưng tàu T.67 hỏng khá nặng, phải vào đốc sửa chữa.
Thời gian chờ đợi trôi qua. Hôm nay được đoàn trưởng trao nhiệm vụ lên Bộ tư lệnh kết hợp với đoàn cán bộ quân chủng đi nhận số tàu của nhà máy đóng tàu Hải Phòng vừa hạ thuỷ. Cùng đi với Lê, có Tòng, thuyền trưởng tàu T.37.
Đoàn trường Tư để Lê và Tòng đi trước một ngày; ông muốn Lê có điều kiện rẽ qua Hải Phòng.
Lúc ngồi trên xe, bộ mặt của Tòng đã lúc vui, lúc thộn ra. Cho đến khi hai người đã đứng trên phà, Tòng mới bảo:
- Này, cậu định đưa cả tớ về thăm cô Thúy đấy à?
- Thế cậu tưởng mình bỏ đói cậu ở đất Hải Phòng chăng?
- Nhưng tớ cũng muốn về thăm "người nhà".
- Hả? Cậu chưa trở thành kẻ tâm thần chứ?
Tòng vẫn tỉnh bơ:
- Lính thời chiến chẳng hẳn lúc nào cũng có dịp rỗi rãi một ngày thế này đâu! Không biết tận dụng là ngốc.
- Đây về Vĩnh Yên, hai trăm cây số... Phương tiện đâu? Đầu giờ chiều mai đã có mặt ở Bộ tư lệnh rồi!
- Cậu tối dạ lắm! - Tòng buông một câu rồi đứng im nhìn xuống mặt sông.
- Này! - Tòng xoay vai Lê để khuôn mặt bạn hướng thẳng vào mặt mình - Tớ có bà cô ở Hải Dương...
- Bà cô nào ở Hải Dương? Có bao giờ cậu nói với mình chuyện ấy!
- Có nhất thiết chuyện gì cũng phải phô ra không! Báo cáo tổ trưởng, tớ muốn bàn với cô tớ mấy việc gia đình. Đây đến Hải Dương, xin thưa: 40 cây số thôi. Hứa là đúng 12 giờ trưa ngày mai có mặt ở Bộ tư lệnh. Sai hẹn thì cứ pheng đầu thằng Tòng. Ưng chưa.
- Cậu chỉ rắc rối!
- Chẳng có gì rắc rối. Mọi việc đều đơn giản. Rắc rối bởi tự ta cứ nghĩ thế.
- Mà cậu định đi bằng cách nào? - Lê hỏi.
- Cậu già người vì thế. Đi bằng cái đầu của tớ! Đã quyết thì thiếu gì cách!
- Đảm bảo đúng hẹn nhé!
- Đừng dặn những câu thừa! Tớ đâu phải gã gà sống mải theo mái để quên đường về.
Phà vừa cập bến. Tòng thốc vội lên bờ, hét to:
- Tao đi nỡm nhé. Gửi lời thăm Thúy!
Rồi biến nhanh vào đám đông. Lê ngẩn ra, không kịp nói thêm câu nào.
Tòng phóng ra đường 5, vẫy một chiếc xe tải. Và không biết nói thế nào khiến anh lái gật đầu rối rít, mở cửa, mời lên, đưa thẳng tới Hà Nội.
Lê bước thong thả trên đường phố. Lâu rồi mới về Hải Phòng. Có cái gì đó vừa quen vừa lạ khiến Lê bồi hồi. Thành phố sơ tán vắng, nhiều ngôi nhà, cửa cài chặt. Dưới lòng đường, thưa người qua lại. Thỉnh thoảng, vài tốp công nhân, chắc vừa làm ca về, đi ngược chiều với anh. Họ bước hối hả. Chiến tranh đã tạo cho mọi người thói quen ấy. Ngoài công việc ở nhà máy, ở xí nghiệp, ở cơ quan, còn bao sự níu kéo, lo tính ở mỗi người. Cái chết lại luôn rình rập...
Tới ngã ba, Lê theo đường Hoàng Văn Thụ, đi xuống An Dương. Anh muốn đảo qua nhà mình, mặc dù rõ rằng bố mẹ và các em đã sơ tán. Một tốp nữ công nhân từ phía cảng đi lại. Họ đội mũ sắt vai khoác súng, trông cô nào cũng tươi tỉnh như đi hội, nói cười vang vang. Ngang Lê, họ bấm nhau và tò mò nhìn. Có gì để họ phải chú ý? Bộ quân phục mới phẳng phiu và có phần đỏm dáng của anh không hợp với không khí chiến tranh chăng? Hay họ ngạc nhiên vì giữa thời buổi bom đạn này vẫn có một chàng lính nhởn nhơ đi dạo phố. Lê quay lại, bắt gặp những cái nhìn trộm tinh quái. Rồi họ đấm nhau, rúc rích cười. Lê nghe loáng thoáng: "Bốn cộng mày ạ", "Bọ nước mà cũng kẻng trai đáo để", "Anh chàng trông quen quá, cùng phố không chừng! "... Lê thấy vui. Anh bước nhanh hơn.
Về tới An Dương, Lê không khỏi ngạc nhiên trước cảnh đổ nát, hoang tàn. Anh thấp thỏm bước vội về phía nhà của mình. Ngôi nhà đã sập chỉ trơ lại bức tường nham nhở, đứng chỏng chơ, đầy vết đạn. Cạnh đó, một hố bom như miệng phễu xỉn đen. Lê bần thần. Anh đứng lặng trước đống gạch vụn, tê dại. Nhìn hố bom lấp xấp nước, anh biết dãy phố bị phá hủy đã khá lâu. Lê bước lại bên bức tường ám khói, ngước lên. Nơi lỗ chỗ mảnh bom kia là chỗ bố thường treo giá sách, những cuốn sách gáy dày, được bọc bằng bìa cứng. Bố rất quý những cuốn sách đó, ít cho ai đụng tới bởi nó hiếm đã đành, nhưng bố sợ rằng đám con mình nhận thức chưa đến đầu đến đũa, rất có thể hiểu sai những tư tưởng trong đó, sẽ bất lợi. Những cuốn sách bố chắt chiu từng đồng, từng hào để mua, liệu có kịp chở về nơi sơ tán? Lê đưa tay xoa xoa lên bức tường, cố tìm chút hơi ấm gia đình. Rồi anh ngồi xuống, nạy từng viên gạch, tìm kiếm. Tìm gì, Lê cũng không ý thức. Nhặt lên một mảnh bìa, anh ngắm nghía hồi lâu rồi để lại ngay ngắn bên bức tường. Những kỷ niệm trong ngôi nhà chợt hiện về... Lê thấy đau nhói. Một cái gì như thể sự nuối tiếc trào lên.
- Anh có phải con trai ông giáo không đấy nhỉ?
Có tiếng người phía sau. Lê giật mình ngẩng lên.
- Dạ, đúng! - Và anh kêu to - Ơ, bác Hạp!
- Vẫn nhận ra tôi à?
Người đàn ông hỏi. Trông ông tiều tụy. Quần áo chắp vá, bẩn thỉu. Hai má sạm đen hóp vào. Đôi tay khẳng khiu như que củi. Tròng mắt trắng đục, cái nhìn hoang dại.
- Những lần cháu ôn thi, mẹ vẫn cho tiền đi ăn phở và dặn chỉ được ăn ở hàng của bác. "Phở Hạp" nổi tiếng Hải Phòng.
Lê trả lời và nhìn ông. Ngày xưa ông béo, khỏe, lại vui tính. Hàng ông đắt khách không chỉ vì ông pha chế giỏi mà còn biết chiều hết thảy ý thích từng người.
- Phải? - Ông Hạp buông một câu - Nhất Hải Phòng!
- Bác không đi sơ tán ạ?
Đôi lông mày rậm đen của ông rướn lên:
- Đi đâu? Đi đâu? Bỏ thằng con lại mà đi à? - Ông trừng trừng nhìn Lê - Thằng con tôi, anh biết không, năm nay nó mười ba tuổi, thông minh, ngoan ngoãn, đẹp như tượng. Bây giờ nó nằm kia. Tôi đưa anh lại với nó nhé!
Lê chưa kịp phản ứng, ông Hạp đã nắm lấy tay lôi xềnh xệch. Tới đống gạch vụn, Lê nhận ra là nền một ngôi nhà cũ, ông buông Lê, ngồi sụp xuống và dùng đôi bàn tay khô gầy của mình cào bới. Miệng lẩm bẩm:
- Dậy con, Trang! Dậy! Dậy. Bố đến với con đây!
Ông bới cho tới lúc mười đầu ngón tay rớm máu.
- Bác Hạp!
Lê cúi xuống đỡ, nhưng ông lừ mắt:
- Các người tưởng con tôi "đi" rồi phỏng? Đêm đêm tôi vẫn nghe tiếng nó kêu: "Bố ơi, nặng quá! Bới gạch cho con lên!". Tôi không đi đâu hết. Tôi ở lại với nó, hiểu không?
Cái nhìn của ông Hạp khiến Lê phát sợ.
Ông lại cúi xuống, dùng tay tiếp tục cào, bới.
- Anh có nghe tiếng thằng Trang không? Nó gọi tôi đấy! - Bỗng dưng ông gào lên - Bố đây! Bố không bỏ con đâu! Và ông hớt hải đi như chạy...
Lê thẫn thờ nhìn theo bóng ông tròng trành trên đường phố.
Anh ngồi đó hồi lâu, không rõ mình đang nghĩ gì. Từ trong khu nhà đổ trước mặt một con chó đen gầy giơ xương, xiêu vẹo bước ra. Trông thấy Lê, nó dừng lại, giương mắt nhìn, rồi "ẳng" một tiếng, bỏ đi.
*
... Tan tầm buổi chiều, Lê hồi hộp đặt nhẹ bước chân lên chiếc cầu thang cũ kỹ.
Ngày xưa, mỗi lần lên căn phòng này, anh cũng bước nhẹ như thế, vừa lần từng bậc, vừa cố đoán Thúy có nhà không. Lúc này nỗi thấp thỏm càng nhân lên. Đã lâu rồi, anh không gặp cô.
Lê bước nhẹ, bước nhẹ. Anh muốn đưa lại cho Thúy điều bất ngờ. Nhưng anh bị hẫng. Một ổ khoá to ngậm chặt hai chiếc khuy sắt. Anh đứng sững. Hay dịp này Thúy ở hẳn trong nhà máy? Quay lại dò tìm Thúy? Nhỡ Thúy đang trên đường về hoặc rẽ đâu đó thì sao? Biết em ở đâu?
Lê tần ngần đứng tựa lan can nhìn xuống. Cạnh cây bàng già sùi vỏ, cành phượng vĩ đang nở chùm hoa đầu mùa. Xa xa, lẫn trong màu xanh của lá, thấp thoáng những chấm đỏ.
Từ phía cảng, có tiếng còi tàu vẳng lại.
Lê bắt đầu sốt ruột. Anh bước tới cánh cửa, ghé mắt nhìn vào. Chú mèo mướp thấy động, từ trên giường phốp xuống, nhưng hình như nhận ra người lạ, con vật lùi lại, cong mình lên, cặp mắt xanh biếc. Rồi nó chạy vòng quanh phòng kêu meo meo. Không rõ là cu cậu đề phòng hay muốn báo với khách rằng cô chủ sắp về.
"Thúy vẫn ở đây?" - Lê thấy yên tâm.
Một lúc, có tiếng động ở cầu thang và tiếng guốc gõ lên từng bậc gỗ sẽ sàng: Tiếng guốc của Thúy! Lê thở nhẹ, phấp phỏng đứng nép vào bên tường.
Một! Hai! Ba!... Tiếng guốc đều đều, gần hơn và Thúy hiện ra, ngay cạnh anh. Thúy sửng sốt đến ngẩn người. Cô hơi chững lại, rồi đổ vào Lê. Mái tóc cô gái phủ kín ngực chàng trai. Lê vuốt nhẹ làn tóc của người yêu lòng tràn hạnh phúc. Thúy ngước lên, cặp mắt long lanh. Họ cứ đứng lặng như thế. Rất lâu. Rất lâu.
Rồi bất giác, cả hai cùng quay về phía cửa căn phòng bên cạnh. Nhưng ở đó chỉ có hàng phấn viết vội. "Em cho con xuống Kiến Thụy".
Đôi má Thúy nóng bừng.
- Cả xóm sơ tán. Chỉ mình em ở lại.
Thúy nói khẽ, rồi lúng túng tra chìa vào ổ khoá.
Đã bao lần cô nghĩ rằng nếu anh về, nhất định sẽ nhào tới, ôm choàng lấy, hôn anh. Rồi giựt tóc, bẹo tai làm như vậy cho bõ những ngày ngóng trông, mong đợi. Vậy mà lúc này cô đứng thần ra, hai má đỏ ửng.
Lê đặt nhẹ tay lên vai Thúy. Cô ngước lên, cặp môi run run.
"Đồng bào và các lực lượng vũ trang chú ý: phía đông nam thành phố đang có máy bay địch hoạt động!" - Từ ngoài phố, tiếng loa vọng vào.
Thúy buông tay:
- Chúng nó vào đấy anh ạ. Bao giờ có còi báo động, chúng mình ra hầm cũng kịp - Cô âu yếm nhìn Lê - Lâu nay anh đi những đâu thế?
- Anh vẫn đi biển.
- Em có cảnh giác như anh đang giấu em điều gì, phải không?
- Sao em nói thế?
- Em biết, nhìn vào mắt anh, em đọc được tất cả. Anh không phải là người dễ dàng giấu được những tình cảm trong mình.
- Việc quân sự em đừng hỏi, anh khó trả lời.
Họ im lặng đứng nép bên nhau một lúc nữa.
- Em nấu cơm nhé!
- Anh giúp với.
- Em làm được. Có gì phải giúp đâu. Một nồi cơm và một nồi canh. Đi biển thiếu rau phải không anh? Hôm nay em đãi đồng chí một bữa rau no nhé. Anh ngồi xuống! Em nấu ngay trong nhà. Thổi bằng bếp dầu, nhanh lắm.
Thúy ngồi cạnh Lê, cô vừa nhặt rau vừa ríu rít kể chuyện. Có bao điều cô dành để chờ anh! Cô có cảm giác như thời gian trôi nhanh quá! Anh về, rồi lại đi! Đã bao ngày ở một mình trong ngôi nhà không sợ bằng lúc này nơm nớp lo anh đi khỏi đây. Lạ thế? Mấy lần Thúy định hỏi, nhưng cô sợ câu trả lời. Có khi nào anh về với cô lâu; bao giờ cũng vội vội...
- Em ở lại một mình. Có sợ không? - Lê hỏi.
- Ban đầu cũng sợ, bây giờ em đã quen quen. Với nữa có mèo mướp, đỡ hơn - Thúy quay nhìn Lê và cười - Em cho nó cào anh nhé!
- Nó quen anh rồi! Em xem, cu cậu ngồi thin thít.
- Anh còn nhớ cái Hương phòng em không, tuần trước đang rục rịch bàn chuyện cưới, tuần này bọn em đã đắp mộ nó. Tội quá!
Sau một chút im lặng, Lê hỏi:
- Nhà máy của em thế nào?
- Vừa hạ thủy xong mấy con tàu cho các anh. Bọn em vẫn sản xuất đều. Máy bay đánh phá mấy lần, nhưng tự vệ bọn em đánh trả rát, chúng sợ nên thả bom không đúng. Phân xưởng nào cũng hoạt động! Tối nay... Thúy định khoe "tối nay em trình bày sáng kiến cải tiến cách hàn ghép khung tàu trước Hội đồng kỹ thuật nhà máy". Nhưng kìm được. Cô lo anh buồn khi nghĩ rằng tối nay cô vắng nhà.
Thúy lại nói chuyện. Chuyện "các cụ đằng ấy", chuyện "các cụ đằng này", chuyện nhà máy, chuyện bạn bè... Lê nhìn Thúy, thấy vui, và anh hiểu Thúy rất thích được anh chú ý như thế.
Và chuyện cứ nối nhau, kéo dài suốt bữa ăn. Khi Thúy nhớ đến công việc, trời đã tối. Đèn đường đã bật sáng.
- Tối nay em phải có mặt ở nhà máy...- Thúy nói và nhìn Lê. Cô sợ anh mất vui.
Anh trách:
- Sao không báo trước, chúng mình ăn cơm sớm hơn. Em sửa soạn đi kẻo muộn.
- Đừng giận em nhé! Đi một lát rồi em về. Đừng buồn, anh...
- Anh chơi với mèo mướp mà. Em cứ đi!
Tới lưng chừng cầu thang, cô quay lại, dặn với:
- Máy bay vào, anh nhớ xuống hầm nhé!
Rồi tiếng guốc mỏng dần.
Lê đứng bên cửa sổ, nhìn theo. Bóng Thúy nhỏ nhắn, mờ mờ trên đường, thương quá. Ở lại một mình trong ngôi nhà này, Thúy buồn biết chừng nào! Lại phải lo bao công việc của nhà máy...
"Anh chưa thể nói hết công việc của anh với em" - Lê bước lại bên bàn. Bức ảnh anh chụp ngày nào treo ngay ngắn trên tường. Hồi đó trẻ quá! Cái nhìn trong veo, vô tư...
Anh ngồi xuống và tò mò lục ngăn bàn. Một hộp bằng giấy, chiếc kéo con, mấy cuộn chỉ, một ít cúc và dăm ba mảnh vải vụn đủ màu; mấy tấm bưu ảnh và những lá thư. Những lá thư của anh, Thúy xếp cẩn thận bên cạnh lọ nước hoa và một chiếc khăn mùi xoa xinh xinh. Anh thú vị ngắm những đồ vật linh tinh ấy, thấy lâng lâng. Có một cái gì đó rạo rực, vui vui xâm chiếm tâm hồn. Anh mỉm cười và như thể đang nghe một giai điệu mùa xuân nào đấy.
Bỗng đèn thành phố vụt tắt. Còi bào động rú lên.
Tiếng súng phòng không nổ ran. Những đường đạn đỏ ực tới tấp vọt lên không trung. Rồi tiếng máy bay rú rít ầm ào. Nhiều chớp lửa loé sáng và tiếng bom từ mạn Thượng Lý ầm ầm dội lại.
Lê vọt ra đường: chúng ném bom phía nhà máy đóng tàu!
Anh lo lắng nhìn những vầng lửa ngày càng bốc cao trong đêm. Thúy dặn anh xuống hầm, còn em?
... Ở nhà máy Thúy không xuống hầm. Cô vừa trình bày xong sáng kiến cải tiến cách hàn ghép khung tàu trước Hội đồng kỹ thuật. Sáng kiến được hoan nghênh và đánh giá cao. Giám đốc An siết chặt tay cô cảm ơn và bảo rằng: Với sáng kiến đó, với chất lượng đó, Thúy đã làm lợi cho Nhà nước hàng vạn đồng, tăng nhanh giá trị của tiến độ thi công và chắc chắn những con tàu sẽ dược hạ thủy sớm hơn... Ông hứa tuần tới, sẽ bắt đầu cho áp dụng vào sản xuất.
Chưa ai kịp chúc mừng thì đèn tắt, nhà máy chìm trong tiếng còi báo động.
Thúy chạy tới khẩu 12ly7. Bình, Sơn và nhiều người đã có mặt ở đó.
Bầu trời tối đen, chỉ có những đường đạn vọt lên như hoa lửa. Tiếng máy bay sà thấp. Tiểu đội tự vệ phòng kỹ thuật nổ súng đầu tiên, bắn chéo theo đường đạn của trận địa bộ đội bên kia sông.
Bình đứng chếch bên phải khẩu súng, vừa phất cờ vừa hô "Bắn! Bắn!". Bóng Bình nhoà trong chớp bom.
Bom rải phía đường 5. Những cột lửa bùng lên, bén ra, cháy ngun ngút.
Máy bay bắn tên lửa ngoài mé sông. Một vài quả nổ kề phân xưởng cơ khí. Ai cũng lo cho số phận những con tàu đang nằm trên ụ đà. Chớp bom, chớp đạn đan nhau, nhì nhằng. Âm thanh hỗn loạn.
Một lúc, tiếng máy bay ngớt.
Đèn thành phố vừa bật sáng, mọi người ùa xuống ụ đà. Thúy cố lách đám đông chạy lên trước.
- Ôi, chị Huệ, hôm nay chị làm ca đêm? - Thúy hỏi người phụ nữ đứng bên cạnh.
- Tưởng em về từ chiều? - Huệ hỏi lại.
- Vâng! Tàu ta có làm sao không hả chị?
- An toàn cả!
- Anh Cựu đứng ở bến phà lại lo đây. - Thúy đùa.
- Cái ông Thiên Lôi ấy có mà lo.
- Chốc nữa thế nào chẳng thập thò ở cổng nhà máy nghển vào xem chừng.
- Mày! Thôi, chị làm đây....
Ánh đèn hàn lại đua nhau loé sáng. Thúy thấy lâng lâng. Cô đứng bên ụ đà một lúc rồi chạy về phòng, miệng khe khẽ hát một bài không rõ lời, giai điệu rất nhộn.
Cởi đôi giày "ba ta" xanh, xỏ chân vào đôi guốc, Thúy lại nghĩ đến Lê. Anh vẫn thích em đi guốc cao gót mà! Con gái đi guốc cao gót có duyên, dáng đẹp. Bọn cái Bình vẫn đùa em: Số cái Thúy sướng, sau này tha hồ được chiều! Đúng không anh? Em mà được chiều.
- Thúy, xin chúc mừng em! - Lâm Khanh bước vào phòng, giọng vui vẻ.
- Sáng kiến của phòng ta chứ, anh!- Thúy đứng dậy, gỡ chiếc dây lưng bỏ vào ngăn bàn - Em chỉ là người thực hiện.
- Không nhất thiết khiêm tốn hình thức như vậy. Công của em thì em nhận. Điều đó có gì ngại. Hôm nay trông Thúy... vui quá! - Khanh nhìn Thúy và cũng thấy trong lòng nao nao một mềm vui. Em chuẩn bị về phải không, muộn rồi, để anh đưa về!
- Anh đưa em về à? - Khuôn mặt Thúy chợt bối rối, cô nói nhanh - Vâng? Cũng được. Hôm nay em có khách, anh lên chơi nhé...
- Anh nghĩ là nhà máy chúng ta... Hả, ai vậy?
- Anh Lê về!
- À!...
Đang sôi nổi, như thể bị hẫng. Khang nín bặt. Tự dưng anh thấy lúng túng. Có một cái gì đó mơ hồ như thể nỗi buồn, sự trống trải mênh mang xen vào... Khanh gõ gõ những ngón tay xuống bàn, cố giấu tình cảm mình.
- Khuya rồi, để khi khác lên chơi. Nhưng anh sẽ đưa Thúy về - Khanh nói khó khăn.
- Nếu anh không lên chơi, em về một mình cũng được. Đường phố vẫn còn người qua lại...
- Tùy Thúy!
Khanh nói rất khẽ. Hai tiếng đó bật ra hoàn toàn ngoài ý muốn. Anh thấy vô duyên và điều ấy khiến anh ngượng. Anh ngẩn người bên cửa phòng nhìn theo Thúy ất tả bước vội ra cổng, cố nén tiếng thở mạnh. Có một cái gì đó nhói lên trong tim.
"Tình yêu chỉ là sự khổ hạnh!' - Khanh bật thành tiếng và đứng thần ra. Một lúc, nhìn vào đồng hồ, anh giật mình: gần một giờ sáng!
Thật cố chấp. Nhỡ Thúy gặp điều gì không may trên đường!... - Khanh chạy vội ra cổng. Anh lặng lẽ bước sau Thúy, cách cô chừng hai trăm mét. Anh đi nép vào hè để nếu vô tình Thúy quay lại, không nhận ra.
"Con người ấy thật tốt, nhưng biết làm thế nào?" - Thúy thở dài - Mình yêu Lê! Chẳng ai thay thế được anh ấy! Anh vẫn thức chờ em chứ? Khi nào anh đi? Em vừa bắn máy bay đấy! Vậy là cái sáng kiến của em đã thành công. Những con tàu cho các anh sẽ hạ thủy nhanh hơn. Con tàu làm nhiệm vụ gì vậy anh? Chẳng bao giờ anh nói với em về chuyện đó.
Thúy bước nhanh. Đường phố thưa người, sáng ánh đèn. Những ngọn đèn đứng bên vỉa hè như đùa với cô: bóng Thúy đổ dài phía trước, ngắn dần, rồi lại đổ về phía sau. Thành phố yên tĩnh quá. Một chiếc xe đạp lướt qua. Thúy nghe loáng thoáng tiếng con gái.
- Sao đạp nhanh thế? Hay còn định đón ai?
- Đón cô nhà máy! Muộn giờ vào ca của anh rồi. Con gái là chúa nhõng nhẽo.
Tiếng cô gái cười rúc rích.
Thúy nhìn theo, cười một mình, cô bước nhanh hơn. Về tới cổng, Thúy ngước nhìn lên cửa sổ và chạy vụt vào sân.
Phía sau. Lâm Khanh sững lại, rồi anh quay nhanh, lững thững đi về nhà máy.
Lê ra đón Thúy ở cửa.
- Em khoe với anh diều này nhé! - Giọng Thúy trong trẻo.
- Nghe tiếng bom nổ phía nhà máy, anh lo quá! - Lê cắt ngang.
- Ngày nào cũng vậy đấy đồng chí hải quân ạ... Anh nóng ruột lắm phải không? Dịp này bọn em bận lắm, công việc túi bụi. Muốn tắm cũng chẳng có thời gian ấy chứ!
- Tắm ư? Vậy bây giờ anh gác máy bay để em tắm nhé.
Lê nhìn vào mắt Thúy. Thúy ngượng: "Vô duyên! Sao lại phô với anh chuyện ấy".
- Thì đã sao?
Thúy nhìn Lê, tin cậy:
- Vâng. Thế cũng được. Em tắm nhé?
Hai người chạy vội xuống cầu thang. Mèo mướp chạy theo sau. Thấy cô chủ vui, mèo cũng vui.
Lê giằng được chiếc thùng trên tay Thúy. Anh múc nước đổ đầy hai chậu tôn trong nhà tắm, lại múc thùng nữa.
- Em cứ tắm thoải mái, hết nước thì gọi.
Rồi Lê ôm mèo mướp ra sân. Cả hai ngồi xuống bậc đá cạnh đó. Lê cà nhẹ cằm lên mình mèo. Cu cậu có vẻ thích, nằm im, mắt lim dim.
Thúy giội nước lên người. Mát quá! Yên tâm quá! Đã lâu rồi cô mới có một lần tắm đã thế này. Anh vẫn đứng ngoài sân trông chừng máy bay cho em ư? Ôi, con gái như em, bạo quá, phải không anh?
Thúy tắm xong, hai người đi lên nhà. Thúy cảm thấy tỉnh táo, nhẹ nhõm và khỏe khoắn hẳn.
Lê lặng lẽ đứng bên cửa sổ đốt thuốc, nhìn Thúy hong tóc, tủm tỉm cười. Thúy quay lại, đôi mắt như có lửa: "Sao lại cười em?"
Lê bối rối trước ánh mắt ấy. Anh đốt điếu thuốc nữa rồi quay nhìn xuống phố.
Thúy ngồi bên mép giường, nhìn anh. Khuôn mặt anh gầy, sạm xanh; khác xưa nhiều quá.
Những gian khổ trong mấy năm qua khiến gương mặt ấy khắc khổ hơn, dài ra, Thúy thấy thương quá! Sao anh cứ im lặng thế? Đừng tự làm khổ mình nữa! Hãy nói với em một lời đi. Anh không rõ là em yêu anh sao? Con người anh, em biết, bao giờ cũng hướng về sự tốt đẹp.
Thúy đứng dậy, nhè nhẹ bước lại cạnh Lê, cô nghe rõ hơi thở của mình.
- Anh! - Tiếng Thúy mềm như một sợi gió, thoảng qua.
Lê quay lại. Thúy run bắn lên: Em van anh, đừng nói gì cả. Đừng nói!
Lê cảm được hơi thở gấp gáp của Thúy và tiếng tim đập rất mạnh của cô. Anh choàng tay, siết chặt Thúy vào lòng...
Đêm tháng năm, trời mát dịu. Ngoài kia, sao rải kín bầu trời. Mùi dạ hương từ ngõ nhà ai thoang thoảng. Gió đưa những cành phượng cọ vào nhau, lạt xạt. Có tiếng tí tách như thể tiếng vỏ cây nứt rạn. Một chiếc lá bàng rời cành, tròng trành bay bay ngoài cửa sổ. Và ở một nơi nào đó rất xa, nghe mơ hồ tiếng sóng lao xao vỗ vào bờ. Thành phố vẫn bình yên. Đêm đã khuya lắm.
...Sáng sớm, Thúy tiễn Lê ra tận bến phà. Gió từ bờ sông thổi vào rười rượi. Hai người đứng lặng bên nhau. Có bao điều cần dặn dò, nhưng cả hai đều im lặng.
- Anh đừng lo gì cho em cả - Thúy nói nho nhỏ.
Lê gật đầu. Anh thấy nao nao, chứa chan một niềm hạnh phúc. Và một tình cảm như thể là sự biết ơn khiến anh xúc động: Thúy của anh đáng quý biết bao nhiêu! Anh lần bàn tay Thúy, bóp chặt.
- Anh hiểu em!
Lê quay nhanh, bước xuống phà.
Chờ cho Lê sang hẳn bên kia bờ, Thúy mới thẫn thờ quay về. Nhìn con đường quang bóng người, dài hun hút, Thúy thấy trơ trọi, buồn nao cả người.
Tới cổng, cô chạy ào lên nhà, ngồi bên giường, úp mặt xuống gối. Đâu đây vẫn phảng phất một hơi ấm. Cho tới lúc này, nỗi nhớ anh mới choáng ngập trái tim cô. Thúy nhận biết có một cái gì đó thật thiêng liêng và mới lạ vừa đến với mình. Và điều ấy khiến cô nôn nao, vừa vui, vừa buồn, vừa lo và như vừa nuối tiếc.
"Em đã thực sự bước vào cuộc đời anh... Chẳng lẽ như vậy là có lỗi? - Thúy thổn thức - Em yêu anh! Chỉ anh mới hiểu em, phải không anh?"
Thúy ngẩng lên, bây giờ cô mới nhận ra chiếc gối ướt nước mắt.
Cô lặng lẽ lại bên bàn và sửa soạn đến nhà máy.
*
Chiếc ôtô tải dừng lại. Tòng cảm ơn người lái xe rồi nhảy xuống ca bin. Bác tài, một trung niên chừng bốn lăm tuổi, to khỏe, vui tính, đã đánh xe đưa thẳng anh tới ga Hà Nội.
- Ơn huệ gì! - Người lái xe nói với xuống - Đi nhanh, may ra kịp tàu. Gửi lời thăm cô ấy nhé. Thú thật, tôi thích những người như anh đấy.
Tòng chưa kịp nói thêm, chiếc ôtô đã rú ga, chạy biến.
"Vẫn có những người thật tất. Số mình vậy mà may". Tòng thấp thỏm bước vào sân ga.
- Mấy giờ có tàu Việt Trì, bác? - Anh hỏi người soát vé.
- Tàu Việt Trì à? Đang lắp đầu máy, khẩn trương lên!
- Cám ơn!
Tòng lách qua cửa. Người kiểm soát viên giữ lại:
- Vé?
- À, à... lên tàu mua. Lính thời chiến mà, ít thời gian lắm.
Người soát vé nhìn bộ quân phục hải quân không mấy gọn gàng trên người Tòng, rồi đẩy anh vào:
- Nhanh, kẻo nhỡ!
"Lại gặp may!" - Tòng nghĩ khi đã ngồi trong toa. Hành khách khá đông. Con tàu rúc hồi còi dài rồi lăn bánh trên đường ray.
Qua khỏi ga Gia Lâm, tàu chạy nhanh hơn. Mọi người bắt dầu ngủ gà ngủ gật. Tòng ngồi bên cửa sổ, đầu óc tỉnh băng.
Phía ngoài, lúa đồng đang vào đòng thoang thoảng hương thơm. Chốc chốc lại thấy một trận địa pháo phòng không. Khuôn mặt den sạm của những người lính trực chiến loáng thoáng lướt qua.
Gió lùa vào thổi tung mái tóc cứng như rễ tre của Tòng. Anh nheo mắt, chiềng mặt ra hóng gió và cảm thấy rất thú vị.
"Lụa không có nhà thì sao nhỉ? - Tòng nghĩ - Cô ấy đi làm thủy lợi xa, hoặc đi trực chiến đâu đó? Chẳng lẽ lại xúi như vậy? Hôm nay toàn gặp may...".
Con tàu lăn bánh đều đều. Tòng thấy sốt ruột và cảm giác như nó chạy quá chậm.
Bỗng con tàu giật mạnh, rồi đỗ hẳn.
- Ga nào vậy? - Có tiếng hỏi bâng quơ.
- Ga nào! Máy bay đấy!
Mọi người chen nhau thò đầu ra cửa. Ngơ ngác nhìn hai bên.
- Sao tàu dừng giữa đường thế này, đồng chí?
- Máy bay vừa ném bom ga Phúc Yên, chưa vào được! - Anh nhân viên nhà tàu giải thích.
- Lại thế! Ngày nào cũng bom, bom! Nằm đây tới đêm chưa chừng.
- Đến đêm đã khá, giam tới sáng mai ấy chứ. Cho tôi ra nhờ một chút bà con.
Toa tàu lao xao, lộn xộn. Nhiều tiếng chửi, nhiều tiếng phàn nàn.
Tòng lách ra cửa, nhảy xuống.
- Mấy giờ rồi chị? - Tòng hỏi người phụ nữ đứng gần đó.
- Hơn năm giờ chiều anh ạ - Người phụ nữ trả lời - Không rõ bao giờ mới đi dược? Anh xuống ga nào?
- Tôi định xuống Việt Trì!
- Sao lại định?
- Bởi có thể tôi sẽ xuống một ga nào đó thấy tiện hơn, rồi băng đồng về làng.
- Anh về đâu?
- Tôi về làng Ao Gỗ.
- À, đầu làng anh có ngọn Tháp Bình Sơn...
- Chị cũng biết làng tôi?
- Thời kháng chiến chống Pháp tôi có ở vùng ấy. Rất muốn quay lại đó một chuyến mà đường xa, tàu xe thời chiến khó khăn quá.
Tòng đi đi lại lại trên cỏ: " 15 giờ chiều! Từ đây về Việt Trì hơn ba mươi cây số nữa, đi bộ thêm chục cây qua một con sông...".
Tòng nhìn ra con đường nhựa cách đó chừng hai trăm mét và trong anh thoáng nhanh một ý nghĩ.
- Tạm biệt chị nhé! Tôi ra ngoài kia vẫy xe đi nhờ. Ngày mai tôi có mặt ở đơn vị.
- Ngày mai? Thế đấy! - Người phụ nữ kêu lên - Chúc anh gặp may.
Tòng bước lại phía quốc lộ. Anh đứng chờ. Chiếc xe thứ nhất vút qua như không để ý đến sự khẩn nài của anh. Bụi cuốn tung mù mịt. Tòng quay mặt, chửi độc một tiếng, rồi lại ngóng ra. Chiếc xe tải cài kín lá ngụy trang từ phía Hà Nội phóng tới. Tòng đứng ngay giữa đường, làm hiệu cho xe dừng lại. Tiếng phanh rít lên:
- Muốn chết hả? - Một anh lính trẻ thò đầu qua cửa ca bin, cáu kỉnh quát.
- Đằng ấy cho đi nhờ. Lính với nhau mà!
- Về đâu? Nhanh!
Tòng bám cửa xe, vọt lên. Chiếc xe rú ga, chạy tiếp.
- Cho xuống Việt Trì nhé!
- Lính Hải quân à?
- Hải quân!
- Trốn?
Tòng ngần ngừ:
- Cứ coi như vậy! Mà cũng chẳng thật là trốn. Có xin phép hẳn hoi. Hắn làm đoàn trưởng, tớ đoàn viên. Có điều không nói với nó là về làng. Hắn về với người yêu, mình lẵng nhẵng bám theo quấy rầy làm gì.
- Mấy hôm?
- Mai phải có mặt.
- Ít thời gian thế, về làm quái gì cho khổ?
Tòng im lặng. Một lúc, anh hỏi:
- Đằng ấy chưa có người yêu hử?
- Sao biết?
- Chỉ những người chưa yêu mới bảo "về làm quái gì cho khổ".
Chàng lính lái xe tủm tỉm cười, đôi mắt vẫn đăm đăm nhìn xuống đường.
- Thế đấy! - Tòng nói tiếp - Đằng ấy cứ thử yêu rồi biết. Sao lại nói là khổ nhỉ? Nếu không gặp xe, tôi định cuốc bộ ấy chứ. Bốn mươi cây số nữa, chẳng lẽ không đi nổi về tới làng.
- Tới Việt Trì, đi còn xa không?
- Mười cây đường bộ và qua một con sông.
- Mai làm sao về kịp đơn vị?
- Việc đó lo sau. Điều đáng lo là liệu đêm nay có gặp cô ấy. Chỉ cần nhìn một chút thôi, rồi đi.
- Yêu mà vất vả thế?
- Ờ...Lại một câu ngốc nữa.
Người lái xe nhấn thêm ga. Chiếc xe nhảy chồm chồm trên đường. Trời tối nhanh. Hai bên, cánh đồng mịt mờ, đã không nhận ra ranh giới của từng thửa ruộng. Đến ngã ba Việt Trì, đã khuya khuya. Chiếc xe dừng lại.
- Tiếc là đường đê cấm xe nên không đưa anh tới thẳng bến đò - Người lái xe phân bua - Thông cảm nhé.
- Ồ, thế này là quý lắm rồi. Tôi về tới làng chừng mười một giờ. Đằng ấy di khỏe nhé. Rất cám ơn.
Chiếc xe rồ máy, mất hút.
Mặt đê sáng mờ mờ. Tòng vừa đi, vừa chạy. Hương hoa ngô quyện phù sa đất bãi thoang thoảng trong gió. Anh cảm giác có một cái gì đó gần gũi, thân thuộc ở ngay cạnh mình. Anh bước gấp hơn. Đêm tháng năm, trời nhiều sao. Sông Lô hiện ra lờ nhờ. Những nương ngô san sát nối từ chân đê ra tận mép nước. Dưới đó, gió lao xao...
Tới chỗ rẽ, Tòng lao xuống bến đò. Bến vắng teo. Con sông trải rộng trước mặt, lặng lờ. Sóng uể oải vỗ vào bờ và gió từ thượng nguồn thổi về hối hả lướt trên mặt nước. Thoảng trong không khí là mùi lợ của bùn, mùi cỏ ẩm.
Tòng đứng sững. Bên kia bờ, một vệt đen nhợt nhạt chạy dọc mép sông.
- Có ai bên đó cho tôi sang vơ... ới! - Tòng đưa tay làm loa, gọi. Tiếng anh loãng tan trên mặt nước. Đêm tĩnh mịch, vắng lặng.
- Ớ... ơ... đò!
Mặt sông mờ nhoà trong đêm. Sóng lăn tăn. Vẫn không biểu hiện gì có đò sang.
"Đành bơi qua vậy!". Tòng cởi quần áo, vo tròn lại và lội xuống. Hai bàn chân anh ngập trong bùn, thứ bùn thật mịn. Tòng lội ra xa. Nước dâng dần lên. Một tay cầm quần áo, Tòng thả mình xuống sông. Nước sông mát lạnh. Đã lâu rồi anh mới lại có dịp bơi trên con sông này - Con sông ấp ủ bao kỷ niệm.
"Thế là ổn, bây giờ chỉ còn việc đi tìm cô ấy! " - Tòng thở phào khi đã sang tới bờ. Anh mặc vội quần áo rồi phấp phỏng đi vào làng.
Tòng run run khi nhận ra mình đã đứng ngay bên ngôi nhà ấy. Anh hít một hơi thật sâu rồi chúm môi bắt chước tiếng chim hót. Đã bao lần anh đứng đây gọi Lụa như thế. Tòng chờ. Một dáng phụ nữ từ cửa ngôi nhà len lén bước ra, ngơ ngác nhìn. Lụa! Tim Tòng đập rộn. Anh nín thở và như không tin rằng đây là sự thật.
Người phụ nữ chững lại, rồi chỉ kịp kêu một tiếng: "Trời!" và xô tới, dang tay ôm ghì lấy đầu Tòng, áp chặt vào ngực mình. Bất ngờ, Lụa cắn thật mạnh vào bả vai anh. Tòng lịm đi trong hơi ấm từ lồng ngực Lụa. Tiếng Lụa thoảng bên tai.
- Thực hay mơ đây?
Tòng không nói, anh luồn những ngón tay to, thô đan vào mái tóc Lụa. Và đứng như vậy hồi lâu.
- Ta ra ngoài kia, anh?
Hai người chạy thẳng ra bờ sông.
Đến một nương ngô, họ dừng lại. Cả hai đều thở gấp phả hơi nóng vào mặt nhau. Lụa bíu chặt cổ Tòng, hôn lên khắp khuôn mặt anh.
- Sao thế này? Tóc ướt hết rồi! - Lụa hổn hển.
- Vừa bơi qua sông!
Họ lách qua ruộng ngô. Phấn ngô rắc đầy hai mái tóc. Rồi chui vào một chiếc lều canh ngô cạnh đấy. Mùi ẩm mốc tỏa ra hắc nồng. Hai người ngồi xuống lớp bẹ ngô. Những năm trước, họ vẫn ngồi với nhau trong túp lều này.
- Nói đi, làm sao anh về được? - Lụa hỏi, hai tay sờ sờ lên khuôn mặt Tòng.
- Nhớ quá!
- Ở với em được mấy ngày.
- Mai phải đi rồi.
- Không! Em không cho anh đi, - Tiếng Lụa hấp tấp và cô ôm chặt lấy anh.
- Ở nhà sống ra sao?
- Đừng hỏi nữa, cho em rúc vào ngực anh chút đã. Mấy lần mơ anh chết, hãi quá! Có phải anh vẫn đứng trên tàu đánh nhau với máy bay Mỹ không? Em mơ thấy.
- Không đánh nhau với chúng nó, đi lính làm gì?
- Đừng "làm sao" nhé! Anh mà làm sao, em chết mất, thương em nhé. Chúng mình sắp tự do.
- Đến đâu rồi?
- Toà án gọi hai lần, nhưng cứ ậm ờ, chưa đồng ý. Nói với mọi người rằng không lấy nữa, nhưng dám thế cho mà biết.
- Đồ tồi!
- Đừng làm khổ em như vậy! Bơi qua sông và gọi em ra đây để thế sao? Chuyện đã rồi... Chẳng lẽ... Em chỉ được ở bên anh mấy tiếng thôi. Anh, anh nói anh nhớ em phải không? Vậy nhớ đi!
Lụa cầm tay Tòng đưa lên ngực, rồi lại ghì chặt anh vào mình.
Đêm đã khuya. Không khí ẩm lạnh. Đôi bên bờ sông tối nhờ. Những lá ngô ưỡn cong, đẫm sương rung nhẹ trước gió. Tiếng con nước cạp bờ, nghe đã rõ hơn. Sao rải kín mặt sông. Hương ngô mềm dịu... loãng tan.
Đêm lặng lẽ trôi. Xa lắm, mơ hồ nghe như có tiếng gà gáy.
Chợt có bước chân đi trong ruộng ngô, lại gần:
- Ai trong lều đấy? - Có tiếng hỏi.
Lụa co người, run lên.
- Bác Thực, đừng sợ. - Tòng thì thào vào tai, rồi bước ra - Cháu đây mà, bác!
- Ai thế nhỉ? Thằng Tòng hử?
- Dạ!
- Về bao giờ thế? Lại dẫn cái Lụa ra đây? Chúng mày coi trời bằng vung! - Bác Thực nói, rồi nhìn chằm chằm vào mặt Tòng.
- Cháu vừa về xong! Làm thế nào được... Bọn cháu đang mất tự do nên mới nhờ đến cái lều của bác. Mai cháu đã phải đi rồi.
- Mai đi! Mày trốn đấy à? Đẹp mặt nhỉ!
- Cháu có xin phép hẳn hoi... Thế bác nghĩ rằng cháu tự ý bỏ tàu, bỏ đơn vị mà về? Cháu không xấu như vậy đâu! Bác cho cháu mấy bắp ngô cháu ăn sống nhé. Từ sáng qua tới giờ cháu chưa ăn gì. Vội quá!
- Mày cũng biết hỏi xin?
- Không vậy hóa ra thằng ăn trộm?
- Tao hỏi, chứ cái việc mày dắt cái Lụa ra đây không phải là ăn trộm hử? Hượm, để tao nói - Bác Thực hạ giọng - Trộm vợ người ta, rõ không?
- Cháu chẳng ăn trộm của ai cả. Chúng cháu yêu nhau. Lụa đã nói thẳng với chồng cô ta điều ấy. Đã đưa đơn ra toà, bác cũng biết đấy!
Tòng cứ ngang ngang như thế. Anh còn lạ gì tính bác Thực. Trong làng, chỉ bác là người thông cảm, thương Lụa, thương Tòng. Hồi Tòng chưa đi bộ đội, thấy hai đứa cứ thậm thụt đi với nhau, bác ái ngại, nhưng không gàn. Bác bảo rằng cái tình cảm con người ta, muốn ép vào không được, mà muốn tãi ra không xong. Bác kể rằng hồi còn trẻ, bác cũng vậy, trốn nhà theo bác gái xuống hội Lim hàng tháng, như ăn phải bùa, ngày nào không gặp nhau một lần là ngẩn ngẩn ngơ ngơ như kẻ mất hồn. Khi đã phải lòng càng bị ngăn cấm, càng hay tìm đến nhau, càng thương nhau và dễ liều. Hai người có con rồi mà ông cụ, bà cụ chẳng chịu nhận dâu. Nhưng đâu cũng vào đấy; không bế cháu mình, dễ chừng ẵm trẻ hàng xứ?
- Này, tao báo cho mà biết - bác Thực dọa - chồng cái Lụa đang vác dao đi tìm đấy, liệu hồn.
- Đi tìm cháu để chém hả bác?
Từ trong chòi, Lụa sấn ra. Trông cô lúc này chẳng còn vẻ sợ hãi ban nãy nữa, giọng rất hăng như thể Tòng và cô đưa nhau ra đây không phải là điều thách đố, mà là điều đương nhiên, phải lẽ.
- Nếu cháu mà có cái phúc lớn như vậy thì đã sướng một đời! - Giọng Lụa mỗi lúc mỗi to - Anh ta mà dám bước chân ra sân trong đêm! Ma nó lại không úp nồi rang lên đầu ấy! Đàn ông đàn ang gì chỉ biết quẩn quanh bên bếp chờ vợ sai vặt. Sợ đi làm thủy lợi, sợ đi đắp đê, sợ đi bộ đội. Chưa nghe tiếng máy bay đã lủi xuống hầm. Sợ người ta nói to, cuốc vườn sợ giun, đong thóc sợ chuột nhắt. Anh ta chỉ biết mỗi một việc là ngày ngày đếm số bắp ngô cháu hái về, và của đáng tội, tối tối cũng biết đóng cửa chuồng gà trước khi phủi phủi hai bàn chân để trèo lên giường... Chà, cháu mà được anh ta vác dao đi tìm thì cháu đã yêu anh ta biết mấy.
- Mặc xác chúng mày! - Ông Thực gắt - Lớn rồi, có thân thì tự nghĩ, tự lo lấy, sao cho phải lẽ. Thằng Tòng đi ngay hả?
- Dạ, ngày mai cháu phải có mặt ở đơn vị. Ông Thực buông một tiếng thở dài, đứng ngẩn ra hồi lâu. Rồi ông bảo:
- Ôi dào, cuộc đời nó vậy đấy! Thôi mày đi cho mạnh, cho khỏe, hử. Ngô đấy, cả nương, bẻ mà ăn. Tao về!
Ông cụ bước đi. Tòng chạy theo:
- Bác đừng nói với ai là cháu về bác nhé. Bố mẹ cháu biết, lại giận. Bác cũng rõ đấy, bố mẹ cháu không cho cháu yêu cô ấy. Hồi trước, chỉ suốt ngày la mắng, đe nẹt. Coi cháu như kẻ bỏ đi. Bố mẹ cháu biết, cháu đi rồi, chỉ khổ cho Lụa...
- Anh lại phải dặn tôi? - Bác Thực cao giọng gắt. Nhưng liền ngay đó, bác chép mắng, lắc đầu - Mà con Lụa cũng bảo nó đi cho sớm, lằng nhằng lại nhỡ tàu xe, vất vả ra. Thân nó đến là khổ!
Bác Thực đi khuất, Lụa tần ngần, bảo Tòng:
- Bác ấy nói đúng đấy. Em đã khổ, anh còn khổ hơn em nhiều!... Thôi, đi đi thôi, anh ạ!
- Sao lúc nãy bảo không cho người ta đi?
Lụa âu yếm cà cà khuôn mặt mình lên mái tóc cứng như rễ tre của Tòng:
- Em muốn thế lắm! Nhưng phải đi thôi "chú mình" ạ. Đến đơn vị, anh cứ bảo rằng vì nhớ em mà trốn về nhá.
- Sẽ bị kỷ luật ngay.
- Không ai kỷ luật người trung thực. Lại càng không ai kỷ luật người quá yêu. Rồi Lụa ôm lấy đầu Tòng, hôn vào mắt - Sớm muộn gì, trong năm nay chúng mình cũng được tự do. Em chỉ lo khi ấy anh lại...
- Dại miệng! - Tòng ghì Lụa, hôn tới tấp.
Lụa đưa Tòng ra bến. Mặt sông mờ mờ sương, phẳng lặng như người ngái ngủ. Mới có vài người ngồi lặng lẽ trên con đò. Còn quá sớm, chưa mấy ai qua lại.
Tòng xắn quần, bước ra.
Khi con đò khua sóng rời bến, trên bờ bật tiếng khóc.
- Anh Tòng!... - Giọng Lụa se thắt.
Tòng nhìn lên, cháy ruột.
Con đò xa dần. Lụa cũng quay nhanh vào chỗ khuất. Lụa không muốn Tòng mềm lòng khi thấy trên bờ, bóng Lụa mờ trong sương sớm, ngóng theo.
Đò vừa cập bãi, Tòng nhảy vội lên. Anh nhìn lại bờ bên kia: ở đó, bãi ngô nhoà trong sương. Tòng quay đi, cắm đầu bước...
Trưa hôm ấy, Tòng có mặt ở nhà khách Bộ tư lệnh.
- Mình ngỡ cậu lại lỉnh về với cô Lụa, đến muộn thì chết cả lũ! - Lê bảo.
- Nỡm ơi là nỡm, thế mày nghĩ tao đi đâu? Không về với Lụa thì về với ai!
- Hả? - Lê tròn mắt, nhìn Tòng.
- Hả cái con khỉ. Thế mày tưởng tao đến bà cô ở Hải Dương hả? Ngốc ơi là ngốc. Hơi ấm của Lụa còn tỏa ra khắp người đây.
Lê ngẩn ra:
- Thế đấy! - Anh định nói thêm "Cậu là kẻ trí trá, là kẻ vô kỷ luật", nhưng anh đứng yên. Tòng vừa đáng yêu, lại vừa đáng trách. Lạ vậy, đoàn trưởng có thể cho anh chàng về hẳn một tuần thì từ chối... Dẫu sao hắn cũng đã đến đúng hẹn.
Thấy khuôn mặt Lê ngẩn ra, Tòng hỏi:
- Sao thuỗn ra thế, vẫn giận đấy à?
- Giận cậu thì giận cả đời!
Tòng vòng tay, ôm chặt Lê, riết mạnh:
- Mấy giờ chúng mình đi nhận tàu?
Người Của Biển Người Của Biển - Người Của Biển