Số lần đọc/download: 2797 / 88
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Chương 22
N
gô được phân phối về công tác tại một tổ có phận sự “thanh lọc cải tạo những phần tử phản cách mạng” “bảo vệ chính quyền nhân dân trong vùng mới giải phóng”.
Nhiệm vụ ấy khá dài dòng và mơ hồ đối với Ngô, những từ anh Năm cho đến những cán bộ trẻ tuổi cấp thấp hơn đều lặp đi lặp lại những tiếng phức tạp rối rắm ấy, nên Ngô tin công việc của mình không đòi hỏi gì nhiều. Ngô đã từng có kinh nghiệm trong các cuộc tranh đấu của sinh viên và Phật tử trước đây, một kinh nghiệm chua chát: là người ta hay né tránh nhận các công việc cụ thể, rõ ràng. Biểu dương sức mạnh của Đạo pháp, đòi hỏi thực thi dân chủ, đánh đổ chính sách can thiệp của ngoại bang, nêu cao tinh thần đấu tranh của tuổi trẻ… Được lắm! Trách nhiệm cao cả, trọng đại, và thiêng liêng. Nhận liền! Nhưng xuất vài trăm bạc đi mua lon sơn kẻ khẩu hiệu, tìm cái rựa đi đốn một đoạn trúc làm cán cờ, chạy đi mua cà phê cho anh em thức khuya quay ronéo bản tuyên cáo số 4… Ồ! chuyện lặt vặt! Anh này đẩy cho chị kia, chuyện nhỏ trở thành chuyện lớn, vì sau đó xảy ra những màn cãi vã nhau, khích bác nhau, bên này trách bên nọ thiếu ý chí đấu tranh, bên nọ trách bên kia thỏa hiệp với quân phiệt…
Ngô yên tâm đi theo hai thanh niên lạ mặt đi nhận công tác. Ngô ngờ ngợ, nhớ hình như đã gặp một trong hai thanh niên này ở đâu rồi. Mãi về sau, chàng mới nhớ mình gặp người quen ấy hôm Tường dẫn Ngô đi gặp anh Năm.
Suốt đoạn đường từ chỗ Ngô ngủ qua đêm đến chỗ mới, hai thanh niên dẫn đường lầm lì không nói gì cả, nên Ngô không biết bắt chuyện thế nào. Hai người đèo nhau bằng xe đạp đến nhận Ngô. Vòng về, một người dắt xe đi dưới lòng đường, một người lầm lũi bước phía trước cho Ngô đi theo. Ðến trước một căn phố lầu, họ dừng lại. Người đi bộ lục túi lấy ra một xâu chìa khóa cửa sắt. Mãi lúc đó, anh ta mới nói với người dắt xe đạp:
- Đưa chùm chìa khóa kia, xem nào!
Người kia hỏi lại:
- Chùm nào đâu?
- Chùm chìa khóa có cột dây nhựa xanh.
- Đã thử hết chưa?
- Thử đủ rồi. Lỗ khóa tròn, xâu này toàn chìa dẹp.
Người dắt xe đạp đập đập vào túi quần màu rêu vải mỏng nhăn nhúm, lo âu nói bằng giọng trọ trẹ miền biển:
- Chết rồi. Để quên trên bàn thủ trưởng.
Người thanh niên kia càu nhàu chửi thề. Có lẽ người dắt xe đạp cấp thấp hơn, nên anh ta vội nhấc bổng chiếc xe lên, quay bánh trước về hướng cũ, đạp xe trở lại tìm xâu chìa khóa. Ngô nhận thấy cách lên yên xe đạp của anh ta hơi lạ. Thay vì choàng chân ngồi lên yên rồi mới đạp lên pê-đan cho xe chạy, anh ta đặt chân trái lên pê-đan trái, dùng chân phải đẩy cho xe có trớn chạy được một quãng mới choàng chân lên ngồi trên yên đạp tiếp.
Ngô đứng xớ rớ một mình với thanh niên lạ, tìm cách gợi chuyện cho không khí bớt căng thẳng. Chàng hỏi:
- Hai anh “làm việc” với tôi à?
Ngô không hiểu tại sao câu hỏi đơn giản ấy khiến người thanh niên cau mày. Nhưng anh ta chỉ khó chịu một chút, rồi trở lại nét mặt bình thường, đáp:
- Không. Anh vào đây chờ. Chốc nữa có hai đồng chí đến công tác với anh.
Ngô nghĩ thầm: hắn ưa dùng chữ “công tác” hơn “làm việc”. Ðược rồi. Công tác thì công tác. Khó gì. Ngô muốn hỏi tại sao hai người không “công tác” với Ngô, nhưng anh kịp dừng lại. Chàng nhớ những cái nhìn ngờ vực khó chịu của nhũng người bị chàng hỏi những câu tương tự, ngay sau khi được giải thoát khỏi lao Thừa phủ. Lúc đó, một toán thiếu niên tuổi 16, 17 đi ngược về phía Ngô, bên kia đường. Người nào cũng cầm súng, vài cậu vừa đi vừa tì báng súng vào bụng bậm môi lên cu-lát, bấm cò, rồi phá lên cười khoái trá. Họ chưa được phát đạn. Ngô đoán đám thiếu niên đều dân Gia hội, vì cách ăn mặc khác hẳn với người cán bộ mang AK đi phía sau đoàn.
Người quên xâu chìa khóa đã đạp xe trở về. Cánh cửa sắt được xô nhẹ để hé một lối hẹp đủ một người đi qua. Người dắt xe đạp vẫn đứng ngoài. Bạn anh ta dặn Ngô:
- Anh ở đây. Chừng 15 phút nữa, hai đồng chí công an sẽ đem đồ đạc đến đây ở với anh luôn. Nhà chỉ có một chìa khóa, nên tôi phải đem đến cho họ.
Ngô không hiểu tại sao mình bị “bàn giao” qua lại nhiều vòng đến thế, hoang mang, mà không dám hỏi. Người thanh niên quay trở ra, khép chặt cánh cửa sắt lại. Căn phòng trước tối sầm. Ngô hốt hoảng chợt nghĩ: “Chẳng lẽ mình lại bị tù lần nữa! Tại sao?”
Ngô cố nhịn nhưng cuối cùng cũng phải hắt hơi liên tiếp ba lần. Căn phòng có một mùi kỳ dị pha lẫn mùi hăng của vôi, mùi tanh của cá, và mùi ngai ngái như mùi nước hoa đàn ông loại rẻ tiền chế tạo ở Chợ lớn dùng trong các tiệm hớt tóc. Ngô phải chạy tới kề mũi vào khe cửa cho bớt ngột. Khi đã làm quen với bóng tối bên trong, chàng càng ngại không muốn quay trở vô, đi sâu vào phía sau.
Căn nhà lầu bê tông cốt sắt thuộc loại sang trọng, có lẽ chủ nhà cũng giàu có vì đồ đạc còn lại khá nhiều, từ bộ xa lông mầu huyết dụ, chiếc bàn mặt kính rộng rãi, cho đến tủ rượu gỗ cẩm lai đánh vẹt ni. Dường như một tai họa nào đó đã tới căn nhà này, dấu vết là những mảnh xi măng rơi từ các vách tường lỗ chỗ lồi lõm, những mảnh kính vỡ, bức sơn mài Phước Lộc Thọ rơi xuống nằm vắt lên tủ rượu trống hoác…
Chờ lâu lắm Ngô mới thấy hai người ăn mặc theo kiểu bộ đội mang xắc vải đạp xe đạp dừng trước cửa. Ngô mừng rỡ như lúc được phóng thích khỏi lao Thừa phủ. Chiếc chìa khóa quay nửa vòng đủ nhắc cái chốt nối hai cánh sắt, Ngô đã nhanh tay xô mạnh tấm cửa nặng. Biết trước có người chờ mình, nên người mở cửa không kinh ngạc. Ngược lại, giọng Bắc của anh ta líu ríu, tuy xẵng nhưng reo vui:
- Đây rồi! Ðồng chí trí-vận nội thành. Chờ chúng tôi có lâu không? Ơ kìa, mùi gì thế này?
Ngô không đáp, xô mạnh thêm cánh cửa cho cả hai người vào hẳn bên trong. Ánh sáng ùa vào, soi rõ thêm cảnh tan hoang bề bộn. Người cán bộ mới vào, hỏi bằng giọng Quảng:
- Có lầm lẫn gì không? Sao họ điều chúng ta về làm việc trong cái nhà hoang tàn thế này?
Người kia nói:
- Họ bảo nhà tư sản sang lắm, có lầu đúc an toàn khỏi sợ máy bay địch.
Ngô chen vào, đưa nhận xét:
- Có vài mùi tanh tanh hăng hắc lạ lắm!
Người nói giọng Quảng chợt nhớ điều gì, vỗ trán kêu:
- Thôi rồi! Đúng là nhà tên X làm cảnh sát! Thôi đi tìm chỗ khác. Anh em địa phương tệ thật! Họ chỉ mang đi mấy cái xác mà dám báo cáo đã dọn dẹp cẩn thận!
Về tới căn nhà cổ vắng chủ đường Hồ Xuân Hương, ổn định chỗ ngủ, chỗ làm việc, chỗ nấu bếp xong xuôi, cán bộ người Quảng mới cho Ngô biết cả gia đình ông X từ đứa bé 2 tuổi cho tới người đầy tớ già đều bị giết chết. Ngay ngày đầu “giải phóng”. Ngô không dám hỏi ai đã ra tay phũ phàng như vậy. Chàng đã đủ khôn ngoan để không đặt những câu hỏi thừa!
Công việc của Ngô được ấn định rõ ràng hơn: giúp cho cơ quan trị an “truy tầm, cách ly và cải tạo những tên phản cách mạng ác ôn còn len lỏi lẩn trốn trong nhân dân”. Ba Liệu (người Quảng) thấy Ngô phân vân, vỗ vai trấn an:
- Không có gì ghê gớm khó khăn đâu! Anh chị em nội thành đã lập trước danh sách những tên ác ôn có nợ máu cần cải tạo. Chúng tôi đã cho điều tra kỹ để khỏi lầm lẫn. Nói đúng hơn là để tránh lầm lẫn nhiều chừng nào hay chừng nấy. Tuy nhiên thế nào cũng có thiếu sót. Có những tên chỉ cần giáo dục cảnh cáo, chứ chưa cần cách ly. Có những tên chỉ cần cách ly một thời gian để cải hóa rồi cho về. Có những tên cần tập trung cải tạo dài hạn. Anh ở đây lâu, lại từng bị chúng giam cầm, tất biết nhiều.
Ba Liệu đưa cho Ngô xem một bản danh sách dài ba trang đánh máy, vì không có dấu nên rất khó đọc. Thấy Ngô nhíu mày cố đoán cho ra tên họ những người bị vào sổ đen, Ba Liệu lục xắc đưa ra một bản danh sách khác:
- Thôi anh dò lại bản này trước, đã có một đồng chí nội thành bỏ dấu và góp ý rồi. Những tên có gạch chéo phía trước đã bị nhân dân phát hiện và bắt giữ. Anh dò những chỗ chưa gạch chéo.
Ngô chăm chú đọc, bắt gặp toàn những tên lạ. Chàng phân trần:
- Tôi chỉ quen biết sinh hoạt với một số anh em sinh viên, hoặc bạn bè ngành hội họa.
Ba Liệu mất kiên nhẫn, lật đến trang thứ ba của xấp danh sách, hỏi Ngô:
- Phần những tên sinh viên phản động đây. Anh coi còn thiếu ai không?
Ngô lạnh toát người khi đọc thấy quá nhiều người chàng quen biết. Lạ hơn nữa, nhiều người tham gia tích cực vào hoạt động tranh đấu của sinh viên và Phật tử. Ngô chỉ một tên trong danh sách, e dè hỏi Ba Liệu:
- Anh này từng nhiều lần lãnh đạo sinh viên chống chính phủ. Có lầm lẫn nào không?
Ba Liệu cười, vừa thương hại vừa chế nhạo:
- Nhân dân sáng suốt lắm, không lầm đâu. Nó chống chính phủ, nhưng nhất định không chịu cho anh em nội thành viết biểu ngữ chống Mỹ. Nó tung hỏa mù đánh lạc hướng, không cho anh em học sinh sinh viên tiến bộ thấy được kẻ thù chính. Những thành phần này còn nguy hiểm hơn bọn ra mặt theo ngụy quyền Sài gòn. Vì chúng tác động được quần chúng, anh hiểu không?
Ngô ậm ừ không dám nói rõ đã hiểu hay không thể hiểu. Chàng trỏ một tên khác, một giáo sư khoa học ít chịu khó tham gia vào các cuộc hội thảo, xuống đường:
- Phần ông này chắc là lầm! Cả ngày ông ta chúi mũi trong phòng thí nghiệm hóa học.
Ba Liệu không giấu được bực dọc. Giọng Ba Liệu bắt đầu gắt gỏng, gần như tra vấn:
- Hắn được cha L cho đi học ở Pháp, đúng không?
- Vâng!
- Cha L bị đẩy khỏi Ðại học Huế, hắn vẫn không mất chức, phải không?
- Vâng, nhưng…
- Nhưng nhụy cái gì nữa! Hắn làm việc cho Mỹ, núp đằng sau mấy ống nghiệm theo dõi hết hoạt động của anh em. Lại chuyện này nữa: Hắn bị động viên một thời gian, phải không?
- Hình như thế!
- Sau đó hắn được biệt phái về làm ở sinh viên vụ, đúng không?
- Tôi không rõ!
- Anh còn mơ hồ không phân biệt được đâu là bạn, đâu là thù, bị chúng giam cầm mà nhìn vẫn chưa sáng.
Ngô ngồi im chịu trận. Chàng vừa giận vừa tức. Chàng cố dằn không nói gì, vì biết tính cộc của mình, nói ra những gì mình đang nghĩ chỉ rước họa vào thân. Ba Liệu thấy mình đi hơi xa, cũng dịu giọng lại:
- Thực ra lúc đầu làm công tác này, tôi cũng mù mờ như anh. Tôi cũng học ba năm ở Đại học Huế trước khi thoát ly, nên anh đừng ngạc nhiên nếu tôi biết rõ nhiều chuyện. Cái gì cũng cần quá trình. Thôi mình nấu cơm ăn đã. Chờ đồng chí Bảy Thu về, tôi sẽ bàn lại để tìm công tác thích hợp hơn cho anh.
Ngôi nhà ngói xây cất theo lối cổ, mái thấp, cột kèo bằng gỗ lim chạm khắc không được công phu mấy chứng tỏ gia chủ cũng là con cháu hạng giàu có phong lưu vừa phải ở đất thần kinh. Chung quanh nhà là khu vườn rậm có nhiều nhãn, ổi, mít, sát đường cái lại có hàng rào che cao quá tầm mắt, nên hết sức kín đáo. Không có điện, trong nhà tìm khắp không có lấy một cây đèn dầu hỏa, nên Ba Liệu lấy tạm cặp đèn sáp trên bàn thờ xuống để dùng, một cây gắn trên bàn gỗ gụ đặt giữa hai cái tràng kỷ lót đá vân, một cây gắn ở kệ bếp.
Ba Liệu chờ Bảy Thu nhưng mãi tới 10 giờ khuya vẫn không thấy người cán bộ gốc Bắc này về. Ngô buồn ngủ quá, nhưng phải ngồi rán nghe Ba Liệu kể vụ nhảy núi của anh sinh viên khoa học này bốn năm trước. Ngô nghe tiếng được tiếng mất, lâu lâu gật gù hoặc ừ hữ đánh nhịp. Nhưng Ba Liệu không chú ý vẻ ơ hờ của Ngô. Anh ta nói say sưa. Ngô nhận thấy những cán bộ cấp thấp chàng gặp thường lầm lì, cau có, ít nói, luôn luôn có lối nhìn sắc mắc nghi kỵ. Những cán bộ cao cấp hơn thì vồn vã vừa phải, lúc bình thường ăn nói có vẻ thoải mái thân mật nhưng luôn luôn giữ gìn phép tắc. Tuy nhiên khi có dịp để kể lể, họ nói quên mệt. Nói không cần biết người nghe có nghe hay không. Mắt họ hướng lên cao, khi long lên rực rỡ, khi lim dim mơ màng, hai bọt nước miếng đọng bên mép. Ngô lại nghe những hệ thống tư tưởng đồ sộ, những tòa kiến trúc vĩ đại, những ước mộng tuyệt vời, những công trình lẫm liệt, những đỉnh cao của trí tuệ, những lương tâm của loài người, những kiên cường bất khuất, những vận dụng sáng tạo, những thác cách mạng cuốn phăng rác rưởi, những bão đấu tranh quật đổ tham tàn… Ngô thấy Ba Liệu hơi giống hình ảnh của Tường mấy năm về trước trong những đêm không ngủ, những cuộc xuống đường. Chàng lấy làm lạ rằng bấy nhiêu từ ngữ trừu tượng lan man không rõ nét ấy lại đủ sức cuốn hút hết thế hệ này đến thế hệ khác, đủ sức chắp đôi cánh giấy cho nhiều người để họ rán nhấc chân lên khỏi mặt đất thực tiễn.
Chính Ngô cũng có thời không thể đứng ngoài, bị cuốn vào hấp lực ma quái đó. Nếu chàng ngừng lại được, chẳng phải vì Ngô tài giỏi hơn ai. Chàng có thêm một đam mê khác đẹp đẽ hơn, rực rỡ huyền diệu hơn. Đam mê màu sắc. Ngay cả lúc Ba Liệu đang huyên thiên, sở dĩ Ngô dằn được cơn buồn ngủ là vì chàng mải quan sát các cử động, đường nét biến hóa trên khuôn mặt người cán bộ. Ánh bạch lạp lung linh chỉ chiếu sáng được một phần ba khuôn mặt Ba Liệu. Mảng tóc dài phủ lên một nửa trán, tạo một mảng mờ trên gò má lấm tấm mụn. Ổ mắt sâu, ánh sáng phản chiếu từ con mắt ướt nên long lanh phát quang. Ðôi môi mấp máy phóng đại thành những cử động ngộ nghĩnh trên tấm vách phía trái. Ngô nghĩ đến những mảng mầu đen tuyền chen lẫn những khoảng trống mầu vàng nhờ. Vài chấm đỏ, chung quanh ngả tím. Bức tranh sẽ linh hoạt một cách ma quái, rực rỡ một cách tang tóc..
Bảy Thu về, Ba Liệu mới chấm dứt câu chuyện “giác ngộ cách mạng” của mình. Hai người kéo nhau ra hiên trước xầm xì bàn luận. Ngô được dịp tìm cái giường ở tận căn phòng sau nằm vật xuống ngủ. Tiếng trực thăng bay tuần trên tầm cao không phận, và những tiếng súng lụp bụp nổ đây đó không đủ lớn để đánh thức chàng dậy.
Ngô giật mình vì dường như trong giấc mơ, có người nào đó đến bên giường, cúi xuống nhìn chàng trừng trừng dò xét, rồi vươn tay nắm lấy vai chàng, lay thật mạnh. Ngô mở mất, nằm im, tim đập mạnh vì chưa hết hoảng hốt. Ðêm vẫn đen. Bên kia tấm vách ngăn bằng ván phân biệt phòng khách với khoảng nhà hẹp có kê cái giường gỗ Ngô đang nằm, ánh đèn mờ lung linh khi sáng, khi mờ như sắp lụn. Chàng kinh hãi đến nỗi ngồi bật dậy khi nhận ra một bóng đen đứng ngay bên cạnh giường. Hóa ra không phải mơ! Ngô líu lưỡi, không kêu lên được tiếng nào. Bóng đen cười nhỏ, rồi nói:
- Ngủ ngon nhá!
Ngô nhận ra giọng Bảy Thu. Chưa kịp nói gì, chàng đã nghe người cán bộ tiếp lời:
- Sáng mai tôi được chuyển công tác phải đi sớm, nên phải thức anh dậy để từ biệt. Ra uống với tôi tách trà Thái đi. Nào, đã tỉnh ngủ chưa?
Ngô cảm động, đáp:
- Dạ được! Mệt quá, nằm xuống là không biết trời trăng gì nữa!
Bảy Thu bỏ đi ra ngoài trước. Ngô cài lại nút áo sơ mi vì bên ngoài, gió lạnh căm căm. Cái cửa sổ lá sách ngay chỗ đầu giường tuy bên trong còn một lớp cửa kính, nhưng một khuôn kính đã vỡ. Chủ nhân dùng giấy báo dán lại, và cả mảnh giấy báo cũng rách. Gió lọt vào từng cơn. Ngô nhìn lại khung cảnh quanh giường: không mùng, không chiếu, tấm liếp trải trên mặt đan bằng tre lạnh buốt. Không gối, không mền. Vậy mà chàng vẫn ngủ được ngon giấc qua đêm.
Ngô lần mò xuống phía nhà dưới tìm nước rữa qua mặt mũi. Trên gác bếp, ngọn đèn bạch lạp Tư Liệu thắp đêm trước đã cháy hết, bạch lạp thừa chảy thành một vũng đông đặc quanh đoạn tim đã cháy đen. Ngô nhìn được cảnh bếp và cái ang nước để gần cửa nhờ mấy thanh củi cháy trong cái bếp bằng gạch. Ấm nước bắt đầu sôi. Nước trong ang lạnh cóng. Ngô run cầm cập, vội đưa ống tay áo chùi nhanh mặt mũi. Mùi mồ hôi, mùi đất cát trên cánh tay áo bẩn khiến da mặt chàng rít róng.
Lúc đó, Bảy Thu xuống bếp xem thử nước đã sôi chưa. Thấy Ngô đang hơ tay bên ngọn lửa, ông ta nói:
- Tôi cứ tưởng trong Nam không rét mấy. Ai ngờ có thua gì cái rét Cao Bắc Lạng đâu!
Ngô hỏi:
- Quê của… của đồng chí ở đâu!
- Ở Hà Nam Ninh. À, sôi rồi đây. Gớm, chờ mãi!
Ngô chuyền cái ấm nhôm cho Bảy Thu, nói:
- Có lẽ tại nước lạnh cóng, như là phải nấu sôi nước đá. Hà Nam
Ninh, tỉnh gì lạ quá!
Bảy Thu kinh ngạc hỏi lại:
- Anh không biết Hà Nam Ninh là đâu à?
- Không!
- Thế chúng nó không dạy anh địa lý miền Bắc xã hội chủ nghĩa à?
- Có chứ!
- Có, sao anh không biết Hà Nam Ninh ở đâu?
Ngô không biết phải trả lời thế nào, lòng bực bội vì bị một người lạ ngờ vực mình dốt nát. Bảy Thu cũng không tra vấn thêm, cầm ấm nước sôi quay gót lên nhà trên trước.
Trên bàn, cái dĩa nhỏ bằng bàn tay chứa một loại dầu trong veo tạm dùng làm đèn. Cái tim đèn là một mảnh giẻ xé dọc. Cây bạch lạp nhỏ lấy từ bàn thờ cũng đã cháy hết như cây bạch lạp dưới bếp.
Bảy Thu lấy từ trong cái túi vải ra một gói giấy, trân trọng mở ra, nhúm một nhúm trà bỏ vào cái chén sứ bịt bạc cũng lấy từ trên bàn thờ xuống, rồi nghiêng ấm rót nước sôi vào chén.
Ông ta hỏi:
- Anh uống trà Thái bao giờ chưa?
Ngữ đáp:
- Trà Đài loan, trà Tàu thì uống rồi. Còn trà Thái lan thì chưa!
- Anh nói gì thế?
Ngô ngớ ra không hiểu vì sao giọng Bảy Thu cáu kỉnh như vậy.
Ông ta bảo:
- Thái là Thái nguyên. Trà Thái nguyên quí lắm, nước xanh mà uống vào, vị đăng đắng ngon ngót vẫn còn hoài trong cổ. Hút một điếu thuốc lá Lạng sơn, hớp một ngụm trà Thái, tỉnh táo cả ngày. Tiếc là thuốc rê Lạng sơn tôi không còn. Chỉ còn bao Tam Ðảo. Anh hút đỡ nhá!
Có lẽ Ngô bị đánh thức dậy khoảng ba hoặc bốn giờ sáng, vì hai người nói chuyên thật lâu, bên ngoài trời mới lờ mờ.
Càng nói chuyện, Ngô càng thấy mình đang bị một “cán bộ chấp pháp” chuyên nghiệp thẩm vấn. Bảy Thu thủ thỉ tâm tình, kể chuyện vợ con, quê kiểng, kể chuyện đánh Mỹ, kể chuyện lùng điệp, kể chuyện bác Hồ đến thăm đơn vị rút mời ông điếu thuốc Thăng Long và gửi cho con ông cái kẹo. Cả hai món đó ông không dám động tới, gói lại trong mảnh giấy đỏ đặt lên bàn thờ Tổ quốc! Lâu lâu ông ngưng kể chuyện mình, như chợt nhớ đã quá lời, đã không chú ý gì tới tâm tình người bạn miền Nam, quay hỏi gia thế, học hành, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống của Ngô. Ông thắc mắc:
- Sao hồi đó anh không vào khu với đồng chí Tư Vịnh nhỉ?
Lúc Ngô kể tới những người bạn học thân thiết. Bảy Thu còn hỏi cặn kẽ hơn lúc Ngô kể chuyện tù tội.
- Chúng nó có tra khảo anh không?
- Những người bướng có bị đập. Tội thì không?
- Ăn uống thế nào?
- Dĩ nhiên là khổ. Nhưng từ lúc được nhà thăm nuôi, không đến nỗi nào!
- Chúng nó có giao việc gì cho anh làm đỡ buồn không?
- Lâu lâu giám thị có nhờ làm vài việc giấy má lặt vặt.
- Giám thị trại giam nhờ làm à? Anh báo cáo những gì?
Ngô không hiểu, hỏi lại:
- Báo cáo gì ạ?
Bảy Thu cười giả lả, giọng hòa hoãn:
- Chắc là kiểm danh kiểm diện hằng ngày, ai đau yếu ai xuất trại, chỉ bấy nhiêu chứ gì?
- Vâng. Nhưng họ nhờ tôi vẽ nhiều hơn viết.
- Sao thế?
Ngô cười, hơi e ngại, xấu hổ:
- Ai cũng nhờ tôi vẽ chân dung cả.
- Anh được chúng nó cưng lắm nhỉ! Anh nhớ tên nhớ mặt từng đứa không?
- Nhớ chứ. Nhưng họ thay đổi luôn. Chỉ có bác Chính làm giám thị suốt thời gian tôi ở tù, ra vô đều đặn ở khu B.
- Anh biết nhà hắn không?
- Dạ không!
- Có nghe hắn nói ở khu nào không?
- Không!
- Lạ nhỉ! Sao anh được chúng thương mà không được “tạm thích”?
- Anh hỏi gì ạ?
- Tôi hỏi tại sao anh không được cho về sớm?
- Tôi không hiểu. Gia đình tôi có nhờ nhiều người, nhưng không có kết quả gì.
- Nhờ ai thế?
Cứ như vậy, Ngô bị xoay đủ chiều. Ban đầu, Bảy Thu còn ngồi gác chân lên trường kỷ tâm tình thoải mái. Về sau, ông ta lấy giấy bút ra, ghi ghi chép chép luôn tay. Ngô phải ngồi ngay người, hai tay đặt lên mặt bàn như một người tù đang bị lấy cung. Lúc ngoài đường bắt đầu có nhiều người đi lại, sương đêm bớt dày có thể nhìn thấy những dáng mờ ảo hiện ra chốc lát trên khoảng trống hẹp trước ngõ, Bảy Thu xếp cuốn sổ tay lại, vặn nắp cẩn thận cây bút máy Trung quốc Hero giắt vào túi áo. Ông ta nghiêm mặt bảo Ngô:
- Ðêm qua tôi đã hội ý với đồng chí Ba Liệu. Do nhu cầu công tác, anh sẽ được chuyển sang làm việc khác, nhẹ hơn. Cũng làm việc gần đây thôi, với các đồng chí khác. Tôi đi nhá! Ðồng chí Ba Liệu dậy, anh nói giùm là mọi việc vẫn theo phương án cũ mà tiến hành!