What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Tác giả: William Colby
Thể loại: Lịch Sử
Nguyên tác: Lost Victory
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Ngoc Hai
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2424 / 52
Cập nhật: 2017-03-24 12:42:52 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Thử Nghiệm Thành Công Xuân 1972
hông phải mọi sự đều trôi chảy trong những năm ấy, vả lại chúng tôi cũng không chờ đợi điều gì khác. Đầu năm1971 tôi đã thoát ra khỏi thói dè dặt quen thuộc đối với giới quân sự, trong một lần trò chuyện riêng với tướng Abrams. Tôi nói với ông chương trình bình định đương nhiên đã hoạt động tốt, nhưng theo tôi, chìa khoá của chiến tranh là nằm ở khả năng chúng tôi có ngăn chặn được sự xâm nhập của quân Bắc Việt theo đường mòn Hồ Chí Minh đi qua Lào hay không.
Abrams khẳng định ông hoàn toàn đồng ý với tôi khi tôi rụt rè lạm bàn sang lĩnh vực quân sự, gợi ý rằng chúng tôi cần làm một cái gì đó để ngăn chặn dòng chảy không ngừng của quân Bắc Việt đang tuôn từ Lào vào. Cả hai chúng tôi đều biết các cuộc oanh kích của không quân mà người ta báo cáo trong các cuộc họp hàng tháng đã không ngăn nổi các chuyến vận chuyển tiếp tế của Bắc Việt. Tướng Abrams khuyên tôi hãy kiên nhẫn. Người ta đã có những biện pháp để giải quyết vấn đề này. Tôi không muốn hỏi hơn nữa, nhưng cảm thấy nhẹ người khi biết Abrams đã quan tâm.
Vài ngày sau, dưới mắt tôi là những báo cáo nói về những chiến dịch đầu tiên do quân đội Nam Việt Nam đã được Việt Nam hoá đánh ra biên giới Lào để cắt đứt đường Hồ Chí Minh. Chiến sự diễn ra trong khu phi quân sự. Ngoại trừ một số đơn vị trực thăng, quân đội Mỹ không một lực lượng nào tham gia. Quân đội Nam Việt Nam tiến sâu vào một vùng từ nhiều năm nay do Bắc Việt kiểm soát và quân đội của họ đã sẵn sàng để nhảy vào cuộc. Với một sự thận trọng dễ hiểu, quân đội Nam Việt Nam đã rút lui sau khi bị một trận phản kích dữ dội.
Thông tin báo chí Mỹ, bám vào những tấm ảnh chụp cảnh quân Nam Việt Nam bám càng trực thăng, đã khăng khăng khẳng định rằng chiến dịch đã thất bại.
Đương nhiên không thể nói là một thắng lợi, nhưng chiến dịch đã chứng tỏ quân đội Nam Việt Nam bước đầu đã thể hiện được khả năng tác chiến phòng ngự phản công của họ ra ngoài biên giới. Cuộc thử nghiệm đầu tiên đã kết thúc bằng một thất bại song nó vạch ra được một mục tiêu: đó là chúng tôi có thể tổ chức tốt hơn những chiến dịch đánh vào những vùng mà quân địch không có được ưu thế tuyệt đối. Đó cũng là những bước đầu trong thực hiện học thuyết Nixon, mà theo đó Hoa Kỳ có thể giúp Nam Việt Nam tự bảo vệ, nhưng quân Mỹ không cần phải nhảy vào đánh thay cho người Việt Nam1.
Lúc này cũng có cả những vấn đề chính trị. Nhiệm kỳ của tổng thống Thiệu sẽ kết thúc vào cuối năm 1971. Tất nhiên Thiệu sẽ tái cử và chắc sẽ được bầu. Nhưng để chính phủ tương lai giành được sự tin cậy và tính hợp pháp, các cuộc bầu phải làm sao để dưới con mắt mọi người - cả trong và ngoài nước - nó cần phải tỏ ra sự tự do và trung thực. Chừng nào cuộc đàm phán ở Paris chưa đi đến kết quả, thì chừng đó chưa có khả năng để cộng sản tham gia bầu. Ở Paris, phía cộng sản đã thúc ép Hoa Kỳ phải loại bỏ Thiệu để có lợi cho họ, và như Kissinger đã kể lại trong Hồi ký, họ đã đi tới chỗ gợi ý là sát hại Thiệu. Có một hôm, tôi đã đề nghị với đại sứ Mỹ có thể cho cộng sản tham gia vào quá trình chính trị bằng cách cho họ tham gia vào cuộc bầu cử ở cấp làng xã. Ý định của tôi là để qua đó làm sao nhãng cuộc đấu tranh vũ trang của họ, bắt đầu bằng việc đưa họ gia nhập vào đời sống chính trị, nhưng ở một giai đoạn ít rủi ro của sự khởi đầu. Nhưng toà đại sứ đã không mặn mà gì khi tiếp nhận gợi ý của tôi. Thế mà chính họ lại là những người phải chăm lo về những vấn đề chính trị đại loại kiểu như thế.
Thiệu sửa soạn cho cuộc bầu bằng việc thành lập đảng Dân chủ mà ông sẽ là ứng cử viên, và ông cũng gặp những khó khăn tương tự như Diệm ngày trước với phong trào cách mạng quốc gia của ông ta. Lúc đó các quan chức cao cấp của bộ máy chính quyền dân sự và quân sự đã nắm lấy phong trào đó và điều hành nó như một tổ chức của chính quyền. Thật đáng tiếc, nhưng có lẽ không thể tránh khỏi. Bộ máy chính quyền là cơ cấu chính trị thực sự của đất nước từ 1954. Ngoại trừ cộng sản với các tổ chức mặt trận của họ, còn các đảng phái khác của Nam Việt Nam chỉ là những nhóm nhỏ những người đối lập, suốt ngày chỉ bận rộn với việc kêu ca phàn nàn hay bày trò mưu phản. Thực tế chỉ có chính phủ, nắm lấy chương trình bình định, là những người đóng một vai trò về chỉ đạo và tổ chức chính trị và đại diện cho quyền lợi của nhân dân.
_________________________________
1. Đây là cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân ngụy Sài Gòn có sự yểm trợ rất mạnh của Mỹ về hoả lực và hậu cần và hàng vạn quân Mỹ đứng ở phía sau. Quân ngụy Sài Gòn tiến công theo hai hướng đánh sang đất Lào và Campuchia, nhằm cắt đường Hồ Chí Minh và phá căn cứ hậu cần của ta. Trên cả hai hướng chúng đều bị thất bại nặng, phải rút lui hoặc bị chặn lại. Theo thú nhận của chúng thì riêng hướng đường 9 đánh sang Lào, chúng đã có 388 chết, 5200 bị thương, 750 mất tích, 115 chiếc xe trên tổng số 200 chiếc đã không trở về được từ Lào, pháo binh hầu như bị bỏ tại chỗ. Trong cuộc hành quân này, Mỹ đã dùng 750 trực thăng, 500 khu trục và B.52 để yểm trợ. Pháo nặng chi viện có pháo 175 và 203 mm. Còn bộ binh đứng sau lưng thì: 9000 quân của sư đoàn đổ bộ đường không 101 và sư đoàn 23 “Americal” chiếm lại Khe Sanh, một lực lượng lính thuỷ đánh bộ nghi binh ở vĩ tuyến 17, và một lữ của sư đoàn 5 bảo vệ sườn biên giới Lao Bảo. (N.D.)
Để cuộc bầu cử có thể chấp nhận được, cần phải tìm ra một hình thức đối lập nào đó, và người ta đã tìm ra được một người: đó là tướng Minh lớn, lưu vong sang Băng Cốc trở về và quay lại với thú trồng lan ở Sài Gòn. Ông kịch liệt chống đối chính quyền Thiệu cũng như đã từng chống đối chính quyền Diệm trước đây. Sự nhất quán ấy thật dễ hiểu: như trên kia tôi đã nói, có một lần Thiệu đã tâm sự với tôi là theo ý ông, Diệm đã cai trị tốt đất nước.
Nhưng giờ đây rất ít người Mỹ chỉ trích Thiệu về cung cách độc đoán của ông ta, bởi ông ta có vẻ như đã đạt kết quả rất tốt ở nông thôn và vì việc mất Diệm quả là tai hại đối với người Mỹ. Hơn nữa tên tuổi của Minh đã được cả nước biết đến và sự chống đối của ông đối với Thiệu chẳng còn là một bí mật đối với ai, và điều đó đã mặc nhiên làm Minh trở thành một đối thủ đáng gờm đối với Thiệu trong kỳ bầu cử tới.
Vẫn cái tính bất định như thường lệ, Minh cho biết ông sẵn sàng nhận thách thức thế rồi trước khi công bố ra ứng cử ông lại co lại. Thiệu và người Mỹ hy vọng Minh sẽ ra tranh cử bởi điều đó sẽ làm cho thắng lợi của họ - điều mà họ chắc chắn từ trước - có vẻ như hợp hiến hợp pháp. Cuối cùng, Minh dứt khoát rút lui. Thiệu trúng cử với đa số áp đảo song việc thiếu đối thủ đã làm giảm bớt ý nghĩa thắng lợi của ông. Cách xử sự của Minh chứng tỏ ông đã biết trước cũng như mọi người đều biết rằng chắc chắn ông sẽ bị Thiệu đánh bại hoàn toàn và ông chẳng muốn bị mất mặt.
Nhưng thử thách thực sự của Mỹ ở Việt Nam là ở chỗ khác: Cộng sản có thể thắng được trong chiến tranh không? Khi vấn đề này được thực sự đặt ra thì tôi đã trở lại Washington. Catherine con gái chúng tôi bị rối loạn tâm thần và thể chất do từ nhỏ mắc chứng động kinh và cộng thêm vào đấy là giờ đây cháu đang bước vào tuổi trưởng thành cùng với những biến động tâm sinh lý của cái tuổi ấy. Đầu năm 1971, tôi đã phải nhiều lần quay về Mỹ nhưng tình trạng của cháu vẫn chẳng khá hơn, cho nên lúc này đương nhiên vị trí của tôi phải là ở gần gia đình. Cũng như chuyến đầu tiên tôi rời Việt Nam về Mỹ năm 1962, tôi biết tôi cần phải ở lại đấy để thúc đẩy phong trào mà chúng tôi đã khởi động, nhưng tôi cũng còn có những nghĩa vụ khác. Tôi lại rời Việt Nam năm 1971 cũng vẫn với tâm trạng như năm 1962, nhưng lần này thì tình hình đã sáng sủa hơn, nhất là ở nông thôn.
Việc tôi trở về Mỹ vì lý do cá nhân chứ không phải theo quyết định của chính phủ đặt ra cho tôi vấn đề tương lai tôi sẽ làm gì. Bộ Ngoại giao, mà về lý thuyết tôi thuộc về bộ này do tôi có cấp hàm “đại sứ”, một cách rộng rãi đã đề nghị tôi điều hành các công việc về Việt Nam, một vị trí rất hợp lý đối với một người đã từng nhiều năm ở Việt Nam. Nhưng Dick Helms, nhớ năm 1968 do yêu cầu của công việc tôi đã phải từ chối sang Liên Xô nên ông đã tiến cử tôi làm giám đốc thực hành của C.I.A. Đó là một vị trí cao liên quan đến công tác quản lý dự trù kinh phí để đệ trình lên quốc hội và phối hợp các hoạt động tác chiến, phân tích, kỹ thuật và quản trị của cơ quan. Chẳng cần nói cũng biết tôi đã nhận, với lòng biết ơn, dịp may đó để lại hoà nhập với tổ chức mà tôi đã gắn bó trong phần lớn cuộc đời nghề nghiệp của tôi.
Ở Việt Nam, lúc tôi trở về nước thì một thử thách vô cùng nghiêm trọng đang hình thành và sau đó nó đã diễn ra vào mùa xuân 1972. Và trong thử thách ấy, Nam Việt Nam và Mỹ đã thắng.
Giữa cuộc Tổng tiến công Tết 1968 của cộng sản và cuộc tiến công lớn xuân 1972 của họ, sự tương phản thật rõ rệt và có tính quyết định.
Khi Bắc Việt mở cuộc tiến công 1972 thì khoảng năm trăm nghìn quân Mỹ đã rời khỏi Nam Việt Nam cùng với sức mạnh hoả lực và số lớn phương tiện chiến tranh của họ. Thay cho cuộc tập kích trên toàn miền với hàng trăm đội du kích nhỏ đánh vào các thành phố, thị xã của năm 1968 là cuộc tiến công lớn của nhiều sư đoàn chính quy Bắc Việt được sự yểm trợ của pháo binh, thiết giáp đến từ các căn cứ miền Bắc, Lào và Campuchia. Từ miền Bắc, họ vượt qua khu phi quân sự, từ Lào họ vào vùng núi miền Trung và từ đất thánh ở Campuchia, họ tiến về vùng Sài Gòn.
Có thể nói rằng lần này cộng sản không có các trận tấn công của du kích ở sâu trong nội địa, đánh vào các vùng đông dân ở đồng bằng Cửu Long hay đồng bằng duyên hải miền Trung. Các cuộc tấn công chính diện của họ ở miền Nam và miền Trung đã nhanh chóng bị quân đội Nam Việt Nam chế ngự. Còn cuộc tấn công đánh thẳng từ miền Bắc vào khu phi quân sự thì mới đầu có thu được một số kết quả. Một sư đoàn Nam Việt Nam mới thành lập đã bị tan rã khi viên chỉ huy mất tinh thần và bỏ chạy. Quân Bắc Việt chiếm tỉnh cực Bắc là Quảng Trị. Nhưng kết quả của công tác bình định đã không đủ sức để chống đỡ những cuộc tấn công như vũ bão của quân chính quy cộng sản. Các đơn vị Nam Việt Nam, bị tan vỡ hoặc phải tháo chạy ùn ùn đổ dồn về Huế, nơi đến lượt nó có vẻ như cũng sắp thất thủ.
Ở Washington, tôi được đọc các báo cáo chiến sự và báo cáo của các cơ quan mật. Tôi kết luận chắc Huế sẽ mất nhưng cuộc tấn công của cộng sản sẽ bị ngăn chặn lại trước khi tới Đà Nẵng. Song sự việc lại diễn ra hoàn toàn khác. Quân đội Nam Việt Nam đã trấn tĩnh và lấy lại được sức mạnh khi tổng thống Thiệu giao quyền chỉ huy cho một trong những tướng giỏi của mình là tướng Ngô Quang Trưởng, người đã có lần cùng John Vann chiến đấu để bảo vệ một đồn tiền tiêu ở đồng bằng Cửu Long. Quân đội Nam Việt Nam xây dựng lại các tuyến phòng thủ và cắt đường của quân địch tới Huế. Vài tuần sau, họ đã buộc được quân Bắc Việt phải rút lui và chiếm lại Quảng Trị, lúc này chỉ còn là một thành phố hoang tàn đổ nát.
Tình hình chống đỡ với cuộc tấn công của cộng sản trên vùng núi miền Trung diễn ra thuận lợi hơn. Ở đây quân đội Nam Việt Nam có lực lượng dự bị mạnh đã đủ sức đương đầu với địch. Cú đánh thăm dò của bộ đội Bắc Việt ở Bắc Sài Gòn tỏ ra nguy hiểm hơn. Họ đã tập trung nhiều sư đoàn vào đây hy vọng sẽ đè bẹp đối phương rồi tiến vào bao vây thủ đô Sài Gòn. Đối phó với những đòn tấn công đầu tiên, quân đội Nam Việt Nam đã chống trụ vững, song trước một sức mạnh áp đảo của địch, xem chừng họ sẽ sớm thất bại.
Chính vào thời điểm đó những công việc do John Vann và các cố vấn Mỹ thực hiện bốn năm trước đây ở đồng bằng Cửu Long đã phát huy tác dụng. Tổng thống Thiệu lệnh điều sư đoàn 21 từ căn cứ Nam đồng bằng Cửu Long lên phía bắc để tăng cường cho sư đoàn bạn đang phải chịu đựng cuộc tấn công của khối chủ lực mạnh của địch - điều mà về lý thuyết là để trống đồng bằng cho cộng sản tràn vào. Nhưng Thiệu tin tưởng rằng cùng lắm thì ở vùng này, cộng sản chỉ có thể có những cuộc quấy nhiễu nho nhỏ và điều đó thì các lực lượng địa phương đủ sức để đương đầu. Và ông đã có lý. Công tác bình định đã hoàn thành nhiệm vụ mà Vann và tôi đã nói nhiều lần: đó là giải phóng cho các lực lượng chính quy để họ có thể rảnh tay đối phó với địch ở vùng rừng núi. Chiến lược Việt Nam hoá cũng đã hoàn thành sứ mệnh của nó khi nó chuẩn bị cho quân đội Nam Việt Nam khả năng đương đầu với cuộc tiến công ồ ạt năm 1972 của cộng sản và đẩy lùi được địch bằng những trận đánh mạnh mẽ và kiên cường.
Ngay cả khi trong cán cân so sánh lực lượng giữa miền Nam và miền Bắc, Mỹ đã rút đi nửa triệu quân và trên thực tế không có một đơn vị Mỹ nào tham gia vào cuộc chiến 1972, nhưng không phải vì thế mà Mỹ không đóng một vai trò nào trong thất bại của cộng sản. Học thuyết Nixon năm 1969 không hề nói Hoa Kỳ sẽ phủi tay trước những vấn đề của bạn bè và đồng minh. Nó chỉ nói Mỹ sẽ không đánh thay cho họ. Và trong chiến cục xuân 1972, trên thực tế, sự hỗ trợ của Mỹ đã đóng một vai trò quyết định.
Hoa Kỳ đã chi viện cho Nam Việt Nam một khối lượng lớn về hậu cần: đạn dược, xăng dầu, vũ khí vào loại tối tân nhất, giúp cho Nam Việt Nam có thể thực sự áp dụng được chiến thuật mà các cố vấn đã truyền lại cho họ, đó là kết hợp giữa sức mạnh hoả lực áp đảo với cơ động nhanh. Nhờ một hệ thống khí tài điện tử hoàn hảo (dữ kiện thu thập được trên quy mô toàn cầu, được phân tích trong những trung tâm máy tính hiện đại ở Mỹ và lập tức chuyển ngay đến các đơn vị đang chiến đấu trên chiến trường), các cơ quan tình báo Mỹ đã cung cấp cho đồng minh của họ những tin tức về hành động của địch. Mỹ còn điều máy bay B52, hàng không mẫu hạm của hải quân và máy bay ném bom chiến thuật của không quân từ Guam, biển Nam Hải và Thái Lan đến để đánh phá một cách có hiệu quả những mục tiêu tập trung pháo binh, thiết giáp và bộ binh của Bắc Việt. Nhưng học thuyết Nixon nhấn mạnh: Nam Việt Nam phải tự đảm đương lấy phần chủ yếu của cuộc chiến đấu trên mặt đất. Giúp họ chỉ có một số rất ít người Mỹ hoạt động trong lĩnh vực hậu cần và không quân1.
Đó là một cuộc thử nghiệm. Và Nam Việt Nam đã vượt qua một cách xuất sắc. Quân đội Bắc Việt đã không chiếm được Huế. Họ bị đẩy về vùng núi. Cuộc tiến công chính của họ đánh vào vùng Sài Gòn cũng thất bại trước sự kháng cự anh dũng của quân đội Nam Việt Nam. Một Nam Việt Nam tự do đã chứng tỏ nó có đủ quyết tâm và trình độ, với sự hỗ trợ chứ không phải sự tham gia của Mỹ, tự bảo vệ mình chống lại kẻ thù Bắc Việt mà bản thân kẻ thù này cũng có sự giúp đỡ của đồng minh Liên Xô và Trung Quốc. Nam Việt Nam và Mỹ đã thắng ngay trên chiến trường Nam Việt Nam.
Nhưng thắng lợi cũng như thất bại đều có cái giá của nó. Trong lửa đạn của các trận chiến đấu trên vùng núi miền Trung, giữa đêm John Vann lao vào chiến đấu và máy bay của anh va vào cây bị đổ và anh đã hy sinh. (Theo nguồn tin của Bắc Việt thì họ nói họ đã hạ chiếc máy bay đó). Trước đây John đã từng nói, những nguy hiểm như thế anh đã mạo hiểm hàng nghìn lần, nhưng được lao vào tấn công đứng trên hàng đầu những người Mỹ chiến đấu cho một sự nghiệp mà anh tin là chính nghĩa, thì đó là thực hiện nguyện vọng lớn nhất của anh. Komer đã nói rất đúng khi đứng trước mồ của John ở nghĩa trang Arlington, ông đã đọc lời ai điếu: “Chúng ta đã mất một con người tuyệt vời nhất”.
Chú thích
1. Khoảng tháng 2 năm 1972, ở Nam Việt Nam, Mỹ chỉ còn 9 tiểu đoàn bộ binh, và khoảng 36.000 quân Nam Triều Tiên. Như vậy chỉ còn quân nguỵ Sài Gòn và không lực Mỹ phải đương đầu với đối phương. Lúc này trên giấy tờ, quân nguỵ Sài Gòn một lực lượng quân sự mạnh với 587.000 quân chính quy (11 sư đoàn bộ binh 492.000 người, lính thuỷ đánh bộ 13.000, không quân 42.000, hải quân 40.000), 513.000 quân địa phương, tổng quân số 1.100.000.
Được Mỹ trang bị: 640.000 súng trường, 34.000 súng phóng lựu, 40.000 máy V.T.Đ, 20.000 xe Jeep, 52 chiến xa nặng M.48 Patton, 200 máy bay khu trục - ném bom, 30 máy bay vũ trang AC47, 500 trực thăng, 600 phương tiện vận tải các loại.
Ngày 30 tháng 3 năm 1972 ta mở cuộc tấn công lớn trên ba hướng: Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Địch thất bại nặng trên cả ba hướng. Hướng Quảng Trị, chúng mất Quảng Trị phải rút về phòng thủ ở tuyến Mỹ Chánh. Được tăng viện quân dù và lính thủy đánh bộ ngụy và sự yểm trợ mạnh mẽ hỏa lục của không quân Mỹ, chúng phản kích chiếm lại khu đã mất.
Người ta ước đoán trong bốn tháng (từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1972), quân ngụy Sài Gòn có 20.000 người chết, 30.000 người bị thương, mất 155 máy bay và trục thăng (N.D).
Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ - William Colby Một Chiến Thắng Bị Bỏ Lỡ