Số lần đọc/download: 0 / 271
Cập nhật: 2020-10-20 22:08:09 +0700
Chương 16
Lệnh "Hành quân gió nhanh" vừa ban hành. Từ xa xa, dăm ba chiếc trực thăng đang lừ lừ bay lại, lúc nghiêng sang bên phải, lúc sang bên trái, tiếng động cơ vang rền. Những cánh quạt xoáy vòng ngang, vòng dọc, làm lung lay cả ánh mặt trời lúc giữa trưa. Đài phát thanh quân đội Mỹ ở đường Hồng Thập Tự đưa tin tức về khí hậu: "Nhiệt độ ở Sài gòn là 105 độ và còn đang tăng". Nóng như vậy mà tiếng hát của Bing Crosby từ những máy thu thanh lại cứ văng vẳng “I am dreaming of a white Christmas" (Tôi đang mơ ước một Giáng Sinh tuyết trắng).
Trong lúc tình hình rối ren, dân chúng đô thành nghe bài ca êm đềm cũng thấy có vài phút thư giãn. Thế nhưng, người Mỹ và một số nhỏ người Việt liên hệ với Mỹ lại hết sức căng thẳng, vì biết rằng giờ thứ 24 sắp tới. Tín hiệu của cuộc di tản cuối cùng, "Hành quân gió nhanh" đã được phát sóng. Họ hoang mang, bối rối, tìm mọi cách để tới những địa điểm đã hẹn trước, mong được bốc đi.
Trước Toà đại sứ Mỹ, tình trạng lộn xộn, xô xát để trèo tường đã diễn ra. Bên trong, các nhân viên cuống cuồng, vừa lo giữ trật tự an ninh, vừa đốt cháy tài liệu mật. Phải sắp xếp cho lẹ vì trực thăng sắp đáp xuống rồi. Đại sứ Martin cũng thắt cà vạt, mặc quần áo chỉnh tề, đứng chờ sẵn trong văn phòng ông ở lầu ba. Ông sắp lên trực thăng để ra đi. Không, "Tôi muốn trở về qua tư thất", bất chợt ông quay lại nói với mấy người lính cận vệ. Sững sờ, nhóm cận vệ không hiểu tại sao ông lại muốn trở về nhà. Mà làm thế nào để lái xe cho ông ra được khỏi Toà đại sứ? Mặc dù họ tỏ ý không đồng ý, ông Martin nhất định cứ đi. Ông đã có cách: lách tường bên hông để qua toà đại sứ Pháp và đi bộ về nhà. Cận vệ bắt buộc phải đi theo. Đồ đạc, tranh ảnh trong căn nhà ông ở đường Phùng Khắc Khoan vẫn còn y nguyên. Chắc ông muốn về để lấy một vài món đồ quan trọng nào đó? Nhưng không, ông về để ẵm con Nit Noy đi với ông. Nit Noy là tên tiếng Thái ("món vật nhỏ") của con chó xù màu đen mà ông yêu quý. Chỉ có thế thôi. Ông lững thững trở lại Toà đại sứ, cũng qua ngả nhà Đại sứ Merillon. Trở về văn phòng, ông buộc Nit Noy vào chân một cái ghế (1). Thế rồi tiếp tục làm việc.
Sau này báo chí chi trích ông về vụ chó xù, ông cãi: "Báo chí cũng chỉ trích Tổng thống Rossevelt về con "Fala" của ông như vậy! Tôi rất bất bình về việc họ công kích một con chó. Trước hết, không phải là chó của tôi mà là của con gái tôi (cô Janet). Vá thực ra tôi đã không định mang nó đi, vì đã sắp xếp để nó xin được ông Đại sứ Pháp cho tỵ nạn rồi" ("… had arl angedfor Nit Noy to seek asylum with the Ambassador office") (2).
Vào giây phút cuối, phóng viên tờ Los Angeles Times, ông George Mcarthur trông thấy Nit Noy bị buộc vào chân ghế đã mủi lòng, và quyết định để lại cái máy chữ của mình rồi ẵm nó đi theo. "Tôi sẽ mãi mãi ghi ơn ông Mcarthur vì vợ tôi rất yêu quý con Nit Noy. Và trong gia đình tôi thì vợ tôi là người đã chịu đựng nhiều nhất vì cuộc di tản". Bà Martin chỉ có 11 phút để đóng gói, và phải để lại hết tất cả những kỷ niệm quý báu thu thập được trong bao nhiêu năm qua. Sở dĩ như vậy, vì như ông nói "Nêu chúng tôi đóng gói sớm hơn thì tín hiệu (về Mỹ bỏ chạy) sẽ truyền đi khắp Sài gòn" (3).
Đằng sau Toà đại sứ, có cây me cổ thụ rất lớn, cây dài bóng mát. Sáng sớm ngày 29 tháng 4, nhân viên yêu cầu ông cho chặt xuống để trực thăng dễ đáp. Không chịu, ông tỏ rõ thái độ: "Nêú như cây này ngả xuống thì uy tín của Mỹ cũng ngả theo" (4).
Ngày trước hôm đó, ông đã gửi điện cho Ngoại trưởng Kissinger nói rằng theo ông, sự có mặt của Hoa kỳ ở Sài gòn còn có thể kéo dài được chừng một năm nữa (5). Rồi chiều ngày 29, ông lại xin phép được ở lại Miền Nam cùng với vài chục nhân viên. Lý do là để "tối thiểu cũng làm cho việc Mỹ ra đi có nhân cách đôi chút" (6).
"Được rồi, Jim (Schlesinger)," Kissinger gọi cho Tổng trưởng quốc phòng, "Anh phải nói thắng với ông ta, vì nếu anh không nói "đây là lệnh Tổng thống" thì ông ta không chịu ra đi đâu".
"Xong rồi, tôi sẽ làm chuyện đó", Schlesinger trả lời.
"Như anh biết, ông ta đã mất một người con ở Việt nam". Kissinger tiếp.
"Đúng vậy, ta phải thán phục ông ta" (7).
Ngoài người con là cậu Glenn lái trực thăng chết ở vùng cao nguyên chín năm về trước, ông Martin còn nặng lòng với uy tín của nước Mỹ. "Tôi luôn nghĩ tới sự kiện là đã có năm Tổng thống Mỹ dinh líu tới Việt nam và trong những hai thập niên"
Trong cuốn sách Ending the Vietnam war (2003), chính Kissinger đã bình luận về việc ông Martin chần chừ không chịu đi:
"Nhiệt tình gắn bó với những người mà ông sắp bị bắt buộc phải bỏ lại, ông Martin đã coi như bổn phận của mình là phải kéo dài cuộc rút lui của Mỹ trong một thời gian dài nhất để giữ lại sự có mặt của Mỹ (tại Việt nam) làm sao cho còn đủ để biện hộ "cho việc cứu người Việt nam".
"Tin rằng, ngay trước mắt, sự hoảng hốt ở Sài gòn còn đáng lo ngại hơn những kế hoạch tấn công của Hà nội, ông đã phấn đấu để cho cuộc di tản quá chậm hơn là chính Tổng thống Ford, Scowcroft, và tôi - con diều hâu trong Chính phủ- đã cho là thích ứng" (8)
Vào dịp Lễ Phục Sinh (tháng 3) 1975, cô thư ký Eva cho hay là ông lâm bệnh, tôi có ghé thăm, thấy ông xanh xao, mệt mỏi. Ông nói là bị cúm, nhưng tôi nghi là viêm phổi. Hút thuốc lá liên tục, càng hút, ông càng ho thêm.
Trong điều kiện sức khoẻ như vậy mà ông đã hầu như một mình đứng ra chịu trận để vớt vát cho Miền Nam và cho nước Mỹ vào giờ phút cuối cùng. Trung sĩ Colin Broussard, người cận vệ luôn theo sát ông có viết: "Tôi nghĩ rằng Đại sứ Martin đã cứu được cả ngàn người Việt, những người Mỹ dân sự và cả Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ nữa, chính vì ông không chịu nói tới "di tản" quá sớm và gây nên một tình trạng hoảng hốt".(9)
Về việc ông xin ở lại bất chấp những gì có thể xảy ra, Kissinger bình thêm: Việc đó đã xác nhận sự nghi ngờ của tôi là ông Martin muốn giống như tướng George Gordon, viên chỉ huy nổi tiếng nước Anh, là người đã bị hạ sát tại Khartoum (nước Sudan) do quân Mahdi vào năm 1885 khi ông ta không chịu ra đi". (10)
Đúng 4 giờ 45 phút sáng ngày 30 tháng 4, có anh phi công vạm vỡ bay chiếc trực thăng mang bảng hiệu Lady Ace 09 lượn đi lượn lại rồi đáp xuống bãi đậu trên nóc toà đại sứ. Anh gỡ miếng giấy buộc vào đùi, rồi đưa cho ông Martin: đó là lệnh của Tổng thống buộc ông phải ra đi trên chuyến bay cuối cùng này. Nếu không, theo như tiết lộ về sau của Đô đốc Gayler (Tư lệnh Thái Bình Dương) "Tôi đã có thẩm quyền để áp giải trong trường hợp ông Đại sứ không tuân lệnh của Tổng thống." (l l)
Thế là hết đường tháo lui. Đại sứ Martin bơ phờ ôm lá cờ Mỹ bước lên chiếc Lay Ace 09 vào lúc 4 giờ 58 phút. Anh phi công phát sóng "Tiger, Tiger, Tiger" (Con hổ, Con hổ, Con hổ), mật hiệu là đã đưa được ông Đại sứ lên trực thăng rồi.
Sự có mặt của Hoa kỳ tại Miền Nam tới đây đã hoàn toàn chấm dứt.
Sau ngày Miền Nam sụp đổ, ông Martin tiếp tục bị chỉ trích. Ngoài việc chần chừ không lo di tản người Mỹ theo lệnh cấp trên, ngoài con chó Nit Noy, ông còn bị công kích về việc đã chủ quan và luôn luôn bào chữa cho Miền Nam.
Hè 1974, giữa lúc Washington hầu như đã lãng quên và Quốc hội bắt đầu cắt xén viện trợ cho Miền Nam, ông Martin hết sức chống đỡ. Ông điều trần về viễn tượng của Miền Nam một cách lạc quan:
"Về chính trị. Chính phủ Miền Nam mạnh hơn bao giờ hết. Về quân sự, quân đội Miền Nam đã chứng tỏ khả năng bảo vệ đất nước mà không cần có sự yểm trợ của lục quân Hoa kỳ"(12).
Còn về kinh tế, liệu Miền Nam có phải dựa mãi vào Mỹ hay không? Không, ông Martin biện luận:
"Đôi khi ta thấy trong cùng một quốc gia có sự phối hợp giữa tài nguyên phong phú, một hệ thống hành chính có quyết tâm với những chính sách kinh tế hợp lý, một dân tộc thông minh, khéo léo, và hết sức dẻo dai, với một khả năng cố gắng bền vững, một quyết tâm mãnh liệt và tha thiết bảo tồn tự do của mình".
Khi có một kết hợp như vậy, như hiện đang có ở Miền Nam Việt nam, thì chỉ cần một nguồn tài chính từ ngoài vào làm vai trò tác dộng, để nối kết tất cả những yếu tố này lại với nhau thì có thể có những kết quả thật là xuất sắc"(13).
Nhiều người đã chỉ trích ông về việc ông tô điểm hình ảnh quá lạc quan cũng giống như việc tướng Westmoreland đã làm thời Tổng thống Johnson. Ngay gần Tết Mậu Thân, Westmoreland còn lên đài truyền hình nói tới tình hình quân sự khả quan.
Dù chỉ trích, ông Martin vẫn tiếp tục. Cứ vài tháng ông lại về Washington để vận động. Thông điệp chính ông mang ra nói với mọi người là nếu để Miền Nam sụp đổ thì uy tín của Mỹ sẽ xuống mạnh, và đem theo hậu quả về lâu về dài. Những nước thù địch sẽ không coi Mỹ ra gì, và hoà bình sẽ bị đe doạ. Và là vào thời gian đó, như ông đã tường trình lại cho Quốc hội Mỹ năm 1976: "Tôi chưa biết rõ đã có những trao đổi "riêng tư giữa Tổng thống Hoa kỳ và Tổng thống Việt nam cộng hoà". (14). Nếu như ông biết được những cam kết đó thì không rõ ông còn cố gắng đến như thế nào để ngăn chặn sự xuống dốc của nền ngoại giao Hoa kỳ lúc đó. Suy lại thông điệp ấy, ta có thể đặt câu hỏi: liệu Saddam Hussein, Bin La den đã có coi thường Mỹ không, trước khi có những hành động mà hậu quả là đã đưa thế giới tới tình trạng rối rắm như ngày nay?
Khi tôi hỏi ông nghĩ sao đối với chỉ trích về những lời tuyên bố và công việc ông làm, ông Martin trả lời: "Tôi chỉ nói sự thật, và nếu tôi có tranh đấu cho Miền Nam, thì cũng chỉ là vì quyền lợi của nước Mỹ về lâu về dài, đó là uy tín của chính sách ngoại giao Hoa kỳ".
Nhân dịp kỷ niệm mười năm Miền Nam sụp đổ (ngày 30 tháng 4, 1985), tờ New York Times có đăng câu phê phán của vị Đại sứ cuối cùng, được nhiều ngươi nhắc tới:
"Rút cuộc, chúng ta chỉ lo tháo chạy. Ý chí dân tộc của Hoa kỳ đã sụp đổ". (In the end, we simply cut and ran. The American national will had collapsed).
Để vinh danh ông, tôi xin mượn một phần câu ông nói làm đầu đề cho cuốn sách này.
Ngày ông qua đời (1990), tôi gửi lời chia buồn cùng gia quyến: "Thay mặt cho những người Việt nam bạn ông, đặc biệt là những người đã được ông cứu giúp, chúng tôi bùi ngùi thương tiếc và xin chân thành chia buồn cùng toàn thể gia đình. Nguyện xin Thiên Chúa sớm đưa linh hồn ông về an nghỉ nơi vĩnh phúc".
Chú thích:
(1) David Butler, The fall of Saigon, trang 436.
(2) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 549.
(3) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 550.
(4) U.S. Marines, "A Moment in Time With Dan Roberts", trong tài liệu "The Fall of Saigon By The U.S. Marine" vào internet "Letter to CMC@FALL of Saigon by U.S. Marines", trang 7.
(5) George J. Church, "A Look At The Storm…" trong "The Fall of Saigon By The U.S. Marines",vào inlernet:"Letter to CMC@FALL of Saigon by U.S. Marines", trang 9.
(6) David Butler, The Fall of Saigon, trang 386.
(7) Henry Kisinger, Ending the Vietnam war, trang 552.
(8) Henry Kisinger, Ending the Vietnam war, trang 540.
(9) Colin Broussard, Ambassador Graham Martin, trong tài liệu The Fall of Saigon By The U.S. Marines, xem Letter to CMC@FALL of Saigon by U.S. Marine", trang 3.
(10) Henry Kissinger, A World Restored, trang 547-548
(11) Phỏng vấn John Munay, 20 tháng 4, 1985.
(12) TIME (Magazine), 21 tháng 4, 1975.
(13) U.S. News and World Report, 29 tháng 4, 1974
(14) Graham Martin, Vietnam Evacuation: Testimony, trang 587.