Số lần đọc/download: 4312 / 69
Cập nhật: 2017-06-11 10:57:53 +0700
Mụ Ngan
S
ự biến động khủng khiếp trong họ nhà gà không ảnh hưởng gì đến các chú ngan, thím ngan cũng cùng ngủ một sân ấy. Loài ngan rất khỏe mạnh, ít khi trở giời mà bị trái gió.
o O o
Xóm gà vịt này có hai con ngan trắng lớn.
Độ nọ còn có thêm một đàn ngan nhỏ nữa, nhưng bây giờ đã tan tác mất cả. Chẳng phải vì bệnh dây, là vì nhiều sự không may khác. Đời sống của người và vật lăn dài vào thời gian, rộng lớn và cao cả, triền miên đi bao nhiêu năm, trong khối óc tí hon của các loài. Với chúng - nhất là với những con vật luẩn quẩn xung quanh người ta, trái lại. Ở các ngày tháng vụn vặt, chỉ có những đau thương nhỏ bé, có những chết chóc ít đáng để ý. Ấy là những cuộc sống tủn mủn, bèo nhèo. Chúng chẳng làm hại gì ai, chẳng hít bớt của người ta ít khí trời, dù chúng cũng thở ra, thở vào cẩn thận. Tựa như những con giun cái kiến. Đếm đàn ngan con ấy có được sáu cái đầu cả thảy - sáu cái đầu xinh xinh, sáu đôi mắt tròn xoe, đen láy và ngơ ngác. Chúng luẩn quẩn líp chíp xung quanh hai bàn chân tõe ngón rất thô kệch của bà mẹ. Mà tâm tính của mẹ chúng thì cũng “thô kệch” như hai bàn chân nọ. Mụ đần độn đến phát ghét lên được. Thực ra là một thứ đàn bà tồi. Mặt mũi lúc nào cũng ngẩn ngơ, lúc nào cũng lắc lư như một bà nhiêu ra chợ mà bị kẻ cắp xén mất túi. Mỗi khi cất bước, đôi chân khụng khiệng đi lối vòng kiềng lại đu đưa tất cả mình lên. Nom đến chậm.
Cũng bởi cái tính ngu tối, chậm chạp ấy mà vô tình, mụ đã giết một đứa con của mụ.
Một hôm, cu Lặc đem ngô ra sân cho ngan ăn. Mụ ngan xô đến. Đàn con cũng tất tả chạy theo, chúng len, đun, tranh nhau trèo vào chậu ngô. Mẹ chúng đứng ngoài xốc cành cạch từng hột nhỏ một.
Nhưng lũ trẻ leo vào đầy chậu, khiến cho mỏ mụ bị vướng, không xơi được hạt nào. Tức mình mụ cũng thò một chân vào cái chậu sành. Rồi mụ bước nốt cả chân kia vào. Thành ra mụ đứng phè phè giữa chậu, cứ cúi xuống mà xốc, tranh ăn của các con. Một bàn chân mụ - cái bàn chân có ba ngón trước xòe ra, mạng liền với nhau - giẫm lên lưng một con nhỏ. Con ngan nhỏ kêu thảm thiết. Nhưng mụ vẫn chưa biết, vẫn dí chặt chân lên lưng nó mà xốc ngô như thường. Đến khi mụ dịch chân đi để thò mỏ ăn chỗ khác thì con ngan khốn nạn kia đã không thể đứng dậy được nữa. Nó gãy xương lưng.
Ăn no rồi, con mẹ vỗ hai cánh dẫn năm trẻ xuống ao lội chơi. Mặc thây một con bị trọng thương, cứ việc nằm rụi, kêu khắc khoải. Mụ lờ tít. Đến chiều, con nhỏ ấy chết. Mụ làm như không biết rằng có một đứa con mình vừa mới chết. Và cố nhiên là không phải lỗi ở mụ. Bởi vì vẫn thò ra thụt vào cái cổ, vẫn lúc lắc bộ đuôi. Những tiếng kíu kíu thốt ra, như vẫn biểu lộ một nỗi vui sướng vu vơ ngây ngô.
Thế là một con ngan nhỏ chết. Mười hôm sau, hai mống nữa cũng chết theo. Chúng bơi dưới ao, mò rúc đầu vào ven bờ. Hai con bị lươn rút vào tổ. Lũ trẻ con trong nhà đi tìm thì chỉ thấy hai cái đuôi chổng lên. Cái đầu cúi vào trong lỗ, bị lươn cắn thủng một lỗ sâu hoắm.
Còn lại chỉ có ba con lơ láo.
Lại một hôm nữa, mụ dẫn ba trẻ con ấy ra ngoài ruộng chơi. Mấy bữa ấy đổi gió, nên nhiều diều hâu ở miền xa bay về. Chúng đang dang cánh ra lượn tròn trên đồng lúa. Chúng lửng lơ trong không, lẩn vào từng khoảnh mây xanh. Những tiếng kêu ríu rít nổi lên như tiếng sáo đẩu. Không phải là chúng cứ “xây giếng cho tròn” mãi ở trên cao thăm thẳm ấy. Chúng liệng đi liệng lại và thỉnh thoảng sà xuống ở một chỗ rất quạnh quẽ, hoặc để tìm một cái ngòi nước nào mà tắm hoặc để kiếm mồi. Hôm ấy, có một con diều hâu lượn vòng tròn rất cao. Bỗng nó nghiêng cánh, đâm bổ xuống tận nơi, thò dài hai cái chân sắt, quặp lấy một con ngan, rồi bay bổng lên, vụt đi. Nó tìm đến một nơi thanh vắng, thả ngan xuống, mổ cho chết rồi ăn thịt. Một lát sau, có một gã diều hâu nữa sà đến cũng quắp một con ngan. Văng vẳng tiếng ngan kêu thảm thiết trên cao.
Mụ ngan mẹ cũng nghe được rõ ràng những lời kêu cứu ấy. Bởi vì mụ có nghển cổ, có liếc lên trời. Nhưng rồi mụ lại cúi xuống mổ cỏ và lúc lắc cái đuôi của mụ. Còn có mỗi con ngan nhỏ khiếp sợ, chúi vào bụng mẹ. Song mẹ nó vẫn vô tâm, không để ý chi. Thế là hai con nhỏ bị diều hâu bắt ăn thịt. Phải tay một mụ gà thì không bao giờ mụ chịu im như vậy. Sống chết mụ cũng xù lông ra, nhảy lên đánh nhau ngay với quân thù. Đằng này, có thể như không bao giờ mụ ngan nghĩ đến điều phiền nhiễu đó. Mụ đủng đỉnh dẫn một con lõng thõng về, mỏ và mắt thản nhiên như lúc đi ra.
Cả đàn sáu con ngan, chỉ còn vẻn vẹn có một. Cái sân gà vịt vừa bị một trận chết dây kinh khủng, bây giờ lại càng vắng vẻ thêm. Các cổng chuồng bỏ trống, không cài then. Những lối bùn đã mọc rêu xanh, chẳng có mấy vết chân ba ngón qua lại.
Tối đến, hai vợ chồng nhà ngan ngủ dưới gầm chuồng gà. Con ngan nhỏ nằm bên cạnh, mỏ rúc xuống cánh. Bao giờ chúng cũng ngủ đấy. Cái giống ngan luộm thuộm yên trí rằng ngủ ở đấy là sang lắm.
Một đêm kia, có một con rắn mai gầm từ dưới bờ ao bò lên. Thân nó trường bằng một cái đòn gánh và vằn những khúc vàng, khúc đen. Bởi vậy, rắn ấy còn có tên là rắn cạp nong cạp nia. Nó luồn ven bờ ao, đánh hơi thấy mùi tanh ở chuồng gà thì nó bò vào. Và nó bắt gặp ba con ngan liền rướn vành cổ ra, phun phè phè. Hai con ngan lớn lật đật chạy. Bởi rắn ấy là ông Ba Mươi đối với các loài vật trong nhà. Nhưng cũng chẳng biết có phải vì thế mà hai con ngan chạy! Chú ngan nhỏ chậm chân, bị rắn tiêm nọc độc vào lưng. Tội nghiệp, chú nằm quay lơ, giãy giụa một lát thì chết. Con rắn ghê gớm lừ đừ trườn đi mất.
Sáng hôm sau, Lặc thấy xác con ngan nằm chết rũ. Nhìn một vết dài lăn nhăn trong rãnh bùn ướt từ ao lên trên gậm chuồng thì Lặc biết ngay là con ngan kia bị rắn phun chết. Nó chạy vào nhà, hô hoán ầm lên. Lũ trẻ thập thò ra xem nhìn nhau, rón rén bước từng bước một, như sợ con rắn nguy hiểm hãy còn luẩn quẩn quanh ở đấy.
Lặc xách cẳng ngan lên. Nó ngắm nghía và nói:
- Hoài của. Thế lày mà rắn cắn chết, thịt đang mềm nắm. Chốc lữa tôi vào xin ông mang về...
- Ăn?
- Chứ nỵ gì! Hôm lọ, con gà chọi tôi cũng mang về ăn đấy. Chỉ phải bỏ cái diều đựng cơm thôi. Ngon đáo để. Tội gì, thịt ăn chẳng có, nại có thịt vứt đi.
- Nhưng đằng này rắn phun độc lắm.
- Độc xộc vào mồm. Tôi đếch sợ.
Lũ trẻ xanh mắt lại. Chúng chắc rằng ăn thịt ngan rắn cắn, thể nào Lặc với mẹ Lặc cũng chết ngay đuôi ra. Lặc mang con ngan về.
Nhưng sáng hôm sau. Lặc vẫn đến như thường. Mặt mũi vẫn hồng hào và bụng vẫn to. Cả bọn trẻ xúm lại.
- Ăn hết thịt ngan chưa?
- Mấy con lữa cũng ăn hết bay.
- Thế thực anh không sợ nọc rắn độc hử?
Lặc nói nhỏ. Ra lối bí mật:
- Sợ quái gì. Núc nuộc gà thì bỏ một cái đinh lăm phân vào lồi. Sắt kỵ nhau với lọc rắn. Thế nà lọc rắn tan ra lước hết. Chỉ phải bỏ đi lước xuýt, còn thì nhắm được tuốt!
Lũ trẻ ngẩn ngơ nhìn nhau. Ra lối phục cái mẹo ấy là đúng.
o O o
Con ngan nhỏ cuối cùng chết đi, hết dấu vết của đàn ngan.
Không ai nhớ nữa, cả mẹ và cả đến cha chúng. Tàn mùa hè thì hoa xoan rụng. Hai vợ chồng nhà ngan lại đi với nhau. Chồng là một chàng ngan bạch. Thằng cha to gấp đôi vợ. Loài này, bao giờ đực cũng lớn hơn mái. Toàn thân trắng muốt. Nhưng ở cuối mỏ, sùi lên một mụn đỏ. Nếu nó in ít, ta có thể tưởng đấy là trứng cá của loài ngan, nhưng đây nó đầy bì bì, đỏ tía như màu hoa mào gà và ngay ở trên trán, mụn đỏ ấy làm xấu dáng của ngan, dù là một con ngan trắng muốt. Vì còn có những thứ ngan khác hoặc đen biếc, hoặc trắng đốm đen bẩn như người đàn bà đi chợ mùa lạnh mà mặc váy rách vá chùm vá đụp.
Nhưng cũng chỉ có tính nết của ngan làm cho người ta ưa chúng.
Chàng ngan kia bướng bỉnh lạ. Nếu bị người đuổi, chàng chỉ đảo từng bước thủng thỉnh. Và lại còn thò cổ lại “hỏi han” người ta. Nếu chỉ bị đuổi xoàng, chàng còn mổ lại người ta là đằng khác nữa. Chàng không nhát như mấy anh vịt, lúc nào cũng chỉ ngẩn tò te ra nghe ngóng để rình chạy. Song chắc là vốn được bẩm sinh ra thế chứ thực ngan ta chẳng có tâm tính chi. Đã một lần có một đứa trẻ ngắt hai chiếc lá khoai sau nhà. Nó vật con ngan xuống và lấy lá khoai trùm kín cả đôi bên mắt chúng. Đôi ngan bừng mắt ra, thấy màu xanh xanh của lá phủ trên mặt thì quên hết cả trước sau. Chúng cho ngay rằng chúng đương được nằm lơ mơ ở trong bụi cỏ. Bụi cỏ non xanh và mát. Thế là chúng cứ nằm chỏng chân lên, im lặng không nhúc nhích, cho mãi tới lúc hai chiếc lá khô cong, hé nhìn lên thấy trời, chúng mới lóp ngóp bò dậy. Lại thủng thỉnh bước một, gieo những bước nặng lạch bạch xuống nền sân.
Một hôm chàng ngan lừ đừ ra đầu ngõ. Hắn đi ngơ ngác, lờ phờ, lắc lư cái người, lắc lư cái chân, mà lắc lư cả đến cái đuôi ngắn củn. Bất đồ hắn gặp một đứa trẻ độ ba bốn tuổi, chập chững đi vào trong ngõ. Ngõ hẹp và sâu, có những cây xoan cao, thân mốc trắng, cành nặng trĩu những chùm quả chín khô, vàng thậm. Thằng bé cũng trông thấy con ngan. Nó cởi trần cởi truồng nhưng nó không sợ ngan chút nào. Nó thò tay ra vớ lấy cái đầu con vật. Chàng ngan cũng chẳng sợ gì thằng bé. Chàng liền rúc một mỏ vào rốn nó. Thấy buồn buồn, nó lấy tay gạt đi. Chàng ngan lại rúc nữa. Lần này chàng rúc xuống phía dưới bụng. Đúng cái dái. Thế là chàng cứ bặp bặp hai cái mỏ vừa lôi vừa nhay thằng bé.
Thằng bé giãy giụa, gào “mẹ ơi! mẹ ơi!” ầm lên. Mọi người chạy ra thì thằng bé đã cố dứt được cái mỏ ngan tai quái ra rồi. Chẳng có ai ngờ là gã ngan dờ dẫm nọ lại vừa đánh nhau với thằng bé chưa biết nói sõi. Nó chỉ khóc khỏe. Mà gã ngan thì vẫn đứng cạnh đấy, thò dài cổ ra “hỏi han” mọi người, với một điệu rất ngẩn ngơ: Người ta tưởng có một ổ kiến lửa đỏ ở quanh đấy.
o O o
Đằng sau nhà, có một vườn cải. Đấy là một khoảng đất tận góc vườn đằng kia, giáp bờ ao, vun xới, bón tưới do công trình của Lặc. Cùng là ở trong vườn, nhưng Lặc rào kín bốn phía, để đề phòng sự tàn phá của bọn ngan vịt nghịch ngợm. Chỉ hở một cái cửa nhỏ. Mỗi ngày hai buổi, Lặc xách vò nước vào tưới.
Bốn luống cải chạy đều một hàng. Màu xanh tươi tắn giải lên trên màu đất vàng sẫm. Có luống vừa bén chân, mới trổ được đôi ba tờ lá bé. Những mảnh lá xanh rờn, có khía răng cưa, khum xuống sát đất. Cải này trồng để ăn vào Tết Nguyên đán. Cũng có luống những tàu lá cải đã vồng cao. Khía lá rách mạnh vào chiều sâu. Ở giữa chòm lá lòe xòe, vươn lên một cái thân dài mụ mẫm và phấn trắng. Đầu thân, lơ thơ có những chùm hoa nhỏ, những chùm hoa của những đóa hoa nhỏ xíu ấy, mở ra những cánh vàng li ti. Đó là những luống cải để làm dưa. Chúng đã già rồi. Nhưng vườn chỉ đẹp, khi những cây cải già nở hoa vàng. Có không biết bao nhiêu là bướm trắng từ xứ mô tê nào rủ nhau đến chơi ở vườn cải. Chúng họp thành đàn, bay rập rờn trên từng cánh lá. Chỉ bay thôi, mà không đậu. Những cánh trăng trắng phấp phới trên nền cải xanh lốm đốm điểm hoa vàng. Lại thêm có mưa xuân về sớm, mà là trời đổ bụi mưa xuống. Trước gió hiu hiu, những bụi trắng bay loăng quăng vẩn vơ.
Căn vườn đẹp, xinh là thế, mà một bữa kia, có những kẻ rất phàm phu vào bới tung cả lên. Hôm ấy Lặc tưới vườn nhưng lúc ra quên cài then cửa. Một lúc sau, nghe có tiếng khịt khịt thở mũi. Rồi lại có tiếng chân đạch đạch. Rồi thì một chiếc mỏ vàng to bè bè, hai con mắt lơ láo, và cả cái đầu đỏ khé, thò vào trong phên. Thấy phên ngỏ rộng, hai cái chân lũn chũn cũng nhún lên nữa: À, chàng ngan đực đương ì ạch leo vào vườn. Chàng vừa leo vào xong, còn đứng ngẩn ngơ nhìn khu vườn man mác một màu xanh yêu mến, thì ở ngoài lại có tiếng thở, lại có tiếng chân đi, lại một cái đầu đỏ nữa thò vào phên. Con mụ! Con mụ ngan cũng nhảy vào vườn rồi.
Ôi chao! Thực là sung sướng, thực là phê pha. Mấy khi có được những lá xanh, non và mềm thế kia để ăn cho mát ruột. Vợ chồng nhà ngan liền cắm cúi vặt mổ lá cải. Chàng tỉa từng lá, xốc ngoem ngoém. Chúng ăn những cây lá cải già và chúng ăn những cây lá cải non. Chúng nằm xệp xuống giữa luống mà xốc soàn soạt. Vừa ăn, vừa giày vò, vừa ngoe nguẩy hai cái đuôi lý thú. Chẳng bao lâu quang đãng hết một góc hai luống cải. Còn trơ lại ở mặt đất những cái gốc trụi. Ăn mệt ư? Chàng chỉ vỗ cánh đành đạch, đứng nghỉ ngơi một lát rồi lại bắt đầu cuộc ăn nữa. Chúng ăn vô hồi kỳ trận. Vườn cải nát hết. Đàn bướm trắng lởn vởn trong bụi mưa. Bụi mưa vẫn phơi phới xuống. Hai cái mỏ, bốn cái chân, giẫm và nuốt tan hoang cả.
Cuộc tàn phá đang dữ dội thì có một đứa trẻ đi ra vườn, nghé qua khe nứa trông thấy. Nó hốt hoảng chạy vào trong nhà.
Cu Lặc hớt ha hớt hải chạy ra. Môi nó mắm lại. Những bước chân giận dữ vang thình thịch, giá giẫm trúng thì chết cả chó. Có đứa cướp vườn cải! Có đứa cướp vườn cải! Làng nước ơi, hại cu Lặc chưa!
Lặc giương đôi mắt mà nhìn vào vườn: Hai con ngan mải ăn, không biết, cũng có nghếch lên nhìn, nhưng lại cúi xuống ngay và lại xốc lá cải liền liền. Lặc thì Lặc, chúng ít cần, mà nói rằng chúng chẳng có cần mới đúng. Cửa ngỏ thì những con vật đi vào. Có lá non đấy những con vật tha hồ xơi tự nhiên. Giản dị lắm. Nhưng người ta lại không nghĩ giản dị như vậy. Lặc co cẳng đá phốc cho anh ngan đực một đá. Thằng nỡm bắn bổng lên, chúi rấp vào khe giậu. Con mụ cũng được ăn một đá tương tự. Chúng lóp ngóp bò dậy, và dường như trong lúc sửng sốt, chúng không hiểu thế nào ra thế nào cả. Chúng vươn cái cổ, chĩa là là xuống, trợn mắt lên, đồng thanh cất tiếng kêu kiu kíu. Cái gì thế, cái gì thể hử?
Lặc đá liền liền. Lũ trẻ reo lên à à. Mỗi lần bị ngã mà lóp ngóp bò dậy, hai bác ngan lại càng vươn thưỡn cổ ra, đôi mỏ đánh vào nhau cặp cặp. Như cố ý kháng lại. Chúng quay cổ lại nghênh địch, mà không chịu chạy. Lặc đá tới tấp. Loài ngan khỏe thực. Đá lắm chỉ nghe tiếng bồm bộp. Sau Lặc xách cổ đôi ngan, đem nhốt vào chuồng gà. Nó cài kỳ lưỡng hai cái chốt lại.
Vợ chồng nhà ngan bị bỏ tù. Cho đến lúc ấy, chúng cũng không hiểu chi, cứ vươn cổ ra mà kêu rối rít, rất bướng.
Ba hôm sau, đôi ngan được thả ra. Chúng vỗ cánh, dướn chân, bay vè vè trong sân. Nhưng bỗng nhiên, chàng ngan đực vù cao lên. Chị vợ cũng nối cánh. Hai con ngan trắng phau phau bay bổng lên không trung, thấp thoáng trong nền mây trắng. Chúng bay cả ra cánh đồng. Thực là một sự bất ngờ kỳ khôi. Loài ngan có bay biếc trên trời bao giờ đâu. Kỳ tình chúng cũng biết và có thể bay cao lắm. Nhưng ít khi chúng trổ tài cho thiên hạ rõ. Chắc là mấy bữa nay cậu mợ quẩn chân lắm, bây giờ đã được tự do thì xê dịch đi một cái cho sướng cái thân.
Lặc co cẳng chạy đuổi theo. Hai con ngan hạ cánh xuống giữa cánh đồng. Nó túm được và xách cổ cả hai bôông bêêng lôi về nhà.
o O o
Chàng ngan đực chết ngay ngày hôm ấy.
Người ta bày ra sân một bát chiết yêu. Một đứa trẻ được túm hai cánh ngan, giơ cao lên. Một đứa khác cầm hai chân. Lặc tóm cổ ngan, vặt nhẵn một túm lông ở phía mỏ dưới. Nó kề lưỡi dao vào đấy và khía mạnh một cái. Máu đỏ tươi ròng chảy xuống bát. Con ngan giương mắt ra thở khò khè. Nhưng cái màng trắng ở một bên mi kéo lên, khép kín đôi mắt ấy lại. Nó giãy giụa mấy cái mạnh rồi nhuôi ra. Một vật sống từ giã cõi trần...
Mụ ngan đứng cạnh, nhìn vơ vẩn. Mụ nghĩ ngợi chi? Vẫn thở ra thụt vào cái cổ thản nhiên. Thực mụ chẳng biết người ta đương xúm lại để làm gì chồng mụ đấy. Giống này không nhớ chi bao giờ. Một việc qua rồi, được coi tựa như việc chưa có lần nào tới. Mụ chỉ nhớ rõ ràng khi có hạt ngô đo đỏ, hạt thóc vàng vàng, tàu lá xanh thì xô đến mà khởi sự ăn.
Mụ chưa bị chết. Mụ chỉ phải xén cụt hai đầu cánh, để từ giờ cụt hứng bay. Nhưng án của mụ cũng đã được tuyên. Ông ngoại tôi nói:
- Còn con ngan này thì đến hăm ba, cho nó về chầu ông Công.