Số lần đọc/download: 0 / 12
Cập nhật: 2020-11-19 09:00:50 +0700
Chương 21
P
aprika đến Radio Club trước giờ hẹn hai mươi phút. Anh nhà báo tên Matsukane đã cảnh báo trước rằng có người đã thấy Paprika ở quận Roppongi, nên lần này cô cẩn thận hơn nhiều. Cô không muốn thay đổi bộ y phục quen thuộc gồm quần jeans và áo phông đỏ, bởi không có chúng trên người, cô không có cảm giác mình đang là Paprika. Nhưng có lẽ cũng không sao, vì hôm nay cô không cần phải mất thời gian đi vòng quanh Roppongi để tìm Radio Club như lần đầu.
“Ô kìa!”, Kuga vẫn còn nhớ mặt Paprika, ưỡn bụng bia đẫy đà và niềm nở cúi đầu chào cô. “Lâu rồi không gặp.”
“Mời cô vào!”, Jinnai mỉm cười, nói với ra từ quầy pha chế.
Chỉ có một người khách duy nhất ngồi bên quầy. Anh ta giật mình bởi vẻ bề ngoài lạc quẻ của Paprika, nhưng sau giây lát lại quay qua hỏi Jinnai gì đó.
“Anh Konakawa vẫn chưa tới đâu”, Kuga nói và dẫn Paprika đến chiếc bàn hôm trước. “Vừa nãy anh Noda cũng mới gọi điện, bảo tối nay có việc không đến được, nhờ cô chuyển lời chào đến anh Konakawa giùm.”
“Vậy ư.”
Paprika hơi thất vọng đôi chút, nhưng đồng thời cô cũng nhận ra sự tinh tế trong con người Noda Tatsuo. Vốn là một người liêm chính, ông sẽ không lợi dụng cơ hội này để gặp Paprika. Cô cảm mến ông cũng vì lẽ ấy. Vả lại trước mặt Trợ lý Tổng thanh tra, cô cũng không thể nhờ Noda khuyên bảo gì được.
Kuga đứng bên cạnh bàn, nhìn xuống Paprika và nở nụ cười hiền từ như tượng Phật. Cô cũng mỉm cười đáp lại, tự hỏi tại sao mới tới đây một lần mà quán bar này đã trở nên thân thuộc với cô đến thế. Quán đang chơi bài “Satin Doll”.
Paprika nhờ Kuga gợi ý một thức uống ngon. Người bồi bàn ra quầy rồi quay lại bàn Paprika để nhắn lại câu trả lời của Jinnai cho cô biết. Nhìn Kuga tất bật đi đi lại lại, bộ dạng cao hứng hoan hỉ, người khách ngồi bên quầy lại tỏ vẻ ngạc nhiên.
Cuối cùng cô quyết định gọi một ly Ballantine mười bảy năm, tên Black Jack. Cửa mở khi cô đang nhâm nhi ly rượu, mắt lim dim. Konakawa Toshimi, người đàn ông cô đã biết qua lời kể của Noda, bước vào quán. Nhìn cách Jinnai và Kuga vồn vã tiếp đón Konakawa, cô đoán ông ta là khách quen của quán.
“Chào anh, tôi là Paprika.”
Cô đứng dậy, chào hỏi nghiêm túc. Khác với Noda, cô có thể đảm bảo Konakawa sẽ không thoải mái với kiểu cách suồng sã của một cô thiếu nữ mới lớn.
“Chào cô, tôi tên Konakawa.”
Người đàn ông lịch sự đáp lại. Ông ta không nhìn Paprika với ánh mắt hiếu kỳ như những người đàn ông khác. Cô quyết định dùng kính ngữ. Bởi đối phương là người đã luống tuổi, cô nghĩ làm vậy cũng dễ nói chuyện hơn.
Khi Konakawa ngồi xuống đối diện cô, Paprika bị thu hút bởi vẻ nam tính toát ra từ ông. Cô đã nghe Noda kể rằng bạn mình thường phải đi làm công tác ngoại giao thay cho Tổng thanh tra, và giờ cô hoàn toàn có thể hiểu tại sao. Konakawa vạm vỡ, gương mặt hơi rám nắng góc cạnh, hàng ria mép càng làm tăng vẻ cuốn hút nơi ông. Paprika sẽ chẳng lấy gì làm lạ nếu có ai nói người đàn ông đang ngồi trước mặt cô là diễn viên chính của một bộ phim điện ảnh Mỹ. Cô đã gặp nhiều đàn ông, nhưng vẫn bị hút hồn bởi vẻ ngoài của Konakawa. Dù đang mang bệnh, ông vẫn nhìn Paprika với ánh mắt sắc bén của một thám tử chuyên nghiệp.
“Hôm nay anh Noda bận nên không đến được.”
“Vậy à”, Konakawa không biểu lộ cảm xúc gì. Ông nhìn Paprika trong chốc lát, nhưng dường như đã mất hứng thú, ông quay sang thảo luận với Kuga về đồ uống.
Cuối cùng, Konakawa gọi một ly Black Jack như Paprika. Ngay khi người bồi bàn lui đi, cô bắt đầu đặt câu hỏi. “Chắc anh bận lắm phải không?”
“Cô cũng biết mà”, Konakawa gượng cười.
“Chuyện đương nhiên nhỉ. Nhưng mong anh đừng nghĩ tôi chỉ biết hỏi những câu ngu ngốc. Tôi cũng phải hỏi đủ mọi thứ, như khi cảnh sát các anh điều tra vậy thôi.”
“Tôi hiểu rồi”, Konakawa ngồi thẳng dậy, một tín hiệu cho thấy ông đang bắt đầu nhìn Paprika bằng con mắt khác.
“Bởi ngoài những gì anh Noda đã kể, tôi không biết gì về anh Konakawa cả.”
Konakawa bối rối, ông không ước chừng được tuổi thật của Paprika, bởi cách dùng từ đĩnh đạc đâu vào đấy của cô chẳng mấy ăn nhập với vẻ bề ngoài. “Cô cứ hỏi đi, hỏi gì cũng được.”
Cách Konakawa nói chuyện hơi thiếu tự nhiên, nghe như thể ông không hề muốn nhưng vẫn phải cố ép mình nói vậy. Những thủ thuật cơ bản mà các bác sĩ tâm lý thường áp dụng để làm bệnh nhân thấy thoải mái hơn, có lẽ không thể áp dụng được với ông ta. Paprika có chút băn khoăn. Dù gì đây cũng là lần đầu tiên cô chữa trị cho một nhân vật nắm nhiều quyền hành như thế này.
Paprika quyết định bộc lộ hết sự ngưỡng mộ của mình với đối phương. Nếu Konakawa bị trầm cảm thật, lòng tự tôn của ông hiện đang bị tổn thương, cần sự ủng hộ nâng đỡ của những người xung quanh. “Tôi chưa bao giờ dám mơ được gặp và chữa trị cho Trợ lý Tổng thanh tra của Sở Cảnh sát Thủ đô như thế này đâu. Tự nhiên tôi thấy rối quá.”
Konakawa cuối cùng cũng mỉm cười. “Thật ư?”
“Vâng. Tôi rất lấy làm vinh hạnh.”
Kuga mang rượu đến. Hai người im lặng thưởng thức ly đồ uống trên tay.
“Nhưng mà”, lần đầu tiên trong buổi tối, Konakawa tự mình hỏi chuyện Paprika. “Công việc trị liệu tâm lý của cô hữu ích với nhiều người đấy chứ, rất đáng làm.”
Có lẽ ông nói vậy chỉ để khiến cô yên tâm, vì một người như Konakawa đâu rảnh để quan tâm đến nghề nghiệp của người khác. Người này chắc hẳn hiện giờ không mấy mặn mà với công việc của bản thân, Paprika phỏng đoán.
“Công việc của anh cũng thế mà.”
Nghe Paprika nói vậy, Konakawa lại cười gượng gạo. Cô càng thêm tự tin vào phỏng đoán của mình. Trước khi đến đây, cô đã tìm hiểu đôi chút. Trợ lý Tổng thanh tra chỉ là một cấp bậc, không miêu tả một nghề nghiệp cụ thể như Tổng thanh tra. Chính vì thế nên Konakawa mới phải miễn cưỡng làm nhiều công việc đến vậy.
“Nghe nói anh không ngủ được?”, Paprika đi vào chủ đề chính. “Bất tiện lắm đúng không?”
“Ừm, đúng là vậy.”
“Đây là lần đầu tiên?”
“Đúng.”
“Anh cũng mất luôn cảm giác thèm ăn?”
“Đúng.”
“Việc mất ngủ và chán ăn ảnh hưởng thế nào đến công việc hiện tại của anh?”
Konakawa ngẫm nghĩ một lúc lâu. Ông biết câu trả lời, nhưng phải sắp xếp suy nghĩ trong đầu để có thể diễn đạt câu từ sao cho mạch lạc.
“Thực ra”, ông bắt đầu nói. “Tôi là người kiệm lời, giao tiếp với người khác vốn là điểm yếu của tôi. Nhưng với tư cách người đại diện cho Tổng thanh tra, tôi bắt buộc phải nói rất nhiều. Giờ vì mất ngủ, tôi không thể tìm đúng từ để nói, không biết diễn đạt sao cho phải. Mà mọi người lại đặt rất nhiều kỳ vọng vào tôi.” Konakawa im bặt.
“Ngay từ đầu anh đã không thích những việc kiểu vậy rồi đúng không?”
“Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”, Konakawa nhìn Paprika với ánh mắt sắc lẹm như dao.
Cầu toàn. Những người mang đặc điểm tính cách này là những đối tượng dễ bị trầm cảm nhất. Họ đòi hỏi quá nhiều ở bản thân mình, hướng tới những mục tiêu mình khó lòng đạt được, rồi tự đổ trách nhiệm lên đầu mình khi mọi việc không như ý muốn. Họ cố gắng hoàn thành nhiều việc cùng một lúc với những chuẩn mực tương đương. Khi người khác chỉ ra rằng những kỳ vọng của họ là vô lý, họ sẽ đáp lại rằng đó là chỉ tiêu bản thân họ bắt buộc phải đạt được. Hơn nữa chính họ cũng cho rằng mình đương nhiên sẽ thành công nên luôn bỏ ngoài tai lời khuyên của người khác.
“Anh có biết tại sao mình không ngủ được không?”
“Tại tôi cứ mải nghĩ mấy chuyện không đâu ấy.”
“Ví dụ như?”
“Toàn những thứ tầm phào thôi”, Konakawa cười. “Chúng vụn vặt đến mức ngu xuẩn.”
Đối với một người như Konakawa, không thể nói ra những chuyện cỏn con giày vò tâm trí mình là điều tất nhiên. Paprika cũng có chút ít kinh nghiệm từ những ca bệnh trầm cảm khác. Một ví dụ điển hình của những chuyện tầm phào ấy, là người bệnh khi chuẩn bị ngủ sẽ nghe thấy một âm thanh gì đó, họ sẽ trằn trọc tự hỏi không biết bao giờ âm thanh đó sẽ lại xuất hiện, rồi cứ thế thao thức cả đêm không ngủ được.
Paprika vẫn không biết gì về đời sống riêng tư của Konakawa. Muốn khai thác những thông tin đó từ một người ít nói như Konakawa, cô sẽ phải hỏi hết câu này đến câu khác, buổi tư vấn tâm lý sẽ chẳng khác nào hỏi cung. Nên giờ cứ hỏi một câu đã rồi tính sau, Paprika quyết định. “Nhà anh Konakawa ở đâu?”
“Tôi ở khu chung cư dành cho nhân viên cảnh sát ngay gần đây”, ông trả lời rồi im lặng một lúc. Nhưng dường như cũng hiểu ý Paprika, ông lại nói thêm. “Chỉ có hai vợ chồng tôi ở đấy thôi. Con trai tôi lên đại học, ở trọ gần trường.”
Khi trong gia đình xảy ra những biến đổi kiểu như con cái ra ở riêng, gánh nặng chăm sóc con cái của cha mẹ đột nhiên biến mất, chứng trầm cảm rất dễ nảy sinh. Chuyện Konakawa mắc trầm cảm đã gần như chuẩn xác một trăm phần trăm. Paprika bối rối. Chữa trị căn bệnh này thường mất rất nhiều thời gian, nhưng cô vẫn còn công việc của mình, vả lại những rắc rối trên Viện vẫn đợi cô giải quyết. Không biết đào đâu ra thời gian đây? Nhưng cô cũng không thể để mặc bệnh nhân trước mặt mình như vậy được.
“Thông thường, những trường hợp như của anh Konakawa, cách giải quyết hữu hiệu nhất chỉ có thể là…”, Paprika ngưng lại giữa chừng.
“Gì cơ?”, ánh mắt Konakawa ngập tràn kỳ vọng, bởi cuối cùng cũng được nghe ý kiến của chuyên gia.
“Nghỉ ngơi vài tháng.”
“À”, Konakawa hướng ánh nhìn lên khoảng không phía trên đầu Paprika, như thể muốn nói “Giải pháp bất khả thi”.
“Muốn chữa bệnh tận gốc, anh cần phải tách rời bản thân ra khỏi nhịp sống thường ngày, thay vì vô vọng tìm cách khắc phục chứng mất ngủ và sầu muộn. Nhưng bởi anh không thể làm vậy…”, Paprika lại chìm trong suy nghĩ.
Konakawa không phải kiểu người chịu nghỉ ngơi cho đến khi khỏi bệnh. Chính bởi bản tính ấy nên ông ta mới rơi vào tình trạng như hiện giờ. Paprika hạ quyết tâm. Nhất định phải giúp đỡ người này thôi.
“Được rồi. Thế thì tôi phải phân tích giấc mơ của anh thôi. Anh Noda đã kể cho anh nghe về trị liệu tâm lý thông qua việc tìm hiểu giấc mơ chưa?”
“Tôi có nghe qua”, Konakawa nói, giọng điệu như thể muốn bỏ cuộc. Rõ ràng ông không hề tin tưởng vào hiệu quả của cách chữa trị này.
“Để rút ngắn quá trình điều trị, tôi sẽ kê thuốc cho anh luôn.”
“Thuốc ư?”, Konakawa có vẻ không thoải mái lắm.
“Trị liệu tâm lý nghe có vẻ không hay ho gì lắm, nhưng với những trường hợp như của anh Noda, chỉ áp dụng phân tâm học thôi sẽ không hiệu quả đâu. Thế nên bây giờ phần lớn các bệnh nhân đều dùng thuốc.”
“Thuốc an thần ư?”
“Ý tôi là thuốc chống trầm cảm ấy.”
“Tôi bị trầm cảm sao?”
“Vâng, theo như tôi biết là vậy.”
Konakawa ủ rũ. Paprika tránh vòng vo, mục tiêu chính của cô là để người cảnh sát an lòng với phương thức điều trị bệnh.
“Vì tôi sẽ đồng thời phân tích giấc mơ luôn nên anh đừng lo, lượng thuốc của anh sẽ được giữ ở mức tối thiểu.”
“Thuốc này có tác dụng phụ không?”
Paprika mỉm cười đầy tự tin và bắt đầu giải thích chi tiết, dáng vẻ cô khi ấy kích thích trí tò mò ham học hỏi trong Konakawa. Đây là lĩnh vực cô nắm rõ nhất.
“Có nhiều loại thuốc lắm. Thuốc gì có hiệu quả như thế nào, bác sỹ chúng tôi biết hết.” Sau khi thiết bị PT được đưa vào sử dụng, các chuyên viên tâm lý có thể tiến hành quét suy nghĩ của bệnh nhân sau khi dùng thuốc, nhờ vậy mà biết rõ tác dụng của từng loại. “Thuốc tác động lên các khe xinap trong não chúng ta. Monoamin là một chất cần thiết trong việc dẫn truyền xung thần kinh từ xinap này sang xinap khác. Thuốc có khả năng kiểm soát monoamin…”