Số lần đọc/download: 0 / 53
Cập nhật: 2021-05-22 19:07:47 +0700
Chương 21 - Khám Phá Vũng Ảo Tưởng - Cảng Hòn Gấu - Dự Kiến Quay Về Động Người Pháp - Khảo Sát Phía Bắc Đảo - Suối Bắc - Rừng Sồi - Trận Tố Lốc Kinh Hoàng - Đêm Ảo Giác - Trời Sáng
V
iệc trước tiên Doniphan, Webb, Cross và Wilcox làm là ra tận cửa sông đứng trên bờ háo hức đưa mắt nhìn ra mặt biển phía đông lần đầu các cậu được thấy. Cũng hoang vắng chẳng khác gì bên kia. Tuy nhiên, Doniphan lưu ý các bạn:
- Nếu đảo Chairman không xa lục địa châu Mỹ, chúng ta có cơ sở để tin điều đó, thì tàu thuyền đi qua eo Magellan và ngược lên các cảng của Chile, Peru thế nào cũng phải đi về hướng đông. Thêm một lí do để bọn ta cư trú tại vũng Ảo Tưởng. Mặc dầu Briant đã gọi vũng biển này như vậy, mình hi vọng rằng chẳng bao lâu cái tên xúi quẩy đó sẽ không đúng nữa.
Rất có thể Doniphan nói thế nhằm biện minh hoặc ít ra là thêm lí do để tách khỏi các bạn ở động Người Pháp. Dầu sao, suy xét cho kĩ thì đúng là ở phía đông đảo Chairman mới có nhiều cơ hội phát hiện tàu biển trên đường lui tới các cảng Nam Mỹ.
Sau khi quan sát chân trời qua viễn kính, họ xem xét cửa sông Đông. Cũng như Briant, Doniphan và các bạn nhận thấy thiên nhiên đã tạo cho nơi này một cảng nhỏ kín gió và tránh được sóng lừng. Nếu du thuyền cập vào đảo Chairman ở phía này thì rất có thể không bị mắc cạn và vẫn còn nguyên vẹn để các cậu hồi hương. Phía sau các khối đá tạo thành cảng là khu rừng chẳng những ăn tới hồ Gia Đình mà còn trải rộng về phía bắc, nhìn lên chỉ thấy một màu xanh rì. Còn về hang động thì đúng là Briant nói không ngoa chút nào, khiến Doniphan phải phân vân trong việc lựa chọn. Cuối cùng, nghĩ rằng hợp lí nhất là ở gần sông Đông nên cậu đã chọn một hang nền toàn cát mịn, có nhiều khúc quanh, tiện lợi chẳng kém gì động Người Pháp. Động này có thể đủ chỗ ở cho cả trại di thực vì có cả một loạt hốc liền kề nhau, mỗi hốc có thể bố trí làm một phòng riêng chứ không chỉ có kho và sảnh.
Ngày hôm ấy được dành cho việc khảo sát bờ vũng trong phạm vi một đến hai dặm. Doniphan và Cross tranh thủ hạ được mấy con tinamou. Wilcox và Webb chăng dây câu ở thượng lưu cách cửa sông Đông khoảng trăm bước bắt được dăm, sáu con cá cùng loại với cá ở lạch Zealand, trong đó có hai con cá chày khá to. Sò, ốc thì đầy rẫy trong các hốc ở dải đá chắn sóng phía đông bắc. Vẹm và sao sao rất nhiều và ngon. Như vậy, việc bắt các loài nhuyễn thể này cũng như cá ở biển ẩn trong những đám tảo nâu lớn dưới chân dải đá chắn sóng là trong tầm tay, không cần đi xa tới bốn, năm dặm như ở động Người Pháp.
Ta không quên trong chuyến khảo sát trước, Briant đã trèo lên đỉnh một khối đá lớn giống một con gấu khổng lồ, Doniphan cũng có ấn tượng mạnh với hình thù lạ lùng ấy. Vì vậy khi chiếm hữu nơi này, cậu đặt tên là cảng Hòn Gấu và ghi vào bản đồ đảo Chairman.
Buổi chiều, Doniphan và Wilcox trèo lên đỉnh Hòn Gấu để mở rộng tầm nhìn ra biển. Nhưng về phía này chẳng hề thấy đất đai cũng như tàu thuyền nào. Cả cái vệt trăng trắng ở phía đông bắc khiến Briant chú ý họ cũng không thấy, hoặc là do lúc đó mặt trời đã xuống quá thấp, hoặc là do Briant bị ảo giác chứ thực ra không hề có cái vệt ấy cũng nên.
Họ ăn tối dưới tán một cây sếu tuyệt đẹp, cành vươn ra cả mặt sông. Rồi họ bàn việc quay lại động Người Pháp mang các vật dụng cần thiết tới đây. Webb nói:
- Mình nghĩ là nên làm ngay, không chậm trễ vì từ đây về tới động Người Pháp cũng đã mất mấy ngày rồi.
- Nhưng khi trở lại đây thì tốt hơn là vượt qua hồ rồi xuôi theo sông Đông bằng xuồng như Briant ấy. - Wilcox góp ý.
- Như thế nhanh và đỡ mệt hơn. - Webb phụ họa.
- Cậu nghĩ sao, Doniphan? - Cross hỏi.
Doniphan suy nghĩ thấy ý kiến của các bạn thật hay, cậu đáp:
- Wilcox rất có lí, ta sẽ đi xuồng do Moko lái.
- Với điều kiện là Moko đồng ý. - Webb nói, giọng ngờ vực.
- Sao nó lại không đồng ý? - Doniphan trả lời - Mình lại không có quyền ra lệnh cho nó như Briant hay sao?
- Nhất định nó phải đồng ý! - Cross nói to. - Nếu chúng ta buộc phải vận chuyển đồ đạc trên bộ thì biết bao giờ mới xong. Mình xin lưu ý các cậu là không thể kéo xe qua rừng được đâu, ta cứ phải dùng xuồng.
- Nhưng nếu họ không cho ta dùng xuồng thì sao? - Webb nhắc nhở.
- Không cho! - Doniphan thét - Ai không cho?
- Briant. Hắn không phải là trưởng đảo hay sao?
- Briant không cho!… - Doniphan đai lại - Hắn có quyền sở hữu cái xuồng hơn chúng ta sao?… Nếu hắn dám không cho…
Doniphan không nói hết câu, nhưng người ta cảm thấy chàng trai hách dịch này không phục tùng bất cứ mệnh lệnh nào của đối thủ.
Tuy nhiên, Wilcox lưu ý các bạn là bàn về chủ đề ấy thật vô bổ. Theo cậu Briant sẽ tạo mọi điều kiện cho họ sắp xếp chỗ ở tại Hòn Gấu và chẳng việc gì phải bực tức không đâu. Chỉ nên quyết định có quay lại động Người Pháp ngay hay không thôi.
- Mình thấy phải quay lại ngay. - Cross nói.
- Ngay ngày mai à? - Webb hỏi.
- Không! - Doniphan nói - Trước khi quay lại, mình muốn đi xa hơn để tìm hiểu khu vực phía bắc đảo. Nội bốn mươi tám giờ, sau khi tới bờ biển phía ấy, chúng ta sẽ trở lại Hòn Gấu. Biết đâu ta chẳng phát hiện được một vùng đất mà nạn nhân người Pháp không thấy nên không vẽ trên bản đồ. Ta định cư trú ở đây mà không hiểu rõ điều đó là chẳng khôn ngoan.
Nhận xét thế là đúng. Vì vậy dù phải kéo dài chuyến đi tới hai, ba ngày, họ vẫn quyết định thực hiện ngay.
Hôm sau, ngày 14 tháng 10, từ bình minh các cậu đã men theo bờ biển đi lên phía bắc. Suốt một quãng khoảng ba dặm, giữa rừng và biển vẫn lô nhô những khối đá, chỉ để lại bên rìa một bãi biển toàn cát rộng độ một trăm bộ. Đến trưa, sau khi vượt qua khối đá cuối cùng, họ dừng lại ăn sáng bên một con suối thứ hai chảy vào biển, nhưng căn cứ theo hướng của dòng chảy từ bắc-tây bắc xuống nam-đông nam, có thể đoán biết nó không bắt nguồn từ hồ ra. Lượng nước chảy ra biển qua một cửa hẹp là của vùng phía bắc đảo. Vì vậy Doniphan đặt tên là suối Bắc vì quả thật nó chưa xứng với tên sông.
Chỉ mấy nhát chèo xuồng cao su là sang bên kia, rồi các cậu đi theo ven rừng liền với bờ trái. Trên đường đi, Doniphan và Cross mỗi người nổ một phát súng trong trường hợp sau đây:
Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, đang đi theo dòng suối, Doniphan nhận ra là bị chệch về tây bắc, mà các cậu thì muốn đến bờ đảo phía bắc. Cậu đang định quay sang phải thì Cross bỗng ngăn lại kêu:
- Nhìn kìa, Doniphan! Nhìn kìa!
Cậu trỏ về phía một hình thù gì đó đang di chuyển rất rõ giữa cỏ cao và lau sậy ven suối, dưới tán cây. Doniphan ra hiệu cho Webb và Wilcox đứng im rồi cùng với Cross, súng đã lên đạn, lặng lẽ lẻn tới gần cái khối to lớn đang cử động kia.
Đó là một con thú to lớn, có thể cho là tê giác nếu nó có sừng và môi dưới không dài quá khổ.
Một tiếng nổ, tiếp ngay sau là tiếng thứ hai. Doniphan và Cross gần như đồng thời nhả đạn. Chắc chắn là ở cự li một trăm năm mươi bộ, đạn chì chẳng ăn nhằm gì với bộ da dày của con vật và nó vọt khỏi bụi lau, nhanh chóng vượt qua suối và lẩn mất tăm vào rừng. Doniphan kịp nhận ra đó là một con vật lưỡng cư, hoàn toàn vô hại, một con “anta” kếch sù có bộ lông màu nâu, còn gọi là heo vòi*, thường thấy cạnh các sông ngòi Nam Mỹ. Vì có hạ được nó cũng chẳng ích gì nên các cậu khỏi phải tiếc rẻ, có chăng là lòng tự ái của các tay săn bị đụng chạm ít nhiều mà thôi. Ở phần này của đảo Chairman, ngút tầm mắt vẫn là cây rừng xanh rì. Thực vật chen chúc đến kì lạ. Sồi có hàng ngàn cây nên Doniphan đặt tên là rừng Sồi và ghi vào bản đồ cùng với tên Hòn Gấu, suối Bắc đã đặt trước đó. Thế là đã vượt được chín dặm. Cũng từng ấy đường đất nữa là các nhà thám hiểm trẻ sẽ tới đầu đảo phía bắc. Đó là việc của ngày mai.
Heo vòi không phải động vật “lưỡng cư” như mô tả trong nguyên tác.
Hôm sau, mặt trời mới mọc các cậu lại tiếp tục đi. Có lí do để phải khẩn trương. Thời tiết đe dọa thay đổi. Gió chuyển sang hướng tây và có chiều mạnh lên. Mây từ ngoài khơi đã dồn vào, tuy vẫn còn cao. Đi ngược gió, dù là gió bão thì các chàng trai quả cảm này cũng chẳng ngại. Nhưng gió mạnh thường kèm theo mưa to thì gay go lắm, có khi buộc họ phải bỏ dở cuộc thám hiểm trở về Hòn Gấu cũng nên. Vậy là họ rảo bước dù phải chống lại gió mạnh tạt ngang. Ngày hôm ấy cực kì vất vả, báo trước một đêm tồi tệ. Thật vậy, gió thổi như bão tấn công vào đảo và đến 5 giờ chiều thì sấm sét đùng đùng kéo dài giữa những tia chớp lóa mắt. Doniphan và các bạn vẫn không lùi bước. Ý nghĩ sắp tới đích khuyến khích họ. Thêm nữa, rừng sồi vẫn kéo dài nên họ luôn luôn có thể tìm chỗ trú ẩn dưới tán cây. Gió quá mạnh nên không sợ có mưa. Hơn nữa biển cũng không còn xa nữa. Vào khoảng 8 giờ đã nghe tiếng sóng dồi vang động ầm ầm chứng tỏ ngoài khơi có dải đá ngầm. Trong khi đó bầu trời đầy mây dày đặc sẫm dần. Để nhìn được ra khơi xa phải mau chân để tận dụng chút ánh sáng cuối cùng trong không gian. Ngoài bìa rừng là bãi cát rộng khoảng một phần tư dặm, có lớp lớp sóng trắng xóa sau khi va vào dãy đá chắn sóng ào ạt xô tới.
Mặc dầu đã rất mệt, bốn cậu vẫn còn sức chạy để tranh thủ ánh sáng ban ngày nhìn xem phía biển này bao la vô tận hay chỉ là một khoảng hẹp ngăn giữa đảo với một lục địa hay một đảo khác.
Đột nhiên người đi trước một chút là Wilcox dừng lại, chỉ một đống đen trên bãi biển. Liệu đó có phải là một sinh vật biển, như cá voi chẳng hạn, bị mắc cạn hay một con thuyền lúc thủy triều lên cao bị đánh vọt qua dải đá ngầm dạt lên bãi?
Phải, đúng là một cái xuồng nằm nghiêng bên mạn trái và kia, gần dải rong do nước triều lên để lại, Wilcox chỉ cho mọi người thấy hai thân người nằm cách xuồng vài bước.
Thoạt tiên Doniphan, Webb và Cross dừng lại, rồi chẳng hề suy nghĩ, họ lao qua bãi cát tới trước hai thân người nằm dài trên cát - có lẽ là hai xác chết cũng nên. Thế là đột nhiên họ phát hoảng, vội vã chạy vào tìm nơi trú ẩn dưới các lùm cây, chẳng hề nghĩ rằng biết đâu trong hai cơ thể kia sự sống vẫn còn thoi thóp rất cần được cấp cứu.
Trời đã tối mịt, tuy vẫn còn vài ánh chớp lóe lên rồi chẳng bao lâu cũng hết. Trong đêm đen dày đặc, tiếng cuồng phong gào rú hòa vào tiếng sóng biển ầm ầm dữ dội. Bão cực lớn! Khắp nơi cây cối gãy răng rắc, trú dưới tán rừng không phải là không nguy hiểm. Nhưng không thể ra bãi biển được, gió quạt cát bay như vãi đạn. Suốt đêm cả bốn chàng trai phải tụ lại nguyên một chỗ, không hề chợp mắt được chút nào, rét khổ rét sở vì không đốt được lửa mà có đốt thì gió bão cũng sẽ làm bắn tung, không chừng gây cháy những cành củi khô đầy mặt đất cũng nên. Họ không ngủ được cũng còn vì xúc động nữa. Thuyền kia từ đâu tới? Những người bất hạnh kia thuộc dân tộc nào? Gần đây có vùng đất nào không? Chiếc xuồng dạt vào đây là từ vùng đất ấy hay là từ một con tàu bị đắm vì gió bão?… Các giả thuyết ấy đều có thể chấp nhận được và nhân mấy lúc gió lặng hiếm hoi, Doniphan và Wilcox đứng liền kề trao đổi nhỏ với nhau. Đồng thời trí óc họ bị ảo giác nữa. Các cậu tưởng như nghe thấy những tiếng kêu xa xa khi gió dịu đi một chút và các cậu chú ý lắng tai tự hỏi hay là còn những nạn nhân khác đang lang thang trên bãi biển? Không, chắc đó chỉ là ảo giác, chẳng hề có tiếng gọi tuyệt vọng nào vang lên giữa những cơn thịnh nộ của gió bão. Giờ các cậu nhận ra sai lầm của mình khi đã không cưỡng lại được phản xạ hoảng hốt đầu tiên. Các cậu muốn lao ra dải đá chắn sóng dù có bị cuồng phong quật ngã. Nhưng trong đêm tối đen như mực, phải vượt qua bãi cát trống trải, mịt mù những bụi nước bắn ra từ đầu các ngọn sóng thủy triều đang lên thì làm sao mà đến được chỗ cái xuồng mắc cạn và những người bị nạn. Hơn nữa các cậu đang mỏi mệt cả về tinh thần lẫn thể chất. Lâu nay, các cậu phải tự lo liệu mọi chuyện nên cứ tưởng mình đã là người lớn, giờ đây, lần đầu tiên từ khi du thuyền Sloughi mắc nạn, đứng trước sự hiện diện của con người nhưng lại chỉ là những xác chết mà biển ném lên đảo, các cậu lại cảm thấy mình vẫn chỉ là những đứa trẻ mà thôi. Cuối cùng, khi đã bình tĩnh trở lại, các cậu hiểu bổn phận của mình là phải làm gì. Hôm sau, trời sáng là các cậu sẽ ra bãi biển, đào hố chôn cất hai nạn nhân ấy sau khi đọc kinh cầu xin sự cứu rỗi cho linh hồn họ.
Đêm ấy tưởng chừng vô tận, bình minh dường như không còn trở lại để xua tan nỗi kinh hoàng. Đã thế lại không xem được đồng hồ để biết giờ giấc nữa vì không thể đánh diêm dù đã lấy chăn che, Cross đã thử mà chẳng được. Wilcox liền nghĩ ra cách khác để áng chừng thời gian. Đồng hồ của cậu lên giây mười hai vòng thì chạy được hai mươi bốn giờ. Vậy là mỗi vòng được hai giờ. Cậu mới lên giây lúc 8 giờ tối, giờ chỉ cần lên giây lại xem đã hết mấy vòng thì biết được thời gian đã trôi qua. Cậu làm thế và thấy chỉ phải vặn bốn vòng nên áng chừng lúc này là 4 giờ sáng, chẳng mấy nữa là hết đêm.
Quả là thế, chẳng bao lâu, phía đông đã hửng lên. Gió vẫn chưa nhẹ đi, mây sà sát mặt biển, e rằng mưa sẽ đổ xuống trước khi các cậu về tới cảng Hòn Gấu. Nhưng việc đầu tiên là làm tròn bổn phận với hai người bị nạn. Vì vậy ánh bình minh vừa rọi qua màn hơi nước tích tụ ngoài khơi, họ đã cùng nhau ra bãi biển. Thật là vất vả vì gió cứ đẩy họ ngược trở lại. Nhiều lần họ phải níu chặt lấy nhau mới không bị quật ngã.
Chiếc xuồng mắc cạn nằm trên một ụ cát nhỏ. Họ thấy rõ dấu vết từng đợt thủy triều được gió đẩy cao hơn đã vượt qua xuồng. Còn hai thân người thì không thấy ở đó nữa. Doniphan và Wilcox đi thêm vài chục bước trên bãi biển. Chẳng thấy gì!… Cũng không có dấu vết, mà nếu có thì khi thủy triều rút xuống cũng xóa hết rồi. Wilcox kêu:
- Vậy là mấy người khốn khổ ấy vẫn còn sống vì họ đã trở dậy được!
- Thế họ ở đâu? - Cross hỏi.
- Họ ở đâu ấy à? - Doniphan chỉ tay ra mặt biển đang cuộn sóng rồi trả lời - Ở ngoài ấy, thủy triều đã cuốn họ ra ngoài ấy!
Cậu bò ra tận dải đá ngầm, đưa kính viễn vọng lên quan sát mặt biển.
Chẳng thấy gì! Hẳn là xác những người xấu số đã bị cuốn ra khơi.
Doniphan quay lại với các bạn đang ở cạnh xuồng. Có thể trong đó có người sống sót chăng?
Xuồng rỗng không!
Xuồng này là của một tàu buôn, có boong trước, sống dài khoảng ba mươi bộ, không sử dụng được nữa vì vỏ sườn trái do va đập khi mắc cạn bị vỡ ở đường mớn nước. Một khúc cột buồm bị gãy ở chân cột, vài mảnh vải buồm giắt lại ở các đinh chốt lan can mạn xuồng, mấy đoạn thừng chão… Tất cả trang bị buồm và thừng chão chỉ còn có thế. Lương thực, dụng cụ, vũ khí… Chẳng có gì trong các hòm kể cả dưới boong mũi. Đuôi xuồng có mấy cái tên chỉ rõ xuồng là của con tàu nào, ra đi từ cảng nào:
Severn - San Francisco
San Francisco! Một cảng ở bờ biển bang California! Tàu này mang quốc tịch Mỹ!
Còn bờ biển phía này, nơi những nạn nhân của tàu Severn bị gió bão ném vào thì chỉ có biển ở chân trời.