Biển lặng không làm nên những thủy thủ tài giỏi.

Tục ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Dịch giả: Nguyễn Thái Linh
Biên tập: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Itang
húng tôi đi đến chỗ từng có các khu trại. Đây chắc hẳn là trạm xá, giờ đã bị ai đó tàn phá, hủy hoại. Là ai? Những chiếc giường lật nhào, bàn gãy, tủ mở toang. Cái máy chụp X-quang vừa bị đá đập vỡ, méo mó, tay đòn bị giật ra, tấm bảng có các chỉ số và đồng hồ bị giẫm nát. Đây có thể là máy chụp X-quang duy nhất trong vòng bán kính năm trăm cây số. Giờ đây ai đó đã biến nó thành đống sắt vụn. Nhưng là ai? Và tại sao? Bên cạnh là chiếc máy phát điện, cũng bị đập vỡ, phá hỏng. Những vật dụng kỹ thuật duy nhất (ngoại trừ vũ khí, tất nhiên) cho cả một vùng rộng lớn, giờ đây nằm bất động, trở thành phế thải.
Chúng tôi rời khỏi đó bằng con đường đắp cao, đến một khoảnh đất khô duy nhất. Nước ngập cả hai bên, mùi thối rữa, muỗi mòng như cuồng như điên. Đầm lầy nối tiếp đầm lầy, lác đác mấy túp lều trên đầm, phần lớn bỏ hoang, song vài túp lều có người ngồi hay nằm bên trong. Ở trong nước ư? Đúng vậy, ở trong nước, chính mắt tôi nhìn thấy. Cuối cùng, người ta tập hợp được một, hai trăm người. Ai đó bảo họ đứng thành vòng. Họ đứng lặng câm, bất động. Những người khác đã đi đầu rồi, một trăm năm mươi nghìn người, họ đi đâu chỉ trong một đêm? Sang Sudan. Vì sao? Lãnh đạo ra lệnh. Người trong trại là những người đã bị đói nhiều năm, không còn biết suy nghĩ, mất phương hướng, mất ý chí. Có ai đó ra lệnh cho họ là còn tốt, còn biết rằng họ tồn tại, còn muốn gì đó ở họ. Vì sao họ không đi khỏi trại cùng những người khác? Không thể xác định được. Họ có muốn gì không? Không, không muốn gì cả. Chừng nào còn nhận được viện trợ thì họ còn sống. Không có cứu trợ, họ sẽ chết. Hôm qua họ nhận được viện trợ. Và hôm kia. Như vậy thực ra cũng không tệ và không có gì phải đòi hỏi.
Một người đàn ông lớn tuổi ra hiệu cho họ giải tán. Tôi hỏi xem có được phép chụp ảnh không. Tất nhiên là được. Ở đây, mọi thứ đều được phép.
Cái giếng
Có ai đó đánh thức tôi, tôi cảm thấy cái chạm khẽ khàng và thận trọng. Khuôn mặt cúi xuống tôi màu đen, tôi nhìn thấy bên trên nó chiếc khăn xếp trắng, trắng đến nỗi gần như phát sáng, như thể được láng lưu huỳnh, vẫn còn là đêm, nhưng xung quanh đã nhộn nhịp. Các bà các cô đang dỡ lều, đám trai tráng tiếp thêm củi vào đống lửa. Có sự hối hả trong cái lộn xộn này, một cuộc chạy đua với thời gian: phải làm được càng nhiều việc càng tốt trước khi mặt trời xuất hiện và bắt đầu nóng nực. Vì thế, phải cuốn lều trại vừa ngủ đêm qua và lên đường. Những người này không cảm thấy bất cứ mối liên hệ nào với nơi chốn mà họ đang ở. Họ sẽ đi khỏi đây ngay, không để lại dấu vết. Trong các bài ca họ hát hằng đêm, một điệp khúc sẽ luôn lặp lại: “Tổ quốc của tối ư! Tổ quốc tôi là nơi có mưa rơi”.
Nhưng còn lâu mới đến tối. Trước hết, phải chuẩn bị lên đường. Bởi thế việc đầu tiên là cho lạc đà uống nước. Việc này mất rất nhiều thời gian, vì lạc đà có thể uống những lượng nước khổng lồ để dự trữ, điều mà con người hay bất cứ sinh vật nào khác đều không thể làm được. Sau đó các chàng trai vắt sữa chúng, đổ đầy các bầu da bẹt thứ sữa hơi chua và đắng. Rồi đám cừu và dê uống nước ở giếng. Chúng khoảng chừng hai trăm con. Phụ nữ trông nom đám gia súc này. Con người uống nước cuối cùng, đầu tiên là đàn ông, rồi mới đến phụ nữ và trẻ em.
Bây giờ ở phía chân trời xuất hiện làn ánh sáng đầu tiên - đó là sự báo hiệu ngày mới và lời gọi cầu kinh sáng. Đàn ông cầu nguyện, trước hết họ vóc nước rửa mặt, việc này đòi hỏi sự tập trung cũng như khi cầu nguyện: không một giọt nước nào, như từng lời của Chúa, có thể bị phí hoài.
Rồi phụ nữ mang cho đàn ông mỗi người một chén trà. Đây là loại trà nấu với đường và bạc hà, sánh như mật ong và rất đặc, vào mùa khô khi thiếu lương thực, nó phải đủ thay cho thức ăn cả ngày đến tận chén trà tiếp theo - vào bữa tối.
Mặt trời ló dạng, trời sáng dần, đã đến lúc phải lên đường. Đi đầu là đàn lạc đà do đàn ông và trai tráng cưỡi. Tiếp theo, đám cừu và dê tung bụi mịt mù. Ngay sau chúng là phụ nữ và trẻ em. Đoàn người và súc vật thường đi theo thứ tự như thế, song lần này, ở tận cuối đoàn có cả Hamed cùng con lừa của mình, và tôi. Hamed là một tiểu thương người Berbera, nơi tôi trọ đêm trong khách sạn. Khi anh bảo tôi rằng anh sẽ đi cùng mấy người anh em họ đến thăm anh trai ở Laascaanood, tôi xin anh đem tôi theo.
Nhưng Berbera ở đâu? Laascaanood ở đâu? Cả hai đều nằm trên miền Bắc Somalia. Berbera nằm bên Vịnh Aden, còn Laascaanood nằm trên Cao nguyên Hawd. Buổi sáng, những người bạn đồng hành của tôi cầu nguyện, quay mặt về hướng Bắc, hướng Mecca, bên phải là mặt trời, còn bây giờ, khi chúng tôi lên đường, mặt trời ở bên trái. Địa lý vùng này là thế, phức tạp, rắc rối, nhưng chớ có nhầm lẫn gì ở đây: trong các điều kiện khí hậu sa mạc như thế này, nhầm lẫn nghĩa là chết. Ai đã từng đến đây đều biết nơi này là vùng nóng nhất thế giời. Nhưng chỉ những người đã biết rõ nó mới hiểu đầy đủ những gì tôi nói. Bởi vì thời gian ban ngày vào mùa khô, nhất là buổi trưa, là một địa ngục không thể chịu đựng nổi. Thực sự là ta bị rang lên trong lửa. Xung quanh mọi thứ đều bốc cháy. Thậm chí bóng râm cũng nóng, thậm chí cả gió cũng rừng rực. Tựa như một thiên thạch bốc lửa đang tiến đến gần và các tia nhiệt của nó biến tất cả thành tro. Vào giờ ấy con người, động vật và cây cối trở nên bất động, tê cứng. Im lặng bao trùm, sự yên tĩnh chết chóc và rùng rợn bao trùm.
Chính lúc này chúng tôi đang đi trên sa mạc hoang vu, đối mặt với hiện tượng chói lóa ấy, đỉnh điểm của một ngày nảy lửa, đối mặt với cực hình của cái nóng thiêu đốt và nỗi kiệt lực mà thêm vào đó, chẳng có nơi ẩn náu, cũng không thể trốn chạy. Không ai trò chuyện, như thể việc bước đi đã hút hết tâm trí và sức lực, mặc dù nó vẫn là một việc thường ngày, là cái lệ nhàm chán, là thói quen, chỉ thi thoảng mới nghe thấy tiếng gậy quất vào sườn con lạc đà lười biếng hay tiếng phụ nữ quát đám dê ngỗ ngược.
Gần mười một giờ, đoàn người chậm bước, sau đó dừng lại và tản ra. Bây giờ mỗi người đều cố gắng tránh nắng. Cách duy nhất là đến dưới gốc những cây keo tán rộng, cành sum suê mọc rải rác đây đó, ngọn cây bằng và tơi tả hình dáng như chiếc ô: ở đó có bóng râm, ở đó giấu một chút mát mẻ. Ngoài những cái cây này, khắp nơi chỉ toàn cát là cát. Lác đác có vài bụi cây đầy gai. Cành cháy rụi, cỏ khô nhám. Những mảng rêu xám, giờn. Hiếm lắm mới có các tảng đá nhô lên, những mỏm đá bạc màu, những đống đá vụn.
- Nghỉ lại ở cạnh giếng không tốt hơn sao? - tôi hỏi Hamed, khát khô cả họng. Chỉ mới ngày thứ ba trên đường mà tôi đã không còn sức đi tiếp. Chúng tôi ngồi tựa vào thân cây, trong vòng hẹp của bóng râm, chật đến nỗi chỉ vừa thêm cho đầu một con lừa, còn cả người nó đang bị rang trong nắng.
- Không - anh đáp - vì người Ogaden đang từ phía Tây đến, chúng ta không đủ sức chống lại họ.
Khi đó tôi hiểu rằng chuyến đi của chúng tôi không phải là một cuộc di chuyển thường tình từ nơi này sang nơi khác, mà vừa đi chúng tôi vừa tham gia trận chiến, vào các thao diễn nguy hiểm không ngừng, vào các xung đột và mâu thuẫn có thể kết thúc một cách tệ hại bất cứ lúc nào.
Người Somalia là một dân tộc vài triệu người. Họ có ngôn ngữ, lịch sử, văn hòa, lãnh thổ và tôn giáo chung - Hồi giáo. Khoảng một phần tư dân số sinh sống ở miền Nam và làm nông nghiệp, trồng lúa miến, ngô, đậu và chuối. Nhưng phần lớn là chủ nhân các đàn gia súc, những người du cư, nay đây mai đó. Chính là họ đang đi cùng tôi, trên vùng bán sa mạc bao la ở đâu đó giữa Berbera và Laascaanood. Người Somalia chia thành vài thị tộc lớn (như Isaaq, Daarood, Dir, Hawiye), các thị tộc này lại chia ra hàng chục thị tộc nhỏ hơn, chúng lại chia thành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhóm họ hàng. Các thỏa thuận, liên minh, xung đột trong các mối quan hệ và dây mơ rễ má của dòng họ tạo nên lịch sử xã hội Somalia.
Một người Somalia sinh ra ở đâu đó trên đường, trong một túp lều hay ngay giữa trời. Anh ta sẽ không biết nơi sinh của mình, nơi sinh không được ghi ở đâu hết. Cũng như cha mẹ mình, anh ta sẽ không có xuất thân từ thành phố hay làng quê nào. Anh ta chỉ có một căn tính, căn tính ấy do mối liên hệ với gia đình, họ hàng, thị tộc tạo nên. Khi hai người không quen biết gặp nhau, họ bắt đầu bằng câu hỏi: “Anh là ai?” “Tôi là Soba, thuộc dòng họ Ahmad Abdullah, dòng họ này thuộc nhóm Mussa Arraye, nhóm này thuộc thị tộc Hasean Said, một phần của liên thị tộc Isaaq”, vân vân và vân vân. Sau màn giới thiệu này, đến lượt người không quen thứ hai kể chi tiết về dòng dõi của mình, xác định gốc rễ mình, việc trao đổi thông tin này diễn ra rất lâu và vô cùng quan trọng, bởi hai người xa lạ cố gắng xác định xem có điều gì gắn bó hay chia rẽ họ không, họ sẽ ôm chầm lấy nhau hay cầm dao xông vào nhau. Ở đây, quan hệ cá nhân, thiện cảm hay ác cảm riêng tư không có ý nghĩa gì; mối tương quan của họ - thân thiết hay thù nghịch - phụ thuộc vào các thỏa thuận hiện hành trong thời điểm đó giữa hai thị tộc. Con người đơn lẻ riêng biệt không tồn tại, anh ta chỉ có ý nghĩa như một phần tử của dòng họ này hay dòng họ khác.
Khi một cậu bé lên tám tuổi, cậu sẽ có vinh hạnh lớn: từ đây cậu sẽ cùng các bạn trông nom đàn lạc đà - tài sản quý giá nhất của dân du mục Somalia. Họ đo tất cả bằng giá trị lạc đà: sự giàu có, quyền lực, mạng sống. Trước hết là mạng sống. Nếu Ahmed giết người thuộc dòng họ khác, dòng họ Ahmed sẽ phải bồi thường. Nếu anh ta giết một người đàn ông thì đền một trăm lạc đà, nếu là đàn bà thì đền năm mươi con. Nếu không, chiến tranh sẽ xảy ra! Con người không thể tồn tại thiếu lạc đà. Anh ta sống bằng sữa lạc đà. Anh ta chở cả nhà mình trên lưng chúng. Anh ta chỉ có thể lập gia đình khi có chúng: muốn lấy vợ thì phải đền cho họ nhà vợ bằng lạc đà. Cuối cùng, anh ta cứu được mạng sống của mình khi bồi thường bằng lạc đà.
Đàn gia súc mà mỗi nhóm họ hàng sở hữu gồm có lạc đà, cừu và dê. Đất đai ở đây không thể trồng trọt được. Chỉ là cát nóng, khô và không sinh sôi được gì hết. Đàn gia súc là nguồn sống duy nhất. Nhưng đám súc vật cần có nước và đồng cỏ. Trong khi đó, ngay cả vào mùa mưa nước và cỏ cũng ít, còn vào mùa khô thì phần lớn các đồng cỏ biến mất hoàn toàn, các ao và giếng cạn đi hoặc hết hẳn nước. Hạn hán và nạn đói nổi lên, đàn gia súc chết, nhiều người bỏ mạng.
Bây giờ, một cậu bé Somalia bắt đầu tìm hiểu thế giới của mình. Cậu học về nó. Những cây keo đơn lẻ kia, những bụi gai tua tủa kia, những cây bao báp to kềnh cô độc kia trở thành các dấu hiệu báo cho cậu biết cậu đang ở đâu và phải đi về đâu. Những mỏm núi cao kia, những dốc đá thẳng đứng, những vách đá nhô ra chỉ dẫn và định hướng cho cậu, không cho phép cậu lạc đường. Nhưng cái quang cảnh này, thoạt tiên đối với cậu có vẻ quen thuộc và rõ ràng, lại nhanh chóng khiến cậu mất tự tin. Bởi hóa ra chính những nơi ấy, chính các mê cung và tập hợp của dấu hiệu ấy khi bị hạn hán thiêu đốt thì trông khác, còn vào mùa mưa, khi được cây xanh sum suê bao phủ thì lại khác; hóa ra các khe núi, các mỏm đá này sẽ có hình dạng, độ sâu và màu sắc khác trong những tia nắng ban mai chiếu ngang, còn vào buổi trưa, dưới các tia nắng chiều thẳng đứng, thì lại khác. Khi đó cậu bé hiểu rằng một quang cảnh luôn giấu trong mình nhiều cách sắp xếp thay đổi khác nhau, phải biết được bao giờ chúng thay thế nhau và theo trình tự nào, chúng có nghĩa gì, nói lên cái gì, cảnh báo điều gì.
Đấy là bài học đầu tiên của cậu: thế giới nói, và nói bằng nhiều ngôn ngữ mà người ta phải học không ngừng. Nhưng dần dà, cậu học thêm bài học khác nữa: cậu làm quen với hành tinh của mình, học tấm bản đồ của mình, nơi có các con đường, hướng đi và hình vẽ của chúng. Vì mặc dù xung quanh có vẻ như chẳng có gì, chỉ là hoang vu trơ trụi, song trên thực tế, các vùng đất này có rất nhiều đường lớn, đường nhỏ và lối mòn cắt ngang, không thấy được trên cát và đá nhưng đã hằn sâu vào trí nhớ của những người bộ hành qua lại nơi ấy từ hàng thế kỷ nay. Và ở đây, cuộc chơi Somalia vĩ đại bắt đầu, cuộc chơi vì sinh tồn, vì mạng sống. Bởi những con đường ấy đi từ giếng này sang giếng khác, từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác. Kết quả của các cuộc chiến, tranh chấp và đàm phán kéo dài hàng thế kỷ là mỗi thị tộc, nhóm họ hàng, mỗi dòng họ có các con đường, giếng nước và đồng cỏ riêng, được công nhận theo lệ. Tinh hình sẽ gần như hoàn hảo nếu năm đó mưa nhiều, các đồng cỏ tươi tốt, đàn gia súc không lớn và không quá nhiều người chào đời. Nhưng chỉ cần có hạn hán, mà điều này lại xảy ra khá thưởng xuyên, chỉ cần cỏ lụi đi và giếng cạn nước! Cả mạng lưới đường sá và lối mòn được cần mẫn dệt nên trong bao nhiêu năm trời, sao cho các thị tộc đi tránh ra không chạm trán nhau, không cản đường nhau, trở nên vô hiệu, lộn xộn, lơi lỏng và bị xé rách ngay. Người ta bắt đầu tìm các giếng còn nước một cách tuyệt vọng, cố gắng đến được đó bằng mọi giá. Từ khắp chốn, người ta thúc đàn gia súc đến vài nơi ít ỏi còn sót lại chút cỏ ấy. Mùa khô trở thành thời kỳ nóng bỏng, căng thẳng, ác liệt và đầy chiến tranh. Khi đó người ta phơi bày những đức tính tồi tệ nhất: ngờ vực, gian xảo, tham lam và thù hận.
Hamed nói với tôi rằng thi ca của họ thường kể về các bi kịch và sự diệt vong của các thị tộc không kịp đến được giếng nước khi đi qua sa mạc. Một chuyến đi bi thảm như thế thường kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Cừu và dê chết trước tiên. Chúng chỉ có thể chịu được vài ngày không có nước. Sau đó đến lượt trẻ con. “Sau đó là trẻ con” - anh nói, không thêm gì cả. Không kể các ông bố bà mẹ phản ứng ra sao, các đám tang như thế nào. “Sau đó là trẻ con” - anh nhắc lại rồi lại im lặng. Trời đang nóng đến mức nói cũng khó khăn. Vừa qua lúc giữa trưa và ngột ngạt không thể thở được. “Rồi phụ nữ chết” - lát sau, anh tiếp tục. “Những người sống sót không thể dừng lại lâu. Nếu cứ dừng lại mỗi khi có người chết, họ sẽ không bao giờ đến được giếng. Một cái chết sẽ kéo theo những cái chết tiếp sau. Thị tộc từng tồn tại sẽ biến mất đâu đó dọc đường. Sẽ chẳng có ai xác định xem họ đã đi đâu. Bây giờ tôi phải hình dung ra con đường không tồn tại, nghĩa là không nhìn thấy được, trên đó là đoàn người và súc vật mỗi lúc một hao mòn, cứ nhỏ dần và nhỏ dần. “Đàn ông và lạc đà sống thêm được chút nữa. Lạc đà có thể chịu được ba tuần không uống, và có thể đi xa năm trăm cây số hoặc hơn. Suốt thời gian ấy, lạc đà cái sẽ cho chút sữa”. Ba tuần là giới hạn cao nhất mà đàn ông và lạc đà có thể sống được, nếu họ còn lại một mình trên mặt đất. “Một mình trên mặt đất!” - Hamed thốt lên và trong giọng nói của anh có âm sắc hoảng sợ, bởi đó chính là điều mà một người Somalia không thể hình dung nổi: còn lại một mình trên thế giới. Người và lạc đà tiếp tục đi để tìm giếng và nước. Họ đi càng lúc càng chậm, càng lúc càng khó nhọc hơn, vì mặt đất nơi họ đang di chuyển luôn ở trong ngọn lửa của mặt trời, khắp nơi nóng như nung, mọi thứ xung quanh đều bốc cháy: đá, cát, không khí. “Người và lạc đà cùng chết” - Hamed nói. “Đó là khi người không còn tìm thấy sữa nữa, bầu vú lạc đà rỗng không, khô và nứt nẻ. Thường thì người du mục và con vật còn đủ sức để đến được một bóng râm nào đò. Sau đó người ta tìm thấy họ nằm chết trong bóng râm hoặc ở nơi mà con người tưởng rằng có bóng râm.” “Tôi biết chuyện đó” - tôi ngắt lời Hamed - “vì chính tôi đã nhìn thấy ở Ogaden”. Chúng tôi đi xe tải qua sa mạc để tìm những người du mục đang chết và đưa họ về trại ở Gode. Điều làm tôi choáng váng là mỗi khi chúng tôi tìm thấy những người Somalia đang hấp hối và những con lạc đà đang chết cùng họ, giá nào họ cũng không muốn rời các con vật của mình, ngay cả khi chết chắc. Tôi đi cùng với một nhóm thanh niên cứu hộ của tổ chức nhân đạo Save. Họ phải dùng sức lôi người mục đồng ra khỏi con lạc đà - cả hai giờ chỉ còn là hai bộ xương - và đưa cái người đang chửi rủa họ ấy về trại. Những người du mục ở trại cũng không lâu. Họ được nhận mỗi ngày ba lít nước cho tất cả mọi sinh hoạt: uống, nấu ăn, giặt giũ. Nửa cân ngô là khẩu phần hằng ngày. Một túi đường và một mẩu xà phòng mỗi tuần. Người Somalia còn có thể tích lũy được từ đó, họ đem bán cả ngô lẫn đường cho các lái buôn quanh quẩn trong trại, tiết kiệm tiền để mua con lạc đà mới và trốn ra sa mạc.
Gỗ Mun Gỗ Mun - Ryszard Kapuściński Gỗ Mun