Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 40
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 256 / 23
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:51 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần Bốn - Chương 1
thành phố biên giới xa xôi, ở tận miền cực Nam của đất nước xa xôi khổng lồ này vẫn bảo lưu gần như nguyên vẹn cảnh trí và nề nếp sinh hoạt cổ sơ từ những ngày xa xưa còn lại. Nó vẫn là thủ phủ của một tỉnh biên cương hai mươi triệu dân và một phần ba là các dân tộc thiểu số còn đang ở trong nền văn hóa trồng trọt theo phương thức hỏa canh đao chủng, thắt nút dây để tính toán, và dùng cúng bái để chữa bệnh. Vẫn là những căn nhà tường trình đất vàng vàng am ám, những túp nhà gỗ một tầng lợp thứ ngói nhỏ bằng bàn tay một. Đó đây lô xô bóng mấy tòa lầu mái cong như sắp cất cánh bay. Và trên cái tháp lớn ở trung tâm thành phố, đúng ngọ, một khẩu súng thần công vẫn nổ giật một tiếng “ùng” để báo giờ cho dân chúng.
Nhưng, sức vang của tiếng súng thần công đã hẹp dần. Vào những năm gần đây thì chẳng còn ai có thể tính giờ theo tiếng nổ ấy. Tiếng súng chỉ còn vang trong quá khứ. Thay thế vào đó là tiếng rú, tiếng gầm của hàng ngàn động cơ, cỗ máy.
Chiến tranh Thái Bình Dương đã xua đuổi các công ty, các nhà máy, xí nghiệp, hãng sản xuất, nhà băng, cửa hiệu buôn lớn ra khỏi các phố phường ở các đô thị lớn đông đúc quen thuộc, và đưa chúng đến nơi xa vắng này.
Giờ thì thành phố đã nhan nhản những tòa buyn-đinh, những ống khói, những kho hàng cửa hiệu, ầm ầm tiếng máy chạy trong các công xưởng sản xuất nông cụ, xà phòng, cờ rem, thuốc lá và diêm.
Thành phố có diện tích tám ki lô mét vuông đã chật chội lại càng chật chội thêm, từ ngày quân Nhật vào Đông Dương. Bầu trời xanh trong của nó suốt ngày ầm ào tiếng máy bay khứ hồi. Trên nóc các nhà cao tầng, tua tủa những thanh chấn tử của dàn ăng ten từng giờ từng phút phát, thu tin tức, chỉ thị đi các nơi, nhất là về vùng biên giới Việt Trung — tính theo đường chim bay, chỉ có ba mươi ki-lô-mét.
Lãnh sự quân Pháp đặt ở một đường phố sang trọng nhất của thành phố, từ sau cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương bỗng phình căng lên. Nó phải đón nhận các đoàn lính thất trận từ mạn Lào Cai, dưới quyền chỉ huy của tướng Sa-ba-chiê, và đội quân năm nghìn tên chạy Nhật của trung tá Phuốc-ma-liê từ Lai Châu, Phong Thổ, rút sang.
Nhưng cái nhọt phình căng mủ ấy đã xẹp dần. Lúc này, lãnh sự quán vắng teo. Hoạt động ráo riết chỉ còn là những máy thu, máy phát đánh đi những chỉ thị mật dưới ký tên là Mission 5 tên tắt của Mission militaire Francaise. Mission 5, Phái đoàn 5 là cái tổ chức của ủy ban giải phóng Alger của tướng Đờ Gôn có nhiệm vụ, thoạt đầu là nghiên cứu, thu thập tin tức tình báo trở lại Đông Dương, sau nữa là tổ chức các đội Com-măng-đô xâm nhập vào đất Việt, điều tra, theo dõi phong trào cách mạng ở miền biên giới Việt — Trung và tung các cánh quân trở lại mảnh đất này, nơi họ đã rút chạy nhục nhã khỏi cái chết trước lưỡi gươm của phát xít Nhật.
Những đoàn quân thất trận được tổ chức lại và ngay sau khi Hoa quân nhập Việt, đã lập tức chia thành những toán nhỏ, tỏa về phục sẵn ở suốt rẻo biên giới. Tiếp đó, sau hiệp ước Trùng Khánh, Pháp — Hoa ký kết ngày 28 tháng 2 năm 1946, hơn bốn nghìn tên lính lưu vong đã tràn về, chiếm đóng Sơn La, Lai Châu và Phong Thổ, phía đông tỉnh Lào Cai.
Tiến sát biên giới phía Bắc Lào Cai, áp sát tỉnh lị này là những mũi nhọn của các tổ tình báo. Chỉ huy các tổ tình báo của Phái đoàn 5 này là các sĩ quan, vốn là những ông chủ cũ của các thổ ty trong tỉnh.
Tổ Gascogne do Phô-rô-pông chỉ huy là mũi nhọn xông xáo nhất trong các tổ tình báo ấy. Nó đã áp sát thị trấn tỉnh lỵ Lào Cai từ ngày Việt Nam Quốc dân Đảng từ miền xuôi thua chạy, dồn cục về đây. Nó gây cơ sở và trú quân rất kín trong một cái ấp có tên là Sin Tiền của bào trưởng đại địa chủ, bố đẻ của Xi Xám Mần, con rể Nông Vĩnh Yêng, sĩ quan tham mưu quân đoàn 93 của tướng Long Vân.
Bốn mươi chín tuổi, cao lớn, vai u đầy, mặt dài, râu cằm vàng màu sợi thuốc lá, chỉ cần thêm một cái áo thụng đen và một cái mũ nan rộng vành nữa là Phô-rô-pông trở thành một ông cố đạo. Phô-rô-pông có những đặc điểm của một ông cố thật: hiểu biết uyên bác, biết giấu che sự nham hiểm sâu xa dưới cái vỏ nhân từ, hiền hậu. Y có thêm những đức tính của một sĩ quan: xông xáo, dũng mãnh, quyền biến. Lại có thể đóng vai một học giả về dân tộc học. Đồng thời có năng lực dẫn dụ, khêu gợi, kích thích nỗ lực của những kẻ dưới quyền. Y là một “con cáo khôn ngoan” như bạn bè y thường gọi, “không bao giờ đặt chân mà không biết mình sẽ đi đến đâu”.
Chiều nay, ngồi trên cái mỏm đồi trong ấp Sin Tiền nhìn sang bên kia con sông biên giới, thị trấn tỉnh lỵ Lào Cai trong buổi hoàng hôn, Phô-rô-pông có cảm giác mình như là một nhà khảo cổ đang đi tìm hình bóng của quá vãng, lòng thấm đượm nỗi nuối tiếc và tự hào.
Khó có một sĩ quan cấp úy nào mà lại có thể hiểu đất nước, con người miền thượng du nước Việt này sâu sắc như Phô-rô-pông. Xuất thân từ một gia đình học giả, ngay từ thuở thiếu thời y đã tỏ ra có những khả năng nối nghiệp cha ông. Tốt nghiệp cử nhân triết, cử nhân văn chương, Phô-rô-pông vào trường võ bị Xanh-xia năm hai mươi hai tuổi. Không lấy vợ, ra trường y tình nguyện sang Đông Dương lập nghiệp.
Thoạt đầu người ta cử y sang Lào, đồn trấn ở một đồn biên phòng miền núi. Gần chục năm trời, mọi việc đều trôi đi êm ả. Cho đến năm 1940, đùng cái, y bị đổi đi. Ông đội Cơ, người hầu cận y, kể: Phô-rô-pông bắt tình với vợ một thổ ty bên Lào. Vợ y — một gái Thái, ghen nồng ghen nã. Y nổi máu điên, bắn chết vợ.
Câu chuyện dựng lên để xóa mờ một tính cách của y, hạ y xuống hàng một tên sĩ quan thực dân võ biền tầm thường. Nhưng y đâu có phải thế. Y có một tầm cỡ khác. Chính là y đã đệ trình lên toàn quyền Đông Dương một đề án ngay từ khi còn công cán một vùng Lào Sủng bên Lào, tóm tắt bằng một câu: Người Pháp phải tạo ra được các thủ lĩnh dân tộc ở từng địa phương và qua họ mà cai trị đời đời ở các vùng miền núi.
Ý kiến đó được chú ý. Phô-rô-pông được hưởng một sự ưu đãi. Y được điều về Pa Kha- theo chỉ thị mật của tướng Sa-lăng, trùm S.E.H, tổ chức tiền thân của G.C.M.A * sau này- khi Lào Cai đang trở thành một tỉnh dân sự, việc nắm các thổ ty đã trở thành một yêu cầu gắt gao để bảo đảm vững chắc nền đô hộ của người Pháp ở vùng này.
Tôn thờ “học thuyết” của mình, tuy làm đồn trưởngPa Kha, nhưng Phô-rô-pông đã dồn gần như toàn bộ tâm sức vào việc nghiên cứu dân tộc học, xã hội học, giao du khắp lượt, kết mối giao hảo với các thổ ty lớn bé trong vùng. Sau Sa-vi-na, y là kẻ đã có những công trình nghiên cứu có giá trị về dân tộc H'Mông. Y viết khảo luận, ghi chép chăm chỉ. Y lang thang trong các bản H'Mông, từ Can Chư Sủ tới Pha Linh. Y chơi bời với các binh thầu, seo phải, tập khèn, tập đàn môi, chơi chim họa mi, tán tỉnh các thiếu nữ H'Mông, tham dự các lễ tết dân tộc, lễ nào sồng hàng năm, các đám ma, đám cưới của các dòng họ. Y quan tâm tới cảnh quan vùng H'Mông, như một kẻ ham học hỏi, thắc mắc và tìm lời giải thích từng cái lý của dân tộc này. Y cũng như một gã trai H'Mông si tình, phóng đãng, cũng mê gái và cuối cùng cũng cướp một cô gái H'Mông về làm vợ với lễ cưới đúng như phong tục H'Mông. Y đọc cả sách của Ăng-ghen phân tích nguồn gốc của chế độ công xã thị tộc. Y tìm hiểu ngọn nguồn, cơ cấu chế độ thổ ty. "H'Mông bao giờ cũng vẫn là H'Mông”. Đó là một câu kết luận nói về tính cách bất di bất dịch của người H'Mông của y. Cạnh đó, y đã giúp cho chế độ bảo hộ Đại Pháp một chiếc gậy chống để đứng vững trên các miền núi non này, khi nhắc nhở các quan chức: Thổ ty là tất cả. Họ là con chó trung thành hay con ngựa bất kham, tất cả đều tùy thuộc nơi chúng ta.
Chiều xuống tím sẫm những vết núi gần xa. Sương lam đậu nhè nhẹ trên những sợi bông tơ ở mặt ngoài áo khoác, gợi nhớ thời tiết dễ chịu ở Pa Kha.
Có tiếng chân người bước nặng nhọc ở phía sau. Phô-rô-pông quay lại. Một người đàn ông trạc ba lăm, vai to ngang, nét mặt thuần phác, cũ kỹ, mặc áo dạ, chân quấn xà cạp, vừa đứng nghiêm trước mặt y. Người này là viên hạ sĩ quan hầu cận y từ ngày y đổi về Pa Kha.
— Ông đội Cơ đấy ư? — Phô-rô-pông hỏi dịu dàng — Có việc gì đấy, ông?
Người đội vẫn đứng nghiêm, mấp máy đôi môi dày, tay đưa cứng đơ ra phía trước một xếp giấy xanh màu lá:
— Thưa ngài, có tin tức từ bên kia.
— À, tôi đang mong. Ông cho tôi xin — Phô-rô-pông nhận tập công điện, vẫn ngọt ngào — Ông đội Cơ, ông ngồi xuống đây mà nhìn về cố hương. Tôi tin rằng chúng ta, hôm nay còn ở nơi đất khách quê người. Nhưng không bao lâu nữa, chúng ta sẽ trở về. Mong ông đừng buồn nhé!
Hơi cúi xuống, cám ơn Phô-rô-pông xong, ông Đội Cơ bước né sang một bên. Những lời ngọt ngào của Phô-rô-pông không gây một mảy may xúc động trong lòng ông. “Ông ấy bao giờ cũng vậy, có rầy la ai đâu. Ông ấy đâu có phải là có máu điên để đến nỗi bắn chết cô vợ Thái ở bên Lào?”
Sương đã bốc lên phủ kín mỏm đồi. Bóng người đội chìm trong sương mung lung. Tất cả đều mung lung, chập chờn như ảo ảnh. Pa Kha là đâu? Đâu là cái quán chợ gầy teo có cái gánh lèng phân của vợ anh? Anh trốn nợ từ Nam Định lên đây đăng lính. Chị chạy loạn từ nơi xa đến. Gặp nhau nơi đây, thương yêu nhau, tưởng như mọi sự đã an bài. Vậy mà số phận lại một lần điên đảo. “Mình ơi, mình ở lại làm ăn nhé. Còn sống, tôi lại tìm về. Bằng không, mình hãy coi ngày này là ngày giỗ của tôi”. Phô-rô-pông giục. Anh rời tay chị. Bên cái cửa khẩu biên giới có cái cột mốc số 108, chị đứng trong sương, như hòn đá vọng phu. Đó là ngày Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp, giành độc quyền thống trị Việt Nam.
Đâu là cột mốc 108? Đâu là bóng hình người vợ thân thương?
Người đội đứng như cái cột đá trời trồng.
— Ông đội Cơ, chúng ta hãy cứng rắn lên cho xứng đáng là kẻ chinh phu. Tôi cũng như ông, để lại ở bên kia một cô vợ bé bỏng.
Phô-rô-pông đặt tay lên vai người đội, và lát sau, rụt tay về, lững thững đi xuống con dốc nhẹ xoải dài.
— 10-10-46. Một tiểu đoàn Việt Minh đang theo đường sắt tiến lên thị trấn tỉnh. Q.D.Đ. đang ráo riết sửa soạn vào thế tiến công. T5.
— 11-10-46. 12 giờ. Vũ Khanh họp Ban tham mưu. Trinh sát Việt Minh xuất hiện ở đề-pô P.M. T6.
— 15-10-46. VM đã chiếm ga TN. Bắt một chi bộ Q.D.Đ. ở đây. T.15.
— 17-10-46. Lê Chính, thủ lĩnh VM, họp lần cuối với đại diện các thổ ty. T.15.
— 20-11-46. Hai mũi công kích đã xuất phát: Mũi theo đường sắt có C Vệ quốc quân. Mũi đánh Bản Phiệt có các lực lượng hỗn hợp. T5.
Phô-rô-pông bước chầm chậm. Tin tức thật đau lòng. Đành rằng là tình thế bắt buộc phải hợp tác với Việt Minh, nhưng sao lại có thể nhanh như thế được? Và những La Văn Đờ, Hoàng Văn Chao, Hoàng Văn Tường, Nông Vĩnh Yêng, những T5, T6, T15... liệu có còn là con chó trung thành nữa hay đã thành con ngựa bất kham? Ai có thể kiểm soát hết những làn sóng điện đang tung đi trên không trung? Phán Thông đã sang đây. Nhưng còn những đứa khác, ai trói chân chúng đến với bọn Mỹ? Chúng đã khôn ngoan rồi. Và cánh quân phiệt Vân Nam, nhung nhúc các sĩ quan là con cái địa chủ, bảo trưởng, ấp trưởng, huyện trưởng ở vùng đất biên giới này. Tay chúng không ngắn, mà từ đây tới Pa Kha, Pha Linh, Mường Cang thì không xa.
— Không! Người Pháp không thể bị mất đàn chó này. —T15. Hạn chế bằng mọi cách sự bành trướng của VM — T6. Cố gắng lọt vào hàng ngũ VM, chiếm lấy địa vị cao trong chính quyền tỉnh — T15. Cần thực hiện mọi phương sách để khuynh đảo VM. T20 — Hoan nghênh na nủ Châu Quán Lồ. Chào kính trọng. T16. Sửa soạn đón chúng tôi về...
Những chỉ thị sẽ đánh đi ngay trong đêm nay nảy nở ùn ùn trong óc Phô-rô-pông khi y bước trên con đường trở lại Sin Tiền. Cái ấp nằm trong một vòng tường vây gồm nhiều tòa lâu đài mái cong giống một khu vực đền đài cổ đã thắp đèn lồng. Phô-rô-pông đi qua sân, bước lên thềm phòng khách và nhận ra một viên sĩ quan Tưởng béo mập, gáy đùn một nếp thịt, đang cúi đầu rửa mặt ở mạn hiên đầu hồi.
— Chào ông Xi Xám Mần!
Nghe tiếng Phô-rô-pông, viên sĩ quan quay lại. Cái mặt bừ bự nứt ra một nụ cười xã giao không âm thanh.
— Ông mới về, ông Xi Xám Mần!
Viên sĩ quan Tưởng lau tay, vắt khăn mặt lên cái giá gỗ, bước lại.
— Tôi mới về. Chào ngài. Rất hân hạnh.
— Rất hân hạnh.
— Tôi biết thế nào ngài cũng quay lại, đất này luyến khách lắm — Viên sĩ quan Tưởng cười, giọng hàm ý giễu cợt.
Phô-rô-pông nhún vai, hóm hỉnh:
— Chúng ta, như người H'Mông nói, là hai hạt đậu trong một quả đậu.
Xi Xám Mần lắc đầu, cởi khuy áo cổ. Hai người cùng bước vào phòng khách.
— Thưa ngài, tôi mới ở bên nhà vợ tôi, châu Mường Cang về. Ngài có biết, tôi vừa mới làm lễ kết hôn?
— Thưa, tôi có được tin. Chẳng hay phu nhân có được mạnh khỏe?
— Cám ơn ngài...
— Thật là một sự liên hiệp tuyệt mỹ bằng con đường thông gia — Tìm được cơ hội, Phô-rô-pông móc máy. Mần ngả người vào lưng ghế bành, cười lớn, thật tự nhiên:
— Ha ha, thưa ngài, chẳng qua đó chỉ là một sự bắt chước vụng về mối tình si của ngài với cô sơn nữ Seo Váy kiều diễm của ngài.
— Hê hê...
— Nhưng, cả tôi và ngài đều là những kẻ vì thời thế phải lưu vong, phải bỏ cả tình nhân mà lưu lạc nơi góc biển chân trời.
— Thật là những ý nghĩ lãng mạn!
— Chà! Tôi ở với ông nhạc tôi một tuần. Mường Cang rầm rập lính tráng. Tất cả đều diễn ra dưới cái gậy chỉ huy của một tên Việt Minh. Tên này mới lên sau khi thủ lĩnh Lê Chính đi. Thật là một lực lượng đáng sợ. Ngài thấy thế nào, ngài Phô-rô-pông?
“Hắn muốn dò mình”. Phô-rô-pông nghĩ, khép hai con mắt, kín đáo:
— Vậy theo ngài, tình hình sẽ diễn biến ra sao? Ngài vừa ở bên đó về.
— Tôi mệt là vì sự ồn ào. Tuần trăng mật thật vô duyên — Viên sĩ quan Tưởng tránh câu trả lời — Nhưng tôi nghĩ các ngài đã lỡ bước.
Phô-rô-pông nắn nắn bộ râu cằm:
— Người H'Mông có câu: “Trâu bảy năm còn nhớ chuồng”.
— Ha ha...
— Vả lại, bên chúng tôi còn có các ngài.
— Chà chà — Xi Xám Mần đứng dậy, lắc lắc đầu- Tôi mệt lả. Tôi mệt lả. Không thể còn sức nào mà làm tròn phận sự với ông nhạc tôi. Ngài biết đấy bọn đỏ ở nước chúng tôi, thanh thế chúng ngày càng lớn. Chúng tôi sắp đi Hoa Trung đây.
“Hắn lại lừa mình. Hắn sẽ không đi Hoa Trung đâu. Cuộc hôn nhân của chúng cũng như của mình, sặc mùi á phiện, lạnh toát mùi kim tiền. Mỗi đứa đều mong mỏi một cái gì ở cuộc chiến tranh này chứ! Mình phải về. Trời, ta sẵn sàng biến thành một tên da vàng mũi tẹt để trở về, về ngay lúc này...”
Phô-rô-pông chìm trong lòng ghế, sục sôi những ý nghĩ trở về. Nhưng, y bỗng giật thót mình. Bên kia sông tằng tằng nổ một loạt súng máy. Xi Xám Mần nhảy vọt tới, đẩy tung hai cánh cửa, kêu to:
— Việt Minh đánh tỉnh lỵ Lào Cai rồi!
Phô-rô-pông đứng dậy, bối rối: “Ôi, sao mà nhanh thế! Lạy Chúa! Quyền năng của Chúa thật là kỳ diệu vô cùng, Người hãy giúp con trở về đoàn tụ với vợ con. Người hãy...”.
Bên kia sông, nhoáng nhoáng chớp lửa đạn...
Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe - Ma Văn Kháng Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe