Nguyên tác: The Fortunate Pilgrim
Số lần đọc/download: 4846 / 165
Cập nhật: 2015-09-20 13:29:37 +0700
Chương 20
C
òn đâu những kẻ cùng khổ, phẫn chí nguyền rủa nước Mỹ và những giấc mơ Mỹ. Có ai ngờ chiến tranh Châu Âu, kéo theo nào Anh, Pháp, Đức và cả Mussolini thi nhau phung phí mạng người, lại làm đầy túi tiền cho đám dân Ý nghèo mạt rệp ở phía tây thành phố này đến vậy. Cuộc khủng hoảng kinh tế khủng khiếp đã chấm dứt. Chẳng còn ai phải năn nỉ xin miếng ăn, mấy thanh tra cứu tế bị tống ra khỏi nhà. Bây giờ, người ta lên kế hoạch mua nhà tận bên khu Long Island sang trọng.
Thật vậy, chiến tranh Châu Âu đã tạo ra khối công ăn việc làm. Tiền đẻ từ những công việc cung cấp quân dụng cho những kẻ bắn giết nhau, đến người nghèo cũng có thể làm giàu bằng sự bất hạnh của thế giới.
Dân chúng miền nam Ý, như Sicily, Naples, hay những cư dân Ý sống trong khu tây New York chẳng quan tâm chuyện Mussolini thắng trận hay không. Hàng bao thế kỷ rồi, chính phủ là kẻ thù truyền kiếp của cha ông, tổ tiên họ. Nhà giàu khinh bỉ họ. Chính quyền điếm đàng La Mã hút máu mủ họ. Sống an toàn trên đất Mỹ này là có phúc lớn rồi.
Nhưng có một người không hài lòng, đó là mụ Teresina Coccalitti. Thời buổi vàng son, ai cũng có công ăn việc làm, mụ đâu còn thể rêu rao con cái thất nghiệp để nhận tiền cứu tế. Mụ đành âm thầm buôn từ đường, mỡ tới vải vóc. Mụ thì thầm với Lucia Santa "Đừng tưởng bở, thế nào cũng có ngày…". Nhưng rồi mụ câm như hến, không nói tiếp. Lucia chẳng hiểu mụ định nói gì? Ngày nào? Làm sao? Thật ra thì cũng có một vụ bắt lính, nhưng cả khu phố chỉ có một thằng bị gọi. Chẳng có gì nghiêm trọng.
Lúc này Lucia Santa quá bận rộn, không quan tâm gì đến những câu nói úp mở của mụ bạn già. Tiền bạc lại đang đổ vào nhà như nước. Ở thứ về, trẻ con phải nháo nhào đi làm thêm. Sal và Lena làm ngoài giờ tại xưởng thuốc mới mở trên đường Số Mười. Vincent làm việc bảy ngày một tuần. Nếu thích, cứ để cho tụi châu Âu chém giết nhau cho sướng. Ngôi làng của cah mẹ bà nhỏ xíu, đất đai vô giá trị, chẳng ma nào thèm dòm ngó, họ hàng nhà bà chẳng có gì phải lo sợ chiến tranh.
Chỉ có thằng ăn hại Gino vẫn chưa đi làm. Tuy nhiên, đây là mùa hè cuối cùng của thằng vô dụng, ăn không ngồi rồi này. Tháng giêng, nó tốt nghiệp trung học, không còn lý do gì để chơi rông nữa. Bà đã cố gắng xin cho nó làm ngoài giờ, nhưng chỗ làm nào, thằng khốn nạn cũng tìm cách cho người ta đuổi việc.
Nhưng ít nhất có một việc thằng lười này có thể làm được. Vincent bỏ quên gói đồ ăn trưa, bà sẽ bắt thằng Gino đem cho anh nó. Gino đã sửa soạn đi đánh bóng, mũ áo đàng hoàng như ông lớn. Bà chặn ngay lối ra, đưa cho nó gói đồ ăn:
- Đem cái này cho anh mày.
Bà suýt bật cười vì vẻ mặt nhăn nhó khó chịu của nó. Trông nó mới hãnh diện vì quần áo bảnh bao làm sao. Đúng là quân chỉ biết ăn, không thích làm. Dễ thương quá! Vậy mà nó còn dám mở mồm nói:
- Con muộn rồi mẹ.
- Muộn làm gì? Muộn đi đâu? Đi cưới vợ à? Muộn đi gửi tiền lương vào ngân hàng chắc? hay muộn đến gặp bạn bè tử tế xin cho một chỗ làm đàng hoàng?
- Mẹ ơi, chắc anh Vincent phải kiếm được cái gì ăn qua bữa chớ.
Thật quá đáng. Bà không còn nhịn được nữa:
- Thằng anh mày hy sing cả đời vì mày. Chẳng hề biết tới chơi bời, chạy rông trong công viên, đường phố. Nó cô đơn, thui thủi, mày mày chớ hề bao giờ rủ anh đi chơi. Bảo đem cho nó miếng ăn, mày cũng từ chối. Đồ vô ơn! Đi đánh bóng đi, cút xéo đi mà lang thang với lũ bạn mày. Tao tự đem cho anh mày cũng được.
Những lời bà làm nó xấu hổ. Gino cầm gói đồ ăn, nó thấy mắt mẹ sáng lên đắc thắng. Nó không quan tâm. Thật tình nó muốn làm một điều gì đó cho anh.
Nó chạy dọc đường Số Mười, ngược lên đường Số Ba Mươi Bảy, rồi xuôi xuống đại lộ Số Mười Một. Nó khoái cảm giác hoàn toàn tự do khi thân thể vù vù lướt đi trong không khí oi nồng của mùa hè. Ngày còn bé nó thường tung mình nhảy thật cao, như có thể bay lên được. Còn bây giờ đã lớn, chỉ đến khi ta gần ngôi nhà anh nó làm việc, nó mới ném gói đồ ăn lên cao rồi tungnn lên chụp.
Trong cái thang máy có lưới, Gino từ từ lên cao trong ngôi nhà hôi như chuột chù. Người thợ máy trong bộ đồ màu xám, với dấu hiệu vàng trên áo, mở cánh cửa sắt nặng nề cho nó. Gino bước vào văn phòng rộng, trải dài khắp tầng lầu.
Những dãy dài bàn làm việc nối tiếp nhau. Những máy chữ nhả ra từng chồng hoá đơn kế toán hàng hoá vận chuyển. Tất cả nhân viên đang ngồi trước bàn máy đều mặc vét, sơ mi trắng, cà vạt nới lỏng, lòng thòng trước ngực. Họ đều già hơn Vincent. Tiếng máy chữ lách tách. Mỗi bàn có một bóng đèn vàng vọt, tất cả căn phòng, phần ngoài luồng sáng của những bóng đèn nhỏ, đều chìm trong bóng tối. Chỉ một quầy dài phía cuối phòng chất đầy hoá đơn là còn sáng sủa. Không một tiếng nói chuyện. Không một chút ánh sáng mặt trời. Dường như những con người này bị chôn trong một cái nhà mồ, phía dưới họ là những đoàn tàu rùng rùng di chuyển.
Gino nhìn quanh, cuối cùng nó mới nhận ra Vincent. Anh nó là người độc nhất không mặc áo vét, mặc một sơ mi màu để hai, ba ngày mới phải thay một lần. Mái tóc đen của Vincent trông nhem nhuốc dưới ánh đèn vàng. Nó thấy anh nó chậm chạp hơn những người khác, mặt nhăn nhó, căng thẳng.
Chợt Vincent ngước lên, ngó trừng trừng Gino, mặt thản nhiên rồi châm điếu thuốc. Nó ngạc nhiên nhận ra anh nó không thấy nó. Nó đang đứng trong bóng tối, tách biệt với thế giới của những người đang làm việc. Gino tiến vào khoảng sáng bên bàn anh nó. Lúc này, mọi người mới ngẩng đầu lên và Vincent nhìn thấy thằng em.
Mặt Vincent bừng lên, sung sướng. Nụ cười nó dễ thương như ngày hai anh em còn bé. Nó chộp gói đồ ăn, bảo:
- Cám ơn, nhóc.
Người chung quanh ngừng đánh máy. Vincent vui vẻ giới thiệu:
- Gino, em trai mình đó.
Gino chợt bối rối vì giọng anh nó tràn trề hãnh diện. Nó cảm thấy lố bịch trong cái quần xanh, áo len trắng nõn. Người đàn ông ngồi nơi quầy cuối phòng gọi lớn:
- Mau mau lên, đống hoá đơn này gần hết rồi.
Rồi ông ta đi tới đặt lên bàn Vincent một chồng hóa đơn. Trông ông ta như một con chuột ốm đói.
Vincent bối rối bảo:
- Chút nữa tôi sẽ làm cho hết, không nghỉ giải lao đâu.
Gino quay ra, Vincent đưa em tới thang máy. Hai anh em đứng chờ, tiếng dây cáp rọt rẹt. Vincent bảo:
- Đi đường tắt qua sân ga cho nhanh. Nhưng coi chừng tàu lên xuống đấy. Cám ơn đã đem đồ ăn cho anh. Hôm nay em không đánh bóng à?
- Có chớ.
Gino sốt ruột chờ thang máy, vì thấy anh nó bối rối nhìn về bàn làm việc, trong khi lão mặt chuột đang đảo mắt nhìn. Vincent bảo:
- nếu về kịp, anh sẽ đến xem em chơi bóng.
Rồi Gino bước vào thang máy, trên đường từ từ xuống, mùi hôi mốc, mùi chuột bọ làm nó muốn nôn mửa.
Ra khỏi ngôi nhà, Gino ngửa cao đầu hứng ánh nắng ấm, tươm vàng của trời tháng chín. Nó khoan khoái như vừa trút xong gánh nặng và chẳng còn nghĩ gì tới Vincent nữa. Nó chạy chầm chậm về bãi đường sắt, ngổn ngang sắt thép rực sáng dưới mặt trời. Gino cong vòng tay phải như đang ôm quả bóng, sẵn sàng ném qua rào gỗ. Nó nhảy tót qua những đường ray. Đầu máy tàu đen ngòm tiến tới, Gino nhẹ nhàng tăng tốc, nhảy thon thót sang phải rồi lại sang trái. Người thợ máy nhìn nó hăm doạ, đầu tàu gầm lên vượt qua Gino. Nó đứng lại, thở hổn hển, mồ hôi rịn trong lần áo len trắng. Nó cồn cào đói, nhưng chợt khoẻ khoắn, tươi tỉnh lại, nó chạy xuống con dốc về phía công viên Chelsea. Gino thấy các bạn đang tung hứng bóng để chờ nó.