Nguyên tác: Nils Holgerssons Underbara Resa Genom Sverige
Số lần đọc/download: 174 / 13
Cập nhật: 2020-07-08 19:35:51 +0700
Chương 22 - Khu Vườn Xinh Đẹp
Ngày hôm sau, đàn ngỗng trời bay lên phía Bắc, theo hướng Sưrmland.[54] Nils ngắm phong cảnh từ trên cao và riêng nghĩ rằng miền này chẳng giống một miền nào mà mình đã thấy trước đây. Chẳng có những đồng bằng rộng như ở Skåne hay ở Ưstergưtland, chẳng có những rừng lớn như ở Småland, nhưng mà hỗn hợp tất cả mọi quang cảnh có thể có được. Nils nghĩ rằng: “Ở đây, một chiếc hồ lớn, một con sông lớn, một khu rừng lớn, một quả núi lớn đã bị xẻ thành miếng nhỏ, rồi đem trộn lẫn và rải ra trên mặt đất chẳng chút trật tự nào”.
Thật thế, Nils chỉ thấy những thung lũng hẹp, những chiếc hồ con, những ngọn đồi bé, và những chùm cây nhỏ. Chẳng có gì thực sự có thể trải rộng ra được. Một cánh đồng như có ý muốn mở ra chút ít, tức thì một quả đồi án ngự ngay chính giữa, và nếu quả đồi mà tìm cách trở thành một ngọn núi thì đồng bằng lại bành trướng ra để ngăn trở. Một cái hồ vừa có vẻ mở rộng diện tích ra là đã thu hẹp lại, chỉ còn là một dòng sông; và chính dòng sông cũng chẳng chảy bao lâu thì đã mở rộng ra để làm thành một cái hồ.
Đàn ngỗng bay dọc sát bờ biển để cho Nils có thể nhìn bao quát cả mặt biển. Chú thấy rằng chính biển cũng không trải ra tự do được, mà các đợt sóng rộng lớn bị vô số những hòn đảo cắt ra, và đến lượt các đảo ấy chưa kịp to cao lên thì biển đã đòi lại quyền của mình.
Tất cả đều chỉ là trao đổi và biến hóa. Những rừng tùng bách xen kẽ với những rừng cây lá rộng,[55] những cánh đồng với những mỏ than bùn, và những lâu đài với những nhà nông dân.
Không thấy người làm lụng ngoài đồng, trái lại họ đi lại trên các đường cái và đường hẻm nhỏ. Họ ra khỏi những túp nhà nhỏ giữa rừng, trên sườn núi Kolmården, mặc quần áo đen, tay cầm “cuốn sách” và chiếc khăn vuông. “Hôm nay chắc là chúa nhật”, nhìn những tín đồ đi lễ nhà thờ, Nils nghĩ vậy. Những hai lần, chú thấy những cô dâu, chú rể đi xe đến nhà thờ, theo sau là một đoàn người dài. Nơi khác một đám tang đi chầm chậm theo đường cái. Nils trông thấy những cỗ xe ngựa đẹp của nhà chủ, và những xe nhỏ hai bánh lợp mui của nông dân. Trên các mặt hồ, thuyền cũng đi tất cả về các nhà thờ.
Chú bé bay qua nhà thờ Bjưrkviks, qua Bettna, Blacksta, Vadsbro, và sau đó thì đàn ngỗng bay về phía Skưldinge. Chuông đánh khắp nơi. Nghe từ trên cao, tiếng chuông hay lạ thường. Có thể nói là toàn thể không trung chỉ còn là âm nhạc vang lừng.
“Một điều chắc chắn là đi đến đâu trong cái xứ này, mình cũng nghe tiếng chuông”, Nils nghĩ thế. Và ý nghĩ đó đem đến cho chú một cảm tưởng yên tâm. Dù chú hiện nay có sống trong một thế giới khác đi nữa, thì hình như chú vẫn không bao giờ có thể hoàn toàn lạc loài, chừng nào mà cái tiếng trang nghiêm của các chuông nhà thờ còn gọi chú lại.
Đàn ngỗng đã bay một đoạn khá xa trên vùng Sưrmland thì chú bé trông thấy một chấm đen cử động trên mặt đất, bên dưới. Trước, chú tưởng là một con chó, và đã không nghĩ đến nó nữa, nếu cái chấm đen kia không tỏ vẻ muốn chạy theo kịp đàn ngỗng. Nó chạy nhanh ở nơi đất trống, và khi băng các cánh rừng thì nhảy qua các hầm hố và các hàng rào, chẳng để cho một cái gì cản chân.
“Có lẽ là Smirre, con cáo, lại đuổi theo chúng ta,” Nils nghĩ thầm. “Nhưng dù sao cũng chỉ lát nữa là chúng ta sẽ bay xa khỏi tầm săn đuổi của nó”.
Sau đó một tí, đàn ngỗng bay nhanh hết sức, và còn trông thấy con cáo là còn bay với tốc độ như thế. Đến khi cáo không còn thể nào trông thấy nữa, thì đàn ngỗng quay ngoắt lại và vòng một vòng rộng hướng về phía tây và phía nam, tựa hồ có ý định trở lại tỉnh Ưstergưtland. “Đúng là Smirre,” Nils tự nhủ, “vì Akka rẽ lối và bay theo đường khác”.
Gần tối ngày hôm đó, đàn ngỗng bay trên một trang ấp lâu đời ở Sưrmland, tên là Stora Djulư. Đằng sau tòa nhà lớn màu trắng, trải ra một khu vườn cây trồng xanh um. Mặt trước của Stora Djulư trông ra một cái hồ, bờ khúc khuỷu và có những mỏm đá nhô ra thành ghềnh. Trang ấp của thời xưa ấy có vẻ niềm nở, mến khách, và Nils không thể không buột mồm thở dài một tiếng khi bay qua đấy.
Đàn ngỗng hạ xuống ở phía bắc trang ấp một tí, trên một khoảng đất trống ngập nước giữa rừng. Chỉ có vài mô đất nổi lên lác đác. Đây là chỗ trú đêm tệ nhất mà Nils đã gặp trong suốt cả cuộc lữ hành. Chú cứ ngồi nán lại trên lưng ngỗng đực một lúc, không biết kiếm đâu được chỗ đặt chân. Sau đó, chủ nhảy những bước dài, từ mô đất này sang mô đất khác, đến tận đất liền, rồi đi nhanh về phía tòa lâu đài cổ. Chính đúng tối hôm đó có mấy người đang chuyện trò quanh ngọn lửa lò sưởi, trong một chiếc nhà nhỏ của người làm công nhật, thuộc ấp Stora Djulư. Họ nói đến bài thuyết giáo,[56] đến công việc mùa xuân, đến thời tiết nóng lạnh, nhưng mà cạn hết chuyện, họ bèn nhờ một bà lão, mẹ người công nhật, kể cho họ nghe chuyện ma quỉ. Bà lão đã từng đi ở cho nhiều trang ấp trong thiếu thời, có thể kể không ngớt cho đến sáng hôm sau.
Khi bà lão đã kể xong những chuyện về Eriksberg, Vibyholm, Julita, Lagmansư, và bao nhiêu chốn khác nữa, thì người nào đó hỏi bà là ở Stora Djulư xưa nay có cái gì xảy ra quái lạ không.
“Có xảy ra cái gì chứ, chắc chắn như vậy”, bà lão nói.
Và tức thì, ai cũng nằn nì xin được biết là người đời đã kể lại gì về trang viên của chính họ.
Theo truyện xưa thì ngày trước có một tòa lâu đài cổ ở phía bắc Stora Djulư, trên một ngọn đồi mà nay chỉ có độc cây rừng. Phía trước lâu đài trải ra một khu vườn xinh đẹp. Nhưng mà, một ngày kia, một người đàn ông mà người ta gọi là tôn ông Karl, thời ấy làm chúa cả xứ Sưrmland, vừa du lịch trở về lâu đài. Sau khi ăn uống xong, ông ta ra vườn, và đứng hồi lâu mải ngắm cái hồ của ấp Stora Djulư có những bờ bãi rất đẹp. Nhưng trong khi vui sướng trước cảnh đẹp này, và nghĩ rằng chẳng xứ nào trên thế gian mà có thể đẹp hơn Sưrmland được, thì chợt nghe ai đó thở dài một tiếng não nuột ở sau lưng. Quay lại, ông ta trông thấy một người làm công nhật già, đang gập mình trên một cái mai đào đất.
- Có phải lão thở dài đấy không? Tôn ông Karl hỏi.
Tại sao lão thở dài?
- Có sao tôi mới thở dài, tôi phải làm lụng ở đây hết ngày này sang ngày khác - người công nhật trả lời.
Tôn ông Karl có tính dễ tức giận. Ông không thích nghe tôi tớ than phiền.
- Lão không còn duyên do nào khác nữa để than phiền à? Ông ta quát to. Ta quả quyết với lão rằng ta sẽ rất thích thú được đào đất xứ Sưrmland này suốt cả đời ta.
- Mong rằng các hạ cầu được ước thấy! Người công nhật đáp lại.
Sau việc ấy, trong xứ người ta cho rằng tôn ông Karl nằm dưới mồ mà chẳng được yên nghỉ chút nào, và đêm đêm lại trở về Stora Djulư để cầm mai đào đất trong khu vườn xinh đẹp của ông ta.
Ngày nay, ở đây không có lâu đài cũng không có vườn tược; chỉ còn thấy có một chiếc gò cây mọc thành rừng, rất mực bình thường thôi, nhưng nếu ai mạo hiểm vào rừng trong đêm tối thì may ra có thể trông thấy khu vườn. Bà lão kể đến đấy thì ngừng lại và chú mục nhìn vào một góc tối của gian phòng.
- Các người có nghe tiếng động đậy không? Bà lão hỏi.
- Có gì đâu, mẹ à, mẹ kể tiếp đi, người con dâu nói. Chuột cống đã cắn thủng một lỗ to trong góc ấy, nhưng con nhiều việc quá quên không bít lại. Mẹ kể cho chúng con nghe xưa nay có ai đã được trông thấy khu vườn xinh đẹp đó chưa?
- Có chứ, bà lão kể tiếp, chính bố ta đã được ngắm cảnh vườn rồi. Ông cụ đi qua rừng, một đêm hè thì bỗng thấy dựng lên trước mặt một bức tường bao quanh vườn; phía trên tường nhìn thấy cây cối đẹp nhất trần gian. Cành nhánh mang nặng hoa quả, nhiều đến nỗi rũ cả ra ngoài tường. Một người làm vườn bước ra, và hỏi ông cụ ta có thích vào xem vườn không. Người ấy tay cầm cái mai, và mang một cái tạp dề dài như những người làm vườn khác. Ông cụ ta sắp đi theo người ấy thì tình cờ liếc nhìn mặt ông ta, và tức khắc nhận ra túm tóc nhọn hất ngược trên trán và túm râu cằm. Đích thị là tôn ông Karl rồi!
Câu chuyện lại bị ngắt nữa. Lần này thì một súc củi nổ ra, bắn những tia lửa và những vụn than lên sàn nhà. Cả gian phòng sáng rực, và bà lão tưởng như trông thấy một con người bé nhỏ ngồi trước lỗ chuột khoét, nghe kể chuyện, nhưng vội vàng biến mất.
Người con dâu cầm cái chổi và cái xẻng, quét than hốt đi, rồi ngồi xuống lại.
- Kể tiếp đi mẹ, chị ta nói. Bà lão không bằng lòng.
- Tối nay thế là đủ, bà nói giọng khác hẳn.
Các người khác đều muốn nghe thêm, nhưng người con dâu thấy mẹ chồng tái mặt và hai tay run lẩy bẩy, liền nói:
- Thôi! Thôi! Mẹ mệt rồi. Mẹ phải đi nằm.
Lát sau, Nils trở vào rừng với đàn ngỗng. Chú nhai một củ cà rốt nhặt được trước hầm nhà và nghĩ rằng mình đã được một bữa ăn tối tuyệt vời. Chú lại thích thú được ở lại giờ lâu trong chiếc nhà nhỏ ấm áp. Chú nghĩ: “Chỉ cần tìm được một chỗ trú thoải mái cho đêm nay thôi”.
Bỗng chú chợt nghĩ rằng cách tốt nhất là lên nằm trên một cây bách um tùm mọc ở bên đường cái. Chú leo lên cây, lấy những cành con đan lại thành một thứ giường. Chú nằm đó một lát, nghĩ đến câu chuyện được nghe kể trong chiếc nhà nhỏ, và nhất là chuyện về tôn ông Karl, mà người ta nói là vẫn hiện về trong khu vườn Djulư. Đến đấy thì chú ngủ thiếp đi.
Chắc là chú đã ngủ thẳng đến sáng hôm sau, nếu không bị tiếng kèn kẹt của chiếc cổng sắt mở ra, có thể nói là ở ngay dưới chân, đánh thức dậy. Tức thì Nils dụi mắt và nhìn quanh.
Ngay bên cạnh dựng lên một bức tường cao ngang đầu người, phía sau thấy có cây cối mà cành nhánh oằn xuống dưới sức nặng của trái cây. Thoạt tiên Nils cho là việc này khá lạ lùng. Trước khi chú ngủ, ở đây chẳng có cái cây ăn quả nào cả. Nhưng mà rất nhanh, chú nhớ lại, và chú đoán ra ngay khu vườn chú trông thấy kia là vườn nào.
Điều lạ nhất có lẽ là chú chẳng thấy sợ chút nào, mà trái lại, thấy muốn đi vào trong vườn không cưỡng lại được. Nơi chú nằm trên cây bách vừa tối vừa lạnh, nhưng khu vườn thì sáng sủa, và Nils tưởng trông thấy những trái cây và những hoa hồng rực rỡ dưới ánh mặt trời. Như chú, đã lang thang bao nhiêu ngày dưới cái rét và trời mưa, mà được hưởng một chút nắng ấm mùa hè thì thích thú biết mấy.
Vả lại, hình như đi vào vườn thật chẳng chút khó khăn nào. Bức tường lớn có trổ một cái cổng ngay cạnh gốc bách nơi chú nghỉ, và một người làm vườn già vừa mở hai cánh cổng sắt lớn ra. Ông ta đứng ở cổng và nhìn ra cánh rừng, vẻ chờ đợi ai. Chỉ nháy mắt, Nils đã tụt xuống gốc cây. Chú đi lại phía người làm vườn, tay cầm mũ, khẽ gật đầu chào và xin phép vào xem vườn.
“Ừ! Ta cho phép. Vào đi!” Người làm vườn trả lời, giọng nghe khó chịu. Và Nils vào là ông ta khóa cửa sắt lại với chiếc chìa khóa nặng, rồi đút nó vào túi. Bấy giờ chú nhìn ông làm vườn. Ông ta có bộ mặt hãm tài, với bộ ria mép to tướng, túm râu cằm nhọn hoắt và cái mũi khoằm như mỏ chim ăn thịt. Giá ông ta không mặc cái tạp dề của người làm vườn và cầm ở tay một cái mai nặng, thì Nils đã cho ông ta là một ông lính già.
Người làm vườn bước những bước dài, đi sâu vào khu vườn và Nils phải chạy mới theo kịp. Họ đi dọc một con đường hẹp, và Nils vô tình giẫm lên mép bồn cỏ. Tức khắc, người làm vườn nghiêm khắc cấm chú không được đi lên cỏ. Sau đó thì Nils chỉ cứ việc đi theo người hướng dẫn từng bước một.
Nils cảm thấy rõ ràng là người làm vườn mà đưa một thằng bé đẻ thiếu tháng như hạng chú đi thăm vườn mình thì đã tự thấy mình quá nhân hậu, nên chú không dám hỏi ông ta một câu nào. Chỉ thỉnh thoảng ông ta mới nói với chú một lời gì đó.
Vừa qua khỏi bức tường là gặp ngay một hàng rào dày. Qua rào xong, người làm vườn kể cho Nils biết là ông ta đã đặt cho cái rào tên là Kolmården.
“Đúng là hàng rào này cao lớn và rất xứng với cái tên ấy”.[57] Nils trả lời, nhưng mà ông làm vườn chẳng thèm quan tâm chút nào đến cái điều chú có thể nói, hay không thể nói.
Họ ra khỏi lùm cây dày, và Nils có thể nhìn bao quát một phần lớn khu vườn. Chú thấy ngay là nó không rộng lắm, may ra được một mẫu tây.[58] Hai phía nam và tây có thành cao che chở, nhưng hai phía bắc và đông thì có nước bao bọc, cho nên chẳng cần một thứ tường rào nào cả.
Người làm vườn dừng chân để buộc lại một thân cây nhỏ, thế là Nils được nhìn ra chung quanh. Trong đời, chú chưa trông thấy nhiều vườn, nhưng chú cũng đoán được rằng vườn này chẳng giống các vườn khác. Chắc nó được bố trí theo kiểu ngày xưa, vì ngày nay chẳng ai còn thấy một số non bộ nhỏ, bồn hoa nhỏ, mép viền hoa nhỏ, vạt cỏ nhỏ, vòm cây nhỏ, nhiều đến thế. Người ta lại càng ít gặp một số ao con, sông máng uốn khúc quanh co nhiều như Nils cứ mỗi bước là một gặp phải ở đây.
Khắp nơi có những đại thụ uy nghi nhất, và những hoa thơm tao nhã nhất. Nước ở các sông đào hẹp, trong vắt cái trong của thủy tinh, hay là một màu lục sẫm in bóng các bờ bãi chung quanh. Tất cả các thứ đó tựa hồ một chốn thiên đường trước mặt Nils. Chú vỗ tay và kêu lên:
- Tôi chưa bao giờ trông thấy cái gì đẹp đến thế này. Vườn này là vườn nào đây?
Nghe đến đấy, người làm vườn quay ngoắt lại và nói, giọng thô lỗ:
- Khu vườn xinh đẹp này gọi là Sưrmland. Thế mày là đứa nào mà chẳng biết gì cả vậy? Sưrmland xưa nay có tiếng là một trong những vùng đẹp nhất đất nước. Nils hơi tần ngần một chút, nhưng mà có bao nhiêu cái để xem, nên chú không thể suy nghĩ đến ý nghĩa của câu trả lời ấy. Đúng! Xinh đẹp thật, khu vườn này với tất cả các loài hoa của nó, các dòng nước uốn khúc quanh co của nó, Nils không thể tìm thấy một khu vườn nào khác làm chú thích hơn được... và tất cả những đình tạ kia, tất cả những ngôi nhà nho nhỏ dành cho các trò vui chơi kia, bố trí gần như khắp nơi, nhưng mà nhiều nhất là ven bờ những hồ nhỏ và những dòng kênh! Đó chẳng phải là những nhà thật. Kích thước chật hẹp, như tuồng làm ra cho những kẻ tầm vóc bằng Nils, nhưng mà trông thật duyên dáng. Những nhà ấy thật nhiều kiểu. Có những cái giống như những lâu đài, đủ cả các ngọn tháp và cánh trái, cánh phải. Những cái khác có vẻ là những nhà thờ, những cái khác nữa là những nhà cối xay, những nhà ở của nông dân. Nhà nào cũng đẹp, đến nỗi Nils muốn dừng lại nhìn kĩ từng cái một, nhìn gần hơn, nhưng mà phải đi theo người làm vườn.
Chỉ một lát sau họ đến một tòa nhà rộng hơn và dáng dấp quý tộc hơn tất cả những nhà đã gặp đến lúc ấy. Nhà hai tầng, trên có mí, và hai bên có hai cánh nhô ra phía trước. Tòa nhà dựng trên một mô đất, ở giữa những bồn hoa; và đường cái dẫn đến đó đã vượt qua tất cả các sông đào, cái này đến cái khác, trên những chiếc cầu bé tí thanh nhã mà duyên dáng. Nils vẫn chạy lúp xúp bén gót người làm vườn, và chỉ lướt qua không dừng lại trước những thứ kì quan ấy; chú thở dài một tiếng não nuột, khiến người bạn đường nghiêm khắc nghe thấy và quay lại.
- Ta gọi chốn này là Eriksberg, ông ta nói. Muốn vào không? Ta cho phép, nhưng coi chừng phu nhân ấp Pintorpa!
Một lời mời như thế, Nils không để cho người ta nhắc lại đến lần thứ hai. Chú chạy dọc lối đi có trồng cây hai bên, chú đi qua những chiếc cầu nhỏ và băng qua những bồn hoa, chú bước vào nhà. Những bậc thềm vừa tầm vóc của chú, chú có thể mở tất cả các cửa, và chưa bao giờ chú dám nghĩ đến việc được trông thấy cái gì đẹp đến thế này.
Những sàn nhà lát gỗ sồi đánh xi bóng lộn, những trần nhà quét vôi trắng vẽ đầy tranh. Trên mọi tường, các bức tranh chen chúc nhau. Những đồ gỗ thếp vàng đều phủ lụa. Nils trông thấy những gian phòng mà tường xếp đầy sách, chú thấy những phòng khác mà bàn và tủ để đầy bảo vật. Nhưng dù xem vội, chú vẫn không tài nào xem được một nửa tòa lâu đài, thì người làm vườn đã gọi trở lại, và chú mới bước ra là đã thấy ông lão đang nhai nhai bộ ria mép vẻ sốt ruột. “Thế nào, có trông thấy phu nhân ấp Pintorpa không?”, người làm vườn hỏi.
Nhưng Nils có thấy một bóng người nào đâu, và khi chú nói thế với người làm vườn thì mặt ông ta nhăn lại. “Phu nhân ấp Pintorpa đã được quyền yên nghỉ rồi, mà ta thì không”, ông ta kêu lên.
Và Nils nghĩ là chưa bao giờ mình phải cảm thấy một nỗi thất vọng đến thế run lên trong giọng nói của một con người.
Sau đó, người làm vườn lại bước những bước dài, đi tiếp con đường của mình, và Nils lại chạy theo ông ta, vừa chạy vừa cố hết sức xem bao nhiêu thứ kì quan. Họ đi vòng quanh một cái bàn hơi rộng hơn các cái khác một tí. Những ngôi đình màu trắng, trông như những nhà chủ ấp, mọc lên khắp nơi, giữa những chòm cây rợp bóng và những bồn hoa. Người làm vườn không dừng chân, nhưng vừa đi vừa nói, khi câu này, khi câu kia:
“Ta đã đặt cho bàu này cái tên là Yngaren. Đây là Danbyholm - Đây là Hagbyberga. - Đây là Hovsta, và kia là Åkerư.”
Rồi thì, nhảy hai cái, người làm vườn đến một khoảnh nước nhỏ mà ông ta gọi là Båven. Nghe một tiếng kêu ngạc nhiên, người làm vườn dừng lại. Nils đã đứng sững trước một cái cầu dẫn đến một tòa lâu đài, nằm trên một hòn đảo giữa khoảnh nước.
“Có thì giờ xem thì ta cho phép nhìn qua lâu đài Vibyholm, ông ta nói, nhưng coi chừng Bạch phu nhân!” Ở Vibyholm, các bức tường treo nhiều tranh đến nỗi Nils tưởng như đang đứng trước một cuốn sách tranh vẽ lớn. Chú thích quá, những muốn ở suốt đêm tại lâu đài, nhưng mà giọng người làm vườn đã vội gọi chú ra: “Trở lại! Trở lại! Ta còn bao việc khác phải làm, thì giờ đâu mà chờ mày, đồ lang thang bẩn thỉu!”.
Nils chạy qua cầu, và vừa trông thấy chú, người làm vườn liền hỏi:
“Làm sao thế? Có trông thấy Bạch phu nhân không?” Nils có trông thấy một bóng người nào đâu, và chú thú nhận với người làm vườn như thế. Ông lão liền cầm cái mai đập xuống một hòn đá, mạnh đến nỗi đá vỡ tan, bay ra từng mảnh, và ông ta nói, giọng hoàn toàn tuyệt vọng:
“Bạch phu nhân ở Vibyholm được quyền yên nghỉ, còn ta thì không...”
Cho đến lúc đó, họ đã đi hết phía nam của khu vườn, bây giờ người làm vườn đi vào phần phía tây, ở đấy mọi thứ đều bố trí khác hẳn. Những phiến đá lớn bằng phẳng xen với những bồn dâu tây hình vuông, những vạt bắp cải và những đám phúc bồn.[59] Lại còn những đình tạ nhỏ để vui chơi, nhưng phần lớn đều màu đỏ, và rất giống những nhà nông dân. Khắp chung quanh là những giàn hublông[60] và những đám xơri. Người làm vườn dừng lại một tí, và buông một câu: “Ta gọi vùng này là Vingåker”.
Rồi tức thì ông ta chỉ một cái nhà, đơn sơ hơn các nhà đã trông thấy nhiều, và hoàn toàn có vẻ là một lò đúc sắt.
“Đây là một xưởng lớn chế tạo công cụ. Ta gọi là Eskilstuna. Thích thì có thể vào nhìn một tí”.
Nils đi vào. Những bánh xe đang quay, những chiếc búa đang nện, những máy tiện đang tiện. Biết bao nhiêu cái đáng xem, Nils có thể ở suốt đêm để nhìn nếu người làm vườn không gọi trở lại.
Sau đó, họ vượt qua hồ lên phía bắc của khu vườn. Bờ hồ khúc khuỷu, chỉ là vũng với ghềnh, ghềnh với vũng. Phía trước các ghềnh đá, nổi lên những đảo nhỏ, cách đất liền bằng những cái eo con. Các đảo nhỏ ấy cũng thuộc về khu vườn. Cũng được trồng trọt cẩn thận như những phần khác. Nils đi qua phía trước những trang viên, nơi sau càng đẹp hơn nơi trước, nhưng chú chỉ dừng lại có một lần, trước một ngôi nhà thờ màu đỏ, vẻ ngoài cao quý. Ngôi nhà thờ dựng trên một cái ghềnh trồng những cây rất sai quả. Người làm vườn, đã quen từ nãy, không muốn dừng lại, nhưng Nils không chịu và xin phép vào xem.
“Được. Ta đồng ý, người làm vườn nói, nhưng coi chừng Rogge, ông giám mục. Rất có thể là ngày nay ông ta vẫn còn hiện hồn về Strängnäs!”
Nils lao vào nhà thờ. Chú xem xét những mộ chí cổ và những bức tranh tam bình[61] đẹp. Nhất là chú ngắm nghía một hiệp sĩ, giáp trụ mạ vàng đứng trong một khám thờ, cạnh cổng vào. Trong nhà thờ cũng bao nhiêu là vật đáng xem, Nils những muốn ở lại đấy cả đêm, nhưng chú đành phải đi ra, để khỏi bắt người làm vườn chờ. Chú vừa ra đến sân trước nhà thờ thì thấy người làm vườn đang nhìn theo một con cú đuổi một con chim bông lau ở rất cao trên trời. Ông lão huýt sáo mồm gọi con chim bông lau, nó tin cậy đến đỗ trên vai ông ta, và khi mà con cú, hăng hái săn mồi, muốn bắt nó, thì người làm vườn lấy cái mai đánh đuổi đi. “Ông ta không phải độc ác như ta thấy bên ngoài”, Nils nghĩ bụng, khi trông thấy ông lão dịu dàng chăm sóc con chim bé bỏng tội nghiệp kia.
Lúc đó, trông thấy Nils, người làm vườn quay lại hỏi có trông thấy giám mục Rogge không? Và nghe chú bé trả lời là không, ông ta liền nói, với một nỗi buồn vô hạn:
“Giám mục Rogge thế là được quyền yên nghỉ, còn ta thì không”.
Lát sau họ đến trước ngôi nhà nguy nga nhất trong tất cả các nhà búp bê ở đây. Đó là một ngôi nhà bằng gạch, có ba ngọn tháp đồ sộ nặng nề, do những căn nhà ở rộng rãi nối lại với nhau.
“Có thích thì vào đi, và xem cả bốn bề chung quanh, đây là Gripsholm, người làm vườn nói. Nhưng coi chừng, kẻo gặp quốc vương Erik”.
Nils qua một cổng đồ sộ, và vào một sân rộng hình tam giác, chung quanh là những nhà cửa không có gì đáng để ý. Nils chỉ chơi nhảy cừu qua mấy cỗ đại bác rồi tiếp tục cuộc viếng thăm. Chú qua một cổng lớn nữa, rồi sau cùng là một cái sân danh dự, mà vây quanh toàn những công trình xây dựng tuyệt mĩ. Nils đến cái phòng hội họp rộng, xà ngang xà dọc trông rõ, và tường thì treo kín những bức chân dung to lớn và âm u, vẽ những lãnh chúa nghiêm nghị và những phu nhân cao quý, mặc những bộ y phục cứng đờ, hình dáng lạ lùng.
Ở tầng dưới, các gian phòng đều sáng sủa và vui vẻ hơn. Bấy giờ Nils mới nhận rõ là mình đang ở trong một tòa vương cung, vì chỉ thấy toàn những chân dung quốc vương và vương hậu. Ở tầng thứ hai là một kho lương mênh mông có rất nhiều gian phòng bao quanh. Các phòng đều trắng, đồ đạc thanh nhã; có một rạp hát nhỏ, và ngay bên cạnh là cả một nhà lao thực sự. Đó là một phòng mà tường đá trần trụi, cửa sổ rào sắt, và mặt đất đã bị bước chân của bao tù nhân giẫm nát. Biết bao nhiêu thứ thu hút sự chú ý của Nils, đến mức chú những muốn ở đây nhiều ngày, nếu người làm vườn không gọi ra.
“Có thấy quốc vương Erik không?”. Ông lão hỏi. Nhưng mà Nils có thấy một người nào đâu, và người làm vườn lại kêu lên, như ông ta vẫn kêu mấy lần, nhưng với một nỗi tuyệt vọng còn lớn hơn nhiều.
“Quốc vương Erik thế là yên nghỉ rồi, còn ta thì không!”
Sau cùng họ đến phần bên đông của khu vườn. Họ đi qua trước một khu nhà tắm, mà người làm vườn gọi là Sưder-tälje, rồi qua trước một lâu đài cổ, mà ông ta gọi là Hưrningsholm. Cảnh chẳng có gì đáng chú ý lắm. Chỉ thấy những bờ đá dựng đứng, và những bãi đá ngầm, càng nhìn càng thấy trơ trụi, hoang dã, thê lương.
Nils và người làm vườn quay sang phía nam và Nils nhận ra cái hàng rào mà ông bạn đường đã gọi là Kolmården, chú biết là đã ra đến cổng vườn. Làm thế nào mà cám ơn người làm vườn đây? Nhưng mà ông lão không nghe chú nói. Ông ta đi thẳng ra cổng. Đến đấy, ông quay lại Nils, và đưa chú cái mai đang cầm.
“Cầm giùm ta cái này trong khi ta mở cổng”.
Lo ngại vì đã làm phiền ông lão già nua khó tính kia đến thế, Nils muốn tránh cho ông một nỗi khó nhọc thêm nữa.
“Vô ích, không cần vì tôi mà phải mở cánh cổng nặng này” chú nói to, và vừa nói vừa chui giữa các gióng sắt mà ra. Chú có thiện ý nhất trần đời, nhưng chú sửng sốt: người làm vườn gào thét giận dữ, giẫm chân xuống đất, lay cái cổng sắt.
- Nhưng làm sao thế? Nils hỏi. Tôi chỉ tìm cách tránh cho ông khỏi vất vả. Tại sao ông lại giận đến thế?
- Ta giận chẳng đúng sao, ông lão đáp. Giá mày cầm lấy cái mai của ta thì đã đến lượt mày ở lại đây và trông nom khu vườn. Còn ta thì đã được giải thoát. Bây giờ thì ta không biết là còn sẽ phải ở lại chốn này bao nhiêu lâu nữa.
Ông ta vẫn lay cái cổng sắt một cách khủng khiếp, nhưng Nils không thể không thương hại ông, và chú cố gắng an ủi ông.
“Đừng giận, tôn ông Karl tỉnh Sưrmland ạ, chẳng một ai trên đời mà có thể trồng trọt khu vườn của ông giỏi hơn ông được”.
Ông lão làm vườn nguôi giận và làm thinh, và Nils tưởng như trông thấy nét mặt dữ dội của ông sáng ra. Tuy nhiên chú không thể xem là có chắc thế không, vì đúng lúc ấy, ông lão tiêu tan, biến mất trong một màn sương mù. Mà không phải chỉ một mình ông ta, mà cả toàn bộ khu vườn cũng mờ đi và biến mất với những hoa những quả, với ánh mặt trời của nó. Ở chỗ khu vườn chỉ còn thấy có cánh rừng hoang vu, quạnh quẽ.