A house without books is like a room without windows.

Heinrich Mann

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: l Maruchan l
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3274 / 51
Cập nhật: 2017-04-04 13:32:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22 - Dạ Lữ Viện
au cuộc thử tình, bà Tuần vừa bẽ, vừa ngượng, lại vừa hối. Bà buồn bã quá, đến nỗi bỏ cả bữa cơm chiều, nằm gí như bị ốm.
Bà thấy Minh thản nhiên như không, và lại săn sóc đến bà quá, nên bà càng ân hận. Suốt đêm, bà nghĩ ngợi, thở dài luôn. Rồi đến gần sáng, trong khi bà đang nằm yên. Minh rón rén đến gần. Bà vờ ngủ, nhưng lim dim con mắt để xem con dâu làm gì, thì ra Minh ghé tai nghe, chắc rằng xem bà ngủ có ngon giấc hay không, rồi lại sẽ sàng ra đi. Vì vậy, bà rất cảm động, không thể nằm yên mãi, bà ngồi nhỏm dậy gọi:
- Mợ Cả!
Minh dịu dàng đáp. bà Tuần mỉm cười nói:
- Mợ Cả, mẹ trách mợ một điều...
Nói đến đó, bà im, để xem nét mặt con dâu, nhưng Minh vẫn vui tươi, nói:
- Thưa mẹ, con có điều gì, xin mẹ cứ bảo.
Bà Tuần sung sướng:
- Mẹ trách mợ một điều, là mợ đã làm mẹ phải ốm vì ân hận.
Minh dào dạt cả người, đứng lặng, rơm rớm nước mắt. Bà Tuần nói:
- Con chớ giận mẹ nhé. Từ nay mẹ thề có Trời Phật là mẹ ăn ở lại cho con vui lòng.
Minh ngăn:
- Chết! Sao mẹ lại nói thế!
Bà Tuần nhảy xuống đất, chẳng xỏ chân vào giầy chi cả, nắm chặt lấy tay Minh:
- Mẹ được con, mẹ vui sướng không kể xiết. Trước kia, mẹ lầm quá! Con đừng giận mẹ nhé.
Thấy nét mặt thật thà của mẹ chồng, Minh rất động tâm, bèn đáp:
- Bẩm mẹ, con đâu dám thế.
- Không, mẹ hôm nay trở đi, không như mẹ hôm qua và từ trước đâu. Mẹ biết mợ quá rồi, song mẹ rất bực mình, vì mẹ biết mợ sau cả họ hàng!
Minh chùi nước mắt.
Rồi cả hai mẹ con âu yếm, chuyện trò cho đến tận sáng. Nàng thấy trong gia cảnh có vẻ hoà hợp, nên nàng như được tự do, ăn nói không cần phải giữ kẽ như trước. Bà Tuần mở tủ lấy ra những văn tự ruộng đất nhà cửa và chùm chìa khoá để giao cho Mình giữ, vì bà bảo cho Minh được toàn quyền trông nom coi sóc gia đình.
Về phần Minh, nàng càng lấy việc đó làm lo lắng, vì nàng thấy cái bổn phận của nàng rất to, dường như nàng là chủ cái hạnh phúc của nhà chồng vậy. Nhưng nàng không hề ngại ngùng về cái trọng trách ấy, từ trước đến nay, nàng chẳng vẫn cố gây hạnh phúc cho gia đình Sanh hay sao.
Rồi đến độ mười giờ sáng, Sanh tiếp được một bức thư từ Hải Phòng đề tên bà Tuần.
Trong khi thấy chồng đang ngơ ngác ngắm nghía cái phong bì, Minh hiểu ngay là một tin làm vinh dự cho mẹ chồng, và là một việc làm rõ rệt bụng dạ quân tử của nàng ra.
Cái thư ấy là của ban tổ chức Dạ Lữ Viện mời bà Tuần xuống Cảng khánh thành Viện và cảm ơn bà vừa mới cũng món tiền năm nghìn.
Cố nhiên là bà Tuần và Sanh phải ngạc nhiên. Hai mẹ con đoán mãi không rõ ban tổ chức lầm tên, hay là người ta nhạo bà vì bà đã chẳng cúng một đồng xu nhỏ. Hai người bàn bạc với nhau mãi, toan không dám đi, nhưng Minh nói:
- Mẹ cứ đi, đó không phải là lầm hay nhạo chi cả.
Sanh nhìn vợ, và bà Tuần cũng nhìn con dâu.
Mình thổn thức. Nàng cho rằng từ nay trở đi, đối với nhà chồng, nàng không nên làm những sự cao thượng bất ngờ như thế, nên vội vàng thưa:
- Bẩm mẹ, vì con thấy công cuộc làm Dạ Lữ Viện rất chính đáng, nên con trót giấu mẹ cúng món tiền đó.
Bà Tuần và Sanh cùng trố mắt nhìn Minh, nét mặt vừa ngạc nhiên, vừa kính phục, vừa cảm động. Một lát, bà nói:
- Thế mà mợ lấy tên mẹ.
Minh tươi cười đáp:
- Vâng, bởi vì tuy là tiền con, nhưng trên còn mẹ.
Bà Tuần lặng người, lấy vạt áo chấm mắt, rồi nhìn Sanh thở dài, hỏi:
- Ra mợ có riêng một vạn bạc để làm hai việc nghĩa?
Chàng có ý tiếc, nhưng bà Tuần kinh ngạc, cứ há hốc mồm ra để nghĩ rồi hỏi:
- Một vạn bạc để làm hai việc nghĩa? Trời ơi!
Mỉm cười, Minh gật đầu:
- Bởi vì một vạn ấy, con không phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được.
Sanh thở dài, buồn bã, hỏi:
- Mợ được số à?
Bà Tuần nhìn Sanh, lại nhìn Minh, cũng hỏi:
- Thế nào? Mẹ chưa hiểu.
Minh đáp:
- Bẩm mẹ, con được số đấy ạ.
Nói đoạn, nàng sung sướng cười khanh khách.
Bà Tuần gật gù:
- À, mẹ hiểu rồi, thế ra mợ được số. Năm nghìn ấy với năm nghìn này...
Nhưng bà vẫn ngơ ngát, đoạn một lát, bỗng bà cười rất to, như điên cuồng:
- Mẹ hiểu thật rồi!
Rồi rối rít, bà hỏi:
- Thế Dạ Lữ Viện mời mẹ, mẹ xuống là phải đấy nhỉ?
- Vâng.
Nhưng tự nhiên, bà lại ngơ ngác hơn, hỏi:
- Con được số thật hay bỡn?
- Thật ạ.
-Thế thì con kín đáo quá.
Minh cười đáp:
- Bẩm mẹ, nào có phải con dám giấu mẹ cái tin con được số đâu, nhưng thật thì con cũng không biết. Để chốc nữa, con bẩm mẹ nghe.
Bà Tuần nóng ruột, giục:
- Không, mợ nói ngay cho mẹ biết kia!
Vừa lúc ấy, Oanh về chơi nhà. Bà Tuần mừng rỡ, kể chuyện cho Oanh nghe, rồi mắng Oanh:
- Trước tao không bằng lòng, vì mày hay hỗn với chị Cả.
Oanh ngượng, nhưng Minh gạt ngay đi. Oanh hỏi:
- Thế chị nói đi, chị được số thế nào?
Minh nhìn bà Tuần, thân mật nói:
- Thưa mẹ. con không nhớ từ ngày nào, chị Xuân con có vay của con một đồng bạc. Độ nọ, chị ấy thấy con túng quá, mới nhắc con và trả con món tiền mà chính cả con lẫn chị ấy cùng quên bẵng đi. Con không nhận là chị ấy nợ con, mà chị ấy thì cứ quyết rằng vì lâu ngày nên con lãng mất. Con nhất định không cầm tiền, chị ấy bèn bảo; "Thế thì tôi cứ mua cho chị một phiếu xổ số". Con tưởng chị ấy nói vậy rồi bỏ qua đi. Ai ngờ chị ấy mua thật, và đến hôm mở số chị ấy hớn hở, vui mừng lại tìm con, bảo con trúng một vạn.
Bà Tuần ngửa mặt lên nhìn con dâu để nghe chuyện. Bà run lên, hỏi:
- Thế ai giữ lá phiếu này?
- Chị Xuân ạ.
- Ồ! Thế giá phải người khác, thì cứ bỉm đi, ai biết đâu nhỉ?
- Bẩm chúng con chơi với nhau, cốt thật thà làm đầu.
Bà Tuần há miệng to, gật gù, khen nức nở:
- À, ra các cô tốt bụng thật! Quý hóa quá!
- Vâng, mà những tiền phí tổn gửi măng-đa, cũng do chị Xuân bỏ ra cho con, chị nói cũng như món tiền thêm vào làm cho việc nghĩa.
Bà Tuần lặng yên một lát, rồi bùi ngùi, thở dài với Oanh:
- Người thế mà ế chồng, hoài nhỉ.
Minh mỉm cười. Oanh đáp:
- Không phải ế, chắc người ta nghĩ thế nào mãi chưa muốn lấy chồng, chứ người đẹp mà giàu thế, thiếu gì người hỏi.
Bỗng bà Tuần nghĩ được một ý hay, bà "à" một tiếng rồi nói với Minh:
- Mợ ạ, mẹ nói phải thì mợ nghe, mà nói trái thì mợ đừng nhớ nữa nhé. Hôm nào rỗi, con gạn lời hỏi thử xem cô Xuân có muốn làm lẽ con không...
Nói đoạn, bà đắc chí, cười như nắc nẻ, làm cho Sanh bẽn lẽn, thẹn đỏ mặt.
Oanh cau mặt, xua tay:
- Chết sao mẹ gàn thế, sao mẹ nghĩ quẩn thế. Không, chị chớ nói đến tai người ta, rồi người ta cười cho đấy.
Minh chưa trả lời thì bà Tuần nói:
- Mẹ yêu những người tử tế lắm, nên muốn ghem ghép cho người ta.
Minh đáp:
- Nhưng thưa mẹ, chị ấy gàn dở hơn con ấy ạ.
- Mợ thì gàn dở gì. Nhà có phúc mới lấy được mợ. Bây giờ mẹ yêu những người phái mới lắm.
Rồi bà nói đùa:
- Mợ coi, nay mơi mẹ cũng tân thời cho mà xem. Thôi, à mà mẹ không bắt ai kiêng tên nữa. Kiêng tên chỉ tổ cho người ta biết, chứ ích gì.
Đoạn bà đứng phát dậy giơ tay ra. Minh chẳng hiểu bà định làm gì. Bà bèn với lấy tay Minh, rung ba bốn lượt. Cả nhà cười ồ.
Minh cảm động vì thấy mẹ chồng phởn phơ quá. Nàng càng ngậm ngùi nhớ lại những việc xưa.
Bàn tán một lát về sự kiêng tên, rồi bà Tuần hỏi Minh:
- Mẹ muốn nhân tiện cuộc đi Hải Phòng mà về nhà quê hôm nay, để mơi, à quên mai, ra dự cuộc khánh thành, mợ tính có nên không?
Minh đáp:
- Bẩm cái đó tuỳ mẹ.
Oanh nói:
- Mẹ cho cả nhà về hầu mẹ, mẹ ạ.
Bà Tuần dài mồm nói:
- Vâng.
Sanh tán:
- Mẹ nên thuê chiếc ô tô mà đi cho sang trọng, chẳng lẽ mẹ đã cúng đến năm nghìn, lại đi xe kéo ra Dạ Lữ Viện, không coi được, mẹ ạ.
Bà Tuần lại dài mồm, đáp:
- Vâng.
Đoạn, Sanh khoái chí mặc áo, đi thuê xe. Minh đắn đo một lúc, rồi nói:
- Con xin phép mẹ cho con ở nhà, vì hôm nay con trót hẹn với chị Xuân một việc.
Bà Tuần cau mặt:
- Nhưng con không đi với mẹ thì mẹ không vui.
Oanh nói lời:
- Thật đấy. Mẹ thì cổ. Anh Cà thì ngớ ngẩn, Em thì bỡ ngỡ, rồi biết khi đến Dạ Lữ Viện, mẹ phải làm thế nào?
Minh đáp:
- Thế thì mai chị đi xe lửa thứ nhất xuống Cảng. Mãi bốn giờ chiều mới khánh thành kia mà!
Bà Tuần hỏi:
- Mợ cần ở lại thật à?
- Vâng.
Bà Tuần hoa tay:
- Thôi được, mợ muốn làm gì thì làm, mợ định thế nào mẹ cũng nghe theo.
Minh nhắc Oanh:
- Kìa, cô hãy về bên nhà, xin phép trước đã chứ!
Bà Tuần nhìn Oanh, nghiêm trang, mắng:
- Đấy, con bé!... Thật mẹ thấy mẹ con, vợ chồng, chị em, ăn ở với nhau như thế này, mẹ chắc mẹ còn được sống lâu.
Oanh về, bà Tuần và Minh sắm sửa hành lý.
Rồi trong khi Minh vào bếp giục người nhà làm cơm mau. bà Tuần lại gọi nàng lên, Bà trỏ vào mặt bà, và híp mắt cười, bảo:
- Đến chỗ rặt những người mới, mà mẹ cổ quá, không coi được. Mợ biếu mẹ tí phấn, thử xoa cho mẹ xem ra sao nào!
Minhbật cười, nhưng nàng rất sung sướng, vì không ngờ mẹ chồng nàng cũng chịu ảnh hưởng nàng mà chuộng mới đến thế. Bà muốn mới bề ngoài, thì rồi sau bà cũng mới cả bề trong. Năm nghìn bạc tình cờ nàng có, để làm vinh dự cho bà, chẳng qua chỉ giúp thêm cho mẹ chồng nàng phục nàng mà thôi, chứ trí nhẫn nại, lòng thành thực của nàng mới thật đã cho nàng cái phần thưởng rất quý.
Độ nửa giờ, Sanh đưa ô tô về nhà, rồi Oanh cũng vừa đến.
Ăn cơm xong, bà Tuần soi gương, đánh lại tí phấn, và tới tấp giục các con đi. Minh vui vẻ, ra cửa đứng để tiễn.
Chiếc xe mở máy chạy, Minh nhìn theo. Bà Tuần chỉnh chiện ngồi giữa, dòm qua mặt kính sau, gật gù với nàng dâu:
- Mai xuống xe lửa thứ nhất nhé.
Minh đáp to:
- Vâng.
Chiếc xe chạy xa dần. Nhưng sau lần mặt kính, Minh vẫn thấy mặt mẹ chồng, đầu thì gật lia lịa, miệng thì lắp bắp. Nàng hiểu rằng những câu bà dặn chắc không quan trọng gì, nên nàng cũng đáp:
- Vâng! Vâng!
Cô Giáo Minh Cô Giáo Minh - Nguyễn Công Hoan Cô Giáo Minh