Trong mỗi khó khăn, thất bại, và cả những nỗi khổ tâm đều chứa đựng mầm mống của thành quả tốt đẹp hoặc hơn thế nữa.

Napoleon Hill

 
 
 
 
 
Tác giả: Tobias Wolff
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1271 / 34
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Nụ Hôn Sâu
hi Joe Reed 15 tuổi, sự say mê của anh với một cô bạn gái trở thành gánh nặng lớn với gia đình và nguồn tò mò với thị trấn nhỏ mà họ sống; đến nỗi mẹ anh dọa sẽ gửi anh đến sống với người chị đã lấy chồng của anh ở San Diego. Nhưng trước khi điều này xảy ra, bố anh chết và mẹ anh nhận được một khoản tiền lớn từ quỹ bảo hiểm Northwestern; bà bán cửa hàng dược và chuyển cả gia đình tới California.
Ba mươi năm trôi qua. Trong thời gian ấy, anh không nghe tin gì trực tiếp từ cô bạn gái – Mary Claude Moore – nhưng thỉnh thoảng tin tức về cô ấy lại đến tai anh qua những người vẫn còn ở Dunston. Mary đã bỏ dở trung học vào năm lớp 12, có một đứa con, lấy chồng, li dị, rồi lại lấy chồng vài năm sau đó. Cuộc hôn nhân thứ hai là tin tức cuối cùng mà Joe nghe về Mary Claude cho đến khi anh nghe tin về cái chết của cô.
Anh đã tới nhà mẹ anh vào chiều Chủ nhật. Bà không còn có thể tự trông nom căn nhà khi sống một mình và cứ yếu dần như thế; vậy nên cuối cùng, bà cũng đồng ý đến sống ở một “nhà dưỡng lão”, chà, mẹ anh mới căm ghét cái từ đó làm sao, bà đã chỉ trích nó đủ kiểu. Joe đã tới để dọn căn nhà gọn gàng trước khi người môi giới nhà đất đến xem nhà vào cuối tuần. Anh uống cà phê với mẹ và đó là lúc bà nói với anh về Mary Claude rồi đưa cho anh lá thư. Anh không muốn phải nghĩ đến việc anh đã phản ứng thế nào, hoặc lẽ ra anh đã phải phản ứng thế nào, vì vậy anh xin phép mẹ và mang lá thư ra ngoài, vào trong vườn sau.
Theo như mẩu báo mà bạn mẹ anh đã gửi kèm trong thư, Mary Claude có vẻ đã ngủ gật trong lúc lái xe và đâm xuyên sang làn xe ngược chiều. Cô ấy chết ngay tại chỗ, cả người lái xe mà cô ấy đâm vào – một ông nha sĩ người Bellingham đang trên đường về nhà sau chuyến câu cá cuối tuần. Đấy là lời của tờ báo. Tuy nhiên, theo tin tức không chính thức mà người bạn mẹ anh không đồng tình nhưng vẫn cứ phát tán, thì Mary Claude đã đi lại với một người môi giới nhà đất có tên Chip Ryan. Anh ta lái một chiếc xe hiếm người có – một chiếc Mercedes đỏ giống hệt chiếc xe mà ông nha sĩ kia lái; còn Mary Claude có một chiếc Mustang lật mui màu xanh da trời cũng hiếm thấy. Cả hai người sống bên ngoài thị trấn và thường xuyên đi ngược chiều nhau lúc đi làm và về nhà. Theo như câu chuyện thì bất kỳ khi nào gặp nhau trên một con đường không người, họ sẽ chơi một trò là bất thần đổi làn với nhau vào phút cuối cùng. Một kiểu trò chơi của những người yêu nhau. Mary Claude đã nhầm xe của ông nha sĩ thành xe của Chip và thế là xong.
Joe không sao hiểu nổi câu chuyện. Người bạn của mẹ anh cũng nghi ngờ câu chuyện; tuy nhiên bà ấy cũng thừa nhận không thể hiểu tại sao Mary Claude lại có thể ngủ gật chỉ cách mấy khúc cua hẹp có vài trăm mét. Dù vậy – bà ta viết – cũng có thể có những lời giải thích khác mà không xúc phạm linh hồn cô ấy và đem lại những đau đớn không cần thiết cho gia đình cô.
Bài báo nói rằng Mary Claude và chồng cô sở hữu một quán rượu. Họ hẳn là đã ăn nên làm ra vì không lâu trước khi chuyện này xảy ra, phòng thương mại thị trấn đã phong họ là Doanh nhân của năm. Mary Claude ra đi để lại chồng và ba đứa con cùng hai đứa cháu. Vì một lí do nào đó, bài báo không in hình của cô. Joe lấy làm mừng vì sự thiếu hụt này.
Joe đã sống một cuộc đời khác, một cuộc đời ngầm, chạy song song với cuộc đời mà những người xung quanh nhìn thấy. Trong cuộc đời này, anh chưa từng đi California mà vẫn ở lại Dunston với Mary Claude. Anh đã thường xuyên rơi vào cuộc đời đó suốt những tháng đầu tiên sau khi chuyển tới California, trong cái bao la của mùa hè trên một con phố ngập nắng, nơi những người già bồn chồn nhìn ra ngoài đường từ trong rèm cửa sổ và những cái vòi phun nước chạy suốt đêm để tưới những thảm cỏ vốn chẳng có ai đặt chân lên ngoài những người cắt cỏ gốc Mê-hi-cô. Khi mẹ anh rời cái phòng ngủ tối tăm của mình đủ lâu để đuổi anh ra khỏi nhà, Joe thường cầm tờ Bưu điện tối thứ Bảy tới một cái bể bơi ở công viên gần nhà và ngắm những cô gái thoa kem lên người nhau rồi la hét om xòm khi nhảy ùm ùm xuống bể làm nước bắn tung tóe. Anh nằm sấp, nhìn chằm chằm vào tờ Bưu điện rồi sống cuộc đời trong mơ của anh với Mary Claude.
Sau khi Joe trở lại trường, mẹ anh nhận làm kế toán ở một cửa hàng bán nội thất văn phòng. Vài tháng sau, bà và một người phụ nữ khác hùn vốn mua lại cửa hàng đó. Mẹ Joe bắt đầu ăn diện. Bà xõa tóc ra thay vì búi nó lên đầu và để lộ một lọn tóc đã muối tiêu. Có một bữa tối, bà nói “Joe!” một cách nghiêm khắc đến nỗi anh nhận ra bà đã nói chuyện với anh từ nãy mà anh không biết, và khi anh nhìn bà, bà nói “Con không thể khiến bố sống lại, con trai ạ. Con phải để bố đi”. Joe xấu hổ khi thấy bà đã hoàn toàn hiểu nhầm nhưng anh cứ mặc kệ và để cho bà tưởng rằng bà có thể đọc được ý nghĩ của anh.
Trường trung học của Joe mới, sáng sủa, và rộng mênh mông. Trong hành lang, tiếng học sinh vang vọng và hòa nhau thành một âm thanh mà với Joe thì giống như những tiếng gào bởi vì anh đã quá quen với sự im lặng ở nhà. Thỉnh thoảng, anh về nhà mà không nói với ai một lời nào suốt cả ngày học. Lúc đó, tưởng như Joe có thể cứ thế học hết năm học, rồi cả năm học tiếp theo, cho đến khi anh tốt nghiệp; nhưng rồi chẳng bao lâu, Joe làm quen với một cậu bạn trong phòng thí nghiệm sinh học; cậu ta đưa anh tới các bữa tiệc và giới thiệu anh với lũ con gái. Khi Joe lấy được bằng lái xe vào mùa xuân đó, anh bắt đầu hẹn hò với Carla. Anh học giỏi tất cả các môn và đóng vai cảnh sát Krupke trong vở nhạc kịch West Side Story. Đến mùa thu năm lớp 12, anh và Carla bỏ dở một buổi khiêu vũ và đi tới một nhà trọ. Đấy là lần đầu cho cả hai – và là một thất bại. Họ thử lại vài ngày sau đó trong phòng ngủ của Carla – lần này thì may mắn hơn, và cho tới Giáng Sinh thì Joe bắt đầu lén lút hẹn hò với Courtney. Anh không thích Courtney hơn Carla nhưng có vẻ rõ ràng là không sớm thì muộn hoặc anh hoặc Carla cũng sẽ phản bội nhau và anh muốn là người đi trước. Chuyện này hóa ra phức tạp hơn anh tưởng. Chẳng mấy chốc, Joe bị lật tẩy; cả hai cô gái nguyền rủa anh là kẻ phản bội vô tâm; tuy thế, điều này hóa ra không hề ngăn các cô gái khác hẹn hò với anh.
Trong suốt thời gian này, anh vẫn tiếp tục cuộc sống ảo ảnh với Mary Claude. Anh và Mary nằm trên một tấm chăn dưới một bãi cỏ tràn ánh trăng hoặc trong một chiếc ô tô đỗ cạnh bờ sông giữa tiếng nhạc của Ray Charles, những ngón tay của Mary Claude vuốt ve gáy anh, miệng áp vào miệng anh, cái vị caramel của cô trên môi, trên lưỡi và sâu trong cổ họng anh nữa. Có điều, nụ hôn đó vừa là ký ức mà lại vừa thật. Anh đã hầu như không đi đâu với Mary Claude trừ những lúc họ có thể lén gặp nhau trong trường và một vài lần khác trong thị trấn. Nhưng từ cái hôn đó, anh tạo ra mọi thứ – hoặc là mọi thứ tự tạo ra chúng bởi vì đó là điều đã xảy ra: không hề cần đến bất cứ nỗ lực tưởng tượng và cũng không hề có cảm giác giả tạo, Joe theo dõi cuộc sống của anh với Mary Claude diễn ra như anh đã từng tin rằng nó sẽ diễn ra. Khi thời gian qua đi, những cảnh trong cuộc sống đó ngày càng trở nên cụ thể, mỗi một cảnh mới được dẫn dắt từ những gì đã xảy ra trước đó và luôn luôn có một nụ hôn ở trung tâm.
Ở Berkeley, Joe hẹn hò với Lauren. Khi cô ấy đi Sorbonne học một năm thì anh hẹn hò với Toni, rồi Candace. Anh và Candace ở chung một căn nhà với hai cặp khác cho đến khi họ tốt nghiệp; rồi hai người thuê chung một căn hộ riêng trong năm đầu tiên mà Joe theo học trường y. Rồi Candace tới New York để thăm gia đình và không quay trở lại. Cô gửi cho Joe một lá thư trong đó cô xin anh tha thứ vì những vấn đề mà cô gây cho anh do thói nghiện rượu – bây giờ, cô đang bắt đầu đối mặt với nó. Cô nói rằng cô không thể quay lại cuộc sống ở Berkeley, và chắc là anh sẽ hiểu.
Không, Joe không hiểu. Họ có một số vấn đề; cả hai người; anh đã hết sức bận rộn và cả Candace cũng thế – cô ấy làm bồi bàn vào buổi tối trong lúc lấy bằng về khiêu vũ trị liệu. Dĩ nhiên là họ có một số vấn đề nhưng chúng không hề trầm trọng đến thế và anh chắc chắn đã không hề phiền lòng với một chút rượu chè thư giãn của Candace. Vậy mà khi mẹ anh nghe chuyện Candace bỏ đi, điều đầu tiên mà bà nói là bà hy vọng Candace sẽ cai nghiện được. Joe đã không hề đề cập với bà về lá thư.
Cho đến khi anh học xong trường y và gặp người phụ nữ mà anh muốn cưới, Joe không hề yêu ai khác, chỉ thỉnh thoảng ngủ với một vài người phụ nữ đã làm việc quá vất vả nên cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều ở anh. Sự thực dụng của các quan hệ này khiến cho chúng có vẻ chỉ nhằm giải quyết chuyện sinh lý, vì thế mà chúng khiến Joe lo lắng về bổn phận phải thỏa mãn đối tác, kết quả là anh ngày càng ngại tham gia vào chúng. Cho đến thời điểm anh bắt đầu thực tập ở Seattle, Joe đã gần như bước vào tình trạng đóng băng, do đó mà cuộc sống tưởng tượng với Mary Claude càng trở nên quyến rũ và chi tiết hơn bao giờ hết.
Dunston chỉ cách Seattle ba giờ lái xe về phía bắc; thỉnh thoảng Joe nghĩ đến việc lái xe tới đó vào một buổi chiều rảnh rỗi nhưng rồi anh không bao giờ làm. Cho tới lúc đó, anh đã nghe tin Mary lấy chồng lần thứ hai. Anh chẳng có lí do gì để lái xe tới đó ngoài việc để nhìn thấy cô nhưng anh sợ rằng cô sẽ không muốn gặp anh, và anh lại cũng sợ rằng cô muốn gặp. Đã quá muộn rồi. Cô ấy đã có một con gái, một người chồng, và một căn nhà phải trông nom; cô ấy có công việc phải làm. Anh cũng thế – anh có một công việc có ích và đòi hỏi sự chính xác cao. Công việc ấy đòi hỏi một sự rành mạch mà Joe biết anh không có sẵn; anh đã phải huy động nó từng ngày một. Joe đã từng đánh mất nó trước đây và anh không thể nào đánh mất nó một lần nữa.
Khi Mary Claude chết, Joe đã lấy vợ được 17 năm. Vợ anh, Liz, là một bác sĩ nhi trong cùng bệnh viện mà anh đã đến thực tập. Họ có một con trai đang học lớp 11, một con gái nhỏ hơn một tuổi. Con trai anh chơi cello rất giỏi – nó là một cậu bé mơ mộng và duy mỹ. Con gái anh thì thực dụng hơn nhưng cũng mạnh mẽ hơn trong các quan hệ, một khi nó đã tạo lập quan hệ. Joe đã đưa con bé đi leo núi khi nó mới chỉ đang học cấp một và nhận thấy con bé là người đồng hành can đảm và sáng tạo nhất anh từng gặp.
Rồi đến một lúc con gái anh bắt đầu ngừng chia sẻ với anh. Cả con trai và con gái anh bắt đầu có những nguồn vui cá nhân và Joe bắt đầu phát hiện ra bóng dáng sự coi thường trong cách chúng đối phó với anh. Các con anh đang tuột dần khỏi vòng tay anh vào một khu rừng rậm; anh cố gắng không vì hoảng hốt mà thúc ép chúng.
Liz cũng liên tục thay đổi với anh. Hồi họ mới quen nhau, cô ấy rất nhút nhát và không tự tin lắm mặc dù cô ấy hơn anh ba tuổi; nhưng bây giờ, cô ấy đã trở nên bình thản và quý phái – điều này vừa làm anh bất an, lại vừa kích thích anh. Khi họ quan hệ, anh thường mở đầu gần như với sự cẩn trọng và thỉnh thoảng kết thúc bằng sự thăng hoa cao điểm, cứ như thể anh mới đưa một cô gái trinh vào đời. Thế nhưng chỉ xa cô một hai ngày, Joe không còn biết mình là ai.
Và trong suốt thời gian này, anh vẫn nghĩ đến Mary Claude. Anh tưởng tượng cô ngồi đối diện với anh trong bàn nhà bếp, vẫn còn ngái ngủ trong lúc uống cà phê. Căn bếp nhỏ và bừa bộn, và cái áo ngủ của Mary Claude hở ra khi cô cúi xuống để uống cà phê. Cô thấy anh nhìn và nhìn lại anh. Anh đứng lên. Cô đặt cốc xuống, chờ đợi. Rồi anh nghĩ đến hai người đứng ở hàng hiên vẫy tay chào các bạn bè khi họ lái xe đi. Và rồi khi họ một mình, Mary Claude quay sang anh và luồn một tay ngang sườn anh, và họ đi chầm chậm vào nhà, lên gác, dừng lại ở chỗ chiếu nghỉ để hôn nhau. Thỉnh thoảng, anh nghĩ đến chuyện sẽ xảy ra tiếp theo nhưng nụ hôn đó luôn là khoảnh khắc anh dừng lại nghiền ngẫm. Joe nhớ rất rõ cảm giác hôn Mary Claude; anh đã hôn cô nhiều lần hồi mà họ còn hẹn hò, tức là trong hơn 3 tháng.
Bố của Mary Claude sở hữu một trang trại sữa cách thị trấn vài dặm. Mẹ cô đã chuyển đi nơi khác khi Mary Claude 11 tuổi và mang cô theo. Bà tái hôn nhưng quan hệ giữa Mary Claude và người chồng mới của bà không suôn sẻ nên bà gửi Mary Claude trở lại sống với bố khi cô 15 tuổi. Joe đã sống qua những năm cấp một mà không hề để ý đến Mary Claude vì lúc đó cô chỉ là một đứa bé nhà quê tẻ nhạt; nhưng khi quay lại, Mary Claude là một cô gái khác – dạn dĩ và quyến rũ. Cô cãi lại các giáo viên và đi lại trong trường với một đôi môi lúc nào cũng bĩu ra, một cái lưng uốn cong như một cây cung. Cô không có người bạn nào ngoại trừ một đứa em họ cũng gần như không có bạn. Trong các trận bóng chuyền ở lớp thể dục, cô chọc tức những đứa con gái trong lớp bằng cách cố tình đánh bóng ra ngoài sân hoặc vào lưới. Cô bỏ tiết và hút thuốc, lại còn quyến rũ bạn trai của những đứa con gái khác – nghe trong trường đồn thế. Joe đã tò mò kiểm tra những lời đồn đại này và phát hiện ra là chúng chính xác: trong một cuộc khiêu vũ, Mary Claude đã lẩn ra sau trường với anh mặc dù anh đang đi cùng một cô gái khác; cô đã giữ anh ở đó tới hơn một tiếng. Anh biết cô làm thế để hạ nhục cô gái đi cùng anh – ít nhất lúc đầu là như thế; nhưng một khi anh bắt đầu hôn Mary Claude thì anh không sao dừng lại được.
Trước đó, Joe đã hôn vài cô gái khác và nghĩ anh biết tương đối rõ chuyện này. Hôn nhau thì cũng thích, nhưng anh thường coi đó chỉ là chỗ tập kết để chuẩn bị tiến vào những trận đánh nghiêm trọng hơn, hoặc như một chỗ trú ẩn an toàn khi mà anh bị buộc phải rút quân. Nhưng anh không nhớ mình đã cố thử bất cứ cái gì khác vào đêm đó trong lúc tựa lưng vào bờ tường nhà thể dục với Mary Claude – cô gái có vị thật ngon đang tựa cơ thể đầy đặn vào anh và lại còn hát nhẩm khe khẽ vào tai anh khi họ dừng lại để thở và lắc hông theo tiếng nhạc đang làm rung những cửa kính cao phía bên trên họ. Có những đôi khác ở dọc bờ tường và Joe biết là người bạn gái của anh rồi sẽ phát hiện ra chuyện này, nhưng khi anh bắt đầu tìm cách ngừng lại thì Mary Claude áp những ngón tay vào má anh, hướng miệng anh vào miệng cô, và sau đó thì anh quên mất chuyện bỏ đi. Anh đã có thể ở lại đó suốt đêm mà không hề biết thời gian trôi qua, nhưng rút cục, một cô gái đi tới nói với Mary Claude rằng người đến đón cô đã tới. Mary Claude quay người để đi, nhưng rồi cô ấy đứng lại và hôn Joe một lần nữa. Anh đi bộ vòng quanh trường hai lần trước khi trở vào trong. Phòng thể dục gần như không còn ai. Cô gái đi cùng anh đã bỏ đi cùng với các bạn.
Khi anh nhìn thấy Mary Claude trong hành lang vào sáng thứ Hai tuần sau, anh không hề giả vờ là không có gì xảy ra. Mà cô cũng không giả vờ. Cô để anh cầm sách cho cô và tháp tùng cô tới lớp. Vào lúc nghỉ trưa, họ ngồi đối diện nhau trong căng tin. Anh hiểu chuyện gì sẽ xảy ra – sự im lặng xung quanh họ, rồi họ sẽ bị nhìn như thế nào, kể cả bởi các bạn của anh. Joe biết quy tắc. Anh đã cư xử rất tệ, anh đã làm tổn thương một cô gái, và lại vì Mary Claude chứ chả phải ai khác. Người ta chỉ có thể chơi bời với Mary Claude rồi cười cợt chuyện đó và bỏ rơi cô.
Anh và Mary Claude im lặng ăn. Mặt cô ửng hồng – nếu không có dấu hiệu này thì Joe cũng chẳng thể biết cô cảm thấy thế nào. Cô tự tiện ăn cà rốt của anh và thế là xong. Họ thành một cặp.
Họ hẹn gặp nhau ở bãi đất lầy đầy dương xỉ phía sau trường. Rồi hẹn nhau ở khán đài trong sân bóng. Rồi trong các lớp học không người. Họ gặp nhau trước khi buổi học bắt đầu, gặp nhau lúc ăn trưa, và gặp nhau vài phút sau khi tan học, trước lúc xe buýt tới đón. Joe ít nói. Khi anh nghe những gì anh nói, anh cảm thấy chán nản. Mary Claude thì hoặc là im như đá hoặc là nói không ngừng. Cô thường như lên cơn say khi họ tạm nghỉ giữa những cái hôn – cô sẽ thì thào liên tục, toàn những chuyện mơ hồ, chuyện gia đình hay bất cứ cái gì cô nghĩ ra. Joe thích cảm thấy giọng nói trầm của cô trên ngực anh nhưng hầu như không để ý đến những điều cô nói mà về sau, anh thường cũng chẳng nhớ được gì.
Mary Claude có mùi của son môi, thuốc lá, và kẹo. Khi cô áp miệng vào miệng anh, cảm giác đầu tiên là cảm giác nhẹ nhõm khi sự căng thẳng ở cổ và vai anh nhanh chóng tan ra. Và rồi anh bắt đầu đung đưa với cô, vừa đung đưa vừa hớp lấy sự ngọt ngào có vị thuốc lá, hớp lấy sự quên lãng các bài tập về nhà mà anh chưa làm, cả tật nói lắp mà anh bắt đầu hình thành, cả người mẹ xanh xao và mụ mị của anh, cả căn phòng ở cuối hành lang nơi bố anh đã nằm hớp hơi thở cuối cùng như một con cá hồi rớt ra khỏi dòng sông. Anh dừng nghĩ về tương lai; chẳng có gì ở tương lai cả; không quá khứ và không tương lai. Anh chỉ cồn lên trong một cơn khát và trong sự thỏa mãn xảy ra đồng thời.
Và Mary Claude cũng khao khát anh. Anh chưa bao giờ thấy chuyện này xảy ra trước đó – một cô gái nóng lòng muốn được chạm vào anh, ngấu nghiến muốn nếm anh. Mary Claude không muốn nghỉ; khi anh quay người để thở, cô ấy sẽ áp những ngón tay vào tóc anh và kéo anh trở lại. Thỉnh thoảng cô ấy gọi tên anh bằng một giọng trầm, giễu cợt khi họ chuẩn bị quay lại lớp, và cái âm thanh ấy khiến anh quay phắt lại như thể cô ấy đã giật một sợi dây thòng quanh cổ anh.
Chẳng mấy chốc, Mary Claude trở nên bất cẩn trong việc che giấu quan hệ của họ. Cô không quan tâm ai đang nhìn, hoặc khi nào. Cô sẽ đòi được hôn – một nụ hôn sâu – khi cô lên xe buýt, hay trong hành lang, thậm chí cả trên phố trong thị trấn khi cha cô để cô vào mua sắm sau giờ học. Joe biết chuyện này vượt quá sự bất cẩn, Mary Claude đang cố tình phô bày sự si mê của họ, mà nhất là sự si mê của anh dành cho cô. Anh có thể thấy Mary Claude tự hào về quyền lực của cô với anh, và điều này làm anh tự hào và dạn dĩ. Anh không còn chú ý xem người ta coi điều đó là lố bịch hay là trò đùa – chuyện hai đứa “dính lấy nhau ở mồm” như mẹ anh gọi. Dĩ nhiên là mẹ anh đã biết chuyện; bà nghe đủ chuyện ở cửa hàng dược.
Lúc đầu, bà còn bóng gió với anh về chuyện này, về sau bà mất kiên nhẫn. Đây có phải lúc con hẹn hò với một đứa con gái không hả? Giờ không phải lúc, con không thấy à? Sao lại là lúc này? Sao con không ngồi với bố con một lúc thay vì cứ đi vơ vẩn trong phòng và bám dính lấy cái điện thoại? Mẹ yêu cầu thế có phải là quá nhiều không? Joe biết anh nên suy nghĩ về những phiền toái mà anh gây cho mẹ anh, nhưng những điều mẹ nói không sao chạm được vào anh. Anh phá hỏng mọi thứ không phải vì anh không nghĩ đến mẹ.
Joe và Mary Claude đang trên khán đài trong một trận bóng chày. Cô chán trận bóng và muốn đi, muốn ra ngoài. Joe thì cứ ngăn cô lại – trận đấu sắp hết rồi. Cô bắt đầu nghịch những cái tóc ở gáy anh. Anh thích cảm giác đó và đã gần như đầu hàng, nhưng rồi cái gì đó choán lấy anh và anh hất tay cô ra. Anh cảm thấy Mary Claude chết lặng phía sau anh. Anh biết cô đang nhìn anh nhưng anh vẫn theo dõi những cầu thủ, thậm chí còn gào lên khi một cầu thủ bắt trượt một trái bóng. Mary Claude lại lần những ngón tay vào tóc anh, áp mạnh những ngón tay và xoay đầu anh về phía cô. Anh vẫn không rời mắt khỏi trận đấu, anh lắc mạnh đầu và dịch người ra. Mary Claude đứng dậy và chờ một giây; mặc dù Joe biết anh vẫn có thể quay sang cô, nhưng ngay cả lúc đó, anh cũng không làm thế. Cô đi về phía lối ra. Anh nhìn cô đi xuống các bậc thềm, băng ngang qua khán đài rồi rời khỏi sân bóng. Trận đấu trở nên vô nghĩa với anh nhưng anh vẫn ngồi xem tới hết trận. Miệng anh khô khốc, tim đập thình thịch như thể người anh là một khối rỗng.
Khi về tới nhà, Joe gọi điện cho Mary Claude. Không có ai trả lời. Anh gọi lần nữa trước khi đi ngủ; có ai đó nhấc máy nhưng không nói gì. “Mary Claude”, anh nói. “Mary Claude, làm ơn đi!”
Cô ấy không trả lời. Anh biết cô chờ anh giải thích nhưng anh không thể nghĩ ra điều gì để nói. Cuối cùng anh chỉ có thể nói “Mary Claude”.
Rồi cô ấy dập máy.
Cô ấy dập máy bất cứ khi nào anh gọi. Anh nhét những mẩu thư vào trong tủ đựng đồ của cô ở trường nhưng không nhận được trả lời. Anh đón chuyến xe buýt của cô các sáng nhưng cô bước vượt qua mặt anh. Anh đợi bên ngoài lớp cô và đi theo cô dọc hành lang, ra xe buýt sau giờ học. Anh biết anh đang làm trò cười cho mọi người nhưng anh không có lựa chọn nào khác cũng không có cách nào khác để đến gần Mary Claude. Khi mẹ anh yêu cầu anh để cho cô ấy yên, anh vẫn không đổi ý. Anh tiếp tục bám theo cô. Bất chấp điều đó, Mary Claude không động lòng.
Họ có chung một môn học, môn lịch sử bang Washington. Cô ngồi ở trước anh hai ghế về phía bên trái. Anh có thể quan sát Mary Claude mà cô không biết anh quan sát cô, mặc dù dĩ nhiên là cô biết. Hồi mà họ còn đi với nhau, trước khi anh làm hỏng mọi việc, cô thường quay đầu lại để nhìn anh và luôn thấy anh đang nhìn cô. Bây giờ, cô không quay đầu lại nữa nhưng chắc chắn là biết – khi cô ngáp, lấy tay nâng tóc lên khỏi gáy rồi thả rơi tóc xuống – chắc chắn phải biết rằng anh đang quan sát cô. Và cái cách cô bỏ một chân ra khỏi giầy rồi dùng nó để gãi chầm chậm vào cổ chân kia – tất cả những điều này chỉ cứa thêm vào nỗi đau của anh. Cả cái đường cong ở cổ của cô khi cô ngắm nghía những móng tay. Rồi đôi môi bĩu ra bồn chồn khi lớp học kéo dài.
Anh chú ý tới mọi cử động cho phép anh nhìn thấy miệng Mary Claude. Cô thường quay sang nhìn cái đồng hồ trên cửa ra vào và Joe không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để thấy khuôn mặt nhìn nghiêng của cô. Khi anh nhìn thấy miệng cô, anh chúi về phía trước để có thể thu hẹp khoảng cách thêm một chút. Thật sai khi không thể áp môi vào môi cô; thật là một sai lầm kinh khủng – một sai lầm khiến anh thường trực trong trạng thái bấn loạn và bồn chồn.
Mary Claude hẳn phải cảm thấy những gì anh đang cảm thấy – Joe chắc chắn về điều đó. Nếu anh bị dứt đứt khỏi cô thì cô cũng đang bị dứt đứt khỏi anh. Một khi chuyện này qua đi, mọi thứ sẽ lại như xưa, thậm chí tốt hơn bởi vì họ sẽ coi trọng những gì họ đã đánh mất và phải tìm lại; nhưng mà chuyện cứ thế tiếp diễn mãi và Joe đi đến chỗ hiểu rằng Mary Claude không biết cách chấm dứt chuyện này – và rằng cô đang chờ anh làm chuyện đó. Nhưng anh có thể làm gì khi cô không chịu nói chuyện với anh? Khi mà cô thậm chí không cả nhìn anh.
Rồi sau đó, cô bắt đầu đi cùng với Al Dodge – một học sinh ở lớp trên, một anh chàng ít nói và được nhiều người quý mến; cậu ta học hành hơi vất vả và lại hơi khập khiễng vì bệnh bại liệt. Cậu ta sống ở đầu phố nhà Mary Claude và lái xe tới trường; Mary Claude bắt đầu đi chung xe với cậu ta thay vì đi xe buýt. Thỉnh thoảng, họ ăn trưa với nhau. Lúc đầu, Joe hơi bất ngờ nhưng sau đó anh hiểu rằng đấy chính là tín hiệu cho anh. Anh chờ Al bên ngoài cửa hàng gỗ rồi nói chuyện với cậu ta về anh và Mary Claude; rằng họ phải thuộc về nhau. Al cố gắng bỏ đi nhưng Joe chưa nói xong nên anh chặn cậu ta lại. Al đẩy anh; cái chân yếu của cậu ta bị trượt; cậu ta ngã xuống, những cái vòng bó chân bằng kim loại đập lanh canh xuống mặt xi-măng. Khi Joe cúi xuống để giúp cậu ta đứng lên, hai thằng bé khác chạy tới đẩy anh ra. Một đứa nhìn Joe giận dữ trong lúc cố đỡ Al đứng lên. Joe muốn giải thích mọi chuyện nhưng anh lại không thể kể toàn bộ ngọn ngành, nên rút cuộc, Joe không có cách nào khác là cười nhạt và bảo bọn họ cút đi.
Khi Joe về tới nhà, anh biết mẹ anh đã biết chuyện. Bà bắt anh tới làm việc ở cửa hàng dược và chỉ nói chuyện với anh khi buộc phải nói. Buổi tối đó, khi anh đang rửa bát, bà vào bếp nói với anh rằng chị gái và anh rể của anh sẵn lòng để anh tới sống chung cho đến lúc mọi chuyện ổn thỏa – và Joe nghĩ điều đó có nghĩa là cho tới khi bố anh qua đời. Mặt mẹ anh ửng hồng, đôi mắt sáng; bà đứng thẳng người trên khung cửa và bắt anh phải nhìn thẳng vào bà. Trông mẹ anh thật nghiêm trọng, và anh thấy khó chịu. Con có muốn đi San Diego không? Con có muốn không? Không? Con chắc chứ? Được rồi, mẹ anh nói. Mẹ cũng cần con ở đây. Nhưng chỉ cần chuyện như thế này xảy ra một lần nữa thì mẹ sẽ tống con đi ngay lập tức. Con có hiểu không? Tốt. Giờ thì con đến gặp bố và hứa với bố như thế đi.
Nhưng Joe không làm thế. Anh ngồi nghe tiếng lanh canh lạ lùng từ cái bình ô-xy mà bố anh thở và săm soi những hoa văn trên thảm rồi trả lời vài câu hỏi khò khè về bài tập ở trường; sau đó anh nhanh chóng rời khỏi phòng bố. Tuy thế, bố anh vẫn kịp đặt bàn tay vàng vọt và khô gầy lên cổ tay anh rồi kéo anh xuống để ôm anh. Điều đó khiến Joe kinh hãi.
Anh thôi không bám theo Mary Claude tới các lớp học nữa. Cô đến trường cùng với Al Dodge và thỉnh thoảng đi cùng cậu ta trong lúc nghỉ giải lao nhưng anh biết giữa họ chẳng có gì. Cô vẫn một mình, như hồi trước. Anh cũng thế, thậm chí một mình hơn bao giờ hết bởi vì bây giờ anh bị coi là đứa đã trêu chọc một người bạn tật nguyền. Mặc dù Joe không còn bám theo Mary Claude, anh vẫn để ý tới cô từ một khoảng cách gần nếu anh có thể, nhưng thường thì từ xa; anh quan sát cô hếch một bên hông lên để mở cửa tủ đựng đồ, hoặc lúc cô ngồi ở cuối một bàn ăn trong căng tin và bóc một quả cam với những móng tay chắc khỏe. Lúc đó là cuối tháng Năm. Chỉ vài tuần nữa là năm học kết thúc và anh sẽ không có hy vọng hàn gắn cái vết thương mà anh đã gây ra cho cả hai.
Anh quyết định sẽ hôn cô. Mary Claude giống anh. Sau cái hôn đầu, cô luôn muốn hôn một cái nữa, rồi cái nữa, cho đến lúc cô hoàn toàn bị cuốn vào. Đấy là cái họ cần – phải bị cuốn vào nhau một lần nữa.
Giáo viên thể dục của Mary Claude thường đưa các học sinh nữ ra sân vận động để tập ném bóng và chạy vào những ngày nắng ấm. Lớp tiếng Pháp của Joe học vào giờ đó mặc dù anh thỉnh thoảng ra sớm để đứng dưới một bóng cây gần cuối sân mà quan sát Mary Claude. Cô chơi cùng các bạn nhưng thường dạt vào khán đài để hút thuốc và nói chuyện phiếm với cô em họ Ruth – người có một nửa là gốc thổ dân da đỏ và không bao giờ nói chuyện với ai ngoài họ hàng. Mary Claude có nước da xanh; khi đứng bên cạnh Ruth, trông cô đột nhiên sáng rỡ như một viên đá trắng dưới lòng suối. Khi giáo viên thể dục dẫn lớp học trở lại bên trong, Mary Claude thường cố tình đi sau, như thể cái áp lực với những người khác không hề có ảnh hưởng tới cô. Ngay cả Ruth cũng không thể chịu được sự lề mề quá đáng này và bỏ cô lại.
Mary Claude nhìn xuống đất, hai tay khoanh lại khi cô rời khỏi sân vận động. Joe không biết cô có nhìn thấy anh hay không. Anh đứng dưới một cây dẻ cạnh con đường dẫn vào khu tủ đựng đồ của học sinh; cây dẻ đang trổ hoa và mắt anh đã đầy nước vì dính phấn hoa. Khi Mary Claude tới gần, anh gọi tên cô và cô nhìn lên với vẻ ngạc nhiên. Anh đã lên kế hoạch tất cả những gì cần nói nhưng bây giờ khi ở gần cô, anh quên bẵng điều mình định nói.
Mary Claude đợi, hai cánh tay vẫn khoanh lại. Rồi cô nói: “Anh khóc nhè đấy à?”
Joe không chắc chuyện gì đã xảy ra sau đó. Kể cả ngay sau khi chuyện đó xảy ra, anh cũng không tin tưởng vào bất cứ lời tường thuật nào; anh không tin ngay cả trí nhớ của mình và chấp nhận những lời buộc tội mà không phản đối, cũng không tin tưởng.
Nhưng anh biết, nó đã bắt đầu bằng việc Mary Claude nói kháy về mắt anh. Anh coi sự móc máy đó là dấu hiệu tha thứ; tha thứ và mời mọc. Một làn hơi ấm chạy lên mặt anh. Anh vẫn còn cảm thấy nó khi nghĩ lại. Nhưng đến đây thì anh mất dấu. Anh nhớ mình đã nắm một tay Mary Claude bằng cả hai tay anh rồi Mary Claude né ra và nhìn đi chỗ khác, nhưng làm gì có vùng vẫy? Mà cũng có thể. Rồi anh nhớ là anh đã ở cạnh cô dưới gốc cây dẻ, hai tay anh ôm lấy cô mặc dù anh không biết làm thế nào mà họ đã tới được gốc cây. Có thể là anh dẫn cô tới đó, mà có thể thực sự là anh đã ép cô. Anh chỉ chắc chắn một chuyện là miệng cô đang mở ra đón lấy môi anh khi cô giáo thể dục túm cổ áo anh. Kể cả khi cô giáo thể dục lôi anh ra và cái cổ áo sơ mi chẹn vào cổ họng anh, anh vẫn cố nhoài về phía trước để hôn. Rồi Mary Claude quay mặt đi và bắt đầu khóc, và anh biết rằng anh sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ từ đầu.
Anh không cãi lại bất cứ điều gì mà mọi người nói. Mẹ anh làm anh ngạc nhiên khi cố gắng làm cho ông hiệu trưởng thương cảm hoàn cảnh của bà – điều mà anh chưa bao giờ thấy mẹ làm – nhưng chuvện đó không thành; ông hiệu trưởng từ chối để Joe học hết năm. Khi anh dọn sạch tủ đựng đồ của mình ở trường, một vài học sinh ở lớp trên đi ngang qua và giả vờ gây ra những tiếng hôn chút chít trong lúc những học sinh khác nhìn anh khi Joe bê đồ đi dọc hành lang.
Mẹ anh nói sẽ chuyển anh tới San Diego vào cuối tuần đó. Mặc dù Joe đã quyết tâm từ chối nhưng rút cục chuyện đó đã không xảy ra. Cuối buổi chiều thứ Tư, bố anh bắt đầu hôn mê; cho đến lúc bố anh tắt thở vào buổi tối, Joe và mẹ trông chừng bố; anh cứ đi thơ thẩn trong phòng trong lúc mẹ cầm tay bố. Thỉnh thoảng, Joe nhìn vào cái hình thù đang nằm trên giường rồi quay đi; anh nhìn ra phía cửa sổ, nhìn vào cái sân ngày càng tối dần của nhà hàng xóm, nhìn vào giá sách, hoặc nhìn những bức ảnh trên giá và ở đầu giường. Ảnh Joe mặc trang phục của Giải bóng chày thiếu nhi. Ảnh Joe đứng trong cũi nhìn ra ngoài. Ảnh Joe và bố anh ở cạnh sông Skagit – hai tay nâng hai con cá hồi lớn.
Anh giúp mẹ gọi điện và sắp xếp đám tang. Anh đưa cho bạn bố anh tất cả các đồ nghề câu cá của bố và chuyển quần áo cũ của bố tới cửa hàng từ thiện. Anh luôn ở bên mẹ, lịch lãm và im lìm. Vào cái đêm sau đám tang, anh lẻn xuống nhà lần tìm chìa khóa ô tô trên cái móc vẫn dùng để treo chìa khóa. Nhưng chìa khóa không có đó. Đêm sau chìa khóa cũng không có đó. Vậy là mẹ anh đã đoán trước ý nghĩ của anh. Joe ngạc nhiên thấy mẹ anh đã tính toán một cách lạnh lùng như vậy ngay cả trong lúc đau đớn. Nó làm anh nghĩ khác đi về mẹ. Vừa tốt hơn, lại vừa xấu hơn.
Cả căn nhà và cửa hàng dược được bán trong vòng một tuần cho một đôi vợ chồng từ Vancouver. Những chuyện này đã được thỏa thuận từ mấy tháng trước trong lúc chờ đợi cái chết của bố anh. Joe đang kiểm kê mọi thứ cho người chủ mới, hai chân quỳ trên sàn với một tấm ván ghi chép, khi anh nghe ai đó đi tới và dừng lại cạnh anh. Anh ngoái nhìn và nhận ra bố của Mary Claude.
Joe đã thấy ông Moore một vài lần từ khoảng cách xa nhưng chưa bao giờ thực sự nghĩ đến ông; với anh, ông chỉ là một cái bóng mờ nhạt bên cạnh Mary Claude; anh không hề chuẩn bị để thấy sự xuất hiện bằng xương bằng thịt của ông. Ông Moore đứng sừng sững cạnh Joe; một tia nắng vẩn bụi chiếu thẳng vào mặt ông. Khóe miệng bên phải của ông trễ xuống và ướt; vai phải của ông xệ xuống như thể ông đang xách một cái thùng. Ông Moore mặc một cái áo bảo hộ lao động liền quần mới và một đôi bốt mới cạo; đầu mũi của đôi bốt vẫn còn dấu cạo dưới một vệt bùn khô. Người ông đầy mùi long não. Hai mắt ông có màu xanh xám và ướt rượt. Ông không hề nheo mắt lại trước ánh nắng mà nhìn thẳng xuống Joe một cách chăm chú. Joe chắc chắn ông biết mọi chuyện, không chỉ những gì anh đã làm với con gái ông, cố làm với con gái ông, mà mọi thứ anh ước có thể làm với con gái ông, thậm chí cả kế hoạch đưa Mary Claude lên ô tô rồi bỏ trốn sang Canada.
Ông Moore dường như định nói gì nhưng thay vì thế, ông cúi xuống và bóp nhẹ vào vai Joe. Sau đó, ông quay người và đi ra.
Joe mang lá thư vào trong sân sau nhà mẹ anh rồi nghiên cứu nó. Anh ngồi sụp trong một cái ghế bành, hai khuỷu tay chống vào đầu gối; anh chờ thấy mình sốc. Cuối phố, một ai đó đang mở to một bản nhạc valse của Strauss qua cửa sổ để ngỏ và anh không sao ngăn mình theo dõi bản nhạc, thậm chí còn chỉ huy nó bằng những cú giật đầu mặc dù anh đã mất hứng thú với âm nhạc thành Viên sau khi Candace liên tục mở Strauss vào cái năm trước khi bỏ đi. Cái ghế trông có vẻ khô lúc anh ngồi xuống nhưng sương sớm vẫn còn đọng ở các nút dây đan chéo và ngấm vào quần anh, ấm áp, dinh dính, cỏ trong sân cần được cắt. Joe biết rằng nếu anh nhìn lên, anh sẽ thấy mẹ đang quan sát anh qua cửa sổ bếp; mẹ sẽ mang một khuôn mặt dài thượt vì bà lại tưởng tượng điều mà anh đang cảm thấy. Điều mà lúc này anh thực sự cảm thấy là sự xấu hổ trước cái nỗ lực trẻ con nhằm tạo ra sự đau buồn bằng cách giả vờ.
Anh đứng lên, ngán ngẩm nhìn quanh rồi đi về phía cái lều đựng máy cắt cỏ. Rồi thì nó sẽ đến thôi, nếu như nó sẽ đến. Đôi khi nó không đến. Anh đã từng mất một số bệnh nhân và hầu như không còn nghĩ đến họ, hoặc nghĩ đến với sự tiếc nuối mà anh nhận ra là hầu hết có tính thủ tục.
Không, nếu nó đến, nó sẽ đến từ phía sau và đẩy anh vào một cái hố sâu đến nỗi anh sẽ quên mất là bên ngoài cái hố đó thì như thế nào. Chuyện này đã từng xảy ra với đứa cháu gái xinh đẹp của anh – Angela, con gái duy nhất của chị anh. Joe đã cảnh báo nó – con bé bị tiểu đường và đang nghiện rượu nặng – nhưng anh đã không thể ngờ. Trong suốt vài tuần sau khi Angela chết, anh ngã quỵ hoàn toàn, chỉ có nằm im. Và một cái gì tương tự như thế cũng đã xảy ra sau khi con trai anh ra đời. Một đêm, ôm thằng bé trong tay, anh nhớ láng máng đến việc bố anh đã ôm anh, đã nhìn xuống anh mỉm cười; hàm răng của bố anh có một kẽ hở khiêu khích và lông mày thì vểnh lên. Đấy là một cái nhìn nhân từ. Joe biết rõ nó; anh đã lớn lên trong niềm vui mà anh tạo ra cho bố và bây giờ anh nhận ra rằng, bằng một tiểu xảo của trí nhớ, anh đang áp đặt niềm vui ấy lên một cảnh đã quá xa để có thể nhớ lại.
Dù đúng hay sai, anh không thể rũ bỏ cái ký ức đó. Và cả các ký ức khác mà anh biết là đã xảy ra mặc dù anh đã không nghĩ đến chúng nhiều năm nay: ví dụ như sự kiên nhẫn không giới hạn pha lẫn hứng thú của bố anh khi dạy anh học lái xe, hoặc buộc mồi câu, hoặc tính tiền ở quầy; rồi những câu chuyện bố anh kể về lúc ông lớn lên ở vùng nông thôn Gieogia; rồi về bác Chet. Bác Chet đã bị giết chết ở Peluliu; người ta không tìm thấy xác, và bố của Joe không bao giờ có thể giấu được sự đau buồn mà cái chết của bác Chet vẫn còn để lại trong ông.
Bố mẹ Joe đã gần 40 khi anh ra đời. Anh đoán anh đã là một “tai nạn”, nhưng là một tai nạn được chào mừng, nhất là với bố. Anh và bố đã luôn là bạn. Tuy thế, bằng cách nào đó, Joe đã đi đến chỗ oán giận sự đau ốm của bố anh như một sự phản bội, một sự bỏ rơi. Anh dĩ nhiên không nghĩ hẳn ra những điều này, không gọi tên nó ra như vậy nhưng lúc đó, anh đã có cảm giác như vậy; cứ như thể bố anh đã tự nguyện – kiên quyết tự nguyện – đầu hàng và để cái con người yếu ớt, luôn thở khò khè, có khuôn mặt vàng vọt ấy chiếm lấy chỗ bố anh. Rất chậm chạp anh mới nhận ra sự đầu hàng của chính anh, và cả sự bất công và độc ác rất sâu đi kèm sự bỏ rơi ấy. Anh đã kiểm soát được nhận thức này khá tốt, cho đến khi con trai anh ra đời – lúc đó thì anh không sao có thể kiểm soát nổi. Trong nhiều tuần, dường như mỗi niềm vui mới đều đi kèm một bóng đen của hoài niệm và xấu hổ. Vợ anh trở nên mất kiên nhẫn với sự thay đổi tâm trạng liên tục ở anh, và rồi trở nên chán ghét chúng. Nhưng anh còn có thể làm gì? Những người khác có thể tha thứ cho anh – anh biết là bố sẽ tha thứ cho anh – nhưng làm sao anh có thể tha thứ cho chính mình? Thực sự là không thể. Thế mà rồi, ngày qua ngày, cái gánh nặng cứ nhẹ dần, nhẹ dần, cho đến lúc anh không còn cảm giác về nó nữa, như thể nó chưa từng có ở đấy. Cuộc sống là như thế, cả với người tử tế nhất và người tồi tệ nhất, và Joe không phải là ngoại lệ.
Cái máy cắt cỏ có một cái lưỡi bị cong và giật liên tục khi anh lái nó đi quanh bãi cỏ. Thật nực cười khi cắt cỏ với cái máy trong tình trạng này nhưng cảm giác đẩy cái máy làm anh dễ chịu và anh tiếp tục vật lộn với nó. Anh lượn qua một góc sân và nhìn thấy mẹ anh trong cửa sổ bếp; khuôn mặt bà như bị tráng bởi những chiếc lá cam đang phản chiếu vào kính cửa sổ. Trông mẹ lo lắng. Joe giơ một tay lên vẫy và bà vẫy lại khe khẽ – vẫn cái động tác tiếc nuối mà bà thường có khi lên xe, bỏ lại anh ở trại hướng đạo mùa hè – có điều là hồi đó, bà còn khỏe và đẹp; bây giờ, mẹ anh đã già và phải mang tã. Anh chú tâm vào dãy đá mà anh đã va cái lưỡi cắt vào lần trước, và khi anh ngẩng lên thì mẹ anh đã biến mất.
Anh cắt một hình vuông quanh bãi cỏ rồi tiếp tục cắt vào giữa. Những cú rung giật của cái máy cắt cỏ không còn làm anh để ý. Nó chỉ là một phần phiền toái của công việc, giống như những đường cua hẹp và những búi cỏ rậm mà anh phải ra sức đẩy mới có thể vượt qua. Hai tay anh rung rung; lông mày nhíu lại; áo ướt đẫm mồ hôi. Càng cắt cỏ, những ý nghĩ của anh càng rơi rụng dần, hoặc là anh càng ít thấy mình đang nghĩ, và rồi thì nó ập tới. Chip Ryan, nhân viên môi giới nhà đất mà Mary Claude đã hẹn hò… thằng nhóc Chip. Anh đã không nhớ ra bởi vì thằng Chip quá trẻ, chỉ 7 hay 8 tuổi khi Joe rời khỏi Dunston. Anh trai của Chip là bạn của anh. Chip vẫn thường lẩn quẩn bên cạnh khi anh và bạn anh mở nhạc rồi tán gẫu, nhưng thằng bé không bao giờ xen vào hoặc quấy rối. Joe đã rất ấn tượng với điều đó – thật là một thằng bé ngoan, cái thằng nhóc Chip ấy, lúc nào nó cũng ngồi yên với mấy con thỏ, vừa vuốt ve tai thỏ vừa quan sát các anh lớn.
Thằng nhóc Chip và Mary Claude.
Bức thư không nói Chip đã có vợ hay còn độc thân. Dù thế nào, chắc chắn là nó đang vẩn vơ tìm kiếm, nếu không thì người ta đã chẳng nói đến chuyện đó. Thế mà làm sao, trong tất cả đàn bà con gái ở cái thung lũng xanh dài ấy, nó lại phải chọn Mary Claude. Nếu mà chuyện đúng là như thế. Mà dĩ nhiên là đúng rồi. Một trò như thế chắc chắn là trò của Mary Claude; được ăn cả, ngã về không; không bao giờ có chuyện nước đôi.
Anh vật lộn với cái máy cắt cỏ thêm một vài vòng rồi tắt máy. Một màn khói thải từ cái máy bảng lảng phía trên bãi cỏ. Anh lại nghe thấy tiếng nhạc. Tiếng vi-ô-lông. Vẫn là Strauss. Anh gật gật đầu theo tiếng nhạc một cách tuyệt vọng trong lúc anh lấy cái áo lau mồ hôi. Anh đã nghe bản này đến năm mươi lần, có khi một trăm lần; Candade đã trần truồng khiêu vũ trong căn hộ của họ trên nền nhạc này, người lóng lánh mồ hôi, mắt nhắm hờ – nhưng khi anh cố nhớ tên bản nhạc thì nó cứ trượt đi. Anh ngạc nhiên thấy mình không thể nắm vào một thứ mà anh đã biết rất rõ, và anh đứng bất động giữa sự kinh ngạc trong lúc bản nhạc lên cao trào để vào đoạn cuối rồi tắt lịm và một con chó ở đâu đó sủa vu vơ và một điệu valse khác lại bắt đầu.
Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu - Tobias Wolff Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu