Tài năng thường bộc lộ trong những hoàn cảnh khó khăn và ngủ yên trong hoàn cảnh thuận lợi.

Horace

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 3: Ở Nơi Đó - Chương 1
ỗi khi năm mới đến, Carraz lại lấy một mảnh thủy tinh khía lên trên ngón trỏ rồi ấn thấu xương, mắt vẫn mở trong khi máu chảy. Lúc đó y chỉ hít thở và, hiến xong phần da thịt của mình, y chấp nhận triển vọng sống thêm một mùa nữa.
Các vết sẹo ửng lên, nhòa đi: tất cả năm vết. Làm gì có sự bất tận: có lẽ một nửa lòng bàn tay sẽ không bị rạch vì trước đó thì y đã chết rồi. Y hồi tưởng những khuôn mặt, những địa danh: khu tháp Chàm phía trên Nha Trang, khu rừng gần Đà Lạt; nhưng đối với y, chẳng có gì gợi nhớ được thời gian đã qua như khi lướt bờ môi khô khốc lên làn da bị rạch những vết song song. Dấu vết năm 1950 - dấu vết cuối cùng - sâu sắc hơn tất cả.
Trước đó y đi qua Kon Tum, nhưng chưa từng có cảm tưởng rằng mình sắp được giải ngũ. Chỉ huy một cứ điểm trên núi, cũng là để giữ cấp bậc trung sĩ, gần giống với những gì y có thể mường tượng từ ảo ảnh trở thành chúa tể trong rừng già xưa kia, trước khi bị núi rừng nuốt chửng. Chẳng phải đã có một triều đại Anh quốc trị vì như vậy trên một hòn đảo ở Thái Bình Dương hay sao? Rạng sáng, vài giờ trước khi khởi hành, y đi dạo trong thành phố-rừng ấy, nơi mà chỗ nào dường như cũng bị thiên nhiên nuốt chửng. Trong ngôi nhà thờ sơn những màu sắc tươi sáng, y mải miết một mình trên chiếc ghế dài trong cảnh cô đơn mà hẳn là y sẽ ngạc nhiên khi biết rằng người ta có thể gọi đó là cầu nguyện. Sau đó y đi ra, ngang qua trước các nhà rông, đi lạc vào khu chợ, say sưa với những mùi vị, ngang qua một cái sân chơi nơi những cụ già chân trần chơi bi a dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu. Mỗi cảm giác đều sâu sắc và lưu lại trong y bởi lẽ, bất chấp nỗi tuyệt vọng bản năng, y vẫn trao gửi cho ngày hôm đó một dạng hy vọng và y nói lời vĩnh biệt thế giới với nụ cười gần như hiền hậu trên khuôn mặt râu ria bị cạo bằng dao cùn.
Có một đoạn đường nơi chiếc xe Jeep khiến y lắc lư một cách kinh khủng, rồi một đoạn đường mòn dẫn lên sườn núi, càng đi càng hướng lên trời cao, xé toang chiếc áo choàng đen của cây cối mà màn đêm vá lại sau lưng họ. Nhiều lần họ bị lạc và tay dẫn đường người miền núi xuống khỏi ô tô để tìm những điểm mốc. Khoảnh khắc hứng khởi của Carraz tụt lại phía sau và y sốt ruột, lúc lắc những con xúc xắc trong túi áo. Trong cái nóng ngột ngạt, có dông, các lỗ nhỏ trên những khối lập phương bằng ngà là tất cả những gì níu y lại với sự thân quen mà chỉ vài giờ trước đấy y hấp tấp giải phóng mình khỏi đó.
Y nghĩ rằng chỉ những ai chưa tham chiến thì mới có thể còn tin vào điều ấy. Tin tưởng vào điều ấy là một khoảnh khắc, có thể lúc đầu, khi người ta thoát khỏi những góc sâu ngột ngạt của con tàu, thoát khỏi làn nước mặn dính nhớt dầu hỏa, và khi người ta phát hiện ra một đứa trẻ đang bơi giữa đám rễ nổi của những cây đước vừa té nước vừa hò hét không chút sợ hãi. Và thế rồi tiếp đó là chiến tranh, chỉ cần tham chiến, hết ngày này qua tháng khác, thậm chí người ta có thể hình dung rằng (và ở khía cạnh nào đó thì chuyện này khiến người ta yên tâm) chẳng có gì khác trên thế giới này ngoài chính chiến tranh, rằng tất cả những gì còn lại chỉ là ảo ảnh. Carraz không phải là vô nhân đạo (lại một tính từ ngu xuẩn, gần như không thể sử dụng được); chỉ có điều, thực tế chiến tranh đã thấm sâu vào từng thớ thịt của y, xâm nhập y, chiếm hữu y.
“Trưởng đồn” không phải là một chức vụ, dù sao cũng không có trong hàm cấp quân đội Pháp. Mặc cho những lời khuyên bảo của bạn bè, nét thi vị toát ra đã ngay lập tức lôi cuốn y - và cả sự cô đơn thường trực tất phải có. Nếu như chiến tranh làm y kiệt sức, thì đó là vì y giao du liên tục với những kẻ khác, dĩ nhiên vì những trò bậy bạ của họ, nhưng cũng vì những lời tếu táo và tiếng tăm của họ, vì kiểu vừa ăn vừa há mồm của họ, kiểu dùng lưỡi tợp tợp đồ ăn của họ giữa lúc tác chiến, cách nói năng tục tĩu của họ mỗi khi có vấn đề gì đó như “đi nặng”, rắm rít, ợ hơi và cáu bẩn. “Trưởng đồn”, chức vụ này vượt khỏi tất cả những điều đó, dù là ở bất kỳ đâu (tuy nhiên cần phải nhận ra rằng ở bất kỳ đâu đó là rất xa xôi hẻo lánh, và hoang dã nữa!), giữa hai mảnh ruộng lúa nhỏ xíu nơi châu thổ sông Hồng quá đông dân, trong những cánh đồng uốn cong nơi rải rác đây đó những nấm mộ có bia dựng bằng đá lở, khắc một thông điệp khó mà đọc nổi nào đấy, hoặc ở phía trên kia nữa, trên những dãy núi đá vôi, dọc theo đường 4, trên những mỏm núi không thể đánh chiếm. Đối với y có lẽ là ở đây, trên tuyến đường 14.
Carraz bị lắc mạnh trong chiếc xe Jeep Liên Xô đang chậm chạp tiến lên trên con đường mòn đầy đá dăm sắc nhọn. Thêm vào đó là chứng tiêu chảy khiến y đau quặn bụng và cứ đeo bám y dai dẳng. Y đòi dừng lại cả chục lần: lúc đầu y tìm một chỗ hẳn hoi để giải quyết; thế rồi có màn đêm trợ giúp và vì mệt mỏi, y ngồi xổm ngay trên cái hõm nào đầu tiên bắt gặp, run bần bật trên đôi chân lực lưỡng, ghét sự thù địch thảm hại của cơ thể to béo, thường ngày vốn khỏe mạnh.
Họ ăn hết khẩu phần lương thực rồi lại đi lên cao hơn nữa trong đêm tối, đôi khi dừng lại để kéo chiếc xe Jeep ra khỏi quãng đường mòn đầy bùn khô. Gã tài xế có vẻ chậm hiểu lại còn cứ gà gà gật gật, nếu không bị ốm thì y đã giành lấy vô lăng rồi. Gã kia có kiểu lái khiến bạn nhao bật người lên trước mỗi mô đất và nằm lăn quay trước mỗi ổ gà khiến bạn muốn gào lên chửi bới, như thể gã cố tình, thậm chí tệ hơn là đếch quan tâm. Bảo - người dẫn đường - nín thinh, với điếu thuốc lá đã tắt trên môi, ba lô nhỏ, khuôn mặt xương xương buồn buồn.
Đến giữa một nơi chẳng thuộc về đâu, gã tài xế dừng khựng xe bên lề con đường mòn. Trời mưa như trút nước, ánh đèn pha chỉ còn chiếu sáng những làn nước trút hết đợt này đến đợt khác xuống kính chắn gió và tới tấp bắn vào thùng xe.
“Chuyện khỉ gì thế này?” Carraz hỏi, bực mình vì thấy giọng mình có vẻ than vãn.
Bảo và tài xế trao đổi mấy lời.
“Ông ấy bảo ông ấy đói bụng rồi, Bảo nói. Ông ấy bảo ông ấy đã lái xe suốt năm tiếng và ông ấy cũng là người.”
Carraz hít một hơi thật sâu, thấy cơn giận dữ quen thuộc bốc lên.
“Cho nó năm phút, y nói nhẹ nhàng nhất có thể, còn nếu quá một phút thì tuy trông tao có vẻ yếu đấy nhưng tao sẽ đấm vỡ mõm nó ra để lần sau mà kêu đói nữa thì không còn mồm mà ăn đâu.”
Bảo không nói gì.
“Mày không dịch à?
- Ông ấy không cần quá năm phút đâu,” cậu dẫn đường bình thản đáp.
Khi đã tiếp tục lên đường, Carraz muốn lấy tấm bản đồ để xem lại chỉ dẫn ngôi nhà trong rừng nơi đơn vị y đóng quân nhưng y chẳng còn sức đâu nữa. Hai mắt cá chân ngứa, y gãi và thu về hai bàn tay đầy máu: những con vắt phiền phức mà y từng gặp cả trăm lần ở vùng Đồng Tháp Mười thật không thể chịu đựng được. “Mẹ nhà nó! y hét lên. Mẹ nhà nó chứ!” Gã tài xế không hề nhúc nhích còn Bảo ngoái lại liếc nhanh một cái. Chiếc xe nẩy lên vài cái rồi dừng hẳn, bật lên bởi hai cú xóc cuối cùng.
Sau cơn bùng nổ, Carraz cảm thấy bình tâm, thờ ơ với tất cả.
“Chuyện gì xảy ra thế? y hỏi với giọng vô cảm.
- Xe bị hỏng, Bảo nói. Hết xăng rồi.”
Nếu vào lúc bình thường thì có lẽ Carraz đã nổi đóa lên, nói vỗ vào mặt rằng phải thông minh như con tinh tinh thì mới biết đường cất dự phòng hai can hai mươi lít chứ... Y đành nhìn Bảo và thở dài. Suốt chặng đường từ Kon Tum đến đồn Kon Plong, Carraz chỉ nói vài lời đơn giản với Bảo, như nói với trẻ con, sau đó mới nhận ra rằng cậu ta nói tiếng Pháp đâu ra đấy. Đó là lúc y vẫn còn thấy lâng lâng, chưa bị đau bụng và vẫn còn mơ mộng trở thành Mayréna, vua của người Xê Đăng(1). Y rời khỏi chiếc xe Jeep và bước xuống bùn ngập tận đến mắt cá chân. Y phá lên cười chính mình. Y đặt bàn tay hộ pháp lên bờ vai gầy giơ xương của Bảo rồi hào hứng nói với cậu ta:
“Đêm nay chúng ta có thể chết nhưng điều không bình thường nhất lại là tôi đếch quan tâm đến chuyện đó. Cậu không thấy thế sao?”
Bảo không trả lời. Nước chảy ròng ròng trên khuôn mặt Carraz, tràn ra theo từng nếp nhăn.
“Ông phải lên xe đi, người dẫn đường lạnh lùng nói, nếu không thì ông sẽ chết chắc đấy.”
Carraz lên xe ngồi vào chỗ của mình, phía sau người dẫn đường. Sau đó y lấy hộp diêm trong túi ra rồi quẹt một que.
“Hút đi, y ra lệnh cho Bảo đồng thời gí lửa lại gần mẩu thuốc lá đã tắt. Hãy tử tế với tôi một chút, hút đi.”
Không hề thay đổi sắc mặt, Bảo rít điếu thuốc. Chẳng hiểu vì sao, Carraz cảm thấy nhẹ người khi thấy đốm mờ đỏ của điếu thuốc - cái gì đó thân quen, khiến người ta yên lòng vào giữa đêm địa ngục ấy. Ngay cả khi xe của họ không hết xăng thì họ cũng chẳng thể tiếp tục đi giữa cơn mưa to như thế. Sau đó y cảm thấy dạ dày bị co cứng, điều tệ nhất từ hàng giờ nay, thế rồi y vươn người khỏi xe Jeep.
Hình ảnh Bảo thấy cuối cùng, đó là gã khổng lồ ấy đi vài bước ngập ngừng, chệnh choạng rồi ngã uỵch trong tiếng động trầm đục bị cơn mưa bóp nghẹt.
***
Nhiều tuần sau, khi ai cũng biết các tình tiết lạ thường của cái đêm y đến, hòa trộn với truyền thuyết mới... trong vùng núi, chính bản thân Carraz cũng tự vấn liệu đó có phải một điềm báo không. Suốt năm năm ở Đông Dương, y từng hộ tống các đoàn xe, bì bõm trong bùn lầy trên những con đê nhỏ dài vô tận và thậm chí đã chỉ huy cái đồn đầu tiên, một trong những lô cốt vùng châu thổ. Tại Kon Plong, đại úy Pierre đã họp giao chỉ thị cho y rất lâu, nói với y rằng y có thể làm đặc công, quan tòa, bác sĩ, thầy tu và còn đủ mọi loại hình chưa thể lường trước được, nhưng ông ta lại không miêu tả cho y cái khoảnh khắc mà, cạn kiệt sức lực, y ngất đi trong vài phút và chỉ được cứu sống nhờ vào một loạt những cái tát chẳng hề nhẹ tay của Bảo.
“Sếp ơi? Ông còn sống đấy chứ?”
Y nheo mắt. Miệng khô khốc, nhưng chắc đó là bộ phận duy nhất trên người y không đầm đìa nước. Hẳn là y muốn nói rằng y thấy khá hơn - bởi vì lạ thay đúng là như vậy - nhưng y chẳng thốt lên lời.
“Nào, Bảo nói, không được ở lại đây. Chỗ này không tốt đâu.” Bảo và gã tài xế bắt đầu cố dìu y lên nhưng hai người họ hợp lại cũng chỉ bằng với một đôi người tí hon dưới cơn mưa mà thôi.
“Được rồi, các cậu, y làu bàu. Trong tiếng Pháp tên của tôi có nghĩa là Hòn Sỏi Bự, vậy thì hãy chiêm ngưỡng, ngắm nhìn nhưng không được chạm vào. Hiểu chưa?”
Y thở phì phò rồi từ từ đứng dậy được. Yếu ớt, chẳng có gì để nói, nhưng khá hơn, thực sự như vậy. Với tinh thần tỉnh táo của chiến binh, y hoàn toàn ý thức được tình hình: đang bên bờ một con đường mòn đang biến thành dòng suối bùn, với chiếc xe Jeep bị hỏng, và để liệt kê cho đầy đủ thì còn có thể bị một toán du kích đánh úp nữa. Câu chuyện có thể kết thúc trước khi bắt đầu...
Bảo chỉ một bóng đen phía bên kia khu rừng trống ngập nước và họ đi qua như những con ếch tìm chỗ trú mưa dưới những tán cây gần như che kín. Chính Carraz lại một lần nữa cảm thấy khá bình an với ý nghĩ về cái chết trong cuộc chiến tranh này - nhưng cơ thể và tinh thần y tập trung để việc đó không xảy đến ngay. Chiến tranh trên mọi phương diện hiện ra với y như một sinh vật mà y có thể thấy, phân tích với sự thờ ơ sáng suốt, cứ như y không can dự - có những khoảnh khắc y thấy chiến tranh dường như phải kéo dài mãi mãi, tương tự cái đêm trên con đường mòn vùng núi này, không thể kết thúc và phi lý, với những đích đến được ghi trên bản đồ nhưng mất thực tế dưới làn nước mưa.
“Thế còn gã tài xế? y bình thản hỏi Bảo. Tại sao gã quên dự trữ xăng?
- Nếu ông muốn tôi tìm ra nguyên nhân thì tôi có thể làm được.”
Carraz cười bò ra rồi đưa diêm cho Bảo. Lần này người dẫn đường cho y một mẩu thuốc và y không từ chối. Họ im lặng hút thuốc một lúc.
Carraz rút xúc xắc ra khỏi túi. Cho đến rạng đông, trong khi tay lái xe bình thản ngáy o o, y hướng dẫn Bảo làm quen với một trong những đỉnh cao của văn hóa Pháp, một trong những danh hiệu phổ cập thế giới: trò xúc xắc bốn trăm hai mươi mốt(2).
Khi ban ngày quay trở lại, y cảm thấy đủ nghị lực tiếp tục lên đường, cố để không biến mất vào những chỗ lầy lội. Mưa đã tạnh nhưng bầu trời vẫn còn phủ đầy mây đen ngòm. Carraz vẫn đau bụng nhưng ít ra y không còn phải cứ mười phút lại đi giải quyết một lần nữa. Họ vượt qua chiếc xe Jeep ngập sâu hai bánh trong vũng bùn. Mặt trời nhô lên phía trên khu rừng và ngay lập tức hơi nóng dường như đồng thời phả ra từ khắp nơi, từ trên trời, trên cây và cả từ dưới mặt đất. Carraz đã cởi đôi giày đi rừng sũng nước để đi chân đất trên đường mòn, mặc kệ những viên sỏi sắc nhọn lẫn trong bùn. Sau hai lần quặt rẽ, họ thấy khối nhà lừng lững. Họ đã băng qua bao nhiêu cây số? Đúng năm trăm mét. Họ đã thấy ngay sự dửng dưng của những người miền núi do một gã da trắng chỉ huy dành cho họ. Gã bắt tay y với một nụ cười thở phào nhẹ nhõm: đó là một gã nhỏ thó có hàng ria mép màu vàng sáp, tên là Viala, người gốc Châteaurenard, vùng Provence. Gã đón y với giọng vui vẻ:
“Thưa trung sĩ, lúc chưa gặp các ông, chúng tôi cứ ngỡ là đã mất các ông rồi.
- Các ông đã cố gắng quá nhỉ.
- Tôi lấy làm tiếc, thưa trung sĩ. Tôi cứ nghĩ tốt hơn hết là đợi mưa tạnh và trời sáng đã.
- Đúng thế. Lẽ ra các ông cũng nên đợi nhiệt độ xung quanh ổn định ở mức 25° trong ba giờ.”
Viala đỏ bừng mặt. Carraz không thích bất kỳ thứ gì ở gã này, bắt đầu từ cái giọng miền Nam buồn cười của gã. Y nheo mắt chiêm ngưỡng vương quốc của mình: ngôi nhà bên bìa rừng, vài túp lều, những đứa trẻ trần truồng ẩn nấp, đội lính cởi trần, được trang bị giáo, súng mutke chẳng biết thuộc đời nào. Trước đó, y lau mồ hôi lẫn bùn đầm đìa trên mặt và đưa đôi giày cho Viala.
“Nếu điều kiện thời tiết phù hợp với ông thì ông có thể phụ trách món này được không?”
Viala ngoan ngoãn gật đầu và cơn nóng giận của Carraz nguội đi cũng nhanh như lúc nó bùng lên.
“Vậy là đây rồi, y làu nhàu. Tôi tưởng mình bị lạc nhưng bây giờ tôi cũng không dám chắc là đã đến đúng chỗ.
- Đó là nhà của ông.”
Viala chỉ cho y căn hầm con xấu tệ hại bằng bê tông của ngôi nhà bên bìa rừng. Carraz lắc đầu.
“Đó có thể là nhà của cậu, chàng trai ạ, nhưng sẽ không phải là nhà của tôi đâu.”
Một ánh hốt hoảng trong đôi mắt Viala.
“Ý ông là gì ạ? Ông muốn ở đâu...”
Carraz làm một động tác không mấy rõ ràng về phía những ngôi nhà tranh.
“Đằng kia,” y nói, rồi y thở dài, ợ lên, lần đầu tiên cảm thấy có cái chất của một ông vua.
***
Những tuần đầu tiên, Carraz tiến hành xây dựng tuyến phòng thủ cho ngôi làng theo mô hình đồn lũy, cho dựng một hàng rào gồm những cây chông gỗ, hai lối ra vào được canh gác ngày đêm. Y đưa ra chương trình luyện tập quân sự bắt buộc hằng ngày cho đám lính và dần dần cải tiến trang thiết bị cho họ; y cũng tự ép mình tìm hiểu và tôn trọng các quy tắc của cộng đồng nhỏ bé, và lấy vợ theo tập tục truyền thống. Y khẳng định danh tiếng của mình qua hai trận đánh úp đầy táo bạo mấy đội tuần tra Việt Minh. Từ tấm thân nặng cả tạ không nhúc nhích, chai cứng, các nếp nhăn hõm sâu xuống, nay cơ thể y trở nên mềm mại và khéo léo hơn.
Khi Bảo cho y biết rằng Việt Minh dự định tấn công, một cơn sóng kích động làm máu y nóng bừng. Trước đó y đã dự cảm lần chờ đợi này - mà chúng cứ đến đi, và hãy đến ngay bây giờ đi! Người Xê Đăng cần hành động và họ đã sẵn sàng. Carraz dễ dàng đặt mình vào địa vị của “trâu núi trắng” và lặng lẽ tổ chức cái mà y gọi là “ban tiếp đón”, tin chắc rằng quân đối phương chưa hề phong thanh về những cải tiến trang thiết bị và sự tập luyện của lính sơn cước.
“Cậu biết gì không? y nói với Bảo. Tôi muốn tóm được một tên.
- Ý ông là gì?
- Tóm được một tên khốn Việt Minh. Tôi muốn giáp mặt với hắn. Cậu hiểu không, một cuộc giáp mặt riêng tư, không có nhân chứng.
- Ông sẽ làm gì với hắn?”
Carraz nhún vai.
“Tôi làm gì với hắn thì liên quan chó gì đến cậu. Sẽ chẳng tệ hơn nếu tôi để hắn cho những người Xê Đăng thân mến của tôi. Họ sẽ giết hoặc ăn gan hắn...
- Có thể như thế tốt hơn cho hắn.”
Đến lượt Carraz ngạc nhiên:
“Ý cậu là gì?”
Bảo chẳng buồn trả lời và Carraz không ép. Cái mà y che đậy viện cớ chính trị (làm cho người khác biết rằng y có khả năng đánh bại họ bất kỳ lúc nào) là kết quả của một động cơ sâu sắc và phức tạp hơn. Trong ảo ảnh quyền lực, thứ lòng nhân từ hết mực, phi lý, cám dỗ y như thể một tội lỗi. Với lại, ai mà biết được? từ đó y có thể lần ra vài thông tin vô ích - dấu vết của doanh trại đã sơ tán từ ba ngày nay và những chỗ cất giấu đạn dược trống rỗng.
Cuộc tấn công bắt đầu vào buổi tối như dự đoán... Carraz thích thú nghe tiếng gào thét trong màn đêm, rùng mình khi nghĩ rằng lần này chính đối phương đang rơi vào bẫy cành lá, chính họ đang tháo chạy bỏ rơi cả thương binh, chính họ thấy rằng màn đêm thật thù địch... Một mình trong lều, y vừa hút thuốc vừa lắng nghe khúc ca khải hoàn của người Xê Đăng.
Họ dẫn một tù binh đến cho y, một chàng trai trẻ không hề run sợ. Anh ta đeo thắt lưng màu vàng cùng một cây kiếm Nhật. Họ để y và anh lính ở lại với nhau và cả hai im lặng một lúc. Sau đó y nói và anh lính người Việt làm ra vẻ không hiểu tiếng Pháp. Carraz nhận thấy sự tập trung cao độ của anh ta và y thử vận may.
“Nghiêm!” y hét lên.
Anh lính đứng nghiêm một cách máy móc. Carraz mỉm cười. Y luồn vào trong bóng tối ấy, cảm thấy dễ chịu, trong cái đêm ngoáo ộp đó. Anh lính người Việt đứng im cho đến khi nhận được mệnh lệnh chuyển sang tư thế nghỉ. Anh ta không hề đổi sắc mặt, nhưng anh ta mở móc cài thắt lưng và đặt thanh kiếm, mũi cắm xuống đất, tựa vào vách lều, ngay trên đầu chiếu. Dưới ánh đèn, bóng lưỡi kiếm hiện rõ trên vách lều.
“Ngươi tên gì? Carraz hỏi.
- Nguyễn Bình.
- Cái đó là bí danh, thằng ngốc. Khai tên thật của ngươi đi.
- Đó là tên thật của tao. Tên cũ của tao tiêu tan rồi.”
Carraz thích thú khi thấy anh lính chẳng hề run sợ. Y cố không mỉm cười.
“Ngươi mang tên của kẻ khủng bố xấu xa.
- Tao mang tên của người cách mạng.
- Của người cách mạng đã chết.
- Tại sao lại không nhỉ? Người ấy chết vì sự nghiệp chính nghĩa.
- Hãy xem cái sự nghiệp chính nghĩa của ngươi dẫn ngươi đến đâu. Vào tay của Trâu núi trắng. Chắc ngươi đã nghe tên ta rồi phải không? Người ta đã nói với ngươi rằng đêm nay nếu tóm được ngươi, ta sẽ bóp cổ ngươi rồi ăn tươi nuốt sống ngươi không sót mảnh xương nào chưa?”
Đến lượt anh lính người Việt mỉm cười.
“Đó không phải những gì người ta đã nói với tao. Họ nói với tao rằng sẽ tóm được mày, băm vằm mày ra, treo thây mày lên con lắc rồi diễu từ làng này sang làng khác khắp núi rừng để cho thấy khả năng thần diệu của mày còn lại những gì.
- Nghe được đấy nhỉ.
- Tao không sợ. Không sợ mày. Không sợ chết.
- Lúc nào ngươi cũng mang tên ‘Nguyễn Bình’ hay đôi khi ngươi đổi tên, giống như ‘Trường Chinh’, ngươi biết đấy, hay còn gọi là ‘Longue Marche’, hay Bác Hồ?
- Chúng tao có thể đổi họ tên, nhưng chúng tao không thay đổi.
- Đừng nói chắc như thế.”
Carraz khiến cho anh lính Việt kể câu chuyện của mình, một câu chuyện tầm thường vô vị. “Nguyễn Bình” bắt đầu làm lính tăng cường cho một lô cốt của Pháp thuộc mạng lưới của tướng de Lattre, nhưng anh ta chạy sang phía Việt Minh chẳng phải vì niềm tin, mà vì một chuyện đàn bà mờ ám. Giáo dục chính trị, quán triệt tuyên truyền... Anh ta căm thù người Pháp không thiên kiến, thế rồi anh ta rút trong túi ra một cuốn thơ Pháp, hãnh diện chìa cho Carraz xem.
Trong đêm hôm đó nảy sinh mối quan hệ, sự thanh thản và lòng tin giữa họ. Anh lính chưa hề hình dung Carraz sẽ làm gì mình nhưng anh ta chẳng nói dối: anh ta không sợ. Họ thẳng thắn kể cho nhau nghe những gì xảy ra, với tư cách những người đàn ông. Anh nói mà chẳng chút giận dữ, cứ như thể anh thấy chuyện đó là bình thường, bình thường bởi vì đó là thực tế. Carraz tức tối khi phát hiện ra rằng chuyện đó khiến y khó chịu hơn anh ta. Nhiều lần y đã không theo sát vấn đề, thế mà trước đó y đã từng nghe những lời đồn đại, hay những gì cậu bạn say khướt nói một tối nọ, và tự nhủ rằng đó là những trò bậy bạ, chiến tranh là thế. Y nhận thấy rằng mặc dù to mồm y vẫn còn việc để làm, những chuyện dơ dáy đó tác động trực tiếp đến y.
Carraz nói với anh lính người Việt rằng cũng có những chuyện như vậy - thậm chí còn tệ hơn - bên phía đối phương. Anh lính không phủ nhận.
“Nhưng chúng tôi rất biết lý do của việc mình làm.”
Carraz im lặng một lúc lâu. Bây giờ y nổi cáu, thực sự và vô cớ. Lướt qua tâm trí y cái ảo ảnh cắt cổ tên khốn kia bằng chính lưỡi kiếm của hắn, thế đấy, để dạy cho hắn một bài học, bởi vì hắn nói những điều y không muốn nghĩ tới. Y lẩm nhẩm một mình: “Khốn nạn thay lòng trung thực, khốn nạn thay sự thật...”
Đột nhiên, anh lính Việt yêu cầu y lại gần. Carraz ngoan ngoãn thực hiện: cả y nữa, y cũng không sợ.
“Nhìn lưỡi kiếm này đi, anh lính Việt nói, hãy nhìn đi...”
Anh ta không chỉ vào lưỡi kiếm mà chỉ cái bóng của nó. Ngọn nến chẳng hề động đậy nhưng lưỡi kiếm thì run rẩy trên tường.
“Đó là linh hồn của thanh kiếm, anh ta nói, sáng nay nó đã đâm chém, xả vào da thịt người và nó vẫn còn sống.”
Nguyễn Bình chiến đấu bên phe họ một thời gian rồi biến mất. Quân du kích thầm trách Carraz - nếu để họ quyết định việc này thì hẳn họ đã loại bỏ tên phản bội ngay từ đầu... Vài ngày sau, họ thấy anh lính bị cột vào một gốc cây trong rừng. Quân đối phương tra tấn vô cùng dã man và xác anh ta chẳng còn lại gì mấy. Carraz không thể chấp nhận được rằng y là vua của những người Xê Đăng, là Trâu núi trắng, mà lại không thay đổi nổi số phận của con người ấy, rằng anh ta phải chịu một cái chết khủng khiếp, không phẩm cách, dù được y bảo vệ, hoặc có thể - điều nghi ngờ này còn khó chịu hơn nữa - chính vì sự bảo vệ của y.
Buổi tối y không ăn uống gì mà ở lại một mình trong lều. Y đặt thanh kiếm đúng chỗ mà anh lính người Việt đã đặt vào đêm đầu tiên rồi nhìn linh hồn nó. Nó run rẩy, như thể muốn vượt qua mái nhà còn y chống chọi, không chịu nhắm mắt lại, cố duy trì mối liên hệ, cầu xin anh ta ở lại bên y thêm một chút nữa, nhớ lại rằng vào cái đêm đầu tiên ấy lẽ ra y đã có thể chém đứt cổ anh ta nhưng y không làm - và kết quả là đấy, một cái bóng trên tường. Cuối cùng y ngủ thiếp đi và khi tỉnh dậy trời đã sáng, cái bóng đã không còn.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước