Để leo dốc cao, cần chầm chậm trước tiên.

Shakespeare

 
 
 
 
 
Tác giả: Sơn Tùng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6710 / 130
Cập nhật: 2017-04-19 15:28:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương II - Thời Niên Thiếu - Phần 9
ắng. Một thứ nắng như từ biển dâng lên, tràn đầy.
Gió. Một loại gió nóng từ bên kia Trường Sơn tràn xuống, dữ dội.
Nóng. Cái nóng như lửa bốc vây hãm cả bốn phía kinh đô. Mặt trời như một cái vung lửa úp xuống Huế. Huế ngột ngạt!
Nguyễn Tất Thành sải bước trên đường phố nóng ran. Những chiếc lá rơi, gió cuốn trên đường thăm thẳm. Anh thấy bầu trời Huế… mặt đất Huế… thành quách… cung điện… đền đài Huế quay tít trong đám lá bụi mịt mù. Anh cũng cảm thấy mình đang như một chiếc lá rời khỏi cành cây bay trong gió cuốn.
Thành rời khỏi Huế, anh đi theo một nhóm người Quảng Ngãi ra bán kẹo mạch nha và mua kẹo mè xửng đưa về Quảng Ngãi bán. Nhóm lái kẹo này có chiếc xe ngựa. Thùng xe rộng, có ngăn chở hàng, ngăn để đồ nấu ăn, đựng lương thực dự trữ đi đường dài, và có bốn, năm chỗ nằm. Họ đi buôn đường xa, qua nhiều núi đèo hiểm trở nên có cả khí giới chống cướp đường, chống hổ báo. Thành bắt quen được nhóm lái kẹo từ năm trước, họ chở kẹo mạch nha ra Huế bị đồn thuế Đông Ba ức hiếp, tịch thu kẹo của họ. Họ nhờ nhà trọ Đông Ba tìm giúp người làm đơn kiện bọn đồn thuế. Thường ngày Thành đi chợ mua gạo, mua thức ăn. Bà chủ nhà trọ Đông Ba thấy một cậu con trai khôi ngô mà phải đi chợ, làm bếp, bà để ý tìm hiểu, đã biết được Thành là con trai quan thừa biện Bộ Lễ Nguyễn Sinh Huy, sống cảnh “gà trống nuôi con”. Do vậy bà chủ nhà trọ Đông Ba đã nhờ anh làm đơn giúp cho nhóm lái kẹo mạch nha. Hôm công việc xong xuôi, nhóm lái kẹo đã biện một cái lễ nhờ bà chủ trọ đưa đến nhà Thành để tạ. Thành đã từ chối. Họ nài nỉ mãi, anh đành lấy một bát kẹo mạch nha và một ít đường phèn. Đức tính cao thượng ấy của anh đã in sâu trong tình cảm nhóm lái kẹo mạch nha. Lúc anh ngỏ lời xin được đi nhờ vào miền trong, họ đón mời anh với một niềm vui “được dịp trả nghĩa cũ”.
Con đường từ Huế vào xứ Quảng như một sợi dây vắt vẻo qua những núi non khuất khúc, điệp điệp trùng trùng. Con ngựa ô bờm đen mượt, đuôi dài phu phê, dáng thon thon kéo cỗ xe chạy xăm xăm theo theo tay cương của người xà ích. Thành được nhường một chỗ ngồi thoải mái nhất. Anh có thể nhìn xa lên phía trước, nhìn sang bên đường qua ô cửa sổ nhỏ. Lúc nào mỏi, anh có thể nằm duỗi thoải mái ngang lòng thùng xe. Anh không dám ngồi ở vị trí tốt này. Nhưng cả ba ông lái mạch nha đều nhường:
– Cậu ấm đi vô xứ Quảng lần đầu, cần ngồi chỗ nớ mới dễ nhìn được phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Ông xà ích vui vẻ giới thiệu:
– Từ đây vô Quảng Nghĩa (77) có nhiều cảnh đẹp. Chỉ tính đến Cửa Hàn cũng đã có cảnh đẹp Lăng Cô đèo Hải Vân, bến Nam Ô… Cậu ấm đã có chữ trong mắt thì nhìn cái đẹp một hóa đẹp hai, đẹp ba, bốn lần.
Thành tránh lời đề cao về mình, anh khiêm tốn:
– Mỗi một cuộc đi xa là một dịp học hỏi được những điều bổ ích, các bác ạ.
– Đúng. Đúng. – ông xà ích vẻ ăn ý nói – Cậu ấm nói đúng.
Đi một đoạn đàng, học một sàng khôn mà! Cuộc hành trình ngày đầu tiên qua được Lăng Cô. Người xà ích lái ngựa rẽ vào một làng nhỏ dưới chân đèo. Mọi người xúm vào việc cơm nước trước khi trời tối. Ông xà ích cho ngựa ăn thóc, uống nước. Thành lấy liềm, sọt đi cắt cỏ cho ngựa Cả nhóm lái kẹo ngạc nhiên:
– Ơ! Cậu ấm… sao cậu ấm lại đi làm cái việc…
Ông xà ích giằng lấy cái liềm trên tay Thành. Thành phải nói rõ ràng:
– Tuy là học trò, con nhà quan, nhưng từ lúc còn bé, ở nhà với bà ngoại, tôi đã quen những việc như thế này.
– Quý hóa quá! Quý hóa quá trời! – Những người lái kẹo xuýt xoa tấm tắc. – Nhà quan nào cũng như nhà cậu thì cánh dân đen hẳn là đỡ khổ đôi ba phần!
Qua một đêm ngủ bên đèo Mây, Tất Thành thấy sảng khoái như ở quê nhà. Ngồi trên xe ngựa lắc lư gập ghềnh mà đầu óc anh vẫn chưa hết bâng khuâng về giấc mơ về quê nhà đêm qua. Hình ảnh những người thân ở quê nhà bịn rịn trong tâm hồn anh…
Con ngựa ô kéo cỗ xe lên đèo Hải Vân, chân choãi về sau, toàn thân rướn lên phía trước, cái đầu lắc lư, bộ bờm đen mượt phập phồng, cổ dâm dấp mồ hôi. Thành thương con ngựa kéo nặng:
– Có lẽ ta xuống bớt, đẩy xe đỡ cho ngựa một chút.
– Khỏi – ông xà ích nói. – Sức ngựa ô khỏe, dai lắm. Kéo chừng này chả thấm tháp gì với sức của nó. Vì lên dốc, nó phải ráng sức chút xíu ạ.
Gặp phải buổi trời mù, đèo Hải Vân chìm trong mây trắng. Đi trên đèo, chỉ nghe tiếng sóng biển hòa với tiếng gió hú. Mấy bác Mấy bác lái kẹo băn khoăn:
– Tiếc quá, gặp phải hôm trời xấu, cậu ấm không được nhìn thấy mặt biển như lụa, ngọn đèo như tháp đồng đen, mây gấm, nắng tơ… Hùng vĩ và thơ mộng lắm, cậu ấm ạ.
Thành đưa mắt ra xa, toàn một màu trắng bồng bềnh. Đầu con ngựa như một mũi thuyền rẽ màn mây trắng đi vào cõi thần tiên. Anh bắt đầu cảm thấy lý thú như một chàng hiệp sĩ “chẳng quản gì da ngựa bọc thân”.
Bỗng ngựa hí, nhảy chồm lên, chân đá vào càng xe! Cỗ xe bị đổ về phía sau. Người, đồ đạc trên xe lăn cù cù, ngựa hí vài tiếng yếu đuối, vùng vẫy… Tiếng hổ gầm. Mọi người đã hết bàng hoàng, choàng dậy. Ông xà ích kêu thất thanh:
– Ôi! Trời đất ơi! Hổ vồ ngựa! Ngựa bị hổ móc cổ rồi.
Mọi người xúm đến quanh con ngựa. Con ngựa đã quỵ xuống, máu đang chảy lênh láng nóng hôi hổi, vết thương ở cổ toang hoác, cuống họng bị đứt lùa thùa, bộ bờm đen mượt phủ kín mắt như đang ngủ.
Ông xà ích khóc:
– Khổ thân con ngựa quý của tôi, vì vướng càng xe mà bị cọp vồ trộm mới nên cơ sự này! Nếu nó rộng chân thì một cọp chứ mười cọp cũng khó nhổ được một cái lông đuôi của nó. Ôi! Nó kết bạn với tôi đã gần mười năm rồi. Nó về nhà tôi lúc chưa mọc răng kia mà.
Ông cầm con mác cán dài đi theo vết máu mảng cổ ngựa bị hổ tha. Ai cũng ứa nước mắt, vỗ vỗ bàn tay lên mình ngựa còn đẫm mồ hôi. Tất Thành ngồi bên đầu ngựa vuốt mắt cho nó và vuốt bộ bờm mát rượi bàn tay.
Ông xà ích quay về, cắm phập cái mác xuống bên mình ngựa, tay chống nạnh.
– Tôi mà gặp được thì thằng cọp chết tươi hoặc tôi chết chứ chẳng chịu vầy đâu! Hu… hu…hu… – ông ôm mặt khóc to.
Anh em lái kẹo an ủi:
– Gặp xui (rủi) vầy rồi thì ta liệu việc để còn đi thấu Cửa Hàn kẻo tối trên đèo mất.
Ông xà ích tìm được một trảng cỏ bên thung lũng. Chỉ có một cái cuốc và mấy cái lưỡi mác, họ chuyền tay nhau đào bới. Thành cởi áo ngoài, xắn quần quá gối khuân đá, hót đất lên. Đào được một cái hố dài, sâu để lọt vừa thi hài ngựa, ông xà ích lồng sợi dây thừng ngang mình ngựa, mọi người xúm vào cùng kéo. Ông xà ích nước mắt ngắn nước mắt dài, nhờ Thành:
– Cậu ấm vần những hòn đá ra xa và chặn bằng các gốc cây để ông Mã đỡ xây xát, đỡ đau.
Ông xà ích e cậu ấm Thành chưa thông cảm về cách gọi tôn kính của ông, ông phân trần:
– Cậu ấm ơi, cái giống ngựa lúc còn sống thì làm thân tôi tớ cho người, khi chết hóa thành thần Mã, chầu nơi đền đài thờ vương, thờ đế.
– Cháu có hiểu phần nào cái điều ấy, chú ạ.
Ngôi mộ con ngựa được vun cao và xếp đá xung quanh. Ông xà ích quỳ trước mộ, khấn:
– Thưa ông Mã! Người xưa dạy: “Con trâu là đầu cơ nghiệp. Con ngựa là vựa tiền”. Lúc ông còn sống, ông đã gò lưng làm lụng nuôi cả nhà tôi. Chẳng may ông bị lâm nạn giữa truông, giữa đèo nên chứng tôi mai táng ông quá sơ sài xin vong linh ông mở lượng hải hà cho chúng tôi được phần nhờ. Xin hứa với ông chuyến đi kinh đô tối chứng tôi sẽ có lễ bạc lòng thành tạ trước mộ ông.
Nguyễn Tất Thành cùng đứng với các ông lái kẹo một hàng ngang trước mộ “ông Mã”, vái năm vái. Anh nao nao như lúc đứng trước ngôi mộ người thân. Mọi người xếp sắp lại đồ đoàn vào xe. Trời đã trưa. Sương tan. Mây trắng trôi trên đỉnh núi. Biển trải xanh xa dưới chân đèo thăm thẳm. Thành cảm thấy ngơ ngác trước biển cả núi cao này.
Ông xà ích giọng cứng rắn:
– Từ đây đến Liên Chiểu không còn xa nữa. Từ Liên Chiểu đến Nam Ô độ một dặm và về Cửa Hàn còn hơn hai dặm nữa. Về thấu tỉnh lỵ Quảng Nghĩa còn những ba mươi tám dặm kia.
– Chúng ta xếp đặt cách đi sao cho tiện bây giờ? – Một ông lái kẹo hỏi.
Ông xà ích nói:
-Một người cầm càng, hai người đẩy xe, hai người nữa ngồi trên xe, rồi lại thay nhau người đẩy, người nghỉ. Riêng cậu ấm Thành cứ nghỉ ở trên xe. Vô tới Cửa Hàn ta tìm xe quen để gởi cậu đi nhờ về Quảng Nghĩa.
– Các chú ơi! – Thành nói – Các chú đã nhận ghép cháu vào cùng một chuyến đi đường dài ngày. Mọi việc may, rủi xảy ra dọc đường, cháu cũng được chia phần, cùng gánh chịu như mấy chú vậy.
– Cậu ấm có cái bụng tốt ấy, bầy tui biết – ông xà ích nói. – Bầy tui thương chú học trò, tay yếu chân mềm mà làm cái việc đào đất cất gỗ, tội nghiệp quá ta!
– Cháu đã chịu đựng những nỗi khổ quen rồi, các chú ạ…
– Vậy thì – mấy mấy ông lái hồ hởi nói – ta đi nào! Đi!…
Thành hai chân choãi ra sau, người vươn lên trước, tay đun xe bước đi giữa âm vang biển cả và gió hú đèo Mây.
o0o
Vào thấu thị xã Quảng Ngãi, Tất Thành ở lại đây mấy ngày vì thấm mệt qua chuyến đi đường dài. Những người lái kẹo mạch nha rất kính nể vốn học và mến tính siêng năng, đức hiền từ của Tất Thành, đã tha thiết mời anh ở lại dạy cho các con, cháu của họ học. Anh từ chối: “Cháu còn ít tuổi, cần phải đi đây đi đó để lượm lặt những điều hay lẽ phải thành cái vốn, lúc đó có đi dạy học hay làm việc gì mới thật sự có ích, các chú ạ”.
Những ngày lưu lại thị xã Quảng Ngãi cũng như đi qua Quảng Nam, Nguyễn Tất Thành nghe được nhiều tiếng dân kêu than. Lời nguyền rủa thực dân Pháp, oán thán bọn tay sai buôn dân bán nước, chẳng những Thành nghe được khá nhiều mà anh còn nghe được những tiếng dân ngợi ca, thương tiếc các ông nghè, ông cử ông tú ông đồ đã bị chém giết, tù đày vì nghĩa lớn. Tại Quảng Ngãi người ta bàn tán nhiều nhất là vụ dân nổi dậy đốt nhà tên đại việt gian Nguyễn Thân. Khắp các ngả đường, nơi chợ búa, trong quán trọ, cửa hàng nước… họ kể về lòng thương dân, tinh thần tiết tháo của quan Trần Văn Phổ (cha Trần Phú) làm tri huyện Đức Phổ. Ông không chịu hợp tác với tên công sứ Đô-đê đàn áp nhân dân nổi dậy chống sưu cao thuế nặng. Nó hứa sẽ thăng chức tri phủ cho ông. Nhưng ông đã mắng vào mặt tên Đô-đê. Nó dọa sẽ cách chức ông nếu ông không mộ phu, đưa lính đi theo nó về các làng trong huyện “làm nhiệm vụ”. Ông đã chống lại và đã thắt cổ tự tử tại công đường. Vợ ông là bà Hoàng Thị Cát đã bồng bế các con đến cửa Tây thị xã Quảng Ngãi, dựng quán bán nước chè kiếm sống…
Rời Quảng Ngãi, Thành đi vào Bình Định. Anh đi với phường tuồng Vinh Thanh huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, quê của quan thượng thư Đào Tấn. Phường được mời ra diễn tại thị xã Quảng Ngãi và giúp cho phường tuồng ở đây dựng vở “Hoàng Phi Hổ quá quan” của Đào Tấn.
Thành đến xem đoàn tuồng ở quê quan Đào Tấn diễn vở của Đào Tấn với một tình cảm sâu nặng, thầm kín. Anh ngồi xem tuồng, nhưng trong đầu anh thỉnh thoảng lại xuất hiện những hình ảnh quan Đào Tấn
cùng đàm đạo với cha mình trong căn nhà nho nhỏ ở thành nội, kinh đô Huế.
Đêm hát đã tan, Nguyễn Tất Thành dùng dằng không dứt ra về được. Người di xem hát về đã vãn, phường tuồng đã thay áo xong, anh ngẫm nghĩ một lúc rồi mạnh dạn đến gặp ông trùm phường:
– Thưa ông, cháu xin gặp người vừa sắm vai Hoàng Phi Hổ ạ.
Ông trùm phường nhìn Thành ngờ vực:
– Cậu gặp có việc gì?
– Thưa ông, cháu từ ngoài xứ Nghệ vô đây. Cháu thường được nghe các bậc cha chú ca tụng tuồng Bình Định. Nay cháu được xem phường tuồng của quê hương quan Đào Tấn, quả là “danh bất hư truyền”. (78)
Ông trùm phường vẻ cảm động:
– Đa tạ về những lời phẩm bình của cậu.
– Riêng có một chỗ trong vai Hoàng Phi Hổ, cháu muốn nói ra điều trộm nghĩ của cháu mà e có sự luống cuống khác nào “đánh trống qua nhà sấm”.
– Cậu đã từ xứ Nghệ vô đây, lại có lòng hạ cố tới coi phường chúng tôi hát mà còn cho lời châu ngọc nữa thì đó là ơn tri ngộ, chứng tôi ghi nhớ mãi.
– Được như vậy thưa ông, cháu mạnh dạn xin tỏ bày: Người đóng vai Hoàng Phi Hổ cũng như tất cả các vai trong vở tuồng đều giỏi bộ, hát hay. Cháu được nghe cha cháu thường đàm đạo với bạn: Diễn tuồng mà chỉ có hát hay, điệu bộ kém và ngược lại, thì chẳng khác chi người bán thân bất toại (79). Bởi vì diễn tuồng là công việc chạm trổ hình ảnh người đời ở trên sân khấu, làm rõ từng cử chỉ, phong độ, tánh cách, lời ăn tiếng nói của nhân vật. Lại còn phải trạm trổ cái hồn văn của người viết vở diễn trong từng câu, từng lời với bao nhiêu thần sắc: hỉ, nộ, lạc, ai, ái, ố, dục (80), tức là bảy cái tính ở trong con người ta. Cháu thấy phường hát của ông đã thành đạt được những điều ấy. Người đóng đạt nhất là vai Hoàng Phi Hổ. Nhưng, vai Hoàng Phi Hổ còn gượng một chỗ khá quan hệ, đó là điệu cười chưa thật đúng tâm trạng nhân vật. (Ông trùm phường tuồng ngước nhìn Tất Thành, mắt lấp lánh niềm vui thán phục). Cháu cho là – Tất Thành nói – việc chạm trổ tính cách nhân vật Hoàng Phi Hổ là điều không dễ, mà khó nhất là lúc ông ta cười, một cái cười đẫm nước mắt. Vì Hoàng Phi Hổ là người đã nhiều phen vào sinh ra tử, dốc hết tâm sức thờ vua, nguyện suất đời trọn đạo trung quân. Nào ngờ vua Trụ lại làm nhục vợ mình. Cái khó xử cho Hoàng Phi Hổ là có dám chống lại vua để bảo vệ danh dự vợ chồng mình không? Mà chống lại vua là chống một niềm tin, một cơ đồ mình đã đổ máu hy sinh vì nó, và như vậy liệu có mang tiếng với thiên hạ, mình là kẻ phán phúc không? Hoàng Phi Hổ với tâm trạng ấy cho nên hát lên hai tiếng “phản Trụ” rồi cười, Hoàng Phi Hổ cười ai? Phải thấy Hoàng Phi Hổ cười cả cái chế độ nhà Trụ, một chế độ đã dày công xây đắp vững bền từ mấy đời nay sụp đổ chỉ vì một sắc đẹp, vì một người đàn bà. Hoàng Phi Hổ còn cười mình đã mù quáng, hy sinh cả đời mình một cách vô nghĩa! Theo cháu, người sắm vai Hoàng Phi Hổ phải tạo nên một tiếng cười lột tả được cái tâm trạng này.
Ông trùm phường tuồng ôm choàng lấy vai Nguyễn Tất Thành lắc lắc:
– Đúng cậu là… Cậu là thầy tuồng rồi!
– Không dám. – Tất Thành đáp. – Thưa ông, cháu chỉ là người khán giả nhỏ thôi ạ.
Ông trùm phường tuồng lại vỗ vai thân mật:
– Xin cậu cho biết quý danh?
– Dạ, cháu là Nguyễn Tất Thành ạ.
– Cậu còn trẻ mà đã tinh tường nghệ thuật tuồng khiến tôi phải sửng sốt. – Giọng ông bồi hồi: – Lúc sinh thời thầy tuồng của chúng tôi, quan Đào Tấn thường nói với chúng tôi: “Người xứ Nghệ rất mê tuồng và thưởng thức rất tinh tường”. Thầy còn nhắc tên những người bạn của thầy như quan đốc học Đặng Nguyên Cẩn, quan Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ông giải nguyên Phan Bội Châu…
– Thưa ông cha cháu là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ạ.
– Ồ! Trời đất! Cậu… là con quan Phó bảng Sắc! Hèn chi! Hiện thời quan Phó bảng đang ngồi ghế tri huyện tại Bình Khê, trong tỉnh chúng tôi.
– Dạ. Cháu vô thăm cha cháu đây ạ.
– Ô chà chà, còn chi bằng. Chúng tôi mời cậu ấm cùng đi vô với phường chúng tôi. Được vậy thì vinh hạnh cho chúng tôi lắm lắm.
o0o
Thành bước vào cửa huyện đường Bình Khê lúc chiều tà. Quan huyện Nguyễn Sinh Huy và vài người lính lệ đang làm vườn. Người lính nhìn thấy khách lạ nói:
– Bẩm quan, có thư sinh nào… trông lạ kia ạ?
Quan huyện Huy nhìn lên, ngạc nhiên:
– À! – Ông nghiêm nét mặt, nói với anh trong lúc đi về phía Thành – Người con thứ của ta.
Thành chắp tay:
– Con chào cha. Cha có được khỏe không, thưa cha?
– Ừ, rất khỏe.
Mấy người lính chạy đến:
– Kính chào cậu ấm!
– Xin chào cậu ấm đến thăm quan lớn!
Tất Thành đáp lại rất lễ phép với những người lính hầu của cha mình.
Đám lính xuống nhà bếp lo cơm nước. Quan huyện Huy dẫn con về phòng riêng của mình. Ông ngồi đối diện với con ở ghế tràng kỷ. Ông hỏi lạnh lùng:
– Con đi đâu mà qua đây?
– Dạ, con đến với cha ạ.
– Anh đến với tôi để làm gì?
– Con đến thăm cha để rồi… con đi…
Nét mặt ông đã ấm lại và thoáng cười tươi:
– Được. Cha tưởng con đi theo cha thì đáng buồn. Con phải tự tìm ra cho mình một hướng đi, một con đường. Đời cha không có con đường, chỉ có một ngõ cụt. Cha đã không làm được điều mình hằng ước nguyện: vì Tổ quốc mà ngã giữa trận tiền, vì công bằng mà rơi đầu trước đám cường quyền bạo ngược. Cha đành chịu phận: chí đoản, hận trường(81).
– Nhớ lời cha dặn con hồi năm ngoái, nay con định đến Phan Thiết, trao phong thư của cha tới ông Hồ Tá Bang. Con sẽ xin được dạy học ở trường Dục Thanh một thời gian, cha ạ.
– Phải. Con cứ mạnh dạn làm, một khi lòng đã quyết. Con đã đến tuổi tráng niên rồi. Nhớ là: “Kỳ ấu giả duy phụ mẫu sở hữu chi thân, kỳ tráng giả duy quốc gia sở hữu chi thân, kỳ lão giả duy hậu thế sở quan trọng chi thân” (82).
Hai cha con cùng sưởi ấm cho nhau trong đêm trên đất Tây Sơn, quê hương người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
Sáng hôm sau, ông Sắc ra huyện đường xử một vụ kiện đã kéo dài cả ngày hôm qua vẫn chưa xong. Anh Thành nhờ một anh lính huyện, người ấp Tây Sơn đưa đi thăm miền đất tụ nghĩa “áo vải cờ đào”. Lúc trở về mặt trời đã tròn bóng. Thành thấy gương mặt cha đanh như thép lạnh. Anh chưa rõ nguyên do mà lòng cứ thổn thức với nỗi cô đơn của cha.
Anh lính lệ bưng cơm lên và lễ phép mời hai cha con quan huyện:
– Bẩm quan lớn và cậu ấm mời cơm ạ!
Thành để cha ngồi vào bàn ăn trước. Anh ngạc nhiên thấy cha tự tay mở lồng bàn và nghiêm giọng như hỏi cung phạm nhân:
– Món tôm he bữa qua còn khá nhiều sao không…
Anh lính lúng túng thưa:
– Bẩm quan lớn! Con sơ ý đậy không kỹ để mèo ăn hết cả rồi ạ.
Ông huyện Sắc đặt mạnh tay gần như ném cái lồng bàn xuống phản ngồi, hỏi:
– Mèo ăn vụng thì hết một con hai con, sao lại hết nhẵn từng ấy con tôm he to gần bằng cổ tay?
Mắt Thành tối sầm lại! Anh thầm nghĩ: Từ ngày còn sống dưới nách cha chưa bao giờ thấy cha để ý đến miếng ăn, sao bây giờ…? Chẳng lẽ cái “quan tham ô lại” cũng nhiễm vào cha mình?
Anh lính hầu mặt xanh như lá, nói líu cả lưỡi:
– Bẩm quan lớn! Có đèn trời soi xét cho con. Chỉ có mèo ăn thôi ạ!
Ông huyện Sắc đập mạnh tay xuống bàn, quát:
– Ta sẽ tra cứu đến nơi. Anh ăn tôm mà đổ cho mèo thì trục hồi bản quán ngay.
Người lính hầu quỳ xuống đất khấu đầu, tay vái:
– Bẩm quan lớn! Con ăn tôm ạ. Xin quan lớn rộng lượng hải hà cho con!
Thành hai tay ôm mặt quay đi. Nhưng ông Sắc đã cúi xuống nâng anh lính hầu đứng dậy, giọng ông thấm nước mắt:
– Tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi anh. Mèo không ăn mất tôm, anh cũng không ăn mất tôm đâu. Đĩa tôm he vẫn còn nguyên vẹn tôi đang giấu ở tủ hồ sơ. Tôi thử anh để mà nghiệm ra việc xử vụ án suốt hai ngày mà bị can vẫn chưa chịu nhận “tội”. Lúc tôi phải dùng bàn tay đập bàn hăm dọa, truy bức thì bị can liền “thú tội”! Tôi e rằng họ bị oan!
Ông quay lại nói với Thành, giọng xúc động:
– Làm quan dẫu có giữ mình trong sạch cũng không tránh được hết lỗi lầm. Chỉ một lần gieo oan thì cũng phải ba đời mình chịu oán. Sẽ thất đức con ạ. Thôi… đi đi… con! Nước mất con đi tìm nước… Sớm muộn rồi cha cũng sẽ là nạn nhân chứ không thể là kẻ sát nhân trên cái ghế quan trường này!…
————
Chú thích:
(77) Quảng Ngãi
(78) Tiếng đồn không sai
(79) Bại liệt mất một nửa người không hoạt động được
(80) Mừng, giận, vui, buồn, yêu, ghét, ham muốn
(81) Chí nhỏ hận dài
(82) Đại ý: Lúc ta còn thơ ấu thì thuộc quyền cha mẹ, lúc ta lớn lên thuộc về đất nước, lúc về già lại phải dành cho lớp người sau là quan trọng nhất.
Búp Sen Xanh Búp Sen Xanh - Sơn Tùng Búp Sen Xanh