Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2020-10-20 22:07:34 +0700
Chương 20
Ông Kim xuống xe. Mọi người chưa kịp ra đón thì ông đã xách cái điếu cày xồng xộc đi vào.
- Chờ tớ sốt ruột lắm phải không? - Ông Kim hỏi rồi kéo ghế ngồi.
- Các vị ở dưới xã cũng vừa mới lên xong – Bằng đáp rồi giới thiệu - Đồng chí Kỳ và đồng chí An ở Hồng Vân thì bí thư quen quá đi rồi. Còn đây là đồng chí Soạn, bí thư đảng ủy Phương Trúc và đồng chí Vinh là chủ nhiệm Hợp tác xã.
Soạn tươi cười:
- Em gặp bí thư hai lần rồi chắc bí thư không nhớ.
- Nhớ được một lần. Đó là hôm Đại hội đảng bộ Vĩnh Hòa. Hôm đó cậu phê bình tay Mích có tác phong quan liêu, quân phiệt có đúng không nào?
Soạn khen:
- Bí thư nhớ lâu thật.
Ông Kim chỉ vào bà Thường:
- Mấy tay lãnh đạo ở Phương Trúc chắc chưa biết chị Thường phải không? Chị Thường là trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy. Các cậu biết để sau này tớ có chèn ép các cậu, các cậu muốn khiếu nại, tố cáo gì về tớ thì lên gặp chị ấy.
Mọi người cười vui vẻ sau câu nói của ông Kim.
Bằng mở lời:
- Thành phần triệu tập họp đã có mặt đầy đủ cả rồi đấy ạ. Xin mời bí thư và chị Thường đi qua hội trường.
Ông Kim đứng dậy nhìn quanh rồi hỏi:
- Hình như hôm qua tớ gọi điện xuống có bảo các cậu mời cụ Rau ở thôn Hạ Hòa dự họp phải không? Sao không thấy cụ ở đây?
- Em đã trực tiếp đến mời cụ ấy nhưng cụ ấy bị mệt mấy hôm nay rồi ạ - Bằng trả lời.
- Cụ Rau mệt thế nào?
- Cụ ấy chỉ cảm sơ sơ thôi ạ.
- Thế thì lát nữa làm việc xong, tớ phải đi thăm cụ ấy mới được.
Mọi người đã ngồi vào chỗ. Ông Kim hỏi:
- Các cậu ở Hồng Vân và Phương Trúc đã biết được nội dung cuộc họp hôm nay chưa?
Soạn, bí thư đảng ủy Phương Trúc đáp:
- Đồng chí Bằng đã nói cho chúng em biết rồi ạ.
- Ai điều khiển cuộc họp hôm nay đấy. Cậu Bằng hay là cậu Mích?
Mích nói đùa:
- Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, triệt để nên bí thư huyện ủy là người chủ trì cuộc họp hôm nay đấy ạ.
- Lãnh đạo chứ không làm thay chính quyền đâu đấy nhé. Cậu đừng lấy cớ để đùn đẩy nhiệm vụ cho người khác. Cậu Bằng cho bắt đầu đi. Đang trong thời chiến nói ngắn gọn thôi. Không phải kính thưa, kính gửi, kính biếu, rồi kính mời nâng chén đâu.
Bằng cười:
- Không kính thưa nhỡ bí thư phê bình chúng em hỗn thì sao.
- Họp chứ có phải mít tinh đâu mà làm cho đầy đủ thủ tục. Nói đi.
- Vâng. Vừa qua lãnh đạo Phương Trúc có đề nghị với huyện ủy cho Hợp tác xã hóa giá một số công cụ sản xuất bán cho xã viên. Đây là một vấn đề lớn, liên quan đến chủ trương đường lối của Đảng. Vì thế huyện ủy không dám giải quyết và đã báo cáo lên với đồng chí bí thư tỉnh ủy. Chiều hôm qua đồng chí bí thư tỉnh ủy đã gọi điện thoại xuống yêu cầu cho mời lãnh đạo xã và Hợp tác xã của Hồng Vân và Phương Trúc họp để bàn về việc này. Nội dung cuộc họp là bàn cụ thể về việc cho hóa giá một số công cụ sản xuất để bán lại cho xã viên theo đề nghị của đảng ủy và Ban quản trị Phương Trúc. Xin đề nghị đồng chí bí thư tỉnh ủy cho ý kiến.
Ông Kim cười:
- Các cậu khôn thật. Đùn cho tớ để nếu cấp trên có phê bình thì bảo đây là ý kiến của bí thư tỉnh ủy, các cậu chỉ là người thi hành thôi, có đúng không?
Bằng nói:
- Không phải như thế đâu ạ. Thú thật là chúng em chưa biết giải quyết vấn đề này như thế nào thật ạ.
- Tớ nói đùa cho vui thôi chứ đúng đây là vấn đề rất mới. Những cán bộ, đảng viên của Hợp tác xã Hồng Vân, Phương Trúc của huyện Vĩnh Hòa, Đằng Xá, Cao Sơn của huyện Linh Sơn, An Lưu của huyện Yên Lộc và một số xã và Hợp tác xã nữa dám đổi cách làm bao cấp bằng một kiểu khoán khác là một việc làm hết sức dũng cảm và có trách nhiệm trước đời sống của dân. Những việc làm đó tỉnh ủy hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng về quan điểm của mình. Bây giờ tớ nói đến đề nghị của lãnh đạo Phương Trúc hóa giá công cụ sản xuất để bán lại cho xã viên. Trước khi nói đến chuyện này tớ muốn biết đề nghị này là của đảng ủy xã hay của Ban quản trị Hợp tác xã?
Soạn trả lời:
- Báo cáo bí thư. Đề nghị này là Ban quản trị Hợp tác xã chứ không phải của đảng ủy đâu ạ.
- Thế đảng ủy có ủng hộ đề nghị này của Ban quản trị không?
- Nếu không ủng hộ thì chúng tôi đã không đề nghị việc này với huyện ủy và chắc cũng không có cuộc họp hôm nay.
Ông Kim nói tiếp:
- Đây là điều đáng mừng bởi không ai gần gũi dân bằng cán bộ cơ sở. Họ là cái cầu nối giữa dân và lãnh đạo cấp trên. Ông Chủ nhiệm Phương Trúc cho tớ hỏi, có phải đề nghị hóa giá công cụ là đề nghị của xã viên không hay do Ban quản trị nghĩ ra?
Vinh đáp:
- Thưa bí thư, đó là đề nghị của bà con đấy ạ.
- Các ông thấy chưa. Dân mới là người quyết định nên làm cách nào cho nồi cơm của mình được đầy ngày ba bữa, đỏ lửa ba lần. Dân mà không thả cá trộm trong ao nhà mình thì Hợp tác xã Hồng Vân làm sao nghĩ đến việc khoán cho dân nuôi cá tại ao của hộ xã viên. Cán bộ, đảng viên phải nhạy bén nắm bắt nguyện vọng và những sáng kiến của dân, chọn lọc cái gì đúng thì nên tìm cách mà làm, cái gì hay nhưng chưa hoàn chỉnh thì chịu khó suy nghĩ làm cho nó hoàn chỉnh, những ý kiến cực đoan thì tìm cách giải thích cho dân hiểu vì sao không làm được. Không theo đuôi quần chúng nhưng cũng đừng lo sợ rồi vùi dập những nguyện vọng chính đáng của dân. Tớ lại nói lạc đề cuộc họp hôm nay rồi phải không? Bây giờ các cậu ở Hồng Vân và Phương Trúc cho tớ biết công cụ sản xuất mà các cậu định hóa giá gồm những gì nào.
Hỏi xong ông Kim vớ lấy cái điếu cày cho thuốc vào hút.
An, chủ nhiệm Hồng Vân đứng lên:
- Thưa bí thư, hiện nay trong kho chúng em có 26 cái xe cải tiến, 4 cào cỏ cải tiến 64A, 7 bình bơm thuốc trừ sâu, 31 chiếc cày tay và 4 máy tuốt lúa bằng tay. Còn lại là liềm hái, quang gánh và cào cỏ một lưỡi.
Ông Kim hỏi:
- Phương Trúc có những gì?
Vinh nói:
- Dạ, Hợp tác xã của em có 27 xe cải tiến, trong đó có 5 chiếc vừa mới sắm, 8 bình thuốc trừ sâu, 6 cào cỏ cải tiến 64A, 32 cày tay, 3 chiếc máy tuốt lúa và 137 cái liềm. Còn quang gánh chúng em chưa kiểm kê được.
Ông Kim hỏi:
- Cậu là người đề nghị hóa giá công cụ sản xuất, vậy nói cho tớ nghe hóa giá bằng cách nào?
- Thưa bí thư, Ban quản trị chúng em đã bàn và đã xin ý kiến của đảng ủy. Đảng ủy cũng nhất trí cách làm của chúng em như sau. Thành lập một ban gồm cán bộ Ban quản trị, bí thư chi bộ, bí thư đoàn thanh niên và một số đại biểu do dân cử. Ban này có nhiệm vụ đánh giá chất lượng công cụ, xác định giá cả của từng cái. Sau đó thông báo cho những ai muốn mua thì tập trung lại để đấu giá công khai. Ai trả giá cao, người ấy được.
- Các cậu làm dân chủ, công khai như vậy là tốt. Nhưng theo tớ chỉ đấu giá những công cụ có giá trị như xe cải tiến, bình bơm thuốc trừ sâu và cào cỏ cải tiến 64A và máy tuốt lúa thôi. Còn cày tay, liềm hái, quang gánh ai muốn mua thì bán cho người ta chứ có gì mà phải định giá, đấu giá cho mất thì giờ.
Mích tán thành:
- Bí thư tỉnh ủy nói phải đấy. Cày tay, liềm hái, quang gánh không có của tập thể thì người ta cũng tự sắm lấy được, chẳng cần phải đấu giá đâu.
- Còn chỗ này tớ muốn hỏi các cậu. Tình hình tất cả các Hợp tác xã của chúng ta hiện nay có một thực tế là có hộ nhiều lao động, có hộ ít lao động và có hộ thực sự neo đơn. Từ chỗ sức lao động của các hộ khác nhau đó đã nảy sinh ra có hộ đủ ăn, có hộ thiếu ăn, có hộ đang rơi vào cảnh nghèo túng. Nếu đem ra đấu giá các công cụ sản xuất, nhất định các hộ khá giả sẽ mua được là chắc chắn. Như vậy hộ có sức lao động sẽ có xe cải tiến để kéo, còn hộ thiếu sức lao động, trong đó có hộ có chồng con ra mặt trận sẽ trở về với đôi quang gánh trên vai. Như vậy khẩu hiệu giải phóng đôi vai chỉ dành cho những hộ có sức lao động mà thôi. Các cậu đã tính tới việc này chưa?
Câu hỏi quá bất ngờ khiến mọi người đưa mắt nhìn nhau.
- Thú thật với bí thư là chúng tôi chưa nghĩ đến những điều bí thư vừa nói – Soạn thú nhận.
Ông Kim hỏi:
- Lãnh đạo Hồng Vân định giải quyết việc này thế nào?
An đáp:
- Chỉ có cách những nhà không có xe cải tiến lúc nào cần thì nhờ những hộ có xe cải tiến tương trợ rồi trả tiền hao mòn cho người ta thôi.
Ông Kim lại hỏi:
- Chẳng may gặp cái anh tham lam nó lấy giá cắt cổ tiền hao mòn thì sao?
An cười xòa:
- Thế thì em chịu.
- Tớ đề nghị giải quyết việc này như thế này các cậu xem có được không nhé. Xe cải tiến chỉ nên hóa giá hai phần ba thôi, còn lại một phần ba do Hợp tác xã quản để cho những người không mua được xe khi cần thì thuê của Hợp tác. Bình thuốc trừ sâu cũng vậy. Hợp tác nào cũng chỉ có bảy, tám cái. Vì thế không nên hóa giá mà Hợp tác quản để phục vụ chung. Để tránh tình trạng cha chung không ai khóc, phải đề ra nguyên tắc như khi thuê xe cải tiến của Hợp tác hư hỏng phải bồi thường chẳng hạn. Phải lấn dần từng bước thôi các cậu ạ. Làm ồ ạt quá rút cuộc thì xôi hỏng bỏng không đấy. Chị Thường thấy thế nào hả chị?
Bà Thường:
- Theo tôi bước đầu ta nên làm như thế cái đã. Đồng chí bí thư huyện ủy Vĩnh Hòa nói đúng. Làm gì thì làm chúng ta cần phải bảo đảm sự công bằng trong nội bộ Hợp tác xã, tránh tình trạng mất đoàn kết xảy ra sau khi hóa giá công cụ sản xuất. Trước khi tiến hành hóa giá cũng cần họp dân báo cáo chủ trương của lãnh đạo để cho dân biết và tham gia ý kiến rộng rãi. Có thể dân sẽ có những cách làm hay hơn kiểu chúng ta vừa bàn.
Ông Kim hỏi:
- Các cậu lãnh đạo ở Hồng Vân thấy thế nào. Làm thế đã được chưa hay có cách khác?
An đáp:
- Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất cách làm của bí thư tỉnh ủy.
Ông Kim đập vào trán mình một cái thật mạnh rồi kêu lên:
- Chết thật! Loay hoay thế nào hóa ra tớ là người điều khiển cuộc họp. Tớ mắc phải cái tật chưa chữa được là hễ có công việc là xắn tay áo lên làm, xắn mồm lên nói. Làm xong mới nghĩ ra mình mắc phải tác phong bao biện. Các cậu thông cảm cho cái tính của tớ nhé. Bây giờ tớ giao quyền điều khiển cuộc họp cho tay Bằng đấy. Bàn xem nên giao cho anh nào làm trước để rút kinh nghiệm.
Vinh cười rồi nói to:
- Hóa giá công cụ sản xuất là do sáng kiến của Phương Trúc, để cho Phương Trúc làm chứ cần gì phải bàn nữa ạ.
An cãi luôn:
- Ông nên nhớ ông và tôi cùng nghĩ ra việc này nhưng ông nhanh mồm báo cáo với huyện ủy trước chứ đừng có nhận vơ là sáng kiến của một mình Phương Trúc nhé.
- Đồng ý là tôi và ông có bàn với nhau. Nhưng ông còn rụt rè không dám báo cáo. Còn tôi nghĩ xong là báo cáo ngay. Trong thi chạy đua, anh nào đến đích trước là anh ấy thắng, em nói thế có phải không bí thư.
Ông Kim quay sang hỏi Bằng:
- Ông Bằng xử việc này như thế nào đây?
Bằng đáp:
- Phương Trúc đề nghị trước nên để cho Phương Trúc thực hiện. Chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo để Phương Trúc làm tốt việc này.
Vinh vỗ tay:
- Huyện ủy sáng suốt quá - Biết mình nhỡ mồm, Vinh nói chữa - Ấy chết! Em xin lỗi bí thư tỉnh ủy và bác Thường.
Ông Kim cười:
- Cậu nhỡ mồm nên tớ phạt bằng cách để cho Hồng Vân cùng hóa giá công cụ. Như vậy đã công bằng chưa?
Vinh cười hô hố:
- Bí thư tỉnh ủy rất sáng suốt.
- Bây giờ thì tỉnh ủy sáng suốt hơn huyện ủy rồi phải không?
Đáp lại câu nói đùa của ông Kim là những chuỗi cười sảng khoái.
2
Lịch dựng chiếc xe đạp rồi đi vào nhà làm việc của Hợp tác với thái độ bực dọc.
Doanh, Ngọ và Lấu đang ngồi uống nước, ngạc nhiên đưa mắt nhìn Lịch. Doanh hỏi:
- Có việc gì mà trông ông có vẻ bức bối vậy?
Lịch vứt cái xắc cốt xuống bàn chửi đổng:
- Mẹ chúng nó chứ. Cố gắng lăn lộn ngoài đồng đến cháy da xém mặt, tưởng chúng nó xuôi xuôi rồi. Không ngờ chúng nó vẫn yêu cầu bầu lại Ban quản trị Hợp tác. Ông biết thế, ông đéo ra đồng cho mệt cái xác. Xin chén nước.
Ngọ rót nước đưa cho Lịch.
- Ai bảo với ông bầu lại Ban quản trị? – Doanh hỏi với bộ mặt méo xệch.
Lịch nổi cáu:
- Ông không thấy tôi đạp xe từ trên xã về hay sao mà hỏi.
- Bọn này kéo nhau ra đồng, thấy ông dắt xe đạp đi cứ ngỡ ông đi ăn mảnh với tay Noãn, tay Hãn chứ có biết ông đi đâu. Thế ông lên xã làm gì?
- Con mụ Luận cho gọi lên thông báo huyện ủy yêu cầu bầu lại Ban quản trị Gia Đạo.
Doanh chửi tục:
- Đ… mẹ chúng nó. Chúng nó cậy có quyền hành trong tay nên muốn hành ai thì hành.
- Cái con mụ Chi trông cười cười nói nói thế mà thâm độc. Ông đéo chấp hành xem chúng nó làm gì được ông – Lịch nói với giọng cáu kỉnh.
Ngọ ngồi bần thần một lúc rồi hỏi:
- Ông không có ý kiến gì với con mụ Luận à?
Lịch đưa chén nước lên uống ực một hơi.
- Tớ bảo với con mụ Luận là không có nguyên tắc nào bầu lại lãnh đạo của Hợp tác xã giữa nhiệm kỳ cả.
- Con mụ Luận bảo sao?
- Mụ ta bảo trong điều lệ tổ chức Hợp tác xã có ghi, nếu Ban quản trị phạm những sai lầm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, xã viên hoặc cấp trên có quyền yêu cầu giải tán Ban chủ nhiệm cũ để bầu thay thế một Ban chủ nhiệm mới tiếp tục điều hành công việc. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Tớ đã có cách.
Doanh đổ hẳn người về phía Lịch:
- Ông đã nghĩ ra cách để đối phó rồi à?
- Trên đường từ ủy ban xã về đây tớ nghĩ chán ra rồi. Không thể để thua hai con mụ đàn bà ấy một cách dễ dàng như thế được. Tớ sẽ lấy lí do tổ chức Đại hội toàn thể xã viên đông quá, ý kiến không tập trung nên đề nghị tổ chức Đại hội đại biểu xã viên để bầu. Các ông cứ đi vận động bà con thân thích, những người ù ù cạc cạc cả năm chẳng quan tâm gì đến chuyện Hợp tác xã đi bầu. Những người tham lam như bà Ngật, bà Quy, ông Phái, ông Diễn thì cứ nói thẳng ra nếu bỏ phiếu cho người ở Ban quản trị cũ thì được Ban quản trị chi cho năm ngày công. Chỉ cần thu được năm mươi phiếu trong số bảy mươi đại biểu tham dự là coi như nắm chắc phần thắng trong tay. Dân chủ. Đúng điều lệ. Chẳng con nào, thằng nào làm đếch gì được mình.
Doanh đập tay xuống bàn một cái thật mạnh kêu lên:
- Giỏi! Giỏi. Tôi phục ông sát đất đấy.
Lịch có vẻ tự đắc:
- Chống lại ai chứ chống lại thằng Lịch này thì chỉ có ngồi đó mà ôm hận suốt đời. Tớ còn đang định viết một lá đơn tố cáo lên Ban kiểm tra tỉnh ủy về việc bà Chi, bà Luận và một số đảng viên, trong đó có bí thư chi bộ đang có âm mưu hướng bà con nông dân trở về với con đường làm ăn riêng lẻ tư bản chủ nghĩa.
Ngọ tham gia:
- Này, tôi nghe nói ở trên cơ quan tỉnh ủy hay ủy ban gì đó có một tổ phái viên của Trung ương cử về để theo dõi tình hình làm ăn của các Hợp tác xã trong tỉnh ta. Ông mà tố cáo với mấy ông phái viên đó thì coi như bí thư huyện ủy, bí thư đảng ủy và cả cái chức bí thư chi bộ của tay Ngô coi như rơi xuống bùn.
- Làm đơn tố cáo là tớ dự phòng thôi. Nếu bầu bán suôn sẻ chẳng có chuyện gì thì việc gì mà phải đi tố cáo. Hôm nay các ông đi làm việc ngoài đồng có nghe bà con hỏi vì sao tớ không đi làm không?
Ngọ đáp:
- Chẳng thấy ai nhắc. Tối nay kiếm cái gì chén đi các ông.
Lấu từ nãy đến giờ chỏng tai lên nghe. Khi nghe Ngọ nói đến chuyện tổ chức chén mới sực nhớ ra chuyện vợ mình đe.
- Con vợ nhà tôi hôm qua đã nói rào đón là đem hai con chó lên các cửa hàng thịt chó trên huyện để bán chứ để các ông mổ thịt, các ông trừ vào thịt nghĩa vụ thấp quá.
Ngọ bĩu môi:
- Thèm vào ăn chó nhà mày. Tan tầm chiều đạp xe kéo nhau lên phố huyện vừa kín đáo vừa có đủ gia vị, mắm tôm chứ ăn ở nhà mày như mọi lần chấm muối vắt chanh phí cả mồm. Thế nào? Các ông có định đi không. Coi như chúc mừng việc ông Lịch nghĩ ra cách bảo vệ được Ban quản trị khỏi bị đổ.
Lấu hỏi:
- Đi ăn ghi vào khoản chi gì? Từ hôm bắt tay vào làm vụ xen canh, họp hành không thì lấy lí do gì để chi nào.
Lịch đập tay xuống bàn:
- Thôi dẹp cái chuyện kéo nhau lên phố huyện ăn thịt chó đi. Bụng dạ đâu mà còn ăn với uống. Ngay tối nay, các ông đi lân la vận động khéo những người thân thuộc của các ông nhận làm đại biểu tham dự đại hội đại biểu xã viên đi. Vận động được càng nhiều càng chắc ăn.
Ngọ bảo:
- Chắc gì bà Luận và tay Ngô chịu chấp nhận đại hội đại biểu xã viên. Chờ xem thế nào rồi đi vận động chứ vận động trước làm gì cho mất công.
Lịch tỏ ra tin tưởng:
- Tớ tin là đảng ủy và tay Ngô sẽ chấp thuận. Điều lệ tổ chức Hợp tác xã cũng có ghi điều này rồi, các ông yên tâm đi. Các ông về chưa, tớ về đây. Chẳng có gì mà mệt bã cả người.
Lịch nói xong bỏ đi ra khỏi phòng chả chào hỏi ai. Ngọ, Lấu, Doanh nhìn theo bằng những cặp mắt lo âu, ngơ ngác.
3
Sâm sẩm tối, ông Kim đi thơ thẩn trên những con đường rợp bóng cây trong khuôn viên cơ quan tỉnh ủy. Tâm trạng ông hôm nay bỗng dưng nặng trĩu một cách lạ thường. Cường độ đánh phá của máy bay Mỹ ngày càng tăng. Hôm nay chúng ném bom trúng một nhà trẻ của bà con ở Hà Nội sơ tán ở huyện Văn Lâm làm hàng chục cháu chết và bị thương. Không phải con cháu nhà mình nhưng khi nghe báo cáo, người ông xây xẩm. Bữa cơm chiều ông cố nuốt mà không sao trôi được. Đi dạo được mấy vòng, ông Kim chạm mặt ông Sắc đang đi dạo ngược chiều với mình.
- Lâu lắm mới thấy anh đi bách bộ – Ông Sắc nói thay cho lời chào.
- Tôi thường đi dạo vào ban đêm trước khi chuẩn bị đi ngủ nên anh không gặp đấy thôi. Anh Ẩn đi đâu mà tôi thấy vắng?
- Anh ấy về Hà Nội họp.
- Họp Trung ương à?
- Không. Ban bí thư làm việc với các trưởng phó ban, nhận định và đánh giá tình hình chung.
- Không biết Ban bí thư có nhận định đánh giá tình hình của các Hợp tác xã nông nghiệp trên toàn miền Bắc hay không?
- Chắc là có vì sản xuất nông nghiệp được coi như là một mặt trận mà.
- Không biết Ban bí thư có nhìn thấy cái mặt trận ấy đang như một trận đồ bát quái không?
- Không đến nỗi như thế. Có khi vì anh sốt ruột nên mới có một cái nhìn bi quan như vậy.
- Tôi sẽ điềm tĩnh xem lại mình. Nhưng có một thực tế mà cấp trên chưa nhìn thấy. Đó là yêu cầu bức thiết phải đổi mới cách làm ăn của các Hợp tác xã nông nghiệp. Những người cầm cân nảy mực hiện nay cứ ôm khư khư cái cơ chế cũ đang là một trở lực cho con đường phát triển sản xuất nông nghiệp. Vì thế đang có một hiện tượng ngược đời là đổi mới từ dưới đi lên.
- Nói cho cùng thời nào cũng vậy. Bao giờ cũng có hai cực đối lập nhau. Đó là bảo thủ và đổi mới. Có điều trong nội bộ không nên giải quyết mâu thuẫn đó bằng phân cực, chia rẽ, đối lập mà phải biết chờ đợi, thuyết phục để từng bước khắc phục những khác biệt đó để đi đến thống nhất. Nhân đây tôi cũng muốn nhắc anh lưu ý muốn đổi mới hay muốn cải cách gì thì tùy. Nhưng lúc nào cũng cần tâm niệm một điều. Đừng để cho tính tự phát của nông dân đi chệch đường lối tập thể hóa. Điều ấy liên quan rất lớn đến sinh mạng chính trị của anh đấy.
- Tôi biết, vì thế tôi luôn luôn tự nhắc nhở mình. Tháo gỡ, thay đổi nhưng không gây đổ vỡ Hợp tác xã. Năng động nhưng không hỗn loạn. Trái quy định nhưng không mất tính tổ chức. Vừa rồi anh có nhắc đến sinh mệnh chính trị của tôi. Nếu như tôi đổi được sinh mệnh chính trị của mình bằng sự no ấm của nông dân, tôi sẵn sàng đổi.
Ông Sắc thở dài:
- Làm một con người chân chính đôi khi thật khó.
- Đúng thế. Muốn làm một con người chân chính rất cần một tổ chức hiểu mình, có những người cấp trên phân minh sáng suốt, có những người đồng chí bên cạnh cùng tâm huyết, cùng chí hướng. Thiếu một trong những điều ấy thì chẳng làm được gì đến nơi đến chốn.
Hai người lại lặng lẽ đi bên nhau. Đi được một đoạn ông Sắc bảo:
- Hôm nay ông Bao vừa đi lên Vĩnh Hòa về. Hình như ở đó đang có chuyện gì đó. Không biết anh có biết không?
- Anh Bao nói chuyện với anh à?
- Nói qua loa thôi. Hình như ở đó đang có chuyện Hợp tác xã bán công cụ sản xuất cho xã viên. Tôi nghĩ anh đã biết chuyện này rồi.
- Tôi biết. Không những biết mà tôi còn ủng hộ việc làm đó.
- Không biết anh giải thích thế nào chứ tôi thấy việc làm này hết sức mạo hiểm.
- Tôi cũng đã nhìn thấy điều đó trước khi đồng ý cho hai Hợp tác xã này hóa giá công cụ sản xuất bán cho xã viên. Chẳng giấu gì anh, tôi và chị Thường đã trực tiếp xuống đó bàn bạc rất kỹ với huyện ủy Vĩnh Hòa cùng lãnh đạo của hai xã Hồng Vân và Phương Trúc trước khi cho thực hiện việc hóa giá. Nhưng không hiểu ai nói mà anh Bao biết chuyện này để xuống kiểm tra nhỉ?
- Chuyện đó thì tôi không biết. Nhưng theo tôi đây chỉ là chuyện vô tình thôi. Ông Bao từ trước đến giờ vẫn cay cú việc Hợp tác xã Hồng Vân chia đất cho xã viên làm vụ xen canh và cho xã viên thầu cá tại ao nhà mình. Ông ấy yêu cầu anh Ẩn cần có thái độ dứt khoát với việc này nhưng thấy anh Ẩn vẫn còn lừng khừng nên ông Bao mấy lần lên xuống Hồng Vân cố tìm hiểu sự việc để chứng minh việc làm của Hồng Vân là vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng. Hôm nay ông ta đi Hồng Vân cũng với mục đích ấy nhưng số anh ta may mắn thế nào lại vớ được chuyện hai Hợp tác xã bán công cụ sản xuất cho xã viên. Tôi nghĩ trong nội bộ huyện ủy Vĩnh Hòa có người nào đó không tán thành với việc thay đổi phương thức sản xuất do các anh chủ trương nên đã báo cáo với ông Bao.
- Điều này thì tôi biết. Có một số huyện ủy viên từ trước đến giờ vẫn bất đồng ý kiến với việc đổi mới trong các Hợp tác xã. Anh thấy thái độ của anh Bao đối với việc hóa giá công cụ sản xuất như thế nào?
- Một người cực đoan và giáo điều như ông Bao thì việc lấy của cải của tập thể bán cho cá nhân là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Có khi còn bị khép vào tội chống Đảng nữa đấy.
Nói xong, ông Sắc cười.
Đi mấy bước, ông Kim hỏi ông Sắc:
- Trong ba phái viên, anh là người hiểu tôi nhất. Anh nghĩ thế nào về việc tôi cho Hợp tác xã hóa giá công cụ sản xuất để bán cho nông dân?
- Mỏi chân quá. Ta đi đến cái ghế đá mọi hôm ngồi nói chuyện cho vui.
- Hôm nay lại không có chuyện vui rồi.
Ông Kim và ông Sắc ngồi vào chiếc ghế đá cũ kỹ đặt dưới gốc cây xà cừ như mọi lần. Các phòng trong cơ quan bắt đầu bật đèn. Những bóng đèn điện leo lét, đỏ quạch như những cục than. Không gian tĩnh lặng. Một con cò mẹ đi kiếm mồi về muộn vỗ cánh lao xao cùng với tiếng cò con líu ríu trên đầu hai người.
- Khi nãy anh hỏi tôi nghĩ gì trước việc anh cho phép Hợp tác xã hóa giá công cụ bán cho nông dân phải không? – Ông Sắc nối tiếp câu chuyện đang bỏ dở – Tôi nghĩ việc ấy trước sau gì rồi cũng đến nhưng anh cho làm hơi sớm.
Ông Kim cười:
- Liệu tôi có được mang danh hiệu con người đi tiên phong không?
Ông Sắc cũng cười đáp:
- Biết đâu hậu thế sẽ phong danh hiệu này cho anh.
- Còn hiện tại chắc chắn tôi được coi như người đang phá Hợp tác xã có phải thế không?
Ông Sắc bộc bạch:
- Tôi đang lo cho anh, anh Kim ạ.
Ông Kim cười vô tư:
- Vậy mà tôi chẳng thấy lo chút nào. Anh thấy lạ lắm phải không? Đúng là tôi chẳng thấy lo chút nào trước việc mình đang làm. Vì sao anh có biết không? Tôi đang có đông đảo những người bạn đồng hành. Đó là những người nông dân. Họ sẽ bào chữa cho việc làm của tôi. Nếu không bào chữa được bây giờ thì mai sau họ sẽ bào chữa. Chính họ là người chứng minh cho việc làm của tôi là đúng và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nói xong ông Kim ngả người tựa lưng vào thành ghế đá nhìn lên những tán lá cây xà cừ lúc ẩn lúc hiện trong bóng đêm. Lũ cò con được ăn no chắc đang chìm dần vào giấc ngủ.
4
Lịch cầm xắc cốt đứng lên bảo Noãn:
- Ông phải ủng hộ chúng tôi đấy nhé.
- Không ủng hộ các ông còn ủng hộ ai. Ông nhớ nói cho có tình có lí và thái độ phải mềm dẻo với bà Luận đấy.
- Ăn nói thì ông khỏi phải lo. Tôi mà nói thì kiến trong lỗ cũng phải bò ra.
Rời phòng làm việc của Noãn, Lịch qua chỗ Luận.
- Chào bí thư – Tiếng thư cuối lời chào của Lịch nghe ướt sượt.
Luận đang ngồi làm việc ngẩng đầu lên:
- Anh Lịch đấy à? Ngồi uống nước.
Lịch đặt cái xắc cốt xuống bàn rồi kéo ghế ra ngồi. Luận lấy tích chè xanh rót nước mời Lịch.
- Tôi lên báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của bí thư về việc tổ chức bầu lại Ban quản trị của Hợp tác xã Gia Đạo.
Luận hỏi giọng phấn chấn:
- Thế à. Các anh định khi nào thì tiến hành?
- Chuẩn bị xong nội dung và cách thức tiến hành Đại hội xong là làm luôn.
- Đúng đấy. Làm càng nhanh càng tốt chứ vụ chiêm đuổi đến nơi rồi. Tuần nay bận quá nên không đi xem đồng được. Khoai tây và ngô phát triển tốt không anh Lịch?
- Tốt lắm. Nếu gặp mưa thuận gió hòa thì thắng lợi to. Chúng tôi đang liên hệ mua thêm lân và ka-li bón thêm cho nó. Phải giành một vụ xen canh thắng lợi như khẩu hiệu đã đề ra tạo khí thế cho việc bước vào vụ đông xuân.
Luận có cảm giác hơi là lạ trước thái độ sốt sắng của Lịch nhưng vẫn hỏi:
- Dư luận của bà con về việc khoán tổ, khoán nhóm như thế nào?
- Bà con thích lắm. Làm hùng hục suốt từ sáng đến tối chẳng thua kém gì làm ruộng phần trăm của mình. Vụ Đông Xuân đến dứt khoát phải thực hiện cách khoán này bí thư ạ.
- Đúng như vậy. Không thay đổi được cách làm ăn thì đến no cũng chưa thực hiện được chứ đừng nói đến chuyện giàu có. Cuộc họp đảng ủy sắp tới đây chỉ bàn một vấn đề. Đó là tìm cách tháo gỡ bế tắc hiện nay của Hợp tác xã. Trong đó có các biện pháp đổi mới phương thức khoán cho phù hợp với tình hình đòi hỏi và nguyện vọng của bà con nông dân. Trước mắt phấn đấu vụ Đông Xuân tới đây phải đưa năng suất lên gấp đôi các vụ vừa qua. Với cương vị là một chủ nhiệm lâu năm có nhiều kinh nghiệm, anh thấy có khả năng đưa năng suất vụ chiêm lên như tôi trình bày trong Nghị quyết hay không?
Nghe Luận hỏi, khuôn mặt Lịch như giãn nở ra. Lịch nói liến thoắng:
- Sáng suốt. Bí thư đảng ủy vô cùng sáng suốt. Đảng ủy phải tìm mọi cách tháo gỡ cho được tình hình bế tắc hiện nay. Phải mạnh dạn khoán các kiểu để đưa năng suất cây lúa lên gấp đôi, gấp ba các vụ trước đây. Bí thư vừa hỏi tôi có khả năng đưa năng suất vụ chiêm lên gấp đôi các vụ vừa rồi có được không phải không?
- Vâng. Nếu tôi đưa việc này vào Nghị quyết liệu có thực hiện được không?
Lịch vờ suy nghĩ một lúc mới nói:
- Theo tôi thừa sức. Ruộng đất của xã ta rất tốt. Lực lượng lao động dồi dào. Nông dân hăng hái sản xuất. Tập thể đảng ủy và bí thư chỉ đạo sáng suốt. Chỉ cần duy trì cho được cách khoán tổ khoán nhóm như hiện nay thì việc đưa năng suất lên gấp đôi các vụ vừa rồi chẳng có gì khó khăn cả.
Nghe Lịch nói vậy Luận quên khuấy cái cảm giác là lạ trong thái độ sốt sắng của Lịch lúc nãy:
- Nghe anh nói tôi thấy yên tâm với đề xuất của tôi đưa ra cho đảng ủy thảo luận. Bây giờ tôi muốn nghe anh trình bày về kế hoạch bầu lại Ban quản trị của Gia Đạo đây.
Lịch mở xắc cốt lấy cuốn sổ ra đặt lên bàn lấy lệ chứ không cần mở ra:
- Việc tổ chức cho xã viên bầu lại Ban quản trị có hai hình thức. Đại hội toàn thể xã viên và Đại hội đại biểu xã viên. Trong Ban quản trị chúng tôi đã thảo luận hai hình thức này và thấy, tổ chức Đại hội toàn thể xã viên thì không khí đông vui nhưng do có hàng trăm xã viên tham dự nên mỗi người một ý. Đến khi bầu số phiếu sẽ phân tán. Khả năng bầu đi, bầu lại nhiều lần nhất định sẽ xảy ra. Vì vậy chúng tôi chọn hình thức Đại hội đại biểu xã viên cho gọn nhẹ. Phiếu bầu lại tập trung. Có thể chỉ bầu một lần là được. Tôi đã trao đổi việc này với đồng chí bí thư chi bộ, một số đảng viên và bà con xã viên. Mọi người đều thống nhất tổ chức Đại hội đại biểu xã viên là hợp lí nhất. Mặt khác Đại hội toàn thể xã viên tập trung đông người nhỡ máy bay đánh như hôm nọ nguy hiểm lắm.
- Nếu tổ chức Đại hội đại biểu thì có khoảng bao nhiêu người tham dự?
- Chúng tôi tính cứ ba xã viên sẽ có một đại biểu. Như vậy có khoảng trên bảy mươi đại biểu tham dự.
Luận không một chút nghi ngờ nói luôn:
- Số lượng như vậy có thể đại điện cho xã viên được rồi. Tôi đồng ý để các anh tổ chức Đại hội đại biểu xã viên. Nhưng lát nữa anh qua trao đổi thêm việc này với anh Noãn. Nếu anh Noãn nhất trí thì các anh cứ thế mà tiến hành.
- Còn một vấn đề này nữa. Chúng tôi định chi công điểm cho các đại biểu dự Đại hội, không biết có được không?
- Các anh định chi bao nhiêu?
- Gấp đôi công điểm sản xuất.
Luận góp ý:
- Theo tôi nếu có chi công điểm thì cũng chỉ chi như công điểm sản xuất thôi. Ngồi họp có vã mồ hôi như lao động ngoài đồng ruộng đâu mà được hưởng công gấp đôi?
- Vâng. Tôi sẽ về bàn lại trong Ban quản trị và xin thêm ý kiến của cấp ủy. Tôi qua xin ý kiến của chủ tịch đây.
Lịch cầm xắc cốt đứng lên đi qua phòng của Noãn. Bước vào cửa Lịch nói ngay:
- Xong rồi. Mọi việc trơn như mỡ.
- Tớ biết sẽ ổn thôi. Các ông định khi nào thì tổ chức Đại hội?
- Khi nào vận động được hai phần ba số người bỏ phiếu cho Ban quản trị cũ, sẽ cho tiến hành Đại hội.
- Các ông nhớ làm khéo đấy. Lộ liễu là ăn đòn ngay.
- Ông yên tâm. Kinh nghiệm đối phó của bọn này chất hàng chục bồ đựng thóc. Chiều nay ông có rỗi không?
- Ông hỏi để làm gì?
Lịch cười:
- Từ ngày Ban quản trị gương mẫu bám lấy đồng ruộng đến giờ chẳng được miếng chó gì cho vào mồm. Tay Ngọ có sáng kiến sâm sẩm tối chiều nay kéo nhau lên phố huyện chén một bữa thịt chó để ăn mừng bước đầu thành công việc tổ chức Đại hội. Ông có nhớ cái hàng thịt chó chuyên cất rượu của con mụ Hoang không? Đi nhé.
- Đi thì đi chứ sợ gì. Nhưng các ông cứ đi trước, tôi lên sau một tí chứ kéo đàn kéo lũ đi không ổn đâu.
- Vậy thì sáu giờ ba mươi bọn tôi đứng chờ ông ở cây đa đầu làng Yên Mạc. Nhớ đúng giờ đấy nhé. Tôi về đây.
Lịch ra lấy xe đạp nhảy lên vừa đạp vừa huýt sáo mồm.