Số lần đọc/download: 1335 / 10
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 22 -
N
hà trọ là dãy lầu hai tầng nằm trên đường Virginia, một trong những con đường chính của thành phố, nhưng khung cảnh trái ngược hoàn toàn. Nhỏ bé, khuất lẫn với tấm bảng “Motel Uptown” tróc sơn nằm trên hàng chữ “Vacancy” bằng đèn ống đỏ đang nhấp nháy. Ðầu dãy là văn phòng. Một người đàn bà luống tuổi đang chăm chú đọc báo bên trong, tỳ tay trên mặt chiếc bàn kê sát cửa kính. Trước mặt đặt một chiếc phone cũ nằm chỏng chơ cạnh dăm tờ giấy vất vung vãi làm nhà trọ mang vẻ lạc lõng giữa thành phố này. Nguyên khu chỉ là dãy lầu khoảng hai chục phòng, nằm đối diện với parking trải đá nhỏ trên nền đất. Một bờ tường cao quá đầu người ngăn ngang parking với nhà trọ bên cạnh, bẩn thỉu, loang lổ những hàng chữ tục tĩu viết bằng sơn đủ màu. Tường lấy túi xách ra khỏi xe lúc Quán quay lại.
– Ðược không anh?
– Nhà trọ bụi đời hơn những kẻ bụi đời.
– Ðây là nơi cần thiết cho những kẻ đi chơi bất thần và tùy hứng như bọn mình. Em tưởng nơi này thích hợp với anh hơn là một phòng của khách sạn chứ.
– Dạo này em có vẻ thông minh ra. Bao nhiêu tiền?
– Sáu mươi hai đồng cả thuế.
– Hơn một ngày lương của anh.
Quán cười cười đưa Tường chiếc chìa khóa phòng buộc chung với miếng nhựa xanh có hàng chữ “Uptown Motel” nổi và con số 12 sơn trắng bám đầy cặn đất. Hai người lên những bậc thang của nhà trọ.
Phòng 12 nằm cạnh cầu thang giữa dãy. Quán mở cửa phòng, bên trong là hai chiếc giường phủ chăn vàng óng, nằm cân xứng với một bàn phấn đặt ở giữa, sát dưới tấm gương to tướng đính trên tường.Một cái ti vi cũ kỹ đặt phía đối diện tấm gương. Và tận bên trong, những chiếc móc áo treo trên một cây ngang để làm tủ. Quán đưa tay bật đèn. Ánh sáng vàng từ bóng đèn trên trần tỏa xuống làm cảnh vật thêm tồi tàn.
– Em muốn nằm trong hay ngoài?
– Nhường cho anh nằm cạnh cửa sổ đấy... Thích nhé! Tha hồ mà làm... thơ!
– Anh hết làm thơ từ lâu rồi.
Quán mở máy lạnh, xong bước vào phòng tắm. Tiếng máy lạnh rì rào pha lẫn tiếng nước chảy làm không khí bớt tẻ. Tường đặt túi xách lên bàn phấn, kéo ngăn kéo phía dưới ra. Một cuốn thánh kinh bằng tiếng Anh hiện trước mặt. Tường bật cười, cầm cuốn sách lên ngắm nghía. Giữa chốn ăn chơi, trụy lạc này lại lạc vào một cuốn kinh thánh. Ðể làm gì? Ðọc cho đỡ... buồn lúc đánh bạc thua hay sao? Có thể lắm chứ? Người ta thường tìm sự giải thoát, để bám víu, vào những lúc tuyệt vọng mà! Tường bỏ cuốn kinh thánh xuống, đóng ngăn kéo lại, nhìn lên. Phía trước mặt, thằng người trong gương đang chăm chăm nhìn anh. Tường mỉm cười, hắn cười theo. Tường nhăn mặt, hắn cũng nhăn mặt. Tường đưa tay chà mạnh lên hai vùng má, hắn làm y hệt... Anh thích thú nheo mắt với hắn và nghĩ đến cuốn truyện đang viết. Nhân vật chính sẽ đi Réno chơi một lần, hệt như đa số những con người đang sống tại San Jose. Tường sẽ dành cho hắn ít nhất là mười trang với những ý nghĩ về thành phố cờ bạc này.
– Anh làm gì vậy? Lại nghịch nữa phải không?
Tường mỉm cười vẫn nhìn vào thằng người trong gương.
– Anh buồn cười lắm, em thấy anh nhăn mặt, nheo mắt với chiếc gương giống hệt con nít.
– Ðôi lúc mình cũng nên làm con nít để dễ thở hơn.
– Lại lẩm cẩm nữa rồi! Vào tắm đi ông tướng.
Tường nằm xuống chiếc giường bên ngoài. Kéo tấm chăn lên đắp ngang ngực.
– Ngủ dậy anh sẽ tắm.
Phía giường bên cạnh Quán cũng đã nằm xuống. Bộ quần áo ngủ mỏng nổi lên lớp vải của quần áo bên trong. Da thịt của người đàn bà dễ gợi cảm và kích thích trong khung cảnh của một căn phòng khách sạn. Tường nhắm mắt lại, kéo tấm chăn phủ kín mặt. Trong túi áo, cô bé bằng đồng thau đè nặng trên lồng ngực trái. Hình ảnh của Nhu lại hiện về với lúm đồng tiền trên má phải.
– Anh...
– Sao Quán?
Tường kéo tấm chăn xuống, mắt vẫn nhắm chặt. Tiếng Quán từ phía giường bên cạnh vọng đến, nhỏ nhưng rõ ràng trong tiếng rì rào của chiếc máy lạnh đặt trên trần nhà.
– Em hỏi điều này, anh nói thật nhé.
–!!!
– Trong cuộc sống, có điều gì làm anh phải ân hận mà không bao giờ quên được không?
Tường mở mắt. Trần nhà sơn màu xanh nhạt đập vào mắt.
– Sao em hỏi thế?
– Có hay không?
Trần nhà như thấp hơn trong mắt Tường. Màu xanh và những chấm dộp của sơn trông rõ ràng. Từng nét, từng khoanh loang lổ như miếng cheese khổng lồ bị mốc xanh.
– Rất nhiều điều Quán ạ! Nhưng em hỏi lúc này thật bất ngờ, anh không thể trả lời được, bởi những điều đó trộn lẫn vào nhau. Chợt nhớ, chợt quên trong từng ý nghĩ của từng khoảng thời gian.
– Ðiều nào lớn nhất hả anh?
– Làm sao anh biết được?... Nhưng sao em lại nhắc đến điều này.
Im lặng giữa họ một lúc. Tiếng máy lạnh rì rào nghe như mỗi lúc một lớn hơn. Mãi lúc sau Quán hỏi thật nhanh.
– Phá thai một lần có ảnh hưởng gì đến vấn đề sinh đẻ sau này không anh?
Tường giật mình xoay sang Quán. Cô bạn cũ đã úp mặt xuống gối từ lúc nào. Hai tay làm thành một vòng ôm quanh đầu.
– Hẳn... hẳn là có, nhưng chắc không quan trọng... Thú thật, anh không rõ lắm.
Quán nằm yên. Vòng tay ôm quanh đầu được xiết mạnh hơn. Mặt gối lõm xuống và hai mép gối bám chặt lấy đầu. Mái tóc rối tung, hẳn nét mặt mệt mỏi lại trở về. Tiếng Quán qua lớp bông của gối nghe nhỏ và yếu ớt.
– Em thèm có một đứa con nhưng rốt cuộc...
Liên tưởng đến hai tuần vacation bất thường và sự thay đổi của Quán, Tường giật mình nhỏm dậy.
– Có gì xảy ra vậy Quán?
Có tiếng thở dài của Quán. Cô bạn cũ nới vòng tay, từ từ ngước lên. Khuôn mặt không phấn son đầm đìa nước mắt.
– Chuyện xong rồi anh ạ!
– Chuyện gì?
Xong câu hỏi, Tường chợt hiểu. Hoàng, Vĩnh và Quán. Sợi giây liên hệ đã buộc họ lại một gút mà anh không ngờ.
– Ðừng buồn nữa. Rồi em sẽ hạnh phúc với Hoàng. Mọi việc sẽ diễn tiến đều đặn và bình thường.
– Anh đã hiểu.
– Phải. Hiểu và không ngờ được. Nhưng dù sao, đó cũng là một lối giải quyết.
– Anh không thành thật khi nói câu này. Em không cần sự an ủi hay thông cảm của anh một cách gượng ép. Em quí mến anh vì những điều trái với điều này.
Tường cười gượng đứng dậy, mở xách tay lấy bộ quần áo sạch. Quán cũng ngồi lên, bàn tay phải lau những giọt nước mắt bằng cử chỉ chậm rãi.
– Em sửa soạn, anh tắm xong mình tìm cái gì ăn rồi đi chơi.
– Vâng.
Tường bước vào phòng tắm, với tay bật đèn. Ánh sáng vàng rực chan khắp phòng. Ba chiếc khăn tắm như trắng hơn dưới ánh điện. Cầm cục xà bông Ivory, Tường bóc lớp giấy có in những hàng chữ bằng hai màu xanh đỏ và nghĩ đến những người bạn. Ðiều biết được quả là bất ngờ đối với anh. Hình ảnh Vĩnh và Quán trước cửa quán ăn Sizzler, hình ảnh của Hoàng và Quán hôm tổ chức lễ Quốc Kháng, nét mặt trang trọng của Hoàng lúc nói đến cuộc sống chung với Quán, vẻ chán chường của Vĩnh lúc uống bia tại quán Tự Do... Tất cả các hành động, cử chỉ, thái độ của ba người bạn hiện về rõ ràng. Thật là rắc rối! Tường mở khóa nước bằng cử chỉ mạnh hơn bình thường. Giòng nước ấm bắn vào thân thể, anh chà mạnh miếng xà phòng mỏng dính lên người. Một vài vết bọt trắng trôi theo giòng nước, bám vào thành bồn tắm. Như những điều lợn cợn đang bám vào cuộc sống của đám bạn. Rồi Quán và Hoàng sẽ có hạnh phúc như Tường nói không? Hay chỉ là cuộc sống tẻ ngắt của những kẻ “đồng sàng dị mộng”. Và Vĩnh, và Loan, đã có điều lấn cấn, phụ bạc lẫn vào sinh hoạt...Bạn bè... bạn bè...Tường lẩm bẩm những tiếng “bạn bè” thật nhỏ khi chợt hiểu mình không còn là cái tâm của sự quan hệ này.
Cái tâm của sự quan hệ. Tường bật cười, cảm thấy mình lố bịch trong ý nghĩ này. Mọi việc xảy ra và anh đã chứng kiến như chưa từng xảy ra trong cuộc sống. Tường còn thua nhân vật chính của mình xa lắc. Ít nhất hắn cũng là người biết để tâm đến những sự kiện đã xảy ra. Thiên An Môn, Lễ Quốc Kháng, cuộc biểu tình của sinh viên... Những chương sách đã được viết ra chính anh cũng không ngờ. Hắn đã dẫn anh đi vào các nơi tưởng chẳng bao giờ anh sẽ ghé mắt đến. Rõ ràng nhất là chuyện xảy ra giữa ba người bạn. Cái tam giác này đã tự động hất cái tâm ra ngoài.
Tường tắt nước, với tay lấy chiếc khăn, lau mình qua loa rồi mặc vội quần áo vào. Trong lớp hơi phủ trên mặt gương, thằng người hiện lên mờ nhạt trong mắt. Như anh đã mờ nhạt trong cuộc sống này với bạn bè.
o O o
Quán đã thay quần áo xong. Một chiếc robe vàng với áo trắng làm cô bạn trở về nét rực rỡ hàng ngày. Tóc được chải và những vệt chì kẻ mắt cũng được làm kỹ lưỡng. Tường bước ra lúc Quán đang tô thêm những kẻ son trên môi dưới. Màu đỏ tươi hình trái tim nổi bật trên khuôn mặt. Cô bạn cũ bậm môi vài cái cho đều màu son, xong cười với anh trong gương.
– Ðược không anh?
– Ðẹp lắm. Ít nhất em cũng phải thế này. Cứ buồn hoài sẽ già trước tuổi.
– Trang điểm chỉ là hình thức bám lấy tuổi trẻ, ngoái cổ ôm dĩ vãng rực rỡ của những người bắt đầu già.
– Em lại lây cái tật lẩm cẩm của anh rồi. Bỏ qua hết mọi thứ, bây giờ mình đi ăn, anh đã thấy đói.
Quán tắt máy lạnh, cùng Tường ra cửa. Hết những bậc thang dẫn xuống tầng dưới là cảnh tượng nhộn nhịp của đường Virginia.
– Ở đây cũng là một cái thú. Gần gũi với mọi nơi, sòng bạc, nhà hàng... Làm sao em biết được motel này?
– Chỉ là sự tình cờ, một lần đi chơi với người bạn.
– Vĩnh?
Quán im lặng nhìn Tường. Anh ngượng ngùng quay đi, và trách mình đã nhắc đến điều không nên nhắc. Họ băng sang đường. Trước mặt là sòng bài Circus. Dãy nhà lầu cao ngất cạnh hình một thằng hề lớn đang cầm chiếc bảng tròn có chữ “Hotel Casino” bên tay phải, và tay trái đưa lên tấm bảng vuông vẽ chữ “Free, Circus Acts! 11 AM to Midnight” nhô lên khoảng trời xanh đang ngả xám của chiều.
– Ðúng là đủ thứ để câu khách.
Quán nhún vai không trả lời. Dưới ánh điện rực rỡ của thành phố đã lên đèn, màu vàng của chiếc robe Quán đang mặc sáng hơn.
– Mình ăn ở đâu anh?
– Em thích ăn gì?
– Ðại cho xong anh ạ! Thôi đến chỗ lần đầu mình lên đây đi. Sòng bài gì đó... Anh nhớ chứ? Có phòng ăn trên lầu ba, sạch sẽ, lịch sự, ấm cúng mà lại... rẻ.
Quán kéo dài chữ rẻ một cách hồn nhiên. Tường gật đầu.
– Fitgeralds?
– Em không nhớ tên, nhưng nhớ khung cảnh... Anh nhớ chứ? Chỗ bọn mình ăn lần đầu đó.
Tường lại gật đầu, khẽ nắm tay Quán. Những ngón tay của họ chợt quấn lấy nhau bởi một hành động của Quán.
– Có bao giờ anh đưa cô Nhu lên đây chưa?
– Chưa bao giờ.
– Anh...
– Sao Quán?
– Mình đi thế này... có phiền gì anh không? Sợ cô Nhu hiểu lầm.
Tường bật cười, đứng lại tại ngã tư Fifth và Virginia. Ngọn đèn đường to tướng bật sang màu đỏ. Giòng người bị cắt ngang, chụm lại bốn hè đường. Trong đám đông xa lạ, bàn tay họ nắm chặt hơn.
– Em có thấy gì không?
– Gì anh?
– Ðèn báo hiệu đi đường của thành phố này lớn hơn những chỗ khác và thời gian cũng dài hơn.
– Chắc sợ người đánh bạc thua quá thành quáng mắt, không thấy rõ màu đèn xanh đỏ nên mới phải làm bóng lớn.
Ðèn bật xanh, cùng với giòng người, họ băng qua đường. Bàn tay Quán vẫn quấn lấy tay Tường. Sang đến hè đường phía trước mặt, Quán nhắc lại câu hỏi.
– Anh nói đi, cô Nhu có hiểu lầm và anh có phiền gì không?
– Sao em hỏi thế, Nhu biết rõ sự quan hệ giữa hai đứa mình mà... Vả lại, Nhu đâu ghen vớ vẩn. Những lần đi chơi thế này, anh đều kể cho Nhu nghe hết. Ðúng ra, câu này, anh phải hỏi ngược lại em. Hoàng có hiểu lầm gì không và liệu cuộc sống tương lai của em có phiền hay không?
– Anh bực?
– Bực cái gì? Em không sợ thì thôi, lấy gì bảo anh sợ được?
–... Em không biết nữa... Nhưng dù có hiểu lầm hay phiền thì đây cũng là lần cuối cùng chúng ta đi chơi với nhau...
Giọng Quán nhỏ dần và trầm xuống giữa tiếng động ồn ào bao quanh.
–... Lần đi chơi cuối cùng riêng em và anh... Anh hiểu chứ?
Họ lại ngưng trước một ngã tư đang bật đèn đỏ. Trước mắt Tường là một cổng chào bắc ngang đường. Hai chữ “Réno” thật lớn, sáng choang với năm đường trắng làm bằng đèn ống trên nền đỏ. Bên dưới cũng nền đỏ với chữ trắng chạy thành một hàng. “The biggest little city in the world”. Dọc theo cổng chào và viền theo hai hàng chữ là những bóng đèn tròn đang chiếu sáng. Một góc phố rực rỡ lên bởi chiếc cổng chào này.
– Ðẹp và... vĩ đại thật anh nhỉ?
– Ðẹp và vĩ đại hơn cả Hồ chủ tịch của Việt Cộng nhiều. Em thấy không, xứ Mỹ này cái gì cũng vĩ đại cả. Từ một tô phở ở quán Hoà, cho đến cái cổng chào này. Ðâu cũng thấy cái vĩ đại cả mà chả bao giờ chữ vĩ đại được xài. Lấy gì Ðảng và Bác Hồ dụ dỗ nổi dân xứ này. Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nhìn quanh chả có cái mốc gì mà lúc nào cũng đầy chữ vĩ đại. Từ hạt bo bo đến bác cũng đều vĩ đại. Nản thấy mẹ, dân bỏ đi hết là phải.
Quán nheo mắt
– Anh nổi máu gì lên vậy?
Tường cảm thấy ngượng trước Quán. Quả tình trong đoạn đời vừa qua, Tường vẫn có những phút buột miệng nói điều cay đắng trước đám đông, xong mới thấy hối vì tính xốc nổi của mình. Ðã từ lâu anh hiểu chỉ có việc làm là cần, còn lời nói? Hà... vậy mà hôm nay... Tường cười gượng.
– Lâu lâu anh giễu một chút mà.
Câu nói giả lả của Tường hình như Quán không để ý. Họ qua đường với đoàn người. Cái cổng chào đang đứng sừng sững trước mắt. Quán đưa tay sờ vào thành cổng chào. Bàn tay nằm giữa hai chùm đèn đang sáng, lọt thõm vào một khoảng tối đen như không có. Tường kéo tay Quán.
– Vào đây em.
– Ðây hả anh.
Tường gật đầu, chỉ hàng chữ Fitzgerald đang chiếu sáng, trên một tòa nhà cao ngất. Quán ngước lên, đọc khẽ tên sòng bài, mắt hướng về hình chiếc hoa xanh có chữ F ở giữa được treo trên cao.
– Có vẻ lớn hơn Circus phải không anh?
– Lớn hơn và sang hơn.
Bỏ sau lưng cái cổng chào rực rỡ với đường Virginia đang ồn ào, Tường đẩy cửa kính đưa Quán vào trong. Khung cảnh mang vẻ quyến rũ qua ánh đèn sáng ngợp. Những chiếc máy đánh bạc được kê thành từng hàng theo đơn vị tiền đánh, đông nghẹt người chơi. Tiếng động vang lên, với đủ loại âm thanh, làm thành sắc thái riêng biệt chỉ tìm thấy tại các sòng bài hợp pháp. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng kéo máy, tiếng kết quả keno, tiếng đồng xu rơi xuống khay... Tất cả ào đến, ôm choàng lấy mọi người.
– Ăn xong, mình chơi ở đây luôn nghe anh.
– Sao cũng được... Em không muốn xem show haysao?
– Mấy giờ rồi anh?
Tường đưa tay xem đồng hồ. Dưới ánh đèn chớp nháy của một máy đánh bạc gần đó chiếu vào, làm những chữ số của mặt đồng hồ ẩn hiện, trông nhức mắt. Nheo mắt nhìn vào hai chiếc kim, Tường nói một con số. Quán gật.
– Còn sớm chán mà anh, nếu thích thì mình xem xuất sau cũng được... Hôm nay tự nhiên em cảm thấy mình hên, muốn thử thời vận một lần xem sao... biết đâu?
Tường mỉm cười, đưa cô bạn len qua dãy bàn máy đánh bạc đến đầu thang lăn. Quán chỉ những tấm bảng có in hình người, tên tuổi và số tiền trúng keno được gắn trên bức tường, bên cạnh thang.
– Dám ngày mai hình em cũng được gắn ở đây.
– Ðây chỉ là những người trúng keno thôi.
– Em sẽ chơi keno.
Ðến tầng thứ hai, Tường chỉ một phòng lớn có từng dãy ghế đầy nhóc người ngồi. Tất cả đang chăm chú dõi theo tiếng người xướng ngôn đọc các con số.
– Ðây là phòng chơi keno, nếu thích, khi ăn xong mình vào đây. Còn bây giờ ăn cái đã.
– Em bắt đầu khoái sòng bài này. Những lần trước anh chỉ đưa em loanh quanh ở El Dorado với Bally... Anh có vẻ rành ở đây quá hả? Thua hết bao nhiêu rồi?
– Anh không ham giàu đến độ thua một số tiền đáng kể. Chỉ thích lên đây đi lang thang và xem thiên hạ cờ bạc, có lẽ nhờ vậy anh biết nhiều hơn em, một cô gái có máu đỏ đen... Nói đúng nghĩa là anh đi chơi còn em đi đánh bạc.
Quán níu tay Tường khi qua hết cầu thang dẫn lên lầu ba. Nhà hàng mang tên “Starlight” với ánh sáng tím dịu ngay trước mặt. Một dãy người xếp hàng dài phía lối vào. Không khí mát lạnh và yên tĩnh.
– Ăn ở đây cũng được, nhưng chỉ có màn xếp hàng là phiền.
– American way mà em!
– Biết thế, nhưng mình vẫn mang máu Việt Nam.
– Thứ máu Việt Nam mà em vừa nói chỉ là tính tự ái... Ðôi lúc rất cần thiết, đôi lúc trở thành lố bịch trong cuộc sống xứ này. Cứ tỉnh bơ đi là tốt.
– Anh lại lẩm cẩm.
Câu chuyện cắt ngang cho đến lúc tới quày trả tiền. Cô thu ngân người Mỹ trạc hai mươi, đẹp và nhỏ nhắn hỏi bằng tiếng Anh.
– Mấy người thưa ông?
Tường buông một tiếng “two” gọn lỏn. Cô gái Mỹ gật đầu, cúi xuống mặt máy tính. Bốn ngón tay chạy nhanh trên từng nút bấm một cách thành thạo. Sau những tiếng “tạch tạch”, cô gái đưa Tường một tờ giấy xé từ máy, nói một số tiền. Quán đưa ra một tờ giấy bạc.
– Em “bao” anh.
Tường nhún vai, không nói gì. Sự quan hệ giữa họ đã đến mức không cần để tâm đến những điều lỉnh kỉnh. Một người nữ tiếp viên đến trước mặt Tường. Ðó là cô gái trẻ có mái tóc đen, lông mày rậm như người Mễ, hỏi vẫn bằng tiếng Anh.
– Mấy người thưa ông.
Tường lại buông một tiếng “two” gọn lỏn. Cô gái tiếp.
– Ông hút thuốc hay không?
Tường gật đầu, nói chữ “yes” của bài học tiếng Anh đầu tiên trong đời, năm đệ thất. Trong trí Tường hiện lên cuốn sách “English for Today” “book one” bìa vàng.
Họ theo cô tiếp viên đến một bàn nhỏ kê giữa phòng, bên cạnh quầy để thức ăn. Quán đưa tay nghịch ngọn nến đặt trên bàn. Cô bạn cũ hình như đã bỏ quên nỗi buồn. Tường cảm thấy an tâm hơn.
– Phải công nhận ở đây đẹp và ấm cúng.
– Nếu không có màn xếp hàng trả tiền kiểu xã hội chủ nghĩa.
– Anh lại méo mó.
Một người tiếp viên đến dọn muỗng, nỉa và dao ăn. Ðó là người đàn ông đứng tuổi, dáng cao ráo sạch sẽ. Hai người gọi nước với một tiếng “cám ơn” bằng tiếng Anh cuối câu nói. Người tiếp viên cúi xuống với tiếng “yes, sir!” làm Tường hơi ngỡ ngàng. Mẹ kiếp! Bốn đồng hai mươi chín xu cho một phần ăn đáng khủng khiếp thật. Ðang từ một thằng bỏ đi mình biến thành “Sir” hẳn hòi. Lề lối lịch sự của xứ văn minh làm con người lớn hơn trong ảo tưởng.
– Lấy thức ăn chứ anh!
Tường gật đầu, cùng Quán đến đầu quầy thức ăn. Lại bắt đầu màn xếp hàng, nhưng lần này trên tay có một cái dĩa lớn.
– Văn minh đôi lúc cũng là cái phiền.
– Do lòng mình thôi anh ạ! Ðáng lý câu đó phải là em nói mới đúng.
Ánh đèn của dãy thức ăn lạnh chiếu xuống mặt Quán khi nói. Những sợi lông măng nằm trên khóe tai óng ánh màu bạc. Quán xúc một muỗng olive bỏ vào đĩa. Màu xanh nhà binh của những trái olive ngả vàng trên dĩa. Bất giác Tường nhớ đến nồi cá kho trám của bà ngoại đã làm những ngày còn ở Ban Mê Thuột. Cái ngon thật tuyệt vời. Tường nuốt một ngụm nước bọt. Ðã lâu lắm Tường chưa được ăn món này. Dễ chừng đã hơn hai mươi năm. Và tận cuối đời sẽ không được gặp bát cơm nguội ăn với cá kho trám, trong cái lạnh của một ngày mưa Ban Mê Thuột.
– Em rất thích olive.
– Có bao giờ em ăn cá kho trám chưa?
– Trám là gì hả anh?
– Một thứ quả ở Việt Nam, giống như olive nhưng hột lớn hơn. Ăn cũng có vị chát và bùi... Anh chẳng biết có phải là olive không.
– Anh muốn nói cà na?
– Ờ... có nơi gọi là cà na, có nơi gọi là trám. Người Bắc có món cá kho trám tuyệt vời lắm. Rất công phu! Hồi bé, ngày còn ở Ban Mê Thuột anh đã được bà ngoại kho cho ăn nhiều lần. Ðến giờ này anh vẫn nhớ mùi vị của cá và trám khi kho chung.
Tường chép miệng khi đến dãy để thức ăn nóng, trên đĩa Tường, Quán đã xúc vào những quả olive với những lá sà lách xanh ngát. Dưới ngọn đèn hồng của dãy thức ăn nóng, những quả olive ngả sang màu tím nhạt. Tường xúc lấy vài muỗng cơm rang và một miếng sườn heo. Vậy là quá đủ cho 4 đồng 29 xu.
– Ít thế anh?
– Ðủ cho anh rồi.
Họ quay lại bàn. Ly cà phê cho Tường và ly cam vắt cho Quán được đặt trên mặt bàn từ lúc nào. Quán kéo ghế ngồi xuống, mặt rạng rỡ. Những nét buồn phiền như chưa từng có.
– Anh nói tiếp đi... Nói tiếp về món cá kho trám... Thế nào là công phu và tuyệt vời?
– Em đừng giễu khi anh dùng chữ công phu và tuyệt vời nghe có vẻ chướng tai. Tuyệt vời thì phải nếm, mới biết được cái ngon của miếng trám thấm cá và ngược lại cái ngon của miếng cá thấm nhựa trám. Có nói đến đâu em cũng không hình dung được. Còn công phu? Thật tình là công phu đó em ạ. Nguyên việc làm trám cũng cả một vấn đề khó khăn chứ đâu giỡn. Trám hái xuống, lựa quả nào tốt, không dập, bỏ vào nồi nấu với nước muối bằng lửa riu riu. Chỉ riu riu thôi chứ không được sôi, bởi sôi là trám sẽ nát bét, coi như vất đi. Ðun độ nửa ngày cho trám se lại, thịt tách khỏi hột. Rồi đổ ra, ngâm vào nước lạnh để khỏi xát, xong bắt đầu cắt theo chiều dọc. Mỗi quả trám chỉ cắt đôi, không bao giờ được cắt tư bởi sau này, lúc phơi khô sẽ bị gãy, nát.
– Như vậy đâu gì khó đến độ anh phải dùng chữ công phu?
– Chưa hết đâu... Còn nhiều màn lỉnh kỉnh nữa mới đến việc gắp miếng cá bỏ vào mồm. Trám tẽ ra làm đôi xong phơi nắng cho héo dần, độ hai nắng lớn hoặc ba nắng nhỏ là vừa, xong đem ngâm vào vại nước mắm mươi ngày. Khi trám thấm mắm đến độ nở tròn như cũ, lại đem phơi cho héo. Cứ thế, làm đến lần thứ ba mới xong. Rồi đến việc kho chung với cá cũng là điều đáng nói. Trám xếp lớp xen kẽ với cá trong nồi, thêm gia vị vào và đun bằng lửa thật nhỏ chừng hơn nửa ngày. Ðã lắm em ạ, gỡ miếng cá và miếng trám ra dĩa, nhìn thấy đã chảy nước bọt.
– Anh nói làm em phát thèm, dù chưa ăn.
– Anh cũng đang thèm và nhìn đĩa cơm này đột nhiên thấy ngán. Có lẽ đến cuối đời anh sẽ không tìm thấy vị ngon của nồi cá trong những ngày ở Ban Mê Thuột.
Quán lắc đầu.
– Anh bi quan thế! Phải có hy vọng gì chứ?
– Anh không bi quan đâu. Nhưng anh nói vị ngon của nồi cá những ngày ở Ban Mê Thuột là rất đúng. Ấu thời và những cơn mưa ào ạt của vùng đất đó bao quanh hạnh phúc, phải gọi là hạnh phúc, rất bình thường của một chú bé đi học về, bụng đói, vừa ăn vừa hít hà vị cay, bên cạnh tình thương của bà ngoại... Ðâu còn gì nữa! Thời gian trôi đi thật tàn nhẫn với sự chai cứng của lòng người.
Tường ngước lên trần nhà được xây hình cầu của nhà hàng. Những bóng đèn màu tím làm thành cái nền thẫm phía sau chùm đèn vàng, như quá khứ đang chìm dần vào quên lãng giữa cuộc sống văn minh đến đầu ngón chân của xứ người.
Phía trước mặt, Quán cúi xuống đĩa thức ăn. Màu tím của ánh đèn không đủ sức phủ lên mặt cô bạn cũ. Chỉ có ngọn nến đang cháy làm sáng thêm khuôn mặt. Quán đã sẵn sàng làm một cuộc sống tại đây, như đã nói.