Số lần đọc/download: 389 / 41
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Chương 22 - Cấp Cứu
N
gười ta biết rất chính xác chỗ vật phóng rơi xuống nước. Nhưng dụng cụ dùng để móc kéo lên mặt đại dương lại chưa có. Phải nghĩ ra và chế chúng. Những kỹ sư Mỹ không thể lúng túng vì một chuyện quá tầm thường như thế. Những cái móc một khi đã đặt xong, với sự hỗ trợ của máy hơi nước, họ bảo đảm có thể kéo đầu đạn lên được dù cho nó có nặng bao nhiêu đi nữa, vả lại sức nặng của nó giảm bớt nhờ tỷ trọng của nước.
Nhưng vớt quả đạn lên chưa đủ. Phải làm gấp rút vì tính mạng của những nhà du hành. Mọi người tin rằng họ vẫn còn sống.
- Phải! – J.T. Maston, người mà ai ai cũng đặt trọn niềm tin, lặp đi lặp lại không ngừng – Những người bạn của chúng ta là những người khôn khéo, họ không thể rớt xuống như những người ngu. Họ còn sống, chắc chắn là sống nhưng phải gấp rút tìm kiếm để thấy họ đang sống. Thức ăn, nước uống không phải là thứ tôi quan tâm. Họ còn đủ dùng trong một thời gian lâu! Nhưng là không khí, không khí! Đó là cái họ thiếu. Vậy, nhanh lên, nhanh lên.
Người ta làm nhanh. Người ta giao cho tàu Susquehanna sứ mạng mới. Những chiếc máy cơ động cơ mạnh của nó được dùng kéo những sợi xích. Vật phóng bằng nhôm chỉ nặng mười tám ngàn hai trăm năm mươi pao. Sức nặng quá nhỏ so với sức nặng của dây cáp mà tàu phải kéo trong những điều kiện tương tự. Điều khó khăn duy nhất là phải kéo một quả đạn hình trụ-nón mà thành nhẵn tròn rất khó móc.
Để đạt mục đích ấy kỹ sư Murchison từ San Francisco đến, cho đặt những móc lớn với một hệ thống tự động để không thả rớt đầu đạn một khi đã kẹp được nó vào trong những cái kẹp lớn. Ông cũng cho chuẩn bị những bộ áo lặn không ướt và rất chắc để thợ lặn có thể thăm dò đáy biển. Ông cũng cho đem đến tàu Susquehanna những máy không khí ép được chế tạo một cách tinh xảo. Đó là những buồng thật sự, có cửa sổ và nước được chảy vào một số ngăn nào đó để có thể đưa những cái buồng đó xuống rất sâu. Những thiết bị này hiện có sẵn ở San Francisco nơi người ta đang dùng chúng để xây dựng một con đê dưới biển. Thật may vì lúc này người ta không có thì giờ để chế tạo những thứ đó.
Tuy nhiên, dù máy móc có tinh vi, và dù các nhà bác học chịu trách nhiệm sử dụng chúng có khéo léo đến thế nào đi nữa, cũng không có gì đảm bảo công việc sẽ thành công. Dịp may không lấy gì chắc chắn cho lắm vì phải vớt cái đầu đạn này ở một độ sâu hai mươi ngàn bộ dưới nước! Rồi, cho dù quả đạn có được kéo lên mặt nước đi nữa, làm sao những nhà du hành có thể chịu được cú sốc khủng khiếp mà dưới độ sâu hai mươi ngàn bộ, nước có thể không đủ làm giảm nhẹ được?
Sau cùng, cần phải hành động gấp rút. J.T. Maston thúc giục công nhân ngày đêm. Chính ông ta sẵn sàng mặc chiếc áo lặn, hoặc thử những máy dưỡng khí, với mục đích sớm được biết tình trạng những người bạn can đảm của ông.
Nhưng, dù khâu chuẩn bị máy móc có mau chóng, dù với số tiền khổng lồ chính quyền Liên bang cấp cho Câu lạc bộ Đại Pháo sử dụng cũng phải mất năm ngày trời – năm ngày mà như năm thế kỷ! – trước khi những đồ thiết bị này chuẩn bị xong. Trong thời gian đó dư luận quần chúng bị kích động rất mạnh. Những bức điện trao đổi không ngừng trên khắp thế giới bằng đường dây điện! Việc cứu Barbicane, Nicholl và Michel Ardan trở thành một công việc có tính cách quốc tế. Tất cả những dân tộc có phần đóng góp cho Câu lạc bộ Đại Pháo đều trực tiếp quan tâm đến việc cứu thoát các nhà du hành.
Sau cùng, những dây kéo, những buồng dưỡng khí, những máy móc tự động đã được đưa lên tàu Susquehanna. J.T. Maston, kỹ sư Murchison, những vị đại biểu của Câu lạc bộ Đại Pháo đã vào trong phòng của họ. Chỉ còn có việc đi thôi.
Lúc tám giờ tối ngày 21 tháng 12, con tàu lướt sóng ra khơi, gió mùa Đông bắc hiu hiu thổi, trời rét căm căm. Mọi người ở San Francisco đổ dồn ra bến tàu, xúc động, nhưng yên lặng, họ để dành những lời hoan hô cho ngày trở về.
Máy hơi nước hoạt động đến mức tối đa, và chân vịt của tàu Susquehanna đưa nó ra nhanh khỏi vịnh.
Khỏi cần phải nói đến những câu chuyện bàn bạc ở trên tàu giữa sĩ quan, thuỷ thủ và hành khách. Tất cả mọi người đều cùng có một ý nghĩ, mọi con tim đều đập theo một niềm xúc động. Barbicane và các bạn đồng hành của ông đang làm gì, trong lúc người ta đang chạy đi cứu họ. Họ thế nào rồi? Họ có đủ sức để cố thử một phương cách táo bạo nào đó mà thoát ra? Không ai có thể biết được. Sự thật là mọi phương cách có thể thất bại! Bị chìm sâu gần hai dặm dưới đáy đại dương, nhà tù bằng kim loại này thách thức sự cố gắng của những người bị nhốt trong đó.
Ngày 23 tháng 12, lúc tám giờ sáng, sau một chuyến vượt đại dương nhanh chóng, tàu Susquehanna đã đến được địa điểm tai họa đó. Phải chờ đến giữa trưa mới xác định được đúng vị trí. Chiếc phao tiêu mà người ta móc sợi dây dò vẫn chưa được nhận ra.
Đến mười hai giờ trưa, thuyền trưởng Blomsberry được những sĩ quan theo dõi sự quan sát báo lại tình hình trước những đại biểu Câu lạc bộ Đại Pháo. Người ta tỏ vẻ lo lắng, sốt ruột trong một thời gian. Vị trí của tàu Susquehanna lúc ấy được xác định ở phía Tây cách chỗ đầu đạn đã rơi xuống mặt nước vài phút. Vì vậy hướng đi của tàu được giữ thế nào để đến đúng vị trí. Lúc mười hai giờ bốn mươi bảy phút, người ta đã nhận ra chiếc phao tiêu. Nó vẫn ở trong tình trạng tốt và bị giạt đi rất ít.
- Được rồi! – J.T. Maston kêu lên.
- Chúng ta sẽ bắt đầu ngay chứ? – Thuyền trưởng Blomsberry hỏi.
- Đừng để mất một giây nào – J.T. Maston đáp.
Người ta cẩn thận giữ con tàu gần như đứng yên.
Trước khi tìm cách móc lấy đầu đạn, kỹ sư Murchison muốn biết trước vị trí của nó dưới đáy đại dương. Máy móc thiết bị dùng để lặn tìm được cung cấp dưỡng khí. Việc sử dụng những chiếc máy này rất nguy hiểm, vì ở sâu dưới mặt nước hai mươi ngàn bộ và chịu những sức ép rất lớn chúng có thể bị vỡ ra và như thế hậu quả thật là khủng khiếp.
J.T. Maston, Blomsberry anh, kỹ sư Murchison không hề để ý đến mối nguy hiểm này, vào ngồi trong những buồng khí. Thuyền trưởng đứng trên đài chỉ huy điều khiển công việc, sẵn sàng ra lệnh ngừng lại hoặc kéo căng dây xích. Chân vịt dừng lại và tất cả những lực của máy móc tập trung vào cái tời đứng nhanh chóng đưa các thiết bị lên sàn tàu. Việc thả những thiết bị xuống bắt đầu lúc một giờ hai mươi lăm phút chiều, và cái buồng, có kéo theo những bình đầy nước, biến mất dưới mặt đại dương.
Sĩ quan và thuỷ thủ trên tàu lúc này chia sẻ mối cảm xúc hồi hộp lo lắng với những người bị nhốt trong đầu đạn và những người bị nhốt trong chiếc máy lặn dưới nước. Còn những người này thì quên hẳn chính mình, họ dán chặt vào khung cửa kính, họ chăm chú quan sát khối chất lỏng mà họ đi ngang qua.
Việc thả xuống nước diễn ra nhanh. Lúc hai giờ mười bảy phút J.T. Maston và các bạn đồng hành đã đến được đáy của Thái Bình Dương. Nhưng họ không thấy gì, đó chỉ là một sa mạc cằn cỗi, không còn một động vật, thảo mộc, hải sản nào sinh sống ở đó. Dưới ánh đèn có gắn gương phản xạ mạnh, họ có thể quan sát những lớp nước tối đen trong một bán kính rộng nhưng đầu đạn vẫn chưa tìm thấy.
Sự nóng lòng của các thợ lặn gan dạ không thể nào tả hết. Máy của họ được liên lạc bằng điện với tàu, họ ra những dấu hiệu đã được quy định và tàu Susquehanna kéo cái buồng của họ chạy cách mặt đất vài mét trên một dặm đường.
Họ tìm khắp dưới đáy sâu đại dương, mỗi chút là mỗi bị lầm vì những ảo giác làm cho họ luôn luôn hồi hộp. Đây một tảng đá, kia một chỗ nhấp nhô, mọi thứ đều giống cái đầu đạn họ đang tìm thấy, sau đó họ nhận ra là mình đã sai lầm và họ đâm chán nản.
- Nhưng các nhà du hành ở đâu vậy. Họ đang ở đâu? – J.T. Maston kêu lên.
Và con người đau khổ đó to tiếng gọi Nicholl, Barbicane, Michel Ardan như thể những người bạn bất hạnh có thể nghe được tiếng ông hay đáp lại lời ông xuyên qua môi trường bí hiểm này!
Cuộc tìm kiếm đã được tiếp tục trong những điều kiện như vậy cho đến lúc không khí của máy bị ô nhiễm bắt những thợ lặn phải trở lên. Việc kéo dây lên bắt đầu vào lúc sáu giờ chiều, và kết thúc sau nửa đêm.
- Để ngày mai vậy – J.T. Maston nói khi vừa đặt chân trên cầu tàu.
- Vâng – thuyền trưởng Blomsberry đáp.
- Và ở một chỗ khác.
- Vâng.
J.T. Maston vẫn còn tin ở sự thành công, nhưng các bạn đồng hành của ông không còn háo hức như lúc ban đầu sau khi nhận ra sự khó khăn của công việc. Điều tưởng là dễ dàng ở San Francisco bây giờ giữa đại dương coi như không thể nào thực hiện được. Cơ may thành công giảm đi rất nhiều, chỉ mong ở sự tình cờ hoạ may mới gặp được đầu đạn.
Ngày hôm sau, 24 tháng 12, dù những mệt nhọc của ngày hôm trước, công việc vẫn lại tiếp tục. Tàu di chuyển về hướng Bắc thêm vài phút nữa, và chiếc máy có chứa dưỡng khí lại đưa các nhà thám hiểm xuống dưới đáy đại dương.
Suốt cả ngày tìm kiếm uổng công vô ích. Đáy đại dương vẫn trống trơn. Ngày 25 không đưa lại kết quả nào. Ngày 26 cũng không được gì.
Thật là tuyệt vọng. Người ta lo nghĩ đến số phận của những người vô phúc bị kẹt trong quả đạn bắt đầu thấy ngạt thở nhưng làm cách nào họ có thể thoát ra khỏi mối nguy hiểm đó được! Không khí cạn dần và dĩ nhiên cùng với không khí lòng can đảm và tinh thần sẽ cạn theo!
- Không khí thì có thể hết – J.T. Maston bình tĩnh đáp – nhưng tinh thần thì không bao giờ.
Ngày 28, sau hai ngày tìm kiếm không kết quả, tất cả hy vọng tiêu tan. Quả đạn này chỉ là một nguyên tử trong đại dương mênh mông! Phải bỏ cái chuyện tìm kiếm đó đi thôi.
Nhưng J.T. Maston không muốn nghe nói đến chuyện bỏ đi. Ông không muốn bỏ đi khi không tìm được ra nấm mồ của những người bạn ông. Nhưng thuyền trưởng Blomsberry không thể kiên trì hơn được nữa, mặc dù ông thư ký la lối phản đối, ông phải ra lệnh nổ máy.
Ngày 29 tháng 12 lúc chín giờ sáng, tàu Susquehanna mũi hướng về hướng Đông bắc lại lên đường trở về vịnh San Francisco.
Lúc mười giờ sáng trong khi tàu chầm chậm xa dần, như thể còn luyến tiếc nơi xảy ra tai biến, thì người thuỷ thủ đứng quan sát mặt biển ở cột buồm vẹt bất thình lình la lên.
- Một chiếc phao tiêu xuôi gió trôi ngang trước mặt chúng ta.
Các sĩ quan nhìn về hướng được chỉ. Bằng ống nhòm họ nhận thấy rằng vật được chỉ đó quả thật giống chiếc phao tiêu dùng để đặt dọc những con lạch ở các vịnh hoặc những con sông. Nhưng một chi tiết đặc biệt là một cái cờ hiệu lất phất trong gió ở bên trên chóp nổi cao trên mặt nước gần đến năm sáu bộ. Chiếc phao tiêu này sáng chói dưới ánh nắng Mặt Trời như thể thành của nó làm bằng những tấm bạc.
Thuyền trưởng Blomsberry, J.T. Maston, những vị đại biểu của Câu lạc bộ Đại Pháo leo lên đài chỉ huy và họ quan sát thấy vật đó đang trôi theo những con sóng.
Mọi người nhìn theo ái ngại nhưng vẫn yên lặng. Không ai dám phát biểu ý nghĩ vừa mới đến trong đầu họ.
Con tàu tiến lại gần vật đó khoảng hai sải cáp[33], một tiếng xầm xì truyền khắp đoàn thuỷ thủ.
[33] Một sải cáp bằng 200 mét (ND).
Chiếc cờ này chính là cờ của Mỹ.
Lúc ấy một tiếng rú vang lên. Đó là tiếng rú của J.T. Maston, ông ngã xuống như một khối thịt đổ. Ông quên rằng tay phải của ông được móc bằng một cái móc sắt và đầu của ông chỉ đội một chiếc mũ bằng nhựa, nên ông đã bị một cú đau.
Người ta chạy lại phía ông. Họ đỡ ông dậy. Họ làm ông tỉnh lại và những lời nói đầu tiên của ông là những lời gì?
- Ái chà! Ba lần ngu, bốn lần dốt, năm lần dại, chúng ta ngớ ngẩn cả lũ!
- Có gì thế? – Chung quanh ông người ta đều hỏi.
- Có cái gì à?…
- Nhưng ông hãy nói đi đã nào…
- Hỡi những người ngu – ông thư ký hung hãn hét tướng lên – quả đạn chỉ nặng có mười chín ngàn hai trăm năm mươi pao.
- Rồi sao?
- Nó chỉ nặng hai mươi tám thùng, nói cách khác, năm mươi sáu ngàn cân, vì vậy nó nổi lềnh bềnh!
Ái chà chà, ông già đáng kính đó nhấn mạnh động từ “nổi lềnh bềnh” mới mạnh làm sao! Đó là sự thật! Tất cả mọi người đồng ý. Tất cả những nhà bác học này đều quên khuấy đi mất định luật căn bản này, chính vì nhẹ, nên đầu đạn sau khi chìm sâu dưới đáy đại dương tự nhiên phải nổi lên trên mặt nước! Và hiện giờ, nó bình thản trôi theo con sóng…
Người ta thả những chiếc xuồng xuống biển. J.T. Maston và các bạn của ông lao xuống. Trong khi những chiếc xuồng lao về hướng đầu đạn, ai nấy đều hồi hộp, tim đập rộn trong lồng ngực vì bị kích động. Nó chở gì trong đó? Mọi người sống hay đã chết? Mọi người còn sống. Phải, ít ra là thần chết đã không hạ được Barbicane và hai người bạn của ông, họ đã giương được chiếc cờ hiệu này mà! Trên xuồng mọi người đều nín thinh hồi hộp. Những con mắt không nhìn thấy gì nữa. Một khung cửa sổ của đầu đạn đang mở, một vài mảnh kính còn dính ở khung cửa chứng tỏ cửa đã bị đập vỡ. Chiếc cửa sổ này hiện nằm cách mặt sóng năm bộ.
Một chiếc xuồng ghé sát, đó là xuồng của J.T. Maston.
Lúc ấy, người ta nghe một giọng nói vui tươi và trong trẻo, đó là tiếng Michel Ardan, anh reo lên đầy vẻ chiến thắng.
- Toàn trắng, ông Barbicane, toàn trắng![34]
[34] Tức quân đôminô 0-0 là quân thấp điểm nhất trong bộ bài (Caruri).
Barbicane, Michel Ardan và Nicholl đang chơi đôminô.