Số lần đọc/download: 2309 / 37
Cập nhật: 2017-08-29 16:36:29 +0700
Chương 21: Tính Cách
T
âm tính của mỗi người thay đổi theo hướng gió và phụ thuộc vào cảm giác no đói. Người này co chân đạp vào cửa, người kia thì gào vào không khí những lời vô nghĩa không kém những cú đạp trên. Tâm hồn khoáng đạt để mặc cho những sự cố này rơi vào quên lãng, dù phải chịu đựng những thứ ấy từ người khác hay từ chính mình, tâm hồn khoáng đạt cũng tha thứ hết vì nó có bao giờ buồn nghĩ đến đến những thứ vặt vãnh đó đâu. Nhưng thường thì người ta sùng mộ tâm tính và theo cách nào đó nhất nhất tuân theo nó, chính bằng cách này ta tự tạo cho mình một tính cách. Từ chỗ một hôm ta cáu giận một ai đó, ta sẽ bớt yêu quý người ấy hẳn đi. Hiếm khi ta biết tha thứ cho bản thân mình, lẽ ra phải biết làm việc này thường xuyên hơn vì đó là điều kiện đầu tiên để ta biết tha thứ cho những người khác. Ngược lại, một dạng hối hận vô chừng mực là cái thường làm phóng to lỗi lầm của người khác. Ai cũng bưng theo cái tâm trạng tự tạo của mình để nói rằng: “Tôi là thế đấy”. Mãi vẫn là chuyện của những người biết ít mà nói lại rõ nhiều.
Mùi vị có thể gây khó chịu, nhưng bó hoa và nước hoa cologne không phải lúc nào cũng làm ta bực tức giống nhau. Nhưng thường thì người ta cứ chăm chăm đi tìm, hít hít ngửi ngửi từng thứ mùi thoảng nhất rồi thề rằng chính nó đã làm mình đau nửa đầu. Bạ gì cũng chửi rủa được, như sặc sụa ho lúc hít phải khói. Ai cũng từng biết cái loại người gia trưởng ấy. Người bị trằn trọc thề là anh ta sẽ không ngủ được, cả quyết rằng một tiếng động khẽ nhất cũng làm anh ta thức giấc, người đó sẽ rình mò mọi tiếng động và kết tội cả nhà. Thậm chí anh ta còn đi đến chỗ tức giận vì mình đã ngủ, như thể đã thiếu cảnh giác với tính cách của chính mình. Phàm cái gì người ta cũng có thể đâm đầu vào mà đắm đuối, kể cả đắm đuối thua bạc, như tôi đã từng chứng kiến.
Có những người khăng khăng tin rằng họ không nhớ được gì nữa, hoặc giả tìm mãi không ra từ ngữ. Ta không phải đợi lâu để thấy bằng chứng cho chuyện này, nhưng vở hài kịch của sự thành thực ấy đôi khi lại trở thành bi kịch. Ta không thể chối bỏ những bệnh tật có thực và tác động của tuổi tác, nhưng từ lâu rồi các bác sĩ đã nhận ra ở người bệnh cái tâm trí đáng sợ là cứ chăm chăm đi tìm những triệu chứng, và rốt cuộc cũng dễ dàng tìm ra chúng. Sự khuếch đại này tạo ra gần như toàn bộ cảm xúc và nhiều chứng bệnh, nhất là những chứng bệnh tinh thần. Vì thế mà Charcot[33] không còn tin vào những lời mà các bệnh nhân nữ nói về mình nữa; và ta có thể khẳng định rằng một số chứng bệnh đã biến mất hoặc gần như biến mất chỉ bởi sự hoài nghi của bác sĩ.
Cái hệ thống lý luận tinh xảo của Freud[34], đã tùng có lúc rất nổi tiếng, nay không còn đáng tin nữa, vì điểm này: thật dễ dàng để khiến cho những đầu óc vốn lo âu hoặc, như Stendhal[35] đã nói, có sẵn trí tưởng tượng làm kẻ thù của mình, tin vào bất cứ điều gì mà ta muốn. Đấy là còn chưa tính đến vấn đề tính dục, cái nằm ở bên dưới hệ thống này, và cái mang tầm quan trọng mà ta gán cho nó qua một dạng thơ ca hoang dại, như mọi người đều biết quá rõ. Biết ý nghĩ của bác sĩ thì chẳng bao giờ tốt cho bệnh nhân, ai cũng biết thế. Điều ta biết ít hơn là bệnh nhân đã nhanh chóng đoán ra cái ý nghĩ ấy và biến nó thành của mình, điều này ngay lập tức chứng thực cho các giả thuyết xuất sắc nhất. Chính bằng cách đó mà người ta miêu tả được những thứ bệnh đáng kinh ngạc liên quan đến trí nhớ, nơi các ký ức thuộc một dạng nào đó theo nhau biến mất một cách có hệ thống. Người ta quên mất rằng đầu óc hệ thống cũng nằm ngay bên trong người bệnh.
4 tháng mười hai 1923