There's nothing to match curling up with a good book when there's a repair job to be done around the house.

Joe Ryan

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 296 / 18
Cập nhật: 2020-04-07 22:01:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
gày hôm ấy người đưa đường mới không thấy xuất hiện. Đêm hôm đó, người ấy cũng không tới. Akimốp lo lắng, mất ngủ, chốc chốc lại đi ra bờ sông, đứng ở đầu dốc và căng tai ra nghe ngóng. Đêm trôi qua. Các vì sao nhấp nháy trên bầu trời rạng sáng, cây cối xào xạo, sẽ lay động trong gió, từ đâu đó mãi xa vẳng đến tiếng băng rạn vỡ va chạm nhau. Tưởng như, có ai đó đánh rơi những tấm kính cửa sổ. Thoạt đầu là tiếng chạm nhau trầm đục, rồi sau đó là tiếng rền vang kéo dài... «Ngộ nhỡ người đưa đường lần lữa, trễ nải thì sao?» - Akimốp suy nghĩ, mắt nhìn chăm chăm về các bụi cây ven hồ, đôi lúc tưởng cứ giống như người.
Mãi đêm khuya Akimốp mới quyết định nhóm lửa. «Có thể người đưa đường lạc cũng nên, đi trệch đâu gần đây. Đống lửa cả mùa hè cũng có thể thấy từ xa, mùa đông thì càng dễ thấy hơn: rừng trơ trụi, nhìn thông thống», - Akimốp suy tính.
Anh nhóm xong đống lửa. Đẩy vào lửa một cành cây to. Cành đó có thể đủ cháy đến sáng. Còn anh nằm ngủ ở cánh phản. Anh thiếp ngủ mê man, mặc dù hồi lâu không làm sao thu xếp được ổn chỗ cho đôi chân mệt mỏi.
Akimốp tỉnh dậy với cảm giác lo lắng. Thế là không ai đến cả. Ánh sáng ban ngày đã tràn qua ô cửa sổ nhỏ vào nhà. Bếp lò đã cháy lụi và tắt ngấm. Trong nhà trở nên mát lạnh. Akimốp mở cửa xem đống lửa ngoài trời. Nửa cành cây đã cháy đứt đôi. Hai đầu còn hơi tỏa khói. Tuyết chung quanh tan ra, và trên hai ba chỗ thấy hiện ra những đám việt quất chằng chịt xanh rờn như vào mùa hè, có chỗ còn thắm đỏ những quả chín. Akimốp thèm thuồng nếm thử những quả ấy. Anh ngắt mấy quả bỏ vào lưỡi nếm. Giá lạnh và vị chua làm cho miệng anh tỉnh ra. Sau chuyến phóng trên tuyết hôm qua cùng với Nikônca anh vẫn còn cảm thấy khát, đâu đó trong nội tạng cơn khát vẫn như đang thiêu đốt.
Akimốp khơi lại đống lửa, nhóm bếp lò, hâm lại thịt gà rừng trong nồi và đun lại ấm trà bằng mộc nhĩ bạch dương rồi anh ngồi vào ăn. Anh ăn thư thả và rầu rĩ.
Công việc không được ổn lắm. Người đưa đường vẫn không thấy đâu, còn thức ăn eo hẹp: chỉ có một phần tư ổ bánh mì và phần thịt gà rừng còn lại, kể ra thì trên cái giá gỗ còn bánh mì khô. Nó đã bị mốc, nhưng không sao, cả thứ này cũng có thể ăn được.
Không biết sự thể rồi sẽ ra sao, Akimốp quyết định dè xẻn thức ăn. Anh để dành bánh mì. Phần thịt gà rừng còn lại anh chia làm hai phần: một để bữa sáng, phần kia để đến chiều.
Nhưng không hiểu có chuyện gì đã xảy ra vậy? Tại sao người đưa đường không có mặt ở địa điểm qui ước? Nếu có chuyện gì trắc trở chỉ gây ra sự chậm trễ trên đường, thì như vậy còn chưa phải là tai họa, còn nếu trong khâu này của tuyến đường kế hoạch bỗng nhiên bị hỏng? Trong trường hợp này anh phải xử sự ra sao? Trở về chỗ ông Philarét qua trại Lucaskinô và tìm cách báo cho bác Ephim biết về chuyện thất bại? Hiện thời làm việc đó chưa muộn, vết đường còn chưa bị lấp mất. Hay là liều tìm cách ra đường cái Datsulưmxki? Từ đấy đến làng xóm gần ít nhất cũng phải hai mươi - ba mươi vécxta. Còn đến đấy thì tùy hoàn cảnh và khả năng sẽ liệu sau.
Sau bữa ăn sáng Akimốp đi ra ngoài trời, miên man suy nghĩ về tình thế của mình. Sốt gan sốt ruột, anh muốn hành động ngay, nhưng đồng thời tiếng nói của lý trí lại ngăn anh lại: «Đừng có nóng nẩy, thiếu gì nguyên nhân gây ra việc chậm trễ? Thậm chí khó mà tưởng tượng nổi. Phải chờ, chờ... Hơn nữa đường từ đây ra tới đường lớn không đơn giản. Toàn là rừng taiga rậm rạp, sông suối, cây đổ chắn đường. Không có la bàn thì dễ lạc lối. Bấy giờ thì sao? Chết vì rét và đói».
Akimốp quyết định đi lang thang chung quanh căn nhà gỗ, xem liệu có cái bẫy nào không. Số lương ăn dự trữ của anh có thể sống thêm một ngày nữa, giỏi lắm, được hai ngày, còn sau đó thì làm thế nào? Vũ khí anh chẳng có gì, ngoài con dao dân chài lủng lẳng trong bao da treo ở thắt lưng.
Dưới mái che đã xiêu vẹo và một nửa đã lật rơi mất những tấm gỗ, Akimốp bới được ở dưới tuyết ra hai cái lờ bện bằng những cành liễu lá nhọn. Một cái lờ còn nguyên vẹn, còn cái thứ hai cần phải chữa đôi chút, bởi vì đôi chỗ cành liễu đã gẫy và đầy lỗ thủng.
Bới một gò tuyết nhỏ ở một chỗ khác, Akimốp đụng vào một cái hộp hẹp đóng bằng những mảnh gỗ dầy chắc chắn. Phủi sạch tuyết trên hộp, Akimốp liền hiểu rằng anh đụng phải cái sàng để sàng quặng vàng. Cái đó làm anh chú ý đến mức trong một thoáng anh quên cả những điều lo nghĩ của mình. «Hay thật, căn cứ vào cái sàng, ở đây có người nào đó đã đãi vàng. Hoàn toàn có thể lắm chứ». Bản thân sự việc này không làm cho Akimốp ngạc nhiên, nếu như anh tình cờ thấy cái mẹt sàng ở đâu đó ở Uran hay ở rừng taiga Minuxinxcơ. Nhưng ở đây, ở vùng giữa sông Keti và Tsulưm này... Điều này nói cho anh biết nhiều chuyện. Và trước tiên nó khẳng định những quan niệm của anh về cấu trúc địa chất của vùng lưu vực giữa hai sông, nó trở thành viên gạch quan trọng xây nền móng các công trình lý thuyết của anh. Trước đây người ta đã khai thác được vàng hay không - điều đó anh không biết. Nhưng người ta đã tìm, đã cố sức tìm ra, có nghĩa là, người ta có cơ sở để tin vào điều đó.
Akimốp đã bới dưới tuyết ra một đống nhỏ nữa. Nhưng cái này là đống vỏ hạt tuyết tùng. Hình như, cả cái mái này cũng được làm với một mục đích này: che mưa cho đống quả tuyết tùng. Ở đây người ta tán nhỏ quả tuyết tùng ra bằng những bàn thớt và trục tròn đặc biệt trên cái bàn máy đặc biệt, giống như cái bàn thợ, rồi sau đó, lợi dụng gió ở sông thổi lên, thổi bay rác rưởi khỏi hạt.
Tiếp theo Akiniốp không bới tuyết thêm nữa. Không để mất thời gian, anh lấy cái lờ lành lặn, bẻ lấy một cái que khô để đâm, rồi đi xuống sông. Anh phải lưu lại ở đây lâu hay nay mai là ra đi, anh chưa biết, nhưng có một điều không nghi ngờ gì nữa là cần đặt cái lờ xuống sông, ít ra xuống cái lỗ băng kia. Có thể con cá nào đó sà vào. Có thêm thức ăn dự trữ hơn là hoàn toàn không có gì. Akimốp đặt lờ xuống lỗ băng, buộc vào cái gậy, còn cái gậy đem cắm vào đống tuyết, rồi anh leo lên bờ cao.
Bây giờ anh phải xác định thật đúng các tọa độ của mình. Anh đi lang thang trên tuyết quanh căn nhà gỗ và ngắm nghía các thân cây, độ nghiêng của cành, nhìn lên mặt tròi, chiếu sáng và không tỏa ấm, nhưng lúc này anh vẫn thấy thật là cần thiết. «Phải đi thẳng về phía nam, chỉ có xuống phía nam», - anh quyết định, tổng kết các quan sát của mình.
Anh định đi về căn nhà gỗ, nhưng lại quay ra sông để xem cái lờ ở đấy ra sao, anh đặt nó có ổn không, khó khăn anh mới nhét được xuống lỗ nước trên băng. Có điều gì đó làm anh lo lắng. Anh chưa từng bắt cá bằng lờ. Anh đã đặt bẫy, chỉ dựa trên sự tính toán khôn khéo và sự nhạy cảm. Kéo cái lờ về phía mình, anh cảm thấy nó đã trở nên khó nhúc nhích và nặng ra. Không lẽ đã gặp may rồi ư? Akimốp cảm thấy giây buộc cái lờ nối với cây gậy cắm vào đống tuyết không được chắc chắn. Nó đã bị mục khá nhiều và có thể đứt ra lắm. Nếu như vậy dòng chảy sẽ kéo cái lờ xuống dưới băng, và khi ấy thì mất ráo. Akimốp bỏ bao tay ra và nhúng tay vào nước lạnh buốt, bắt đầu lần sợi giây, thận trọng kéo cái lờ về phía mình.
Cải lờ dịch đến bờ lỗ nước trên băng, và Akimốp nhìn thấy trong lờ ních đầy những cá. Nắm lấy đầu tay cái lờ, Akimốp kéo lờ lên mặt băng. Anh dốc ra một đống cá. Nào là cá rô, cá dày, cá ngạnh, cá măng. Dù cho anh không bắt thêm được một con cá nhỏ nào nữa, thì nguyên số cá này cũng đủ ăn ít nhất là một tuần.
Nó thế đấy, quỉ thật, cuộc sống thế đấy! Thậm chí trong những hoàn cảnh khó khăn và không có lối thoát cũng vẫn gặp may. Liệu trước đây hai ba tiếng khi ngồi bên bàn ăn và hạn chế một cách nghiêm ngặt thức ăn đối với bản thân, anh đâu nghĩ rằng bất chợt anh lại gặp may như thế này?!
Akimốp xem lại cái lờ và lại giúi nó xuống nước trên băng lần nữa.
Thời gian đã xích gần đến nửa buổi. Đã phải nghĩ đến bữa trưa. Akimốp chọn ra ngay trên mặt băng những con rô to nhất, quyết định đem về nấu. Cá rô có thể cho một món ăn thật ngon, nhưng để nấu canh cá Akimốp chẳng có gì khác ngoài muối. Mà món canh cá không có hành, hạt tiêu, khoai tây thì còn đâu là canh cá. «Con người thật là một tạo vật khó tính, - Akimốp cười nhạt. - Buổi sáng còn chưa biết sẽ sống bằng gì, vậy mà bây giờ đã trở nên giầu có và tưởng tượng mình là một đức ông: muốn canh cá kia, gia vị kia. Nhưng mà, thực ra, như thế cũng xin cảm tạ rồi, xin cảm tạ thiên nhiên Xibiri về lòng hào phóng của nó».
Akimốp không vội vã chuẩn bị bữa ăn trưa. Tốt hơn là để mình có một công việc gì đó, hơn là giết thời gian một cách dông dài.
Có lẽ, anh không tránh khỏi việc đó. Suy đi tính lại, dù sao đi nữa anh cũng quyết định ngồi thêm ở đây một ngày, hai ngày, ba ngày, bao nhiêu ngày đi nữa, một khi bắt buộc như vậy. Chuỗi xích liên lạc của đảng không thể không hoạt động, cho dù một mắt xích nào đó vì nguyên nhân này nọ bị trục trặc. Công việc này ít nhiều bây giờ cũng sẽ ổn định lại, Những người bônsêvích đã học hỏi được nhiều điều trong những năm gần đây, đưa không ít cái mới vào các hình thức và các biện pháp hoạt động bí mật. Ở Tômxcơ các đồng chí đã biết anh ra khỏi vùng taiga xa xôi rồi. Nghĩa là họ sẽ lo lắng một khi anh không đến chỗ hẹn vào giờ giấc qui ước.
Nếu anh cứ cắm đầu lao về phía trước, thì không biết rồi nó sẽ dẫn đến đâu. Ngộ nhỡ ở nơi tự do kia lại nẩy ra tình huống mới thì sao. Bởi vì từ nơi này, từ rừng taiga này nhìn ra, anh có thấy được gì đâu. Kiên nhẫn, kiên nhẫn. Một lần nữa phải kiên nhẫn.
Trông lúc đó món cá đã chín. Lấy dao chọc lấy một miếng cá, Akimốp nếm thử và thấy hài lòng. Tất nhiên đây không phải món cá giếc của ông Philarét hầm trong bếp lò kiểu Nga, nhưng món ăn không đến nỗi nào, cầu chúa cho bất cứ người chạy trốn nào trên đường có được món này.
Akimốp đặt nồi cá lên bàn, cắt một lát bánh mì và bắt đầu ăn một cách ngon lành, Anh không phải là kẻ thùng bất chi thình, nhưng cơ thể trai trẻ, hoạt động của anh đòi hỏi được hỗ trợ và vì thế về điều thông thái phương đông «bữa sáng ta ăn hết, bữa trưa chia sẻ cho bạn bè, còn bữa tối đem cho kẻ thù» - Akimốp giữ quan điểm của mình: khi cả bữa đầu, cả bữa thứ hai, cả bữa thứ ba - tất cả ba bữa đều dành cho mình là rất tốt. Trong trường hợp này bạn chẳng thiệt gì. Còn về kẻ thù thì Akimốp chẳng buồn nghĩ đến nữa.
o O o
Akimốp sắp ăn xong bữa trưa, thì anh có cảm giác bên ngoài tường nhà có ai đó húng hắng ho. Anh đẩy xa cái nồi ra, ngửng đầu lên và lặng đi chờ đợi. Nếu lại nghe thấy một tiếng lạ lần nữa, anh sẽ lập tức nhảy ra mở cửa. Nhưng cửa đã tự mở ra không cần đến anh. Nó kêu rít ở những bản lề han rỉ, ánh sáng ngày ùa vào căn nhà, và Akimốp nhìn thấy một người đàn ông cao lớn phải cúi thấp xuống ở thành khung cửa, ông ta đi ủng lông đen ống gập xuống, quần dài ấm áp có hai miếng vá tròn bằng da trên đầu gối, áo lông cộc đã khá cũ kỹ và mất hết màu sắc nâu thẫm ban đầu, còn trên đầu đội mũ lông cừu bờm xờm.
Người đàn ông còn chưa nói một lời nào, nhưng Akimốp cảm thấy là trước đây anh đã từng thấy ông ta ở đâu đó. Và người đàn ông, chắc hẳn, cũng nhận ra Akimốp, bước qua ngưỡng cửa và đứng lại sững sờ, không vội đóng cửa.
- Nếu tôi không nhầm thì hình như Ivan thì phải?
Akimốp cảm thấy giọng nói rất quen thuộc, và anh nhìn thẳng người mới vào. Người đàn ông nhìn Akimốp bằng cặp mắt sắc sảo, rất chăm chú. Một mắt màu xám, còn mắt kia - ánh nâu. Không lẽ có thể nhầm người này với ai khác được?
- Không lẽ đây là bác Xtêpan?
- Chính tôi đây, Ivan, chính tôi đây.
- Tôi không tin mắt mình nữa.
- Anh không tin, nhưng vẫn là tôi đây, - Lukianốp bật cười. Sao, tôi thay đổi lắm hả? Còn anh ấy à? Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, chỉ có bộ dạng không phải là anh. Râu ria! Cứ như dân cựu giáo ấy. Và hình như hai vai nở nang ra.
- Mời bác Xtêpan vào, bác cởi áo ngoài ra. Nhân tiện bữa trưa trên bếp đây.
- Ừ, tôi vào đây... Ở chỗ anh đây ấm áp thật.
Lukianốp đóng cửa lại, bắt đầu cởi áo ngoài. Akimốp nhìn Lukianốp, và anh cảm thấy mỗi lúc một thêm bối rối hơn. Vui mừng hay buồn bã trước cuộc gặp gỡ này? Trước đây anh đã biết rõ Lukianốp và còn kính trọng, như có thể kính trọng một con người đứng đắn, có khả năng làm công việc một cách cần mẫn và trung thực. Ông bác anh, ông Likhatsiốp, cũng kính trọng và quí mến Lukianốp, bấy giờ Lukianốp vừa là người phụ trách tổ làm công vừa là người dẫn đường của ông.
Nhưng lúc ấy Akimốp ở một địa vị hoàn toàn khác hẳn với địa vị bây giờ. Gặp người quen biết, khi anh đang hoạt động hết sức bí mật, thì việc ấy là miễn cưỡng và cũng không phải là không nguy hiểm. Hàng trăm câu hỏi lập tức hiện ra trong đầu Akimốp: xử sự với Lukianốp thế nào đây? Thừa nhận chuyện gì với bác ta? Cho bác ta hay biết những gì? Chọn giả thuyết nào để một mặt có thể giữ gìn bí mật, còn mặt khác - không vì sự ngờ vực của mình mà tạo ra cái bẫy cho chính mình trong tương lai?
- Anh Ivan, chắc anh không ngờ thấy tôi ở đây hả? - Lukianốp hỏi, đưa đôi mắt khác mầu nhau của mình liếc nhìn Akimốp và xếp áo ngoài của mình vào một góc nhà.
- Tôi hoàn toàn không ngờ thật. Thế chẳng nhẽ bác lại biết tôi ở đây ư? - đến lượt mình Akimốp hỏi.
- Sao mà biết được! Người ta chỉ bảo tôi: anh đi về trạm của mình và dẫn một người cần thiết đến địa điểm cần thiết. Chỉ có vậy thôi. Còn người ấy là ai - không hề có một lời nào. Tôi hoàn toàn không nghĩ là sẽ gặp anh ở đây. Nhớ tới anh tôi cũng có nhớ. Nhớ tới luôn đấy. Tất nhiên là nhớ cả ông Likhatsiốp, cầu chúa ban phước cho ông ấy mạnh giỏi. Thế ai đưa anh tới đây thế. Chính Egorsa hay Nikônca?
- Nikônca.
- Một gã trai táo tợn! Và xin nói với anh, một tay săn thiện xạ đấy!
- Đi bằng thanh trượt đến mức cưỡi ngựa cũng chẳng đuổi kịp! Mà kìa bác ngồi xuống chỗ này, bác Xtêpan. Tôi vừa nấu được món cá rô. May mắn tìm được cái nơm của bác ở dưới mái chái nhà.
- Nó vẫn chưa mục ư? Cũ kỹ lắm rồi đấy. Tôi bện từ đời nảo đời nào rồi ấy.
- Một cái bị mục rồi, còn cái kia vẫn nguyên vẹn. Tôi thả xuống vũng nước trên băng, có lẽ chưa đầy hai giờ đồng hồ, thế mà đã đầy cả cá rồi.
- Mùa đông ở đây bắt cá dễ không gì bằng. Anh đã thành người rừng taiga rồi đấy, anh Ivan ạ. Anh đã học được nghề rồi đấy, - Lukianốp nói, ngồi xuống bên bàn đối diện với Akimốp, và nhìn anh vẫn còn cảnh giác thế nào đó.
- Như người ta vẫn nói thế nào, bác Xtêpan nhỉ? Cái túng nó dạy, cái túng nó đầy đọa, cái túng nó làm cho tâm hồn ta vui tươi, - Akimốp cười.
Lukianốp cũng cười, tiếng cười điềm đạm, vừa phải.
- Thế mà tôi nghĩ là anh đang ở Pêtrôgrát. Tôi nghĩ có lẽ anh đã leo lên lầu thang cao trong khoa học, anh đã học được ở ông chú anh bao nhiêu trí tuệ, với lại bản thân anh cũng đã tích lũy được. Vậy mà cuộc sống nó lại thế đấy!.. Có khi, cũng chẳng trùng hợp.
- Có khi thế, bác Xtêpan ạ! - Akimốp xác nhận, thầm cân nhắc xem tiếp tục chuyện trò với Lukianốp ra sao: nói điều gì, về điều gì phải im lặng. Với bác Ephim, với Egorsa, Nikônca, thậm chí với Pôlia, Akimốp cảm thấy đơn giản hơn. Những người ấy chỉ biết về anh có một điều là một người chạy trốn khỏi nơi lưu đày. Anh không phải là người đầu tiên, cũng không phải người cuối cùng. Còn ở đây thì thật điên đầu: một người quen biết. Ông ta biết nhiều điều về anh, và anh cũng vậy - biết nhiều về ông ta. Không phải ngẫu nhiên mà họ gọi nhau bằng tên rất thân mật.
- Anh Ivan, có lẽ anh phát buồn lên rồi? Hôm qua tôi phải đến đây. Nhưng không đến được. Lại có thêm một công việc nữa. Không thể trì hoãn được. Mà không có ai thay, - vừa bắt đầu ăn, Lukianốp vừa nói, căng óc suy nghĩ. Ông ta cũng có lý do để suy nghĩ: giấy tờ của Likhatsiốp - phải làm gì với những giấy tờ ấy? Nói cho Akimốp biết hay im lặng? Tất nhiên, anh Ivan là người nhà của giáo sư. Giáo sư trước đây không muốn rời anh ta một bước. Nhưng đó là trước đây, trong hoàn cảnh khác. Còn bây giờ họ ra sao? Hiện họ còn thân ái nhau như trước không? Cuộc sống liệu đã chia rẽ họ thành hai phía đối lập chăng? Thời buổi này chuyện như vậy không hiếm. Như Kachia Kxênôphôntôva đấy. Bố mẹ giầu có đấy, nhưng mà danh giá theo kiểu của mình, còn cô thì ngay nhắc nhở đến họ cũng không muốn nữa. Không, không nên vội vã đối với những giấy tờ này, trước hết phải dò hỏi đôi điều đã. Chứ không lại chuốc lấy tai họa vì những giấy tờ này cũng nên...
- Tất nhiên rồi, bác Xtêpan, hôm qua tôi không còn biết vui là gì nữa. Nikônca ăn xong là phóng về luôn. Còn lại có một mình tôi trong tình trạng bặt vô âm tín. Tôi có phân vân, không hiểu người ta có đến đưa tôi hay không. Thêm vào đấy, lương ăn của tôi lại cạn rồi. Ấy, hôm nay kiếm được cả một lờ cá, cũng vui vẻ hơn. Nhưng dù sao đi nữa vẫn chờ đợi. Cũng đã tính đến nước: ngộ nhỡ buộc phải lẩn đi một mình. Tôi định sẽ cứ đi thẳng hướng nam, - Akimốp thuật lại.
- Ồ, thì có khi cũng phải thế thật! Đúng đấy, chỉ có đi về hướng nam. Từ đây đến các làng mạc chừng độ ba chục, nhiều lắm là bốn chục vécxta. Nhưng vấn đề không phải ở đấy. Hiện thời ở các làng xóm đầy lưỡi câu. Lưỡi câu... - Lukianốp muốn giải thích cái từ ấy muốn nói gì, nhưng Akimốp gật đầu.
- Tôi hiểu, bác Xtêpan ạ.
- Bọn chúng đẻ ra lắm lắm. Hầu như ở mỗi làng xóm đều có - không thằng cai, thì cũng là một vệ binh. Tất nhiên có cả bọn bí mật, bọn bị mua chuộc trong đám anh em cánh nông dân ta.
- Có cả bọn ấy nữa?
- Năm ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn.
- Nhưng tại sao lại thế? Do đâu?
- Cuộc sống cũ đã lung lay. Không còn chịu được nữa. Ai cũng lo lắng buồn phiền. Đất nước đầy tràn rồi. Chiến tranh kéo dài thêm một năm nữa là nước Nga xuống dốc.
- Nhưng có thể, ngược lại chăng? Nước Nga sẽ đi con đường vững chắc?
- Liệu có đủ sức không?
- Sức lực đủ thôi, bác Xtêpan ạ, cách mạng sẽ đưa tất cả mọi sức lực vào hoạt động.
- Thế đấy, - Lukianốp thở dài hoài nghi.
- Sao, bác không tin ư?
Lukianốp không giấu giếm những suy tư của mình, cân nhắc rồi nói:
- Chuyện đó đâu phải đơn giản, anh Ivan ạ. Chẳng hạn cánh đàn ông chúng tôi đi vào rừng taiga kiếm hạt tuyết tùng hay đi săn bắn, không có thôn ấp trưởng cùng đi thì chớ có đi. Sẽ không có trật tự - và không được gì đâu. Trong mỗi công việc đều đòi hỏi có một người cầm đầu. Việc này cũng vậy. Lấy đâu ra người cầm đầu như thế? Người có thể làm được thì đang bị lưu đày hay đang chạy trốn như anh, số khác thì ngoài mặt trận, còn nhiều người khác lại không còn nữa. Còn trong việc này làm ầm ĩ lên, gào thét lên đôi chút là không được. Lại đổ máu. Anh nhớ lại mà xem, như năm linh năm ấy! Nhưng sau đó thì sao?
Akimốp cúi đầu. Lúc này cứ thử lẩn tránh chuyện chính trị xem! Bản thân cuộc sống chộp tóm lấy bờm ngươi và giúi mũi ngươi vào các vấn đề cấp thiết nhất của thực tế. Còn anh thì sao, làm thinh ư? Dù có định làm thinh thế nào đi nữa, vẫn cứ muốn nói ra cái điều anh nghĩ. Và người nông dân này sẽ nghĩ thế nào về anh, về người bônsêvích, người chiến sĩ đấu tranh cho chế độ mới, nếu như anh chỉ lúng búng những lời vô nghĩa để trả lời những vấn đề đang sôi sục và dường như là đang rớm máu trong lòng bác ấy? Mà đây đâu có phải là một nông dân bình thường, mà là một nông dân biết suy nghĩ, đang đi tìm chân lý, chưa nói đến chuyện bác ấy còn là người đưa đường của anh, gánh lên vai chuyện mạo hiểm và thực chất đã bước lên con đường hỗ trợ tích cực cho cách mạng,
Akimốp húng hắng ho vào bàn tay nắm lại, lấp liếm phút im lặng kéo dài, rồi nói:
- Con đường duy nhất cứu nước Nga, bác Xtêpan ạ, là cách mạng. Không có con đường nào khác. Mà cách mạng đang chín muồi không phải từng ngày, mà từng giờ. Khi cách mạng cuốn hút nhân dân, cuốn hút cả tiền tuyến lẫn hậu phương, thì tôi tin tưởng rằng sẽ tìm ra sức lực, cả những người chỉ huy trong đấu tranh cũng sẽ tìm ra. Còn bác nói đúng lắm: cần có người cầm đầu. Không thể không biết mục đích, cần phải biết đưa mọi người đi tới đâu, vì cái gì phải bước vào cuộc giao tranh với thế giới cũ.
Lukianốp nghe Akimốp nói, gật gù và, không dám liều lĩnh tiếp tục câu chuyện về đề tài khó khăn này với con người uyên bác, bác mơ mộng nói:
- Mong sao cho chóng lên, anh Ivan ạ! Mọi người đã mỏi mắt chờ trông! Kiệt sức rồi. Thằng cả của tôi biệt vô âm tín. Đã sang năm thứ hai chẳng có vân mòng gì từ mặt trận gửi về! - Và đột nhiên bác nức nở, rồi xấu hổ vì phút yếu đuối của mình, bác ngồi đầu cúi xuống ủ rũ hồi lâu.
Akimốp cũng im lặng. «Có lẽ, trong lịch sử nước Nga không có thời kỳ nào mà nỗi khổ đau của mọi người, nỗi đau thương của họ chồng chất nhau, như ngày nay», - anh suy nghĩ, liếc nhìn bác Lukianốp, bác ta vẫn còn ngồi im lặng, co ro đôi vai rộng của mình, như thể con phượng hoàng bị thương cụp chặt đôi cánh lại.
- Tôi tìm thấy cái sàng của bác trong tuyết, bác Xtêpan ạ. Hình như bác định tìm đãi vàng. Kết quả thế nào? Công việc có đáng làm hay không? - Akimốp hỏi, lái hẳn câu chuyện sang một hướng khác.
Lukianốp đẩy xa cái nồi cá ra, vuốt râu và bỗng biến đổi hẳn: bác vươn rộng đôi vai, ngồi thẳng người lên, đôi mắt khác màu nhau của bác sáng ngời lên những tia lửa sống động. Akimốp hiểu là mở đầu ra câu chuyện mới này, anh đã đánh trúng tủ. Câu chuyện này hợp với lòng bác Lukianốp.
- Chúng tôi mò mẫm trong cát, anh Ivan ạ, suốt cả mùa thu. Cả tôi, cả những người cùng đi. Bảo rằng không tìm thấy gì cả thì không đúng. Có điều công việc này chỉ lỗ mà thôi. Chúng tôi không tìm thấy nhiều vàng. Cả tập đoàn đãi được hai nhúm nhỏ và bỏ đi...
- Thế tại sao các bác cho rằng ở đây có vàng? - Akimốp hỏi, nóng lòng vì sự tò mò của chính bản thân, say sưa với những suy nghĩ về vùng đất giữa hai con sông.
- Chuyện ở đây có vàng thì mọi người đã biết từ lâu. Thoạt tiên người ta biết qua chim muông. Người ta tìm thấy hạt vàng cả trong bụng gà rừng, cả trong bụng vịt trời. Kể ra thì từ trẻ tôi vẫn ngờ vực công việc này. Từ lâu anh em đã rủ tôi đi thử cầu may. Nhưng tôi chỉ khăng khăng một điều: không và không. Xin cứ để tôi sử dụng cây súng săn của tôi. Con chồn hôi nằm trong bẫy tốt hơn là con chồn bông còn chạy rông. Nhưng dù sao đi nữa họ vẫn rủ rê được tôi! Tôi đã đóng cái sàng đãi quặng theo trí nhớ...
- Bác đã đến công trường khai thác sa khoáng ư? - Akimốp hỏi.
- Đến rồi. Đến rồi, kể ra thì tình cờ thôi. Hồi còn trẻ, tôi vẫn theo tập đoàn thợ săn Tômxcơ đến hồ Teletxcôie. Ông thương gia Grêbensicốp đã thuê chúng tôi. Vậy là ở đấy, ở hồ Teletxcôie ấy, tôi có dịp đến chỗ phu đãi vàng. Tôi xem mọi điều bí hiểm của dân tìm vàng và nhập tâm đôi điều. Thế theo anh thì cái sàng đãi vàng làm đã đúng chưa? - Lukianốp bỗng lo lắng.
- Đúng rồi. Thế bác lấy đất tầng ở đâu?
- Thì lấy ngay trên bờ này.
- Giếng thăm dò bác có đào ở sâu trong rừng taiga không?
- Có đấy, anh Ivan ạ, đào dọc theo các suối.
- Kết quả ra sao?
- Không bắt gặp loại vàng già.
- Thế bác có gặp các lớp đá không?
- Các lớp đá à? - Lukianốp hỏi lại và im lặng suy nghĩ, thầm định đoạt phân giải vấn đề gì đó.
- Có lẽ, bác không gặp, bác Xtêpan ạ. Còn cần phải tiến về phía đông bắc khoảng độ ba bốn trăm vécxta nữa, khi ấy có thể... - chính Akimốp lại trả lời thay cho Lukianốp.
- Không gặp các lớp đá quặng, nhưng có tìm thấy trong đá những sa khoáng vàng, - Lukianốp nói.
- Không thể thế được! - Akimốp thốt lên, nhưng nghĩ bụng: «Quả như vậy thì các giả thuyết của mi giải quyết được quá nhanh».
- Tìm thấy đấy, anh Ivan ạ. - Sự ngờ vực lộ liễu của Akimốp không hề làm Lukianốp bối rối.
- Bác kể cho nghe đi, bác Xtêpan. Cái đó đối với tôi rất hệ trọng. - Akimốp nóng ruột nhìn thẳng vào mặt bác Lukianốp, chờ đợi xem bác ta sẽ nói gì. Còn Lukianốp bắt đầu thư thả lần tìm các túi, cuối cùng lôi cái túi đựng thuốc lá sợi ra, rồi lấy từ đấy ra một hòn đá bằng phẳng.
- Đây, anh Ivan, anh xem xem. - bác Lukianốp để hòn đá lên lòng bàn tay rộng của mình, đưa gần lại trước mặt Akimốp.
- Cho phép tôi cầm và nhìn sờ xem, - Akimốp nhếch miệng cười vì sự kết hợp khác thường của mấy chữ: «nhìn sờ xem».
- Anh cầm lấy, mời anh.
Akimốp cầm lấy hòn đá, hóa ra không chỉ bằng phẳng, mà còn khá nặng, anh xoay trở rất lâu trên các ngón tay, hết đưa lên tận mắt, lại duỗi thẳng tay đưa ra để xem.
- Anh Ivan ạ, anh nhìn thấy các hạt vàng không nào? Anh thấy chúng lấp lánh thế nào không? Cứ như các vì sao trên trời tối ấy. - Lukianốp không thể không nhận thấy Akimốp xem xét hòn đá khác thường có những đốm vàng nhỏ li ti bên trong một cách chăm chú, kỹ lưỡng như thế nào.
- Bác Xtêpan, bác có thể nhớ xem bác đã tìm thấy hòn đá này ở đâu và như thế nào không? - Akimốp hỏi, lắc lắc hòn đá trong lòng bàn tay khum lại.
- Tất nhiên rồi, có thể lắm! Tôi nhớ kỹ mọi chi tiết kia.
- Rất hay. Bác làm ơn kể lại đi.
- Chuyện chẳng dài dòng gì, anh Ivan ạ. Nghĩa là thế này: bấy giờ tôi đánh cá. Phải, nhớ là, tôi bắt được một mẻ khá, rời vụng nước ra về. Nhưng không có thời giờ làm cá. Quả tuyết tùng đang độ chín. cần phải tỉa lấy hạt. Tôi nghĩ bụng, tạm thời chuyển cá từ lòng thuyền sang lồng thả cá nhốt tạm. Tôi lên bờ đi tìm chỗ để đóng cọc neo giây lồng thả cá. Đến giờ tôi còn nhớ: nước cạn, hai bờ lộ ra nhiều. Tôi thấy có một mẫu đất sét rắn màu xanh nhô lên khỏi mặt nước. Tôi nghĩ bụng, ta sẽ đóng cọc chỗ này. Ngay bên bờ là chỗ nước sâu, cá trong lồng có thể sống được. Tôi đẽo nhọn chiếc cọc, cắm đầu nhọn xuống lớp đất sét và dùng đầu rìu nện xuống. Tôi nện mấy cái, nhưng chiếc cọc cứ bật lên, không thụt tí nào. Tôi đặt chiếc cọc chếch sang bên một tý, lại nện, nhưng nó cũng không nhúc nhích - vẫn thế. Bấy giờ tôi quyết định lấy lưỡi rìu xỉa lớp đất sét cứng. Lưỡi rìu phập phập. Tôi thấy, rìu không phải là chiếc cọc, nó bập vào đất sét. Tôi vung rìu mạnh hơn. Bỗng nhiên tôi nghe thấy rìu khựng lại, như thể chạm vào sắt. Tồi lại bổ nhát nữa. Khựng một cái đến mức chồn tay. Tôi cúi xuống, ấn lưỡi rìu xuống và xoáy bẩy lên. Nhìn thấy là, tôi bẩy được một mảnh đá. Nó dài bằng khoảng ngón tay trỏ, bề dày mỏng hơn bàn tay một chút và thật giống như một bàn chân trẻ nhỏ, kỳ lạ quá. Tôi thử bẻ mảnh đá, đâu có phải dễ, không bẻ nổi. Bấy giờ tôi đặt nó nằm ghếch vào giữa mảnh gỗ và chiếc cọc. Tôi lấy đầu rìu đập mạnh. Mảnh đá vỡ ra. Tôi nhìn vào chỗ vỡ, ở đấy sáng những hạt vàng lấp lánh. Vậy là tôi nghĩ, Xtêpan, mi giàu to rồi. Tôi đem xẻng tới, lôi cả cái sàng đãi vàng tới. Tôi đào bới rồi đãi đá quặng. Đãi đá quặng rồi lại đào bới. Lật tung cả tầng đất lên - phải có tới mười con ngựa cũng không chở hết. Thôi thì, ít ra vớ được một hạt vàng cho vui cũng được. Rỗng không! Tôi nghĩ bụng, cũng may mà tôi còn chưa chạy đến anh em mugích khoe khoang cái thứ tìm được. Khuấy động bà con vô ích. Rồi thì bà con chẳng tìm thấy gì ở đây và lại bỏ lỡ thời gian ở rừng tuyết tùng. Phải, thế đấy, anh Ivan ạ, từ đấy tôi mới mang điều bí mật này theo mình. Một mảnh đá tôi giữ ở nhà. Mảnh to hơn mảnh này. Còn mảnh này, như anh thấy đấy, luôn luôn nằm trong túi thuốc lá trong người tôi. Nói quả đáng tội, nhiều lần tôi đã tiếc nhớ tới ông Likhatsiốp. Tôi nghĩ, đấy chính là người mà tôi có thể nhận được lời khuyên bảo. Có thể, ông ấy còn chỉ cho tôi ở đâu có thể chắc chắn tìm ra vàng.
Akimốp nghe bác Lukianốp nói với vẻ mặt hết sức nghiêm trang, cuối câu chuyện trên môi anh thoáng nở một nụ cười.
- Tôi làm bác phải thất vọng đấy, bác Xtêpan ạ. Những ánh lấp lánh này không phải là vàng. Bác không lao đi gọi bà con đến tìm kiếm thứ kim loại quí là đúng. Loại đá này trong khoa học được gọi là pirit. Nói cách khác, đó là sắt sunfurơ, hợp chất lưu huỳnh và sắt. Bản thân nó chẳng đáng giá một xu. Nhưng trong trường hợp này vật tìm ra không vô ích. Chẳng hạn, đối với bác Likhatsiốp của tôi (Akimốp không muốn nhắc đến mình, mặc dù điều này trước hết làm anh quan tâm) mảnh đá này có thể nói cho biết nhiều chuyện...
- Thấy không, nó xoay chuyển thế kia đấy! Tất cả chỉ vì tại cái ngu dốt của chúng tôi! Chà chà... Thế mà quả thực tôi đã chợt nghĩ. Tôi cứ muốn đi gọi anh em mugích. Tôi nghĩ một khi vàng nằm cả trong đá, thì có thể tìm ra vàng tự nhiên. Thế trong cái mảnh đá này có cái gì đặc biệt, anh Ivan?
- Bác Xtêpan ạ, mảnh đá này quan trọng ở chỗ nó là chứng cớ về những đặc điểm của cấu tạo vùng đất này. Đâu đó ở gần đây chắc chắn có những vết lộ của các lớp đá gốc. Các học giả gọi chúng là cổ sinh đại. Còn để hiểu bức tranh chung thì điều này khá là cơ bản. - Akimốp không tìm ra được ngay những lời, ít nhất cũng có thể truyền đạt một cách sơ đẳng cho người dân rừng taiga hiểu được cái khái niệm ban đầu về thực chất của vấn đề.
Bác Lukianốp vuốt vuốt bộ râu cằm; nheo mắt, cảm thấy bác đã ra cho Akimốp một bài toán không đơn giản.
- Thôi được, anh Ivan ạ, anh không phải bận tâm quá. Dù sao đi nữa cái kiến thức này cũng không phải dành cho tôi. Thế cũng xin cám ơn anh rồi.
o O o
Bác Lukianốp xúc động. Bác đứng dậy. Đi đến trước bếp lò, mở cái cửa con, châm đóm hút thuốc, đến khi quay lại, bác nói:
- Anh Ivan ạ, tôi còn một thứ tìm được nữa. Anh sẽ nói gì về nó đây?
- Nào, cho xem đi, cho xem đi bác, - Akimốp lại cảm thấy cái trạng thái thường gặp của mình là cái trạng thái anh có trong những trường hợp như vậy. Đôi mắt, đôi tai, trái tim - tất cả như thể căng lên, sự tò mò xúc động làm cho nhịp đập trái tim nhanh thêm. Akimốp đứng lên và cũng vội đi đến trước bếp lò để châm đóm hút thuốc theo kiểu bác Lukianốp.
Lukianốp quì xuống, chui xuống dưới gậm phản và lấy từ đâu đó trong ấy ra một cái gầu sắt có tay gỗ dài và một cái kìm gì có chỗ lõm ở chỗ cặp.
- Thế này, anh Ivan ạ, bằng cái gầu sắt này và cái kìm này tôi đã đúc đạn. - Lukianốp xoay xoay cái gầu sắt với cái kìm trước mặt Akimốp.
- Thế bác lấy sắt thép ở đâu ra? Mua ở ngoài tỉnh về à? - Akimốp hỏi, cầm lấy cái gầu sắt và cái kìm.
- Tìm thấy tại đây, anh Ivan ạ.
- Không lẽ thế ư?
- Chính tại đây.
- Thế bác có cho xem viên đạn được không?
- Sao lại không nhỉ? Chỉ một giây là tôi lấy ra ngay. - Lukianốp lấy ở túi đựng đạn ra một viên đạn tròn đưa cho Akimốp.
- Súng hai nòng của tôi calíp mười hai. Tôi đúc đạn cho súng ấy đấy.
Akimốp đặt cái gầu sắt, cái kìm xuống phản, đưa tay cầm lấy viên đạn và lắc lắc rất lâu như muốn cân lượng. Sau đó đưa ra ánh sáng nhìn kỹ và cuối cùng đưa lên mũi và thích thú ngửi, có thể, đến một phút, chứ không ít.
- Lý thú thật. Cái này rất lý thú, - Akimốp nhắc lại, thỉnh thoảng lại nhìn Lukianốp từ nãy vẫn không rời mắt khỏi anh đang xoay xoay cái viên đạn tự làm lấy của bác. Kết thúc việc nghiên cứu kỹ lưỡng về mọi mặt: trọng lượng, màu sắc, mùi vị của viên đạn, Akimốp ngồi vào bàn và mời bác Lukianốp cùng ngồi.
- Bác Xtêpan xin đề nghị bác kể lại, bác đã tìm thấy quặng để nấu ra được đạn ở đâu và hồi nào? Nghĩa là, nói chung, tất tật mọi chuyện quanh việc này.
- Bấy giờ tôi đi săn, anh Ivan ạ, săn chim ở Bônsaia Iukxa. Đó là vào ngay đầu chiến tranh. Tôi tiễn đưa thằng con cả ra trận và đâm ra đau buồn. Đau buồn đến mức tuyệt vọng chỉ còn nước thắt cổ cho rồi. Nhưng tôi không thể tuyệt vọng được: vợ, con cái, cái túng thiếu há hốc mồm nhìn từ mọi góc nhà. Tôi mới lao đi săn bắn. Nhưng mà, đó mới chỉ là mở đầu câu chuyện, còn bản thân câu chuyện còn ở sau, - bác Lukianốp cười khẩy. - Tôi nhận thấy có cái bờ dốc ở một chỗ nọ. Trên đỉnh - rừng thông lấy gỗ xây dựng, cây nào ra cây nấy. Ở dưới mép bờ dốc một chút - khoảng hai ba xagiên, hình thành một cái như thể cẳng tay. Một dải bằng phẳng, nhẵn nhụi đến mức, dường như có ai đó dùng xẻng san bằng cái khoảng đất ấy. Từ lâu tôi đã nhận thấy là gà rừng thích quây quần ở đây. Cái đó cũng dễ hiểu: khoảng đất này phủ đầy những hạt cát to, cũng ở đây có những viên sỏi nhỏ, rồi xế đó một chút, ở chân thềm đất có một lớp đá cuội. Gà rừng mổ no hạt tùng và quả mọng - liền kéo đến đây nhặt sỏi. Có lần mổ con gà rừng ra, trong diều nó cả một vốc cát sỏi. Vậy là tôi quyết định đặt cạm. Đạn súng thì bao giờ chúng tôi kiếm cũng khó khăn. Còn cạm bẫy thì là chuyện giản đơn thôi. Cái đó thì chẳng đòi hỏi gì lắm. Vậy là, tôi đẵn những cái cọc, đẽo chuốt những cái cọc ấy, bắt đầu làm cạm. Tôi cũng chẳng biết là tại sao lại ra thế, chỉ có điều là khi cần phải đóng chặt một cái cọc xuống đất, thì cái rìu của tôi biến đâu mất. Tôi mới quờ tay hú họa chọn hòn đá, một hòn lớn để nện cho mạnh, mắt vẫn nhìn bâng quơ đi đâu ấy. Tôi dơ một hòn - nhỏ, nhẹ quá, tôi ném đi. Vớ hòn khác. Cũng không được. Tôi lại ném đi. Bỗng tôi quờ phải một hòn đá và cảm thấy sao nó nặng thế, nặng đến mức tôi bỏ cái cọc đấy. Tôi nhìn hòn đá - chẳng có gì đặc biệt, màu xám đen, nhưng cứ trĩu tay xuống. Hòn đá to chỉ bằng bàn tay và dù không hoàn toàn phẳng, nhưng vẫn cứ giống một hòn gạch bẹt. Quanh mép tròn tròn, không có góc cạnh sắc. Tôi thấy - hòn đá hiếm, loại này từ trước đến nay tôi chưa từng gặp. Vậy là, tôi bèn bỏ những cái cọc đấy, cầm lấy rìu và lấy mũi rìu đập vào hòn đá. Tôi thấy là nó sáng lên. Vẻ sáng đùng đục, trăng trắng. Tôi lại một lần nữa cầm hòn đá lên tay, lắc lắc. Chà! Phải nặng hơn quả cân. Nghĩ bụng, dân Tunguxơ ở Tsulưm trước đây không phải kể tầm phơ cho tôi hay là dường như thời xưa họ tự nấu chì lấy, rồi sau đó lăn thành các hạt đạn chì, đúc đạn, làm đạn ria. Nói của đáng tội, từ bao lâu tôi có tin chuyện ấy đâu, vẫn nghĩ là dân Tunguxơ nói khoác. Dân thợ săn chúng tôi là chúa bịa đặt đủ thứ chuyện.
- Nhưng rồi bác làm gì tiếp? - Akimốp giục giã người kể.
- Tôi mang hòn đá về lán. Mang về đây, về căn nhà gỗ này. Đem giấu đi. Năm ấy tôi còn chưa có dụng cụ gì mang theo hết. Thêm vào đấy, ở đây tôi lại không chỉ có một mình - mà cùng cả tập đoàn. Nghĩ bụng: mình mà động đến hòn đá, bọn họ sẽ giễu cợt. «Xem kìa, Xtêpan Lukianốp nhà ta nghĩ ra cái trò gì chứ? Định lấy đá làm đạn ria đấy! Coi chừng, không khéo rồi hắn lại lấy phân bò đúc đạn cũng nên!». Vậy đó, cứ thế là lan ra! Dân chúng tôi, anh Ivan ạ, độc mồm độc miệng lắm, không thương tiếc gì những kẻ kỳ quặc... Bản thân tôi thì tôi chẳng sợ biệt hiệu biệt danh gì, nhưng mà tôi còn có lũ con cái. Chẳng lẽ chúng thích thú nếu cha nó vô cớ phải mang một cái tên giễu cợt vớ vẩn nào đó? Nghĩa là, năm ấy tôi không động đến hòn đá. Cũng chẳng mang về làng. Chúng tôi ra đi theo con đường mùa đông, hành lý chất đầy sau lưng. Anh đi, còn cái bọc đằng sau lưng anh lúc la lúc lắc. Sang năm sau tôi đến lán một mình trước. Tập đoàn đi thuyền, còn tôi đi thẳng theo con đường mòn. Trong khi họ còn trên đường, tôi quyết định thử nghiệm hòn đá. Tôi mang theo cái gầu sắt và cái kìm. Việc đầu tiên tôi chuẩn bị củi đốt. Trong các loại cây, lạc diệp tùng và bạch dương cháy đượm hơn cả. Mà bạch dương thì ở đây đầy ra, còn lạc diệp tùng thì rất ít. Tuy nhiên tôi tìm được cả lạc diệp tùng. Khô, chắc, phủ đầy nhựa. Mà cái chính là ở ngay gần lán. Trước tiên tôi đốt than. Sau đó tôi đắp một cái lò bằng gạch đất sét. Đất sét thì ở hai bờ sông nhiều vô kể. Vậy là, tôi nhóm lửa lò nóng đến mức đứng gần không chịu nổi, để hòn đá ấy vào cái gầu sắt và đặt lên lửa, ngay sát trên than hồng. Tôi thấy cái gầu cháy đỏ lên, tay xách bốc khói, còn hòn đá của tôi nằm trơ ra như chẳng có chuyện gì. Bấy giờ tôi bới thêm than gần lại cái gầu. Còn cái gầu thì không còn đỏ nữa mà cũng không xanh thẫm, mà là một màu xanh lam và quanh thành thì trong suốt như lọ thủy tinh. Nhìn vào hòn đá thì tôi thấy - hình như nó bắt đầu biến đổi. Tôi cảm thấy có một mùi gì đấy hoàn toàn không phải mùi của rừng taiga. Tôi đợi một lát, không động đến cái gầu, mà đưa cái kìm kẹp khuôn đạn lại gần đấy. Tôi thấy - hòn đá hình như sủi bọt lên, vỡ ra và từ đó chảy ra những giọt lỏng trăng trắng. Đến đây tôi sửa lại cái gầu, làm cho một cạnh gầu nghiêng ra hơn. Dòng chất lỏng trắng chẩy ra. Khi chất lỏng ấy tích được khá nhiều, tôi cầm quai gầu và rót vào khuôn đạn. Được một viên đạn, bắt tay vào đổ viên thứ hai, sau đó đến viên thứ ba. Nhưng hòn đá tuy có bé đi, nhưng dù sao vẫn không tan hết. Phải, tôi suy nghĩ, ta phải cho nóng thêm, bắt mày tan ra thành các phần nhỏ. Tôi loay hoay rất lâu, nhưng chẳng được gì thêm nữa. Tôi kéo cái gầu sắt ra khỏi lửa. Để cho nó nguội đi. Khi hòn đá nguội, tôi cầm lên tay, xem xét và hiểu ra là sức nóng của lò lửa của tôi hơi kém...
- Bác Xtêpan, bác cho xem cái hòn đá ấy, - Akimốp đề nghị, vẫn cầm khư khư cái viên đạn của Lukianốp trong tay mình.
- Tôi không giữ được, anh Ivan ạ, - bác Lukianốp ngượng ngùng trả lời.
- Chà thật là tiếc! Nhưng mà sao lại thế chứ?
- Chả là thế này. Tôi đặt lưới câu cặm. Mà sông có dòng chảy sâu. Tôi nghĩ bụng, phải có gì nặng giữ, không thì lưới sẽ bị tạt đi, rồi chìm xuống. Sực nhớ đến nó, nhưng gần quanh chẳng có gì nặng. Bấn lên đến phát khóc. Bấy giờ tôi liền quyết định lấy hòn đá này ra chặn. Tôi nghĩ - tạm thời đã rồi sau sẽ thay bằng vật khác. Đúng, người ta nói không oan, cái gã mugích Nga là gã không suy trước tính sau. Tôi buộc hòn đá vào giây, buộc chắc, không thể tuột ra được. Và mọi chuyện chắc chẳng làm sao đâu, nếu nhớ thay ngay hòn đá ấy. Giây thì thật, quỉ tha ma bắt, lại là sợi giây mục rồi. Thêm vào đấy, vô phúc là một gốc cây cong queo lại mắc vào câu. Thế là tôi bắt tay vào gỡ, kéo phao lại, gỡ các giây câu, nhưng vướng cái gốc cây ấy. Xoay cách này lại lựa cách khác. Nó mắc vào và không chịu nhúc nhích tý chút nào. Tôi kéo mạnh hơn. Đứt giây câu. «Thôi mặc nó, - tôi nghĩ bụng, - cốt sao không tuột mất hòn đá». Chỉ mới nghĩ thế - thì thôi xong! Đi toi! Cái gốc cây bềnh lên, thế là hòn đá đứt phựt và chìm xuống đáy. Tôi tự rủa mình vì sự bất cẩn, nhưng không chịu rút lui. Tôi về lán lấy cái neo với những cái đinh cong. Tôi buộc vào giây thừng và ném nó xuống cái chỗ hòn đá bị chìm. Tôi ném xuống rà đi rà lại đến hàng trăm lần ấy. Thử dò cả ở lạch sâu. Cũng uổng cả. Tôi tuyệt vọng, người ướt đầm. Đã mất rồi, làm sao tìm thấy được. Như vậy đó, anh Ivan ạ, sự việc nó là thế.
- Tiếc thật, bác Xtêpan ạ! Nhưng cái viên đạn này bác cho tôi nhé? Hoàn toàn vì các mục đích khoa học mà tôi xin. Ông bác Likhatsiốp sẽ cám ơn bác nhiều lắm. Tất cả những gì bác kể cho nghe, - là một điều đáng chú ý.
- Lấy đi, anh Ivan. Mời anh. Chẳng nhẽ tôi lại tiếc ư?
- Cảm ơn bác. Nếu tôi đến được đích yên ổn, thì nhất định sẽ gặp bác tôi. Bác tôi sẽ hỏi han. Bấy giờ tôi sẽ đưa cái vật bác tìm ra lên bàn, bác Xtêpan ạ.
- Chà, đấy mới thật là con người! Một con người tao nhã, có học thức, vậy mà đối xử với đám bình dân chúng tôi thế nào kia chứ? Cứ mỗi khi nghĩ đến cuộc đời của mình, anh Ivan ạ, là tôi lại nhớ lại tất cả những gì đã sống qua, tôi không thể nhớ ra có lúc nào lại tốt đẹp hơn cái thời tôi cùng với ông Likhatsiốp đi khắp các sông suối. Phải, cái thời ấy thật tuyệt! Nhờ anh chuyển tới ông ấy lời chào của tất cả anh em mugích chúng tôi. Có lẽ, ông ấy cũng còn chưa quên. Nhân tiện anh cũng nói thêm là, chiến tranh đã cướp đi nhiều người trong chúng tôi, thật là đáng muôn lần nguyền rùa cái tai họa ấy...
Giọng nói của bác Lukianốp run lên, bác ta im lặng, cúi đầu.
- Tôi sẽ làm đầy đủ mọi chuyện, bác Xtêpan ạ. Xin bác cứ yên tâm. Tất nhiên là nếu tôi đi được đến đích.
- Chúa nhân từ, anh Ivan ạ. Anh sẽ đi đến nơi.
- Chúa nhân từ đấy, bác Xtêpan ạ, có điều bọn sen đầm bây giờ hết sức cảnh giác.
- Mà này, những phút đầu tiên thấy anh, tôi sững sờ bối rối. Tôi nghĩ: có phải anh đấy không? Liệu tôi có nhầm chăng? Rồi tôi nghĩ thầm, chuyện trò với anh, và xin nói thật với anh, anh Ivan ạ, tôi không còn ngạc nhiên, là anh... - bác Lukianốp cố tìm ra những lời phù hợp, nhưng bác khổ sở không làm sao tìm ra.
- Là tôi chạy trốn khỏi nơi bị đày, rằng tôi chống chiến tranh và chế độ chuyên chế Nga hoàng... - Akimốp nhắc hộ.
- Chính thế, - bác Lukianốp xác nhận.
- Chính ra, nếu nói cho chân thực, bác Xtêpan ạ, thì cả tôi cũng có một cảm giác như thế. Nhìn thấy bác, tôi ngạc nhiên. Cuộc gặp gỡ mới bất ngờ làm sao! Thế nhưng chuyện trò với bác, suy nghĩ, và hóa ra như thể là trong chuyện này chẳng có gì là không tự nhiên cả. Chính bản thân cuộc sống đã quy tụ, như thuở trước đã quy tụ chúng ta tới trên sông Ôbi và Keti...
- Chà, anh Ivan, - bác Lukianốp thở phào và hất đầu lên. - Cuộc sống... Nó tinh ma lắm, cái cuộc sống ấy... Nỗi thèm khát một cuộc sống khác nào đó làm tôi héo hon. Anh có thể hỏi tôi: cuộc sống nào? Xin chịu không nói được... Mấy lại có phải chỉ riêng một mình tôi đâu? Mọi người, hầu như tất cả mọi người... Mùa hè vào thời gian nóng nực có những ngày bỗng nhiên cảm thấy: không biết thở hít gì được, tim đập lồng lên như muốn bật ra khỏi lồng ngực, chỉ nhìn lên bầu trời không hiểu có đám mây đen nào kéo tới không, có cơn dông nào ập tới không... Người ta lúc này đang sống như vậy đó. Mệt mỏi kiệt sức. Chờ đợi. Nhưng mà thôi, anh Ivan ạ, anh đã sẵn sàng chưa nhỉ? Đến lúc phải lên đường rồi. Đến chỗ nghỉ đêm xa đấy.
- Ta đi thôi, bác Xtêpan. Cái viên đạn của bác tôi giấu vào túi đựng thuốc lá. Nhưng còn cá thì sao, có mang theo không?
- Mang theo chứ. Ta đến chỗ nghỉ đêm có thức ăn của mình.
- Thế bác không mệt ư, bác Xtêpan? Còn tôi nghỉ ngơi một nửa ngày hôm qua và đêm lại được ngủ..
- Tôi chịu được! Dù sao đi nữa cũng phải đi rồi! Theo lịch trình giao cho tôi, ngày kia tôi phải đưa anh đến trại của Okenti Xvôbốtnưi.
- Okenti lại còn Xvôbốtnưi. Nghe bí hiểm và hấp dẫn thật, - Akimốp cười to.
- Chính thế, anh Ivan ạ.
o O o
Akimốp nhìn vào lưng bác Lukianốp, bất giác suy nghĩ: «Đúng như người ta nói, mỗi người có một dáng đi của mình, cũng như nét chữ của mình, cũng như những đường nét trên tay của mình». Dáng đi bác Lukianốp không hề giống cụ Phêđốt, cũng không giống Pôlia, cũng không giống chú bé Tunguxơ Nikônca. Akimốp không đi với ai nhẹ nhàng dễ chịu như đi với bác Xtêpan Lukianốp. Và tất cả bởi vì không ai trong số những người đưa đường biết sử dụng địa thế, tìm ra trong đó những ưu việt cho bản thân, như bác Lukianốp biết cách.
Bác Lukianốp cố gắng đi tránh các bờ dốc, đồi cao, mương xói. Suốt một ngày đi đường hai người không leo lên dốc cao một lần nào. Ngược lại, Akimốp có cảm giác rằng lúc nào họ cũng trượt xuống dốc. Anh nói điều ấy với bác Lukianốp.
- Không, anh Ivan ạ, chính anh qua bản đồ cũng biết rằng chúng ta đang đi lên. Càng đi gần đến Tômxcơ, địa thế càng cao hơn. Còn sở dĩ anh cảm thấy thế là vì tôi tránh những dốc cao. Thà là đi vòng thêm mười hai mươi vecxta xuống dốc còn hơn leo dốc ba bốn vécxta. Dốc cao làm cho người kiệt sức. Sẽ bị khó thở, chân run lẩy bẩy.
- Đã đi được bao đường đất rồi, mà tôi chẳng thấy mệt chút nào. Cứ tự nó trượt đi, trượt đi miết.
- Sắp sửa sẽ đến dốc đấy. Đi tránh dốc này không lợi. Phải vòng quá xa. Còn đi thẳng ta sẽ đến nhà lán. Chỉ phải đi không đầy một tiếng nữa, chập tối là ta nấu cá của anh làm bữa tối.
- Lại là lán của bác ư?
- Của người quen của tôi. Người làng Xtaraia Kuxcôva. Có cái họ là Daitxép. Dọc theo hai bờ sông ở đây là các đồng cỏ của nông dân Xtaraia Kuxcôva. Bên cạnh Xtaraia Kuxcôva là làng lớn Nôvô-Kuxcôvô.
- Phía trước là sông Tsulưm phải không bác? - Akimốp hỏi, khi nhìn thấy gần đây một dải ngoằn ngoèo, viền quanh là rừng liễu lá nhọn và dương liễu, lớt phớt phủ tuyết.
- Tsulưm. Con sông nhiều nước, lắm cá. Và tàu thuyền lưu thông hơn một ngàn vécxta. Khi nước lên tàu thuyền có thể đi gần đến thị trấn Atsinxcơ.
- Bác đã đánh cá ở đây rồi chứ?
- Còn phải nói, đã nhiều lần. Mà tôi biết con sông không chỉ qua công việc đánh cá. Tôi cùng với đoàn thăm dò đường giao thông đã đi lại trên sông từ cửa sông cho tới gần thượng nguồn. Siscốp Viatsexláp Iacôvlevích, kỹ thuật viên, dẫn đầu tập đoàn. Một người rất tốt, không quên được. ông ta hình như cũng cùng quê với anh.
- Tôi chưa có dịp gặp.
- Thế gian lớn lắm.
Lukianốp giảm bớt tốc độ, thế là Akimốp hiểu rằng họ sắp đến chỗ ngủ đêm rồi. Về chiều trời lạnh thêm, bầu trời màu xám, tối om đã sáng lên đằng chân trời, tuyết dưới thanh trượt kêu ken két và rít lên mạnh hơn ban ngày.
Hai người vượt ngang qua con sông Tsulưm đóng băng và tiến vào cánh rừng bên sông. Bỗng nhiên nghe có tiếng người nói từ đâu đó đằng xa. Qua những tiếng nói quện với nhau, qua tiếng vọng nhạy bén thâu tóm tất cả mọi âm thanh và lan đi vang dội khắp rừng, thấy rõ là không chỉ hai ba người trò chuyện, mà là cả một đám đông.
- Sao lại có chuyện gì thế này? - nhìn quanh, bác Lukianốp nói. - Mà xem kìa, họ nhóm bếp nữa chứ, có vẻ không định bỏ đi thì phải.
Akimốp đã nhận thấy rằng ống khói căn nhà gỗ hồ như đang phụt lên những cụm khói xanh xám đính những dải tia lửa tuôn lên liên tục.
- Xử sự thế nào đây, bác Xtêpan? - Akimốp hỏi.
- Anh ở lại đây, còn tôi đến tìm hiểu xem họ tụ tập đến đấy để làm gì. Sau đó ta sẽ tính sau.
- Hay là tốt hơn ta tránh đi ngay thôi, bác Xtêpan?
- Nơi nghỉ đêm khác gần đây không có đâu, anh Ivan ạ. Chúng ta có thể đến hai làng Xtaraia Kuxcôva và Nôvô-Kuxcôvô vào lúc nửa đêm, nhưng thật ra tôi chẳng muốn làm như vậy. Ở đây có một tên quản. Hắn ta được cắt cử ngay từ hồi mùa thu năm mười bốn, cũng như ở làng Lukianốpca chúng tôi. Mà đi đến trại của Okenti nếu không nghỉ, chúng ta không đủ sức.
- Bác cứ đi đi. Tôi đợi ở đây.
- Tôi đi nhé. Nếu họ không rời căn nhà lán đêm nay, không về làng và không còn lối thoát nào khác thì tôi giới thiệu anh như một người đồng hành ngoài tỉnh của tôi. Tôi sẽ nói là anh tụt lại sau một chút. Chỉ lát nữa là sẽ tới.
- Đành vậy: bác cứ làm đi. Trong trường hợp này cứ gọi tôi là Gavrin.
- Gavrin Gavrilôvích. Cũng lại là kỹ thuật viên công trình giao thông. Nghĩa là mùa hè sẽ có một đoàn khảo sát tới. Chúng ta xem xét trước mọi mặt ra sao. Khắp Tsulưm ở đây mọi người đều biết là tôi đã từng đi với Siscốp.
- Xuôi đấy, bác Xtêpan ạ. Bác cứ đi đi.
Lukianốp bỏ đi. Akimốp lùi khỏi vệt thanh trượt của Lukianốp một chút, đứng ra sau thân cây phong to đến hai người ôm, chăm chú nghe ngóng. Tiếng chuyện trò bỗng im bặt, tiếng vọng lắng xuồng, và Akimốp biết rằng bác Lukianốp đã đi đến căn nhà lán và đang chào hỏi những người mugích.
Có lẽ chỉ qua non nửa giờ, Akimốp đã nghe thấy tiếng tuyết lạo xạo, và giữa các thân cây phong khô khẳng thấp thoáng hiện ra bóng dáng bác Lukianốp.
- Chà, mới được một mẻ vui, anh Ivan ạ, - bác Lukianốp vui vẻ lên tiếng. Vừa buồn cười vừa tủi phận. Họ là dân mugích ở Xtaraia Kuxcôva và ở Nôvô-Kuxcôvô. Đã ngày thứ ba họ trốn đội cảnh sát ở đây. Chính Ivan Êgôrôvích Daitxép cũng ở đây. Khắp Tsulưm ông ta nổi tiếng là một người đánh cá có tên tuổi, chủ căn nhà lán này.
- Thế bọn họ, những người mugích ấy, có đông không?
- Có đến mười bảy người! - bác. Lukianốp bật cười. - Không lọt được tất cả cùng vào lán, nên họ ngủ luân phiên. Họ đi săn bắn, đánh cá.
- Nhưng có chuyện gì vậy? Chuyện gì xảy ra ở chỗ họ?
- Nghĩa là chuyện xẩy ra thế này, anh Ivan ạ. Ở làng Đôrôkhôvô đám vợ lính tự tiện mở kho lúa của nhà nước rồi đem chia cho nhau. Vậy là, người ta gọi lính từ Tômxcơ về để đàn áp. Chỉ có điều đàn áp ai kia chứ? Trong khi binh lính còn đang trên đường đi, đám đàn bà bèn đem giấu tiệt số thóc đến nỗi bọn kia đến nơi sục sạo chẳng còn tìm ra một hạt nào. Nhưng cái chính là không biết xử phạt ai. Thế là bọn chúng liền bắt thôn trưởng đem ra tỉnh. Chúng sẽ đem xử theo luật lệ thời chiến. Chắc chúng xử bác mugích ấy đi tù khổ sai. Mà tấm gương ấy hóa ra dễ lây. Vừa rồi cả ở làng Vôrônina Pasnia người ta cũng toan cướp kho thóc. Quan trên hoảng sợ thực sự. Lệnh ban ra: tập trung tất cả đám mugích không phải gọi lính và các binh lính bị thương giải ngũ vào các đội và cắt cử về các làng xóm để canh giữ các kho thóc. Kho thì ở đây nhiều lắm: ở Puskina Troitxa, ở Kadanca, ở Mitrophanốpca, ở Malaia Girôva... Các kho đều thuộc tổng nha quân nhu. Vì vậy mà anh em mugích mới hoảng sợ. Họ phải chạy trốn đi. Họ muốn ngồi ở đây đợi lúc tai qua nạn khỏi. Tôi phải nói cho anh nghe: họ hoảng sợ là rất đúng. Chỉ có thằng đểu mạt hạng mới bằng lòng đi đến các làng khác làm cái việc phục dịch ấy. Cái công việc chẳng hay ho gì! Mà cũng lại chẳng an toàn nữa. Người ta có thể vặn cổ cả đám quân cảnh vệ như vậy. Thấy chưa, câu chuyện tức cười đấy chứ?!
Rõ ràng Lukianốp thích thú hành động của đám mugích đã quả quyết chống cự lại những kẻ cầm quyền cảnh sát. Bác kể lại mọi chuyện bằng một giọng hào hứng và với tiếng cười hài lòng.
Akimốp nghe bác Lukianốp nói và nghĩ bụng: «Phải chăng đấy đã là chứng cớ tâm trạng chống chiến tranh đang lớn mạnh?! Và ở đâu kia chứ? Ngay ở tận sâu trong lòng Xibiri, trong rừng taiga hoang vắng. Ở đây có thể người ta còn chưa được nghe một lời nói bônsêvích nào, vậy mà hành động hoàn toàn theo bônsêvích. Lênin đã đúng, ngàn lần đúng, khi đồng chí ấy khẳng định rằng chính bản thân hiện thực sẽ dọn đường cho các tư tưởng của chúng ta».
Tâm trạng hứng khởi của bác Lukianốp lây truyền sang cả Akimốp.
- Thế nào, anh em mugích ở đấy nhận cho chúng ta trọ đêm chứ? - anh hỏi.
- Còn phải nói! Họ bảo, bản thân chúng tôi ở chật thêm một chút, chứ đối với khách sẽ tìm ra chỗ. Làm sao có thể khác được chứ?
- Như vậy thì ta đi, bác Xtêpan, - Akimốp nói, không chút gì nghi ngại là đến đấy anh lại còn gặp chuyện gì rắc rối nữa.
Anh em mugích túm tụm bên cạnh căn nhà lán. Ngay cả những người đang nghỉ ngơi trong nhà cũng trở dậy để đón gặp bác Lukianốp với người đồng hành của bác. Một số biết bác Xtêpan là một ngư dân và thợ săn, số người khác - biết bác là người dẫn đường cho đoàn khảo sát của giáo sư Likhatsiốp và đội khảo sát cục giao thông.
Gần mái che trái nhà có một đống lửa đang cháy. Nhiều anh em mugích đang ngồi trên những khúc thân cây, cành cây, ghé bên lửa hút thuốc, ngồi xổm chồm chỗm, chuyện trò không còn to như trước khi bác Lukianốp đến.
Akimốp đưa mắt nhìn khắp lượt dân mugích. Bóng đêm đã kéo đến, nhưng còn chưa dày đến mức không thấy rõ được gương mặt của mọi người, quần áo, giày ủng của họ, đoán biết lứa tuổi của họ.
Thoáng nhìn Akimốp đã thấy rằng họp mặt ở đây là những người không còn trẻ nữa. Nhìn anh là những bộ mặt râu ria rậm rì, vết nhăn chằng chịt, in dấu cuộc đời vất vả, mà họ đã phải chịu đựng. Thoáng hiện ba bộ mặt trẻ trung hơn. Đó là những người lính phục viên. Một trong ba người cụt một tay, người thứ hai đi một chân gỗ, còn người thứ ba: mảnh đạn đại bác phạt lẹm cằm và trên má đầy vết sẹo đỏ lự, còn chưa kịp lành hẳn. Quần áo của đám mugích hỗn độn. Mặc dù giá rét, một số người không mặc áo lông cộc, mà mặc áo dài vải gai, hai người cựu chiến binh - mặc áo capốt cắt ngắn bớt.
- Anh Xtêpan, anh đưa khách vào nhà. Trong đó dù sao cũng có thể sưởi ấm chóng hơn, - người mugích ngồi hơi tách xa những người khác một chút nói bằng cái giọng khàn khàn.
- Anh khỏi phải bận tâm, Ivan Êgôrôvích. Chúng tôi cũng có bị rét cóng đâu. Anh biết đấy, đi đường nóng người đến thế nào kia chứ, - bác Lukianốp đáp lại lời mời của chủ nhà.
- Nhưng dù sao đi nữa... Vào đi, anh bạn đồng hương, cứ coi như ở nhà mình, - bác Ivan Êgôrôvích nói với Akimốp và Akimốp nhận ra là bác ta đưa mắt thăm dò anh suốt từ chân lên đầu.
- Bác đừng quá bận tâm, cám ơn bác, - Akimốp nói và tháo giây khóa thanh trượt, dựng vào nhau, lấy bao tay lau mặt gỗ trượt, sau đó cắm cả vào đống tuyết.
Tôi sẽ hâm lại nước trà, canh cá cũng còn đây. Mời các vị vào đi. - Bác Ivan Êgôrôvích có cái giọng khàn mở rộng cửa căn nhà lán, mời khách đi trước.
Trong căn nhà gỗ không khí hơi ngột ngạt. Không khí sực mùi thuốc lào. Nhưng các thành tường còn chưa kịp khô hết nhựa, vì vậy hương thơm tươi dịu của nó át tất cả các mùi khác. Miếng mỡ với ngọn bấc tròn bằng bông lách tách cháy trong cái vỏ hộp nhỏ.
- Các bạn đồng hương ạ, bánh mì mới nướng thì chúng tôi chẳng có đâu, nhưng bánh mì khô thì đây, xin tùy ý, - Ivan Êgôrôvích thết đãi khách, bầy ra bàn cái ga men to phải bằng cái xô còn ít canh cá và cái ấm trà bằng đồng.
- Cá mú thế nào, Ivan Êgôrôvích? Nặng lưới không? - bác Lukianốp mở đầu hỏi chuyện, cố tránh trước các câu hỏi của chủ nhà về mình và về Akimốp.
Bằng cái giọng khàn, ho nặng nhọc, Ivan Êgôrôvích kể tỉ mỉ về nghề nghiệp. Cá đánh kém, và không phải vì sông nghèo đi. Ngược lại, cá nhiều hơn trước, nhưng vấn đề là ở chỗ dụng cụ chài lưới trong những năm qua đã hư hại rách nát quá. Cần phải thay lưới. Việc đó dường như là hiển nhiên, nhưng làm được không phải chuyện dễ. Lưỡi câu thép tốt thật sự ngoài tỉnh có trả giá thế nào đi nữa cũng chẳng tìm mua nổi. Người ta ngừng sản xuất dây thừng công nghiệp, biến mất cả dây câu bằng lanh và chỉ gai. Nghề săn cũng mạt vận rồi. Thuốc đạn, hạt chì, ngòi nổ chỉ có thể kiếm được ở chợ đen và với cái giá đến mức mỗi phát đạn gần như bắn bằng vàng vậy.
Akimốp yên lặng nghe bác Ivan Êgôrôvích và ra vẻ mải mê ăn. Bác Lukianốp tán đồng phụ họa theo, bởi vì những tai họa mà bác ngư dân Tsulưm già này vừa kể, bác cũng biết rõ qua kinh nghiệm của chính bản thân mình.
Trong lúc Ivan Êgôrôvích kể chuyện, cánh mugích từng người từng người nối theo nhau vào nhà. Lát sau họ choán đầy nhà từ bàn khách ra đến ngưỡng cửa, lắng nghe câu chuyện, trong đó, nói cho đúng ra, chỉ có hai người tham gia - bác Ivan Êgôrôvich và bác Lukianốp. Cánh mugích ngồi, túm tụm trên ghế dài và trên phản, dựa vào các rầm cửa. Mỗi người ngồi một kiểu tùy theo điều kiện cho phép.
Khi giọng nói khàn khàn của bác Ivan Êgôrôvích lặng đi, liền nghe thấy tiếng nói là lạ của người lính cụt tay.
- Bác Xtêpan, người đồng hành của bác chắc là người tỉnh thành, - anh ta nói và chú ý nhìn Akimốp. - Hẳn là anh ấy biết rõ chiến tranh hiện ra sao. Liệu đã sắp yên ổn chưa?
Bác Lukianốp bối rối nhìn Akimốp:
- Thế nào, Gavrin Gavrilôvích, anh có thể nói gì hay không nhỉ? Ai đau ở đâu, người đó nói về bệnh đó, - bác Lukianốp nói, bằng nụ cười thận trọng nhắc nhở Akimốp rộng lượng đối với sự tò mò của cánh mugích.
«Không, người anh em ạ, dù anh có đội lốt bồ câu đi nữa, - trông cánh bay cũng nhận ra anh là đại bàng», - mỉm cười hiền lành, Akimốp nghĩ thầm về bản thân.
- Tin tức từ mặt trận đã từ lâu tôi không được đọc. Tôi với bác Xtêpan lang thang qua biết bao nhiêu con sông vùng này rồi nhỉ? Nhưng vấn đề không phải ở các thông báo tin tức. Chiến tranh không có kết thúc nào khác là chết sặc trong máu của nhân dân. Mà nước Nga chỉ có một lối thoát - lật đổ chế độ Nga hoàng...
Akimốp đưa mắt nhìn cánh mugích và hiểu ra là: hiện nay trên thế gian này không có gì khác đụng chạm mạnh đến nông dân bằng chiến tranh, tình hình nước Nga, tương lai trước mắt của nước Nga. Anh em mugích dường như nín thở. Những điếu thuốc quấn và tẩu thuốc đều dụi tắt. Trong giây phút này thậm chí không người nào dám hút nữa. Rít khói, bập môi vào cán tẩu thì có thể bỏ qua mất những lời lẽ quan trọng nào đó của con người thuộc sở công trình giao thông này, như bác Lukianốp đã giới thiệu anh. Nhưng, cũng phải nói là, về cái chuyện giao thông, cũng chẳng mấy ai tin đâu. Họ đã thấy rõ con người tỉnh thành này thuộc một kiểu cách hoàn toàn khác hẳn. Không dễ gì bắt ông kỹ thuật viên công trình giao thông đi bộ lần mò tới những nơi xa xôi hẻo lánh trong rừng taiga. Vả lại kỹ thuật viên công trình giao thông cần gì đến những con sông vào mùa đông giá lạnh, khi chúng ẩn kín cả dưới băng tuyết? Anh ta nhìn thấy gì ở đây, hiểu được gì ở đây kia chứ? Mặc dù bác Xtêpan Lukianốp lanh lợi thật đấy, nổi tiếng và có uy tín trong những công việc săn bắn của mình thật đấy, nhưng ở đây thì chuyện bầy đặt của bác hơi yếu, nói thẳng ra là chỉ dành cho những kẻ ngốc. Mà dân mugích vùng này từ thủa cha sinh mẹ đẻ đâu có ngốc bao giờ, lừa họ quả là chuyện vô nghĩa. Chính họ cũng đã biết đôi điều về những công việc bí mật của các chiến sĩ đấu tranh chống chế độ Nga hoàng. Ở Xtaraia Kuxcôva và ở Nôvô-Kuxcôvô có khoảng mười lăm hộ mang họ Grônxki, Kubitxki, Iablônxki, Brônevxki. Đó đều là con cái của những người khởi nghĩa Ba Lan năm sáu ba, đã tìm thấy nơi nương náu trong thổ dân Xibiri. Trong tâm tư của họ còn tươi nguyên những hồi ức về thời gian ấy, khi hàng ngàn người Ba Lan do ơn đức độc địa của Nga hoàng, bị ném đến xứ Xibiri khắc nghiệt phó mặc cho số phận tráo trở... Nếu dân địa phương bấy giờ không giúp đỡ họ, không chìa bàn tay thông cảm, hẳn không chỉ bản thân những người khởi nghĩa Ba Lan, mà cả con cái và cháu chắt họ, cũng đều biến khỏi mặt đất không còn dấu vết gì nữa.
Dân mugích vùng này cũng biết đến ân huệ của Nga hoàng cả trong những năm gần đây. Trong năm một ngàn chín trăm linh bảy, một ngàn chín trăm mười, mười hai hàng loạt người bị lưu đày ào ạt đổ tới Xtaraia Kuxcôva và Nôvô-Kuxcôvô. Đó là công nhân và sinh viên từ Mátxcơva, Pêtrôgrát, Rôxtốp trên sông Đông, Kharcốp. Đói khát và cóng lạnh, Không một người nào chết lụi ở đây. Tất cả đều được nông dân cho sưởi ấm và ăn no, dạy cho cách dùng cái bẫy đơn giản nhất kiếm lấy thức ăn từ các con sông và rừng taiga.
Người dân vùng này đã cho biết bao nhiêu người chạy trốn một mẩu bánh, một gáo nước, chỉ cho lối đi thế nào tốt để tránh cái nguy hiểm trên đường?! Còn về Ivan Êgôrôvích Daitxép thì bác đã từng đưa không ít những chàng sinh viên ham hiểu biết, những nhà thực nghiệm tự nhiên học tương lai đến các vùng rừng, những sông suối và hồ nước taiga hẻo lánh của vùng Tsulưm.
Akimốp càng nói, những người mugích càng thấy rõ ràng hơn là đối với anh kỹ thuật viên này, điều quan tâm đầu tiên không phải là công trình giao thông trên các con sông Xibiri, mà là tên Nga hoàng với tất cả bọn giết người của hắn: những tên bộ trưởng, những tên nghị sĩ, những tên tướng tá, hiến binh.
Những người mugích này còn chưa bao giờ được nghe những lời lẽ mà chàng nổi loạn trẻ tuổi này dùng để vẽ lên cuộc sống của nhân dân. Có cảm giác không phải là những từ ngữ, mà là những trái bom bay ra từ miệng anh. Mặt đất rung chuyển, những trụ cột mục ruỗng của đế chế Nga hoàng đang lung lay sụp đổ. Bình minh ngày mới của nước Nga sẽ hiện lên bao trùm trên tất cả đống tro tàn thối rữa này...
Những người mugích đã héo hon đau khổ phải sống xa cách sự thật. Akimốp vừa ngừng nói để lấy hơi thì từ khắp mọi góc nhà tới tấp cất lên các câu hỏi. «Chúng ta phế bỏ tên Nga hoàng này, thì tên Nga hoàng khác có thể lên ngôi không?»; «Nếu không có Nga hoàng thì ai sẽ lãnh đạo nhân dân?»; «Quân Đức, đâu có phải là đồ ngốc, liệu có xông đến đất nước ta một khi ta không có Nga hoàng? Làm thế nào chặn chúng lại?»; «Chính quyền mới liệu có chia ruộng đất cho tầng lớp nữ giới không hay đám đàn bà con gái lại sẽ lụi hụi làm mà chẳng được gì cả?»; «Nga hoàng với bọn tôi tớ của hắn sẽ cuốn xéo đi đâu?»; «Nghĩ như thế nào đây về tiền trợ cấp cho những người tàn tật, vợ con binh lính và trẻ mồ côi?»; «Anh bảo: công nhân và nông dân phải chung một lòng. Nhưng liệu dân thành thị có lừa dối họ không đây? Kẻ nào không cày đất, kẻ đó không biết cực. Liệu họ có hiểu anh mugích cần gì không?»; «Ai mạnh hơn - thượng đế hay Nga hoàng? Tại sao thượng đế không phán xử Nga hoàng theo cách của mình?»...
Akimốp trả lời mọi câu hỏi một cách tỉ mỉ, không vội vàng. Phát triển những câu hỏi ấy, anh tự đặt ra thêm những câu hỏi bổ sung. Đến cuối cuộc trò chuyện những người nông dân đã biết ra được nhiều điều về sách lược của đảng bônsêvích, về các nhiệm vụ chiến lược của đảng ấy trong cuộc cách mạng mới đang chín muồi ở nước Nga.
Akimốp nói khá vất vả. Trong căn nhà gỗ trở nên ngột ngạt và hôi hám đến khó chịu nổi. Miếng mỡ không còn cháy nữa, mà chỉ hơi nhấp nháy. Tiếng nói của Akimốp, thoạt đầu dõng dạc và rành mạch, giờ khản đặc, trên trán và má mồ hôi đổ giọt chảy dòng dòng.
- Vậy là, anh em mugích, liệu đã đến lúc để cho ông khách được nghỉ ngơi chưa nhỉ? - bác Ivan Êgôrôvích nói, thấy rằng bằng cách khác không thể ngăn dòng câu hỏi lại được.
Anh em mugích im lặng, miễn cưỡng ra khỏi nhà, lặng lẽ chìm sâu trong những suy tư của mình. Cả Akimốp cũng theo họ bước ra ngoài trời. Và ở đây họ lại hỏi anh về mặt trận, về cuộc sống của nông dân ở các địa phương khác của nước Nga. Cuối cùng, sau khi đã làm thoáng căn nhà gỗ, Ivan Êgôrôvích mời Akimốp và bác Lukianốp trở vào nhà và xếp cho hai người lên nằm ở phản, trước hết nhường cả chỗ của chính mình.
Nhưng qua chừng độ ba tiếng đồng hồ chính bác ta lại đánh thức hai người khách dậy, mời uống nước trà trong lúc trời còn tối mù, căn nhà sáng lờ mờ bởi bếp lò bỏ ngỏ, rồi bác chỉ cho làm thế nào để tìm ra lối mòn. Rừng vẫn còn chìm trong đêm tối. Trên trời không có một dấu hiệu nào cho thấy là sắp sáng, nhưng buổi sáng đang tới gần. Gió từ miền thượng lưu thổi về. Các ngọn cây bắt đầu lay động, tuyết phủ trên đó lả tả rơi xuống, chạm những cạnh sắc của mình vào bên má, bên mi người ta. Rừng taiga Tsulưm tối mù tràn đầy tiếng ầm ầm và rú rít.
Akimốp đi khỏi căn nhà lán chừng một trăm xagiên, ngoái nhìn trở lại. Qua những cây cối trơ trụi nhìn thấy đống lửa cháy bùng bùng, những hình người cúi gập của đám nông dân sưởi quanh đống lửa chờ đến lượt mình vào ngủ trong nhà, anh nghĩ: «Phải, phải, những con người này đáng được hưởng một số phận tốt đẹp hơn. Và họ sẽ giành lại số phận ấy ở trong tay chế độ Nga hoàng và tư bản Nga. Ngày ấy sẽ đến!»
Anh nhớ lại buổi trò chuyện đêm qua của mình với anh em mugích hai làng đó, nhớ lại các câu hỏi của họ, những câu hỏi có cái gì đó giống như những ngụm nước thèm khát của khách bộ hành kiệt quệ vì nắng nực, và anh không tiếc là anh nói với họ một cách cởi mở và thẳng thắn, như với các đồng chí cùng sát cánh đấu tranh.
o O o
Lần nghỉ tiếp theo bác Lukianốp tổ chức ở trang trại của nữ tu viện cựu giáo Iucơxinxki. Bãi cỏ, ở đó trước đây là tu viện, đã mọc đầy lớp cây bụi, phủ đầy các gò đống và hố rãnh do những công trình cũ đổ xuống. Chỉ còn sót lại được căn phòng tu của nữ tu viện trưởng nằm trên bờ con sông nhỏ, trên ngọn đồi, chung quanh bao bọc những cây tuyết tùng và thông. Chắc chắn là cả cái căn nhà nghèo nàn lún sâu xuống đất này cũng đã mục nát và sụp đổ giống như các công trình khác, nếu những người thợ săn đi theo lối mòn qua đây thỉnh thoảng không nhóm lửa lên sưởi nóng căn nhà để tránh giá lạnh, những trận bão tuyết và mưa rào vào thời kỳ mùa đông và mùa thu.
Khi vào trong nhà nhìn các bức tường gỗ ghép của căn nhà phủ đầy nấm, mốc và rác bụi, đưa mắt nhìn bác Lukianốp, Akimốp hỏi:
- Không lẽ, bác Xtêpan, đích thực nữ tu viện trưởng đã sống tại đây?
- Không sai đâu. Tên bà là Evphalia. Người ta đồn đấy là một bà già oai nghi, quyền thế. Bà ta nắm chặt tất cả tu viện trong tay. Ở vùng rừng Iucơxinxki này loại tu viện như thế này có tới mấy cái. Nam nữ tu sĩ sống ở đây rất lâu, nhưng dù sao đi nữa, khi cựu giáo bị mất rễ, thì họ cũng liền tan rã.
- Nhưng tín ngưỡng của họ như thế nào?
- Cái gì tôi không biết đến nơi đến chốn thì tôi sẽ không nói. Một số trong bọn họ tự mệnh danh là những người chạy giỏi, nhưng như vậy là thế nào, giải thích tôi xin chịu. Ông cụ thân sinh tôi có lần bảo rằng trong cái nữ tu viện này người ta tuân theo những cấm kỵ đặc biệt. Kể thì cái đó cũng dễ hiểu thôi. Người ta đưa các cô gái từ tất cả mọi miền và thậm chí cả từ các nước khác nữa đến đây. Chính bản thân nữ tu viện trưởng, nghe nói bà ta cũng từ Viên đến, biết nói tiếng Pháp và tiếng Đức.
- Hóa ra là, những bức tường này đã từng nhìn thấy nhiều chuyện, được nghe nhiều chuyện, - lại đảo mắt nhìn khắp căn nhà, Akimốp tư lự nói.
- Anh còn phải nói! Tại đây đã đổ biết bao nhiêu nước mắt - lấy xô lấy gầu cũng không tát xuể. Gần đây có một hồ nước, không lớn đâu, nhưng sâu. Đáy trong ngày nắng không nhìn thấu. Dân thợ săn gọi cái hồ ấy là hồ «Nước mắt thiếu nữ». Có lẽ, gọi như thế không phải là không có nguyên cớ. Nhiều nữ tu sĩ trẻ đã đeo hòn chì trên ngực trầm mình tại đây. Một thời gian dài người ta không đánh cá ở hồ này vì chúng ăn thịt người.
Akimốp hình dung ra cuộc sống của các cô gái trong tu viện này, mọi cái có thể xảy ra ở dưới mái nhà này... Tù khổ sai, buồng bí mật ở pháo đài Xlixxenburg, địa ngục... Muốn đứng dậy và lập tức bỏ đi khỏi nơi đây. Bác Lukianốp dường như cảm thấy được tâm trạng của anh.
- Bây giờ thì cái phòng tu này, anh Ivan ạ, có ích lắm đấy. Chính tại nơi đây đã từng xảy ra một chuyện như thế này. Ở Lukianốpca vào đầu chiến tranh có bảy người trong một đoàn tù bị áp giải bỏ chạy. Cùng một lúc! Họ trốn dưới hầm chứa đồ, trong vườn rau của một bà cụ già, bà cụ liền chạy tới tôi: «Xtêpan, phải cứu lấy người! Không lẽ đưa họ cho bọn cảnh sát hành hạ». Tôi đưa họ đến đây, và họ đã sống ở đây cho đến mùa thu, cho đến khi ở ngoài tỉnh chuẩn bị xong giấy tờ mới cho họ. Sau này một bác mugích ở Alếchxanđrốpca nói lại với tôi - họ ăn cá ở hồ nước, nói đùa với nhau: «Nếu như không có «Nước mắt thiếu nữ», hẳn chúng tôi chỉ có một nỗi u buồn đàn ông», - bác Lukianốp cười to, và tiếng cười của bác, tiếng cười của con người khỏe khoắn, mạnh mẽ, đưa Akimốp ra khỏi tâm trạng âm thầm tức tối.
- Cách mạng sẽ dọn rửa sạch tất cả các ngõ ngách tăm tối này của đế quốc Nga bằng cái bàn chải thủy thủ cọ sàn, - Akimốp nói sẽ, với nỗi bực tức sâu kín, nheo nheo mắt và tập trung suy nghĩ điều gì đó riêng tư.
Bác Lukianốp không đáp lại, vì hiểu rằng Akimốp nói ra điều đó chính là để cho chính bản thân mình.
Hai người ngồi trong buồng của nữ tu viện trưởng chừng nửa tiếng, rồi bắt tay vào chuẩn bị bữa trưa. Bác Lukianốp làm cá. Akimốp nhóm bếp, lôi ở rừng về những cành cây khô.
Sau khi biết ra là họ sẽ ở lại ngủ đêm tại đây, Akimốp ngạc nhiên: còn những hẳn nửa ngày nữa kia mà.
- Có thể đến tối cũng đi tới trại của ông Okenti đấy, nhưng không được phép, anh Ivan ạ. Bây giờ ở đây là phải mở to mắt nhìn cho kỹ. Vì chỉ với tay là tới khu dân cư, - bác Lukianốp nói.
Akimốp không phản đối. Trong hoàn cảnh của anh, điều thông minh nhất là trông cậy vào các đồng chí. Đã nhiều lần anh đi đến kết luận ấy.
Khi trong buồng của nữ tu viện trưởng đã được sưởi ấm lên, Akimốp thấy căn buồng ấm áp hơn và không đến nỗi ảm đạm nữa, có thể ngủ qua đêm ở đây cũng được, mà nếu như cần thiết, thì có thể sống được nữa, như những người mugích bỏ chạy khỏi đoàn tù bị áp giải đã từng sống ở đây. Nghĩ tới những người chạy trốn, Akimốp bỗng cảm thấy một sự tò mò thực sự đối với những người ấy.
- Thế đoàn tù có bẩy người chạy trốn ấy, bác Xtêpan, chúng lùa đi đâu? - Akimốp hỏi.
- Tôi không thể nói chính xác được. Một trong hai nơi: hoặc là tới hầm mỏ của Mikhenxôn ở Angiêrca, hoặc là đến xí nghiệp sa khoáng ở Martaiga. Mà có thể, đến Ênhixây, gần các địa điểm lưu đày.
- Thực chất là đến nơi tù khổ sai. Thế tại sao chúng giải đi bộ? Đường sắt ở bên cạnh kia mà.
- Thì dễ hiểu là tại sao: khi thì không có toa chờ - vì chiến tranh đấy, khi thì không tìm ra thức ăn cho đoàn tù. Còn đằng này thì những người tù cứ việc bước đi lấy, nhân dân ít nhìn thấy họ, lại nữa ăn uống dễ kiếm hơn. Nơi thì họ mua, nơi thì họ ăn cắp ăn trộm, nơi thì tước đoạt không trả tiền...
- Tùy hoàn cảnh, - Akimốp cười chua chát.
- Đúng thế. Về khoản sưu cao thuế nặng thì chỉ có trong các thể lệ về các công xã nông thôn là ghi chép đâu vào đấy, chứ thực ra thì đủ loại người bóp nặn của nông dân!
- Cha đạo, viên quản, thôn trưởng, xã trưởng, - Akimốp bắt đẩu điểm lại.
- Ấy, những hạng đó đại loại cũng là người của mình, họ sống ngay cạnh, - bác Lukianốp cười, nheo đôi mắt màu khác nhau. - Còn xa hơn một chút là cảnh sát trưởng của tổng, cảnh sát trưởng của huyện, thủ lĩnh nông dân, thẩm phán hòa giải... Ê, chẳng kể ra hết đâu!
Trong những giây phút trò chuyện đó và một lát sau, khi họ ngồi xuống ăn trưa, bác Lukianốp mấy lần phải ghìm ý muốn của mình nói ra chuyện giấy tờ của ông Likhatsiốp. Nhưng đến giây thoáng cuối cùng đột nhiên bác lại ngờ vực: «Nhưng liệu có nên nói cho anh ta về chuyện giấy tờ ấy không? Về một mặt nào đó, chuyện ấy làm hại giáo sư Likhatsiốp thì sao?» Mà không nói cũng không hay. Nhỡ họ gặp nhau, chuyện trò nhắc đến bác ta, bác Lukianốp này, giáo sư lại hỏi: «Thế còn về giấy tờ của chú, bác ấy nói thế nào? Chú sai bác ta đến Keti, lấy giấy tờ của chú ở đấy về, giữ gìn chúng cho đến một lúc nào đó... Tiền chú chẳng tiếc, chú đã gửi tiền trước, để bác ta quan tâm. Không phải nhờ vả suông...»
Cả bữa ăn trưa cứ thế trôi qua trong những ngờ vực, cho đến lúc này bác Lukianốp vẫn không phút nào làm lộ về chuyện giấy tờ ấy, bác vẫn giấu kỹ. Chính vì thế câu hỏi của Akimốp càng hóa ra đột ngột hơn đối với bác ta!
- Mà này, bác Xtêpan, bác đã có dịp đến Keti sau chuyến đi khảo sát với ông chú tôi chưa?
Trong giờ phút này Akimốp nhớ lại những ngọn đồi đầy rừng bè bè, rải rác khắp chung quanh lán trại Lukaskin như những con thuyền buồm đang bơi.
«Vừa hay đúng dịp», - bác Lukianốp mừng rỡ. - Vâng, tôi đã có dịp đến, anh Ivan ạ. Tôi vừa định kể cho anh nghe, thì anh lại lưu ý tới, - bác sôi nổi lên tiếng. - Mọi chuyện xảy ra như thế này. Mùa xuân năm mười bốn bỗng có phái viên của ông Likhatsiốp, nghĩa là của ông bác anh, tìm đến tôi. Anh ta mang theo một bức thư trong cái phong bì to có lót giấy đen. Chữ viết to, rõ ràng, để có thể hiểu được từng chữ từng lời. Con người bác học ấy viết cho tôi một cách trân trọng: «Bác Xtêpan thân mến, bác hãy giúp tôi trong chuyện không may của tôi. Như bác biết đấy, tôi bị lẫn đâu một bao giấy tờ. Đó chính lại là tài liệu chuyến khảo sát Keti: các tấm bản đồ, các bức ảnh, các bức vẽ, và cái chính là những cuốn nhật ký của tôi. Tôi cho rằng những tài liệu ấy bị tôi bỏ quên ở trạm chính. Bác nhớ không, ở quá trên bờ dốc Belưi một chút? Cũng có thể ở đâu đó một chỗ khác. Nhờ bác tìm giúp. Tôi biết rằng tôi nhờ vả bác một việc lớn, làm bác mất công mất việc, nhưng tôi không thấy có lối thoát nào khác. Để bù đắp dù chỉ một phần những chi phí của bác trong việc bác phải xa nhà, tôi xin gửi người đưa thư của tôi mang đến bác một trăm rúp. Xin bác đừng quá trách cứ tôi vì số tiền không đáng bao nhiêu. Tôi đã hết tiền. Các chuyến khảo sát thăm dò đã ngốn sạch dự trữ của tôi, không để lại gì nữa. Nhưng xin rằng sau này không dám để bác thiệt thòi. Bác Xtêpan thân mến, mong bác vội cho, bác hãy cho tôi được mừng. Trái tim tôi cứ thắt lại mỗi lần linh cảm: nhỡ lũ chuột rừng lại gậm nát những giấy tờ ấy của tôi thì sao? Bấy giờ thì biết làm thế nào? Nếu như giấy tờ còn nguyên vẹn thì xin bác mang theo chúng phóng ngay tới chỗ tôi. Cho tâm hồn tôi được giải thoát khỏi gông cùm. Còn nếu một khi thượng đế đã phán xử khác - thôi thì đành vậy».
Bác Lukianốp kể lại bức thư của giáo sư Likhatsiốp không hề ngắc ngứ: chắc là bác đã đọc đi đọc lại không chỉ một hai lần, bác đã ghi nhớ nó suốt đời.
Akimốp nóng lòng sốt ruột.
- Thế sau đó ra sao, bác Xtêpan? - anh giục giã bác Lukianốp, vừa lúc điếu thuốc quấn của bác như thể cố tình lại tắt vì vậy bác phải bậm môi, rít hơi, nhưng điếu thuốc không làm sao cháy lại được. Cảm thấy câu chuyện của bác lôi cuốn người nghe, bác Lukianốp mở cửa bếp lò, nhổ toẹt điếu thuốc.
- Hừ, đồ ôn dịch! - bác rủa và trở lại ngồi vào chỗ mình. - Ra sao ư? Sự thể là như thế này, tôi bắt đầu thu xếp lên đường, - bác nói tiếp. - Không lẽ tôi lại không giúp đỡ ông Likhatsiốp sao, không đáp lại tiếng gọi của ông ấy sao? Chỉ có điều đường sá ở đây thì không gần gụi gì. Mùa đông thì cứ việc đi thanh trượt vào và phới thẳng đi tới bất cứ nơi nào anh muốn, chứ mùa xuân thì mỗi con suối nhỏ cũng sôi loạn lên thành sông lớn cả. Đành phải đợi chờ nước xuống. Một tháng trôi qua, mà có thể còn hơn nữa. Tôi đi thuyền theo sông Tsulưm lên đến núi Trọc, từ đó bắt đầu lần theo các lối mòn lên tới Keti. Vừa đi, tôi vừa nghĩ bụng: «Nếu như tìm thấy giấy tờ ấy thì tốt, nhưng nhỡ chuyến chu du của tôi lại như phát súng trượt thì sao: đầu súng tỏa khói đấy, mà con mồi vẫn nguyên vẹn nhởn nhơ dạo giữa thiên nhiên». Vậy là, tôi đã tới Keti, đóng một cái bè, bơi sang bờ bên kia. Trạm nghỉ của chúng tôi đây rồi. Tôi đi đến những cái lán cao mà trong ngực tôi tim hồi hộp đập thình thịch. Các cành cây đắp trên lán đã khô mục, lá đã rữa nát, nhưng khung lán còn nguyên vẹn, như hôm qua mới đóng xuống đất. «Tìm đâu ra bây giờ, cái bao tài liệu của ông Likhatsiốp?- tôi nghĩ. - Bắt đầu từ đâu?» Thoạt đầu tôi lục tìm căn lán nơi anh với ông chú anh trước đây đã cùng chung sống. Chẳng tìm thấy gì cả. Sau đó lục tìm ở các lán của anh em mugích chúng tôi. Cũng rỗng không. Tôi buồn xỉu. Không còn biết tìm ở đâu nữa. Và đã toan thu xếp trôi bè xuống hạ lưu, đến trạm thứ hai của chúng ta, vừa may chợt nhớ ra là ở ngay cạnh bờ sông, trong cánh rừng nhỏ, chúng ta còn có một cái lán nữa, cái lán chứa lương ăn. Anh Ivan có nhớ không, ngay ở trên sườn cái dốc không cao lắm?
- Sao lại không nhớ kia chứ? Tôi nhớ tất cả các lán. Chỉ có cái lán ở cánh rừng nhỏ thì khi tôi ở đấy còn chưa có: thức ăn bấy giờ cất giữ trong cái hầm đất đào bên bờ.
- Mà đúng thật, anh chẳng biết được đâu. Chúng tôi đã làm cái lán ấy trong đợt khảo sát cuối cùng, không có anh cùng đi. Cái hầm đất bên bờ bị sập, nước lũ san bằng... Nhưng mà thôi. Tôi đến tìm xem cả cái lán ấy nữa. Nhưng ở đây cũng chẳng có gì cả. Tôi ra khỏi lán, đứng nghĩ ngợi: «Biết làm sao nữa đây? Cỏ lẽ phải ngủ lại ở đây chăng? Trời tối đến nơi rồi». Tôi mới ngửng đầu để nhìn xem mặt trời đã xuống thấp đến đâu trên ngọn rừng rồi, thì bỗng nhìn thấy: trước mặt tôi, cái bao vải bạt treo trên cái chạc cây dưới những cành tùng. Sung sướng quá, tẹo nữa thì tôi thét tướng lên «Tôi đã tìm thấy rồi». Bởi vì có thể sàng hết cả mặt đất, mà cái bao này cũng không tìm ra. Thượng đế đã bày cho tôi trong giây phút đó đã rời mắt khỏi mặt đất và ngước nhìn lên cao hơn một chút. Nếu không có chuyện ấy hẳn là tôi đã trở về tay không. Bấy giờ tôi cũng hiểu ra là chuyện để mất cái túi này đã xảy ra thế nào. Chắc là trong lúc chúng tôi chất đồ đạc xuống thuyền, thì một người nào đó đem treo cái túi đựng tài liệu này lên chạc cây. Đến khi chất xong đổ đạc, là người cai quản, tôi đi xem xét lại các lán, chẳng phát hiện ra có gì cả, thế là anh em mugích chèo thuyền đi. Ông Likhatsiốp mãi đến ngày đi đường thứ năm mới chợt nhớ đến các giấy tờ của mình. Ông buồn rầu mãi nhưng rồi cũng nín lặng. «Thôi, để sang năm tôi sẽ tìm ra. Chẳng biến được đi đâu». Nhưng cái sang năm ấy đã không có được. Mọi chuyện xảy ra không như ý muốn... Vậy là tôi tháo cái bao đựng giấy tờ xuống, giở ra xem. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn, không hỏng gì hết. Vải bạt hơi đen hẳn đi một chút, nhưng không bị thủng mục chỗ nào. Cứ treo đấy năm năm nữa cũng còn chịu được. Tôi ngủ lại qua đêm trong cái lán và rạng sáng hôm sau liền lên đường trở về. Cái bao dù có nặng trình trịch, nóng cả lưng, nhưng dù sao đi nữa tôi vẫn không mệt mỏi. Với chuyến hàng nặng như vậy có thể đi được. Tôi địu cái bao về đến núi Trọc, sau đó xuống thuyền xuôi theo Tsulưm. Ở Lukianốpca nghỉ một ngày, hôm sau tôi vội ra tỉnh ngay. Nghĩ bụng, ông Likhatsiốp mừng phải biết! Không phải vô cớ mà ông viết thư là lòng ông bồn chồn lo lắng. Nhà ông ở Tômxcơ, trước đó nhiều lần tôi đã có dịp đến rồi. Tôi bước lên bực hiên thềm, giật giây chuông, cố ý giậm chân rõ to. Chẳng có tiếng trả lời, cũng chẳng có ai chào hỏi. Chợt ở nhà bên cạnh một tiểu thư che dù đi ra cửa. Hôm ấy nóng nực, không khí ngột ngạt đến nghẹn thở. «Ông có việc gì thế, quí ông, - tiểu thư hỏi tôi, - ông đến gặp giáo sư Likhatsiốp ư?» - «Thưa vâng, - tôi trả lời, - tôi có việc khẩn cần gặp ông Likhatsiốp» - «Ông là người thân thích của giáo sư hay thế nào nhỉ?» - tiểu thư hỏi tôi và liếc nhìn cái bao vải bạt, «Gần như vậy, - tôi nói, - gần như là người thân thích. Đã bao nhiêu năm tôi theo ông Likhatsiốp đi chu du khắp nơi rồi» - «Lạ thật, - cô ta nói - Nếu như là người thân thích, thì ông phải biết là giáo sư cách đây một tuần đã lên đường vĩnh viễn trở về Xanh Pêtêrburg» - «Sao, - tôi nói, - vĩnh viễn là thế nào? Không thể như vậy được. Ông ấy chờ tôi và không thể bỏ đi». - «Vậy hóa ra ông ta chẳng chờ đợi gì cho lắm. Bỏ đi rồi. Mãi mãi. Bây giờ ông ta sẽ gây rối loạn ở nơi khác». Và tiểu thư vừa nói những lời ấy vừa nện gót giày bước đi trên ván vỉa hè. Nửa tin nửa ngờ điều cô ta vừa nói, tôi lại giật giây chuông, rồi sau đó thậm chí còn gõ vào cửa sổ. Nhưng lúc đó cũng từ trong nhà hàng xóm ấy một đức ông có vẻ bệ vệ, tay cầm ba toong bước ra. «Ông cố công vô ích, - ông ta nói, - Giáo sư Likhatsiốp về Pêtêrburg rồi, Trong nhà ấy chẳng có ai đâu». Đến lúc ấy thì, anh Ivan ạ, nước mắt tôi giàn giụa. «Vì tội lỗi gì, - tôi nghĩ bụng, - mà tôi bị trừng phạt thế này kia chứ?» Tôi đã đứng ở hiên nhà ấy bao lâu, tôi cũng chẳng nhớ nữa, sau đó khoác cái bao lên vai và lần đi tìm nhà trọ.
- Thế bây giờ cái bao ấy đâu rồi? - Akimốp vội hỏi, và bác Lulianốp nhận thấy trong đôi mắt anh những ánh lửa lo lắng lóe lên háo hức.
- Tôi vẫn giữ. Tôi cho vào hòm khóa chặt để ở nhà. Bất chợt ông Likhatsiốp hỏi đến thì sao.
- Chà, quả là một sự kiện! - Akimốp thốt lên, vui mừng. - Thế mà không một lời nào nói về chuyện đó cho tôi biết đâu đấy. Ông chú tôi không thích kể lể về những sơ hở của mình cho người khác biết.
- Cả bấy giờ trên đường về ông ấy cũng chẳng có vẻ gì đặc biệt. Buồn rầu một chút mà thôi. «Tiếng chuông, - ông ấy nói, - bác Xtêpan ạ». Tôi không hiểu, hỏi lại: «Tiếng chuông nào thế, ông Likhatsiốp?» - «Không phải tiếng chuông thích thú. Nó nhắc nhở tuổi già đã sịch tới rồi đấy. Sức tập trung tư tưởng đã mất dần, trí nhớ yếu đi».
- Ông chú tôi láu lỉnh đấy! Sức tập trung tư tưởng của ông cụ còn nhiều đến mức có thể san sẻ cho một số người trẻ được đấy.
- «Ông Likhatsiốp ạ, - tôi nói, - ai mà không có lúc mụ mẫm». - «Bác đừng an ủi, - ông ấy trả lời. - Trước đây không bao giờ có chuyện tương tự xảy ra với tôi, bác Xtêpan ạ». Bấy giờ vì chuyện mất mát ấy tôi cũng không yên tâm. Dường như cũng do tôi không xem đến nơi đến chốn. -.Bác Lukianốp im lặng, thở dài, sau đó nói tiếp, giọng có vẻ bí mật: - Nói tóm lại, anh Ivan ạ, nếu anh có gặp giáo sư, anh chuyển giùm: tôi sẽ giữ gìn bao tài liệu của giáo sư đến bao giờ cũng được, nếu một khi chẳng may tôi phải lìa đời, tôi sẽ dặn lại vợ, dặn lại con trai, con gái tôi... Nhưng có lẽ, anh suy nghĩ khác chăng? Hay là anh mang đi theo... Chỉ có điều mang theo thế nào đây?
Chính là như vậy: bằng cách nào? Được nghe chuyện về các tài liệu của nhà bác học, do một hoàn cảnh lạ lùng nằm lại trong tay bác Lukianốp, trước tiên Akimốp đã nghĩ: «Ta sẽ lấy mang đi theo. Ông chú sẽ vui mừng phải biết! Ông chờ một mình mình tới, nhưng mình lại đến với các giấy tờ của ông về các chuyến khảo sát Keti... Hẳn là hiện nay những tài liệu này ông cần đến ghê gớm lắm».
- Theo bác Xtêpan thì cái bao ấy độ bao nhiêu cân? - Akimốp nheo mắt hỏi.
- Tôi không cân thử, anh Ivan ạ.
- Thế áng chừng?
- Áng chừng... - bác Lukianốp suy nghĩ. - Vậy là chừng một pút chứ không kém. Mà có thể, hơn thế nữa... Tôi cứ nghĩ, có thể so sánh với cái gì nhỉ, nhưng tôi chịu không tìm ra cái gì tương xứng. Với một túi quả tuyết tùng ư? Nặng hơn ấy. Nặng hơn nhiều. Cái ba lô đựng đồ săn và thức ăn ư? Có lẽ lại nhẹ hơn một chút. Trong đó đúng là nặng tới một pút ấy. Đúng, đúng là như vậy: trong cái bao là hơn một pút... một pút mười phuntơ.
- Thế có thể xem qua cái bao ấy được không, bác Xtêpan?
- Tôi để nó ở Lukianôpca, mà chúng ta bất luận thế nào cũng không được rẽ về đấy.
- Thế đưa nó đến trạm nghỉ tiếp theo nào ấy có được không?
- Có thể đưa đến Okenti Xvôbốtnưi, mặc dù thời giờ của chúng ta ít ỏi lắm. Nhưng để tôi cố gắng.
- Bác Xtêpan, bác chịu khó giúp.
Hai người đi nằm sớm, khi trời chỉ vừa tối. Bác Lukianốp tính toán: một khi phải đưa cái bao từ Lukianốpca tới chỗ Okenti, có nghĩa là, đường đi của bác ngày mai kéo dài thêm mười lăm hai mươi vecxta nữa. Họ càng đến trại của cụ Okenti sớm bao nhiêu, thì chuyến đi về Lukianốpca của bác để lấy bao tài liệu của giáo sư Likhatsiốp càng dễ dàng hơn bấy nhiêu.
Nhưng trằn trọc khó ngủ quá. Bác Lukianốp cứ nghĩ hoài về các giấy tờ ấy. Liệu bác có quá vội vàng trong chuyện thổ lộ chăng? Dù sao đi nữa Akimốp cũng chỉ là cháu của giáo sư, chứ không phải chính bản thân giáo sư. Tài liệu là của giáo sư kia, ngoài ra không phải của ai khác. Ngộ nhỡ rồi đây giáo sư không hài lòng về việc bác quyết định trao cái bao cho Akimốp thì sao? Hơn thế nữa, bất cứ lúc nào giáo sư cũng có thể đòi hỏi đến nó, bấy giờ thì bác sẽ trả lời thế nào? Đã trao cho anh Ivan rồi. Như vậy đấy, nhưng theo lệnh ai mà làm việc đó, bác Xtêpan? Chẳng lẽ tôi đề nghị bác làm như vậy ư?
Bác Lukianốp cứ suy nghĩ đắn đo mãi, vẫn giữ cho mình quyền trong giây phút quyết định sẽ nói với Akimốp: «Những giấy tờ này, anh Ivan ạ, tôi không thể trao cho anh đâu. Xin lỗi anh vì tôi quá hấp tấp, không suy nghĩ kỹ. Giấy tờ này tôi sẽ trao cho giáo sư thôi».
Thức ngủ chập chờn trằn trọc trên cái phản cứng, cả Akimốp cũng suy nghĩ về tình huống đã nảy sinh. «Không đem theo giấy tờ của ông chú - thật là chuyện ngu ngốc và điên rồ. Không bao giờ xuất hiện cơ hội thứ hai như thế này. Một khi bác Likhatsiốp đã bắt tay vào công trình về Xibiri, có thể dễ dàng hình dung ra ông cần thiết tới các tài liệu về những chuyến khảo sát Keti như thế nào. Trên đường đi, tất nhiên, cái bao này của ông chú sẽ gây trở ngại không ít đâu, nhưng làm thế nào khác? Các đồng chí vẫn mang theo cả tài liệu sách báo, cả vũ khí nữa, tất nhiên, nguy hiểm lắm đấy, nhưng dù sao đi nữa họ cũng hoàn thành công việc của mình. Mà mình hơn gì các đồng chí ấy? Trong toàn đảng chúng ta, có lẽ không tìm ra một đồng chí nào mà khi thi hành một nhiệm vụ, lại bỏ lỡ cơ hội có thể làm được việc gì đó vượt hơn thế! Mà ở đây công việc của mình hóa ra việc nọ lại hỗ trợ việc kia. Mình không chỉ bản thân đi tới với giáo sư - mình lại mang thêm cho chú sự giúp đỡ bằng những tài liệu của chính chú ấy».
Không, khác với bác Lukianốp, Akimốp không hề dao động, có lẽ vì thế mà mặc dù không liên tục, nhưng đã ngủ một giấc say, đã hồi phục cho anh cả sức lực, cả lòng phấn chấn.
o O o
Khi qua cánh rừng trống trải hiện ra mái nhà gỗ xiêu đi vì tuyết phủ nặng của ông cụ Okenti Xvôbốtnưi và thoảng đến mùi khói lan khắp rừng taiga im ắng, bác Lukianốp dừng lại.
- Anh Ivan, anh phải nán lại ở đây một chút. Tôi vào nhà trước, quan sát, bàn soạn với ông cụ đã, - bác Lukianốp nói.
- Thế không lẽ trước đây chưa có lời với ông cụ ư? - Akimốp hỏi.
- Tất nhiên là có. Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng phải một mình vào nhà trước, cẩn thận vẫn hơn.
- Tất nhiên rồi, - Akimốp tán thành.
Bác Lukianốp trượt xuống cái mương xối, sau đó leo lên bờ dốc phía bên kia, tháo thanh trượt tuyết ra, cắm vào đống tuyết và khuất vào trong nhà. Akimốp lấy thuốc ra hút, hất mũ ra sau gáy, lắng nghe rừng đông giá. Không khí băng lạnh làm cho đầu tóc đổ mồ hôi mát lại dễ chịu. Hai chân được yên nghỉ cũng khoan khoái. Hôm nay bác Lukianốp đi vội, mấy lần phóng đến mức Akimốp tụt lại có tới hàng nửa vecxta, bất giác làm anh nhớ tới chú bé Nikônca tinh nghịch dân Tunguxơ. Trong việc Lukianốp vội vã, không có gì khác thường và khó hiểu: trong vòng một buổi tối và đêm bác còn phải trở về làng rồi lại trở lại trại. Nhưng đi từ hồ «Nước mắt thiếu nữ» đến căn nhà của ông cụ Okenti, Akimốp đã nóng người lên và thấm mệt.
Rõ là, dân thợ săn có thước đo riêng thế nào đó về mọi khoản. Những lời của bác Lukianốp đã không thực như vậy: «Từ đây đến nhà cụ Okenti chỉ với tay là tới». Họ đã đi nhanh và rất lâu. Kể ra thì đi trên đường bằng, thẳng một mạch, chứ không phải lượn quanh co như hôm qua, không phải xuyên rừng đầy tuyết. Lần khác nghe dân thợ săn nói phải cẩn thận hơn. Phải chuẩn bị ngay cho mình vượt chặng đường khó khăn hơn, như vậy sẽ dễ dàng hơn.
Akimốp phả các cụm khói, ngước nhìn lên các ngọn cây phủ đầy tuyết, lên nền trời trăng trắng, đầy vết màu xám chì và nghĩ đến ngày mai. Chính là ngày mai hay ngày kia sẽ diễn ra sự việc quan trọng nhất trong chuyến chạy trốn kéo dài mất mấy tháng của anh. Cuối cùng thì các đồng chí của anh phải đưa anh tới Tômxcơ và bố trí cho anh lên tàu lửa đi về phía tây, mỗi lúc một xa Xibiri thêm.
Mọi chuyện liệu có diễn ra như dự kiến không? Liệu đã dự tính được mọi chuyện không?
Trước đây cũng như bây giờ Akimốp đã cảm thấy đâu đó trong nội tâm, trong lồng ngực, một sợi giây lo lắng cứ căng ra vì ý nghĩ ấy, và trái tim bất đầu đập mạnh thưa thớt. Sự nóng ruột... Đó là sự nóng ruột ào vào tâm hồn anh, nỗi khao khát hành động, niềm hăng say tranh đấu bừng lên... Anh ghìm mình lại, cố làm chùng sợi giây xuống, vẽ ra điều tồi tệ nhất. Mà điều tồi tệ nhất - đó là nhà tù, những bức tường vây hãm, sự xa cách thiên nhiên, trong đó bao giờ anh cũng tìm ra cho mình việc làm, như đã tìm thấy trong rừng taiga xa xôi... Chỉ cần sao bọn chúng không tách anh xa đất đai, không giam hãm vào giữa tường đá câm lặng... Dù sao đi nữa cũng có thể sống như anh đã sống trong những tháng đó... Quan sát và suy nghĩ vì tương lai... vì tương lai, mà không thể không đến...
- Ivan! - chợt anh nghe thấy tiếng gọi của bác Lukianốp, anh liền ném mẩu thuốc đi, mẩu thuốc đã cháy đến ngón tay anh,
- Ơ hơ! - Akimốp đáp lại và vội đi đến chỗ người gọi.
Còn cách căn nhà một quãng, anh dừng lại và, gạt một cành linh sam um tùm che lấp mặt ra, anh nhìn thấy cảnh tượng mà anh không bao giờ ngờ tới. Bên cạnh bác Lukianốp là... Kachia Kxênôphôntôva, em gái người bạn và người bảo ban trong các công việc đảng của anh, tên là Alếchxanđrơ Kxênôphôntốp, «vị hôn thê» của anh, đã đưa đến nơi tạm giam cho anh các thức ăn và các chỉ thị quan trọng của các đồng chí, nhưng điều chủ yếu mà từ lâu anh đã tự thú nhận với bản thân đó là điều bí mật sâu kín của anh, mối tình của anh...
Kachia mặc áo lông cộc kiểu nông dân, đi giày ủng lông, đầu trùm khăn san, nhưng đôi mắt tinh tường của Akimốp không thể nhầm lẫn được. Gương mặt của cô với đôi lông mày kẻ đậm và cái cằm tròn, cái mũi thẳng và hai nếp hằn rõ rệt từ mũi xuống hai góc môi hồng thắm, bừng bừng niềm vui. Akimốp còn có cảm giác là những giọt lệ chảy vòng quanh má và cô gái vội lấy cái bao tay nhỏ màu đen lau đi.
Bác Lukianốp đứng chống nạnh, một chân đưa lên trước và, hất bộ râu cằm lên, vui vẻ cười. Qua cô gái bác vừa biết được điều gì đó và bác hài lòng là họ gặp nhau, và gặp nhau một phần cũng nhờ sự chăm lo của bác.
Akimốp tiến lại một cách chậm chạp, mỗi giây một thêm giảm tốc độ, anh vừa lặng lẽ vừa nghiêm nghị.
- Ivan! Chào anh Ivan! - Kachia nói, không ghìm được nữa và, mặt đỏ bừng bừng, cô vội cúi đầu nhìn xuống. Nhưng cô lại ngửng lên và bước về phía Akimốp.
- Bác kiếm đâu được cô ấy thế, bác Xtêpan?! Kachia, chào em! Chà, thật là anh không ngờ! Không ngờ! Hoàn toàn không ngờ! - anh nhắc đi nhắc lại mấy lời, tiến thẳng đến chỗ Kachia. Akimốp vung rộng hai tay để ôm lấy cô gái, nhưng không kịp làm việc ấy, bởi vì Kachia đã làm trước anh, lao bổ vào anh, hai tay cũng dang rộng.
Hai người đứng đó ôm nhau mấy giây liền và rồi liền lùi xa nhau.
- Lạy Chúa, râu ria anh mới ghê chưa! Chỉ qua có cặp mắt, anh Ivan ạ, chỉ qua có cặp mắt là còn có thể nhận ra anh. Ivan, Ivan, anh đã ra thế này kia đấy, anh Ivan! Hoàn toàn không giống anh Ivan khi sống ở Pêtécbua ấy! - Hẳn là cô thấy thích thú được nhắc đến tên anh, và lúc này cô không kể gì đến câu cú mà trước đây bao giờ cô cũng để ý cẩn thận với tính nguyên tắc nhà giáo.
- Trước là Ivan, nhưng giờ anh trở thành tu sĩ Ivan ở rừng taiga, - Akimốp cười khẩy và bắt tay vào tháo khóa giây buộc thanh trượt.
Kachia chạy bổ đến để giúp anh tháo nút giây khóa, nhưng Akimốp ngăn cô lại.
- Ấy không, để tự chúng tôi, chúng tôi đã được học việc này không ít, - anh cười, liếc nhìn Kachia và nhìn thấy đôi mắt rực sáng tình yêu của cô.
Trước khi theo bác Lukianốp và Kachia vào nhà, Akimốp rũ sạch tuyết đọng lại trên mũ lông, để lộ mái đầu tóc mọc rậm và vẫn còn ướt vì mồ hôi, lấy bao tay phủi hết tuyết bám trên áo lông cộc, dỗ mũi giày ủng lông vào khúc gỗ tùng lăn lóc bên cạnh nhà, rũ tuyết ra khỏi giày. Đứng bên cửa để mở, Kachia ngoái cổ nhìn lại báo trước:
- Anh Ivan, nhớ đây không phải là căn nhà bình thường đâu. Đây là nhà ở của nhà triết học Okenti Xvôbốtnưi, con người đã vượt qua nỗi sợ hãi trước trần thế. Một nhân vật độc đáo! - Giọng nói du dương của Kachia run lên vì xúc động.
- Vượt qua nỗi sợ hãi ư? Anh sẽ xin học. Chứ không thì lúc nào anh cũng cứ run rẩy vì lo sợ bị bắt. Lạy Chúa đúng như thế! - Akimốp nhếch vai, dang tay ra: ý giả, biết làm sao được. - Không thể lẩn trốn sự thật.
Kachia cười to ròn rã, và Akimốp hiểu rằng trong những phút ấy cô không tin vào chuyện anh lại sợ hãi. Anh nói một cách nghiêm chỉnh, còn cô lại coi lời anh là câu đùa.
Xibiri Xibiri - Ghêorghi Markốp Xibiri