Nguyên tác: Горячий Снег
Số lần đọc/download: 811 / 9
Cập nhật: 2017-05-19 13:24:54 +0700
Chương 20
T
rong khi Cu-dơ-nét-xốp đợi mọi người bò ra khỏi hầm, phía trên bờ sông, những tia sáng dày đặc đã bùng lên đẩy lùi đêm tối hòa lẫn với bầu trời. Ở phía đó, gần khẩu pháo, phát súng các bin thứ ba vang lên một cách sợ sệt, những tràng tiểu liên nã dồn dập, náo động và cả một loạt đạn lóe sáng, vun vút bay trên bờ sông.
-Nhanh lên! Nhanh lên.-Cu-dơ-nét-xốp sốt ruột ra lệnh.-Lại bên pháo! Lên bờ sông!...
Tiếng U-kha-nốp nhắc lại mệnh lệnh rền lên như một tiếng vang trong căn hầm và dường như bị mệnh lệnh đó thúc đẩy, Nết-trai-ép và Ru-bin vọt ra con đường mòn, mồm nhai vội vã. U-kha-nốp tắt đèn, ra khỏi hầm sau cùng, xốc khẩu tiểu liên lên vai, anh cũng vừa nhai văng tục:
-Đến nuốt một miếng cũng không xong, lũ khốn kiếp! Này trung úy, cầm lấy một miếng xúc xích!-Anh giúi vào tay Cu-dơ-nét-xốp một mẩu gì đó sần sùi.-Lại bên pháo! Khẩn trương lên!
-Lên bờ sông! Chạy!
Cu-dơ-nét-xốp nhét vội mẩu xúc xích sần sùi vào trong túi áo choàng, anh là người đầu tiên chạy trên những bậc bằng đất leo lên bờ sông, sau lưng anh là tiếng chân rậm rịch, hơi thở và giọng thuốc lá trầm đục của Ru-bin:
-Sang thế giới bên kia ta sẽ chén, thượng sĩ ạ, đến ăn cơm khách ở nhà đức Chúa!
Nết-trai-ép trả lời, giọng cay chua:
-Thế cậu nghĩ là mình sẽ sống đến trăm tuổi à, anh chàng chăn bò ở nông trường?
-Đồ lính thủy ngốc nghếch rúc đít vào vỏ sò! Đồ bẻm mép!
Cu-dơ-nét-xốp định dừng lại, bừng bừng giận dữ quát vào mặt Ru-bin: “Chấm dứt những câu chuyện ngớ ngẩn ấy đi!”-nhưng ngay trên bờ sông gió thốc những mảnh tuyết sắc nhọn vào mắt, những làn đạn súng máy bay thấp lập lòe trước mặt, ngay phía trên vị trí đặt pháo và tiếng kêu thảm thiết vọng thẳng đến tai anh:
-Đồng chí trung úy! Đồng chí trung úy!
Đó là tiếng gọi của Tri-bi-xốp. Trên trời đạn pháo sáng sáng rực như ban ngày, soi rõ khẩu pháo, mặt bằng, chiếc hầm, đến nỗi cách hàng chục mét Cu-dơ-nét-xốp đã nhìn thấy bóng người đen thẫm cúi sát đất trên mặt bằng đặt pháo dưới chân bờ lũy đất và cách đó hai bước, ở ngoài bờ công sự cũng nhô lên một đống gì sẫm màu trải dài trên tuyết, giống như một thân người nằm sấp.
“Tên Đức! Hắn đã bò tới tận đây à? Chúng tiến công khẩu pháo ư?”-Ý nghĩ đó xộc đến Cu-dơ-nét-xốp và chưa kịp nghĩ ngợi gì thêm, anh khom người chạy lại gần chỗ Tri-bi-xốp, bổ nhào xuống bên cạnh bác gần bánh xe khẩu pháo.
-Cái gì thế? Cái gì thế?
Tri-bi-xốp run bần bật, ngồi dưới bờ lũy đất, khẩu các bin không thấy trên người; hai tay bác đấm ngực, đầu gục xuống, la lên nức nở:
-Tôi đã giết cậu ấy!... Đồng chí trung úy!... Cậu ấy chạy đến đây. Tôi ngồi trong hầm, người cứng hết lại. Còn cậu ấy chạy đến đây!... Bọn Đức bắn, còn cậu ấy chạy tới chỗ khẩu pháo… Cậu ấy kêu: “Người mình, người Nga đây!” Còn tôi-tin làm sao được?... Bọn Đức bắt đầu nổ súng.
Cu-dơ-nét-xốp túm lấy vai Tri-bi-xốp, lắc mạnh hết sức.
-Hãy bình tĩnh! Bác nghe rõ chưa? Hãy giải thích cho ra đầu ra đũa!
-Tôi đã giết cậu ấy, tôi đã giết!-Tri-bi-xốp đưa bao tay lên ngực, mắt bác giật lia lịa.-Cậu ấy chạy và la lên: “Người mình, người Nga đây!” còn tôi.. Tin làm sao được? Tôi đã giết cậu ấy!
-Này trung úy, khẩu tiểu liên của ta,-U-kha-nốp nói, quỳ trên mép công sự, kéo khẩu tiểu liên có băng đạn tròn ở mép công sự bên kia, chìa cho Cu-dơ-nét-xốp xem.-Ừ, mà cậu này từ đâu tới nhỉ?
-Súng của ta đấy,-Cu-dơ-nét-xốp đồng ý sau khi nhìn khẩu súng tiểu liên bị phủ sương giá. –Đưa cậu ấy vào đây, U-kha-nốp. Cẩn thận nhé! Đừng có nhảy qua lũy đất!
-Ta sẽ thử xem, trung úy.
Tì khủy chân vào vách đất, U-kha-nốp nhoai người về phía trước leo lên bờ công sự, dùng hai tay túm lấy vai người nằm bất động, trông như bằng đá, anh gắng sức thong thả kéo vào vị trí đặt pháo. Khi anh xoay cái thân hình không còn sinh khí đó để tựa nó thoải mái hơn vào vách công sự thì đầu người đó, bó trong chiếc mũ màu đen của lính xe tăng Đức có diềm rộng ở thái dương, ngả ra đằng sau, gần mép công sự và không mở mắt, anh ta khẽ rên lên yếu ớt, để lộ hàm răng cắn chặt sáng bóng. Nghiêng người xuống sát mặt anh ta, U-kha-nốp thốt lên không quả quyết lắm:
-Hình như còn sống.
Mọi người dồn lại phía trước khẩu pháo ngờ vực đưa mắt nhìn, khi thì con người đang rền rĩ đó, khi thì những vệt pháo sáng, khi thì những phát súng tiểu liên bùng lóe lên ở phía trước. Cu-dơ-nét-xốp im lặng, tuy chưa hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra ở đây, nhưng anh đã tin chắc rằng đây nhất định không phải là một tên Đức: đã có thể phân biệt rõ khuôn mặt Nga trẻ trung, mũi hếch, gò má cao dưới chiếc mũ đen của Đức, bị cơn đau làm cho méo mó; cái cằm râu ria lởm chởm, yếy hầu trên cái cổ ngẳng bị dính đầy tuyết, một lớp băng bám khắp áo bông, những bàn tay không đi găng co quắp trước ngực như người chết, mũi ủng hếch sang một bên cứng đờ. Hình như anh ta đã nằm nhiều giờ trong băng giá trên tuyết.
-Ai thế, trung úy? Có lẽ ở bộ binh? Hay là lính xe tăng?-Nết-trai-ép hỏi.-Bị thương à? Hay là bị cóng? Trông tay kìa…
-Tôi đã bắn vào cậu ta, tôi đã bắn.-Tri-bi-xốp sụt sịt ở sau lưng.-Cậuâý chạy, la hét, còn tôi thì…
-Thôi đừng rền rĩ nữa, Tri-bi-xốp!-Cu-dơ-nét-xốp nổi xung lên… không được nói lời nào nữa!
-Bộ binh ở đâu ra? Lính xe tăng ở đâu ra? Phía trước mặt làm gì có quân mình… Ê, chú mình!-U-kha-nốp gọi khẽ đập nhẹ vào má người đó.-Có nghe thấy gì không chú mình? Chú mình có nghe thấy gì không?
Người đó nghiến răng, yếu hầu chồi lên, động đậy rồi tiến rên rền rĩ lại lọt qua kẽ răng.
-Này U-kha-nốp, xem cậu ta có tài liệu gì không,-Cu-dơ-nét-xốp ra lệnh.-Soát túi xem.
-Bác phởn chí cái gì mà lại bắn vào cậu ta hả đồ ngốc?-Ru-bin lên án bằng giọng trầm, hướn về phía Tri-bi-xốp.-Nếu cậu ấy đã la lên là người Nga thì sao bác lại còn bắn một cách ngu ngốc thế? Sợ đến đũn ra quần rồi à?
-Tôi không biết, không biết!...
-Ru-bin! Đi tìm Dôi-a ngay,-Cu-dơ-nét-xốp quyết định.-Gọi Dôi-a lại đây!
-Rõ,-Ru-bin miễn cưỡng đáp.-Tôi sẽ dẫn cô ấy tới để xem cô ấy có cứu được không…
-Chạy đi tìm Dôi-a, Ru-bin, anh có nghe thấy không?
U-kha-nốp ngồi xổm, cởi khuy áo bông trên ngực người đó, sờ soạng, lộn túi trái các túi áo va rơi và chiếc quần bông của anh ta ra rồi nói vẻ băn khoăn: “Chả có gì!”-Và không phải là không giận dữ, sẵng giọng bảo Nết-trai-ép:
-Đưa ngay cái bi đông đựng rượu Rom Đức lại đây! Ở thắt lưng cậu ấy. Đưa đây. Sau đó anh dùng miệng bi động cậy răng người kia ra, anh ta rên lên, đầu ngật ra, cưỡng lại một cách vô ý thức như bị tra tấn, nhưng U-kha-nốp lấy tay giữ lấy đầu anh ta, kiên quyết thậm chí thô bạo đổ vào mồm anh ta mấy ngụm rượu và nói:
-Tỉnh ngay đây mà, người anh em ạ…
Mọi người chờ đợi. Anh chàng bị sặc, thở bằng mồm, ho gập cả người và cọ mãi gáy vào mí bờ công sự. Mi mắt anh ta hé mở, cặp mắt mờ đục như mất hồn, chẳng biểu lội cái gì cả, giống như mắt những người bị ốm nặng khi bị ngất khiến mọi người sửng sốt, những ngón tay đã co quắp quờ quạng về phía để tiêu liên. Lúc ấy Cu-dơ-nét-xốp hỏi anh ta:
-Này chú mình, chú mình là ai? Chạy từ đâu tới? Chúng tôi là người Nga, người Nga đây! Cậu là ai?
Mắt chàng thanh niên nhớn nhác nhìn mọi người; có lẽ anh ta chưa nghe được gì và còn chưa nhận ra mình đang ở đâu và có chuyện gì xảy ra với mình; sau cùng anh ta cất tiếng thềo thào:
-Mũ… mũ… bỏ ra…
-Có lẽ cậu ấy không nghe thấy, trung úy ạ. Cậu ấy đã vớ được cái mũ của Đức ở đâu ấy. Đúng là dân Xla-vơ mình!
U-kha-nốp tháo chiếc mũ khỏi đầu và kê xuống dưới gáy anh ta. Chàng thanh niên rên hừ hừ, duỗi chân, đưa mắt nhìn khoảng trời trên bờ sông bị ánh sáng đạn pháo sáng dồn dập cắt ngang dọc rồi nhìn khẩu pháo, nhìn Cu-dơ-nét-xốp, U-kha-nốp-và có cái gì đó lướt qua trên mặt anh ta, dường như anh ta đã hiểu cả.
-Anh em ơi… anh em pháo binh!-Anh ta thều thào.-Pháo binh à?... Tôi chạy đến chỗ các anh!... Ghê-ooc-ghi-ép đâu? Ghê-ooc-ghi-ép đâu?... Buổi sáng…
Anh im bặt, đưa mắt dò hỏi và khi nghe anh ta nói mấy tiếng “buổi sáng” Cu-dơ-nét-xốp bỗng sực nhớ tới trận ném bom, chiếc hầm ở chỗ khẩu pháo của Tru-ba-ri-cốp, người chiến sĩ trinh sát bị choáng và trong cơn hôn mê đã đòi gặp đại tá sư đoàn trưởng; đúng rồi, lúc ấy anh chiến sĩ trinh sát đó đã báo tin về những người còn ở lại phía trước mặt…
Mấy phút trước, chàng trai này còn làm cho anh nhớ một anh lính bộ binh ở đội cảnh giới chiến đấu đã chạy thoát không bị bắt làm tù binh hoặc đã lang thang vì lý do gì đó nhưng lúc này Cu-dơ-nét-xốp thấy khó và không thể tin được rằng đây lại là một trong số các chiến sĩ đi trinh sát bị mắc kẹt mà anh chiến sĩ trinh sát ban sáng đã nói tới khi anh ta đến được chỗ trung đội lúc cuộc chiến đấu mới bắt đầu. Bằng cách nào cậu ta còn sống được nhỉ? Cậu ấy ở đâu trong lúc cuộc chiến đấu diễn ra? Hàng chục chiếc xe tăng đã đi qua phía trước mặt, đã chà xát, cày xới khắp thảo nguyên, suốt ngày đạn trái phá đã bóp nát từng thước đất…
-U-kha-nốp, cho cậu ấy uống thêm ngụm rượu Rom nữa,-Cu-dơ-nét-xốp nói.-Cậu ấy nói năng còn chật vật, khó khăn lắm.
-Theo ý tôi cậu ấy đã bị cóng toàn thân, trung úy ạ. Bị tê cóng đến tận gan ruột.-U-kha-nốp đáp rồi dốc bi đông đổ thêm vào miệng chàng trai mấy ngụm rượu Rom nữa. Chàng trai thở một cách khó khăn, ngả đầu ra đằng sau và lúc ấy Cu-dơ-nét-xốp cất cao giọng, rành rọt hỏi anh ta:
-Cậu có nói được không? Tôi sẽ hỏi và cậu hãy trả lời. Như thế dễ hơn. Ghê-ooc-ghi-ép là chiến sĩ trinh sát phải không? Buổi sáng anh ta đã đến được chỗ khẩu đội chúng tôi. Cậu cũng là chiến sĩ trinh sát phải không?
Chàng trài vẫn cọ gáy vào chiếc mũ, sau đó môi anh ta mấp máy:
-Anh em ạ... đằng kia có hai người trong hố bom… Anh em ta cùng với một tên Đức. Tên Đức đã ngắc ngoải... Họ bị thương. Tất cả đều bị cóng. Chúng tôi ngồi suốt ngày với tên Đức. Bắt được nó lúc rạng đông. Ở trên đường cái lớn. Lôi ở ô tô ra. Một tên Đức quan trọng… Chúng tôi đã cử Ghê-ooc-ghi-ép đi… nói…
-Ra thế.-U-kha-nốp đưa mắt nhìn Cu-dơ-nét-xốp.-Anh hiểu rồi chứ, trung úy? Chính là anh chàng trinh sát ở chỗ Tru-ba-ri-cốp buổi sáng đấy, phải không? Chính anh chàng ấy hả? Đúng rồi! Chà, anh em Xla-vơ mìng ghê thật! Thế ra đó là anh em trong đội trinh sát?
-Chính thế,-Cu-dơ-nét-xốp đáp và sờ vào vai chàng trai đang ngồi, ngả người vào bờ công sự như mất hồn, mắt nhắm lại.-Thế anh em khác đâu, ở xa đây không? Cậu bị thương à? Cậu nói là có một tên Đức ở chỗ họ à? Chúng nó đã bắn theo cậu phải không?
Chàng trai không mở mắt nhưng hiểu ý nghĩa các câu hỏi. Anh ta rên lên và Cu-dơ-nét-xốp nhìn chằm chặp vào đôi môi mấp máy của anh ta đoán ra:
-Khoảng năm trăm mét… ở phía trước mặt. Trước mặt cái khe. Tôi còn vận động được. Anh em quyết định cử tôi đến đây. Tôi đã chạy… Bọn Đức nhan nhản ở đằng ấy. Có hai chiếc xe. Tôi không thể bắn được. Tay bị tê cóng cứng đơ. Còn chúng nó bắn vào tôi… Phải đến đón họ, anh em ạ, phải đi đón! Ở đó có hai anh em ta… Tên Đức quan trọng lắm!...
-Khoảng năm trăm mét à? Nhưng ở chỗ nào mới được chứ?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi lại và nhìn ra ngoài bờ công sự.
Những lọat đạn tiểu liên nổ vang rồi tắt lặng trong gió lạnh buốt, khô khốc, làm rát mặt, gió tuyết mù mịt từ thảo nguyên bốc lên quất vào người. Dưới ánh đạn pháo sáng, toàn bộ thảo nguyên thấp thoáng hiện ra với những gợn tuyết trắng ở trên mình, ngoằn ngoèo bò ra từ đống xe tăng bị bắn cháy đen ngòm, đằng sau đó bầu trời thấp nhô lên như một bức tường lúc tối tăm. Vào cái giờ tai quái này của đêm tháng Chạp gió tuyết lộng lên, hất tung đi khắp nơi và làm tắt lụi những đám cháy cuối cùng của cuộc chiến đấu. Và không có thể tin được rằng ở một chỗ nào đó trên thảo nguyên đã bị xe tăng chà sát, bị băng giá phủ kín lại còn có thể có con người sống, có thể còn lại hai chiến sĩ trinh sát của ta… Anh muốn tìm hiểu xem bọn Đức bắn từ đâu, muốn xác định hướng đi của các làn đạn nhưng những khối xe tăng bị cháy đã che mắt anh.
-Chừng năm trăm mét à?-Anh hỏi lại lần nữa và nghiêng mình sát mặt người chiến sĩ trinh sát.-Thế đúng hơn là bao nhiêu? Cậu có thể nói chính xác hơn không?
Anh chiến sĩ trinh sát thở mạnh, đưa những ngón tay co quắp như củi cành lên cằm, định sưởi ấm chúng, anh động đậy các ngón tay nhưng chúng vẫn không duỗi ra. Không rời tay khỏi cằm, anh nhúc nhích cẳng chân để đứng lên nhưng sự cố gắng đó làm anh kiệt sức, ngã phịch xuống mép bờ công sự và anh thì thào:
-Anh em ơi, giá nâng tôi lên!… Chân tôi cũng bị… Hai chiếc xe vận tải bằng thép… ngay phía trước cái khe… nhanh lên đi, các đồng chí pháo binh!
-Dôi-a đâu?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi.-Ru-bin đâu?
-Cậu này khéo đến mất đôi bàn tay, trung úy ạ. Phải lấy tuyết sát,-U-kha-nốp nói và đưa mắt khắp các phía.-Tri-bi-xốp! Lấy cho tôi một cục tuyết mau lên! Tuyết sạch, không lẫn thuốc súng ấy. Lấy ở ngoài công sự. Rõ chưa?
o0o
Trong lúc mọi người hỏi han anh chiến sĩ trinh sát, Tri-bi-xốp nép người vào gần khẩu pháo, đưa mắt ủ rũ như mắt thú bị săn đuổi nhìn U-kha-nốp, khép chặt áo choàng trên ngực. Từ chỗ cằm và khóe miệng bị dính những búp tuyết ở dưới lần mũ lót của bác bật ra tiếng kêu rên khẽ khẽ cùng với làn hơi nước. Và vừa khẽ kêu rên như vậy, như người bị giẫm đè lên, bác vừa bò bằng đầu gối rời khỏi khẩu pháo, ngọ nguậy đôi ủng, tà áo choàng lòa xòa trên mặt đất,-trong tất cả cái cung cách ấy của bác đã không có cái gì đó gớm ghiếc, thảm hại, y như thể bác đã không còn hiểu biết gì nữa, đã mất khả năng đi đứng cho ra người.
-Tri-bi-xốp, bác làm sao thế?-Cu-dơ-nét-xốp ngạc nhiên.-Bác làm cái trò gì thế? Đứng dậy và chạy đi!
Nhưng Tri-bi-xốp vẫn sụt sịt, làu bàu lảm nhảm, bò bằng đầu gối tới chiếc hầm, chìm vào trong bóng tối đường hầm. Nết-trai-ép vừa nhay nhay ria mép bị những mảnh sương giá nhọn hoắt như đường dính vào vừa nói với theo bác ta:
-Nó đã bị cóng đến cùng cực. Vậy mà lúc ấy bác ta còn bắn vào thằng bé. Có lẽ bác ta điên thật rồi. Đồng chí thượng sĩ ạ, để tôi đi lấy tuyết cho.
-Ngồi lại đó!-U-kha-nốp ngăn lại.-Cứ để bác ấy chạy, như thế có ích đấy! Cậu hãy xoa má đi Nết-trai-ép. Sẽ có ích đấy, xoa như người ta đánh phấn ấy mà.-Nói xong anh dùng bao tay khẽ xoay khuôn mặt Nết-trai-ép về phía mình. Xoa mạnh vào kẻo không sẽ đi tong mất đôi má!
Băng giá dữ dội đến cực độ thấm buốt vào người Cu-dơ-nét-xốp tay anh tê cóng trong bao tay, chân tê cóng trong ủng, băng giá như cào vào mặt. Nhìn anh trinh sát, những ngón tay co quắp của anh ta ở gần cằm cứng đơ, lạnh buốt, Cu-dơ-nét-xốp tưởng tượng rõ cảnh anh ta chạy trên chặng đường năm trăm mét tới trung đội mình, không bắn được súng vì các ngón tay anh ta chắc không ấn được cò tiểu liên… còn tóc chàng trai trông bạc trắng vì bột tuyết mắc trong đó, sương giá dày đặc dính đầy lỗ mũi, lông mi bết lại. Anh ta thì thào làm cho những cuộn hơi nước từ miệng bốc ra.
-Nhanh lên đi, anh em pháo binh!... Cách đây năm trăm mét!... Có hai người mìn. Với một tên Đức. Đằng sau những chiếc xe vận tải bọc thép. Ở đó có một hố bom.
-Đội mũ cho cậu ấy, U-kha-nốp-Cu-dơ-nét-xốp ra lệnh, anh ngồi trên càng pháo, đợi cho tới khi U-kha-nốp kéo chiếc mũ lên đầu người chiến sĩ trinh sát rồi mới nói khẽ:-Thế nào hả, U-kha-nốp, chúng ta làm gì đây? Năm trăm mét… Phía bên trái là bọn Đức, đội chôn cất. Hay là ta đi cả bốn người, với bốn tiểu liên?... Ta đem theo cả lựu đạn. Để Nết-trai-ép lại trông pháo phòng có gì bất trắc. Phải đi thôi. Cậu thấy thế nào?
Anh biết là họ phải xông pha vào nơi nguy hiểm nhưng đồng thời anh thuyết phục mình rằng họ không có quyền không đi, họ phải tìm cách băng mình đến chỗ hai anh trinh sát bị thương mà chàng trai đã phải vượt qua năm trăm mét, không nổ súng, tới báo tin. Cu-dơ-nét-xốp đã nói tới vũ khí mang theo-bốn khẩu tiểu liên và một ít lựu đạn-nhưng những lời nói ấy của anh vang lên như một cái gì giống như sự tự lừa dối, tuy vậy anh hiểu rằng không ai trong bọn anh-cả anh, người chỉ huy trung đội cũng như U-kha-nốp-sau đó sẽ không thể sống thanh thản nếu như hai người không chấp nhận quyết định đó, vì chẳng còn lối thoát nào khác. Anh chờ đợi U-kha-nốp trả lời, anh tin vào sự tỉnh táo và kinh nghiệm của U-kha-nốp hơn kinh nghiệm của riêng mình.
-Đó là đề nghị của tôi. Ta hãy giải quyết. U-kha-nốp ạ. Bởi anh em trinh sát đã đến trung đội ta. Ta thử xem nhé?
U-kha-nốp im lặng và thổi phù phù vào những bao tay đã tháo ra, lùa hơi thở nóng ấm vào đó rồi lồng tay vào, vỗ vỗ lên đầu gối và dường như bực bội khó chịu, ngước đôi mắt dưới cặp lông mày bị dính mảng băng trắng nhìn Cu-dơ-nét-xốp.
-Cậu còn nghĩ ra được điều gì khôn ngoan hơn nào? Cậu không nghĩ ra được điều gì khác đâu, trung úy ạ! Tuy năm trăm mét không đơn giản là năm trăm mét. Chủ yếu là mỡ đừng đông cứng trong súng tiểu liên! Hãy lắng nghe mà xe, trung úy. Bọn Đức đã im tiếng.
Ở phía trước tất cả đều lặng đi, im ắng, không một làn đạn, không một phát súng, không một quả pháo sáng, chỉ thấy những đường nét xám xịt của những chiếc xe tăng bị đốt cháy, gió tuyết mịt mù len lách qua đó và ập vào bờ công sự.
-Tri-bi-xốp!-U-kha-nốp quát gọi.-Tri-bi-xốp, bác bỏ đi đâu thế? Nhanh nhanh lại đây! Tuyết đâu? Quỷ quái thật!
Tri-bi-xốp vóc người nhỏ bé, cuống quít, vụng về bò từ ngoài bờ công sự vào; dưới diềm mũ lót, đôi mắt đen của bác ánh lên vẻ khiếp sợ; bác bò bằng cả hai chân lẫn hai tay, đôi ủng đạp tới đạp lui, kéo chiếc cặp lồng đựng đầy tuyết lên trên mặt đất về phía khẩu pháo và kêu lên không thành tiếng:
-Có ai chạy ở đằng kia ấy, có người chạy!... Chạy theo bờ sông! Về phía này!...
-Ai chạy?-U-kha-nốp giật chiếc cặp lồng trong tay bác.-Lại bắt đầu nói lảm nhảm hả? Nết-trai-ép, cho bác ấy uống tí rượu trong bi đông cho tỉnh người ra!
-Họ chạy ở đằng ấy… lại đây, tôi nhìn không rõ…-Tri-bi-xốp thì thào nhắc lại và vừa thì thào bác vừa quay người lại bỏ xa chỗ chàng trai đang rên to lên khi U-kha-nốp thục bàn tay vào chiếc cặp lồng đựng tuyết.
Cu-dơ-nét-xốp lúc này cũng đã nghe thấy tiếng chân người chạy rậm rịch, tiếng tuyết lạo xạo rất gần, phía bên phải khẩu pháo và anh túm lấy khẩu tiểu liên của người chiến sĩ trinh sát, hô lên: “Ai đó?”-Nhưng hai bóng người từ trong bóng tối lờ mờ hiện ra trên nền tuyết trắng và tiếng thét trả lời bật lên từ chỗ họ.
-Người mình! Không nhận ra à?
Cu-dơ-nét-xốp đã nhận ra cả hai người. Đó là Đrô-dơ-đốp-xki và trung đội trưởng trung đội chỉ huy, chuẩn uý Gô-lô-va-nốp; họ đã tới gần, quầng sáng đang lụi dần trên khu làng bên kia sông soi rõ bóng dáng họ trên bờ sông cao.
Cả hai chạy vào trong trận địa pháo và Đrô-dơ-đốp-xki vận chiếc áo choàng hẹp, may rất khít, cài khuy chặt, chật vật lấy lại hơi thở, hỏi:
-Ai bắn thế?
Chỉ mới nghe cái giọng hách dịch đó Cu-dơ-nét-xốp đã chợt thấy thần kinh mình nhoi nhói lên, anh siết khẩu tiểu liên vào ngực quay người đi, ngồi lên càng pháo, môi mím chặt, lặng thinh để tỏ cho Đrô-dơ-đốp-xki hiểu rằng anh vẫn chưa quên câu chuyện xảy ra ban sáng giữa họ.
-Tình hình ở đây thế nào? Thượng sĩ U-kha-nốp, anh đang làm gì ở đây? Một người bị thương à? Anh ta từ đâu tới?
Đrô-dơ-đốp-xki vừa đi vừa hỏi, đột ngột đi ngang qua trước mặt Cu-dơ-nét-xốp, để lại sau lưng mình mùi áo choàng lạnh cứng, và để tự mình tìm hiểu tình hình, anh cúi xuống nhìn U-kha-nốp, nhìn anh trinh sát, bật đèn pin lên. Ánh sáng chọc thẳng làn sương mù vàng vàng, rọi vào mặt chàng trai ỉu xìu, hũi hếch, răng cắn chặt, ngả đầu trên bờ lũy, những giọt nước mắt ứa ra vì đau đã đóng băng trên gò má.
-Anh em pháo binh!... Anh em pháo binh!... Họ ở trong hố bom.. Đội mũ cho tôi làm gì, tôi nghe không rõ…
-Tắt đèn pin đi, đại đội trưởng! Anh bấm đèn làm gì?-U-kha-nốp tiếp tục dùng tuyết xoa bàn tay cho anh chiến sĩ trinh sát, bực bội dùng vai đẩy chiếc đèn pin ra.
Ngay lúc đó như chỉ chờ tín hiệu, hai phát súng vang lên ở bờ sông bên kia, mấy đốm lửa nhỏ lướy trên bờ sông sự và Đrô-dơ-đốp-xki hơi cúi đầu xuống, cất chiếc đèn pin đã tắt đi nhưng không hề tỏ ra ngạc nhiên, nói rít qua kẽ răng một cách mỉa mai:
-Các anh sống vui gớm nhỉ?-Rồi anh hỏi với vẻ nghiêm khắc quen thuộc:-Anh chàng này là ai? Anh ta đã lần đến chỗ các anh như thế nào?
-Cái thằng cha Ru-bin chậm như rùa ấy, đồ chết dẫm!-U-kha-nốp thốt lên và trả lời Đrô-dơ-đốp-xki một cách hết sức uể oải:-Anh chàng này là lín trinh sát, đại đội trưởng ạ, thuộc đội trinh sát ra đi đêm qua và không trở về. Nếu anh còn nhớ thì người đầu tiên của đội đó đã đến chỗ chúng ta sáng nay lúc địch ném bom, đó là anh Ghê-ooc-ghi-ép. Đây là người thứ hai. Té ra ở đằng kia vẫn còn hai người nữa. Họ không thể đi lại được… Anh chàng này cho biết, họ bị thương và bị cóng. Họ còn mang theo một “cái lưỡi” nữa. Suốt một ngày đêm rồi. Đấy, tất cả câu chuyện là như thế, đại đội trưởng ạ!
-Hai anh trinh sát à? Với một “cái lưỡi” nữa?-Đrô-dơ-đốp-xki nhắc lại.-Đúng thế à?
-Với “cái lưỡi” nào? Anh điên à, U-kha-nốp?-Chuẩn uý Gô-lô-va-nốp cao lớn khoát tay, vụng về ngồi xổm xuống, chăm chú nhìn người chiến sĩ trinh sát đang rên khe khẽ.-Cậu ta cho biết thế à? Cậu ấy ngất đi, mê sảng kia mà. Ở đằng ấy xe tăng đã quần nát hết cả. Anh em trinh sát ở vào đâu?
-Chuyện gì chả xảy ra được. Anh chưa hề nghe nói chuyện lạ như thế à?
-Anh tin vào lời mê sảng à, U-kha-nốp? Và anh chàng này từ đâu tới đây?
-Nếu không biết thì im đi, Gô-lô-va-nốp!-Đrô-dơ-đốp-xki cao giọng và anh đột ngột vươn thẳng người lên, mềm mại như thể trong người anh có lò xo vậy.-Anh đã quên mất người chiến sĩ trinh sát mà chúng ta gửi lên sư đoàn à?-Anh quên mất rằng các đồng chí chỉ huy tập đoàn quân đã từng chờ đợi đội trinh sát ở đây à? Trí nhớ tồi thế? Thế mà cũng là trung đội trưởng trung đội chỉ huy! Thấy chưa! Cho hai chiến sĩ thông tin tới gặp tôi! Dù hộc máu mũi các anh vẫn cứ phải đặt đường dây cho tôi liên lạc với phòng tham mưu sư đoàn. Rõ chưa, Gô-lô-va-nốp? Tôi cho mười phút để làm tất cả những việc đó. Hãy nhắc lại mệnh lệnh!
Với vẻ nhanh nhẹn bất ngờ, chuẩn uý Gô-lô-va-nốp vươn thẳng cái thân hình vụng về của mình lên trong tư thế đứng nghiêm, nhắc lại mệnh lệnh rồi khéo léo vọt lên bờ công sự, nặng nề bước khỏi trận địa pháo đi về phía đài quan sát của tiểu đoàn.
Những ngón tay cứng đờ của Cu-dơ-nét-xốp siết chặt báng súng tiểu liên đặt ở đầu gối và sau cùng anh lên tiếng:
-Này, Đrô-dơ-đốp-xki, cũng như mọi khi, anh đến đây hơi chậm đấy. Tôi và U-kha-nốp đã quyết định đi tìm họ. Và anh có thể yên tâm. Anh hãy báo tin qua máy vô tuyến rằng…
-Ai bị thương ở đây thế, anh em?
Cu-dơ-nét-xốp chưa kịp nói hết thì đã nghe tiếng tuyết lạo xạo, tiếng thở hổn hển đứt quãng rồi Ru-bin không phải là chạy mà lăn trên đôi chân cũn cỡn của mình vào trận địa và lập tức chiếc áo choàng của Dôi-a thấp thoáng như một chấm trắng. Giọng nói trong trẻo của cô vang lên ngân nga trong bầu không khí giá lanh rồi im bặt. Sau đó chiếc áo choàng trắng đu đưa trên mặt đất phía bên trái khẩu pháo và lại thấy tiếng Dôi-a, bây giờ nói giọng khác.
-Bỏ cái cặp lồng đi, U-kha-nốp. Cậu ta bị thương mà… Anh đưa cho tôi con dao găm… Anh giữ lấy chân cậu ta nhé, tôi sẽ cắt ủng. Cẩn thận, đấy, giữ lấy gót chân, anh thấy không, chân cậu ấy bị tụ máu sưng lên.
”Chả lẽ Tri-bi-xốp bắn trúng cậu ta thật à?”-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ và khi tưởng tượng câu chuyện vô lý không thể có được ấy, anh nghiến chặt răng đến phát đau lên. Anh biết rằng lúc này anh sẽ thi hành bất cứ mệnh lệnh nào vì anh không thể chờ đợi được hơn nữa: giá lạnh cào vào mặt anh như mài, lưng, ngực và tay cầm tiểu liên đã bị cứng đơ, phải hoạt động, liều lĩnh, phải vận động thôi dù muốn ra sao thì ra.
Tuy vậy, anh tin chắc rằng, được che đỡ bởi những chiếc xe tăng bị đốt cháy ở phía trước tiểu đoàn, họ sẽ băng qua được chặng đường năm trăm mét tới chỗ hai chiếc xe vận tải bọc thép bị diệt, ở đâu đó phía sau chúng có hai người trinh sát của ta nằm trong hố bom. Nhưng liệu họ còn sống ở đó không?... Tại sao bỗng nhiên tiếng súng lại ngừng ở phía trước mặt?
“Đúng rồi, ngay bây giờ… Miễn sao từ đây tới chỗ hố bom không vấp phải bọn Đức, không để lộ mình trước! Băng đi, không nổ súng”.
Thậm chí không nhìn Đrô-dơ-đốp-xki, anh đấm nắm tay xuống băng đạn tròn của khẩu tiểu liên, vươn mình đứng dậy và bước tới chiếc hầm, cảm thấy lồng ngực nhẹ nhõm, anh khẽ gọi, giọng khản đặc:
-U-kha-nốp, Ru-bin, Tri-bi-xốp, lấy lựu đạn và tiểu liên rồi đi theo tôi!
Thay cho tiếng trả lời anh nghe thấy tiếng rên ư ử không rõ từ trong khe hầm tối vọng ra và anh tưởng như có một người giọng tắc nghẹn đang bịt lấy mồm, rền rĩ ở trong đó. Cu-dơ-nét-xốp lại gần. Tri-bi-xốp ngả người trong góc hầm, nghe tiếng chân bước, bác lùi sâu vào trong hầm, hai chân giãy, đạp, đụng cả vào người Cu-dơ-nét-xốp, như thể bác muốn tìm điểm tựa để rúc mình sâu hơn vào trong lòng đất.
-Tri-bi-xốp, đứng dậy!-Cu-dơ-nét-xốp ra lệnh.-Bác làm sao thế? Khẩu các bin của bác đâu? Để nó lại đây. Bác lấy khẩu tiểu liên của Nết-trai-ép.
-Đồng chí trung úy, Dôi-a vừa nói rằng: ủng của cậu ta có máu. Tôi đã bắn… Nào tôi có biết? Chả lẽ tôi lại định tâm làm thế à? Tội nghiệp thằng bé…
-Đứng dậy Tri-bi-xốp!
Tri-bi-xốp bò ra khỏi hầm tối, khuôn mặt méo xệch, ướt đẫm băng giá nhô ra dưới lần mũ lót; để nén tiếng khóc, bác nhai chiếc bao tay phủ băng còn bao tay kia khẽ bám lấy mép công sự đầy tuyết, mò mẫm sờ soạng khẩu các bin trên bờ công sự. Sau cùng khi đã sờ thấy, bác kéo khẩu súng về phía mình nhưng bất giác buột tay, suýt để rơi khẩu súng: có lẽ đôi tay cóng lạnh cứng đờ đã không ngoan ngoãn nghe theo ý bác.
-Bị cóng à? Bác bị cóng à, Tri-bi-xốp?-Cu-dơ-nét-xốp chộp được khẩu các bin, ấn vào đôi tay đeo găng cứng đơ như cọc rào của Tri-bi-xốp và bác lúng túng ép chặt báng súng vào ngực đến nỗi nòng súng chọc vào má.
-Tôi bị tê cóng hết rồi, không nhúc nhích gì được… cả chân lẫn tay…
Từ cặp mắt nháy lia lịa của Tri-bi-xốp những giọt nước mắt lăn trên đôi má bẩn thỉu, râu ria lởm chởm, khuôn trong lần mũ lót buộc chặt vào cằm và Cu-dơ-nét-xốp ngạc nhiên trước vẻ mặt buồn bã thảm hại, bất lực của bác, con người đã không còn hiểu việc gì đã xảy ra, đang xảy ra và không hiểu người ta muốn gì ở mình. Cu-dơ-nét-xốp không hiểu rằng đây không phải là sự bất lực về thể chất làm cho lòng người trống rỗng và thậm chí đây cũng không phải là sự chờ đợi cái chết mà đây là sự tuyệt vọng thú vật sau tất cả những gì Tri-bi-xốp đã trải qua trong suốt một ngày đêm ròng rã không dứt-sau trận ném bom, cuộc tiến công của xe tăng địch, cái chết của anh em pháo thủ, sau khi bọn Đức đã thọc sâu được vào đâu đó trong hậu phương đến mức gần như vây quân ta,-và đó chính là sự tuyệt cọng trước những gì ý thức không lý giải được: phải đi đâu đó và phải làm một việc gì đó… Chắc là trong cảnh cô đơn khiếp sợ bác đã bắn vào người chiến sĩ trinh sát, không tin rằng đó là người Nga mình và việc đó đã đánh quỵ bác hoàn toàn.
o0o
-Tôi chịu thôi!...-Tri-bi-xốp òa khóc, đưa bao tay bịt chặt lấy mồm cố nén.-Đồng chí trung úy!... Đầu óc tôi làm sao ấy. Tôi không hiểu rõ mệnh lệnh…
-Hãy bình tĩnh, Tri-bi-xốp. Đừng khóc lóc nữa!-Cu-dơ-nét-xốp khẽ quát, thông cảm nhìn Tri-bi-xốp nhưng anh biết rằng nếu yếu lòng lúc này thì có nghĩa là mất hết hy vọng sống. Anh nói tiếp:-Tốt hơn hết là bác hãy vận động làm cho ấm người lên! Nghe rõ chưa, Tri-bi-xốp? Kẻo không thì tong đời đấy!
-Đồng chí trung úy… vì Chúa xin đồng chí để tôi ở lại đây!...
-Tôi không thể làm thế được, Tri-bi-xốp! Bác cũng hiểu đấy, có còn người đâu! Tôi lấy ai thay bác, lấy ai? Nết-trai-ép là trắc thủ, cậu ấy phải ở lại trực pháo. Nếu cần phải bắn, bác sẽ không đảm đương được công việc! Bác hiểu chưa?
U-kha-nốp vảub nghe gọi đến tên mình đã đến đứng sát bên Cu-dơ-nét-xốp ở trong hầm, áo choàng của họ sột soạt cào lên mặt đất đanh cứng, cả hai đều chăm chú và lặng lẽ nhét lựu đạn vào túi. Sau khi nhét những quả lựu đạn tròn như quả cam có cán, hất quai súng tiểu liên qua vai, Ru-bin thốt lên hằn học thiếu thiện ý: “Bụng dạ thật tởm, mẹ kiếp! Hạng người này có cho một phát đạn cũng còn ít!”. Rồi anh vừa khạc nhổ vừa giẫm bành bạch như thể định dùng ủng để giẫm nát đất vậy. U-kha-nốp thở phù phù để sưởi nóng cò súng tiểu liên, kiểm tra súng rồi ngước mắt nhìn khuôn mặt thảm hại, mếu máo vì khóc, ỉu xìu, buồn bã của Tri-bi-xốp, anh nói dường như thông cảm:
-Giá chúng ta có nhiều người hơn thì xin sẵn lòng cử bác đến với anh em thương binh ở trong hầm trú ẩn. Nhưng biết làm thế nào bây giờ?
-Tôi có còn sống đâu, cóng hết cả người rồi…-Và trong cơn tuyệt vọng Tri-bi-xốp bám riết lấy U-kha-nốp cầu xin sự che chở, lặp đi lặp lại:-Toàn thân tôi bị cóng, người cứng đơ ra rồi! Tôi cảm thấy trong người làm sao ấy.. Chẳng còn tí hơi sức nào nữa, thượng sĩ ạ…
-Biết rồi,-U-kha-nốp đồng tình một cách bình thản.-Bác Tri-bi-xốp này, nếu bác không phản đối, ta sẽ làm thế này nhé. Tôi lấy tuyết sát vào tay cho bác, bác sẽ ấm lên, thế là mọi việc đâu vào đấy. Thoạt đầu tay bị cóng, sau đó đến toàn thân. Ai chả biết thế từ lâu.-Chiếc răng bịt bạc của anh sáng lóe trước mặt bác, dường như anh mỉm cười.-Xong ngay, một lát thôi, trung úy ạ. Anh cho phép chứ? Kẻo không bác ấy biến thành búp tuyết mất. Ta lánh ra kia cho khỏi phiền mọi người, bác Tri-bi-xốp.
-Chúng tôi chờ hai phút, U-kha-nốp,-Cu-dơ-nét-xốp nói với vẻ thương hại xen lẫn sự khinh bỉ, cố không nhìn Tri-bi-xốp ngoan ngoãn đi cà nhót cà nhắc trong hào giao thông như thể tìm tòi sự cứu mạng, đầu rung lên vì khóc không thành tiếng.
Chuyện xảy ra với Tri-bi-xốp anh đã từng thấy ở một số người khác, trong những hoàn cảnh khác trong trận thử lửa đầu tiên của mình ở Rô-xláp. Ở những con người như thế này nỗi buồn trước những đau khổ khôn cùng đã làm tiêu ma hết ý chí và như lệ thường, đó là điềm báo trước cái chết của mình. Người ta đã sớm không coi hạng người đó như còn sống mà xem họ như những kẻ đã chết rồi. Lúc ấy anh không thông cảm và tỏ vẻ ngạc nhiên kinh tởm trước sự yếu đuối, sỉ nhục đến cùng cực của con người, anh chỉ sợ rồi một lúc nào đó anh cũng lâm vào tình trạng na ná như vậy.
-Chúng mình đi chiến đấu cùng với hạng đàn bà sướt mướt ấy à? Nước mắt nước mũi dầm dề! Chết quách đi cho rồi!
-Thôi đi, Ru-bin,-Cu-dơ-nét-xốp quay về phía Ru-bin.-Sao anh cứ hằn học với mọi người thế? Tôi không hiểu. tay anh vẫn cử động tốt chứ? Vẫn bấm được cò súng đấy chứ? Nếu không thì tối sẽ không tin anh đâu! Anh nhớ chưa?
-Trung úy tốt bụng đối với tôi. Ôi, tốt bụng lắm. Chứ không như đối với Tri-bi-xốp. Anh vẫn cứ nhớ chuyện cũ à?
-Anh muốn nghĩ thế nào thì nghĩ.-Cu-dơ-nét-xốp nói và cau có nhìn về phía người chiến sĩ trinh sát đã được Dôi-a băng bó lại, bóng dáng Đrô-dơ-đốp-xki sẫm đen đằng sau lá chắn kho và anh nghĩ bụng không phải không có ý thức rằng dù Đrô-dơ-đốp-xki đã nghe thấy hay không nghe thấy cuộc trò chuyện này với Tri-bi-xốp thì về cơ bản, đằng nào cũng thế thôi.
-Trung úy Cu-dơ-nét-xốp! Ai vừa than vãn ở đây thế? Tri-bi-xốp à? Anh ta đâu? Anh ta từ chối không chịu đi à?
Đrô-dơ-đốp-xki bước nhanh lại gần anh, đứng cách anh chỉ một bước chân, cũng như mọi khi, toàn thân anh ta căng ra như một sợi dây đàn, tuy trời lạnh nhưng vẫn gọn gàng, sẵn sàng hành động như lúc ở trên tàu cũng như khi hành quân trước đây; trông nét mặt anh ta cũng có thể thấy rằng anh ta không hề nghi điều gì cả, bình tĩnh, tự tin, coi như không có chuyện gì đã hay đang xảy ra và Cu-dơ-nét-xốp cố trả lời sao cho thật khô khan:
-Anh nghe nhầm đấy, đại đội trưởng ạ. Tôi xin chịu trách nhiệm về Tri-bi-xốp.
-Được thôi… Nhưng mà thế này, Cu-dơ-nét-xốp ạ.-Đrô-dơ-đốp-xki nói một cách quả quyết.-Phải đưa một tốp đông người hơn đến chỗ anh em trinh sát. Ba người không kéo nổi hai cậu ấy đâu. Tôi cũng sẽ đi cùng với hai chiến sĩ thông tin. Tôi đi sau các anh. Về phía bên phải hai chiếc xe vận tải bọc thép bị cháy.
-Anh không phải lo ngại, đại đội trưởng ạ,-Cu-dơ-nét-xốp đáp, vẻ lạnh lùng xa cách.-Nếu ở đó còn ai sống chúng tôi sẽ biết cách dìu họ đi.
-Tôi không lo ngại, Cu-dơ-nét-xốp ạ, tôi không lo ngại! Nhưng tôi sẽ đi với các anh.-Đrô-dơ-đốp-xki nói, cánh mũi và cặp lông mi lá liễu như của con gái rung rung, anh đưa mắt nhìn Cu-dơ-nét-xốp từ đầu đến chân rồi gạt Ru-bin đang lặng lẽ đứng giữa hầm, bước những bước dài về phía khẩu pháo, nơi Dôi-a được Nết-trai-ép giúp sức đã băng bó lại cho anh chiến sĩ trinh sát ở dưới chân bờ công sự và anh ta đã ngừng rên.
“Nếu chúng nó giết mình hôm nay thì có nghĩa là mình phải chết,-Cu-dơ-nét-xốp siết chặt báng khẩu tiểu liên, nghĩ, nhưng lập tức anh xua đuổi ngay ý nghĩ đó:-Tại sao mình lại nghĩ tới chuyện đó nhỉ?”.
-Đồng chí trung úy, chúng tôi đã sẵn sàng!... Như đi dự đám cưới ấy!
U-kha-nốp từ hào giao thông đi vào hầm, đằng sau anh là Tri-bi-xốp vóc người nhỏ bé, lặng lẽ, đầu ngoẹo xuống tận vai như một cây gậy vô dụng, gây phiền toái.
-Tuyệt lắm rồi… bác hãy để khẩu súng các bin lại cho Nết-trai-ép và lấy khẩu tiểu liên của anh ấy,-Cu-dơ-nét-xốp ra lệnh và gật đầu ra hiệu cho U-kha-nốp:-Anh đi cạnh bác ấy. Tôi đi với Ru-bin. Thế thôi. Tiến lên!
Lúc đó, bóng Dôi-a và Nết-trai-ép thấp thoáng, lay động ở gần khẩu pháo; họ khiêng người chiến sĩ trinh sát trên tay để đưa về hầm trú ẩn ở bờ sông, chân anh quấn băng dày cộm. Cu-dơ-nét-xốp thoáng nghe trong gió tiếng thì thào khó nhận ra:
-May mắn, các bạn nhé! Hãy trở về cả đấy!... Chúc mọi sự tốt lành!
Cu-dơ-nét-xốp không đáp trả lời cô.