Số lần đọc/download: 2494 / 48
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Chương 20: Ân Huệ Đã Đến Với Đất Nước Và Nhân Dân
B
uổi đêm, khi Ka ngủ, và ban mai
Ka ngủ đúng mười tiếng hai mươi phút, li bì, không hề trằn trọc.
Có lúc ông mơ thấy trời tuyết. Trước đó một lát, phía ngoài ngõ lại có tuyết rơi, có thể nhìn thấy qua rèm cửa nửa kín nửa hở. Tuyết trông cực kỳ xốp trong ánh đèn đường chiếu sáng lên tấm biển "Khách sạn Lâu Đài Tuyết" màu hồng. Có lẽ Ka ngủ một cách yên lành như vậy vì lớp tuyết kỳ diệu hy hữu ấy đã nuốt hết tiếng ầm ào của vũ khí trên các nẻo đường ở Kars.
Trong khi đó chỉ cách có hai phố, trường tôn giáo đang bị xe tăng và hai xe tải quân sự tấn công. Không phải cổng chính, một di sản của nghệ thuật rèn sắt Armenia, mà cổng gỗ dẫn đến phòng ngủ của các lớp trên và giảng đường mới là nơi xảy ra đụng độ.
Thoạt tiên binh lính trong sân ngập tuyết đã bắn loạt đạn cảnh cáo lên khoảng không trung tối đen. Vì các học viên Hồi giáo chính trị hung hăng nhất đều đang bị bắt giữ trong buổi biểu diễn ở Nhà hát nhân dân nên trong phòng ngủ chỉ có những chiến binh mới tập tành và những người thờ ơ với chính trị. Nhưng cảnh tượng truyền qua ti vi đã kích động họ lấy bàn ghế ra xây chiến lũy hô khẩu hiệu "Allah vĩ đại!" và bắt đầu phân người đứng gác. Một, hai học sinh điên rồ lấy trộm dao dĩa từ phòng ăn ném qua cửa sổ phòng vệ sinh xuống đám lính và rắp tâm nghịch dại với khẩu súng ngắn duy nhất mà chúng có trong tay. Thế là cuộc đụng độ trở thành nổ súng, và một học sinh mảnh khảnh đẹp trai tử vong vì trúng đạn giữa trán. Do tuyết rơi quá dày nên hầu như không ai trong thành phố biết được chuyện gì xảy ra khi các học sinh bị dẫn lên xe và đưa đến Sở cảnh sát. Chúng còn mặc đồ ngủ, nhiều đứa khóc nhè - là những đứa ban đầu lưỡng lự, nay hối hận vì đã hùa vào chống đối, cốt chỉ để a dua theo lũ bạn - còn những đứa khác thì lăn vào đánh nhau, mặt mũi bê bết máu.
Phần lớn dân chúng còn thức nhưng họ không chú ý nhìn ra cửa sổ hay ra phố mà vẫn chăm chú xem truyền hình. Sau khi ti vi truyền trục tiếp từ Nhà hát nhân dân thông báo của Sunay Zaim rằng đây không phải vở diễn đơn thuần mà là một cuộc cách mạng, ông phó thống sứ Umman Bey được cả thành phố quen mặt trèo lên sân khấu trong khi binh lính dồn những kẻ phản đối trong khán phòng lại và cáng người chết và người bị thương ra ngoài. Với giọng nói quyền uy, đầy thịnh nộ, đáng tin cậy như mọi khi song không giấu nổi chút lúng túng mới mẻ vì đang được "truyền hình trục tiếp", ông thông báo lệnh thiết quân luật đến mười hai giờ trưa mai trong toàn thành phố. Sau ông, chẳng có ai lên sân khấu không người nữa, do đó trong hai mươi phút tiếp theo những khán giả xem ti vi ở Kars chỉ thấy mỗi tấm màn sân khấu của Nhà hát nhân dân. Rồi đường truyền bị gián đoạn, đột ngột màn sân khấu cũ lại hiện ra. Một lát sau màn từ từ mở, và toàn bộ "vở diễn" được ti vi chiếu lại từ đầu.
Điều đó gây sợ hãi cho nhiều khán giả truyền hình ở Kars, họ cố suy đoán xem trong thành phố xảy ra chuyện gì. Ai quá mệt mỏi hoặc say rượu thì có cảm giác bị sa chân vào một ma trận hỗn độn, những người khác sợ hãi vì phải chứng kiến lại chết chóc, chém giết và màn đêm đen. Một số khác không quan tâm đến phương diện chính trị của sự kiện thì ngồi xem thật kỹ chương trình truyền lại để tìm cách lý giải những sự kiện trong đêm đó, giống như tôi nhiều năm về sau.
Trong khi khán giả Kars xem lại lần nữa cảnh Funda Eser bắt chước một nữ thủ tướng ngày xưa vừa khóc vừa đón khách Mỹ hay hơn hớn lắc rốn múa bụng sau khi nhại một đoạn phim quảng cáo, một đội đặc nhiệm của cảnh sát lặng lẽ chiếm giữ trụ sở tỉnh ủy của đảng Công bằng giữa các dân tộc trong khu mua bán Halil Paşa, bắt nhân viên người Kurd là người duy nhất có mặt ở đó và thu thập mọi mẩu giấy tờ tài liệu trong các tủ và ngăn kéo. Toán cảnh sát đó cũng đi xe bọc thép lần lượt tìm đến các thành viên của tỉnh ủy mà họ đã quen mặt cũng như biết địa chỉ từ những lần bố ráp trước đó. Tất cả bị bắt với tội danh gây ly gián và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Kurd.
Đó không phải là những người theo chủ nghĩa dân tộc Kurd duy nhất ở Kars. Theo tin của lực lượng an ninh, ba xác chết được lôi ra từ chiếc taxi hiệu Murat cháy thui trên đường đi Digor sáng hôm sau, trước khi bị tuyết phủ lên là các thành viên vũ trang của đảng Công nhân Kurd. Nghe nói là ba thanh niên ấy được tung vào thành phố trước đây mấy tháng và khi hoảng sợ trước các biến cố ở Nhà hát nhân dân đã quyết định trốn lên núi bằng taxi, nhưng đường tắc nghẽn khiến họ nhụt chí và nổ ra tranh cãi, rồi họ tự sát bằng cách để một người trong bọn giật bom nổ. Mẹ của một người làm lao công ở bệnh viện Kars, bà trình báo là con bà tối hôm đó bị mấy người lạ mặt có vũ khí đến gõ cửa và ép đi cùng. Nhưng người ta không xét đơn ấy, hệt như tường trình của anh trai người lái taxi rằng em anh thậm chí không phải là người Kurd, nói gì đến chuyện theo chủ nghĩa dân tộc Kurd.
Nói cho cùng thì đến phút này toàn thành phố đã biết một cuộc cách mạng vừa nổ ra hay ít nhất có một biến cố với hai xe tăng và một số nhân vật kỳ bí, nhưng không thấy không khí hoảng sợ, vì tất cả chỉ diễn ra trong phạm vi một buổi biểu diễn được truyền trên ti vi, dưới lớp tuyết bay bay ngoài cửa sổ như không muốn ngừng, hệt trong cổ tích. Chỉ có ai quan tâm đến chính trị mới tương đối lo lắng.
Ví dụ như Sadellah Bey, một nhà báo và nhà nghiên cứu dân tộc học khả kính trong cộng đồng người Kurd. Vừa nghe thấy lệnh thiết quân luật trong ti vi, ông chuẩn bị ngay cho quãng thời gian ngồi tù có lẽ đã gần tới. Chả gì thì trước đây ông đã chứng kiến nhiều cuộc đảo thính quân sự. Ông xếp vào vali vài bộ đồ ngủ ca-rô xanh mà không có nó ông không chợp mắt được, thuốc cho chứng viêm tuyến tiền liệt và thuốc ngủ, mũ và tất len, bức ảnh con gái ông ở Istanbul đang cười và bế cháu trên lòng, cũng như bản thảo cho cuốn sách về nhạc hiếu của dân Kurd. Rồi ông ngồi đợi trong lúc uống trà với vợ và xem Funda Eser múa bụng lần thứ hai. Sau nửa đêm đã lâu, khi có tiếng chuông ở cửa, ông chia tay vợ, xách vali ra mở cửa. Không thấy ai ở đó, ông bước hẳn ra đường ngập tuyết. Con ngõ nhỏ phủ tuyết nằm thanh bình và xinh xắn dưới ánh đèn đường vàng quạch nhắc ông nhớ lại hồi trẻ con vẫn chạy trên mặt sông đóng băng ở Kars. Đúng lúc đó ông nhận một loạt đạn vào đầu và ngực.
Mấy tháng sau khi tuyết đã tan người ta còn tìm thấy các xác chết khác và biết rằng đêm ấy còn nhiều vụ giết người nữa.
Tôi sẽ cố gắng không kể lại các biến cố để tránh làm bạn đọc của tôi xôn xao, giống như báo chí dè dặt của Kars ngày ấy. Nhưng những chuyện đồn thổi cho rằng Z. Tay Sắt và thủ hạ đã gây ra các "vụ đổ máu bí hiểm" đó là không chính xác, ít nhất trong những giờ đầu tiên. Bọn họ đã cắt được đường điện thoại, dù có hơi bị chậm trễ, tấn công đài Truyền hình biên giới Kars và hạ lệnh truyền chương trình ủng hộ cách mạng. Gần hết đêm họ tập trung sức lực đi tìm một ca sĩ hát dân ca có giọng hùng tráng chuyên hát ca ngợi các anh hùng và lính biên phòng, vì không nghi ngờ gì nữa, chỉ khi radio và tivi phát các ca khúc về anh hùng và lính biên phòng thì cách mạng mới được gọi là cách mạng.
Sau khi sục sạo hết các trại lính, nhà thương, trường khoa học tự nhiên và các quán trà mở thâu đêm suốt sáng, rốt cuộc người ta cũng tìm ra ca sĩ cần thiết giữa đám lính cứu hỏa. Thoạt tiên anh này tưởng là mình bị bắt và có thể biết đâu phải dựa cột, song anh ta được đưa thẳng đến phòng thu âm. Giọng ca trầm hùng của anh phát ra từ máy truyền hình đặt ở tiền sảnh khách sạn, thấu qua tường, qua lớp ngăn bằng thạch cao và rèm cửa, là âm thanh đầu tiên mà Ka nghe được khi chưa mở mắt. Tuyết phát ra một ánh sáng là lạ nhưng cực kỳ gay gắt chiếu xuyên qua rèm cửa sổ mở hé vào căn phòng im ắng trần cao. Ka đã ngủ rất say và cảm thấy sảng khoái trong người, nhưng chưa kịp ra khỏi giường ông đã cảm thấy một mặc cảm tội lỗi vì chuyện đó. Ông làm như mình chỉ là một khám trọ bình thường trong một thành phố khác và vào nhà tắm, rửa mặt, cạo râu, thay quần áo, vận đồ mới, cầm chìa khóa phòng xỏ vòng đồng nặng trĩu đi xuống quầy tiếp tân.
Nhìn thấy ca sĩ hát dân ca trong ti vi và nhận ra sự yên lặng sâu lắng bao trùm lên thành phố (ở tiền sảnh người ta chỉ thì thào nói chuyện với nhau), dần dần Ka thấu hiểu sự kiện xảy ra tối qua và những gì trí óc đã cản không cho ông nhìn thấy. Ông lạnh lùng mỉm cười với cậu đứng quầy lễ tân rồi đi ngay vào phòng ăn bên cạnh để ăn sáng như một du khách vội vã và không muốn mất thêm quá nhiều thì giờ trong thành phố đang tự hủy hoại mình bởi bạo lực và những ý đồchính trị điên rồ. Một ấm trà dẹt đặt trên ấm samovar nghi ngút hơi nước ở góc phòng. Trên khay là những lát pho mát Kaşar của Kars thái mỏng, cùng một bát đựng ô-liu đã mất hết màu căng bóng và trở thành hơi xỉn.
Ông ngồi xuống cạnh chiếc bàn bên cửa sổ. Một hồi lâu ông quan sát con ngõ phủ tuyết tuyệt đẹp ẩn hiện giữa các màn đăng ten mở nửa chừng. Đường phố trống trơn có gì đó sầu muộn, khiến Ka nhớ lại những lần điều tra dân số, lập lại danh sách cử tri những vụ tổng điều tra và đảo chính quân sự hồi ông còn nhỏ, khi lệnh thiết quân luật ban bố và mọi người quây quần trước ti vi hay radio. Trong khi radio cử nhạc hành khúc và đọc bố cáo hoặc lệnh cấm của chính quyền lâm thời, Ka luôn muốn đi ra đường phố không một bóng người. Thời đó các cuộc đảo chính quân sự là một chủ đề liên kết mọi người và làm mọi cô bác hàng xóm xích lại gần nhau hơn, hồi nhỏ Ka thấy những ngày đó tươi đẹp, giống như người khác ưa những buổi hàn huyên truyền thống trong tháng Ramadan. Ngày ấy các gia đình tư sản và quý tộc Istanbul như gia đình Ka đều có nguyện vọng giấu giếm phần nào cảm tình của họ đối với các cuộc đảo chính quân sự vốn làm cuộc sống của họ an toàn hơn, do đó họ làm ra vẻ cười cợt chế giễu các biện pháp ngớ ngẩn được tiến hành sau đảo chính (rãnh nước mưa khắp Istanbul đều phải quét vôi trắng cho giống doanh trại; đàn ông tóc dài hay để râu bị lính hoặc cảnh sát giữ lại ngoài phố và cắt trụi). Hồi đó giới người Thổ giàu có một mặt sợ lính, mặt khác họ ngầm khinh bỉ lũ tay sai xuất thân nông dân luôn phải sống trong kỷ luật và lo sao cho đủ vắt mũi đút miệng.
Như ngày còn thơ, lúc này Ka thẫn thờ nhìn một xe tải quân sự rẽ vào con phố trông như bị bỏ hoang đã vài trăm năm.
Bỗng nhiên một người ăn mặc như dân buôn gia súc vừa tiến vào phòng ôm chầm lấy Ka, hôn lên hai má ông.
"Tất cả chúng ta hãy vui lên nào! Ân huệ đã đến với đất nước và nhân dân!"
Ka nhớ rằng sau những cuộc đảo chính quân sự ngày xưa, người lớn cũng thường chúc tụng nhau như vậy, tựa như đang trong một buổi lễ tôn giáo. Ông lẩm bẩm với người đàn ông một câu đại loại như "Cảm tạ Allah!" và lấy làm xấu hổ.
Cửa bếp bật mở, và Ka đột ngột cảm thấy ba hồn bảy vía lạc đâu mất. Ipek tiến từ trong ra, ánh mắt họ giao nhau, trong phút chốc Ka không rõ nên làm gì cho phải. Ông chỉ muốn đứng dậy, nhưng Ipek mỉm cười với ông và quay sang người khách vừa ngồi xuống ghế. Cô bưng một khay đựng tách và đĩa, đặt xuống bàn của người kia như một cô phục vụ.
Trong Ka là một sự pha trộn giữa bi quan, hối hận và mặc cảm tội lỗi. Ông trách mình đã không chào hỏi Ipek một cách tử tế, nhưng ngoài ra còn có một điều khác mà ông biết ngay sẽ không tự dối lòng được. Mọi chuyện đều sai cả, tất cả những gì họ đã làm tối qua: chuyện ông xin cưới cô - một người vẫn còn xa lạ, và hôn cô (dù thật tuyệt vời), chuyện ông buông thả mình đến thế, chuyện ông cầm tay cô trong bữa tối, tệ hơn nữa, ông đã thể hiện trong khi say rượu niềm si mê của mình một cách trơ trẽn trước mặt tất cả như một người đàn ông Thổ tầm thường. Giờ thì ông không biết phải nói gì với Ipek, và mong Ipek cứ vĩnh viễn đứng phục vụ ở bàn bên.
Người đàn ông ăn mặc hiểu buôn gia súc lớn tiếng gọi đặt trà. Theo thói quen Ipek bưng chiếc khay trống ra phía ấm samova. Sau khi rót trà cho người đó, cô nhanh chân ra bàn Ka và ông thấy tim mình đập thình thịch đến chóng mặt.
"Sao rồi anh?"Ipek mỉm cười hỏi. "Anh ngủ có ngon không?"
Ka giật mình trước sự liên tưởng đến buổi đêm và những khoảnh khắc hạnh phúc hôm qua. "Có vẻ như tuyết không chịu ngừng rơi nữa thì phải," ông gắng gượng thốt lên.
Họ lặng im ngắm nhìn nhau. Ka hiểu rằng ông không biết nói gì, và nếu nói được gì thì cũng gây ấn tượng giả tạo. Ông im lặng để tỏ cho cô biết mình không thể làm được gì khác, và nhìn thẳng vào cặp mắt to màu nâu nhạt của cô lúc này đã thoáng vẻ đờ đẫn. Ipek hiểu ra tâm trạng Ka lúc này khác hẳn hôm qua, ông bây giờ đã là một người khác. Đối lại thì Ka biết Ipek thấu hiểu, thậm chí cảm thông với sự u tối trong mình. Ông cũng linh cảm rằng niềm cảm thông ấy sẽ làm ông suốt đời phụ thuộc vào người đàn bà này.
"Tuyết kiểu này sẽ không sớm dứtđâu."Ipek thận trọng đáp.
"Ở đây còn thiếu bánh mì," Ka nói.
"Ôi, em xin lỗi!" Cô chạy ngay ra bàn bày đồ ăn kê ấm samova, đặt khay xuống và cắt bánh.
Ka gọi bánh mì vì ông không chịu nổi tình cảnh này nữa.Giờ thì ông ngó theo Ipek như muốn nói: Thực ra anh cũng tự ra đó cắt bánh mì được mà.
Ipek mang một chiếc áo len trắng, váy nâu dài và thắt lưng khá rộng bản như mốt hồi thập kỷ bảy mươi mà bây giờ chẳng ai dùng cả. Eo cô thon, vòng hông vừa phải. Chiều cao của cô hợp với Ka. Đoạn mắt cá ở chân cô Ka cũng thấy đẹp, và ông hiểu rằng, nếu ông không cùng cô quay về Frankfurt được thì ký ức về những lúc cô nắm tay ông, lúc họ hôn nhau nửa đùa nửa thật khiến ông tràn đầy hạnh phúc sẽ hành hạ ông đến tận cuối đời.
Khi Ipek ngừng tay cắt bánh mì, cô ngoảnh đầu nhìn Ka trước khi cất bước. "Tôi lấy thêm pho mát và ô-liu vào đĩa ông nhé?"Cô gọi về phía ông. Ka hiểu cô thưa gửi lễ phép với mình để nhắc nhở rằng trong phòng còn nhiều người khác nữa.
"Vâng, xin chị!"Ông cũng đáp với giọng ấy cho mọi người nghe. Khi nhìn vào mắt cô, Ka biết cô thừa hiểu rằng ông vừa ngắm cô từ phía sau. Ông giật thót khi nhớ ra Ipek rất thành thạo trong quan hệ giữa đàn ông và đàn bà, một thứ ngoại giao phức tạp mà ông không hề biết làm chủ. Gì thì gì, ông sợ cơ may duy nhất để đạt được hạnh phúc trong đời mình nằm trong chính mối quan hệ đó.
"Xe quân sự vừa đem bánh mì đến lúc nãy,"Ipek nói và mỉm cười với ánh mắt ngọt ngào khiến Ka hoàn toàn bị chinh phục."Zahide Hanim không đến được vì lệnh thiết quân luật, do vậy em lo việc trong bếp... Lúc thấy lính đến, em sợ quá."
Vì rất có thể lính đến để bắt Hande hay Kadife. Hay thậm chí bắt bố cô...
"Bọn họ đưa hộ lý ở nhà thương đến Nhà hát nhân dân để dọn sạch những vết máu,"Ipek thì thầm. Cô ngồi xuống cạnh bàn. "Họ đã đánh vào ký túc xá, trường tôn giáo và các văn phòng đảng..." Tới mỗi nơi lại có thêm người chết. Hàng trăm người bị bắt giữ, dù đến sáng một số lại được thả. Giọng cô thì thào như thường thấy trong những thời kỳ bị áp bức chính trị, Ka nhớ đến những nhà ăn sinh viên ở trường đại học trước đây hai chục năm. nơi người ta rỉ tai nhau những mẩu chuyện về tra tấn và đàn áp, ông nhớ đến sự căm tức, buồn rầu pha lẫn niềm tự hào khó hiểu trong giọng điệu các sinh viên. Chính những lúc ấy ông cảm thấy mặc cảm tội lỗi nhiều nhất: chẳng quan tâm gì cả ông chỉ ước một điều là được quên đi mình đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, về nhà và đọc sách. Giờ thì ông những muốn trả lời "Kinh khủng, kinh khủng quá!" để giúp Ipek chấm dứt đề tài này, và câu nói đã ra đến đầu lưỡi ông nhưng lại thôi vì ông cảm thấy nó giả tạo. Ka ăn tiếp bánh mì và pho mát trong tâm trạng hối lỗi đó.
Ipek thì thầm kể chuyện ôtô đi về mấy xóm người Kurd đón các ông bố đến nhận xác con ở trường tôn giáo bị sa lầy giữa đường và tất cả dân chúng được gia hạn đúng một ngày để nộp vũ khí cũng như các hoạt động của lớp dạy Koran và mọi đảng phái chính trị đều bị cấm. Trong khi cô kể, Ka ngắm bàn tay, cặp mắt và làn da tuyệt đẹp trên cái cổ cao của Ipek, nhìn mái tóc nâu nhạt đổ xõa quanh cổ. Ông có thể yêu cô không? Ông thử vẽ ra trước mắt một thoáng; họ sẽ đi dọc phố Kaiser ở Frankfurt, và tối đến sau khi xem phim lại quay về nhà. Nhưng trong nháy mắt, nỗi bi quan đã chế ngự ông. Ông chỉ hình dung ra Ipek cắt bánh mì thành những lát dày như thói quen trong các gia đình nghèo và tệ hơn nữa - cô xếp những lát bánh ấy thành một hình tháp như ở các cửa hàng để lừa mắt khách.
"Anh xin em, nói sang chuyện khác đi," Ka nói thận trọng.
Ipek đang kể về một người đàn ông sống gần khách sạn do bị chỉ điểm nên bị bắt trong khi cố lẩn qua dãy sân sau.
Ka đọc được nỗi sợ hãi trong mắt cô. "Hôm qua anh rất hạnh phúc, em có biết không, và lần đầu tiên từ bao năm nay anh lại làm thơ," ông giải thích. "Nhưng bây giờ thì anh không thể nghe nổi những chuyện này."
"Bài thơ hôm qua của anh hay thật."Ipek nói.
"Em giúp anh một chút được không, trước khi nỗi bất hạnh làm anh tê liệt?"
"Em phải làm gì?"
"Anh sẽ lên phòng mình ngay," Ka nói. "Một lát sau em hãy lên đó và lấy hai tay giữ đầu anh. Một chút thôi, không cần gì hơn!"
Khi nói ra câu đó, ông nhận ra trong ánh mắt khiếp hãi của Ipek là cô sẽ không làm nổi việc ấy, và ông đứng dậy. Cô chỉ là một phụ nữ tỉnh lẻ, một người xa lạ, và ông đã yêu cầu một việc cô sẽ không hiểu nổi. Có lẽ ông không nên đưa ra lời cầu xin ngu xuẩn ấy mới đúng, và sẽ không phải nhìn thấy ánh mắt sửng sốt của cô. Trong khi vội vã lên cầu thang ông tự trách mình đã yêu cô một cách hão huyền. Ông vào phòng, thả mình vật xuống giường và tự thấy ngu xuẩn xiết bao khi đánh đường từ Istanbul về đây và sau đó ông nhận ra chính quyết định từ Frankfurt về Thổ Nhĩ Kỳ là một sai lầm. Nếu còn sống thì liệu mẹ ông sẽ nói gì khi biết hạnh phúc của con bà ở tuổi bốn hai phụ thuộc vào một người đàn bà "lo việc bếp núc" ở Kars và cắt bánh mì thành những lát dày cộp? Chả phải trước đây hai chục năm bà đã cố ngăn con trai đến với thơ văn để có một cuộc đời bình thường đó sao? Và liệu bố ông sẽ nói gì nếu nghe nói con ông ở Kars quỳ gối trước một trưởng lão nhà quê và vừa khóc vừa kể lể về đức tin của nó với Allah?
Ngoài trời tuyết lại bắt đầu rơi, và những bông tuyết khổng lồ u sầu hạ xuống từ từ bên ngoài cửa sổ.
Có tiếng gõ cửa. Ka bật dậy và mở cửa trong hy vọng. Đó là Ipek, nhưng vẻ mặt cô khác hẳn: có một xe quân sự vừa đến, hai người, trong đó một lính, xuống xe và hỏi Ka. Cô nói là ông đang ở đây và sẽ đi gọi ông.
"Được." Ka nói.
"Em có thể xoa bóp cho anh trong hai phút như anh hỏi lúc nãy,"Ipek nói.
Ka kéo cô vào phòng, đóng cửa lại, hôn cô và đặt cô ngồi xuống đầu giường. Ông nằm duỗi dài và gối đầu lên lòng cô. Họ cứ giữ tư thế như vậy một hồi, im lặng và ngó ra ngoài cửa sổ xem mấy con quạ đi lại trên mái tòa thị chính hơn một trăm năm tuổi.
"Tốt rồi, thế là đủ, anh cảm ơn em!" Ka nói. Ông cẩn thận lấy chiếc áo choàng màu xám tro từ trên móc xuống và ra khỏi phòng. Trong khi xuống cầu thang ông khẽ ngửi chiếc áo để nhắc mình nhớ đến Frankfurt, và trong khoảng khắc ấy ông chợt thèm muốn cuộc sống của mình ở Đức tho đến tận chi tiết vụn vặt nhất.Ở đó có người bán hàng tóc vàng tên là Hans Hansen đã tư vấn cho ông hôm ông mua chiếc áo choàng này ở cửa hàng Kaufhof.Hai hôm sau ông quay lại lấy áo đã cắt ngắn và gặp lại anh ta.Ka cũng nhớ rằng buổi đêm ông chợt thức dậy và nhớ đến người này - có thể vì cái tên quá Đức và màu tóc quá vàng.