Số lần đọc/download: 4111 / 147
Cập nhật: 2015-07-04 22:49:15 +0700
Những Tấm Gương Bị Che Phủ
K
.H. dịch từ bản tiếng Anh “Covered Mirrors” của Andrew Hurley
Đạo Islam cho chúng ta biết vào Ngày Phán xét không thể kháng cự, tất cả những ai đã xâm phạm hình tượng của các sinh thể sẽ một lần nữa bị đánh thức cùng những tác phẩm của mình, và được yêu cầu thổi sự sống vào chúng, và họ sẽ thất bại, rồi cùng với những công trình của mình, họ sẽ bị ném vào ngọn lửa của sự trừng phạt. Như một đứa trẻ, tôi cảm nhận được điều khủng khiếp trong sự nhân đôi hoặc tăng bội một cách ma quái của thực tại, nhưng nỗi sợ chỉ ập đến mỗi khi tôi đứng trước những tấm gương lớn. Khi trời bên ngoài vừa sập tối, chức năng bất biến không thể nhầm lẫn của gương, cách chúng đeo bám từng động thái của tôi, thứ kịch câm mang tính vũ trụ của chúng, đối với tôi dường như thật kì quái. Một trong những điều khẩn cầu Thượng đế và thiên thần hộ mệnh của tôi là mong sao mình không nằm mơ thấy những tấm gương; tôi còn nhớ rất rõ mình đã vật vờ ra sao chỉ để ngó chừng chúng trong nỗi bất an. Thỉnh thoảng tôi còn lo sợ chúng sẽ xoay xở tìm cách tách khỏi thực tại; những lúc khác, tôi lo sợ sẽ nhìn thấy khuôn mặt chính mình đang bị biến dạng bởi những tai ương kì dị trong đó. Tôi nhận ra nỗi kinh hoàng này đang lan tràn khắp thế giới một lần nữa. Câu chuyện khá đơn giản mà khó chịu vô cùng.
Năm 1927, tôi gặp một phụ nữ trẻ nghiêm nghị, ban đầu qua điện thoại (vì ban đầu Julia chỉ như một giọng nói không tên tuổi hay mặt mũi) và sau đó tại một góc phố vào ban đêm. Đôi mắt của cô to một cách đáng báo động, tóc thẳng đen huyền, dáng người mộc mạc. Cô là cháu chắt của những người Liên bang, còn tôi là hậu duệ của những người Thống nhất (1), nhưng mối bất hoà giữa hai dòng dõi, đối với chúng tôi, là một sự ràng buộc, một thuộc tính tròn đầy hơn của quê hương chúng tôi. Cô sống cùng gia đình trong một ngôi nhà có trần cao đang xuống cấp, trong sự phẫn uất và vô vị của cảnh bần hàn thanh cao. Những buổi ban trưa – rất hiếm khi vào ban đêm – chúng tôi ra ngoài đi dạo, ngang qua khu phố Balvanera (2) gần nhà cô. Chúng tôi tản bộ dọc theo bức tường cao màu trắng của sở đường sắt; có lần chúng tôi xuống tận Sarmiento, nơi sẽ dẫn đến những bãi đất trống của Parque Centenario (3). Giữa chúng tôi không phải tình yêu cũng không phải một viễn tưởng về tình yêu; tôi cảm nhận ở cô loại cảm xúc hoàn toàn không giống với những xúc cảm mang dục tính, và tôi sợ hãi điều đó. Để tạo dựng mối quan hệ thân mật với phụ nữ, người ta thường kể với họ những trải nghiệm thực tế hoặc các giai thoại đã xảy ra trong thời trai trẻ của mình; thỉnh thoảng tôi có kể cho cô ấy nghe nỗi kinh hoàng của mình về những tấm gương, và do vậy, vào năm 1928, tôi đã vun trồng những ảo tưởng sẽ kết thúc vào năm 1931. Hiện tại, tôi vừa được biết rằng cô đã điên loạn, và trong phòng cô, mọi tấm gương đều được che phủ, bởi cô nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của tôi trong đó – chúng chiếm đoạt cô – cô run rẩy không nói nên lời, cho rằng tôi đang bám theo cô bằng ma thuật, dòm ngó cô, rình mò cô.
Sự trói buộc đáng ghê sợ, sự trói buộc của khuôn mặt – hoặc một trong những khuôn mặt xưa cũ của tôi. Số mệnh ghê tởm của nó khiến tôi ghê tởm theo, nhưng tôi đã không còn bận tâm nữa.
Ghi chú của Andrew Hurley:
(1) Những người Liên bang (Federalists) / Những người Thống nhất (Unitarians): Những người Liên bang là những người bảo thủ thuộc thế kỉ 19 ủng hộ một chính phủ liên bang (tức phi tập trung) ở Argentina, với những địa phận có quyền tự quyết cao và có tiếng nói bình đẳng trong chính phủ. Những người Liên bang cũng là “những người Argentina”, để đối lại những người theo chủ nghĩa quốc tế, những người Thống nhất giống như người u, và những nhà lãnh đạo của họ có khuynh hướng trở thành những lãnh tụ dân kiểm, chiến sĩ của họ trong các cuộc nội chiến có khuynh hướng trở thành những gã giang hồ (gaucho). Những người Thống nhất, mặt khác, là một tổ chức đóng tại Buenos Aires, ủng hộ sự tập trung, một nhà nước tự do; họ có khuynh hướng trở thành “những nhà tư tưởng tự do”, chứ không phải những tín đồ Công giáo áo xanh xám, những nhà trí thức, những người theo chủ nghĩa quốc tế, và những người sùng tín châu u trong dáng vẻ những người Thống nhất lên án sự lỗ mãng của tính cách giang hồ, và đặc biệt trở nên đa cảm bởi lối sống ấy; họ mang chất thành thị như một sự khiếm khuyết. “Mối bất hoà giữa hai dòng dõi” lâu đời này, như Borges đã đưa vào trong truyện, chính là mối bất hoà của Argentina, sự xung khắc chưa bao giờ được giải toả ở đất nước Argentina, nơi Jorge Luis Borges sinh sống.
(2) Balvanera: Có thể đoán vào thời điểm “Borges” trải nghiệm sự việc này, Balvanera là khu vực lân cận khu “bần hàn thanh cao” hơn là hình ảnh được mường tượng từ những mô tả của “Julia”, nhưng trong truyện Người chết in trong tập Aleph, Balvanera là khu vực lân cận, nơi xuất thân của “gã lưu manh buồn bã” Benjamín Otálora, và được mô tả như vùng ngoại thành Buenos Aires năm 1891 (rõ ràng không có nghĩa nó phải thuộc về khu ngoại thành Buenos Aires vào năm 1927, thời điểm bắt đầu của truyện Những tấm gương bị che phủ), khu vực của “những gã cưỡi xe thồ đeo đai da”. Vì vậy Balvanera không gắn bó nhiều với giới giang hồ và những kẻ cục súc (dù sự gắn bó của những người Liên bang ám chỉ một mối gắn kết như vậy), cũng như với những bãi hàng và công việc làm ăn của họ, vòng quay phụ (và kém lãng mạn hơn) của cuộc sống hoang liêu. Balvanera ở đây, như chính gia đình Julia, là bóng tối rệu rã của chính mình và của cuộc sống mà nó từng đại diện.
(3) Bức tường cao màu trắng của sở đường sắt… Parque Centenario: Tuyến đường sắt từng (và vẫn đang) chạy xuyên qua Balvanera từ ga Plaza del Once về phía tây, hướng về vùng ngoại thành Buenos Aires. Sarmiento cũng chạy về phía tây, nhưng hơi lệch về phía bắc tuyến đường sắt, chạy theo hướng chếch một chút về phía tây bắc. Cách nhà ga khoảng một dặm rưỡi, tuyến đường sắt sẽ gặp Parque Centenario.