Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Stendhal
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: La Chartreuse De Parme
Dịch giả: Huỳnh Lý
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1948 / 26
Cập nhật: 2017-04-21 14:46:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
á tước biết rằng tám ngày qua, nữ công tước đã tiêu phí những khoản tiền to ghê gớm để tìm người đồng tình trong nhà ngục, nhưng theo ông thì ít có hy vọng thành công vì mắt mọi người hãy còn mở to quá. Chúng tôi không kể với độc giả tất cả những cố gắng mua chuộc của người phụ nữ khốn khổ đó, bà đang lo hoảng lên và nhiều thủ hạ đủ loại và tận tâm đang giúp bà. Tuy nhiên chỉ có một loại công việc mà người ta thực hiện hoàn hảo trong các triều đình chuyên chế nhỏ, đó là việc giam giữ những người tù chính trị. Vàng của nữ công tước chỉ có hiệu quả làm đuổi khỏi ngục thành chín, mười nhân viên đủ cấp bực. Thế là sự tận tụy hoàn toàn vì người tù, bà công tước và ông thủ tướng vẫn không làm được gì nhiều cho anh ta. Quận vương giận dữ, triều đình và dân chúng lấy làm ức với Fabrice, nay thích thú thấy anh mang họa, anh đã quá sướng mà! Bà công tước vung tay vãi vàng ra nhưng cũng không tiến được bước nào vào nhà ngục. Không có ngày nào là nữ hầu tước Raversi hoặc hiệp sĩ Riscara không có ý kiến để thông báo với tướng Conti. Họ cố vực con người hèn yếu ấy lên.
Như chúng tôi đã nói, ngay hôm Fabrice vào tù, anh được đưa đến lầu quan trấn thủ trước hết. Đó là một tòa lâu nhỏ xinh xắn xây dựng vào thế kỷ trước theo bán họa của Vanvitelli, nhà kiến trúc ấy đã đặt để tòa lầu kia trên sân thượng của cái tháp tròn khổng lồ, ở độ cao ba mươi sáu sải tay[93]. Tòa lâu đài nhỏ đó cô lập trên lưng ngôi tháp cao lớn như cái u một con lạc đà, từ các của sổ của tòa lầu, Fabrice nhìn thấy đồng ruộng và dải Alpes ở khoảng xa, anh đưa mắt trông theo dòng sông Parme chảy dưới chân thành, một thứ suối hơn là sông, đi vòng quanh bên phải cách thành phố bốn dặm rồi đổ vào sông Pô. Con sông Pô này bày ra một chuỗi những khoảng trống mênh mông giữa cảnh nông thôn xanh ngắt, ở sâu sau tả ngạn, mắt Fabrice thích thú phân biệt từng chóp núi trong bức trường thành vĩ đại mà dải Alpes dựng lên ở phía Bắc nước Ý. Bấy giờ đã vào tháng tám, thế mà các ngọn núi ấy vẫn cứ phủ tuyết cũng như bất cứ lúc nào, khiến người ta nhìn mà cảm thấy mát mẻ vì hồi tưởng giữa những cánh đồng nóng bỏng này. Mắt có thể nhìn thấy từng chi tiết nhỏ nhất, tuy núi ở cách thành những ba mươi dặm. Cảnh trí rộng lớn nhìn thấy từ tòa lầu xinh xắn của quan trấn thủ có thể bị che khuất một phần về phía nam bởi cái tháp Farnèse, trong đó người ta đang thu xếp vội vàng một cái buồng con cho Fabrice. Cái tháp thứ hai này, như bạn đọc có lẽ còn nhớ, được xây dựng trên sân thượng của tháp lớn, tháp được cất để nghênh cư một vị đông cung thế tử đã làm khác hẳn với Hippolyte con vua Thésée, không từ chối sự chiếu cố của bà kế mẫu trẻ[94]. Bà vương phi ấy chết sau mấy tiếng đồng hồ, thế tử chỉ được phóng thích mười bảy năm sau, để lên ngôi khi phụ vương băng hà.
Người ta đưa Fabrice lên tháp Farnèse bốn mươi lăm phút sau khi anh đến ngục thành. Cái tháp ấy bề ngoài trông rất xấu xí, nó cao ngất ngưởng ước đến mươi sải trên sân thượng của tháp lớn và lởm chởm những cột thu lôi. Quận vương bất bình vợ, đã cho xây dựng tháp thế nào để khắp mọi phía người ta đều nhìn thấy, nhưng lại có cái ý đồ kỳ quặc là làm cho thần dân tin rằng tháp đã cất từ lâu đời, ngài bắt nó mang cái tên Tháp Farnèse. Hồi ấy người ta cấm nói đến việc xây dựng tháp, thế mà từ mọi khu phố ở Parme, từ khắp nơi trên các đồng bằng lân cận, người ta thấy rõ mồn một các chú thợ nề đặt từng tảng đá làm nên cái lầu ngũ giác kia. Để chứng tỏ tháp cất từ xưa, người ta gắn ở phía trên cái cửa ra vào rộng ba gang tay, cao sáu gang một tấm phù điêu tuyệt đẹp khắc họa cảnh tướng Alexandre Farnèse nổi tiếng bức bách vua Henri IV[95] xa rời Paris. Ở vị trí đẹp đẽ như vậy, tháp Farnèse gồm có một tầng nền bề dài ít ra là bốn mươi bước, bề ngang tương xứng, dày đặc những cột trụ to bè vì cái phòng rộng mênh mông ấy không cao quá năm thước. Phòng đó dùng làm bót gác, từ giữa phòng, một cầu thang xoáy trôn ốc xoay quanh một trong những cột trụ ấy, đó là một cái thang nhỏ bằng sắt trạm lọng, rất nhẹ, rộng chưa đầy bảy tấc. Fabrice leo lên cái cầu thang rung rinh dưới mấy cây thịt của bọn lính coi ngục, để đến những buồng rộng, cao đến bảy thước, làm thành tầng một rất đẹp. Ngày xưa, những buồng ấy được bày bàn ghế sang trọng nhất để cho thế tử dùng, và thế tử đã sống ở đấy mười bảy năm trong tuổi xuân tươi của đời mình. Người ta chỉ cho người tù mới một nhà nguyện hết sức tráng lệ ở một đầu phòng, tường và vòm cuốn ở đấy đều bọc toàn cẩm thạch đen, cột cũng đen, có kích thước cân đối và đứng xếp hàng dọc các bức tường đen, nhưng không trạm vào tường, mấy bức tường được trang trí nhiều sọ dừa bằng cẩm thạch trắng, kích thước khổng lồ, chạm trổ rất khéo và đặt thêm hai xương ống xếp chéo chữ X. Fabrice nghĩ thầm: “Đây quả là một phát minh của lòng căm thù không trả thù được bằng giết hại! Người ta nghĩ thế quái nào mà chỉ cho ta xem những thứ này?”
Một cầu thang bằng sắt chạy chỉ vàng thanh thoát và xoáy quanh một cột trụ, đưa đến tầng hai nhà ngục ấy; chính ở các buồng cao năm thước ở tầng hai này, tướng Fabio Conti đã chứng tỏ thiên tài của ông từ một năm nay. Trước hết, ông điều khiển thợ lắp chấn song bằng sắt vào tất cả các cửa sổ ở mấy buồng ấy; các buồng này, ngày xưa để cho gia nhân ở, nằm ngất ngưởng cách nền đá sân thượng của tháp lớn những mười thước. Mỗi buồng đều có hai cửa sổ, muốn đến các buồng ấy phải đi qua một hành lang tối tăm; ở hành lang rất hẹp đó Fabrice nhận thấy có ba cửa sắt liên tiếp làm bằng những thanh sắt to tướng vươn thẳng lên tới vòm mái. Tất cả các hình chiếu bằng, chiếu đứng, chiếu mặt cắt của các phát minh tốt đẹp đó đã làm cho quan tướng vinh dự được hoàng thân tiếp kiến mỗi tuần một lần trong suốt hai năm. Một tên phiến loạn nhốt trong một phòng như thế không thể kêu ca với dư luận là mình bị đối xử vô nhân đạo, tuy nhiên, anh ta không thể thông tin với bất cứ một ai, và cũng không thể có cử động gì mà người ta không nghe thấy. Quan tướng đã đặt ở mỗi buồng những thớt sồi to làm nên một thứ ghế dài cao một thước, đó là phát minh chính đáng của quan tướng, phát minh này mang đến cho ông khả năng làm bộ trưởng bộ công an. Trên mấy chiếc ghế đó, ông đã dựng nên một cái buồng con bằng ván tấm, cao hơn ba thước, rất nhậy âm vang và chỉ giáp với tường thành ở phía có cửa sổ. Ở ba mặt kia, có một hành lang nhỏ, rộng khoảng một thước ba, giữa tường thành cũ và nhà ngục xây với những tảng đá lớn và những tấm ván làm phên cho cái buồng. Cái phên ấy làm bằng bốn tấm kép gỗ hồ đào, gỗ sồi, gỗ thông ghép chắc chắn với nhau bởi nhưng boulon sắt và vô số đinh.
Fabrice được đưa vào một trong những căn buồng mới làm từ một năm nay và đó là kiệt tác của tướng Conti, buồng phòng giam Fabrice được đặt cái tên tốt đẹp là phục tùng thụ động. Vừa vào, anh đã chạy đến các cửa sổ. Quang cảnh nhìn thấy qua cửa sổ có song sắt đó thật là tuyệt vời, chân trời chỉ bị che lấp một mảng nhỏ về phía tây bắc bởi mái nhà lầu của quan trấn thủ. Lầu này chỉ có hai tầng, tầng nền dùng làm bàn giấy cho ban tham mưu. Thoạt tiên, Fabrice bị cuốn hút bởi một cửa sổ ở tầng gác, nơi ấy có vô số chim chóc đủ loại, nuôi trong những lồng xinh xắn. Anh vui thích nghe chúng hót và nhìn chúng chào những tia sáng cuối cùng của hoàng hôn, trong khi bọn lính coi ngục lăng xăng quanh anh. Ô cửa sổ có lồng chim ấy cách một trong hai ô cửa sổ của anh chưa đầy tám thước và thấp hơn chừng vài thước về bên dưới, cho nên hễ cứ nhìn xuống là thấy chim.
Hôm ấy có trăng, khi Fabrice vào buồng giam thì trăng mọc nguy nga ở chân trời, về bên phải, trên dãy Alpes, về phía Trévise. Lúc đó mới tám giờ rưõi tối, ở phía chân trời đối diện, một màu sáng da cam trong hoàng hôn vẽ nên thật rõ nét hình dạng ngọn núi Viso và những đỉnh núi Alpes khác chạy từ Nice đến các đỉnh Cenis và Turin. Chẳng còn nghĩ ngợi gì về tai họa của mình, Fabrice xúc động và ngây ngất trước cảnh trí tuyệt vời ấy. Hóa ra Clélia Conti sống trong thế giới thần tiên! Tâm hồn suy tư và đứng đắn của nàng tất phải thưởng thức cảnh vật này hơn một kẻ khác, sống ở đây cũng không khác gì sống ở những hòn núi cô quạnh cách Parme hàng trăm dặm.
Đứng ở ô cửa sổ hơn hai tiếng đồng hồ, say sưa với cảnh trời đất nói nhiều với tâm hồn mình, và cũng lắm lúc nhìn vào tòa lầu xinh xắn của quan trấn thủ, đột nhiên Fabrice kêu lên: “Chà! Nơi này có phải là một nhà tù không. Cái mà ta từng sợ hãi ghê gớm có phải là cái này không? Đáng lẽ mỗi bước mỗi nhìn thấy những điều khó chịu, những chuyện bất bình, người anh hùng của chúng ta lại say sưa thích thú với cảnh tù ngục.
Một sự huyên náo kinh người làm anh choàng tỉnh và trở về với thực tại. Cái buồng gỗ khá giống một cái chuồng và rất nhậy âm vang của anh bỗng rung động ghê gớm. Tiếng chó sủa cùng với những tiếng kêu rít chen lẫn vào trong tiếng ồn lạ lùng ấy. “Cái gì thế nhỉ! Ta sắp được ra tù sớm như vậy sao?” Fabrice nghĩ thầm. Lát sau anh cười, cười lăn cười bò, cười như có lẽ chưa bao giờ có một người tù cười.
Theo lệnh của quan tướng, người ta đã cho một con chó giống anglais rất dữ cùng lên tháp Fácnezơ với lính coi ngục, con chó ấy có bổn phận canh giữ những tù nhân quan trọng, nó được cho lên đây để ngủ đêm ở khoảng trống xếp đặt rất có trí ý chung quanh cái buồng của Fabrice. Con chó và người canh ngục sẽ ngủ ở khoảng cách một thước giữa nền đá nguyên cũ và cái sàn gỗ, trên đó người tù đi một bước chúng cũng nghe tiếng động.
Buồng phục tùng tự động bị khoảng một trăm con chuột cống kếch xù chiếm lĩnh, khi Fabrice đến chúng chạy trốn khắp các ngả. Con chó đó thuộc loại chó lai giữa giống chó xù Tây Ban Nha với giống chó đào hang ở Anh, nó không đẹp nhưng bù lại rất nhanh nhẹn. Người ta xích nó ở nền đá dưới sàn gỗ, nhưng khi nghe thấy chuột chạy sát bên mình, nó vùng vẫy dữ dội lạ thường đến nỗi vòng cổ tụt khỏi đầu. Thế là xảy ra một cuộc chiến đấu oai hùng mà sự huyên náo thức tỉnh Fabrice khỏi cơn mơ mộng vui tươi của anh. Những con chuột không bị chó cắn chết từ hiệp đầu chạy trốn lên buồng gỗ, chó phóng theo, vượt sáu nấc thang từ nền đá lên buồng giam. Thế là sự huyên náo còn tăng đến độ khủng khiếp hơn nhiều, cái hốc gỗ rung rinh đến tận sàn. Fabrice cười như một thằng điên, cười đến chảy nước mắt, nước mũi, tên coi ngục Grillo cũng cười không kém và đã đóng cửa ra vào, con chó săn đuổi chuột không vướng mắc gì cả vì cái buồng tuyệt đối trơ trụi, chỉ có cái lò sắt ở một góc là có làm trở ngại chút ít những bước nhảy của nó. Khi con chó chiến thắng xong tất cả kẻ thù, Fabrice gọi nó đến vuốt ve và đã làm cho nó ưa thích. “Nếu có khi nào con chó này thấy ta nhảy qua tường, anh tự nhủ, nó sẽ không sủa lên đâu”. Nhưng cái đường lối chính trị tinh vi đó chỉ là một sự mơ màng thôi, trong trạng thái tâm hồn lúc ấy, anh chỉ thấy sung sướng được chơi với con chó. Không biết có một cái gì kỳ quặc đó mà anh không nghĩ tới, một niềm vui bí ẩn đã xuất hiện ở sâu trong tân hồn anh.
Nô đùa với con chó đã khá mệt, anh mới hỏi người lính gác ngục:
— Anh tên gì?
— Grillo, để phục vụ ông lớn trong mọi việc mà qui chế không cấm.
— Thế thì, anh Grillo thân mến ạ, tên Giletti định giết tôi trên đường cái, tôi chống cự và đã giết nó, nếu gặp thế nữa thì tôi phải giết thôi. Tuy nhiên tôi vẫn định sống vui vẻ đầy đủ trong khi là khách của anh. Hãy xin phép các ông sếp của anh và đến lấy áo quần ở lâu đài nữ công tước Sanseverina cho tôi, ngoài ra, hãy mua hộ tôi nhiều rượu nébieu d'Asti vào.
Đó là một thứ rượu vang bọt khá ngon cất tại đất Piémont, nơi quê hương Alfieri[96], rượu này được người ta ưa thích, nhất là hạng tài tử môn nhậu nhẹt như lũ lính gác ngục này. Bảy tám vị thuộc hạng người ấy đang mang lên buồng gỗ của Fabrice mấy cái bàn ghế cổ kính thiếp vàng chói lọi lấy ở tầng một, trong phòng thế tử xưa kia, tất cả bọn họ kính cẩn ghi lòng tạc dạ câu nói về rượu Asti. Dù họ làm cách gì, việc ổn định chỗ ăn nằm cho Fabrice cái đêm đầu này cũng thảm hại lắm, tuy nhiên anh có vẻ như chỉ phật ý vì vắng một chai nébieu ngon. Lúc ra về, bọn lính ngục nói:
— Anh chàng này có vẻ là một chú bé ngoan. Chỉ còn nên ước một điều là các ông lớn của chúng ta để cho nó nhận tiền.
Khi còn lại một mình và được trầm tĩnh sau cảnh huyên náo, Fabrice nhìn khoảng chân trời bao la trải từ Trévise đến đỉnh Viso dãy núi Alpes rộng lớn, những chóp phủ tuyết, sao trên trời… và tự bảo: “Nơi đây đâu đáng coi là một nhà ngục. Và đêm nay đâu phải là đêm đầu trong ngục! Ta hiểu vì sao Clélia Conti thích thú ngự trên cảnh vắng vẻ thiên đình này, nơi đây ở cách hàng ngàn dặm những ti tiện, những hiểm ác quấy động con người dưới kia. Nếu những con chim ở dưới cửa sổ ta là của nàng thì ta sẽ được trông thấy nàng… Nhìn thấy ta, nàng có xấu hổ không nhỉ?” Trong khi trí óc anh loay hoay với vấn đề trọng đại ấy, thì giấc ngủ đến, vào lúc đã khá khuya.
Cái đêm đầu tiên ở tù đó, Fabrice không lúc nào bực dọc cả, nhưng ngay hôm sau, anh chỉ còn chuyện trò được với con chó giống anglais mà thôi, Grillo vẫn nhìn anh chan chứa cảm tình, nhưng có lệnh mới làm cho y hóa câm và y cũng không mang áo quần, rượu riếc gì tới cả.
Buổi sáng thức dậy, Fabrice tự hỏi: “Ta có sẽ được thấy Clélia không? Nhưng chim ấy có phải của nàng không đã?” Chim bắt đầu kêu ríu rít và hót, ở độ cao ấy, đây là tiếng duy nhất nghe thấy giữa không trung. Cái im lặng rộng lớn trên tầm cao này gây cho Fabrice một cảm giác ban đầu mới lạ và lý thú, anh say sưa nghe những tiếng hót nhỏ nhẹ đứt quãng và giòn giã, những tiếng hót chào ánh sáng ban mai. “Nếu là chim của nàng, nàng sẽ đến phòng kia một lát và hiện ra ở đây, dưới cửa sổ ta; trong khi nhìn ngắm những dãy núi Alpes mênh mông, mà đối diện với những mỏm thấp là vòng thành Parme lù lù như một công sự tiền tiêu của nó, mắt anh mỗi lúc mỗi trỏ về với mấy cái lồng chim xinh đẹp; mấy lồng ấy làm bằng gỗ chanh và gỗ đào tâm căng dây thép mạ vàng và được treo giữa cái phòng sáng sủa làm thành chuồng ngoài cho lũ chim. Sau này Fabrice mới biết phòng này là phòng duy nhất ở tầng hai có bóng râm khoảng từ mười một đến bốn giờ, tháp Farnèse che ánh mặt trời cho nó.
“Ta sẽ buồn biết bao nhiêu, Fabrice tự nhủ, nếu ta chờ đợi gương mặt khiêm tốn và trầm tư có lẽ sẽ đỏ lên một tí đó, mà nó không hiện ra và thay cho nó, chỉ thấy cái mặt to phị của một chị hầu phòng thông thường được giao công việc săn sóc cho chim! Tuy nhiên, nếu ta nhìn thấy Clélia thì nàng có chịu nhìn thấy ta không? Ừ phải làm nhộn lên một chút mới được để ý! Ở vị trí này phải có một vài đặc quyền chứ! Vả lại, chỉ có hai ta ở đây mà thôi, và cách biệt với xã hội biết bao nhiêu: Ta là một tên tù, rõ ràng thuộc hạng mà tướng Conti và những đứa khốn nạn đồng loại gọi là những kẻ lệ thuộc chúng… Nhưng nàng thì thông minh, nói cho đúng hơn, nàng có tâm hồn cao quí, như bá tước đoán, cho nên như bá tước nói, nàng khinh cái ghế của bố do đó mà nàng âu sầu. Nguyên nhân u hoài của nàng mới cao quí làm sao! Suy cho cùng thì ta đâu hẳn là một người xa lạ đối với nàng? Chiều hôm qua nàng đã chào ta dịu dàng và từ tốn biết bao nhiêu! Ta nhớ như in là lúc gặp nhau ở gần hồ Côme, ta có nói: Một ngày kia, tôi sẽ đến xem những bức tranh đẹp của cô ở Parme; lúc ấy cô có còn nhớ đến cái tên Fabrice Del Dongo nữa hay không? Nàng đã quên rồi chăng? Hồi đó nàng còn nhỏ tuổi quá mà!”.
Bỗng Fabrice lấy làm lạ cho mình. Anh cắt dòng suy nghĩ tự nhủ: “Ái chà! Ta quên nổi nóng rồi. Phải chăng ta cũng có cái đức dũng cảm lớn lao mà thời cổ đại đã nêu vài gương sáng cho nhân loại? Ta có là một anh hùng mà không tự biết hay không? Làm sao ta vốn sợ lao tù đến thế mà nay vào tù ta lại thấy chưa có sự nào buồn! Nói như người ta mà đúng đấy; sợ bị nạn khổ gấp trăm lần bị nạn. Thế nào! Ta cần phải thuyết phục ta để mà buồn về cảnh tù ngục này hay sao? Thế mà theo cha Blanès thì thời hạn tù này có thể là mười năm, hoặc là mười tháng! Phải chăng cảnh dọn nhà mới lạ này làm ta khuây lãng nỗi buồn khổ mà đáng lý ta phải cảm thấy? Có lẽ sự vui thích ở ngoài ý chí của ta và không hợp lý này sẽ chấm dứt đột ngột, có lẽ chỉ trong giây lát ta sẽ rơi vào niềm đau khổ u ám mà ta đang có.
Dẫu sao, ở tù mà phải thuyết lý với mình mới thấy buồn thì cũng lạ! Nói thật, ta phải trở lại với giả thiết của ta mới ổn; có lẽ ta là một người có chí khí lớn!
Người thợ mộc của ngục thành đến lấy kích thước để lắp mái che nắng ở các cửa sổ làm đứt mạch mộng mơ của Fabrice. Nhà ngục này được dùng lần đầu cho nên người ta phải bổ sung bộ phận quan trọng này, bộ phận mà ngày xưa người ta quên làm.
Fabrice thầm nghĩ: “Thế là ta không được nhìn cảnh trí tuyệt vời ấy nữa rồi!”. Và anh cố rầu rĩ về sự mất mát ấy. Thình lình anh kêu to lên bảo người thợ mộc:
— Thế nào! Ta không được nhìn thấy những con chim ấy nữa sao?
— À! Mấy con chim của tiểu thư! Mấy con chim mà cô yêu quí hết sức ấy à? Ông thợ mộc nói, vẻ thuần hậu; chúng nó bị che, bị khuất, và biến mất cũng như tất cả những thứ khác.
Bác phó mộc cũng bị cấm nói, cấm chặt chẽ như lũ lính ngục, nhưng bác thương hại tuổi trẻ của người tù. Bác cho Fabrice biết là những mái che nắng[97] to rộng ấy, được lắp vào bậu hai cái cửa sổ và càng lên cao càng dang ra xa tưởng sẽ chỉ để cho tù nhân được nhìn thấy trời mà thôi.
— Người ta làm như thế vì mục đích đạo đức đấy, bác nói, để tăng nỗi buồn lành mạnh và sự ham muốn cải hối của tù nhân; quan tướng cũng nghĩ ra việc gỡ kính đi và lắp giấy dầu vào các cửa sổ cho họ.
Fabrice rất ưa cái lối châm biếm như vậy trong lúc chuyện trò, thường ít thấy ở nước Ý.
— Tôi rất thích có một con chim để giải trí, tôi mê chim. Bác hãy hỏi chị hầu phòng của tiểu thư Clélia Conti mua hộ tôi một con.
— Sao! Bác phó mộc hỏi - ông biết cô ấy à, nên mới nói rõ họ tên cô được thế chứ?
— Ai mà không nghe nói đến người đẹp lẫy lừng danh tiếng ấy? Tuy nhiên riêng tôi có vinh hạnh được gặp cô nhiều lần ở triều đình.
— Ở đây cô tiểu thư tội nghiệp ấy buồn chán lắm, bác phó mộc nói tiếp. Cô sống với lũ chim của cô. Sáng nay cô vừa cho mua mấy cây cam rất đẹp, cô bảo đặt ở cửa tháp, dưới cửa sổ ông. Không có cái bệ tường thì ông có thể thấy cam rồi.
Trong những câu trả lời ấy có những tiếng rất quí đối với Fabrice; anh tìm ra một cách khéo léo để biếu bác thợ mộc một ít tiền. Bác nói:
— Tôi phạm hai lỗi một lần; tôi nói chuyện với ông lớn và tôi nhận tiền. Ngày kia khi trở lại lắp mái che nắng, tôi sẽ bọc trong túi một chú chim và nếu còn có người khác nữa thì tôi vờ cho chú bay đi. Nếu có thể, tôi sẽ còn đem cho ông một cuốn kinh nữa; không được cầu kinh thì chắc ông khổ lắm.
Khi còn một mình. Fabrice tự nhủ: “Vậy những con chim ấy là của nàng; thế nhưng trong hai hôm nữa thì ta không nhìn thấy chúng nó! Nghĩ đến đó, mắt anh đổi ra ủ dột. Nhưng rồi sau bao nhiêu chờ đợi, trông ngóng, vào giữa trưa anh được hưởng niềm vui khôn xiết kể là thấy Clélia đến chăm sóc chim. Fabrice đứng im nín thở, mặt áp vào các chấn song to tướng, cách không xa cô gái. Anh để ý thấy cô không ngước mắt lên nhìn anh, nhưng các cử động của cô có vẻ ngượng nghịu như của một người đang cảm thấy có ai nhìn mình. Dù muốn quên, cô gái tội nghiệp cũng không thể quên nụ cười tế nhị phảng phất trên môi người tù hôm qua, khi sen đầm dẫn anh đi ra khỏi bót gác.
Cô gái có vẻ hết sức chú ý đến cử động của mình, nhưng lúc cô lại gần cửa sổ có treo chuồng chim, cô đỏ mặt lên trông thấy. Dán người trên song sắt, thoạt đầu Fabrice định chơi cái trò trẻ con là vỗ nhẹ vào song để làm nên một tiếng động nhỏ; nhưng rồi nghĩ làm như thế mất lịch sự, anh thấy tởm với ý định ấy. “Nếu ta làm thế mà nàng cho chị hầu phòng thay nàng đi chăm nom cho chim tám hôm thì cũng đáng đời!”. Giá ở Naples hay ở Novare thì chắc chắn cái ý nghĩ trang trọng này không đến với anh.
Fabrice nhìn theo cô gái một cách nồng nàn. Anh nghĩ thầm: “Chắc rồi nàng sẽ đi luôn mà không thèm nhìn qua một lần nào cái cửa sổ tội nghiệp này, tuy nàng ở ngay trước nó!”. Tuy nhiên, khi ở tận cùng trong buồng đi ra, nhờ đứng cao hơn nên Fabrice nhìn thấy rất rõ, Clélia không thể không rướn mắt lên nhìn chàng trong khi vẫn đi tới; như thế là đủ để cho Fabrice tin rằng anh được phép chào cô. “Nơi đây, chẳng phải là chỉ có hai ta ở trên đời hay sao?” Anh tự nhủ như vậy để cho bạo dạn. Thấy anh chào, cô gái yên lặng sụp mắt xuống, rồi anh lại thấy cô ngước lên từ từ, rất chậm rãi, và hẳn là phải cố gắng nhiều, cô chào lại người tù với dáng điệu trịnh trọng và cách biệt nhất; tuy nhiên cô không thể kiềm chế đôi mắt bày tỏ trong giây lát niềm trắc ẩn thiết tha nhất, mà có lẽ cô không biết. Fabrice để ý thấy cô đỏ chín người, đến nỗi màu hồng ở da lan nhanh xuống phía trên đôi vai để trần vì đi lên tới chuồng chim thì nóng bức quá, cô phải vứt bỏ chiếc khăn choàng ren đen. Cái nhìn vô ý tứ mà Fabrice dùng để đáp lễ cô tiểu thư càng khiến cô xấu hổ hơn nữa. Nghĩ đến nữ công tước, cô tự bảo: “Người đàn bà đáng thương ấy sẽ sung sướng biết bao nhiêu nếu được nhìn thấy chàng như ta nhìn thấy, dù chỉ trong một phút thôi!”.
Fabrice ít nhiều có hy vọng được chào Clélia một lần nữa lúc cô đi. Nhưng để tránh điều lễ nghĩa mới này, cô đã thác lui khôn khéo bằng cách rút dần từng đợt, từ lồng này qua lồng nọ, làm như phải chăm sóc những con chim ở gần cửa nhất vào lúc cuối cùng. Và cô đã đi ra. Fabrice đứng tần ngần nhìn ngắm cái cửa sổ qua đó nàng biến đi. Anh đã trở thành một người khác.
Từ giờ phút ấy điều bận tâm duy nhất của anh là tìm xem có cách gì để tiếp tục được nhìn thấy nàng, kể cả khi họ đã lắp xong cái mái che nắng ghê tởm ở trước cửa sổ trông ra lầu quan trấn thủ.
Tối hôm qua, trước khi đi ngủ, Fabrice đã cố gắng làm cái việc chán ngắt và mất thì giờ là giấu phần lớn số vàng của anh trong nhiều cái hốc chuột ở buồng gỗ ấy. “Tối nay, ta phải giấu cái đồng hồ. Không phải ta đã nghe nói rằng với sự kiên trì và một dây cót đồng hồ sứt mẻ, người ta có thể cưa xẻ gỗ, cả sắt nữa đó sao? Như vậy là ta có thể cưa cái mái che nắng rồi!”.
Việc cất chiếc đồng hồ chiếm mất trọn hai giờ, nhưng Fabrice không thấy lâu; anh nghĩ đến những cách đạt mục đích và ôn trong trí nhớ những điều anh biết về nghề mộc. ‘“Nếu ta khéo tay, anh nghĩ thầm, ta có thể cưa gọn một ô ở tấm ván sồi làm mái che nắng đó, ở phần tựa vào bậu cửa sổ; ta sẽ lấy mảnh ấy ra hoặc lấp lại tùy lúc; ta sẽ biếu tất cả mà gì ta có cho Grillo để hắn vui lòng đừng để ý đến cái trò ảo thuật nhỏ đó‘“. Tất cả hạnh phúc của Fabrice từ nay gắn với khả năng thực hiện công việc đó, và anh không hề nghĩ tới gì khác. “Nếu ta được nhìn thấy nàng thôi, ta đủ sung sướng… Mà không, anh tự nhủ, nàng cũng phải thấy ta trông thấy nàng mới được”. Suốt cả đêm, đầu óc anh bận rộn với những phát minh về nghề mộc, và có lẽ không một lần nào anh nghĩ tới triều đình Parme, tới sự giận dữ của quận vương v.v… Chúng tôi thú thật rằng anh cũng không hề nghĩ tới nỗi đau lòng của bà công tước. Anh sốt ruột đợi tới ngày mai. Nhưng bác thợ mộc không đến; hình như người ta cho bác là người thuộc cánh tự do ở trong nhà ngục. Người ta cẩn thận phái đến một người thợ mộc khác, mặt khó đăm đăm, hễ Fabrice moi óc tìm được điều gì ngọt ngào nói với y thì y chỉ trả lời bằng những tiếng lầu bầu trong miệng.
Công tước phu nhân làm thử nhiều cách để trao đổi thư tín với Fabrice, một số cố gắng của bà bị bọn mật thám đông đặc của nữ hầu tước Raversi khám phá và mụ này đã hàng ngày báo tin lại cho tướng Conti, dọa cho y sợ, kích lòng tự ái của y lên. Cứ tám tiếng đồng hồ một lần, sáu lính gác đổi phiên tại gian lớn có hàng trăm cây cột, ở tầng nền. Ngoài ra quan trấn thủ đặt một cai ngục canh ở mỗi cửa trong ba cái cửa sắt kế tiếp nhau ở hành lang, anh lính duy nhất được thấy mặt tù nhân. Anh Grillo tội nghiệp ấy cứ tám ngày mới được phép đi ra khỏi tháp Farnèse một lần, và anh lấy làm ức về điều đó lắm. Anh tỏ bày sự bực bội ấy với Fabrice nhưng Fabrice khôn khéo đáp: “Cho nhiều rượu vang Asti vào, anh bạn ạ” rồi cho tiền anh ta.
— Ấy, ngay cả thứ này, nó an ủi chúng tôi về một nỗi cơ cực - Grillo ấm ức nói, giọng chỉ vừa đủ to để Fabrice nghe thấy - người ta cũng không cho chúng tôi lấy, và đáng lẽ tôi từ chối, nhưng tôi cứ nhận; thế nhưng tiền này là tiền mất toi đó; tôi không thể nói gì với ông hết. Chà! Chắc ông phải phạm một tội to lắm cho nên tất cả thành trì nầy mới nghiêng ngửa vì ông. Những cuộc vận động hay ho của bà công tước đã khiến cho ba đứa trong bọn chúng tôi bị đuổi về.
Cái mái che nắng đã xong trước ngọ chưa? Đó là vấn đề lớn làm cho trái tim Fabrice hồi hộp suốt buổi sáng. Anh đếm từng tiếng chuông báo mười lăm phút ở cái đồng hồ ngục thành. Cuối cùng còn mười lăm phút mới đến trưa, mái che chưa đến mà Clélia đã đến săn sóc chim. Yêu cầu khắc nghiệt của tình thế buộc Fabrice mạnh dạn hẳn lên, và cái hiểm họa không được trông thấy Clélia, anh thấy lớn lao quá, cho nên anh đánh bạo vừa nhìn Clélia vừa lấy ngón tay ra hiệu cưa mái che nắng. Đúng là vừa nhìn thấy cái cử chỉ đối với nhà tù là bạo loạn ấy thì cô chào qua quít và lui xuống.
“Chao ôi! Fabrice lấy làm lạ tự nhủ, phải chăng nàng lẩn thẩn tưởng có một sự suồng sã lố bịch nào trong cử chỉ mà ta thấy quá cần thiết phải làm đó? Ta chỉ muốn van nàng luôn luôn hạ cố, trong khi cho chim ăn, thỉnh thoảng nhìn lên cửa sổ nhà ngục, kể cả khi nàng thấy có một phiến gỗ to tướng che lấp ló. Ta muốn chỉ cho nàng thấy là ta sẽ làm tất cả những gì con người có thể làm để được trông thấy nàng.
Lạy Chúa! Vì cái cử chỉ bất lịch sự ấy, không biết đến mai nàng có tới không? Nỗi lo sợ đó quấy rầy giấc ngủ Fabrice; hôm sau nỗi lo ấy được chứng thực: Cho đến ba giờ chiều, khi họ lắp xong hai cái mái che nắng to tướng vào các cửa sổ Fabrice thì Clélia vẫn chưa ra. Các bộ phận của mái che nắng đã được kéo từ sân thượng tháp lớn lên bằng dây và ròng rọc buộc vào phía ngoài các chấn song sắt ở cửa sổ. Thật ra, Clélia đứng nấp sau một cánh cửa chớp ở phòng mình, hồi hộp theo dõi mọi cử chỉ của mấy người thợ. Cô đã thấy nỗi lo lắng ốm người của Fabrice nhưng cũng không vì thế mà có đủ can đảm thực hiện điều mình tự hứa với mình.
Clélia là một tín đồ nhỏ của chủ nghĩa tự do. Từ lúc bé thơ, cô đã tin làm lòng tất cả những điều cha cô nói về chủ nghĩa tự do, trong khi ông ta chỉ mưu tìm một địa vị; xuất phát từ chỗ ấy, cô đâm ra khinh bỉ, hầu như ghê tởm tính cách dễ uốn của người triều thần, vì vậy cô ác cảm với hôn nhân. Từ khi Fabrice đến, lòng cô chất chứa những ân hận. Cô tự nhủ: “Thế là trái tim bất chính của ta đã ngã về phe những người muốn phản cha ta. Chàng dám làm cái cử chỉ cưa cửa…”. Nhưng rồi liền đó cô xót xa thầm nghĩ: “Nhưng khắp thành phố đều nói đến việc chàng phải chết nay mai! Ngày mai có thể là ngày thảm thương đó cũng nên. Những con ác quỉ đó mà cai trị chúng ta, thì gì mà không thể xảy ra chứ! Đôi mắt sắp nhắm lại ngàn thu đó sao mà dịu hiền, sao mà thanh thản một cách dũng cảm đến thế! Lạy Chúa, những nỗi khắc khoải của bà công tước chắc là phải ghê gớm lắm! Người ta nói bà hoàn toàn tuyệt vọng. Giá phải ta thì ta đi đâm chết quận vương, như chị Charlotte Corday[98] anh dũng”.
Suốt ngày thứ ba trong tù, Fabrice căm tức lắm, chỉ vì không thấy Clélia đến mà thôi. “Nàng giận thì giận, đáng lẽ ta cứ phải nói là ta yêu nàng, Fabrice thầm kêu, bởi vì anh đã khám phá ra điều ấy. Không, không phải vì nghĩa khí mà ta không nghĩ đến cảnh tù ngục và phủ định lời tiên tri của cụ Blanès đâu, ta đâu có vinh hạnh ấy! Ta không thể ngăn ta nghĩ đến đôi mắt đằm thắm xót thương mà Clélia nhìn ta lúc bọn sen đầm dẫn ta ra khỏi bót gác, đôi mắt ấy xóa hết cuộc đời đã qua của ta. Ai mà biết trước ta sẽ tìm thấy đôi mắt dịu hiền đến thế ở một nơi thế này? Và vào lúc mắt ta vẩn đục vì nhìn thấy bộ mặt của tên Barbone và của ngài trấn tướng… Quả là thiên đường đã hiện ra giữa những con người đê tiện đó. Và làm sao có thể không yêu sắc đẹp, không tìm cách nhìn lại sắc đẹp? Không, không phải vì có chí khí lớn mà ta không kể gì đến những bực bội nhỏ cảnh tù tội mang đến cho ta”. Trí tưởng tượng của Fabrice duyệt qua mọi khả năng, cuối cùng đi tới khả năng được trả lại tự do. “Chắc là do tình cảm của nữ công tước đối với ta, bà sẽ làm những phép mầu vì ta. Ấy, ta sẽ cảm ơn bà ở đầu lưỡi về sự giải phóng. Nhưng nơi này đâu phải là nơi người ta trở lại khi đã đi khỏi! Một khi đã ra khỏi nhà tù, ở hai môi trường cách biệt nhau như Clélia và ta, chẳng bao giờ ta được gặp lại nàng! Và trong thực tế, cảnh tù tội có hại gì cho ta đâu nào? Nếu Clélia không làm khổ ta vì giận ta, thì ta còn đòi hỏi gì ở Trời nữa?
Cái hôm không thấy mặt cô láng giềng xinh đẹp, đến tối anh nảy ra một sáng kiến lớn; với chiếc thánh giá bằng sắt buộc trong chuỗi hạt mà người ta phát cho người tù lúc vào ngục, anh bắt đầu khoét mái che nắng, và làm có kết quả. Trước khi bắt tay vào việc, anh tự bảo: “Có lẽ làm thế là liều lĩnh. Mấy người thợ mộc đã nói trước mặt ta là bắt đầu từ ngày mai, thợ sơn sẽ thay thế họ. Những người thợ này sẽ nói thế nào nếu họ thấy mái che bị khoét thủng? Tuy nhiên, nếu ta không liều như vậy thì làm sao ngày mai ta nhìn thấy nàng? Chao! Vì lỗi của ta mà ta đành chịu cả một ngày không trông thấy mặt nàng sao? Lại trong lúc này nàng đang giận ta khi lui gót nữa chứ!”.
Sự liều lĩnh của Fabrice đã được đền bù; sau mười lăm tiếng đồng hồ lao động, anh trông thấy Clélia, và hạnh phúc tràn trề làm sao, tưởng Fabrice không thấy mình, cô đứng im khá lâu, mắt đăm đăm nhìn cái mái che nắng mênh mông. Anh có chán thì giờ đọc thấy trong mắt cô niềm xót thương trìu mến nhất. Vào cuối buổi, rõ rằng là cô quên cả săn sóc chim để đứng im hàng mấy phút để ngắm nhìn cái cửa sổ. Tâm hồn cô xúc động sâu sắc, cô nghĩ tới bà công tước mà nỗi đau khổ đã làm cho cô vô cùng thương hại, nhưng bây giờ cô bắt đầu thấy ghét bà. Cô chẳng hiểu gì hết về nỗi buồn thâm trầm xâm chiếm tâm hồn cô, cô bực bội với chính mình. Trong thời gian Clélia ở thăm chim, hai ba lần Fabrice sốt ruột tìm cách lay cái mái che nắng; hình như không cho Clélia biết anh đã nhìn thấy nàng thì anh không lấy làm vui! “Tuy nhiên anh tự bảo, đã rụt rè và dè dặt thế, nếu nàng biết ta nhìn thấy nàng dễ dàng như vậy thì chắc nàng trốn mất”.
Hôm sau, anh gặp may hơn (việc vô nghĩa lý gì mà tình yêu không biến thành hạnh phúc cho anh được!). Trong khi cô buồn rầu nhìn cái mái che nắng đồ sộ, anh đã tìm cách luồn được một mẩu dây thép qua cái lỗ mà chiếc thánh giá sắt đã khoét được; anh dùng mẩu dây thép đó để làm những dấu hiệu mà chắc cô hiểu, ít nhất là hiểu cái ý nghĩa này; tôi ở đây và tôi trông thấy cô.
Những ngày sau, Fabrice gặp rủi. Anh muốn khoét cái mái che to tướng ấy lấy một mảnh bằng bàn tay, có thể lắp vào, lấy ra lúc nào tùy ý; được vậy anh sẽ nhìn thấy người ta và người ta cũng nhìn thấy anh, nghĩa là anh có thể nói được những nỗi niềm trong lòng, nếu không bằng lời thì cũng bằng dấu hiệu; nhưng cái cưa thô sơ anh làm bằng cách lấy cây thánh giá ghè vào cái dây cót đồng hồ cho nó sứt mẻ đi, cái cưa ấy kêu rít làm cho Grillo nghi ngại đến ngồi hàng mấy giờ liền trong buồng anh. Cũng đúng là anh có để ý thấy trong việc thông tin giữa hai bên, những trở ngại vật chất càng tăng thì Clélia càng bớt nghiêm khắc; anh quan sát thấy rõ ràng cô không vờ cúi mặt hoặc nhìn bâng quơ lũ chim khi anh dùng mẩu dây thép khổ mà làm dấu hiệu hiện diện. Anh thích thú nhận thấy lúc nào cũng vậy, hễ đồng hồ báo mười một giờ bốn mươi lăm là thế nào Clélia cũng xuất hiện ở chuồng chim; anh hầu như tự thị cho rằng chính mình là động cơ của sự đi lại đúng giờ giấc ấy. Tại sao? Điều tin tưởng ấy có vẻ không hợp lý; nhưng con mắt của người đã yêu nhận thấy những sắc thái mà con mắt thường không thấy, và từ đó rút ra những hiệu quả vô cùng tận. Chẳng hạn, từ khi Clélia không nhìn thấy người tù nữa thì khi vào chuồng chim cô ngước mắt nhìn ngay lên cửa sổ Fabrice. Đó là những ngày ảm đạm mà ở Parme không ai không biết tin Fabrice sắp bị xử tử; chỉ có anh ta là không biết! Cái ý nghĩ kinh khủng ấy cứ ám ảnh Clélia và cô có thể nào tự trách mình quá quan tâm đến anh chàng? Chàng sắp chết mà! Và chết cho tự do nữa chứ! Bởi ở đâu người ta vô lý đến nỗi xử tử một công tử Del Dongo vì trót đâm thằng hề nọ một nhát gươm. Đúng là chàng trai đáng mến này luyến ái một phụ nữ khác! Clélia đau khổ sâu sắc mà không tự thú về tính chất mối quan tâm của mình đối với số phận chàng trai. Cô tự nhủ: “Nói thật, nếu họ đưa chàng ra pháp trường thì ta sẽ trốn vào một tu viện và suốt đời sẽ không trở lại cái thế giới cung đình nữa, vì ta tởm lắm. Một lũ giết người văn minh!”. Fabrice ở tù đến ngày thứ tám thì Clélia bị một phen xấu hổ lớn; mê mải với những tư tưỏng u ám của mình, cô nhìn đăm đăm cái mái che nắng che khuất người tù; hôm ấy chưa có dấu hiệu gì tỏ ra anh đã có mặt. Thình lình một màng nhỏ ở mái che nắng lớn hơn bàn tay vừa được Fabrice lấy ra; anh nhìn Clélia dáng vui vẻ và cô trông thấy mắt anh chào mình. Cô không thể chịu nổi sự thử thách bất ngờ nầy, cô quay nhanh về phía mấy con chim và săn sóc chúng; nhưng cô run rẩy đến nỗi làm đổ hết nước định phân phát cho chim và Fabrice nhìn thấy rõ ràng sự xúc động của cô. Bực mình trước tình thế ấy cô bỏ chạy đi.
Giờ phút ấy đẹp nhất trong đời Fabrice, không gì sánh được. Nếu lúc ấy người ta muốn trao trả tự do cho anh, thì chắc anh hăng hái từ chối.
Ngày hôm sau là một ngày thất vọng lớn của nữ công tước; tất cả mọi người trong thành đều cho Fabrice thế là đi đứt. Clélia không có cái gan dạ lạnh lùng tỏ ra khắc nghiệt với Fabrice trong khi thâm tâm cô không như thế; cô ở trên chuồng chim đến một tiếng rưỡi đồng hồ; cô nhìn tất cả những dấu hiệu Fabrice làm và thường có trả lời, ít nhất là bằng cách tỏ ra quan tâm thành thực và nhiệt tình; có lúc cô bỏ đi để khóc thầm. Nữ tính ở cô cảm thấy sâu sắc sự bất lực của thứ ngôn ngữ ấy; giá nói năng với nhau được, thì cô đã có trăm nghìn cách để dò xét loại linh cảm mà Fabrice nuôi dưỡng đối với bà công tước; Clélia hầu như không thể tự lừa mình được nữa; cô thù ghét Sanseverina phu nhân.
Một tối, Fabrice tự nhiên nghĩ nhiều đến bà cô một cách nghiêm túc; anh lấy làm lạ thấy khó phục hồi hình ảnh nữ công tước; ký ức anh giữ về bà đã thay đổi hoàn toàn. Đối với anh lúc này, bà đã năm mươi tuổi. “Lạy Chúa; anh hào hứng kêu to, quả ơn trên đã khiến ta sáng suốt không nói với cô rằng ta yêu cô!“. Thậm chí anh hầu như không hiểu sao hồi đó anh thấy xinh thế. Về phương diện này, anh có cảm giác hình ảnh con bé Marietta ít thay đổi hơn, là vì anh không bao giờ nghĩ trong sự ưa thích ả nọ, tâm hồn anh có tham dự vào, trái lại đã lắm khi anh tưởng tâm hồn anh thuộc trọn vẹn về nữ công tước. Ngày nay bà công tước A và ả Marietta để lại cho anh ấn tượng hai con chim bồ câu mà tất cả quyến rũ đều ở trong sự ngây thơ, sự yếu đuối, còn hình ảnh tuyệt vời của Clélia Conti khi chiếm lĩnh hoàn toàn tâm hồn anh lại gây cho anh gần như một sự kinh hãi. Anh cảm thấy quá rõ là hạnh phúc lâu dài của anh trong cuộc sống sẽ buộc anh phải tính toán đến cô con gái quan trấn thủ, và cô có quyền lực làm cho anh trở thành người khốn khổ nhất trần gian. Ngày ngày anh thấp thỏm lo sợ cuộc sống lạ lùng và thú vị bên cạnh cô tiểu thư phải chấm dứt do một ý định đột khỏi và không vãn hồi được của cô. Tuy vậy cảnh cực lạc thần tiên này được cô cho kéo dài đã đến hai tháng rồi. Cũng chính trong thời gian này, mỗi tuần hai lần tướng Conti tâu với quận vương: “Tôi xin lấy danh dự mà thề với Điện hạ là tên tù Del Dongo không hề được chuyên trò với một sinh linh nào cả, và chỉ thao thức trong trạng thái tuyệt vọng nặng nề nhất, hoặc ngủ mà thôi”.
Mỗi ngày Clélia đến thăm chim hai ba lần, có khi nhiều hơn, tùy tiện, giá Fabrice không yêu cô đến thế thì chắc anh đã nhận thấy rõ là cô yêu anh, nhưng Fabrice vẫn bị giày vò trong nghi ngại. Clélia có cho đem đặt ở chuồng chim một chiếc dương cầm. Trong khi cô nhấn phím để cho tiếng đàn báo hiệu là mình đã đến và khiến bọn lính canh đi bách bộ dưới cửa sổ mái nghe, cô đưa mắt trả lời những câu hỏi của Fabrice. Riêng về một vấn đề, không bao giờ cô trả lời, thậm chí trong những trường hợp đặc biệt, cô bỏ chạy, đôi khi mất hút bóng dáng trọn một ngày, đó là lúc những dấu hiệu của Fabrice diễn đạt một tình cảm quá rõ rệt, về điểm này cô không khoan nhượng một tí nào.
Thế là Fabrice đã có một cuộc sống khá bận rộn mặc dù bó hẹp trong một chuồng con. Cuộc sống ấy thu gọn trong việc tìm cách giải đáp bài tính quan trọng này: “Nàng có yêu ta không?” Hàng ngàn chi tiết được quan sát, qua nhiều lần được thẩm tra và cũng luôn luôn bị nghi ngờ, đã đưa tới kết quả sau đây: “Tất cả những cử động có ý thức của nàng đều nói không, nhưng những gì vô ý thức trong khóe mắt lại như thú nhận là nàng có cảm tình với ta”.
Clélia hy vọng không bao giờ phải đi tới một sự thú nhận và để tránh tai họa đó, cô đã hết sức giận dữ từ chối một điều thỉnh cầu mà Fabrice nhiều lần bày tỏ. Những phương tiện nghèo nàn mà người tù dùng đáng lý ra phải khiến Clélia động lòng hơn. Anh muốn thông tin với cô bằng cách viết chữ lên bàn tay với một mảnh than mà quí hóa quá, anh tìm được trong lò sưởi; nếu cô bằng lòng thì hẳn anh đã lần lượt viết từng chữ cái để ghép thành từ. Sự phát minh kia nếu được áp dụng sẽ tăng gấp đôi phương tiện trao đổi ý kiến, bởi lẽ nó có khả năng diễn đạt chính xác. Cửa sổ anh cách cửa sổ Clélia khoảng tám thước, như thế mà nói thành tiếng qua đầu bọn lính canh đi bách bộ trước lầu quan trấn thủ thì quá liều lĩnh, Fabrice nghi là mình không được người ta yêu, giá anh có ít nhiều kinh nghiệm về tình yêu, hẳn anh đã không nghi ngại gì hết; nhưng chưa hề có một phụ nữ nào chiếm lĩnh trái tim anh; tuy nhiên anh cũng không nghi ngờ gì về một bí mật sẽ khiến anh thất vọng nếu anh biết: Người ta đang bàn tán nhiều về cuộc hôn nhân giữa Clélia Conti và hầu tước Crescenzi, người giầu có nhất tại triều.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme