Good friends, good books and a sleepy conscience: this is the ideal life.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3609 / 102
Cập nhật: 2015-07-15 23:34:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Mười Bẳy Người Anh Bị Ngộ Độc
iều đầu tiên phu nhân Prudencia Linero nhận thấy khi bà đến cảng Naples là nó cũng có mùi giống như cảng Riohacha. Bà không nói điều đó với bất kỳ ai, bởi vì sẽ không ai hiểu, trên con tàu viễn dương già cỗi đó tràn ngập những người Ý từ Buenos Aires đang quay về nơi chôn nhau cắt rốn của họ, lần đầu tiên kể từ lúc chiến tranh nổ ra; nhưng dẫu sao ở tuổi bảy mươi hai và ở một khoảng cách mười tám ngày trên biển khơi, xa quê hương, xa tổ ấm, có nhiều người bạn đồng hành kế bên, bà cũng cảm thấy đỡ hiu quạnh hơn, bớt lo sợ và bỡ ngỡ nơi xứ lạ.
Ánh sáng phát ra từ đất liền đã được nhìn thấy rõ hơn từ lúc rạng sáng. Hành khách dậy sớm hơn thường lệ, mặc quần áo mới, trái tim họ nặng trĩu những lo âu mơ hồ các nỗi bất trắc khi đặt chân lên bờ, đến nỗi ngày Chủ nhật cuối cùng trên tàu có vẻ là ngày duy nhất đúng nghĩa ngày Chủ nhật trong suốt cuộc hải hành. Phu nhân Prudencia Linero là một trong số rất ít người đã dự lễ Misa. Tương phản với quần áo bà mặc hôm trước, khi bà đi quanh con tàu trong bộ quần áo giống như tang phục, hôm nay bà mặc một áo chùng bằng vải thô màu nâu thắt lại bằng sợi dây thánh Francis và mang đôi sandals bằng da thô chỉ khác với đôi giày của một người hành hương ở chỗ quá mới. Đó là cách thanh toán ứng trước. Bà đã khấn nguyện cùng Chúa rằng, bà sẽ mặc bồ đồ chùng dài suốt phần đời còn lại nếu Người ban phước cho bà thực hiện được một chuyến hành hương đến La Mã để được diện kiến Đức Thánh Cha và giờ đây, bà đã coi như lời cầu nguyện xin ban ơn phước đó đã được Chúa đoái thương. Khi thánh lễ Misa đã cử hành xong, bà thắp một ngọn nến dâng Đức Chúa Thánh Thần để tỏ lòng biết ơn đã tiếp thêm hùng tâm dũng chí cho bà, giúp bà chịu đựng và vượt qua được những cơn bão tố nơi vùng biển Caribê và bà đọc một bài kinh cầu cho mỗi đứa trong tất cả chín người con và mười bốn người cháu, cả bọn vào đúng lúc đó, đang nằm mơ về bà trong một đêm lộng gió ở Riohacha.
Khi bà đi lên boong tàu sau bữa điểm tâm, cuộc sống trên tàu đã thay đổi. Hành lý đã được xếp vào phòng khiêu vũ cùng với mọi thứ đồ lưu niệm linh tinh mà đám người Ý đã mua tại các chợ âm phủ ở vùng Antiles và ở cái bar nơi phòng khách chung của tàu có một con khỉ mặt xanh mua từ Pemambuco đang bị nhốt trong một lồng sắt. Hôm đó là một buổi ban mai rực rỡ của ngày đầu tháng tám. Một trong những ngày Chủ nhật mùa hè tiêu biểu thời hậu chiến, khi ánh sáng ban mai đến như một thường lệ mỗi ngày và con tàu đồ sộ chạy tới chầm chậm với hơi thở nặng nhọc của một phế nhân, băng qua làn nước tĩnh lặng trong suốt. Pháo đài của các vị Quận Công xứ Anjou vừa mới lờ mờ hiện ra ở chân trời, nhưng đám hành khách đã lên boong nghĩ rằng họ đã nhận ra được những nơi chốn thân thuộc, họ chỉ chờ những địa đanh ấy dầu chưa hẳn đã nhìn thấy rõ chúng, la hét vui mừng bằng các thổ ngữ miền Nam Ý của họ. Điều đáng ngạc nhiên cho phu nhân Prudencia Linero, người đã từng kết bạn với rất nhiều người trên tàu, đã từng trông con hộ các cặp vợ chồng ra nhảy, đã từng khâu cúc áo cho các vị sĩ quan chỉ huy, lúc bấy giờ lại thấy tất cả mọi người như có vẻ xa cách và thay đổi thái độ với bà. Tinh thần cộng đồng và hơi ấm tình người đã giúp bà sống vượt qua được nỗi nhớ nhà trong cái nóng ngột ngạt của các vùng xích đạo, giờ đây dường như đã tan biến. Những tình cảm gắn bó lúc còn giữa biển khơi chấm dứt khi nhìn thấy đất liền. Phu nhân Prudencia Linero, chưa quen với bản tính liến thoắng lém lỉnh của dân Ý, đã nghĩ rằng vấn đề không nằm nơi con tim của người khác mà trong chính tim bà, bởi vì chỉ có riêng mình bà đi giữa đám đông đang trở về quê nhà của họ. Mọi chuyến hải hành hẳn phải giống như thế này, bà nghĩ, và lần đầu tiên trong đời bà chịu nỗi đau nhọn sắc làm một người khách lạ nơi viễn phương trong lúc bà tựa người vào lan can tàu và nhìn ngắm những di tích của biết bao thế giới suy tàn đã chìm sâu trong làn nước đại dương. Bỗng nhiên, một cô gái rất xinh đẹp đứng cạnh bà, làm cho bà giật bắn người sửng sốt với tiếng hét kinh hoàng: "Ối mẹ ơi!" cô ta rú lên, chỉ tay xuống làn nước bên dưới. "Nhìn kia kìa".
Đó là một người đàn ông chết đuối. Phu nhân Prudencia Lenero thấy người đó trôi dạt lập lờ, mặt ngửa lên, một người đàn ông trán hói, ít có nét đặc trưng tự nhiên, ngoài đôi mắt mở to, ánh vẻ vui mang màu trời lúc rạng đông. Ông ta còn mặc nguyên bộ đồ veste kiểu dạ phục, giày da thuộc bóng láng, một đóa hoa dành dành trên ve áo. Tay phải ông ta còn ôm chặt một hộp vuông nhỏ được gói kỹ trong giấy gói quà và các ngón tay nhợt nhạt xám xịt của ông, bấu chặt vào mũi tàu chỗ mớn nước, đó là chỗ duy nhất ông ta tìm được để bấu víu vào lúc chết.
"Chắc ông ta bị rơi xuống khi dự đám cưới", một trong các sĩ quan trên tàu nói. "Điều đó cũng thường xảy ra trong vùng nước này vào mùa hè".
Đó là một khải tượng chốc lát thôi, bởi vì ngay lúc đó tàu đi vào trong vịnh và những đề tài khác, ít thảm đạm hơn đã xua đi sự lưu ý của các hành khách đối với nạn nhân xấu số. Nhưng phu nhân Prudencia Linero vẫn còn mải nghĩ về người đàn ông chết đuối tội nghiệp kia, với cái áo jacket đuôi dài bập bềnh gợn sóng theo đường rẽ nước của con tàu.
Ngay khúc con tàu đi vào cảng, một chiếc thuyền hoa tiêu cổ lỗ chạy đến dắt mũi con tàu đi luồn lách tránh vô số các xác tàu chiến bị đánh đắm trong thời chiến tranh. Làn nước biến thành dầu khi con tàu đi qua các xác tàu đắm rỉ sét và cái nóng trở nên dữ dội hơn cả ở Richacha vào lúc hai giờ chiều. Phía bên kia của con kênh hẹp, thành phố sáng chói chang dưới ánh mặt trời lúc mười một giờ trưa, hiện ra trong tầm mắt với những dinh thự như trong mộng ảo và những căn nhà tồi tàn cổ lỗ chen chúc nhau trên đồi. Chính lúc đó, một mùi hôi thối không chịu được bốc lên từ khoang tàu bị khuấy động mà phu nhân Prudencia Linero nhận ra từ khu vườn nhà bà, giống như mùi cua mục rữa.
Trong lúc cuộc thao diễn xảy ra, đám hành khách vui mừng hớn hở khi nhận ra người thân của họ trong đám đông xô bồ nơi cầu tàu. Đa số trong bọn họ là các bà sồn sồn với các bộ ngực sáng loáng ánh nắng như bị ngạt thở trong các bộ tang phục, quây quần quanh bởi đám đàn bà trẻ xinh đẹp và đông đảo nhất thế giới và những ông chồng nhỏ con, cần cù, những con người muôn thuở đọc báo bên cạnh vợ và ăn mặc giống các vị chưởng khế nghiêm nghị lạnh lùng bất kể đến cái nóng như thiêu ngoài trời.
Giữa đám hội xô bồ đó, một lão già mặc áo khoác hành khất và nét mặt bi thương cực độ, dốc túi thả ra một đàn gà con mới nở nhỏ xíu bằng cả hai tay. Trong thoáng chốc, đàn gà con chạy tràn lan khắp cầu tàu, chíu chít kêu hoảng loạn, và chỉ vì chúng là những sinh vật ma thuật nên nhiều con vẫn còn sống và tiếp tục chạy lăng quăng sau khi bị đám đông dẫm đạp lên, chẳng thèm để ý đến phép lạ. Lão phù thủy đặt ngửa cái mũ lên nền đất nhưng chẳng có ai đoái hoài ném cho lão lấy một đồng xu teng bố thí.
Bị cuốn hút bởi cảnh tượng kỳ lạ, có vẻ như được trình diễn để chào đón bà, bởi vì chỉ mỗi mình bà để mắt đến nó, phu nhân Prudencia Linero đã không chú ý lúc cầu thang trên tàu hạ xuống và một dòng thác người ùa lên với cái đà xô đẩy la hét như một lũ hải tặc đang tấn công. Bị lóa mắt trước sự bộc lộ niềm vui một cách hoang dã và mùi hành tỏi oi nồng bốc ra từ dám đông hỗn độn trong ánh nắng hè, bị xô đẩy thô bạo bởi đám phu khuân vác đến tranh giành vác hành lý, bà cảm thấy bị đe dọa bởi cái chết chẳng vẻ vang gì, giống như đám gà con bị dẫm đạp trên cầu tàu. Bà bèn ngồi xuống trên chiếc ván gỗ của mình với các nẹp góc bằng thiếc sơn, tịnh tâm kiên định cầu kinh để chống lại trước cám dỗ và hiểm họa nơi vùng đất của bọn người tà đạo. Người sĩ quan chỉ huy gặp bà khi tai biến đã qua di và bà là người duy nhất còn lại nơi phòng khiêu vũ trống trơn.
"Không ai còn được ở lại đây lúc này nữa", viên sĩ quan nói với bà, có vẻ thân thiện. "Tôi có thể giúp cho bà không?"
"Tôi phải đợi ông Lãnh Sự" bà nói.
Đúng thế. Hai ngày trước khi bà lên tàu, người con trai cả của bà đã gởi một bức điện tín cho người bạn làm lãnh sự ở Naples, nhờ anh ta đến đón mẹ mình ở cảng và giúp bà hoàn thành các thủ tục để tiếp tục hành trình tới Rome. Anh ta đã mô tả kỹ cho người bạn biết tên của con tàu, thời điểm tàu đến và bảo rằng bạn sẽ dễ dàng nhận ra mẹ mình vì bà sẽ mặc bộ trang phục của thánh Francis khi bà đặt chân lên bờ. Bà đã theo sát những sắp xếp đó, nên viên sĩ quan chỉ huy cho phép bà ngồi chờ thêm một lát nữa, dầu sắp sửa đến giờ ăn trưa của thủy thủ đoàn và họ đã xếp các ghế lên mặt bàn đã dội nước chà rửa sàn tàu. Họ đã phải xê dịch cái vali gỗ của bà để khỏi làm ướt nó, song bà chỉ đổi chỗ chứ không thay đổi sắc mặt, không ngừng lời cầu kinh cho đến lúc họ dời bà ra khỏi phòng giải trí và cho bà ngồi giữa trời nắng chang chang giữa các thuyền cứu sinh. Cũng chính tại nơi đó, viên sĩ quan chỉ huy gặp lại bà khoảng trước hai giờ chiều một tí, mồ hôi đầm đìa trong bộ đồ sám hối của bà, vừa lần tràng hạt vừa tụng kinh mà không còn hy vọng chờ đợi gì nữa, bởi vì bà đã kinh hoảng và buồn bã nhưng chẳng còn biết làm gì khác hơn để khỏi bật khóc.
"Bà có tiếp tục cầu nguyện nữa thì cũng vô ích thôi", viên sĩ quan nói xẵng giọng, không còn vẻ thân thiện nữa. "Ngay cả Chúa Trời cũng nghỉ xả hơi vào tháng tám hằng năm".
Ông ta giải thích rằng vào thời điểm này trong năm, một nửa nước Ý đổ xô ra các bãi biển, nhất là các ngày Chủ nhật. Phần ông Lãnh Sự, chắc là ông ta không bỏ đi tắm biển, vì bản tính ông ta là người có trách nhiệm, nhưng chắc chấn là ông ta cũng không mở cửa văn phòng lãnh sự cho đến ngày thứ hai. Điều hợp lý nhất bây giờ là đến một khách sạn, ngủ một giấc cho khỏe khoắn, để hôm sau dậy gọi điện thoại cho tòa Lãnh Sự, muốn tìm số thì kiếm trong cuốn niên giám điện thoại ở khách sạn. Phu nhân Prudencia Linero không còn sự chọn lựa nào khác hơn là chấp nhận lời khuyên của ông ta và viên sĩ quan giúp bà tiến hành các thủ tục nhập cư và hải quan, đổi tiền, rồi đưa bà vào xe taxi và dặn người tài xế đưa bà đến một khách sạn đứng đắn.
Chiếc taxi cổ lỗ, còn nhiều dấu vết chứng tỏ nguyên là một chiếc xe nhà táng, đi vào những đường phố vắng vẻ. Có lúc phu nhân Prudencia Linero đã nghĩ bà và người tài xế là những sinh vật duy nhất trong một thành phố ma treo lủng lẳng từ các dây phơi quần áo phất phơ ngay giữa đường phố, nhưng bà cũng nghĩ rằng một người nói nhiều như gã tài xế này và lại nói một cách say sưa hăng hái đến thế, có lẽ sẽ không có thời gian để làm hại một bà già cô độc khốn khổ đã dám liều mình qua bao nguy hiểm của biển khơi sóng gió để được gặp mặt Đức Thánh Cha.
Ở cuối mê cung các đường phố chằng chịt bà thấy lại biển. Chiếc taxi tiếp tục lượn theo một bãi hiển rực nắng vắng người, nơi có nhiều khách sạn nhỏ sơn màu sáng. Chiếc xe không dừng lại nơi các khách sạn đó, nhưng hướng thẳng đến một nơi ít lòe loẹt nhất nằm ở trong công viên với các cây cọ tán rộng và các băng ghế sơn xanh lá cây. Người tài xế đặt chiếc hòm gỗ lên phía lề đường rợp bóng và khi thấy vẻ lưỡng lự của phu nhân Prudencin Linero, anh ta nói với bà yên tâm rằng đây là khách sạn đứng đắn nhất ỡ Naples.
Một người khuân vác đẹp trai, dễ mến đưa chiếc vali lên vai và phục vụ cho bà. Anh dắt bà vào thang máy và bắt đầu hát vang một khúc aria của Puccini. Đó là một tòa building khang trang với hai dãy, mỗi dãy chín tầng, được tân trang lịch sự. Bỗng chốc, như trong một thứ ảo giác, phu nhân Prudencia Linero cảm thấy bà ở trong một lồng gà đi lên chầm chậm, bắt gặp những cái liếc mắt của những người ở trong phòng của họ với những lo lắng riêng tư, với những bộ đồ lót sờn rách và cả những tiếng ợ chua của họ. Đến tầng ba, chiếc thang máy khựng lại, lúc đó người khuân vác ngừng hát, mở cánh cửa trượt cúi đầu chào lịch sự và chỉ cho phu nhân Prudencia Linero biết là bà đã ở nơi phòng mình.
Trong phòng khách chung, bà thấy một cậu thiếu niên uể oải ngồi sau một quầy gỗ với những bồn kính màu và cây cảnh trong các chậu đồng. Bà thấy trìu mến cậu ta ngay, vì cậu ta cũng có mớ tóc xoăn xõa dài giống như cháu nội trai của bà. Bà thích cái tên gọi của khách sạn khắc vào tấm bảng đồng, bà thích mùi acid carbonic, bà thích các cây dương xỉ treo, vẻ yên tĩnh, những đóa hoa huệ vàng tươi trên giấy dán tường. Rồi bà ra khỏi thang máy, lòng bà chùng hẳn xuống. Một nhóm du khách người Anh mặc đồ soóc, mang giày tắm biển, đang ngủ lơ mơ trên một dãy ghế nằm. Bọn họ gồm mười bảy người, ngồi theo một thứ tự đối xứng nhau, trông giống như một người được phản chiếu nhiều lần trong phòng kiếng. Phu nhân Prudencia Linero nhìn họ qua một cái liếc mắt mà không phân biệt được ai với ai và bà chỉ thấy một dãy những cái đầu gối màu hồng giống những cái đùi lợn treo trên móc nơi các hàng thịt. Bà không bước tiếp tới quầy mà hốt hoảng thụt lùi lại vào trong thang máy.
"Đi đến tầng khác đi" bà nói
"Nhưng đây là tầng duy nhất có phòng ăn, thưa bà" người khuân vác đáp.
"Chẳng thành vấn đề đâu" bà nói.
Người khuân vác phác một cử chỉ chiều ý, đóng cửa thang máy, tiếp tục hát phần còn lại của bài ca vừa bỏ dở cho đến khi lên tới tầng năm khách sạn. Ở đây mọi chuyện có vẻ ít nghiêm nhặt hơn, chủ nhân là một bà dáng còn xuân sắc, nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát và không có ai nằm ngủ trưa trong các ghế nằm nơi phòng khách chung. Đúng là không có phòng ăn, nhưng khách sạn đã dàn xếp với một nhà hàng gần đó phục vụ khách hàng với giá giảm. Thế là phu nhân Prudencia Linero quyết định ở lại đó, một phần vì bị thuyết phục bởi sự hùng biện và vẻ ân cần khả ái của chủ nhân cũng như được nhẹ lo là sẽ không có người Anh nào với các đầu gối hồng hào nằm ngủ ở phòng khách chung.
Vào lúc 3 giờ chiều, các bức mành trong phòng được buông xuống để che ánh nắng xế gay gắt, và bóng râm đó gìn giữ cho vẻ yên lặng dịu mát của một khu rừng nhỏ ẩn mình - một nơi chốn lý tưởng để tha hồ than khóc. Khi vừa còn lại một mình, phu nhân Prudencia Linero khóa chặt cửa phòng, làm vệ sinh cá nhân cho người thư thái, rồi thả người lên chiếc giường đôi quá rộng khiến bà thấy cô đơn trống trải lạ thường và để cho dòng nước mắt từ lâu kềm giữ được tự do tuôn trào.
Không những đây là lần đầu tiên bà rời Richacha mà còn là một trong những khoảng thời gian hiếm hoi bà rời nhà mình sau khi các con lập gia đình, dọn ở riêng, bà ở lại nhà một mình với hai người đàn bà da đỏ chân đất để chăm sóc cho cái thân xác không còn linh hồn của chồng bà. Nửa cuộc đời bà đã đi qua trong căn phòng ngủ đó để đối diện với người duy nhất trên đời mà bà yêu thương; người chồng gần ba mươi năm thiêm thiếp trong cơn mê, nằm trên tấm nệm da dê của chiếc giường ái ân thời thanh xuân của hai người.
Tháng mười năm trước, trong một lóe chớp sáng suốt bất thần, người bệnh mở mắt, nhận ra người thân trong gia đình và bảo kiếm cho ông một người thợ chụp hình. Họ chạy đến công viên kêu ông thợ già với chiếc máy ảnh phủ vải choàng đen đặt trên các chân chống khổng lồ và những tấm magnesium để chụp hình trong nhà. Đích thân người bệnh sắp xếp phân phối các tấm hình. "Một bức ảnh dành cho Prudencia Linero, cho tình yêu và hạnh phúc nàng đã ban cho ta trong đời", ông nói. Bức ảnh được chụp với đèn flash magnesium đầu tiên. "Bây giờ hai tấm khác dành cho các con gái yêu của ta, Prudencia và Natalia", ông bảo. Ẳnh được chụp xong. "Hai tấm khác cho các con trai ta, với tình cảm và phán đoán sáng suốt, xứng đáng là tấm gương tốt của gia đình". Và cứ thế tiếp tục cho đến khi người thợ chụp ảnh hết cả phim phải chạy về nhà lấy thêm. Đến bốn giờ chiều, khi khói của magnesium và đám đông ồn ào của thân bằng quyến thuộc đổ xô đến nhận hình làm cho không khí trong phòng ngủ trở nên ngột ngạt khó thở, người bệnh bắt đầu bất tỉnh trên giường và đưa tay chào vĩnh biệt mọi người giống như đang tự xóa mình khỏi thế giới loài người từ trên bao lơn của con tàu đang bắt đầu chuyến hải hành vào vô tận xa khơi...
Cái chết của ông không phải cất đi gánh nặng cho người góa phụ như mọi người đã hi vọng như vậy. Trái lại, bà càng thêm bi thương sầu não khiến con cháu phải tụ họp lại để hỏi xem họ có thể làm gì cho bà vơi bớt buồn khổ và bà trả lời rằng, bà chỉ muốn một chuyến hành hương đến La Mã để gặp Đức Giáo Hoàng.
"Ta sẽ đi một mình và sẽ mặc hộ trang phục của Thánh Francis", bà bảo đám con cháu. "Ta đã có lời nguyện".
Sự mãn nguyện duy nhất còn lại từ bao năm tháng canh thức cho người bệnh chỉ còn là khóc cho thỏa thuê. Trên tàu, khi bà phải ở chung với hai bà xơ dòng Clanssine chỉ lên bờ khi tàu cập bến Marseilles, bà đã muốn lánh vào trong phòng tắm để khóc không có ai thấy. Do đó, căn buồng khách sạn ở Naples là nơi duy nhất thích hợp mà bà đã tìm thấy, kể từ lúc rời Richacha, để khóc cho thỏa lòng. Và có lẽ bà đã khóc ròng rã cho đến ngày hôm sau, khi chuyến xe lửa rời sân ga Naples để đến Rome, nếu bà chủ nhà trọ không gõ cửa phòng bà vào lúc bảy giờ tối để báo cho bà biết, nếu bà không đến nhà ăn ngay lúc đó thì bà sẽ không còn gì nữa để ăn tối.
Người khuân vác đi kèm theo bà. Một cơn gió lạnh đã bắt đầu thổi từ biển vào, trên bãi biển dưới ánh mặt trời nhợt nhạt lúc bảy giờ tối vẫn còn lác đác vài người tắm. Phu nhân Prudencia Linero đi theo người khuân vác dọc theo các con phố hẹp, ngoằn ngoèo vừa thức dậy từ giấc ngủ trưa và đến một cây lớn có tàn lá rợp, quanh đó đặt nhiều bàn phủ khăn ô đỏ và bình cắm hoa giấy. Vào giờ đó những người ăn tối đồng thời với bà chỉ là mấy người tiếp viên nam nữ và một linh mục rất nghèo đang ăn bánh mì với hành ở một cái bàn đằng xa. Khi bà bước vào, bà cảm thấy dường như cặp mắt của mọi người chăm chú vào bộ trang phục nâu sòng của bà, nhưng điều đó không làm bà nao núng vì bà biết rằng vẻ lố lăng kỳ cục là một phần trong sự hành xác để hối lỗi của bà. Cô tiếp viên, trái lại khiến bà thấy thương hại bởi vì cô ấy tóc vàng, xinh đẹp và có giọng nói thánh thót như tiếng hát, phu nhân Prudencia Linero nghĩ rằng mọi việc hẳn là rất tồi tệ ở nước Ý hậu chiến nếu một cô gái như thế lại phải đi làm hầu bàn. Nhưng bà lại cảm thấy thoải mái dưới cành cây đang nở hoa, và mùi thơm của món thịt hầm với các loại phương thảo từ nhà bếp bốc lên, đánh thức cơn đói đã bị trì hoãn vì những lo âu trong ngày. Lần đầu tiên, trong khoảng thời gian dài, bà không thấy thèm khóc.
Và tuy thế bà vẫn không thể ăn thoải mái như bà đã ao ước, một phần vì khó giao tiếp với cô tiếp viên tóc vàng dầu cô ấy tử tế và kiên nhẫn, một phần vì chỉ có món chim nhỏ, loại chim hót mà ở Richacha người ta chăm chút nuôi trong lồng, là món ăn có sẵn ở đây. Ông linh mục ngồi ăn ở một góc, sau đó làm thông dịch cho bà, cố gắng giải thích cho bà rằng tình trạng tai ương do chiến tranh gây nên chưa chấm dứt ở Châu Âu, và sự kiện có vài con chim, dầu bé xíu, để nhấp nháp phải được xem như một phép lạ. Nhưng bà đẩy món đó ra xa.
"Đối với tôi", bà nói, "điều đó giống như ăn thịt con mình".
Và thế là bà phải đành dùng tạm món xúp vermicelli, một đĩa khoai nghiền với trứng đã ôi, với bánh mì rắn như đá. Khi bà đang ăn, một linh mục tiến đến gần bàn bà và yêu cầu bà, vì lòng từ thiện, hãy mua cho ông một cốc cà phê, rồi ông sà xuống ngồi cùng bàn với bà. Ông ta từ xứ Nam Tư xa xôi, đã đi truyền giáo tận Bolivia, và nói một thứ tiếng Tây Ban Nha rất sôi nổi, diễn cảm nhưng vô cùng bết bát. Dưới mắt nhìn của phu nhân Prudencia Linero, ông ta có vẻ một con người bình thường chẳng có dấu tích gì được Chúa đoái thương đặc biệt, và bà để ý thấy ông ta có những bàn tay thô kệch với các móng tay gãy, bẩn thỉu, hơi thở nồng mùi hành tỏi. Nhưng dầu sao thì ông ta cũng đang phục vụ Chúa, và đồng thời cũng là một thú vui, khi ở xa nhà đến thế, mà có thể gặp được người tán chuyện để đỡ cảm thấy cô đơn.
Họ nói chuyện thoải mái, quên đi tiếng ồn ào bát nháo bắt đầu vang lên quanh họ vì đám thực khách lục tục kéo đến các bàn bên cạnh. Phu nhân Prudencia Linero luôn luôn mang một định kiến vế xứ Ý: Bà không thích nó. Không phải vì người dân xứ đó không được sạch sẽ lắm - điều này người ta đã nói nhiều - cũng không phải vì họ ăn thịt chim, chấp chuyện đó e rằng cũng hơi quá đáng, nhưng bởi vì họ có thói quen để mặc người bị chết đuối trôi bập bềnh dưới nước.
Ông linh mục đã kêu thêm một chùm nho để bà phải chi tiền cùng với cốc cà phê, cố gắng cho bà thấy sự nông cạn trong ý kiến của bà. Vì trong thời chiến, họ đã tổ chức cứu hộ, nhận dạng và chôn cất tử tế nhiều nạn nhân chết trôi dật dờ trong vịnh Naples.
"Từ bao thế kỷ trước", ông linh mục kết luận "người Ý đã học được chân lý là chỉ có một cuộc đời để sống và họ đã cố sống sao cho trọn vẹn cuộc đời mình. Điều này khiến họ trở thành hay tính toán và nhiều lời, nhưng đồng thời cũng chữa họ khỏi tính tàn nhẫn".
"Nhưng mà họ cũng chẳng thèm dừng tàu lại", bà nói.
"Điều họ đã làm là báo cho nhà thức trách của cảng biết", ông linh mục giải thích. "Giờ đây có lẽ những người có trách nhiệm đã vớt cái tử thi ấy lên và chôn cất tử tế, nhân danh Thượng Đế".
Cuộc tranh luận đã làm cả hai thay đổi tâm trạng. Phu nhân Prudencia Linero đã dùng bữa xong và chỉ lúc đó bà mới nhận thấy rằng mọi cái bàn đều đã có người ngồi. Ở các bàn kế cận, những du khách gần như khỏa thân, yên lặng ngồi ăn, trong số đó có mấy cặp không ăn mà ngồi hôn nhau. Ở các bàn phía sau, gần quầy, một đám người tụ tập chơi xúc xắc và uống một loại rượu không màu. Phu nhân Prudencia Linero hiểu rằng bà chỉ có một lý do duy nhất để có mặt ở xứ sở vô vị này.
"Ông có nghĩ là khó gặp mặt Đức Giáo Hoàng lắm không?", bà hỏi.
Ông linh mục trả lời rằng không có gì dễ dàng hơn chuyện đó, vào mùa hè, Đức Giáo Hoàng nghỉ ngơi ở Castel Gandolfo và vào chiều thứ tư hàng tuần, Người gặp mặt đám đông các người hành hương từ khắp mọi nơi trên thế giới về đây. Tiền vào cửa rất rẻ: hai mươi lia thôi.
"Và Người lấy bao nhiêu để nghe một môn đồ xưng tội?" bà hỏi.
"Đức Thánh Cha không nghe xưng tội", ông linh mục nói, có vẻ như bị cú sốc. "trừ trường hợp xưng tội của các vị vua, hẳn nhiên thế".
"Tôi không hiểu vì sao Người lại khước từ ân huệ đó đối với một người đàn bà bất hạnh từ một chốn rất xa xôi đến cầu xin với Người", bà nói.
"Ngay cả nhiều vị vua cũng còn phải chờ đợi cho đến chết mà vẫn chưa được ân sủng đó", ông tinh mục đáp. "Nhưng này, bà cho tôi biết đi: Tội của bà chắc là phải ghê ghớm lắm, khiến bà phải một thân lặn lội từ xa xôi để đến xưng tội cùng Đức Thánh Cha".
Phu nhân Prudencia Linero suy nghĩ một lát, và lần đầu tiên ông linh mục thấy nụ cười trên khuôn mặt bà.
"Lạy mẹ Maria!" bà nói "Con sẽ mãn nguyện nếu chỉ thấy mặt Người thôi cũng đủ". Và bà tiếp lời. với một tiếng thở dài có vẻ như thoát ra từ sâu thẳm linh hồn. "Đó là giấc mộng của cả đời con".
Sự thực là bà vẫn còn cảm thấy kinh sợ và buồn bã, và chỉ còn muốn rời quán ăn này, cũng như rời xa nước Ý, không chậm trễ. Ông linh mục có lẽ nghĩ rằng đã đạt được tất cả những gì có thể moi móc được từ người đàn bà dễ bị lừa bịp này và thế là ông ta nói lời chúc may mắn cho bà, tếch sang bàn khác để yêu cầu các quí vị khách mới đến, vì lòng từ tâm, mua cho ông ta một cốc cà phê.
Khi ra khỏi quán, phu nhân Prudencia Linero thấy một thành phố đã thay đổi. Bà ngạc nhiên bởi ánh nắng mặt trời vào lúc chín giờ tối và hoảng sợ với đám đông la hét ùa ra các đường phố để xả hơi trong cơn gió mát buổi tối. Tia lửa phụt ra đằng sau của bao nhiêu chiếc vespa làm cho đời sống thành ngột ngạt. Đám đàn ông hở áo phanh ngực lái xe đèo các bà vợ xinh đẹp đằng sau ôm sát chồng như sam đính, chạy đi hoặc đỗ lại, vẫy tay ríu rít lúc vào, lúc ra, giữa những con lợn quay treo lủng lẳng và những cái bàn bày đầy dưa hấu.
Đó là không khí ngày hội, nhưng lại có vẻ là một tai họa đối với phu nhân Prudencia Linero. Bà lạc đường và bỗng dưng thấy mình lạc lõng giữa một đường phố bất hạnh với những người đàn bà lầm lì ngồi ở lối cửa ra vào của những căn nhà giống hệt nhau, những căn nhà với đèn đỏ chói mắt làm bà rùng mình sợ hãi. Một người đàn ông ăn mặc chải chuốt mang một chiếc nhẫn vàng to tướng và dính viên kim cương nơi cà vạt đi theo bà qua mấy dãy phố, nói với bà cái gì đó bằng tiếng Ý, rồi bằng tiếng Anh, bằng cả tiếng Pháp. Khi không được trả lời ông ta trưng ra cho bà xem một tấm bưu thiếp từ một cái hộp ông rút ra trong túi áo và chỉ một cái liếc nhìn bà đủ cảm thấy rằng bà đang đi ngang qua địa ngục.
Bà rảo bước trong lúc bà sợ điếng người và đến cuối phố, bà thấy lại biển trong ánh hoàng hôn và mùi cá ươn giống như ở cảng Rinhacha, lúc đó tim bà mới trở về đúng vị trí cũ. Bà nhận ra các khách sạn sơn đủ màu dọc theo bãi hiển vắng người, mấy chiếc taxi kiểu xe nhà táng, vẻ lấp lánh như kim cương của vì sao đầu tiên chiếu sáng trên bầu trời bao la. Tận đàng xa tít phía cuối vịnh, đơn độc và sừng sững gần cầu cảng, đèn sáng choang trên boong, bà nhận ra con tàu đã đưa bà đến dây và nhận thức cho rằng nó chẳng còn liên hệ gì đến cuộc đời của bà nữa. Bà quẹo trái ở góc phố, nhưng không thể tiếp tục bước tới được nữa vì một đám đông đang bị đẩy lùi bởi một tốp lính kỵ binh. Một dãy xe cứu thương đỗ lại chờ, mở sẵn cửa, bên ngoài khách sạn bà đang trọ.
Đứng nhón gót và dõi mắt nhìn qua vai đám người đang hiếu kỳ đứng xem, phu nhân Linero thấy một tốp du khách người Anh. Bọn họ được khiêng ra cáng, từng người một, và tất cả đều bất động, thẳng đơ, trông lại càng giống một người được sao chụp lại nhiều lần, trong bộ đồ nghiêm chỉnh hơn mà họ mặc để ngồi ăn xúp: quần nỉ, cà vạt sọc vuông góc, áo jacket sẫm với áo khoác ngoài truyền thống của ngôi trường lừng danh Trinity College, với huy hiệu thêu trên túi áo. Khi họ được mang ra, những người láng giềng đứng nhìn từ ban công, đám đông bị cản lại trên đường phố đồng lên tiếng đếm số họ như thể trong sân vận động. Có mười bảy người cả thảy. Họ được đặt vào xe cứu thương từng cặp và được đưa đi trong tiếng còi hụ khẩn cấp.
Choáng váng trước bao sự kiện đột biến, phu nhân Prudencia Linero bước vội vào trong thang máy đầy nghẹt người, nói những ngôn ngữ xa lạ bí hiểm. Ở mỗi tầng đều có người bước ra, trừ tầng ba được mở cửa và bật đèn sáng nhưng không có ai ở quầy hay nằm trên ghế nơi phòng khách, chỗ bà đã thấy những đầu gối hồng hào của mười bảy người Anh nằm ngủ. Người chủ ở tầng năm bình luận về tai biến vừa rồi với sự hứng thú không che dấu được.
"Bọn họ ngoẻo hết rồi", bà ta nói với phu nhân Prudencia Linero bằng tiếng Tây Ban Nha. "Bọn họ bị ngộ độc vì ăn món xúp sò huyết. Bà thử tưởng tượng xem, món sò huyết vào tháng tám!"
Bà ta trao chìa khóa phòng cho bà rồi bỏ lơ bà để quay qua ba hoa với những người khách khác bằng thổ ngữ. "Nhờ tầng này không có phòng ăn nên mọi người đi ngủ một giấc, lúc thức dậy vẫn thấy mình còn sống nhăn!". Với dòng nước mắt nghẹn trong cổ họng, phu nhân Prudencia Linero khóa chặt cửa phòng. Sau đó bà đẩy cái bàn viết, cái ghế nằm và cái vali gỗ chắn ngang cửa vào để tạo một rào cản không thể vượt qua, chống lại sự khủng khiếp của một xứ sở có quá nhiều chuyện kinh dị xảy ra cùng lúc đến thế. Rồi bà mặc chiếc áo ngủ góa phụ vào, nằm xuống giường, đọc lẩm nhẩm mười bảy bài kinh cầu siêu cho linh hồn của mười bảy người Anh bị ngộ độc được yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
Tháng tư 1980.
Truyện Ngắn Marquez Truyện Ngắn Marquez - Gabriel Garcia Márquez Truyện Ngắn Marquez