Số lần đọc/download: 4352 / 180
Cập nhật: 2016-06-18 07:55:12 +0700
Chương 21
Â
n sủng của Đức Mẹ, như trung úy Nhẫn nói, tôi vừa được hưởng. Anh Nhẫn bảo tôi sẽ được hưởng nhiều ân sủng của Đức Mẹ 1. Còn người tù mài đá khắc hình Đức Mẹ thì sao? Tôi cầu nguyện Đức Mẹ ban ân sủng cho anh ta hơn tôi. Anh ta mới xứng đáng. Được tha thì cũng vui nhưng cảm giác sung sướng đã nguội. Giá tôi trúng số sớm hơn ba năm, tôi sẽ sung sướng lắm. Hạnh phúc của tôi luôn luôn tới vào lúc xế chiều. Cái gì tôi trông đợi, đều đến. Nhưng chậm, thật chậm. « Chậm bước tiên phong muộn chiến trường ». Bây giờ, tôi chờ cầm Giấy ra trại. Tôi có thì giờ suy nghĩ câu hỏi của phó giám thị Phúc: « Anh còn thù hận chúng tôi không »? Tôi đã trả lời « Không ». Và ông ta nói chắc nịch « Anh đã thù hận Cộng Sản ». Tôi không thể thành khẩn cho ông ta biết rằng tôi còn tiếp tục thù hận chủ nghĩa Cộng Sản và lãnh tụ Cộng Sản cùng những tham vọng mù quáng của họ. Thù hận và muốn hủy diệt. Nhưng con người sống trong dòng nghịch lũ Cộng Sản, theo dòng hay bị cuốn theo dòng, tôi không tìm ra lý do gì để thù hận cả. Những cộng cụ của chủ nghĩa và lãnh tụ Cộng Sản, những con người bị Cộng Sản tước đoạt nhân tính và lương tri, tôi thương xót họ hơn là thù hận họ. Bổn phận và nghĩa vụ của bất cứ ai nhận mình là con người nhân bản chống mọi chủ nghĩa phi nhân, phi luân là phải thức tỉnh lương tri và cải hoán nhân tính cho họ, những người bị chủ nghĩa và lãnh tụ Cộng Sản mê hoặc, sai khiến, làm cho ngu dốt, độc ác; chứ không được phép cổ xúy tàn sát họ hay tàn sát họ. Như Constantin Virgil Gheorghiu chống những kẻ chống phát xít tàn bạo hơn phát xít, tôi cũng chống những kẻ chống Cộng Sản tàn bạo hơn Cộng Sản. Người ta nhân danh cái Thiện chống cái Ác để cái Thiện thăng hoa lên ngọn đỉnh Thiện. Người ta không thể nhân danh cái Thiện chống cái Ác để vinh tôn một cái Ác mới tồi tệ hơn cái Ác cũ. Nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ không phải là sát nhân. Công việc này dành cho văn công, thi công, nghệ công cộng sản. Thế thì sự cổ võ chém giết bừa bãi, man rợ « thề phanh thây uống máu quân thù » là sự gian dối, sự bất lương trí thức của nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ. Và nữa, xét cho cùng, hạnh phúc của con người và nghệ thuật của cuộc đời không tạo dựng bằng thù hận. Người nghệ sĩ Thạch Sanh là biểu tượng tâm hồn Việt Nam đích thực, thuần khiết.
Tôi muốn nhân danh thi sĩ Việt Nam bị chủ nghĩa Cộng Sản bắt giam gửi một Thông điệp mới:
Khi cái còng siết chặt tay anh
phải hiểu sự thật đã chảy máu
phải hiểu tự do hằn lên những vết cào cấu
Và thi ca lún ngập lưỡi dao.
Lúc ấy anh bắt đầu
viết thông điệp mới cho sự tra tấn
cho nhà lao
cho cai tù.
Hãy tội nghiệp sự tra tấn
vì nó không có trái tim
không có hơi thở không có nước mắt
không có đớn đau.
Hãy thương xót nhà lao
vì nó không có tình ái
nó không hiểu nó ngu hay nó dại
nó ngàn năm bóng tối mịt mù.
Hãy tha thứ cai tù
vì nó trơ trơ thân máy
nó ngang qua
nó trở lại
nó vô tri như ngục đá đêm già.
Gửi tặng sự tra tấn một bông hoa
để nó biết da thịt dù tan nát
nhưng con người vẫn đứng trên hình phạt
vẫn đứng hoài và tồn tại vô cùng.
Gửi tặng nhà lao một miếng nhớ nhung
để nó tương tư cuộc đời bao la rộng mở
cuộc đời chẳng hề khóa chặt cửa
giam nhốt ai ca hát giữa đường.
Gửi tặng cai tù chút xíu tâm hồn
để nó thèm thuồng rung động
nó sẽ biết buồn và nó khóc
nó sẽ vui và nó cười
nó sẽ khao khát làm người.
Và đó là thông điệp mới
của thi sĩ Việt Nam viết từ oan khiên vời vợi
gửi đi khắp ngục tù thế giới
gửi xuống huyệt sâu
và gửi cả lên trời 2
Tôi sẽ trung thành với thông điệp này trọn vẹn cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của tôi. Và với lập trường dứt khoát: hủy diệt chủ nghĩa Cộng Sản và lãnh tụ Cộng Sản, cứu rỗi con người. Lập trường của tôi sẽ dẫn tôi đến những hệ lụy, sẽ đưa tôi vào cô đơn. Nhưng cần gì. Nhà văn không phải là bọn ồn ào hò hét đầu đường, góc phố. Nhà văn làm ra tư tưởng. Và tư tưởng chế ngự hết, bao trùm gọn cả thời đại mê sảng, thời của chó sủa và luôn cả thời của chó câm.
Tôi tiếp tục làm công việc thường nhật của tôi trong khi chờ đợi ngày về. Đổ phân, hốt phân, quét sân trại, dọn cỏ và chở cơm nước cho hai nhà kỷ luật. Người ta đã nhìn tôi bằng cặp mắt khác từ đêm cả trại xem vô tuyến truyền hình hồi tháng 7-1981. Đêm đó, thứ trưởng Văn hóa của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, nghiêm khắc phê bình thầy cô và học trò các trường miền Nam về sự chưa gột sạch ảnh hưởng văn hóa và tư tưởng đồi trụy của Sài gòn cũ. Có đoạn đề cập tới tôi, đại ý:
Miền Nam đã được giải phóng 6 năm rồi, thế mà ảnh hưởng văn hóa và tư tưởng đồi trụy của chế độ phản động cũ vẫn còn. Học trò vẫn viết lưu bút, lưu niệm cuối năm học bằng thứ văn chương ướt át, lãng mạn, mơ mộng. Một số thầy cô đã không có biện pháp ngăn chặn, lại bắt chước lưu niệm, lưu bút linh tinh. Tôi không hiểu tại sao, đến hôm nay, đa số thầy cô và học trò các trường phía Nam còn say mê tiểu thuyết của Duyên Anh, Nhã Ca, Mai Thảo… 3
Tôi ngồi xem giật mình. Nhiều bạn tù có vẻ lo ngại “đường về xa lắm người ơi” của tôi. Hôm sau, thấy tôi từ xa, đã oang oang lời an ủi của bạn tù:
- Duyên Anh, 5 năm bốc cứt vẫn còn thơm!
- Duyên Anh, chữ nghĩa đang nhẩy hăng đấy!
- Duyên Anh, cứ bốc cứt đi!
Thì vẫn bốc cứt đấy chứ. Con gái tôi thăm nuôi tôi cho biết một chiến dịch mới đánh nát ảnh hưởng các nhà văn “có máu mặt” Sài gòn kéo dài ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 7-1981, phụ họa cuốn Những tên biệt kích trong mặt trận văn hóa tư tưởng miền Nam. Nhật báo Nhân Dân tặng tôi một bài “xã luận”. Cơ quan trung ương của đảng Cộng Sản Việt Nam mà chơi thì nặng lắm, khó về. Vợ tôi nghe phường phát thanh bài này đâm ra tuyệt vọng. Tuần báo Tuổi trẻ đập tôi kỹ nhất. Nó vẽ tôi giống boong, ngồi luộc nồi nước Tuổi Ngọc bằng củi thanh, thiếu niên! Thằng nhóc họa sĩ, tên Vũ, sau này đi Liên xô vung vít, lại là bạn của con tôi mới ghê. Radio, télé, báo đảng, báo đoàn… đánh tôi túi bụi. Mà tôi bận đổ phân, hốt phân không biết gì cả. Nhưng tôi đã trúng số. Lồng cầu đảng ngừng ở 6 số 2-9-1981. Ngày mở nước đấy. Tôi có chút kỷ niệm Sa Ác. Về niên lịch. Chả là ông Phạm Thái Ất tỏ ra thuộc Sử và nhớ ngày tháng vanh vách, tôi mới dở trò “đố vui để chọc”.
- 19-3 là ngày gì?
- Sinh nhật Hồ chủ tịch.
- 19-8 là ngày gì?
- Tổng khởi nghĩa.
- 16-8 là ngày gì?
Ông Phạm Thái Ất suy nghĩ một lát rồi đoán tầm bậy. Cuối cùng, ông ta chịu thua, hỏi tôi:
- Ngày gì?
- Ngày này mà không biết thì chết rồi.
- Ngày gì?
- Sinh nhật ông Vũ Mộng Long!
Bạn tù cười ầm. Tôi nói:
- Bây giờ hỏi đứng đắn. 7-7 là ngày gì?
- Chí sĩ Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh.
- 23-10?
- Trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại.
- 30-4?
- Mất nước.
- 8-4?
- Phật Đản.
- Nghĩ lại đi.
- Bụt sinh cá đẻ mà!
- Sai.
- Vậy 8-4 là ngày gì?
- Ngày ông Vũ Mộng Long bị bắt bỏ tù?
Bạn tù lại cười ầm. Ông Phạm Thái Ất khen tôi “hài hước” giỏi. Đó là kỷ niệm Sa Ác tôi sắp đem về nhà. Kỷ niệm Rừng Lá vỏn vẹn hai câu chuyện tiếu lâm nghe kể.
Chuyện thứ nhất
Đội nông nghiệp trồng khoai, trồng sắn, trồng ngô mãi cũng chán. Đất khai thác nhiều nó mệt, thu hoạch bết bát. Một tù nhân đề nghị quản giáo:
- Cán bộ ơi, tại sao mình không trồng xa lát.
Quản giáo:
- Sẽ nghiên cứu trồng Xa nát.
Tù nhân:
- Nếu trồng xa lát, mình nên trồng thêm cây bíp tếch cán bộ ạ!
Quản giáo:
- Sẽ nghiên cứu trồng nuôn cây bíp tếch một nượt!
Chuyện thứ hai
Kẻng báo ngủ đã điểm. Vệ binh đi tuần quanh nhà. Một tù nhân cao hứng:
- Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.
Vệ binh nghe thấy, la hét:
- Anh nào vừa mới nói quỷ Nam, vua Bắc đấy?
Im lặng. Vệ binh:
- Anh nào? Quỷ Nam, vua Bắc, vua Nam, quỷ Bắc nà cái nghĩa ní gì?
Im lặng. Vệ binh:
- Anh nào vừa nói?
Im lặng. Vệ binh tức giận:
- Đội trưởng đâu?
Đội trưởng:
- Có.
Vệ binh:
- Anh nào vưa nói ninh tinh náo nếu thế?
Đội trưởng:
- Anh Trần Bình Trọng đấy, cán bộ ạ!
Vệ binh:
- Bảo anh Trần Bình Trọng sáng mai nàm kiểm điểm nộp cán bộ trực trại nhé!
Hai mẩu chuyện tiếu lâm lao cải trên, có thể là bịa đặt, có thể là không bịa đặt. Bịa đặt hay không bịa đặt thì cũng chỉ mục đích nói lên sự ngu dốt của cai tù, những ông thầy của trường học cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ông Hồ Chí Minh nói: « Trồng cây mất 10 năm, trồng người phải mất 100 năm ». Những con người ông Hồ chí Minh và chủ nghĩa Cộng Sản của ông đã trồng từ năm 1950 là năm Cộng Sản Việt Nam quy định thành phần, giai cấp và thực sự chuyên chế ra sao? Ba mươi năm trồng người, chủ nghĩa Cộng Sản và lãnh tụ vĩ đại của nó chỉ gặt được một thế hệ thanh niên ngu dốt đói khổ. Đói khổ nên môi thâm, người lùn tì. Ngu dốt nên ngọng nghịu đòi trồng cây bíp tếch và bắt Trần Bình Trọng viết tự kiểm. Người ta sẽ thù hận chủ nghĩa và lãnh tụ Cộng Sản hay thù hận những con người bị Cộng Sản và lãnh tụ làm cho đói khổ, ngu dốt? Câu hỏi đặt ra cho lương tri những người chống Cộng Sản chân chính và cả bất chính nữa.
Với tôi, kỷ niệm lao cải như vậy ít quá, còn Những thứ sẽ mang về.
Mang về một chiếc mũ
Đã giãi nắng dầm mưa
Trầy vai câu chuyện cũ
Chảy máu sự nghiệp xưa
Mang về bộ quần áo
In dấu tù lem nhem
Z30 D, TH6
TCT, CTXM
Mang về đôi giày tã
Đế mòn vẹt đường dài
Băng rừng sâu núi cả
Đi hết kiếp lưu đày
Mang về chiếc lược nhôm
Bao nhiêu ngày mài dũa
Bao nhiêu là thương nhớ
Lược sẽ làm vui gương
Mang về thêm cái trâm
Gọt từ rễ giáng hương
Để em cài lên tóc
Và để tóc em thơm 4
Và những thứ sẽ đem vào tác phẩm 5. “Kiểm soát lại có khi còn thiếu sót”. Hẳn nhiên, thiếu sót rất nhiều. Nhưng mà tôi không đem nhà tù ra đời sống thì ngàn vạn thứ lẩm cẩm, vẩn vơ chẳng thèm nhớ, chẳng thiết đem về. Tôi có thể Giã từ đề lao rồi đấy.
Giã từ em nhé, đề lao
Giã từ lối hẹp dẫn vào xà lim
Giã từ em, giã từ em
Những ngày mòn vẹt những đêm vẹt mòn
Giã từ tay xích chân còng
Giã từ hồi kẻng úa lòng héo gan
Giã từ em, giã từ em
Tâm hồn song sắt trái tim cai tù
Giã từ củ sắn bắp ngô
Chén cơm Đại Mễ, bo bo sượng mày
Giã từ án phạt khổ sai
Gỡ bom, san núi, hạ cây, phá rừng
Giã từ cuốc xẻng đắp đường
Giã từ gánh nước đầy thùng oằn vai
Giã từ sước máu mây gai
Giã từ thù hận rạc rài đớn đau
Giã từ em nhé, đề lao
Giã từ tha thiết với bao chân tình
Mai anh làm chuyến viễn hành
Nhờ em nên mới trưởng thành biết chưa
Giã từ em, thế đã vừa
Sáu năm cuộc rượu say sưa tỉnh rồi
Anh về với đất với trời
Với hoa với lá với đời khác xưa
Anh về với nắng với mưa
Với cây với cỏ đong đưa tuyệt vời
Anh về ấm áp tình người
Buồm căng gió lạ trùng khơi dạt dào
Giã từ em nhé, đề lao
Cám ơn cay đắng nghẹn ngào em cho 6
Ngày 11-9-1981 tôi cầm Giấy ra trại. Tôi đã cho nhân vật của tôi phát triển cảm tưởng của người trí thức bị cưỡng bách lao động ở trại tập trung. Bây giờ, tôi mượn cảm tưởng đó làm cảm tưởng của tôi. “Bài học thứ nhất của lao động dạy tôi cảm thông với người lao động, kính trọng họ và hiểu thấu giá trị của lao động chân tay. Dĩ nhiên, Cộng Sản đã không hề dạy tôi bất cứ điều nào trong nhà tù, ngoài trại tập trung. Họ chỉ dọa nạt, trừng phạt, dụ dỗ và bắt làm việc giống hệt bọn chủ nhân nô lệ hành xử quyền uy của mình. Bài học thứ hai của lao động tôi tự dạy tôi từ những giọt mồ hôi trí thức, còn dạy tôi niềm tự tin tuyệt vời: Tôi có thể làm được những công việc mà trước đây tôi tưởng không bao giờ tôi có thể làm được. Lao động đã thắp sáng kiến thức của tôi. Nó là dòng nước luân lưu đưa đẩy tư tưởng con người xuôi ngược. Nó làm long lanh trí tuệ, làm trong suốt tâm hồn, rạng ngời ý nghĩ. Trí thức của chúng ta cứ nằm trong tháp ngà, cứ trùm mền hưởng thụ, đâm ra lười biếng, sợ khó, sợ khổ. Nên, khi đụng vào nghịch cảnh của đời sống thì không dám đương đầu, thì ngớ ngẩn và hèn mọn. Với Cộng Sản, lao động là hình phạt trả thù chúng tôi. Nhưng, với tôi, lao động là một chương dài trong văn phạm của đời tôi”.
Vẫn mượn cảm tưởng ra trại, lần này của chú bé Vũ trong tác phẩm Đồi Fanta: “Không thèm quay lại, tôi nhìn thẳng, bước mạnh, bước nhanh về phía trước mặt. Dĩ vãng đau thương, tăm tối hay dĩ vãng huy hoàng rực rỡ thì cũng chỉ để hồi tưởng, ở một tuổi nào đó. Người già sống cho những ngày sắp tới. Người trẻ sống cho những ngày sẽ tới. Chẳng ai dại dột bám lấy quá khứ mà rên rỉ, tiếc nuối. Tương lai mới quyến rũ con người vì người ta không nhìn rõ tương lai, người ta mải mê tìm kiếm niềm bí ẩn của nó, niềm bí ẩn khôn cùng của đời sống chứa chan mời gọi. Tôi mang ý nghĩ đó về nhà.
Hàng khuynh diệp hai bên đường đã khá cao và xanh mướt. Con đường thẳng tắp, hun hút. Nắng sớm nhảy múa, reo vui trên lá cây. Gió đàn đong đưa tình tự. Con chim chích chòe nghệ sĩ véo von trên ngọn đỉnh cao điệu hát buồn rầu thơm ngát tiễn đưa. Tôi hít một hơi đẫy đà cái hương vị tự do của trời đất. Tâm hồn tôi dạt dào cảm xúc. Tôi đã trông thấy, sờ mó được những gì gọi là mơ hồ, trừu tượng. Tôi đã hiểu thế nào là hạnh phúc, thế nào là đau khổ. Cám ơn năm năm oan nghiệt của tôi. Tôi không cần hằn học với nó, rên xiết vì nó”.
Và, sau hết, cảm tưởng ra trại của cô Lan trong tác phẩm Sỏi đá ngậm ngùi:
“Bước qua cổng trại, tay xách cái bị cói, đi một quãng, tôi nhìn lại hàng rào giây kẽm gai, nơi chị Nga đã chết treo tay trên đó. Giã từ ngục tù nhỏ, tôi vô ngục tù lớn. Gió sớm mát rượi. Tôi lững thững bước. Văng vẳng đâu đó những lời ca mượt mà theo nhạc đệm của muôn loài chim êm ái:
Tôi ca ngợi tôi
Ngụp giữa biển đời
Sóng gầm bão nổi
Tôi vẫn là tôi
Tôi vẫn là người…
Tôi mỉm cười. Dưới những tầng địa ngục, tôi đã lên đời chói lọi. Tôi vẫn là tôi. Tôi vẫn là người…”
Ivry sur Seine, 1-8-1987
--------------------------------
1 Khi về nhà tôi nhờ linh mục Chân Tín làm phép miếng đá cho tôi. Và tôi được cứu rỗi nhiều chuyến vượt biên thất bại. Rồi tôi thành công đều nhờ hưởng ân sủng của Đức Mẹ. Ở Pulau Bidong, lúc tôi chưa nhận tiền của vợ con, có người mua chiếc mề đay Đức Mẹ 500 đô la, tôi không bán. Đức Mẹ dẫn tôi đến linh mục Jean Mais và sư huynh Trần văn Nghiêm. Cả hai đều dịch sách cho tôi theo tinh thần tông đồ. Và sách của tôi Belfond xuất bản hết. Trước khi viết một cuốn sách mới, tôi đều thắp nến tạ ơn Đức Mẹ của tôi. Và tôi viết rất nhanh.
2 Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
3 Đã đề cập ở Nhà Tù
4 Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984
5 Kinh nghiệm tù đầy của tôi được thể hiện ở Một người tên là Trần văn Bá, Sỏi đá ngậm ngùi, Bầy sư tử lãng mạn, Đồi Fanta, Một tù binh Mỹ ở Việt Nam. 3 cuốn trên đã do Nam Á Paris xuất bản. 2 cuốn sau sẽ xuất bản ấn bản Việt ngữ cùng lượt với ấn bản Pháp ngữ.
6 Thơ tù, Nam Á – Paris, 1984