I speak in hugs & kisses because true love never misses I will lead or follow to be with you tomorrow.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1780 / 12
Cập nhật: 2015-09-06 02:02:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6: Thằng Kô!!!
hòng giam về đêm có rất nhiều hoạt động lạ lùng. Chúng tôi tự tìm cách giải khuây bằng những trò chơi gì đó lạ lạ, tất nhiên cũng không được quá ồn ào hay làm gì đó quá trớn. Phòng tôi có một kẻ đầu trò, chuyên làm trò chọc mọi người cười no bụng. Chúng tôi gọi nó là “thằng Kô”. Thằng Kô là les (đồng tính nữ), có khuôn mặt khá dễ thương. Lúc mới vào nó hay lân la đến làm thân với tôi vì tôi ở tù lại càng xinh lên, xinh hơn cả thời gian đầu mới đi làm gái. Nó mong có thể ở với tôi giống như vợ chồng nên thường tán tỉnh tôi bằng những lời đường mật. Tôi không có hứng thú đùa cùng, thậm chí mỗi lần nó tỏ ra âu yếm là tôi lại đuổi và chửi nó thậm tệ. Chuyện đó trở thành trò vui cho mọi người xem. Từ đó tôi và thằng Kô trở thành bạn thân của nhau bởi tôi và nó cảm thấy có cái gì đó rất giống nhau, nói chuyện thì hợp cạ và thường rủ nhau bày trò trêu đùa người khác.
Thằng Kô đã có người yêu chính thức tên là To, hai người này là đôi tình nhân nổi tiếng nhất trong nhà giam Bang Bon thời đó. Mọi người gọi đây là đôi tình nhân trong mơ bởi lúc đó thằng Kô được coi là les “đẹp trai” theo phong cách mặt ngắn, đầu hói, răng bàn quốc, còn To cũng được coi là xinh gái. Đôi này được gọi là “Kim Đồng Ngọc Nữ”, cả hai đã yêu nhau từ hồi còn ở nhà tù Lat Yao cho đến khi chuyển sang nhà tù Bang Bon này. Có điều đôi tình nhân này không được ngủ cùng phòng với nhau nên To rất hay ghen, sợ thằng Kô đào hoa, còn thằng Kô cũng sợ To nên khi định tán trộm ai đó, nó phải cố gắng giấu kín không cho To biết, nếu không sẽ gay to.
Ban đầu khi tôi mới vào trại, To cũng suốt ngày lườm nguýt vì nghĩ rằng tôi tranh mất thằng Kô, nhưng khi biết tôi không chịu thằng Kô, To cũng không thèm để ý gì đến tôi nữa.
Thằng Kô được coi là tù nhân khá ngầu, ngầu ở đây được tính bằng việc có thuốc là bán, nếu ai có thuốc là bán được coi là rất giỏi, không sợ gậy gỗ của giám thị. Vì tội bán thuốc lá sẽ phải nhận sự trừng phạt vô cùng đáng sợ.
Để thể hiện sự giỏi giang của bản thân, thằng Kô thường xuyên cố ý vi phạm kỷ luật của nhà tù, đặc biệt là việc hút trộm thuốc lá trong phòng ngủ. Mặc cho các giám thị kiểm soát gắt gao thì nó vẫn liên tục mang được thuốc lá vào phòng ngủ hút.
Có một hôm, thằng Kô cho đàn em mang trộm bật lửa vào phòng ngủ dù đây là vật phẩm bị cấm tuyệt đối. Trước khi vào phòng ngủ, tù nhân sẽ bị giám thị “khám” người. Để tránh bị phát hiện, bọn thằng Kô nhét bật lửa vào “lỗ”, “lỗ” ở đây chính là âm đạo nhờ thế đã mang được bật lửa vào phòng ngủ trót lọt.
Khoảng thời gian hút trộm thuốc lá khi bắt đầu chiếu phim truyện sau chương trình thời sự vì các giám thị rất nghiện phim truyện nên trong khoảng thời gian đó sẽ không có ai đi lại kiểm tra, nhưng chỉ hết phim là họ sẽ đi lại tuần tra không biết mệt mỏi. Người hút thuốc xếp hàng dài, mỗi người chỉ được hút một hơi thôi vì nó rất đắt, một điếu giá năm mươi bạt, một gói giá năm trăm bạt. Ai không có tiền thì phải chờ xin hút cùng.
Một hôm thằng Kô và đàn em đang hút thuốc giữa đêm, giám thị đi tuần tra ngửi thấy mùi thuốc lá liền quát to: “Đứa nào mang đầu vào?”, “đầu” ở đây có nghĩa là bật lửa. Không có ai trả lời, cả phòng im lặng không ai chịu nhận, giám thị hỏi thêm lần nữa vẫn không có ai lên tiếng, liền nói: “Không có ai nhận cũng không sao. Sáng ngày mai đánh cả phòng!”.
Việc đánh để trừng phạt tù nhân của giám thị được thực hiện như sau: Hôm nào có ban giám thị cùng ca, chúng tôi sẽ bị mỗi người đánh sáu cái, như vậy chúng tôi bị đánh mười tám cái, bị đánh xong người cứ gọi là mềm oặt. Có một giám thị có biệt danh là “Sò huyết” vì có cái miệng chúm chúm giống như sò huyết vậy, thêm nữa đó cũng là ám hiệu mà các tù nhân dùng để gọi mà cô ta không biết. Nếu có ai bảo “Sò huyết đến rồi” là phải nhanh chân chạy cho thoát thân bởi cô ta đánh người giống như là đánh cho chết luôn vậy.
Chiếc gậy gỗ mà giám thị luôn mang theo bên mình để trừng phạt tù nhân giống như gậy đánh học sinh nhưng đầu gỗ to hơn rất nhiều, chỉ bị Sò huyết đánh đã đau lắm rồi, đằng này lại bị đánh tận mười tám gậy gỗ chắc chết mất. Sau khi bị đánh một lúc, các vết gậy bắt đầu lằn lên trên cơ thể với đầy màu sắc từ xanh cho đến tim, có vết còn rỉ máu. Nhưng trừng phạt vẫn chưa kết thúc ở đó, sau khi bị đánh lại tiếp tục bị bắt đi xúc phân ra khỏi bể phốt. Đã thế còn bị cấm người nhà vào thăm thêm một tháng, vừa đủ thời gian cho những vết bầm xanh tím kia biến mất, không còn cơ hội cho người thân nhìn nữa vì nếu cho người thân thấy bị đánh đập như vậy có thể họ sẽ bị kiện, lúc đó các giám thị lại gặp rắc rối.
Mấy người lớn tuổi cùng phòng sợ bị đánh nên vội kêu to bảo với thằng Kô: “Thằng Kô! Mày hút thì mày nhận đi, bà già rồi bị đánh thế không chịu được đâu…”. Thằng Kô vốn là kẻ rất yêu quý những người cao tuổi liền trả lời to: “Già thì già… Cứ để đấy… Tao giải quyết cho!”. Vì vậy đêm đó không có ai than vãn gì nữa.
Đầu gấu trong tù không sợ gì bởi không có ai dám động chạm đến họ, vì vậy mọi thứ mà đầu gấu làm đều tốt đẹp cả. Thực tế giám thị thừa biết chuyện hút thuốc này có những tên đầu sỏ tham gia nhưng vì không có ai tố cáo nên cho qua coi như chưa có gì xảy ra.
Sáng hôm sau, chắc thằng Kô thấy có lỗi nên diễn kịch ngay, nó nói với mọi người trong phòng: “Anh Kô sẽ không để mọi người bị liên lụy, có gì anh Kô sẽ chịu một mình”. Sau khi chào cờ, giám thị sẽ đánh tù nhân vi phạm ngay dưới chân cột cờ. Giám thị đánh theo thứ tự từng người một, đánh mà như biểu diễn nhằm răn đe những ai có ý đồ phạm tội.
Đôi khi, tôi thấy việc trừng phạt này cũng có cái tốt của nó, để có người sợ không dám vi phạm luật lệ trại giam nữa. Nhưng cuối cùng tôi thấy không có tù nhân nào tỏ ra sợ cả. Một số người còn hút trộm ngay trong đêm tiếp theo vì cho rằng giám thị sẽ nghĩ không ai dám hút tiếp bởi vì vừa mới bị trừng phạt xong mà.
Sau đó, tôi ngày càng thân hơn với thằng Kô đến mức trở thành đôi bạn chí cốt thường xuyên chọc cười mọi người.
Ngoài việc hút trộm thuốc lá để giảm căng thẳng, trong tù còn nhiều việc khác để chúng tôi làm, như xem ti vi chẳng hạn, nhưng chỉ được xem theo giờ, mỗi ngày xem một chút, cộng thêm toàn là chương trình không hấp dẫn. Thường thì họ hay mở cho xem các chương trình thực tế, khám phá, tính giải trí không cao, trong khi lại không mở chương trình thời sự trong nước. Do vậy những người trong tù thường không biết bên ngoài xảy ra chuyện gì. Trong tù cũng có sách để tù nhân đọc giải khuây như truyện cười, truyện tranh, tiểu thuyết sến. mùi mẫn mà hình bìa là các ngôi sao nổi tiếng thời đó, mỗi quyển mười bạt. Ban đầu họ cho phép chúng tôi mang lên đọc tại phòng ngủ, nhưng về sau học cấm vì biết chúng tôi phần lớn mang sách lên đọc không phải để đọc mà để xé trộm đem cuộn thuốc lá hút với nhau. Thế là họ giải quyết luôn được việc hút thuốc vì nếu không có giấy thì cũng không hút được.
Khi giám thị cấm không cho tù nhân mang sách lên phòng ngủ đọc nữa, chúng tôi đành tuân theo răm rắp, không ai dám mang sách lên cả. Nhưng chỉ đợi không có người nhìn thấy là tranh thủ xé giấy, mỗi lần một ít, lúc thì xé góc sách, lúc thì một nửa trang sách rồi giấu lên phòng ngủ.
Mặc cho chúng tôi bị đánh gần như hằng ngày vì hút trộm thuốc lá nhưng việc ấy chưa từng kết thúc trong trại giam, bật lửa, thuốc lá xuất hiện hàng ngày, bất kể cho nhân viên coi tù kiểm tra gắt gao, cấm đoán cho nên nhiều khi họ cũng không thể hiểu nổi tù nhân lấy chúng ở đâu ra nữa.
Và thiệt hại rơi vào những người muốn thực sự đọc sách giảm căng thẳng trước khi đi ngủ bởi không được phép mang sách lên phòng ngủ nữa, cộng thêm nhiều truyện đang đọc thì lại bị mất trang. Những người muốn đọc sách đó than vãn suốt ngày rằng bọn hút thuốc lá làm cho họ không còn thứ gì có thể giúp giảm căng thẳng được nữa.
Có một hôm, thằng Kô, kẻ vốn nghiện thuốc lá nặng nhất, bỗng nhiên muốn đền tội, bèn diễn kịch Li-kay[1] cho mọi người xem. Thằng Kô từng kể rằng quê nó ở tỉnh Lopburi và nó có dòng máu kịch Li-kay trong người nên cũng diễn được một chút. Nó bắt đầu diễn, hát các điệu hát linh tinh, kiểu như “Mẹ ơi, hôm nay Kô sẽ làm cho mọi người vui vẻ, Kô sẽ không làm cho mọi người buồn rầu, căng thẳng, Kô sẽ diễn kịch Li-kay cho mọi người cùng xem”.
[1] Li-Kay: Kịch dân gian truyền thống của Thái Lan, là hình thức biểu diễn có xuất xứ từ đạo Hồi, bao gồm cả hát và múa.
Thằng Kô diễn nhiều vở xen kẽ lẫn nhau như truyện Chalawan[2], các câu chuyện tình làng quê và nhiều truyện khác, tùy thuộc vào việc lúc diễn nó nhớ ra cái gì, hoặc có khi nó hòa trộn các tình tiết với nhau rồi diễn bừa. Thằng Kô này thú vị là ở chỗ đó.
[2] Chalawan là truyền thuyết về con cá sấu khổng lồ chuyên ăn thịt người, đặc biệt là các cô gái đẹp.
Mọi người trong phòng đều im lặng xem thằng Kô diễn Li-kay và vỗ tay cổ vũ theo. Thằng Kô múa hết điệu này đến điệu khác, lúc đầu nó diễn một mình độc tấu, nhưng diễn mãi nó nghĩ ra cách mời nhiều người cùng tham gia. Khi biểu diễn, thằng Kô chỉ tay vào người nào thì người đó sẽ lên diễn các nhân vật theo chỉ định, nhiều người cùng biểu diễn tạo nên không khí rất vui vẻ. Trong tất cả các vở kịch Li-kay mà thằng Kô biết, nó thích nhất là diễn vở Krai Thong và thằng Kô rất thích đóng vai cá sấu Chalawan. Nó bảo là nhân vật này có rất nhiều vợ nên khi mời mọi người cùng lên diễn thằng Kô có cơ hội tán tỉnh các cô gái.
Lâu dần, thằng Kô cũng bắt đầu chán diễn Li-kay, cả phòng không có gì làm nữa. Kô hỏi tôi: “Usumi này, hôm nay anh Kô không có gì để diễn cả, Usumi có gì kể cho anh Kô nghe không?”
Tôi liền kể về “Forrest Gump”, cuốn sách mà tôi rất thích, cho mọi người nghe và một truyện khác tôi cũng hay kể là truyện “Nàng Tiên Cá” vì tôi thích nghĩ mình là nàng tiên cá.
Sau nhiều ngày, thằng Kô lại bắt đầu dự án mới. Nó giới thiệu ý tưởng và bảo tôi nên viết thành sách thì hay hơn bởi có thể cất giữ để cho người khác thuê đọc được. Nó nói: “Hiện các bà giám thị đã không cho phép chúng ta đọc sách nữa, mình cũng nên tự có lấy một quyển sách để đọc với nhau chứ”. Thằng Kô lại lảm nhảm tiếp rằng mình chỉ viết sách có một lần nhưng cất giữ để kiểm tiền mãi mãi. Tiền đó mình tôi hưởng cả. Tiền chảy về với tôi nhiều hơn vì có thêm nghề mới đó là viết truyện ngắn hoặc tiểu thuyết hài hài để cho người tong phòng thuê đọc, mỗi người năm bạt. Có nhiều người còn thuê tôi đọc cho nghe nữa. Từ đó, tôi có thêm thu nhập từ việc cho thuê sách truyện mỗi ngày khoảng hai, ba mươi bạt. Có nhiều người phải xếp hàng để thuê truyện của tôi. Tôi phải trốn việc ở nhà xưởng để viết trộm sách cho người ta thuê. Thời gian đó, tôi viết được năm quyển và quyển nào cũng cho thuê rất chạy.
Cách thức thanh toán trong tù là không thanh toán bằng tiền mặt mà sử dụng phương pháp trao đổi, ví dụ như có người thuê tôi đọc truyện hoặc kể truyện này truyện nọ cho nghe, có bao nhiêu người ngồi nghe thì tôi tính mỗi người năm bạt rồi khi họ thanh toán, tôi không nhận tiền mặt mà sẽ đổi số tiền đó ra thành gạo, thức ăn, bột giặt, xà phòng thơm, kem đánh răng hoặc các đồ dùng thiết yếu khác. Số hàng hóa đó có giá trị tương đương với số tiền họ cần thanh toán.
Do vậy, phòng ngủ của tôi chưa bao giờ biết yên ắng bởi có thằng Kô và tôi suốt ngày nghĩ ra trò chơi khiến cho mọi người ai cũng cười vui vẻ, sảng khoái. Nhưng sự vui vẻ của chúng tôi cũng bị kìm hãm vì Mốt. Tôi và thằng Kô thường gọi Mốt là “con Mốt”, nghe như vậy mới sướng tai.
Mốt là “trưởng phòng” của phòng giam chúng tôi. Mỗi phòng ngủ sẽ có một người làm trưởng phòng, có nhiệm vụ tương tự như lớp trưởng vậy, trông coi các phạm nhân trong phòng sao cho yên ổn, nề nếp. Do vậy, trưởng phòng cũng phải là người gường mẫu và có trách nhiệm. Con Mốt có đầy đủ các phẩm chất đó, cộng thêm làm việc rất chỉn chu và rất thích thể hiện quyền lực, không kết bạn với các tù nhân khác, coi mình thuộc phía giám thị. Mặc dù tên là Mốt nhưng người cô ta lại to như voi[3], giọng oang oang nên mọi người trong phòng ai cũng sợ và kiêng nể Mốt. Mốt báo cáo mọi chuyện xảy ra trong phòng cho giám thị nghe. Mốt thường chửi mắng mọi người trong phòng “Làm việc thì như mèo mửa, nốc thì như ăn cướp, ngủ thì trông như chó!” khiến nhiều lần tôi hỏi Mốt: “Này, tóm lại mày là tù nhân hay là giám thị thế? Hay là mày định cả cuộc đời này sẽ không ra khỏi tù nữa?”.
[3] Mốt có nghĩa là con kiến.
Mốt không thích cái bản mặt tôi cho lắm, tôi nằm trong diện đặc biệt, thường xuyên bị cô ra bắt lỗi như xem tôi có giấu mang kim khâu lên phòng ngủ để thêu tên cho người khác không, vì nếu tôi mang kim lên phòng ngủ, có người mách với giám thị, tôi sẽ bị đánh sáu gậy. Mốt rất ghét tôi bởi biết tôi làm việc cho bác Wan giám thị và hay may vá cho cô Wan đầu gấu. Mốt dường như không thèm quan tâm đến việc gì cả, cô ta chỉ chăm chỉ làm nhiệm vụ báo cáo tình hình cho giám thị mà thôi.
Tôi và thằng Kô rất ghét Mốt và luôn tìm cách xóa bỏ Mốt ra khỏi cuộc sống của chúng tôi. Có một hôm, thằng Kô có ý kiến với tôi: “Này Nỉnh, anh Kô nghĩ rằng chúng ta phải loại bỏ con Mốt này thôi bởi nó phá hỏng sự vui vẻ của chúng ta”. Tôi hỏi lại Kô: “Thế phải làm thế nào?”. Ngay lập tức Kô nói ra kế hoạch: “Mình cho một người đi ra sau con Mốt, dùng chăn chụp đầu nó lại sau đó cho cả phòng chúng ta xông vào đập nó”. Tôi hỏi thằng Kô: “Làm như thế được hả anh Kô?”, Kô trả lời: “Việc này phải hỏi ý kiến mọi người trong phòng trước xem có ai đồng tình cùng tham gia không bởi đây là cách mà phần lớn người ta dùng để xử lý nhau trong trường hợp ghét nhau quá rồi”. Cuối cùng không ai chịu tham gia kế hoạch của thằng Kô vì sợ không thoát, Mốt to lớn thêm nữa cô ta cũng có chỗ dựa là giám thị.
Nhưng đột nhiên Mốt bị chuyển đi trông coi phòng khác. Tôi và thằng Kô vui không sao kể xiết, chúng tôi đã có thể nói to và có thể vi phạm rất nhiều nội quy khác như nhận may và thuê trong phòng và hút trộm thuốc ban đêm. Người lên chức trưởng phòng mới là một bác đã khá cao tuổi trong phòng nhưng không có vai trò gì nhiều bởi bác còn phải nằm dưới sự kiểm soát của thằng Kô. Tôi cũng thấy khó hiểu, bình thường thằng Kô có sợ ai bao giờ đâu mà tự nhiên lại sợ con bé Mốt đó. Nó còn thích gọi Mốt là “con quỷ Mốt”.
Mặc dù đã mỗi người một phòng nhưng Mốt vẫn luôn ghét và bắt lỗi tôi trong suốt ba năm. Nguyên nhân cũng có thể là do tôi và Mốt cùng làm việc cho giám thị, tôi làm cho bác Wan công việc lưu trữ, còn Mốt làm việc cho nhiều giám thị khác. Cả tôi và cô ta đều cố gắng tỏ ra giỏi giang. Mốt thường xuyên kiếm chuyện cãi nhau với tôi trong suốt thời gian tôi ở trong tù, đến mức cho tới khi tôi được ra tù, tôi và Mốt vẫn chưa có lấy một lần nói chuyện tử tế với nhau.
Một hôm, trong tù xảy ra một chuyện hỗn loạn khi thằng Kô ngầm tán tỉnh một cô bé vừa mới vào tù, cô ta tên là Choi, bị bắt với tội danh lừa đảo, bị tòa án xử phạt hai năm tù giam. Cô ta là con nhà khá giả, bố mẹ Choi làm thầu xây dựng. Trong trại giam này, Choi là tù nhân được gửi gắm nên được nhiều đặc quyền.
Bản thân Choi cũng thích chơi đùa với Kô nên hai người ngầm đi lại mà To không hề hay biết bởi ban đầu thằng Kô phân chia thời gian rất giỏi. Buổi sáng trong phòng ngủ thì khúc khích thân mật với Choi, buổi trưa thân mật với To. Nhưng cuối cùng thằng Kô cũng không giấu được chuyện này. To đã phát hiện ra Kô và Choi thích nhau, To và Kô cãi nhau rất to. Thằng Kô chắc thích Choi hơn nên dần xa cách To.
Sau khi chia tay được mấy ngày thì suýt xảy ra việc đổ máu trong trại giam. Hôm đó, To đang nấu ăn trong nhà ăn thì nóng mắt khi nhìn thấy hình ảnh đôi tình nhân ngọt ngào nắm tay nhau đi qua, chuẩn bị đi tắm với nhau. Lúc đó, có lẽ To quá điên tiết và căm hận nên cầm dao rượt đuổi, định chém thằng Kô cho bằng được. Còn thằng Kô chắc đang rất hạnh phúc nên không biết rằng To đang cầm dao chạy tới từ đằng sau. Nhưng vừa may có người nhìn thấy liền kêu to: “Thằng Kô! Đằng sau… thằng Kô! Nó sắp chém mày kìa!”. Chỉ có thế thôi, thằng Kô né mình rồi quăng hết cả chai lọ đang cầm để chạy thoát thân.
Ngày hôm đó trở thành ngày hỗn loạn cả nhà tù. Tất cả chỉ biết đứng nhìn thằng Kô chạy chứ không ai dám nhảy vào giúp vì To lăm lăm con dao trong tay, nhìn vô cùng tức giận. To được mọi người công nhận là người quyết đoán, nói được làm được nên các giám thị nữ không ai dám giúp, phải đợi gọi giám thị nam sang xử lý. Còn thằng Kô thì vừa chạy vừa khóc, miệng chỉ kêu được mỗi một câu: “Cứu tôi với! Mẹ ơi cứu con!”. Phải đến khi giám thị nam sang giúp thì mọi việc mới được xử lý êm đẹp, thằng Kô mới thoát.
Sau ngày hôm đó, giám thị cấm không cho Kô và To ở gần nhau nữa. Thời gian đầu, thằng Kô còn thường có giám thị trông chừng, bảo vệ. Nhưng một thời gian sau, khi việc đã tạm lắng thì không ai nhắc đến chuyện đó nữa.
Từ lúc chia tay thời thằng Kô, To dần thân với tôi. Chúng tôi nói chuyện nhiều hơn. Tôi thấy To cũng rất đáng thương, cô chưa từng có người thân đến thăm, từ trước đến nay toàn là dựa vào thằng Kô, giống như cả cuộc đời chỉ có mỗi thằng Kô mà thôi. Không ngờ, cuối cùng lại bị thằng Kô ruồng bỏ nên To lại không có người thân một lần nữa. To nhìn già hơn tôi nên sau đó tôi luôn gọi cô là chị.
Tù nhân không có ai đến thăm, đó là chuyện rất buồn, rất đáng thương vì họ giống như người bị vứt bỏ. Nếu ai chưa từng trải qua chắc sẽ không thể nào hiểu được rằng tâm trạng phải ngồi tù đã buồn chán. Lại bị người thân vứt bỏ thì thảm thương đến mức nào. Trong tù, những tù nhân có tiền và có người thân đến thăm thường xuyên thì có gối đẹp để gối, những người còn lại không có gối thì gối tay hoặc kiếm vải gập lại làm gối trông thật đáng thương.
Tù nhân có rất nhiều nỗi khổ. Có người vì không lý giải được tại sao mình khổ đến thế đã quyết định từ bỏ tôn giáo mà mình từng tin tưởng, sùng bái từ khi sinh ra để tìm đến một tôn giáo khác với hy vọng sự thay đổi đó sẽ giúp họ thoát khỏi bể khổ mà họ đang phải chịu.
Ngoài ra còn có nguyên nhân khác nữa khiến nhiều tù nhân cải đạo. Đó là các nhà sư thường xuyên vào trong nhà tù để khất thực. Đây là một nghi lễ quan trọng của đạo Phật và cũng là dịp tốt để các phạm nhân có thể làm phúc bằng việc bố thí gạo, đồ khô cho các nhà sư. Thế nhưng, sự thật thì chỉ những phạm nhân có tiền mới có khả năng bố thí để cầu phúc. Còn những người không có tiền, đến cả chuyện mua đồ dùng thiết yếu cho bản thân còn chẳng thể làm được nữa là, một số người còn buộc phải vay tiền của bọn đầu gấu hoặc ký nợ lấy cơm gạo trước để mang dâng lên các nhà sư, cầu mong những điều tốt lành cho bản thân. Nhưng hệ lụy sau đó là sẽ bị đánh đập nếu không có tiền trả nợ đúng hạn. Trong khi đó, những người theo đạo Thiên Chúa thường mang đến thức ăn đến chia cho phạm nhân. Thế là một người cải đạo, vài người cải đạo, rồi nhiều người cải đạo, trong đó có tôi và To là những người buộc phải thay đổi tôn giáo để tìm lại niềm tin, động lực cho bản thân trong hoàn cảnh ở tù.
Chuyện là, một hôm To đến tìm tôi ở phòng, tôi và To trải chiếu ngồi nói chuyện với nhau. Lúc đó, tôi rất nghèo, tiền thì không có mà kem đánh răng đã hết sạch, xà phòng cũng không còn, nói chung là đồ dùng thiết yếu không gì cả. Bản thân To không có người thân đến thăm và cũng không có tiền dù làm ở xưởng may, cũng lén may thuê cho người khác. Ngày hôm đó, To nói với tôi: “Này Nỉnh, người thân không đến thăm em à?”. Tôi trả lời: “Vâng, không có ai đến thăm từ lâu rồi chị ạ. Đồ dùng thì hết sạch chẳng còn gì. Chán lắm… Kem đánh răng hết, xà phòng cũng hết. Cũng không vay mượn ai được”. Ngồi ca thán với nhau, tự nhiên To nói: “Đâu, sao bảo tin Chúa cơ mà? Cầu Chúa ban cho gạo và đồ dùng đi”. Nghe thế tôi giận To lắm vì chị nói như thể tôi tin vào Chúa là mù quáng vậy. Nhưng sau đó tôi cũng thấy không giận gì To cả, có lẽ chị ấy chỉ muốn tôi tỉnh táo, đừng quá cuồng tín. Tôi liền trả lời rằng để tôi đi cầu nguyện Chúa trước đã, rồi Ngài sẽ ban phát đồ dùng cho. Sau đó bỗng có người đến bảo bác Wan muốn gặp. Gặp tôi, bác Wan chỉ đưa cho tôi một túi giấy mà không nói gì. Tôi vội mở túi ra thì thấy có tuýp kem đánh răng to, dầu gội đầu loại lớn rồi cả một túi xà phòng nữa, những thứ này bác Wan thường mua cho tôi nhưng lâu lâu mới mua một lần. Chắc bác cũng ước lượng thời gian, nghĩ tôi đã dùng hết nên lại mua cho. Khi tôi quay trở lại, To rất ngạc nhiên khi thấy tôi có những thứ này. Tôi nói một cách sung sướng: “Đây này, Chúa ban cho rồi, Chúa vừa mới phát xong”. Thấy vậy, To cũng cảm kích Chúa giống như tôi và sau đó không lâu chị cũng đi theo Chúa, mang hy vọng gửi vào một tôn giáo mới.
Chủ nhật bao giờ cũng là ngày vui nhất với tù nhân. Chúng tôi chỉ phải đi làm có nửa ngày, sau buổi trưa giám thị sẽ để cho mọi người tự do thoải mái, vì ngày hôm đó các giám thị cũng được nghỉ. Vì thế những chuyện hay ho, vui nhộn phần lớn xảy ra trong ngày chủ nhật. Chủ nhật đó, sau khi ra khỏi nhà xưởng, ăn trưa xong tù nhân cùng nhau đi xây nhà, ai ở nhà người nấy, tôi cũng có nhà riêng của mình. Các ngôi nhà được xây tại khu vực sân đất chính giữa. Xây nhà chỉ là mang chiếu hoặc bìa giấy dày một chút trải ra chỗ mà từng người đã nhận sẵn là xong, như vậy cũng được gọi là nhà rồi. Khi muốn gặp ai, hỏi những người xung quanh xem nhà người này người kia ở đâu, ở khu vực nào là sẽ có người chỉ đường đến là của người cần gặp, tưởng tượng giống như nhà nằm trong ngõ ngách vậy. Một số người không vừa lòng chỗ ở cũ có thể chuyển nhà đến chỗ khác, khi mình đến nơi mà không gặp sẽ có người báo cho biết rằng người đó đã chuyển đến khu vực nào. Còn nếu nhà nào bán đồ thì sẽ được chúng tôi gọi là quán. Thế giới bên ngoài có những thứ gì thì bên trong này chúng tôi cũng đều có y như vậy. Đối với những người trong tù như tôi thì nhiều khi tưởng tượng quan trọng hơn là sự thật.
Do vậy điều mà mọi người mong muốn lúc này là có một ngôi nhà đẹp, hay là một cái chiếu tốt. Nếu ai nghèo không có tiền mùa thì đi ăn trộm bìa giấy dày từ nhà xưởng để trải ra ngồi, còn nếu ai có ít tiền thì có thể mua hoặc thuê người đan chiếu cho. Những người nhận làm chiếu thuê cũng đi trộm bao tải dứa mà người ta giao hàng tại nhà xưởng để đan tiếp thành những tấm bản rộng, gộp nhiều lớp cho dày, gấp mép cho thật gọn thế là được ngay một cái chiếu mà khi đó chúng tôi gọi là nhà.
Hôm đó cũng là ngày đặc biệt đối với các đôi tình nhân không được ngủ chung phòng với nhau, mỗi ngày đều phải ở xa nhau chắc là nhớ nhau lắm. Ngày hôm đó gặp nhau hẳn đều muốn làm điều gì đó thật đặc biệt, bọn họ sẽ mang vải ra làm mái che để không cho ai nhìn thấy bên trong rồi vào trong nằm khúc khích với nhau. Vì vậy, nếu thấy nhà nào có mái che bằng vải là biết ngay nhà đó đang có hoạt động gì.
Sân trong nhà tù không có lấy một cái cây nào cả, ánh nắng chói chang khiến cho tàn nhang nổi đầy trên mặt tù nhân nữ. Ai không chịu được nắng, muốn tránh nắng thì phải chui xuống dưới dãy phơi quần áo mới có bóng râm. Những ai trước khi vào tù có mặt xinh, da đẹp thì vào đến tù rồi đừng mong là sẽ đẹp mãi bởi trong tù vừa bị nắng chiếu, thêm nữa khi tắm cũng phải vội vàng không có thời gian kỳ ghét, lâu ngày da dẻ cũng xạm đen lại, người nào từng xinh đẹp cũng biến thành không đẹp, còn người nào không đẹp sẵn thì không phải nói làm gì, trông khủng khiếp lắm.
Nỗi buồn tại địa ngục này, nó có thể biến đổi con người, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó qua những hành vi lạ lùng của các tù nhân mà ngay chính bản thân họ cũng không hề hay biết.
Có một tù nhân nữ tên là Sẳm Rong, từng làm việc tại nhà máy Hatakabb[4] vào tù với tội danh giết chồng. Chắc cô ta thấy ở trong tù có nhiều đồng tính (les) nên cũng muốn trở thành đồng tính giống người ta. Rồi một ngày đẹp trời, cuối cùng cô ta đã trở thành đồng tính thật. Rồi Sẳm Rong tới nhờ tôi tư vấn để tán tỉnh một tù nhân nữ, người tỉnh Kanchanaburi, tên là Lo, nhưng chúng tôi thường gọi là Mouth bởi chị Lo có đặc điểm giống với diễn viên chính trong phim “Kaew Na Mah”[5]. Tôi nghĩ “có trò vui để chơi rồi đây” nên đồng ý: “Được đấy chị, chị Lo cũng dễ thương, rất thích hợp để trở thành người phụ nữ của gia đình”. Rồi tôi hỏi tiếp: “Thế ai sẽ là chồng?”. Chị ta trả lời: “Chị là chồng, còn Lo là vợ”. Lúc đó tôi muốn tạo trò vui cho nhà tù, mà tôi cũng đã từng thấy hai người đó liếc mắt đưa tình, cặp kè với nhau từ lâu rồi nên càng hùa thêm vào: “Chị này, em thấy nên tổ chức lễ cưới, cả hai buộc chỉ tơ hồng nữa cho đúng nghi lễ chứ”. Chị ta bảo với tôi: “Thế có nên không? Mà liệu phía nhà gái họ có chịu không?”, tôi trả lời: “Chuyện này phải bàn bạc đã, mà em nghĩ cũng tốt bởi dẫu sao chúng ta cũng còn phải ở trong tù nhiều năm nữa mà”. Sau đó hai người họ nói chuyện và đồng ý với nhau rằng sẽ tổ chức đám cưới theo như ý kiến của tôi, đám cưới sẽ được tổ chức vào ngày chủ nhật.
[4] Một nhãn hiệu thuốc ngậm của Thái Lan.
[5] Bộ phim dựa theo truyện cổ tích cùng tên kể về một cô gái tên là Kaew có khuôn mặt giống ngựa, sau khi giúp nhà vua đánh tan kẻ thù đã lột xác thành một cô gái xinh đẹp và thành hôn với hoàng tử.
Hôm nói chuyện này là trước ngày chủ nhật. Ngày sau đó chúng tôi đã bàn bạc, lên kế hoạch sẽ làm đám cưới vào chủ nhật tới, ngày “free style” của chị em phạm nhân.
Thằng Kô cùng phòng với tôi cũng vội cho thêm ý kiến: “Kô thấy còn quên thiếp mời, mình phải mời tất cả mọi người trong nhà tù này tới dự đám cưới của hai người này”. Rồi thằng Kô đi thông báo ở hết tất cả nhà xưởng: “Thưa các chị em, ngày chủ nhật tới sẽ là ngày tổ chức lễ cưới. Ai có thời gian xin mời tới chung vui, chúng tôi sẽ có tiệc chiêu đãi sau khi nhà xưởng đóng cửa. Buổi trưa sẽ có một chút đồ ăn nhẹ, có nộm mỳ tôm, chân gà…”. Mọi thứ được Kô thông báo một cách bài bản. Còn việc đưa thiếp mời, chúng tôi chỉ chọn đưa cho những người có chút tiền để đến hôm tổ chức lễ cưới họ có thể mang đồ tới giúp như mỳ tôm, bánh mỳ và một số thứ khác.
Sau khi nghe thằng Kô thông báo, mọi người đều sôi nổi và hồ hởi, nào là nhất định sẽ đến dự đám cưới của hai người đó, nào là phải đi thăm nhà hai người đó cho bằng được.
Đám cưới diễn ra đúng ngày đã định. Đồ ăn trong tiệc cưới gồm có bánh quy nhân dứa, chân gà, nộm mỳ tôm với cá hộp. Cách làm món ăn với mỳ tôm cũng không phức tạp cho lắm như mỳ tôm xào, nộm, ăn sống cũng được hết, hoặc nếu muốn làm món gì khác thì cũng không có gì là khó cả. Trong tù không có bếp hay lò vi sóng nên chúng tôi sử dụng “tri thức dân tù”, tức là khi muốn ăn mỳ tôm, chúng tôi lấy nước uống trong bình đổ vào túi mỳ, sau đó dùng dây nịt buộc thật chặt rồi mang ra phơi nắng cho nước ấm lên cho chín, tuy sợi mỳ nở trương phềnh, không dai và ngon như người ta vẫn quảng cáo nhưng cũng đủ để làm món trộn rồi. Lấy mỳ đã chín trộn với cá hộp, cho một chút ớt chỉ thiên mua được từ giám thị, thế là được ngay món nộm mỳ tôm ngon tuyệt vời.
Chúng tôi tới tham dự bữa tiệc này với hy vọng sẽ được ăn uống miễn phí, rồi còn xem những nghi lễ lạ mà chưa có mấy ai dám làm.
Đến giờ lành, đôi tình nhân bước ra làm lễ. Thằng Kô lên phát biểu mở màn nghi lễ: “Nào, bây giờ anh chị em đã tới tham dự đầy đủ rồi. Kô xin được bắt đầu nghi lễ luôn”. Dứt lời, thằng Kô lấy ra một dải dây cầu phúc màu trắng mà thật ra nó là cuộn chỉ to màu trắng mà thằng Kô đã lấy trộm trong nhà xưởng ra. Nghi lễ buộc dây cầu phúc kết thúc, cô dâu chú rể ngồi sát bên nhau, khuôn mặt rạng rỡ. Khi nghi lễ vô cùng lãng mạn đang chuẩn bị đến hồi cao trào, sét đến bất ngờ, đánh cái “đoàng” vào ngay chính giữa sân khiến nghi lễ tan tành, mọi người tan tác, nhìn nhau hoảng loạn, ngơ ngác. Bà Sởm, một trong những giám thị, có lẽ đã nghe thấy tiếng sét liền chạy tới chính giữa tiệc, trên tay còn cầm cây gậy gỗ to đùng. Vừa đến nơi bà ta đã cất lời mắng chửi từ cô dâu, chú rễ cho đến những vị khách. Thằng Kô, chủ hôn vội nhảy vào giải thích: “Bọn con đang tổ chức lễ cưới mà mẹ!”. Thế nhưng bà Sởm vẫn tiếp tục chửi: “Chúng mày dẹp ngay đi cho tao. Sét đánh là bởi chúng mày đang làm trò tệ mạt đấy”. Bà ta không ngừng chửi chúng tôi. Còn đôi dâu rể thì ngồi đó, mặt mày xám xanh bởi nghi lễ đã bị phá hỏng.
Về sau, hai người đó sống với nhau chưa đầy một tháng thì chia tay bởi họ không phải đồng tính thật sự, do cô đơn lâu ngày nên họ muốn chạy theo xu hướng mà thôi.
Trong tù, không chỉ cô đơn mới muốn thành đồng tính, còn có rất nhiều người giả les để sống qua ngày. Bọn họ sẽ nhắm cô nào tiền nong dư dả để dựa. Người con gái đó sẽ mang hết gạo tiền có được nuôi cái người mà mình gọi bằng “chồng”. Kể cũng lạ! Giả trai mà vẫn có gái nuôi y như cái bọn con trai lười biếng thật sự ngoài kia vậy.
Đêm đêm, tôi vẫn thường phải nghe người bên cạnh chơi trò chồng vợ, thể hiện tình yêu mặn nồng với nhau. Không biết trong phòng có tất cả bao nhiêu đôi như vậy, đêm nào họ cũng tình tứ với nhau thế cả. Nhiều khi vô tình đi vệ sinh ban đêm cũng gặp cảnh nóng mắt nóng mặt. Lúc đầu cũng không muốn nhìn vì cảm thấy ngại thay cho họ. Nhưng lâu dần, tôi cũng thấy quen với hình ảnh và âm thanh “sống động” kiểu đó, thậm chí còn thấy thương hại những con người đó nữa. Nói cho cùng họ cũng chỉ vì muốn được sống không phải túng thiếu quá thôi.
Tôi Là Ê-Ri Tôi Là Ê-Ri - Thanadda Sawangduean Tôi Là Ê-Ri