Số lần đọc/download: 0 / 13
Cập nhật: 2023-03-26 23:05:38 +0700
Chương 19
C
hủ tịch huyện Trịnh Trọng bị Chủ tịch thành phố Mã Văn Bân phê bình thẳng mặt về việc ông ta đã khiến cho mâu thuẫn giữa Tuyết Liên với chính quyền trở nên gay gắt hơn. Khi Trịnh Trọng làm phó Chủ tịch thường vụ ở huyện kia, đã từng xử lý vụ nông dân vây đánh Ủy ban huyện, lần đó ông cũng khiến mâu thuẫn gay gắt hơn. Nhưng lần đó làm gay gắt thế là đúng còn lẩn này làm là sai. Một người phụ nữ nông thôn đã kiện cáo suốt hai chục năm, đột nhiên nói không kiện nữa. Bất kể lời này là thật hay giả, có thể nói ra được câu nói chưa từng có suốt hai chục năm nay như thế tức là có dấu hiệu tích cực. Cho dù là lời nói dối thì trong giả dối vẫn có ý muốn thay đổi phương pháp kiện cáo và kiềm chế sự quá khích. Người ta có nguyện vọng như vậy, chúng ta cần phải đi theo phương diện tích cực. Nhưng từ Chánh án đến Chủ tịch huyện đều dội gáo nước lạnh vào đầu Tuyết Liên, cứ cho rằng đó là dối trá. Rồi để đảm bảo Tuyết Liên không dối trá bằng cách bắt cô phải ký giấy cam kết, nhất quyết bắt cô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Kết quả thì sao? Tự nhiên đi chữa Lợn lành thành lợn què. Việc đến nước này nguyên nhân là do đâu? Chính là do các cậu không tin tưởng người ta. Mình không tin tưởng người ta thì sao người ta tin tưởng mình được? Chó cùng còn biết rứt giậu. Giờ kết quả hoàn toàn ngược lại: Làm một đằng ra một nẻo. Người phụ nữ này vốn đã nói năm nay không kiện nữa, cuối cùng tức giận đổi ý, nói năm nay phải kiện tiếp. Giờ thì mọi người khỏi phải nghi ngờ hoang mang nữa, nhưng giờ tiếp tục làm công tác tư tưởng thì độ khó sẽ lớn hơn nhiều. Lúc người ta có nguyện vọng tốt, công tác tư tưởng phải nỗ lực đi theo hướng tương đồng. Khi người ta đem cái tương đồng đổi thành bất đồng công tác tư tưởng phải bắt đầu từ chỗ bất đồng mà phân tích con đường từ bất đồng tới tương đồng. Riêng việc phân tích này cũng khiến khối lượng công việc đủ nhiều rồi.
Lượng công việc ngoài hạn ngạch này do ai thêm vào? Không phải do người phụ nữ nông thôn kia mà chính là chúng ta - những người làm công vụ. Phương pháp làm việc của chúng ta có vấn đề. Mà vấn đề xảy ra trong phương pháp làm việc vẫn chỉ là bề ngoài của vấn đề trong khi bản chất của nó nằm ở thái độ của chúng ta đối với nhân dân. Mình không tin tưởng nhân dân, sao có thể bắt họ tin tưởng mình đây? Cái kiểu không coi mình là công bộc của nhân dân còn đối lập với nhân dân, làm cán bộ mà như kiểu dang làm ông lớn. Sai lầm hơn nữa là khi xử lý chuyện này đã lại không hề suy xét gì đến đại cục. Chỉ nửa tháng nữa thôi ở Bắc Kinh sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc. Bản thân cô ta chỉ là một người phụ nữ nông thôn, vì những cớ sự dây mơ rễ má, vô hình trung cô ta lại liên quan đến quốc gia đại sự. Cô ta đã không còn là một người phụ nữ nông thôn bình thường nữa. Ấy thế mà phương thức chúng ta làm việc vẫn giống như đối với những phụ nữ nông thôn bình thường khác. 20 năm trước, người phụ nữ ấy đã từng xông vào Đại lễ đường Nhân dân, vì cô ta mà một loạt tiền nhiệm của chúng ta đã từng bị cách chức. 20 năm trước các vị tiền nhiệm cũng đối xử với người phụ nữ này như vậy. Từ sự việc của 20 năm trước chúng ta còn không đúc rút kinh nghiệm xương máu sao? Quan trọng hơn cả là quan niệm về chính trị, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc năm nay không giống như Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc các năm trước. Năm nay thay đổi nhiệm kỳ, xuất hiện một chính phủ mới nên toàn quốc và toàn thế giới đều rất quan tâm. 20 năm trước, người phụ nữ đó xông vào là chuyện nhỏ, năm nay xông vào, lại là chuyện lớn. Việc cô ta xông vào lại thành công như 20 năm trước thì ảnh hưởng chính trị và sự cố chính trị cô ta gây ra sẽ không giống 20 năm trước nữa. Tin tức giờ phát triển hơn 20 năm trước nhiều: có Internet, có Blog... Nói không chừng, sau một đêm, toàn thế giới đều biết chuyện này. Chúng ta bị cách chức như tiền nhiệm 20 năm trước vẫn còn là chuyên nhỏ. Vì việc này mà để bị mất toàn bộ thế diện quốc gia trước mặt toàn thế giới, sự tình sẽ căng thẳng hơn rất nhiều...
Khi Mã Văn Bân phê bình Trịnh Trọng, mặc dù lời lẽ rất gắt gao nhưng mặt ông luôn nở nụ cười. Đây là đặc điểm khi nói chuyện của Văn Bân. Dáng người ông ta không cao, chỉ khoảng một mét sáu. Có lúc đứng trên bục Chủ tịch phát biểu, trước micro trên sân khấu, người khác vừa nói xong ông ta mới đi tới để với lên được chiếc micro cũng khó khăn. Thông thường khi người khác vừa nói xong, đến lượt Chủ tịch phát biểu là nhân viên phải mau chóng chạy lên điều chỉnh độ cao của micro. Người ông thấp lại khá gầy, đeo cặp kính tròn gọng mỏng, trông như thể thư sinh nho nhã yếu ớt. Nói chuyện với người khác, ông cũng không lớn giọng, chưa nói đã cười, nói được một đoạn lại mỉm cười. Nhưng nói lý lẽ thì cần gì phải đao to búa lớn. Cùng một chuyện người khác nói một mớ lý lẽ, ông ta có thể nói ra ba mớ. Nếu là chuyện tốt thì còn may, nếu là chuyện xấu thì sẽ bị phê bình te tua. Vả lại ngày thường giọng nói chuyên của Mã Văn Bân khá trầm, đến khi đảm nhiệm công tác nghiên cứu cán bộ, đột nhiên giọng lại cao vút. Đề bạt ai, cách chức ai lập trường rõ ràng. Ông ta muốn đề bạt ai thông thường không ai dám phản đối. Muốn phản đối mà nói ra một mớ lý lẽ thì ông ta nói lại tới ba mớ, cũng chẳng nói lại được với ông ta, nên thường ông ta chỉ nói một câu là chốt. Trường hợp muốn cách chức cũng vậy, ông ta muốn cách chức cán bộ nào, cũng luôn nói một câu là chốt. Vì vậy từ thành phố đến huyện lỵ, các cấp cán bộ đều sợ ông ta. Mã Văn Bân phê bình Trịnh Trọng cũng như phê bình những người khác, phê bình được một đoạn lại khẽ mỉm cười. Cuộc nói chuyện kèm theo những nụ cười mỉm của ông Mã vừa kết thúc cũng là lúc Trịnh Trọng toát ra mấy lớp mồ hôi. Trịnh Trọng toát mồ hôi không phải sợ mấy lời phê bình của Mã Văn Bân, mà cảm thấy ông nói thật thấu tình đạt lý, từ lập trường đến tầm nhìn đều cao hơn mấy bậc. Thua kém là như thế nào? Chính là đây. Tại sao người ta làm Chủ tịch thành phố còn mình chỉ làm Chủ tịch huyện? Chẳng có nguyên nhân nào khác mà chính bởi trình độ người ta cao hơn mình. Mã Văn Bân phê bình xong, Trịnh Trọng tâm phục khẩu phục nói: “Chủ tịch, anh nói đúng, tại em nghĩ vấn đề quá đơn giản. Em đã xem thường đại sự. Em không có quan niệm đại cục và quan niệm chính trị, không hiểu rõ về thời đại. Em sẽ quay về viết bản kiểm điểm gửi anh.”
Mã Văn Bần mỉm cười xua tay: “Không cần phải kiểm điểm, hiểu ra là được rồi.”
Rồi ông nói thêm: “Đôi khi tôi nghĩ, có mấy câu thành ngữ cổ rất đáng để suy ngẫm mà ý tứ rất thâm sâu. Chẳng hạn như Ngàn dặm đê điều, vỡ do tổ kiến. Diệt từ trứng nước hay Tham bát bỏ mâm. Tóm lại, đều nói về một từ ‘nhỏ’. Biết bao người thất bại, không phải bại ở cái ‘lớn’, mà đều bại ở cái ‘nhỏ’. Hoặc giả, không hiểu được thâm ý của từ ‘nhỏ’.”
Trịnh Trọng vội gật đầu: “Em đúng là Tham bát bỏ mâm, em không hiểu được thâm ý của tư ‘nhỏ’.”
Văn Bân: “Còn một câu thành ngữ nữa, Tái ông mất ngựa, nhỡ đâu là phúc. Lần này thua sấp mặt, lần sau biết Từ bụng ta suy ra bụng người và Học một hiểu mười như vậy cũng tiến bộ rồi.”
Trịnh Trọng: “Sau khi về huyện, em lập tức đi làm công tác tư tưởng lại từ đầu, em sẽ lại tìm người phụ nữ kìa để nói chuyện.”
Mã Văn Bân cười, chỉ vào Trịnh Trọng: “Cậu đã gây chuyện căng với người ta rồi, chỉ luẩn quẩn quanh chữ ‘căng’ này, đã không phải chuyện ngày một ngày hai là giải quyết được.”
Ông vỗ nhẹ tay vịn của chiếc sofa: “Chín ngày nữa diễn ra Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, cứ để đích thân tôi ra tay. Cậu quay về hẹn đi, tôi mời người phụ nữ này ăn bữa cơm.”
Nghe nói Chủ tịch thành phố muốn mời một người đàn bà nhà quê ăn cơm, nguyên do chỉ vì bản thân mình không hoàn thành tốt công việc khiến Trịnh Trọng có đôi chút bất an: “Chủ tịch, do em không làm tốt công việc của mình nên đã đem lại phiền phức cho anh.”
Mã Văn Bân gạt tay: “Gặp mặt dân chúng cũng là một phần công việc của tôi.”
Rồi ông vừa cười vừa nói: “Tôi làm chủ tịch ba năm rồi cũng chưa từng gặp ‘Rau cải thìa’ của thành phố mình, ờ đúng rồi, chưa từng gặp ‘Phan Kim Liên’, ban nãy cậu còn nói, cô ta là ‘Đậu Nga’, là ‘Na Tra’ ba đầu sáu tay, đúng là tôi chưa từng gặp ‘Đậu Nga’ với ‘Na Tra’, thế nên tôi cũng không đúng, tôi cũng phạm phải chủ nghĩa quan liêu.”
Trịnh Trọng cảm thấy bầu không khí dịu xuống, cũng vội cười hùa theo: “‘Rau cải thìa’, ‘Phan Kim Liên’, ‘Đậu Nga’ ở trong phim, toàn là những cô em xinh đẹp. Còn ‘Rau cải thìa’, ‘Phan Kim Liên’, ‘Đậu Nga’ ở đây lại là bà già đầu toàn tóc bạc.”
Tới hôm Chủ tịch thành phố Mã Văn Bân mời Lý Tuyết Liên ăn cơm, vì địa điểm ăn cơm mà Mã Văn Bân lại phê bình thư ký trưởng của Ủy ban thành phố và Chủ tịch huyện Trịnh Trọng. Bình thường Mã Văn Bân mời khách ăn cơm có ba địa điểm. Nếu là lãnh đạo trên tỉnh đến, hoặc đồng sự cùng cấp ở các tỉnh khác tới thì mời ở nhà khách Ủy ban. Nếu là khách đầu tư nước ngoài thì tại khách sạn năm sao Phú Hào của thành phố. Nếu là bạn học cũ thì do nhà khách Ủy ban làm đồ ăn rồi mang đến nhà. Thư ký trưởng Ủy ban thấy Mã Văn Bân mời nông dân ăn cơm, thuộc về phạm trù công việc, liền sắp xếp bữa tiệc tại nhà khách Ủy ban rồi tính chuẩn bị cử xe đón Tuyết Liên đến. Khi báo cáo lên Mã Văn Bân, ông thoáng cau mày: “Không phải muốn phê bình mấy cậu, nhưng cái gọi là thái độ đối xử với dân chúng chỉ cần thông qua một bữa cơm là có thể nhận ra. Cậu bắt dân chúng đến gặp cậu hay cậu đi gặp dân chúng?”
Thư ký trưởng lập tức nhận thức được sai lầm của mình: “Dạ dạ dạ, chúng ta nên đi tới huyện đó.”
Ra khỏi phòng làm việc của Mã Văn Bân, ông vội gọi điện thoại cho Chủ tịch huyện Trịnh Trọng. Trịnh Trọng bèn sắp xếp bữa cơm tại Bồng Lai Tiên Cảnh của huyện. Đây là nơi có phong cách dùng cơm sang nhất huyện. Dù huyện nằm trong đất liền, nhưng đồ ăn của Bồng Lai Tiên Cảnh lại có hải sản tươi sống của các nơi trên thế giới. Trước đây, khi chủ tịch Mã Văn Bân đến huyện thị sát, nếu ở lại ăn cơm thì đều ăn tại Bồng Lai Tiên Cảnh, vì thế lần này cũng sắp xếp ăn ở đây. Khi Trịnh Trọng báo cáo với thư ký trưởng, thư ký trưởng báo cáo lên Mã Văn Bân, Mã Văn Bân lại thoáng cau mày: “Không phải đã nói Học một hiểu mười sao? Bốn chữ học thuộc lòng sao lại khó thế chứ? Mời dân chúng ăn cơm mà cậu đi Bồng Lai Tiên Cảnh xa hoa rực rỡ, hải sản tươi giãy đành đạch, còn chưa ăn cơm đã làm người ta sợ rồi. Cô ta thấy mấy cậu cả ngày ăn ngon như vậy trong lòng càng tức giận. Tiếp đó công tác tư tưởng với cô ta còn làm thế nào được nữa? Theo tôi mời người ta ăn cơm có thể tìm một nơi khiến người ta cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Chẳng hạn như đến thị trấn cô ta tìm quán canh thịt dê, mỗi người ăn dăm ba cái bánh nướng, uống bát canh dê nóng hôi hổi chảy mồ hôi khắp mặt. Chẳng phải không khí thoáng chốc đã chan hòa ư?”
Thư ký trưởng lại nhận thức thấy sai lầm của mình, vội gật đầu: “Dạ dạ dạ, mình đến thị trấn của họ ăn canh thịt dê.”
Rồi thư ký trưởng lại lo lắng: “Chỉ sợ quán cơm nhỏ ở thị trấn không vệ sinh.”
Mã Văn Bân xua tay: “Tôi cũng lớn lên ở nông thôn từ bé, người ta ăn được tôi cũng ăn được, mấy cậu sợ không ăn được thì đừng đi nữa.”
Thư ký trưởng vội gật đầu: “Tụi em cũng ăn được, tụi em cũng ăn được ạ!”
Rồi vội quay về phòng làm việc của mình gọi điện thoại cho Chủ tịch huyện Trịnh Trọng. Trịnh Trọng cũng lập tức nhận ra sai lầm bèn thay đổi chỗ ăn cơm, đổi thành quán thịt dê ở thị trấn theo như chỉ thị của Chủ tịch thành phố Mã Văn Bân. Đồng thời Trịnh Trọng càng thêm khâm phục Mã Văn Bân hơn. Người ta nghĩ một chuyện cỏn con cũng sâu xa hơn mình. Thâm ý của từ “nhỏ” bản thân Trịnh Trọng vẫn chưa suy ngẫm thấu đáo. Thua kém là như thế nào? Thua kém chính là ở chỗ này đây.
Tối hôm sau, Chủ tịch Mã Văn Bân liền mời Lý Tuyết Liên ăn canh thịt dê ở quán canh thịt dê Lão Bạch chỗ trấn Rẽ. Quán canh thịt dê Lão Bạch ở đầu phía Tây thị trấn. Ngày thường, quán Lão Bạch bẩn thỉu nhơ nhớp từ trong ra ngoài, bỗng dưng hôm nay sạch sẽ đến lạ thường. Ban sáng còn bẩn, chiều đã sạch tinh tươm. Dưới đất đã được quét dọn, bàn được dùng nước sôi để rửa. Trên trần nhà có vài cái hốc, tạm thời được trát mấy tờ giấy báo lên. Ngóc ngách xó xỉnh sau bếp cũng dùng xẻng xúc đống cặn bẩn dầu mỡ một lượt. Trong ngoài vừa được dọn dẹp hết thảy khiến quán Lão Bạch trông sáng sủa hơn hẳn. Bên trái quán là một sạp bán tiết canh dê ven đường, ban sáng còn đang bán tiết canh nhưng buổi chiều bị Chủ tịch thị trấn Lại Tiểu Mao đuổi đi. Bên phải quán là quán lão Dư chuyên nhổ răng kiêm bán tạp hóa, buổi chiều cũng bị Lại Tiểu Mao đuổi đi. Trái phải trước sau vừa được quét dọn, mặt tiền quán Lão Bạch cũng khoáng đạt hơn nhiều. Đi cùng Chủ tịch có Thư ký trưởng của Ủy ban thành phố, Chủ tịch huyện Trịnh Trọng, Chánh án Vương Công Đạo. Một chiếc bàn, tổng cộng năm người. Các tùy tùng khác của Ủy ban thành phố, tùy tùng của Ủy ban huyện, tùy tùng của tòa án huyện được Chủ tịch thị trấn Rẽ Lại Tiểu Mao đưa đến nhà ăn Ủy ban thị trấn ăn cơm vì lo nếu nhiều người sẽ khiến Tuyết Liên sợ. Việc cử ai đi mời Tuyết Liên đến ăn cơm cũng khiến Chủ tịch huyện Trịnh Trọng hao tâm tổn trí. Trịnh Trọng và Công Đạo đều vừa làm căng với Tuyết Liên xong, không dám chọc giận cô ta lần nữa. Trịnh Trọng bèn đem gánh nặng này đấy sang Chủ tịch thị trấn Rẽ Lại Tiểu Mao. Lại Tiểu Mao năm nay gần 40 tuổi, người thấp béo, ngày thường nói một câu phải kéo theo ba từ chửi bậy, khi uống rượu say vào rồi còn dám đánh người. Hắn có một con xe Volks wagen Santana 3000. Mỗi khi uống rượu say là chui lên xe ngồi phía sau và thích thú chỉ huy tài xế lái xe. Xe mà chạy nhanh là hắn cáu, giương tay lên đập vào đầu tài xế rồi chửi: “Mẹ, lái như cặc, mày vội về chịu tang à?” Xe chạy chậm lại hắn cũng cáu, giương tay lên lại đánh tài xế một cái bạt tai nữa: “Mẹ, lái như cặc. Mày đang kéo xe à? Con xe hơi tử tế, để mày lái như lái xe lừa thế à?”
Thế nên đã có đến năm tài xế bị hắn đánh bỏ chạy. Cán bộ của Ủy ban thị trấn có hơn bốn chục người, không một ai chưa từng bị hắn chửi. Dưới trấn có hơn hai chục thôn, hơn hai chục trưởng thôn, cũng chẳng có ai chưa từng bị hắn đá. Nhưng Lại Tiểu Mao làm Chủ tịch thị trấn đã năm năm, khi biết Lý Tuyết Liên ở một thôn thuộc trấn Rẽ năm nào cũng kiện cáo, nhưng hắn luôn Kính nhi viễn chi với cô. Cũng vì Tuyết Liên kiện cáo, nên hàng năm, khi trên huyện diễn ra Hội nghị tổng kết cuối năm, thị trấn Rẽ đều bị phê bình vì không đạt được mục tiêu “duy trì ổn định”, không thể coi là thị trấn tiên tiến. Lại Tiểu Mao đi họp ở huyện về, dặn dò tất cả cán bộ của Ủy ban thị trấn rằng thà không làm cái tiên tiến này cũng không được cản trở Lý Tuyết Liên kiện cáo. Vì Tuyết Liên kiện cáo vượt cấp nên chỉ cần không cản trở cô ta sẽ không đem lại phiền phức cho thị trấn. Nếu ngăn cô ta không kiện vượt cấp nữa thì tổ ong vò vẽ này sẽ rơi thẳng vào đầu hắn. Lại Tiểu Mao nói: “Chúng ta làm việc tại thị trấn Rẽ, đầu óc cũng phải biết rẽ.”
Bình thường Lại Tiểu Mao thô thiển, ai ngờ cũng có lúc tinh tế lạ thường. Như hôm nay Trịnh Trọng phái hắn đi mời Tuyết Liên ăn canh thịt dê. Mặc dù trong bụng Lại Tiểu Mao ấm ức kêu khó, nhưng lại không dám không đi. Ngày thường hể gặp ai, là hắn mở miệng chửi, giơ tay đánh nhưng vừa gặp Tuyết Liên, cái mặt béo lại cười tươi như hoa, mở miệng gọi tiếng: “Bác gái”. Cách gọi như vậy khiến Tuyết Liên cảm thấy có chút nực cười. Vì một vụ kiện cáo mà cô gom về nhiều họ hàng đến như này sao? Tuyết Liên nói: “Cậu Chủ tịch thị trấn, Chánh án gọi tôi là chị họ tôi nghe đã có chút hoang mang rồi. Cậu lại còn tăng thêm một bậc, gọi tôi là bác, tôi nghe mà nổi hết da gà.”
Lại Tiểu Mao dựng mắt lên: “Anh Đạo gọi bác là chị họ, chắc chắn là gọi vô cớ. Cháu tính từ nhà ngoại cháu, gọi bác một tiếng bác gái, thật không oan chút nào. Cháu tính bác nghe, nhà ngoại mẹ cháu ở Nghiêm gia trang, anh trai mẹ cháu cũng chính là bác cháu, cưới cháu gái bên ngoại của lão Sài ở Sài gia trang...”
Hắn giơ mây ngón tay mập ú lên đếm. Tuyết Liên vội cản hắn lại: “Cậu Chủ tịch thị trấn, mình đừng vòng vo nữa, có chuyện gì? Nếu cậu đến nói chuyện kiện cáo thì đừng nói tiếp nữa.”
Lại Tiểu Mao: “Không nói chuyện kiện cáo. Bác gái, cháu làm việc trên thị trấn năm năm nay, gặp bác, từng nói với bác về chuyện kiện cáo chưa?”
Tuyết Liên nghĩ nghĩ rồi gật đầu: “Đúng thật là chưa từng nhắc đến.”
Lại Tiểu Mao vỗ tay: “Đúng vậy, có thù báo thù, có oan rửa oan, từ thời Tam quốc đến nay, đó đã là đạo lý muôn thuở. Cháu không cản người ta kiện cáo. Hôm nay cháu đến là mời bác đi ăn cơm. Cũng không phải cháu mời bác ăn cơm, mà là Chủ tịch Bân của thành phố mình mời bác. Bác gái, bác nở mặt rồi nhé!”
Tuyết Liên lập tức sầm mặt lại: “Mặc kệ Chủ tịch thành phố hay Chủ tịch huyện. Tự nhiên mời ăn cơm, việc tốt thế nhưng không chừng trong lòng đang ủ việc gì xấu cũng nên.”
Rồi lại nói: “Tại sao ngày thường không mời giờ đột nhiên muốn mời? Còn chẳng phải vì nước mình sắp mở Đại hội đại biểu Nhân dân à?”
Đoạn quay người đi ra ngoài sân. Lại Tiểu Mao nhảy tới trước mặt, lấy tay giữ cô lại: “Bác gái, cháu đồng ý với cách nghĩ của bác, làm chức quan to vậy, không thể bỗng dưng lại đi mời người khác ăn cơm, huống hồ lại giờ đang là giai đoạn đặc biệt. Nhưng dù là tiệc Hồng Môn(9) đi chăng nữa, hôm nay bác cũng phải đi một chuyến.”
Tuyết Liên lại ngớ ra: “Ý gì đấy? Muốn bắt ép người khác à?”
Lại Tiểu Mao: “Vậy cháu nào dám ạ! Cháu cầu xin bác, không vì người khác, mà vì cháu. Chuyện này vốn dĩ không liên quan đến cháu, bên trong cũng không. Ai biết họa từ đâu rơi xuống. Việc mời bác ăn cơm hôm nay, lại rơi trúng đầu cháu. Cháu cũng biết Chủ tịch tìm bác lại sẽ khuyên bác đừng kiện cáo, bác không đồng ý cháu cũng không đồng ý. Nhưng bác đồng ý hay không đó là chuyện của bác, bác có đi ăn cơm hay không lại là chuyện của cháu. Chỉ cần bác đi, chẳng may bác có gây ầm ĩ gì với bọn họ thì cũng không liên quan đến cháu. Bác gái, việc của bác quá lớn còn chức cháu thì lại quá nhỏ. Trước giờ bác đều tiếp xúc với cấp cao, lần này đừng vì một bữa cơm mà lôi cháu vào cuộc. Cái chức Chủ tịch thị trấn này dễ tiêu tan lắm. Bác mà không mở lòng từ bi là cháu bốc hơi tức thì luôn. Trên cháu còn mẹ già dưới còn con nhỏ, cha cháu tức anh họ bác cũng hơn tám mươi rồi, còn bị tắc động mạch máu, mồm méo mắt trợn, đang nằm trên giường, không biết còn có thể sống được mấy ngày. Bác gái, bác không thương cháu, vậy coi như thương cha cháu.”
Người hắn chặn lấy cánh cửa, mông cong cong và bắt đầu vái lạy Tuyết Liên. Cô bật cười, đánh một bạt tai lên đầu hắn: “Cậu còn nhớ mình là chủ tịch thị trấn nữa không, ăn nói chả khác gì dân lưu manh cả. Dù sao cũng chỉ là một bữa cơm thôi mà. Dẫu là vào hang cọp tôi đi một chuyến là được chứ gì.”
Trên thị trấn, Tiểu Mao toàn đánh người, có thằng nào dám đánh Tiểu Mao? Trừ phi thằng đó ăn phải gan hùm. Giờ chịu một bạt tai, Tiểu Mao còn gãi đầu cười: “Ôi bà bác của tôi. Vậy là đúng rồi, ai đó đã nói Đặt dao xuống đất, lập tức thành Phật.”
Hắn sung sướng, lấy con xe Volkswagen Santana 3000 chở Tuyết Liên lên thị trấn.
Tuyết Liên gặp Chủ tịch thành phố Mã Văn Bân, vẫn phần nhiều khách khí. Khách khí không phải vì Mã Văn Bân là Chủ tịch, mà vì ông ta đeo cặp kính tròn gọng mỏng, phong thái nho nhã, nói chuyện cũng rất khách khí, chưa nói đã cười. Nói xong một đoạn, lại cười một lần khiến người khác cảm thấy thân thiết. Trong bầu không khí nho nhã, mọi người không tiện vừa gặp mặt đã gây ầm ĩ. Quan trọng hơn vẻ nho nhã đó là, ông ta nói chuyện rất có lý lẽ. Người khác nói một chuyện chỉ có thể nói một mớ lý lẽ, còn có khi nói sai, nhưng ông ta có thể nói ba mớ lý lẽ mà câu nào cũng có lý. Vừa gặp mặt, Mã Văn Bân tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện kiện cáo, bắt đầu tán gẫu chút chuyện gia đình. Dù là chuyện gia đình, cũng được rào trước đón sau cẩn thận. Trước tiên đi hỏi chuyện bâng quơ như trong nhà có mấy người, làm nghề gì, chẳng khác gì nghe ngóng đời tư của họ, khiến họ trả lời không được, không trả lời cũng không được mà bắt tay vào nói mình trước. Ông ta khẽ chỉ bốn vách quán canh thịt dê, nói mình cũng xuất thân nông thôn, từ nhỏ nhà nghèo, thứ muốn ăn nhất năm đó chính là bát canh thịt dê trên thị trấn. Nghèo nên không được ăn, thành ra hàng ngày cứ tan học là chạy đến quán canh thịt dê, bám lấy cửa quán rồi nhìn vào bên trong. Một lần có một người đàn ông cao lớn ăn liền ba bát. Bát thứ ba còn thừa ít cặn, người đàn ông vẫy tay về phía Mã Văn Bân. Văn Bân qua xin ăn, người đàn ông nói: “Mày sủa ba tiếng chó đi rồi tao cho mày ăn ít cặn này.”>
Văn Bân sủa ba tiếng “gâu gâu gâu”, người đàn ông kia liền đưa bát cho ông ta, ông ta cầm bát ăn í hết. Mã Văn Bân kể chuyện khiến mọi người bật cười, Tuyết Liên cũng cười. Sau đó mọi người ăn bánh nướng, uống canh thịt dê, ăn đến toát mồ hôi khiến cho bầu không khí càng trở nên hòa dịu hơn. Văn Bân lại nói hồi còn nhỏ ông là một thằng bé thật thà, không bao giờ biết nói dối. Ông có một cậu em trai lanh lợi hơn, thấy ông thật thà bèn bắt nạt. Mỗi lần em trai ăn vụng đồ trong nhà đều đổ sang đầu ông, chăn dê bị lạc mất một con cũng đổ lên đầu ông. Ông ngốc ngếch nói không lại em trai nên lần nào cũng bị bố đánh đòn. Hồi đó điều khiến ồng đau khổ nhất là việc mình nói gì cũng thật nhưng lần nào cũng bị người khác cho là nói dối. Em trai toàn nói dối, sao lần nào cũng “được” biến thành thật? Lúc này Tuyết Liên đã hòa vào không khí và chú để cuộc trò chuyện, bất giác buột miệng nói ra:
“Tôi kiện cáo cũng vì cái này. Rõ ràng là giả, sao lại biến thành thật? Những gì tôi nói rõ ràng là thật, sao lại không ai tin?”
Thấy Tuyết Liên chủ động nhắc đến chuyện kiện cáo, Mã Văn Bân bèn nắm bắt thời cơ, bắt đầu nói qua việc kiện cáo của cô. Nói chuyện kiện cáo, cũng không nói từ Tuyết Liên, mà bắt đầu phê bình Chủ tịch huyện Trịnh Trọng, Chánh án Vương Công Đạo đang ngồi bên. Đây cũng chính là nguyên nhân ông bắt họ ở đây. Mã Văn Bân phê bình phương pháp làm việc cẩu thả của họ, đối diện với dân chúng mà quên đi bản thân là công bộc của nhân dân, làm quan mà như ông lớn. Tệ nhất là việc không tin tưởng dân chúng. Cùng là con người với nhau, cho dù không tin tưởng dân chúng thì cũng phải đặt lấy cái tâm để mà suy ngẫm. Một người đi kiện cáo, miệt mài kiện suốt hai chục năm, đem những năm tuổi xuân đẹp nhất dồn cả vào đó, kiện đến mức tóc bạc hết cả. Nếu như cô ấy không oan ức liệu có thể kiên trì được không? Nếu như là các cậu, các cậu có thể làm được như vậy không? Chủ tịch nói vẻ thật lòng đến mức khiến Tuyết Liên cũng thấy có chút cảm động, cứ như lần đầu tiên gặp được tri âm trên đời. Ai nói chính phủ không có cán bộ tốt? Ở đây còn có một người. Chủ tịch huyện Trịnh Trọng, Chánh án Công Đạo bị phê bình đến mức mặt đỏ ửng, gật đầu lắp bắp như gà mắc tóc: “Bọn em về sẽ viết kiểm điểm, bọn em sẽ về viết kiểm điểm!”
Điều này khiến Tuyết Liên áy náy, nói với Văn Bân: “Cũng không thể hoàn toàn trách họ. Họ đều làm quan chức, cũng có cái khó riêng.”
Mã Văn Bân đập bàn: “Nhìn xem, một bà chị nông thôn, giác ngộ còn cao hơn mấy cậu.”
Trịnh Trọng và Công Đạo lại vội gật đầu: “Giác ngộ cao hơn tụi em, giác ngộ cao hơn tụi em thật!”
Mã Văn Bân lại nắm lấy cơ hội này, cười hỏi: “Bà chị, em lại hỏi chị một câu, chị muốn trả lời cũng được, không muốn trả lời cũng không sao, em không ép. Lần trước chị từng nói câu không kiện nữa, họ đều không tin, còn làm căng chuyện. Bây giờ, câu chị từng nói, có thể nói lại không, hoặc là, mình có thể nói lại chuyện đó lần nữa không?”
Rồi ông vội nói tiếp: “Nếu không thể nói lại thì mình cũng không cần miễn cưỡng.”
Tuyết Liên lại cảm động vì câu nói của Mã Văn Bân bèn nói: “Chủ tịch đã nói vậy, tôi không cố chấp. Lời của tôi, giờ vẫn có thể nói lại.”
Đoạn chỉ sang Trịnh Trọng và Công Đạo: “Tôi đã nói với họ hai lần, năm nay tôi không kiện nữa nhưng họ cứ không tin.”
Mã Văn Bân quay sang nói với Trịnh Trọng và Công Đạo nói: “Giống tôi hồi nhỏ, nói thật mà người lớn cứ không tin.”
Mọi người đều bật cười. Văn Bân lại nói: “Bà chị, mình nói chuyện với nhau cho vui. Em hỏi tiếp một câu được không? Đã kiện cáo 20 năm rồi, sao đột nhiên năm nay, chị lại không kiện nữa?
Ông hỏi hệt như hai lần trước Trịnh Trọng và Công Đạo. Tuyết Liên cũng trả lời hệt như hai lần trước: “Ngày trước tôi nghĩ không thông, năm nay nghĩ thông rồi.”
Văn Bân lại cười hỏi: “Bà chị, chị có thể nói cho em biết vì sao ngày trước nghĩ không thông,
năm nay lại nghĩ thông rồi không? Chẳng hạn như có chuyện gì cụ thể khiến chị nghĩ thông? Tất nhiên, giống như ban nãy em đã nói, chị muốn trả lời cũng được, không muốn cũng không sao.”
Vì chuyện gì mà nghĩ thông, đây là câu hai lần trước Công Đạo và Trịnh Trọng quên hỏi. Hai người chỉ chăm chăm suy xét hiện trạng mà quên mất tìm hiểu nguồn cơn. Vì không tìm hiểu nguồn cơn nên không tài nào tin được. Vấn đề Công Đạo và Trịnh Trọng quên hỏi giờ Chủ tịch thành phố đã hỏi rồi. Phải hỏi rõ nguyên nhân bệnh tình thì mới dễ kê đơn thuốc được. Có thể thấy khi Chủ tịch làm việc, ở mỗi tình tiết nhỏ đều nghĩ sâu xa hơn họ. Đây lại là tác dụng của từ “nhỏ”, lại một lần nữa chứng minh Chủ tịch cao minh hơn họ. Trịnh Trọng và Công Đạo vội gật đầu khâm phục. Tuyết Liên bèn nói: “Chẳng vì việc gì cụ thể cả. Tôi nghe lời của con bò.”
Tuyết Liên trả lời như vậy khiến mọi người không ngờ đến, hoặc cũng có thể vì đột nhiên rẽ ngoặt như vậy khiến họ không kịp trở tay. Mọi người đều ngồi ngây ra đó, Mã Văn Bân cũng ngẩn người, miệng lắp bắp: “Bò? Bò gì?”
Trịnh Trọng định thẩn lại, vội hỏi: “Đang nói người, sao lại ngoặt sang bò vậy?”
Tuyết Liên: “20 năm qua, nhiều người như vậy, không một ai tin tôi, duy chỉ có con bò ấy tin lời tôi. Tôi kiện hay không cũng nghe theo lời nó. Ngày trước tôi hỏi con bò có nên kiện hay không, bò nói ‘nên’, vậy là tôi kiện. Năm nay tôi lại hỏi bò, nó không cho tôi kiện nên tôi cũng không kiện nữa.”
Mọi người càng nghe càng thấy mù mờ. Thư ký trưởng cũng bắt đầu lắp bắp: “Cái con bò của chị là có thật hay là chị đang nói đùa với tụi em đấy?”
Tuyết Liên: “Tôi không nói đùa với các cậu, con bò đó của tôi nuôi mà.”
Mã Văn Bân định thần lại hỏi: “Em gặp con bò này được không, bảo nó nói với em vài câu?”
Tuyết Liên: “Không được.”
Văn Bân ngẩn người: “Tại sao?”
Tuyết Liên: “Mấy hôm trước nó chết rồi.”
Mọi người dở khóc dở cười. Trịnh Trọng có đôi chút bực mình: “Bà chị, Chủ tịch đi từ xa như vậy đến đây gặp chị, cũng là có lòng tốt muốn giúp chị giải quyết vấn đề. Chị không nên đùa cợt tụi em, chị không nên nói kháy người khác như thế.”
Thấy Trịnh Trọng bực mình, Tuyết Liên cũng hơi cáu, tay đập bàn: “Xem kìa, hệt như vụ án của tôi. Cứ cái gì là sự thật lại không nói thật được phải không?”
Mã Văn Bân ngăn Trịnh Trọng lại, mỉm cười nói với Tuyết Liên: “Bà chị, em tin con bò này là thật.”
Lại nói tiếp: “Vậy chúng ta cùng tin lời của con bò, năm nay không kiện cáo nữa, được không?”
Tuyết Liên: “Cái này lại phải phân biệt cho rõ.”
Văn Bân: “Phân biệt gì?”
Tuyết Liên: “Bò nói được chứ mấy người nói không được.”
Văn Bân thắc mắc: “Tại sao?”
Tuyết Liên: “Bò không cho tôi kiện, ý nói kiện cáo vô dụng. Mấy người không cho tôi kiện là bắt tôi tiếp tục phải chịu oan. Đây là hai chuyện khác nhau.”
Mã Văn Bân ngẩn người: “Bà chị, tụi em tìm đến chị, không phải đang muốn giúp chị giải quyết vấn đề sao?”
Lúc này Tuyết Liên bỗng bật khóc: “Mấy người đừng lừa tôi, mấy người mà cảm thấy tôi oan, không cần tới tìm tôi, sớm đã lật lại vụ án xét xử cho tôi rồi.”
Chỉ sang Trịnh Trọng và Công Đạo: “Hai cậu và bọn họ giống nhau, đến tìm tôi, vẫn là muốn bịp tôi, sợ tôi đi Bắc Kinh kiện cáo cấp trên sẽ cách chức, của mấy người.”
Rồi tiếp: “Mấy người mà muốn giúp tôi sao bình thường không đến. Toàn quốc vừa mở Đại hội đại biểu Nhân dân, mấy người năm lần bảy lượt đến làm gì? Còn chẳng phải vì muốn lừa tôi cho qua mấy ngày này, sau đó lại quẳng đi không quản sao?”
Mã Văn Bân cau mày, giờ mới biết sự lợi hại của Lý Tuyết Liên. Tìm cô ta để giải quyết vấn đề, không ngờ để cô ta chế giễu bò cũng mở miệng nói chuyện được. Hai bên đều xuất chiêu, ông ta lại rơi vào tròng của người phụ nữ này. Sớm biết như vậy, đã không hỏi nguyên do tại sao, đã không hỏi đến con bò rồi. Nhưng không hỏi nguyên do, sao bốc thuốc theo bệnh được? Tất nhiên, tuy bị rơi vào tròng của người khác, dù là có thêm một con bò, Mã Vãn Bân cũng không sợ. Ông ta muốn thăm dò một chút độ nông sâu của sự việc. Bây giờ, thông qua chuyện con bò, ông nhận ra sự tình đã hết thuốc chữa. Cô ta nói không kiện, chính là vẫn muốn kiện. Hoặc là, cô ta đang quấy rối. Phán đoán của Vương Công Ðạo và Trịnh Trọng vẫn đúng. Sự tình đã hết thuốc chữa, Vãn Bân cũng không sợ, giống như sử dụng cán bộ, cán bộ phạm sai lầm, phân làm hai loại có thuốc chữa và không có thuốc chữa. Người có thuốc chữa còn có cái để nói để sửa, người không có thuốc chữa thì lập tức không cần nói gì thêm nữa. Thư ký trưởng thấy Mã Vãn Bân cau mày, vội đứng dậy bảo: “Hôm nay chúng ta tạm nói chuyện đến đây thôi, Chủ tịch còn có cuộc họp ở thành phố.”
Mã Văn Bân đứng dậy, lúc này mặt lại tươi cười: “Bà chị, em còn có việc, nên đi trước nhé, chị cứ làm theo cách của chị, mọi chuyện không cần miễn cưỡng.”
Nói xong ông bước ra cửa đi luôn. Thư ký trưởng, Chủ tịch huyện Trịnh Trọng, cũng vội đi ra theo. Chỉ còn lại Chánh án Công Đạo ngồi đó “thu dọn chiến trường”. Công Đạo run tay: “Chị họ, chị nói chuyện lạc đi tận đâu thế, nói vụ án thì nói vụ án thôi. Sao lại nói sang cả chuyện con bò? Chị làm như thế có khác gì đang chửi người ta đâu?”
Tuyết Liên lau nước mắt: “Tôi chẳng chửi ai cả.”
Công Đạo: “Lây súc sinh ra so với người, còn không phải chửi à?”
Cậu ta đi vòng quanh, tay run run: “Thà nghe lời súc vật, cũng không nghe lời chính quyền, chẳng khác gì chị nói các cấp lãnh đạo chẳng bằng súc vật.”
Tuyết Liên cáu: “Sao tôi nói gì, các cậu đều không tin? Tôi nói gì, các người cũng toàn nghĩ theo ý xấu cả vậy?”
Lại nói: “Nếu đã như vậy, năm nay tôi vẫn phải đi kiện.”
Công Đạo đập tay: “Đây biết ngay mà, cuối cùng cũng nói thật rồi phỏng?”