Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Chương 21 - Vào Thành Trong Chiến Thắng
T
hành phố Tômxk xây dựng năm 1604, nằm gần trung tâm các tỉnh Xibir và là một trong những thành phố quan trọng nhất của nước Nga phần châu Á. Thành phố Tôbônxk ở phía trên vĩ tuyến sáu mươi và thành phố Irkuxk ở phía bên kia kinh tuyến một trăm đã chứng kiến sự trưởng thành của Tômxk nhờ chính vào sức trợ giúp của hai thành phố này.
Tuy vậy, như chúng ta đã nói, Tômxk không phải là thủ phủ của tỉnh, mà chính Ômxk mối là nơi đóng hành dinh của viên tỉnh trưởng và là nơi tập trung giới quan chức trong tỉnh. Nhưng Tômxk vẫn là một thành phố lớn của vùng, giáp với rặng núi Antai, biên giới Trung Quốc thuộc xứ Khankas*. Từ trên sườn núi đến thung lũng sông Tôm, người ta tìm thấy nào là kim cương, vàng, bạc... nào là đồng, chì, thiếc... Xứ sở này thật là giàu có, cả thành phố cũng vậy, vì nó ở trung tâm của những công cuộc khai thác đầy hiệu quả. Vì vậy, nên sự sang trọng về mặt kiến trúc nhà cửa, những tiện nghi, những trang thiết bị... có thể cạnh tranh được với các thủ đô lớn các nước châu Âu. Đó là thành phố của các nhà triệu phú làm giàu bằng cái thuổng và cái cuốc; và nếu nó không có vinh dự được làm nơi đóng nhiệm sở của người đại diện Nga hoàng, thì nó cũng tự an ủi là: đứng hàng đầu các thân hào thân sĩ ở đây có vị thủ lĩnh các thương gia thành phố, đại lý đặc quyền chủ yếu của chính quyền Nga hoàng trong việc khai thác khoáng sản quốc gia.
Ngày xưa Tômxk được coi như ở một nơi tận cùng thế giới. Đi tới đó là cả một cuộc viễn du. Còn ngày nay, chỉ là một cuộc đi dạo chơi, nếu đường sá không bị giặc xâm lăng gây trở ngại. Rồi có lẽ chẳng bao lâu nữa đường sắt sẽ được đặt nối liền Tômxk với Pecmơ, vượt qua rặng Uran.
Tômxk có phải là một thành phố đẹp không? Về điểm này, phải ghi nhận là du khách chưa nhất trí. Bà Đờ Buôcbulông, đã lưu lại đây vài ngày trong chuyến du lịch của bà từ Thượng Hải đến Maxcơva, cho là thành phố không đẹp. Theo bà miêu tả, thì đó chỉ là một thành phố nhỏ bé với những ngôi nhà cổ bằng đá và gạch, với những đường phố chật hẹp khác hẳn với những đường phố thấy ở các thành thị lớn Xibir và với những khu phố bẩn thỉu chật ních những người Tactar và đầy rẫy những con sâu rượu lầm lì mà “bản thân của sự say sưa cũng vô cảm như ở tất cả các dân tộc phương Bắc!”.
Còn nhà du lịch Hăngri Rutxen Killaogơ thì lại hết sức ca ngợi Tômxk.
Phải chăng điều này có liên quan tới chi tiết là ông ta đến vào giữa mùa đông đang có tuyết dày bao phủ toàn thành phố, còn bà Đờ Buôcbulông lại đến thăm thành phố vào giữa mùa hè? Có thể là như vậy và do đó người ta xác nhận ý kiến là một số xứ lạnh chỉ có thể được tán thưởng trong mùa lạnh, cũng như một số xứ nóng chỉ có thể được tán thưởng trong mùa nóng.
Dù sao chăng nữa thì ông Rutxen Killaogơ cũng cứ dứt khoát bảo rằng Tômxk không những là một thành phố đẹp nhất của Xibir, mà còn là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới với những ngôi nhà có hàng cột trụ bao quanh, những vỉa hè lát gỗ, những đường phố rộng và cân đối với mười lăm ngôi nhà thờ tráng lệ soi bóng xuống sông Tôm, con sông rộng hơn bất cứ con sông nào của nước Pháp.
Sự thật nằm ở giữa hai ý kiến trên đây. Thành phố Tômxk có hai mươi lăm ngàn dân, được bố trí xây dựng theo kiểu bậc thang thật ngoạn mục trên một dãy đồi dài có độ dốc khá hiểm trở.
Nhưng cái thành phố đẹp nhất thế giới đó lại trở thành xấu nhất thế giới khi bị quân xâm lược chiếm đóng. Ai còn muốn đến chiêm ngưỡng nó trong lúc này? Với vài tiểu đoàn bộ binh Côdắc thường trực bảo vệ nó không sao chống lại được các đạo quân của Fêôfar. Một bộ phận nhân dân thành phố vốn gốc Tactar vui vẻ đón tiếp đoàn quân ô hợp cùng gốc Tactar như họ. Lúc này Tômxk chẳng còn tính chất Nga hay Xibir một chút nào, mà nó giống như là một thành phố giữa phiên bang Khôkhanđơ hoặc phiên bang Bukhara vậy.
Chính tại đây, tên êmir đón tiếp đoàn quân chiến thắng của Ivan Ôgarep. Để chào mừng sự kiện này, một buổi lễ được tổ chức với hát xướng nhảy múa trên lưng ngựa kèm theo ăn uống nhậu nhẹt tưng bừng.
Địa điểm buổi lễ mừng này, theo thị hiếu Á Đông được chọn tại một bãi rộng nằm trên một phần của quả đồi có độ cao một trăm bộ so với mặt nước sông Tôm. Với phối cảnh của những ngôi nhà tráng lệ, những thánh thất vòm bầu, những khuỷu sông, những khu rừng chìm trong sương ấm làm hậu cảnh, toàn khu vực đó nằm trong một cái khung màu xanh tuyệt mỹ được tạo nên bởi những khóm thông xanh cao rậm và những cụm bách hương hùng vĩ.
Phía trái bãi, một thứ trang trí rực rỡ tượng trưng một tòa lâu đài với kiến trúc kỳ dị - hẳn là một hình mẫu nào đó của những công trình kiểu Bukhara, nửa Môrơ, nửa Tactar được tạm thời dựng lên trên những nền đất rộng. Phía bên trên lâu đài ấy, những chỏm nhọn của những tháp cao nhấp nhô giữa những cành cây cao che mát quả đồi, hàng trăm con cò đã được thuần dưỡng do quân đội Tactar mang theo từ Bukhara tới, đang lượn tròn.
Những nền đất cao này dành riêng cho triều đình của Fêôfar-khan, cho các khan (phiên vương) đồng minh và cho các quan chức cao cấp của phiên bang và bộ sậu gia đình của mỗi phiên vương xứ Tân Cương.
Trong số các vương phi mà phần lớn chỉ là những nô lệ mua tại các chợ ở Tranxcapcai và Ba Tư, có người thì để hở mặt, có người thì che mặt bằng một cái mạng mỏng. Tất cả đều ăn vận cực kỳ sang trọng. Những áo khoác lịch sự lót bằng lông thú, tay áo vén lật ra sau, buộc phồng theo kiểu châu Âu để lộ những cánh tay trần đeo nhiều vòng liên kết với nhau bằng một sợi dây chuyền đá quý, những bàn tay xinh xắn móng nhuộm nhựa cây “hennek”*. Cứ mỗi rung động nhỏ của những chiếc áo khoác, cái thì bằng lụa mỏng như tơ nhện, cái thì bằng “alaqua” mềm mại, một loại hàng sợi bông kẻ sọc mau, thì lại gây nên tiếng sột soạt nghe thật êm tai đối với những người phương Đông. Dưới áo khoác là những nếp váy gấm mượt mà phủ lên chiếc quần lụa ống hơi bó, phía trên đôi ủng xinh xắn được tô điểm thật duyên dáng bằng những đường thêu đính ngọc. Trong số các phụ nữ không che mặt, người ta có thể ngắm những bím tóc dài buông lơi từ những chiếc khăn sặc sỡ quấn quanh đầu, những đôi mắt đẹp tuyệt vời; những hàm răng trắng bóng và đều tăm tắp; nước da mơn mởn của các nàng còn được tôn lên nhờ sắc đen lánh của hàng lông mày giao nhau bằng một vạch kẻ bằng thuốc vẽ và những đôi mi mắt bôi phấn chì đen mờ.
Dọc theo chân các nền đất được che phủ bởi những lá cờ đại và cờ đuôi nheo, quân cảnh vệ đặc biệt của êmir Fêôfar canh gác với gươm kép lưỡi cong đeo bên hông, dao găm giắt thắt lưng và giáo dài mười bộ cầm lăm lăm trong tay. Một vài tên Tactar trong bọn đó mang những chiếc gậy trắng, các tên khác mang những ngọn kích lớn có ngù sợi vàng, sợi bạc.
Xung quanh, sát phía sau mặt đồi rộng này, trên bờ dốc đứng mà phía dưới là nước sông Tôm cuộn chảy, tụ tập bọn người tứ chiếng gồm đủ các thổ dân vùng Trung Á; người Udơbêch với những chiếc mũ bô-nê to tướng bằng da cừu đen, râu đỏ, mắt xám, vận “arkalouk”, một loại áo dài may theo kiểu Tactar; người Turcoman mặc quốc phục: quần rộng màu sặc sỡ với áo vét và măng-tô dệt bằng lông lạc đà, mũ mềm màu đỏ hình nón hoặc loe rộng, ủng dạ cao kiểu Nga, bật lửa và dao đeo lủng lẳng bên sườn bằng một sợi dây da. Bên cạnh các ông chủ là những người phụ nữ Turcoman, tóc kéo dài ra bằng những dải lông dê, áo sơ-mi mở phanh mà ngoài là cái áo khoác “djouba” sọc xanh da trời, hồng và xanh lá cây, bắp chân họ quấn những dải băng nhiều màu đan chéo nhau đến tận đôi guốc da đi dưới chân. Ở đó, người ta tưởng chừng như tất cả các dân tộc ở biên giới Nga - Trung đứng lên theo tiếng gọi của tên êmir có người Mãn Châu, trán và thái dương cạo nhẵn, tóc tết thành bím, áo dài, thắt lưng bó thân, ngoài mặc sơ-mi lụa, mũ mềm hình bầu dục bằng sa-tanh màu anh đào viền đen có tua đỏ; cùng với chúng là những kiểu người phụ nữ rất đẹp của đất nước Mãn Châu, họ chụp trên đầu một cách đỏm dáng những vòng hoa giả đính vào mái tóc đen bởi những chiếc kim găm bằng vàng và những con bướm được cài theo vào thật khéo. Rồi người Mông cổ, người Bukhara, người Ba Tư, người Tầu xứ Tân Cương bổ sung thêm cho cái đám người được mời tới dự hội mừng chiến thắng của quân Tactar.
Chỉ có người Xibir là vắng mặt. Những người không thể chạy trốn được thì ẩn kín trong nhà với nỗi lo bị cướp phá, điều mà Fêôfar có thể sẽ ra lệnh để kết thúc “một cách vẻ vang” hội mừng chiến thắng này của chúng.
Mãi tới bốn giờ chiều tên êmir mới ló mặt ra địa điểm hội lễ trong tiếng kèn trống inh ỏi và những tràng súng lớn nhỏ.
Fêôfar cưỡi con ngựa y cưng nhất, đầu ngựa cắm một con cò bằng kim cương. Y vẫn mang chiến phục. Cạnh y là các khan xứ Khôkhanđơ và Kunđudơ, các quan chức cao cấp các khanat và đi theo y là một ban tham mưu đông đảo.
Giữa lúc đó, xuất hiện trên nền cao người vợ thứ nhất của Fêôfar gọi là hoàng hậu cũng được, nếu danh hiệu này có thể đặt cho các bà vợ của những “suntan” các quốc gia Bukhara. Nhưng dù là hoàng hậu hay là nô lệ, người đàn bà gốc Ba Tư này cũng là một phụ nữ xinh đẹp tuyệt vời. Trái với phong tục Hồi giáo và chắc là do ý thích thất thường của tên êmir mà mụ ta không che mặt. Tóc mụ dóc thành bốn bím ve vuốt đôi vai trắng ngần chỉ che một màng lụa mỏng thêu kim tuyến, ở phía sau, đuôi tóc được lồng vào chiếc mũ mềm, lóng lánh những hạt ngọc vào loại cao giá nhất. Dưới chiếc váy lụa xanh màu da trời với những sọc xanh đậm tỏa xuống chiếc “diagianê” bằng the mỏng và phía trên thắt lưng là chiếc “piran”, sơmi cùng loại vải với đường viền lượn rất đẹp lên đến tận phía chiếc cổ thon cao tuyệt mỹ. Từ đầu đến chân cô gái bộn lên những đồ trang sức: những đồng tiền vàng Ba Tư xâu bằng chỉ bạc, chuỗi hạt bích ngọc “phirudêt” lấy từ những hầm mỏ nổi tiếng ở “Enboocdơ”, vòng cổ hồng mã não, đá mã não ngọc bích, ngọc mắt mèo và ngọc lam... nhiều đến nỗi tưởng như váy và áo mụ ta dệt toàn bằng đá quý. Còn hàng ngàn viên kim cương óng ánh ở cổ, ở cánh tay, ở bàn tay, ở thắt lưng, ở bàn chân thì phải đáng giá hàng triệu rúp và với cường độ ánh lửa phát ra người ta tưởng như ở giữa mỗi viên kim cương có một tia mặt trời vậy.
Fêôfar và các phiên vương cùng các chức sắc tùy tùng đều xuống ngựa. Tất cả lần lượt ngồi xuống dưới một mái lều rất đẹp dựng ở trung tâm của nền đất đầu tiên. Trước lều, cũng như thường lệ, quyển Kinh Coran được đặt trên một án thư.
Tên phụ tá của Fêôfar, Ivan Ôgarep không để phải chờ đợi lâu và trước năm giờ, những hồi kèn inh ỏi báo hiệu hắn tới.
Ivan Ôgarep - tên Mặt Sẹo - như người ta đã gọi hắn, lần này mặc quân phục Tactar, cưỡi ngựa tới trước lều tên êmir. Một bộ phận binh lính trại Dabêđiơrô đi theo hắn, xếp thành hàng hai bên lề quảng trường. Khoảng giữa chỉ còn đủ chỗ dành cho những trò vui chơi. Người ta nhìn thấy một vết sẹo dài cắt chéo khuôn mặt tên phản bội.
Ivan Ôgarep giới thiệu với tên êmir những sĩ quan chủ yếu của mình và Fêôfar không rời bỏ thái độ lạnh lùng làm nền cho sự oai vệ của y, đã làm cho bọn sĩ quan đó hài lòng với cách thức đón tiếp.
Ít ra thì Hary Blao và Anxiđ Jôlivê, hai người bạn keo sơn hiện nay hợp tác với nhau để cùng săn tin, cũng nhận xét và đánh giá như vậy. Sau khi rời Dabêđiơrô, họ nhanh chóng đi tới Tômxk. Dự định dứt khoát của họ là rời bỏ bọn Tactar, sớm móc nối được với một đơn vị quân Nga nào đó và, nếu có thể thì cùng với đơn vị này tiến về Irkuxk. Những gì họ đã nhìn thấy trong cuộc xâm lăng, từ những đám cháy, hành động cướp phá, những vụ tàn sát đã làm cho họ ghê tởm sâu sắc và họ muốn mau chóng được ở trong hàng ngũ quân đội Xibir.
Anxiđ Jôlivê cho bạn biết anh không thể rời Tômxk trước khi có một bức phác thảo về cuộc kéo quân chiến thắng vào thành của quân đội Tactar - dù chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ của cô em họ. Và Hary Blao đã quyết định là lưu lại một vài giờ, nhưng ngay buổi chiều, cả hai đều sẽ phải trở lại con đường đi Irkuxk và nhờ có ngựa tốt, họ hy vọng vượt trước bọn thám báo Tactar.
Như vậy là Anxiđ Jôlivê và Hary Blao trà trộn vào đám đông và họ chăm chú nhìn, không bỏ sót một chi tiết nào về hội mừng có thể cung cấp cho họ một thiên ký sự ngắn một trăm dòng ngon lành. Họ ngắm nghía Fêôfar trong sự lộng lẫy của y, lũ vợ y, những sĩ quan của y, những vệ binh của y và tất cả sự khoa trương theo lối phương Đông mà các nghi thức ở châu Âu không thể có gì để so sánh. Nhưng họ ngoảnh mặt đi khinh bỉ khi Ivan Ôgarep ra trình diện trước Fêôfar và họ sốt ruột chờ lễ hội bắt đầu.
- Anh thấy không, Blao thân mến, - Anxiđ Jôlivê nói, - chúng ta đã đến quá sớm chẳng khác nào những anh chàng tư sản chính cống muốn cho đáng với đồng tiền của họ vậy. Tất cả những cái đó mới chỉ là mở màn và có lẽ khoái hơn cả là cái đoạn thưởng thức vũ khúc ba-lê.
- Vũ khúc ba-lê nào ấy nhỉ? - Hary Blao ngạc nhiên hỏi.
- Cái vũ khúc cưỡng bách ấy mà. Chà mà xem như sắp mở màn rồi đấy!
Anxiđ Jôlivê nói cứ như là đang ở nhà hát ca múa nhạc. Lấy ống nhòm từ bao ra, anh sửa soạn quan sát như một người thông thạo “các tiết mục đầu tiên của gánh hát Fêôfar”.
Nhưng một nghi lễ đau lòng sắp diễn ra trước khi các cuộc vui bắt đầu.
Thực tế, vinh quang của kẻ chiến thắng chưa thể coi như là trọn vẹn, nếu còn thiếu sự lăng nhục kẻ chiến bại trước công chúng. Vì thế, hàng trăm người tù được xua đến dưới làn roi của binh lính. - Họ buộc phải diễu qua trước mặt Fêôfar và đồng minh của hắn trước khi bị dồn vào các nhà ngục của thành phố với các bạn tù xấu số của họ.
Trong số những người tù đó thì đứng ở hàng đầu là Misen Xtrôgôp. Theo lệnh của Ivan Ôgarep, anh bị một toán lính đặc biệt canh giữ. Mẹ anh và Nađia cũng ở đó.
Bà già Xibir bao giờ cũng cứng rắn, khi đó là vấn đề chỉ liên quan tới mình, giờ đây sắc mặt bà tái xanh dễ sợ. Bà chờ đón một cái gì khủng khiếp sắp xảy ra. Không phải ngẫu nhiên mà con trai bà bị dẫn tới trước tên êmir. Vì vậy bà run sợ cho anh. Ivan Ôgarep bị quất trước mặt mọi người bằng chính chiếc roi da mà tên lính giơ lên để quất vào tấm lưng trần của bà. Hắn không phải là một con người có thể dễ dàng tha thứ cho ai và hắn sẽ trả thù một cách khốc liệt không chút nương tay. Một cuộc hành tội rùng rợn quen thuộc với bọn người man rợ miền Trung Á chắc chắn là đang đe dọa giáng xuống Misen Xtrôgôp. - Sở dĩ Ivan Ôgarep còn ngăn chưa cho bọn lính đụng tới anh, vì hắn biết phải làm gì khi dành cho tên êmir quyền phán xử.
Cả bà mẹ và người con trai đều chưa thể trao đổi gì được với nhau từ sau cái cảnh bi thảm xảy ra ở trại Dabêđiơrô. Họ bị tách xa nhau ra một cách tàn nhẫn. Nỗi khổ càng thêm nặng nề, vì đối với họ, nếu được gần gũi nhau trong những ngày cay cực này, thì hẳn cũng sẽ được đôi phần khuây khỏa. Bà Marfa Xtrôgôp mong muốn biết bao được xin con trai tha thứ cho về tất cả những khổ đau bà đã vô tình gây ra cho anh, bà tự kết tội mình là đã không chế ngự được tình cảm của một người mẹ. Nếu bà tự kiềm chế được ở Ômxk, ở cái nhà trạm ấy khi bất ngờ chạm mặt với con, thì Misen Xtrôgôp đã có thể đi qua mà không một ai nhận biết và bao nhiêu tai họa đã tránh được!
Còn về phía Misen Xtrôgôp, anh nghĩ sở dĩ Ivan Ôgarep đưa bà ra trước mặt anh, chính là để làm cho bà đau đớn phải trông thấy cảnh anh bị tra tấn nhục hình. Cũng có thể là một cái chết khủng khiếp như thế nào đấy đã được dành cho anh và cả mẹ ạnh!
Về phía Nađia, cô tự hỏi mình có thể làm gì để cứu giúp hai người, làm thế nào giúp đỡ được cả người con và người mẹ. Cô chỉ còn biết tung cao trí tưởng tượng mà thôi; nhưng cô lờ mờ cảm thấy trước hết phải tránh sự chú ý nhằm vào mình, phải tự giấu mình đi, tự thu nhỏ mình lại. Rồi biết đâu cô chẳng có thể như con chuột nhắt gặm đứt dần những mắt của cái lưới đang giam cầm con sư tử. Dù sao nếu hoàn cảnh cho phép, cô sẽ hành động dù phải hy sinh cho con trai của bà Marfa Xtrôgôp.
Trong lúc đó, phần lớn tù nhân vừa diễu qua trước mặt tên êmir và lúc đi ngang qua, mọi người đều phải quỳ xuống cúi đầu trán chạm đất để tỏ vẻ phục tùng.
Ách nô lệ bắt đầu bằng sự lăng nhục! Khi những con người bất hạnh đó khom người xuống quá chậm, thì đã có những bàn tay thô bạo của những tên vệ binh xô mạnh làm cho họ ngã lăn xuống đất. Anxiđ Jôlivê và bạn đồng nghiệp chứng kiến cảnh đó với bao nỗi bất bình!
- Thật là hèn hạ! Chúng ta đi thôi - Anxiđ Jôlivê bảo.
- Không! - Hary Blao đáp. - cần phải thấy tất cả!
- Thấy tất cả!... Ô kìa! - Anxiđ Jôlivê bất thần kêu lên và nắm lấy cánh tay bạn.
- Cái gì thế? - Hary Blao hỏi.
- Nhìn kìa Blao! Cô ấy đấy!
- Cô nào?
- Em gái người bạn đồng hành với chúng ta! Có một mình và cũng bị bắt. Cần phải cứu cô ta!...
- Hãy bình tĩnh lại, anh bạn! - Hary Blao thản nhiên bảo - Sự can thiệp của chúng ta chỉ có hại, chứ chẳng có lợi gì cho cô gái này.
Anxiđ Jôlivê đang sẵn sàng lao ra, vội dừng lại. Nađia không nhìn thấy họ, vì tóc xõa che nửa mặt; đến lượt cô đi qua trước mặt tên êmir, nhưng không làm hắn chú ý.
Sau Nađia, bà Marfa Xtrôgôp bước tới... Vì chậm cúi dập đầu, bà bị bọn lính gác hung hãn đẩy ngã lăn xuống đất.
Người con trai làm một động tác dữ dội. Bọn lính canh giữ anh phải khó khăn lắm mới kìm được anh đứng yên.
Bà Marfa đứng lên và sắp bị lôi đi, thì Ivan Ôgarep bỗng ra lệnh:
- Để người đàn bà này lại!
Còn Nađia bị dồn lẫn vào đám đông tù nhân, Ivan Ôgarep không để ý nhìn cô.
Misen Xtrôgôp bị dẫn tới trước mặt tên êmir. Anh đứng thẳng người, đầu ngẩng cao.
- Dập trán xuống đất! - Ivan Ôgarep thét.
- Không! - Misen Xtrôgôp đáp.
Hai tên vệ binh toan bắt anh khom người xuống, thì chính chúng lại bị ngã sóng soài trên đất chỉ bằng một cái gạt tay của chàng thanh niên lực lưỡng.
Ivan Ôgarep bước đến gần Misen Xtrôgôp:
- Mi sẽ chết! - Hắn bảo anh.
- Phải, ta sẽ chết! - Misen Xtrôgôp kiêu hãnh nói: - Nhưng cái mặt phản bội của mày, Ivan, sẽ mãi mãi mang dấu vết ô nhục của chiếc roi da!
Câu nói làm cho Ivan Ôgarep mặt tái đi khủng khiếp.
- Tên tù này là thế nào? - tên êmir hỏi với cái giọng hằm hè hơn là bình thản thường có.
- Thưa đó là một tên gián điệp Nga! - Ivan Ôgarep vội đáp.
Gán cho Misen Xtrôgôp tội làm gián điệp, hắn biết là bản án xử anh sẽ rất ghê gớm.
Misen Xtrôgôp bước về phía Ivan Ôgarep.
Bọn lính giữ anh lại.
Tên êmir phác một cử chỉ làm cho cả đám đông cúi đầu. Rồi y chỉ tay vào quyển Kinh Coran. Quyển sách này lập tức được mang lại. Y mở cuốn Thánh Kinh và đặt ngón tay lên một trang.
Đó là sự tình cờ hoặc đúng ra, trong ý nghĩ của những người phương Đông này là chính chúa sẽ quyết định số phận của người tù Misen Xtrôgôp. Các dân tộc Trung Á gọi việc làm này là “phan”. Sau khi diễn giảng ý nghĩa của chương tiết mà ngón tay quan tòa đặt vào, họ sẽ tuyên án bất kể tội trạng như thế nào.
Tên êmir vẫn giữ ngón tay đặt trên trang Kinh Coran. Viên chánh án tới gần, đọc to một tiết, kết thúc bằng câu:
“Và nó sẽ không còn nhìn thấy gì nữa trên mặt đất này”.
- Này, tên gián điệp Nga! - Fêôfar-khan nói: - Mày đến đây để nhìn những gì xảy ra ở trại quân Tactar. Vậy mày hãy mở to mắt ra mà nhìn, hãy nhìn đi!